Những câu chuyện về cuộc chiến

Viet Thanh Nguyen | Trà Mi

Những câu chuyện của người trong cuộc kể về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam

Tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần, lần đầu ở chiến trường, lần thứ hai trong ký ức. Đây là những gì tôi dạy sinh viên trong khóa về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tôi cũng dạy họ về tầm quan trọng của những câu chuyện. Những câu chuyện là cách chúng ta hiểu về ký ức và lịch sử của mình. Những câu chuyện là cách chúng ta truyền lại ký ức và lịch sử của mình. Những câu chuyện là cách chúng ta hiểu và đấu tranh về ý nghĩa của những cuộc chiến và những quốc gia.

Khi nói đến chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, người Mỹ đã tạo ra nhiều câu chuyện dưới dạng phim, tiểu thuyết, diễn văn và các bài tường thuật lịch sử và báo chí. Thật không may, những câu chuyện này thường loại bỏ hoặc gạt người Việt Nam, người Campuchia và người Lào ở những vùng đất từng xảy ra cuộc chiến tranh này sang bên lề. Và khi nói đến người Mỹ, những câu chuyện của người Mỹ có khuynh  hướng làm tiền cảnh cho kinh nghiệm của đàn ông và lính da trắng.

Tôi nói với sinh viên rằng chiến tranh không chỉ có binh lính, tướng lãnh và đàn ông. Các cuộc chiến trong thế kỷ 20 đã giết chết nhiều thường dân hơn là binh lính. Chiến tranh cũng giết chết phụ nữ và trẻ em và tạo ra nhiều người tị nạn. Sự hiểu biết của người Mỹ về chiến tranh, bằng cách tập trung vào đàn ông, binh lính và người Mỹ, thực ra chỉ là hiểu biết một phần về bản chất của chiến tranh.

Để hiểu rõ hơn về cuộc chiến này, tôi yêu cầu học sinh phỏng vấn những người sống sót, cựu chiến binh, nhân chứng và con cháu của họ. Đàn ông và phụ nữ, binh lính và dân thường, người Mỹ và người Đông Nam Á, người Da trắng và Da đen. Một số người được phỏng vấn, trước đây, chưa bao giờ kể những câu chuyện về chiến tranh. Một số người được phỏng vấn lần đầu tiên kể lại chuyện của họ cho các sinh viên là con hoặc cháu của họ.

Bất kể sinh viên có mối liên hệ cá nhân với chiến tranh hay không, những câu chuyện mà họ thu thập được sẽ đưa họ đến gần hơn với lịch sử và sắc thái của chiến tranh. Chẳng hạn, họ học được rằng trái ngược với định kiến, nhiều lính Mỹ không bao giờ chiến đấu, nhưng đã phục vụ một cách hòa bình. Họ biết được rằng mỗi người Đông Nam Á mà họ phỏng vấn, dù là quân nhân hay thường dân, đều phải trải qua một hành trình đáng sợ để đến tị nạn ở Hoa Kỳ .

Cuối cùng, tôi hy vọng những gì sinh viên của tôi học được — và những gì bạn, người đọc, cũng học được — kể chuyện là việc cần thiết, cũng như hành động lắng nghe họ. Khi chúng ta lắng nghe câu chuyện của những người đã sống qua chiến tranh, điều chúng ta khám phá ra là chiến tranh không kết thúc đơn giản chỉ vì chúng ta tuyên bố chúng đã kết thúc. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, phóng xạ còn trong ký ức, trong nhiều năm, nhiều chục năm và nhiều cuộc đời.

DAVID BOYNTON

Faustine Nathaniel, Mike Shao, Ethan Wang và Jason Zilberfarb phỏng vấn

Rõ ràng là mẹ và cha tôi có những lo âu. Anh tôi ở Việt Nam cùng lúc với tôi — anh ấy ở Không quân, tôi ở Thủy quân lục chiến — và cả hai chúng tôi đều sống sót và trở về nhà.

Trước chiến tranh, tôi đang học đại học, nhưng tôi mê gái quá và không chịu khó học, nên đó là số mạng của tôi. Tôi đã bị gọi đi quân dịch ngay sau đó. Tôi đã làm việc với một Trung tá, người đứng đầu những Đại đội Hành động Hỗn hợp — hay các đơn vị CAC — một phần của chương trình bình định mà Thủy quân lục chiến thực hiện ở Việt Nam để kết bạn với dân làng. Chúng tôi đào giếng để người dân có nước sạch mà  uống  — Việt Cộng có thói quen xông vào giết bất cứ ai có chút quyền, như xã trưởng của một ngôi làng, rồi vứt xác họ xuống giếng. Chúng tôi sẽ đưa các đội y tế đến, cung cấp xà phòng cho dân làng. Chương trình bình định đó cho dân làng biết chúng tôi đã đến đó trong hòa bình.

Tôi nhớ mình đã đến bến Đà Nẵng bằng thuyền. Họ ném cái lưới khổng lồ này qua một bên, và chúng tôi leo xuống với tất cả đồ dùng, vũ khí và đạn dược của mình trong một chiếc túi nhỏ. Sáu tháng sau, tôi được chuyển đến Chu Lai, phía nam của Đà Nẵng; chúng tôi đã di chuyển với đầy đủ vũ khí đạn dược trong thế sẵn sàng về hướng đồng bằng sông Cửu Long.

Có lần, tôi đang cùng đoàn xe tháp tùng Trung tá thì một chiếc xe vận tải sáu bánh cán lên một quả mìn và nổ tung. Từ lúc đó đến đích của chúng tôi, không có gì khác ngoài việc chúng tôi bị bắn tỉa. Những thứ đó thực sự đánh thức người ta. Người kia đã yêu cầu vị Trungi tá ra lệnh cho tôi đem hồ sơ nha khoa xuống nhà xác.

Một lần khác, chúng tôi đến Chu Lai để giúp một lễ kỷ niệm mà làng đã nhờ viên Trung tá tổ chức bằng cách đưa một ban nhạc Thủy quân lục chiến đến chơi nhạc. Ngày hôm sau, sau khi trở về căn cứ, ngôi làng đó đã bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom rải thảm vì nhầm lẫn.

Trở lại Hoa Kỳ, tôi cảm thấy hưng phấn, mặc dù tôi phải nói rằng: ở tuổi đó, tôi không thực sự đánh giá cao việc sống sót trở về nhiều cho lắm. Ngày nay, khi nghe đến trực thăng, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là Việt Nam. Tiếng chong chóng quay. Và một điều gì đó xảy ra với tôi khá thường xuyên, nếu tôi đang làm việc và ai đó đi tới sau lưng tôi và bước ra từ bầu trời trong xanh, tôi thực sự nhảy dựng lên — đó là do 13 tháng ở Việt Nam và tôi phải giải quyết tất cả những vấn đề đó. Ngủ cũng là một vấn đề. Tôi thích một căn phòng  tối, tôi thích hoàn toàn yên tĩnh, và như vậy tôi ngủ ngon hơn. Khi tôi về Mỹ, tôi thấy một người bạn của tôi, Phil, người đã nhập ngũ cùng ngày với tôi, đã viết thư cho tờ báo địa phương ở Caldwell, New Jersey, hỏi thăm xem có ai đã nghe tin tức về tôi hoặc biết tôi đang ở đâu không. Anh ấy về sớm hơn tôi ba hoặc bốn ngày — trong nhóm bảy người bạn thời trung học của chúng tôi, anh ấy và tôi là những người duy nhất sang Việt Nam, nhưng may mắn là tất cả chúng tôi vẫn còn sống. Việt Nam khiến tôi mạnh mẽ hơn trong những cam kết với chính bản thân và cuộc sống của mình. Nó củng cố suy nghĩ của tôi về cách thế giới vận hành và khiến tôi, tôi nghĩ, trở thành một người tốt hơn về cách tôi nghĩ và cách tôi tôn trọng mọi người. Tôi đã nhập ngũ — một nghĩa vụ mà tôi nghĩ rằng mỗi học sinh lớp 12 tốt nghiệp trung học đều phải có trong hai năm. Và sau đó chính phủ sẽ trả tiền cho bốn năm học đại học của bạn.

 NORRIS CHARLES

 Amartya Ranganathan, Kennedy Lollis, Michaela McMahon và Peter Holmes phỏng vấn

Khi bị phóng ra ở cao độ 14.000 bộ, tôi giống như đang lơ lửng trên bầu trời, lộn đi lộn lại. Nếu ghế không thả tôi ra, thì tôi sẽ phải tự thả dù.

Tôi đã từng làm việc cho General Electric như một một kế toán viên chi phí ở St.Petersburg, Florida — bạn biết đấy, ngu ngốc, béo tốt và hạnh phúc, sống một cuộc sống tốt, sẵn sàng ở lại thêm 70 năm tới. Một ngày nọ, tôi về nhà và vợ tôi đã nhận được giấy gọi tôi đi quân dịch. Tôi không muốn bị bắt đi quân dịch; tôi không muốn mang súng hay giết bất cứ ai. Một nhân viên tuyển dụng Hải quân nói với tôi lựa chọn tốt nhất của tôi là vào Hải quân. Tôi đã đỗ kỳ thi tuyển sĩ quan bay hải quân. Tôi nghĩ Hải quân sẽ cho tôi cơ hội kinh nghiệm tất cả những điều tôi muốn làm khi lớn lên — ra ngoài và xem cuộc sống thực sự là như thế nào trên thế giới này. Có rất ít người da đen trong Hải quân.

Đó là đêm giao thừa khi máy bay của tôi bị bắn rơi. Đột nhiên, chiếc dù của tôi mở ra. Tôi cố gắng thả cho bay về phía Vịnh Bắc Việt — vùng biển — nhưng nó không xảy ra như thế. Khi bay qua lớp mây, tôi nhìn thấy những tia sáng và nhận ra rằng họ đang bắn vào tôi. Cách mặt đất 20 bộ, tôi có thể thấy mình đang rơi xuống cánh đồng lúa ở giữa một ngôi làng và tôi thấy 30 hoặc 40 người đang chạy theo với cuốc, cào và súng. Khi tôi chạm đất, tôi cắt ‘dù’ quay lại và nói “hòa bình nha bà con”. Họ lục soát tôi để tìm vũ khí và tôi nhận thấy có một số dân quân ở đó nói “này này, này!” — “không, không” — nói với mọi người “đừng can thiệp vì hắn là niềm tự hào của chúng ta.” Nếu bạn bị bắt và bạn là tù binh, họ có thêm chiến lợi phẩm đàm phán để dùng với Hoa Kỳ — nếu Mỹ ngừng ném bom chúng tôi, chúng tôi sẽ gửi tù binh của Mỹ về nhà! Họ đưa tôi đến một ngôi nhà, và phi công của tôi cũng ở đó, anh ta bị gãy cả tay và chân. Tất cả những gì tôi có thể thấy là lố nhố những cái đầu người, rất đông người. Có người hỏi tôi có cần gì không, tôi nhìn anh ta và cười, “Tôi là kẻ thù của ông!” Nhưng ông ấy rất nghiêm nên tôi nói, “Trời ạ, ngoài đó lạnh lắm. Tôi cần chăn, tôi cần thức ăn.” Và khi tôi quay lại, tôi đã có đủ, chăn và mọi thứ tôi cần.

Tôi nhớ mình đã bị đem đi diễn hành sau khi bị bắt. Chúng tôi đi ngang qua một phụ nữ, và cô ấy chỉ muốn trố mắt nhìn tôi, và sau đó tôi cố hiểu tại sao: Tôi nghĩ máy bay của tôi có lẽ rơi trúng nhà cô ấy; nó có thể đã giết bất cứ ai ở trong đó. Nhưng dân quân đã bảo vệ tôi. Họ không để ai chạm vào tôi. Họ đưa tôi vào hang một lúc, và lũ trẻ sẽ đến sờ tóc tôi vì có lẽ chúng chưa từng thấy người Da đen bao giờ, nhưng chúng thực sự đã  cho tôi thuốc lá và đồ đạc. Tôi không bao giờ sợ hãi, ngay cả khi họ đang bắn vào tôi. Vì lý do nào đó, tôi biết mình sẽ sống sót. Cuối cùng, họ đưa tôi lên xe Jeep về Hà Nội. Tôi bị bịt mắt suốt quãng đường, ngồi trên sàn, bị những người khác đè lên mình.

Chúng tôi được đưa đến Hanoi Hilton (Khám lớn). Chúng tôi đã có một người bảo vệ; anh ấy tên là Nguyễn. Và chúng tôi đã hiểu nhau. Tôi đã từng rất nhức đầu, và một lần, Nguyễn không đi qua hệ thống quân đội, anh ấy đi ra ngoài và lấy cho tôi một ít aspirin. Anh ấy luôn rất công tâm về hạnh phúc của tôi vì một lý do nào đó, và điều đó chỉ cho thấy tình người giữa những người đó dù họ là kẻ thù — các bạn biết đấy, họ vẫn là con người.

Khi tôi trở lại Mỹ, mọi người đều đối xử tốt với tôi; Điều đó không đúng trong Thế chiến I và II khi những người lính Da đen trở về Mỹ trong tình trạng vẫn có sự chia rẽ màu da theo luật Jim Crow.

Chúng tôi không có lý do chính đáng [khi tham chiến ở Việt Nam]. Đó luôn là người có cây gậy lớn nhất và người muốn giữ mãi cây gậy lớn nhất. Chúng tôi thực sự đã tiêu diệt [những người đó], và bây giờ họ muốn được đất nước này giúp đỡ: chúng ta mua quần áo của họ, chúng ta mua thức ăn của họ, mua cá của họ. Điều đó đã không cần phải xảy ra, các bạn biết đấy. Chúng tôi không phải giết nhiều người như vậy. Chúng ta không thể áp đặt các quy tắc của mình lên những quốc gia đã hiện hữu 5.000 năm. Điểm mấu chốt là bạn không nên cố gắng đi và cố áp đặt ý thức hệ của mình lên một quốc gia khác.

THERESA NGUYEN

 Zach Estes, Lauren Lawson, Christine Nguyen và Haruko Warren phỏng vấn

Tôi 10 tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Tôi là con trong một gia đình đông người, năm chị em gái và ba anh em trai; mẹ làm việc nhập cảng và bán máy dệt; bố là thợ máy Hải quân.

Hai tháng trước khi Sài Gòn thất thủ, khu phố của chúng tôi bị cháy rụi hai dãy nhà và chúng tôi không còn gì cả. Vào thời điểm đó, tôi không biết nhiều về chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi được bố mẹ cho biết rằng, vào năm 1954, họ đã phải bỏ miền Bắc vào Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, hỗn loạn. Tôi nhớ mẹ tôi đã nói với tám đứa chúng tôi rằng, “hãy ở trong nhà và mặc toàn quần áo màu đen” bởi vì mọi người từ miền Bắc đều mặc đồ đen; rằng chúng tôi phải giống như họ nếu không họ sẽ bắn chúng tôi. Đêm đó chúng tôi không có điện, chỉ có ánh nến. Có rất nhiều xe tăng trên đường phố và mọi người la hét, la hét và chúng tôi rất lo sợ.

Tôi nghĩ rằng một tuần sau đó, tất cả chúng tôi đều trở lại trường học, nhưng mỗi ngày lại có một quy định mới, và những loa phường bắt đầu ra lệnh cho người dân; Đột nhiên, chúng tôi phải đến gặp tổ trưởng để xin phép những việc như đi thăm anh em họ hoặc ngủ lại một nơi nào đó. Chúng tôi phải hỏi người lãnh đạo về mọi thứ — nếu chúng tôi có khách đến nhà — và sau 11 giờ tối, giới nghiêm; bạn không thể đi đâu cả.

Họ đã cố gắng dạy cho những người trẻ tuổi biết người Cộng sản vĩ đại như thế nào, và họ làm cho các cuộc họp trở nên vui vẻ để người dân sẽ lắng nghe và tuân theo.

Ngay cả trước khi Sài Gòn thất thủ, chú tôi đã có kế hoạch cho gia đình chúng tôi đi trốn.

Chú, cô và gia đình tôi đã đến [thành phố biển] Vũng Tàu, như vậy chúng tôi có một con đường đi ra biển và trốn thoát bằng thuyền. Tất cả chúng tôi thu xếp và mặc đồ đen, cùng nhau đến Vũng Tàu để có cơ hội chạy trốn. Nửa đêm, nước ròng ròng, chúng tôi phải men theo đường rày để xuống nấp dưới một căn nhà ở tầng hầm. Đó là nơi [bạn có ngả xuống] nước — ra đại dương — và chúng tôi phải đợi một chiếc thuyền nhỏ. Chúng tôi đợi cho đến khi nước dâng lên đến mũi và tôi không thở được. Mẹ tôi bảo chúng tôi quay trở lại nhà và chờ cơ hội khác. Cuối cùng, chúng tôi quyết định kế hoạch đó không có cơ hội thành công, và chúng tôi phải lên đường trở về Sài Gòn ngay lập tức.

Tôi rất xúc động vì cảm giác như nó vừa xảy ra ngày hôm qua. Rất nhiều người đã có kế hoạch trốn thoát bằng thuyền, và họ muốn bố tôi [người từng là thợ máy Hải quân] bảo trì con thuyền khi họ vượt biển. Cha tôi chấp nhận kế hoạch với điều kiện tất cả chúng tôi phải đi cùng nhau, nhưng chủ thuyền đòi một số lượng vàng nhất định cho mỗi người. Nhưng chúng tôi không còn gì — không tiền, không vàng — nên bố tôi đã thương lượng để dẫn theo anh trai tôi và một trong những chị gái tôi. Anh trai tôi là một ưu tiên vì bất kỳ người thanh niên nào từ 18 tuổi trở lên đều phải nhập ngũ. Đó là lý do tại sao mẹ tôi rất lo sợ cho anh tôi: khi bạn nhận được một giấy gọi nhập ngũ, bạn sẽ không bao giờ trở lại. Bạn luôn luôn chết trận.

Chúng tôi muốn tự do. Cha mẹ tôi muốn chúng tôi có quyền tự do đi học, tự do làm những việc như chúng tôi đã từng làm trước đây. Cha mẹ tôi đã thoát ra khỏi miền Bắc từ năm 1954, nên họ đã có kinh nghiệm sống dưới chế độ Cộng sản.

Bố tôi vượt biển năm 1977 và được một công ty dầu khí ở Indonesia cứu. Khoảng hai tuần sau, chúng tôi nhận được điện báo rằng ông đã dến đảo Galang. Không có bố tôi, chúng tôi rất nghèo; Mẹ đã phải thức dậy từ 3 giờ sáng để đi mua gạo và bán lại ở thành phố kiếm chút lời cho chúng tôi sống qua ngày.

Bố nói được một chút tiếng Anh, vì vậy họ đã đề nghị ông làm trưởng nhóm. Họ cho ông rất nhiều thuốc còn sót lại, và hàng tháng, ông gửi cho chúng tôi một hộp nhỏ, tôi đã bán lại ở Việt Nam. Đã 13 năm rồi tôi mới gặp lại bố tôi. [Cuối cùng ông sang Mỹ] và chúng tôi gia đoàn tụ vơi cha vào tháng 10 năm 1990.

Mặc dù ông đã gửi ảnh cho chúng tôi xem, nhưng khi gặp nhau, tôi nhìn thấy ông là một con người hoàn toàn khác. Chị tôi, anh tôi — họ là người Mỹ. Chúng tôi là người Việt Nam và họ là người Mỹ. Nhưng chúng tôi rất vui khi nhìn thấy họ, và chúng tôi đã nói chuyện cả ngày lẫn đêm, chia sẻ kinh nghiệm và kỷ niệm khi chúng tôi muốn cùng nhau bỏ trốn.

Tôi về thăm Việt Nam năm 1999 vì anh trai lớn của tôi quyết định về nước lấy vợ. Có rất nhiều thay đổi: các tòa nhà lớn, nhiều xe hơi, khách sạn đẹp. Nó hoàn toàn khác so với khi tôi rời đi 9 năm trước.

Tôi đã sống ở Hoa Kỳ 30 năm nay. Tôi nghĩ mình là người Mỹ gốc Việt, và tôi đã thích nghi với văn hóa Mỹ. Về Việt Nam, đối với tôi đó như một nền văn hóa khác. Tôi nghĩ tôi sẽ ở lại đây vì gia đình tôi và các con tôi ở đây và chúng là người Mỹ, người Mỹ gốc Việt.

SON DIEP

Larissa Bitners, Brenna Chen, Abida Diep và Paul Matt phỏng vấn

Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có, và tôi đã có một cuộc sống thực sự tốt đẹp trước khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Tôi học tại một trường tư thục nhỏ của Pháp, và tất cả bạn bè của tôi đều xuất thân từ những gia đình giàu có. [Khi Cộng sản đến] điều đó thực sự khó khăn, đặc biệt là đối với mẹ tôi. Cộng sản đưa rất nhiều người vào các trại tập trung mà họ gọi là trại lao động. Mỗi đêm, chúng tôi phải ngủ trong hầm vì [bị] pháo kích. Thỉnh thoảng, chúng tôi đến trường và biết rằng bạn của chúng tôi đã qua đời vì trúng đạn pháo kích. Chúng tôi phải làm những thủ tục, điền vào giấy tờ, mà họ gọi là lý lịch, có nghĩa là “lý lịch của bạn”. Chúng tôi biết rằng nếu cha mẹ của bạn làm việc cho chính phủ miền Nam Việt Nam hoặc trong quân đội, hoặc nếu bạn không ở trong đảng cộng sản, thì bạn không thể học đại học.

Mẹ phải trở thành con buôn, có nghĩa là mẹ bán đồ ở chợ để kiếm tiền. Chúng tôi trở nên rất nghèo. Đôi khi, tôi phải ở nhà và nấu ăn cho gia đình. Tôi chưa bao giờ nấu ăn trước đây. Không có nước dùng trong nhà, tôi phải xuống giếng mang nước về nhà.

Tất cả chúng tôi đều biết chúng tôi không có tương lai. Một ngày nọ, cha tôi trở về nhà và nói với tôi, “Con, chúng ta không thể sống ở đất nước của mình nữa. Chúng ta dự định sẽ trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền.” Hồi đó, muốn thoát khỏi Việt Nam thì phải tuyệt mật. Nếu ai đó biết và báo công an, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn. Cha tôi biết một vài người đánh cá đang định bỏ trốn. Ông trả vàng cho họ.

Cha tôi đưa tôi đến một gia đình mà tôi không biết, và tôi ở với họ qua đêm. Đến chiều, họ đưa tôi vào một chiếc thuyền thật nhỏ và giấu tôi dưới lưới đánh cá. Tôi được đưa đến một chiếc thuyền khác để đi trốn. Đó là ban đêm, và tôi có thể nghe thấy tiếng súng. Bùm, Bùm, Bùm, Bùm! Chúng tôi biết mình không thể quay trở lại được nữa, nhưng chúng tôi cũng không thể đợi một con tàu khác mang thức ăn và xăng dầu đến. Họ giả như họ đang đánh cá và giăng lưới. Sau đó, thuyền trưởng cắt dây, và chúng tôi ra khơi.

Cuối cùng, chúng tôi đã đến vùng biển quốc tế và thấy rất nhiều tàu lớn. Một tàu đánh cá Hong Kong đã nhìn thấy chúng tôi. Tôi nói với họ “Chúng tôi rất sợ hãi.” Họ nói rằng việc cứu chúng tôi lên tàu đi là bất hợp pháp, nhưng đổi lại, họ cho chúng tôi xăng và la bàn, và họ cho chúng tôi biết phải đi đâu. Họ gọi một chiếc thuyền khác, chiếc thuyền này đi qua và đưa cho chúng tôi một sợi dây, chúng tôi buộc vào thuyền của mình, và họ kéo chúng tôi đến Hong Kong.

Khi tôi nhìn thấy bờ biển, tôi nghĩ, “Đây là thiên đường của tôi.” Nó giống như một ngọn núi với những viên kim cương. Chúng tôi sống [trong trại tị nạn] với những thuyền nhân khác — người tốt, người xấu — và không có tự do. Chúng tôi ở lại ít nhất ba tháng trước khi họ đưa ra cho tôi một số lựa chọn: Tôi có thể đi Mỹ hoặc Úc. Tôi muốn đi Mỹ vì tôi biết bạn có thể có một nền giáo dục tốt và có nhiều cơ hội tốt ở đó. Trong trại chuyển tiếp, họ dạy chúng tôi tiếng Anh, và chúng tôi học về văn hóa Mỹ.

Từ Hong Kong, tôi đáp xuống Seattle. Đó là ngày 31 tháng 3 và thật lạnh. Mọi thứ đều màu trắng; lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết thật. Tôi đến Mỹ mà không có tiền, hai chiếc quần jean, hai chiếc áo phông và không có áo khoác. Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã bảo trợ cho tôi; Tôi chuyển từ Seattle đến Chicago đến Louisville, Kentucky. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc tôi bước xuống máy bay. Họ đưa chúng tôi vào một chung cư trong một khu phố nghèo. Có một số người Việt Nam ở đó. Tôi đã quyết định đi California; Tôi đã làm việc và tiết kiệm cho đến khi mua được vé xe buýt Greyhound, đi một chiều.

Bạn tôi đã đón tôi. Tôi và anh ấy ở chung phòng với một gia đình Việt Nam khác. Chúng tôi đã có thức ăn Việt Nam và một siêu thị nhỏ. Tôi đã đi học đại học, và hầu hết bạn bè của tôi là người Việt Nam. Cảm giác như ở nhà.

Tôi học đại học, tôi đi làm, và tôi luôn biết ơn nước Mỹ. Tôi nghĩ, thời điểm xác định tôi thực sự yêu nước Mỹ đến dường nào khi xảy ra vụ 11/9. Tôi cảm thấy như có một thế lực nào đó đánh vào đất nước của chúng tôi, đánh tôi. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng mình đã sống ở Mỹ lâu hơn nhiều so với thời gian sống ở Việt Nam.

THO SI HO

Khi tôi ở Việt Nam, chúng tôi cảm thấy rằng người Mỹ đã phản bội nhân dân miền Nam Việt Nam. Hơn nữa, những người Cộng sản cũng rất tàn bạo. Sau đó tôi đến đây. Tôi đã nói chuyện với nhiều người bạn Mỹ và tôi nhận ra rằng rất nhiều binh sĩ trẻ bị gọi nhập ngũ khi mới xong trung học. Họ cũng là nạn nhân: nạn nhân của chính sách tồi tệ của chính phủ Mỹ.

Tam Hoang, Ethan Soo và Timothy Duong phỏng vấn

Tôi sinh ngày 12 tháng 8 năm 1962, tại Hàm Tân, Việt Nam. Tôi lớn lên muốn trở thành một linh mục vì tôi thấy mọi người cần được giúp đỡ, như những người nghèo và bất hạnh. Mục tiêu chính của tôi là trường học. Lớn lên, tôi biết rằng một bên là cộng sản, một bên [đấu tranh cho] dân chủ. Cha mẹ tôi rời miền Bắc Việt Nam vào năm 1954 vì những người cộng sản. Khi còn là một đứa trẻ, tôi mơ ước rằng nếu tôi không thành công ở trường, tôi sẽ nhập ngũ và chiến đấu cho tự do vì tôi không đồng ý với cộng sản chút nào.

Năm 1975, những người cộng sản tiếp quản, và chúng tôi [biết rằng mình phải] rời bỏ đất nước. Gia đình chúng tôi không có tiền, vì vậy chúng tôi phải hợp tác với một chủ thuyền. Tôi sẽ giấu và mang theo dầu hoặc gạo hoặc thức ăn cho chuyến đi, nhưng chúng tôi không biết chuyến đi sẽ kéo dài bao lâu. Thuyền của chúng tôi dài khoảng 60 bộ và chở được 59 người. Tôi có thể đưa tay ra và chạm vào biển vì chúng tôi đang ở ngang mực nước. Rất nguy hiểm. Ngày đầu tiên, có một cơn bão, sau đó chúng tôi kiểm lại vật dụng của mình: thuyền của chúng tôi đã hết thức ăn, nước uống và dầu, vì vậy một chiếc thuyền khác đã đến đón chúng tôi. Chúng tôi đã mất ba ngày trước khi đến Malaysia, nhưng họ không cho chúng tôi đổ bộ. Hải quân Malaysia đến để kiểm soát chúng tôi, nhưng họ có vũ khí đề phòng cướp biển.

Chúng tôi được đưa đến một trại tị nạn. Thật dễ dàng để kết bạn vì tất cả chúng tôi đều ở trong hoàn cảnh giống nhau. Mọi người đã vượt biển vì lý do kinh tế, vì tôn giáo, hoặc vì chính trị của họ. Một số đã phải ngồi tù. Mỗi chúng tôi đều có cùng một câu chuyện.

Tôi có một người chú họ xa [ở trại tị nạn], nhưng khi tôi đến, ông ấy vừa rời đi Hoa Kỳ. Khi rời Việt Nam, tôi có ba ước mơ. Đầu tiên là tiếp tục đi học. Thứ hai là đưa bố mẹ và tất cả các anh chị em của tôi sang Mỹ. Thứ ba là làm việc. Nhưng 18 tháng trong trại tị nạn giống như một bản án tù, mặc dù nó vẫn tốt hơn là sống dưới sự kiểm soát của cộng sản.

Khi tôi đến Tiểu bang Washington vào ngày 21 tháng 2 năm 1981, trời đang mùa đông; lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết. Ở trường, chúng tôi đã học về bão tuyết, núi lửa và động đất, nhưng tôi chỉ mới tưởng tượng ra chúng. Mục tiêu đầu tiên của tôi là đưa gia đình tôi đoàn tụ. Tất nhiên là tôi cô đơn; ngôn ngữ là một trở ngại, vì vậy tôi không thể đi ra ngoài và kết bạn. Tôi không có xe hơi; Tôi lấy xe buýt đến trường và trở về, và buổi tối, tôi làm việc tại một nhà hàng Tàu. 1h sáng, nếu lỡ xe buýt, tôi sẽ đi bộ về nhà.

Tôi đã gửi thư cho bố tôi, nhưng nếu tôi muốn gửi tiền cho gia đình, tôi phải bí mật cho họ biết nơi để đến nhận. Khi bố viết thư cho con, nếu có điều gì đặc biệt muốn cho con biết, bố phải ghi vào lề lá thư, vì mỗi lần bạn gửi thư, cộng sản đều mở ra đọc.

Khi tôi đến đây lần đầu tiên vào năm 1981, tôi bắt đầu nộp đơn xin đoàn tụ gia đình. Bạn phải là công dân Hoa Kỳ trước khi có thể bảo lãnh cho gia đình mình, nhưng tôi đã nộp đơn xin ngay lập tức, và tiến trình này kéo dài cho đến năm 1986. Cuối cùng gia đình tôi đã đến Hoa Kỳ vào năm 1992.

Đầu tiên, bạn phải mơ hạnh phúc. Sau đó, bạn đặt mục tiêu của mình. Sau đó, nó thành sự thực. Nghĩ lại, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Tôi đã đặt ra mục tiêu của mình và tôi đã đạt được nó.

Tôi không muốn trở lại Việt Nam vì khi đi, tôi đã thấy những người cộng sản trước mặt cầm vũ khí đã cố  bắn theo. Khi đã sẵn sàng vượt biển vào buổi tối hôm đó, tôi quan sát họ trên bờ, đi đi lại lại với khẩu súng trên tay. Tôi không sợ những người cộng sản, nhưng tôi không đồng ý với họ. Đó là lý do tại sao tôi không muốn về lại. Nhưng cuối cùng, tôi phải làm. Tôi sẽ ở đó hai tháng, và tôi sẽ đi từ Bắc vào Nam. Tôi muốn nhìn thấy nơi sinh của cha mẹ tôi, bởi vì tôi chưa bao giờ thấy những nơi đó. Các bạn cùng lớp của tôi, thời trung học, hiện đang giữ những vị trí cao trong chính phủ, và họ muốn gọi tôi để về làm việc với họ. Tôi nói với họ, “không — khi tôi rời đất nước, các người đã suýt giết tôi.”

58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam. Hàng triệu người Bắc và Nam Việt Nam đã chết. Vì một lý do: quyền lực. Tôi đã tha thứ cho họ, vâng. Nhưng họ phải mở cửa cho dân chủ và sau đó để cho người dân, những người tốt, có một cuộc sống tốt hơn nhiều.

Tác giả | Viet Thanh Nguyen là Giáo sư Đại học tại Đại học Nam California và là tác giả của cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer, The Sympathizer.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Stories from the War  | Viet Thanh Nguyen  | Stranger’s Guide: Vietnam Issue 14.