Phản ứng với Dự luật 96 — luật ngôn ngữ của Quebec — thế nào sẽ phản ảnh con người của chúng ta thế ấy
ANDREW COYNE | DCVOnline
Cũng như dự luật chị em của nó, Dự luật 21, vấn đề cơ bản mà Dự luật 96 nêu ra, luật ngôn ngữ mới gớm ghiếc của Quebec, không chỉ về quyền của người thiểu số hay sự phân chia quyền lực theo hiến pháp, mà còn là chúng ta là quốc gia như thế nào.
Dự luật 21 đã gây chấn động không chỉ ở Quebec mà trên toàn quốc, vì điều rõ ràng là: Không phải sự khẳng định vô thưởng vô phạt về tính trung lập tôn giáo của nhà nước mà những người đẻ ra nó giả vờ nói đó là mục đích, mà nó còn là một cuộc tấn công ghê tởm vào những nhóm dân theo những tôn giáo thiểu số. Người theo đạo Sikh, người Do Thái, người Hồi giáo và những người theo đạo khác khác bị cấm có việc làm trong hầu hết các khu vực công của tỉnh bang vì tội đeo các biểu tượng của đức tin của họ — như nhiều người được yêu cầu làm thế theo các nguyên lý của cùng đức tin đó.
Mặt khác, Bill 96 không thu hút được sự chú ý bên ngoài Quebec. Những tranh cãi mà nó gây ra phần lớn chỉ giới hạn ở sự khẳng định trơ trẽn của nó về quyền đơn phương sửa đổi hiến pháp của Canada — tuyên bố không chỉ rằng “Người Quebec tạo thành một quốc gia”, mà còn là “ngôn ngữ chung” và “ngôn ngữ chính thức duy nhất” của quốc gia đó là tiếng Pháp.
Rõ ràng là nó có vấn đề. Mặc dù rất họ hài lòng viết rõ ràng đen và trắng định nghĩa “Quebecers” gồm những ai, tỉnh bang Quebec không có quyền về mặt luật pháp để áp đặt một điều khoản như vậy đối với phần còn lại của Canada, với những ảnh hưởng lớn của nó đối với tất cả mọi thứ từ sự phân chia quyền lực đến những bảo đảm hiến pháp cổ xưa như Canada, về vị thế bình đẳng đối với tiếng Anh và tiếng Pháp trong cơ quan lập pháp và ở tòa án.
Nhưng Dự luật 96 có nhiều mục đích và công cụ khác, động cơ của nó cũng giống như Dự luật 21: đặt những người thiểu số, trong trường hợp này là người thiểu số về ngôn ngữ hơn là tôn giáo, vào vị trí của họ — khuất tầm mắt và chắc chắn là xa tầm nghe của những người nói tiếng Pháp, đa số ở Qubec. Cho đến nay, nếu các điều khoản chính xác của dự luật này vẫn còn xa lạ với bạn đọc, thì cũng đủ để biết rằng sức sống của nó là Đạo luật 101, không được biết đến vì sự chần chừ trong việc chà đạp quyền của người thiểu số, đã đi không đủ xa.
Trong các cuộc tranh luận về ngôn ngữ cho đến nay phần lớn xoay quanh việc dùng tiếng Pháp công khai, trên các bảng hiệu thương mại và những thứ khác, Dự luật 96 sẽ để nhà nước xâm nhập vào các cuộc trò chuyện riêng tư thân mật nhất: bằng văn bản hoặc bằng miệng, với các mọi người của công chúng hoặc giữa các đồng nghiệp, trong hầu như bất kỳ nơi làm việc nào trên địa bàn tỉnh bang Quebec.
Cho đến nay điều khoản về ngôn ngữ làm việc chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có hơn 50 nhân viên, thì bây giờ các doanh nghiệp có ít nhất 25 nhân viên sẽ bị buộc phải tuân theo những ràng buộc về ngôn ngữ. Trong trường hợp Bill 101 quan tâm chính đến mặt giáo dục — những đứa trẻ nào của cha mẹ nào có đủ điều kiện đi học bằng ngôn ngữ nào — thì Bill 96 đã dí mũi quan liêu của nó vào những góc xa nhất của hệ thống y tế.
Chẳng hạn, một bác sĩ sẽ không được phép nói chuyện với bệnh nhân bằng tiếng Anh — hoặc tiếng Quan Thoại, hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác — ngay cả khi đó là ngôn ngữ cả hai bên ưa thích. Trường hợp ngoại lệ duy nhất: dân của dân thiểu số nói tiếng Anh “lịch sử” của tỉnh bang, như được định nghĩa theo luật hiện hành — nghĩa là những người đã theo học trường tiếng Anh ở Canada; và những người mới định cư dưới sáu tháng.
Và nơi mà trước đây những thanh tra của Office de la langue française đã không thể thực thi các hạn chế này vì những biện pháp pháp lý như yêu cầu phải có lệnh khám xét, thì Bill 96 rõ ràng miễn trừ hết cho họ, không còn bất kỳ giới hạn nào như vậy. Các tài liệu trên máy tính, tin nhắn trên điện thoại, hồ sơ y tế cá nhân, tất cả đều phải đưa cho thanh tra theo yêu cầu của họ.
Nhưng có lẽ OLF có thể không biết phải tìm ở đâu? Dự luật 96 cũng giải quyết vấn đề đó, trao quyền cho các công dân tư nhân thông báo cho chính quyền biết về bất kỳ sự vi phạm luật ngôn ngữ nào mà họ nghi ngờ có thể đã xảy ra hoặc sắp sửa xảy ra — nói cách khác — mà không sợ bị lộ là người đã đi ‘mách bu’. Nói sai ngôn ngữ tại nơi làm việc, ngay cả khi ở nơi riêng tư và có nguy cơ bị đồng nghiệp thông báo với chính phủ. Vui nhỉ!
Và nếu bạn đọc còn nghi ngờ về một cuộc tấn công khủng khiếp vào quyền cá nhân và quyền của thiểu số, bạn chỉ cần biết rằng toàn bộ dự luật 96, mọi dòng chữ của nó, đều được miễn trừ khỏi Hiến chương Dân quyền của Canada hoặc của Hiến chương Nhân quyền và Tự do của riêng Quebec, nhờ vào việc viện dẫn điều khoản bất chấp.
Tất nhiên còn nhiều hơn thế nữa. Dự luật có mục đích áp dụng cho những nơi làm việc do liên bang quản lý, điều này rõ ràng là bất hợp pháp. Nó giới hạn việc ghi danh vào các trường cao đẳng cơ sở dạy tiếng Anh của tỉnh bang, hoặc CEGEP, một biện pháp dường như chính yếu nhằm ngăn chặn sinh viên nói tiếng Pháp ghi danh vào các trường CEGEP dạy bằng tiếng Anh này. Nó đe dọa các thành phố trong lịch sử đã được định nghĩa là những thành phố song ngữ, và do đó có quyền cung cấp dịch vụ bằng cả hai ngôn ngữ, có thể mất danh nghĩa đó trừ khi họ bỏ phiếu để giữ lại vị trí lịch sử đó. Và nhiều thứ khác nữa.
Khó có thể thấy mục đích nào của dự luật 96 ngoài việc đe dọa và quấy rối. Bắt buộc rằng những người nói tiếng Pháp có quyền làm việc hoặc nhận dịch vụ bằng ngôn ngữ ưa thích của họ là một chuyện, nhưng là một việc hoàn toàn khác khi lấy đi quyền tương tự của những người nói các ngôn ngữ khác — hoặc, như trong trường hợp của CEGEP tiếng Anh, cấm cả chính những người nói tiếng Pháp. Lùng soát không cần trát tòa và để dân đi tố cáo nhau với chính phủ là một dâu hiệu không tốt: Càng dùng phương tiện nhiều áp bức để thực thi luật thì càng có nhiều khả năng chính đạo luật đó sai.
Cho dù những điều này và những lỗi lầm khác của dự luật 96 có thể được biện minh theo cách thông thường hay không — bằng cách biện luận vì mối đe dọa được cho là đối với người nói tiếng Pháp ở Quebec — thực tế đơn giản là tiếng Pháp không bị đe dọa ở Quebec. Đúng như vậy, tỷ lệ dân số nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp đã giảm nhẹ: từ 81% năm 1996 xuống còn 79% năm 2016. Nhưng đó là con số nói về nguồn gốc của mọi người chứ không phải ngôn ngữ họ sử dụng. Tỷ lệ dân Quebec có thể nói tiếng Pháp, ở mức 95%, cao hơn bao giờ hết — thực sự, cao hơn gần 10% so với 50 năm trước.
Tuy nhiên, đứng trước sự phân biệt đối xử nghiêm trọng này, các nhóm ngôn ngữ thiểu số của Quebec đã bị cắt giây thả trôi sông. Tòa án không thể cứu họ: điều khoản bất chấp đã chứng minh điều đó. Và không ai khác muốn — chắc chắn không phải các đảng phái chính trị của tỉnh bang, những người cạnh tranh danh hiệu người chống dân nói tiếng Anh nhiệt thành nhất. Nhưng không… này mà cũng không… kia, dường như không có ai khác muốn ra tay cứu những người dùng ngôn ngữ thiểu số.
Trước kia, phần còn lại của Canada có thể đã được thức tỉnh để bảo vệ họ. Nhưng càng tiếp xúc dài ngày với những xúc phạm như vậy đã gây mê cho chúng ta. Về phần họ, giới lãnh đạo chính trị không có ích lợi gì trong đó: Có thể sẽ mất rất nhiều ghế ở Quebec nếu đặt vấn đề với luật ngôn ngữ của tỉnh bang này, và không đạt được lợi ích gì. Đã thật khó để khiến giới lãnh đạo liên bang phản đối Dự luật 21, không liên quan gì đến ngôn ngữ. Nhưng Bill 96? Họ sẽ can thiệp? Hãy mơ đi.
Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi được đặt ra ở trên cùng. Đó cũng là câu hỏi Bill 21 đưa ra. Chúng ta là loại quốc gia nào? Chúng ta có phải là một quốc gia tin tưởng và sống theo các nguyên lý mà chúng ta nói là chúng ta làm: rằng một người Canada là một người Canada, dân quyền là dân quyền, rằng mọi người đều phải được đối xử bình đẳng theo luật pháp và không ai ở trên luật cả? Hay tất cả đó chỉ là những khẩu hiệu vô nghĩa? Chúng ta có phải là một cộng đồng chính trị chân chính, có bổn phận đạo đức với nhau không? Hay chúng ta chỉ là một vùng đất trên bản đồ?
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: How we respond to Bill 96, Quebec’s language law, is who we are | ANDREW COYNE | The G&M | May 20, 2022