Sweden thôi trung lập, cùng Phần Lan xin gia nhập NATO
Karl Ritter | DCVOnline
STOCKHOLM (AP) — Thủ tướng Thụy Điển (Sweden) đã thông báo hôm thứ Hai Thụy Điển sẽ cùng Phần Lan (Finland) nộp đơn để trở thành thành viên NATO sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Sự thay đổi lịch sử, sau hơn 200 năm không liên minh quân sự của quốc gia Bắc Âu này, có thể sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin khó chịu. Thủ tướng Magdalena Andersson nói
“Chúng tôi sẽ thông báo cho NATO biết chúng tôi muốn trở thành thành viên của liên minh.”
Magdalena Andersson
Thông báo này được công bố sau một cuộc tranh luận tại Riksdagen, hay Nghị viện, trước đó vào thứ Hai cho thấy có sự ủng hộ rất lớn cho việc gia nhập NATO. Trong số tám đảng của Thụy Điển, chỉ có hai đảng thiên tả nhỏ hơn phản đối đề nghị này.
Vào Chủ nhật, Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đã từ bỏ quan điểm lâu đời của đảng là Thụy Điển phải giữ không liên kết, mở đường cho đa số rõ ràng chọn làm thành viên NATO trong quốc hội.
Hành động này của Thụy Điển diễn ra sau khi nước láng giềng Phần Lan tuyên bố hôm Chủ nhật rằng họ cũng sẽ nộp đơn gia nhập liên minh 30 quốc gia.
Dư luận ở cả hai nước đều kiên quyết phản đối việc gia nhập NATO trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhưng sự ủng hộ đối việc trở thành thành viên NATO đã tăng nhanh chóng sau đó.
Hôm thứ Hai, giới chức chính phủ cho biết Thụy Điển đã quyết định theo chân nước láng giềng Phần Lan và nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt hơn 200 năm không liên kết quân sự vì cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine.
Thủ tướng Magdalena Andersson gọi đây là “một sự thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh của đất nước chúng tôi” khi bà phát biểu trước các dân biểu quốc hội ở thủ đô Thụy Điển.
Andersson cho biết: “Thụy Điển cần những bảo đảm an ninh chính thức đi kèm với tư cách thành viên NATO,” và nói thêm rằng nước này đang quyết định cùng với chính phủ Phần Lan, đã tuyên bố hôm Chủ nhật rằng họ sẽ tìm cách gia nhập liên minh.
Andersson dự định sẽ chính thức công bố quyết định của chính phủ Thụy Điển vào cuối ngày thứ Hai cùng với lãnh đạo phe đối lập Ulf Kristersson.
Quyết định này, căn bản là một thỏa thuận đạt được sau khi Đảng Dân chủ Xã hội của Andersson hôm Chủ nhật từ bỏ sự phản đối lâu nay, không muốn gia nhập NATO, khiến số người ủng hộ trở thành đa số rõ ràng trong Quốc hội. Ngoại trưởng Ann Linde viết trên Twitter
“Ý định của chính phủ Thụy Điển là xin gia nhập NATO. Một ngày lịch sử đối với Thụy Điển. Với sự ủng hộ rộng rãi của những chính đảng trong quốc hội, kết luận là Thụy Điển sẽ đứng vững hơn cùng với các đồng minh trong NATO.”
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde
Từng là một cường quốc quân sự trong khu vực, Thụy Điển đã tránh không liên minh quân sự kể từ khi Chiến tranh Napoléon kết thúc. Giống như Phần Lan, nước này vẫn giữ thái độ trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh, nhưng đã hình thành quan hệ chặt chẽ hơn với NATO sau khi Liên Xô sụp đổ.
Dư luận ở cả hai quốc gia đều kiên quyết phản đối việc gia nhập NATO cho đến khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, sau đó các cuộc thăm dò cho thấy sự thay đổi đáng kể trong việc ủng hộ tư cách thành viên.
Hai chính phủ ở Phần Lan và Thụy Điển đã phản ứng bằng cách nhanh chóng bắt đầu các cuộc thảo luận giữa các chính đảng về tư cách thành viên NATO và liên hệ với Hoa Kỳ, Anh, Đức và các quốc gia NATO khác để được hậu thuẫn.
Tại Helsinki, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết hôm thứ Hai rằng có sự ủng hộ “rất đáng kể” trong Quốc hội và ông mong đợi sự phê chuẩn nhanh chóng. Ông nói rằng ông hy vọng một cuộc bỏ phiếu có thể được tổ chức trước kỳ nghỉ giải lao vào tháng Tám.
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh cáo hành động này sẽ gây ra những hậu quả bất ổn cho an ninh ở châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai cho biết Moscow “không có vấn đề gì” với Thụy Điển hoặc Phần Lan khi họ xin gia nhập NATO, nhưng “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ này tất nhiên sẽ dẫn đến phản ứng của chúng tôi.”
Trong Quốc hội Thụy Điển, chỉ có những đảng Cánh tả và đảng Xanh phản đối việc gia nhập NATO.
Andersson cho biết Thụy Điển sẽ từ chối không chấp nhận có vũ khí hạch tâm hoặc các căn cứ vĩnh viễn của NATO trên đất của họ — các điều kiện tương tự như các nước láng giềng Na Uy và Đan Mạch đã khẳng định khi liên minh này được thành lập sau Thế chiến II.
Mặc dù các giới chức NATO bày tỏ hy vọng về một tiến trình phê chuẩn nhanh chóng, tất cả 30 thành viên NATO hiện tại phải đồng ý để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối, cáo buộc hai nước ủng hộ binh lính người Kurd và những nhóm khác mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói với đài truyền hình công cộng SVT rằng một phái đoàn Thụy Điển sẽ được cử đến Ankara để thảo luận về vấn đề này.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Sweden ends neutrality, joins Finland in seeking NATO berth | KARL RITTER | AP News | 16 May 2022. Jan M. Olsen ở Copenhagen, Đan Mạch, đã đóng góp vào bản tin này.