Trung Hoa đang cố gắng bảo vệ nền kinh tế của họ trước sức ép của phương Tây
Singapore | DCVOnline
Kết quả không đồng nhất
Trong thông điệp gửi tới các kỹ sư và giới nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Hoa nhân “Ngày thanh niên” vào đầu tháng này, Chủ tịch TH Tập Cận Bình đã chia sẻ những tham vọng của ông đối với ngành này. Ông nói, những chuyên viên trẻ nên thúc đẩy sự nghiệp tự cường của Trung Hoa, theo bước những người ở thế hệ đi trước họ, những người đã phát triển vũ khí hạch tâm, hỏa tiễn và vệ tinh nội hóa, với một ít trợ giúp của người ngoài, trong một dự án nguyên tử và không gian thời Mao Trạch Đông gọi là “Hai quả bom, một vệ tinh” (lưỡng đạn nhất tinh, 两弹一星).
Ở mặt ngoài mọi thứ, đây là một thông điệp kêu gọi kỳ quặc đối với quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn bất kỳ nước nào khác từ làn sóng toàn cầu hóa gần đây nhất. Năm 2000, Trung Hoa chỉ là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của một số quốc gia. Nay, họ là đối tác lớn nhất của hơn 60 nước. Từ năm 1985 đến 2015, hàng hóa xuất cảng của Trung Hoa sang Mỹ đã tăng 125 lần. Một phần là kết quả của sự bùng nổ sản xuất liên quan, tăng trưởng GDP/người của Trung Hoa đạt trung bình hơn 8% mỗi năm trong giai đoạn 2001-2020.
Nhưng chính phủ Trung Hoa chưa bao giờ hoàn toàn thoải mái với toàn cầu hóa, bất kể lợi ích là gì. Việc “đổi mới và mở cửa” do Đặng Tiểu Bình bắt đầu vào những năm 1970, theo đó Trung Hoa tự do hóa sản xuất và thương mại, luôn là từng phần và từng phần. Đảng Cộng sản TH không có ý định từ bỏ vai trò chỉ huy trong nền kinh tế. Họ lo lắng về sự xâm nhập của các tư tưởng phương Tây. Do đó, TH thu hút và khen thưởng tư bản và chuyên môn của nước ngoài, nhưng họ cũng bị hạn chế và thường bị oán trách.
Những lời kêu gọi tự lực của ông Tập phản ảnh quan điểm của ông rằng sự cân bằng giữa rủi ro và phần thưởng của toàn cầu hóa đã thay đổi. Ông tin rằng Trung Hoa đã trở nên quá phụ thuộc vào các nền dân chủ tự do, kể cả châu Âu và Nhật Bản mà đặc biệt là Mỹ. Một rủi ro là phương Tây có thể trải qua một đợt suy thoái kinh tế khác tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2007—09, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của Trung Hoa. Một điều khác, được làm sống động hơn nhiều do những lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga sau cuộc xâm lăng Ukraine, đó là các nước phương Tây có thể sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để làm suy yếu Trung Hoa.
Để tránh những nguy cơ đó, ông Tập muốn thay đổi vị trí của Trung Hoa trong nền kinh tế thế giới. Đơn giản hóa một chút, có hai yếu tố liên quan đến nhau để điều mà ông Tập nói là “trở nên mạnh mẽ”. Đầu tiên là xây dựng vị trí chỉ huy trong các ngành mà chính phủ coi là chiến lược — phần lớn là kỹ thuật và năng lượng — để không ai có thể cản trở sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Hoa. Trung Hoa biết rằng vai trò quan trọng của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu giúp giữ cho hệ thống chuyên quyền của họ an toàn trước các cuộc tấn công của nước ngoài. Mục tiêu thứ hai là để Trung Hoa bớt phụ thuộc vào những đối tác phương Tây có khả năng thù địch về thương mại và tài chính, đồng thời phát triển các đối tác mới và tốt hơn gần Hoa lục hơn. Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường, một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ, chỉ là một phương pháp mà Trung Hoa hy vọng sẽ tìm được những người bạn kinh tế mới.
Làm, không mua
Trung Hoa đã có một số thành công với các ngành kỹ nghệ chiến lược. Nghiên cứu do Goldman Sachs công bố năm 2020 cho thấy khả năng tự cung tự cấp các sản phẩm kỹ thuật cao của Trung Hoa đang ngày càng được cải thiện (xem biểu đồ 1). Trong nhiều ngành, sản xuất trong nước đã bắt kịp nhu cầu trong nước, có nghĩa là Trung Hoa cần ít sản phẩm từ nước ngoài hơn. Thật vậy, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2004-06, nhập cảng hàng hóa và dịch vụ của Trung Hoa đã giảm mạnh so với GDP của nước này (xem biểu đồ 2).
Ít ngành kỹ nghệ thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp nhiều hiệu quả hơn so với ngành năng lượng mặt trời. Trung Hoa chiếm hơn 70% sản lượng nguyên liệu thô dùng để sản xuất pin mặt trời, cũng như chính các cục pin dùng để lắp ráp thành những mô-đun. Dan Wang, chuyên viên phân tích tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho rằng vị trí dẫn đầu trong kỹ thuật năng lượng mặt trời của Trung Hoa có khả năng không thể thay đổi. Điều này cũng đúng với pin dùng trong ngành kỹ nghệ xe điện đang bùng nổ. Năng lượng gió cũng đang tăng dần. Chỉ tính riêng năm 2021, Trung Hoa đã tăng thêm công suất gió ngoài khơi nhiều hơn phần còn lại của thế giới đạt được trong 5 năm trước đó cộng lại.
Trên thực tế, Trung Hoa đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực kinh doanh theo cách này. The Economist đã xem xét dữ liệu xuất cảng của 120 ngành sản xuất toàn cầu. Chúng tôi ước tính rằng vào năm 2005, Trung Hoa đã tăng lên (được định nghĩa là chiếm hơn 1/4 số xuất cảng toàn cầu) trong 42% con số đó. Năm 2019, con số này đạt 67%, một kỷ lục. Thị phần của các thị trường xuất cảng mà Trung Hoa thống trị — mà chúng tôi xác định là hơn một nửa thị phần — đã tăng gấp ba so với cùng kỳ, lên một phần ba.
Tuy nhiên, về nhiều khía cạnh quan trọng, động lực tự lực của Trung Hoa đã gây thất vọng. Ngay cả khi ông Tập đã giảm tổng hóa đơn nhập cảng của Trung Hoa, so với GDP, ông vẫn gặp khó khăn để giảm sự phụ thuộc vào các hàng phụ tùng của nước ngoài dùng để sản xuất hàng hóa kỹ thuật cao. Trung Hoa chi 2,7% GDP cho đồ phụ tùng nhập cảng cho hàng điện tử khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, và 2,6% vào năm 2020. Tổng hóa đơn nhập cảng hàng hóa đòi hỏi nhiều nghiên cứu và phát triển chỉ giảm nhẹ.
Hơn nữa, Trung Hoa phụ thuộc rất nhiều vào các đối thủ địa chính trị để cung cấp các mặt hàng như vậy, kể cả Đài Loan và các nước dân chủ phương Tây. Trong lĩnh vực hàng không và không gian — đối tượng mà ông Tập kêu gọi tự lực vào đầu tháng này — thế giới dân chủ vẫn cung cấp 98% đồ phụ tùng nhập cảng của Trung Hoa.
Trung Hoa cũng ngày càng phụ thuộc vào chuyên môn của nước ngoài. Phần lớn các hồ sơ lấy bằng sáng chế của Trung Hoa là sản xuất trong nước, nhưng tỷ lệ liên quan đến người nước ngoài đã tăng từ 4,8% lên 5,9% kể từ năm 2012. Chuyên gia khoa học có trụ sở tại EU, Nhật Bản và Mỹ ngày càng trở thành đối tác chung với các người phát minh ở Trung Hoa, ngay cả khi các công ty phương Tây và các trường đại học nói về việc rút khỏi Trung Hoa để cố gắng ngăn chặn hoạt động gián điệp kỹ nghệ. Năm 2020, Trung Hoa đã chi trả khỏang 8,4% tổng số tiền thanh toán xuyên biên giới toàn cầu cho việc sử dụng tài sản trí tuệ, mức cao nhất mọi thời đại.
Mục tiêu lớn thứ hai của ông Tập — tìm kiếm các đối tác thương mại và đầu tư tốt hơn — là một sự không đồng nhất khác. Về giao dịch, Trung Hoa đã háo hức kết bạn với Nga, vốn bị phương Tây xa lánh. Nó cũng đã chấp nhận Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một thỏa thuận thương mại khá nông nhưng rộng lớn liên quan đến 15 quốc gia châu Á, chiếm gần một phần ba GDP toàn cầu. Trung Hoa cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước thương mại đầy tham vọng do Mỹ hình thành nhưng sau đó bị nước này bỏ rơi.
Trong một cuộc khảo sát với các chuyên viên hoạch định chính sách, giới lãnh đạo doanh nghiệp và những người danh tiếng khác ở Đông Nam Á được công bố vào đầu năm nay, 77% số người được hỏi cho rằng Trung Hoa là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất trong khu vực. Henry Gao của Đại học Quản lý Singapore nói,
“Tôi thấy khu vực Đông và Đông Nam Á ngày càng bị kéo vào vòng xoáy của lực hấp dẫn của nền kinh tế Trung Hoa. Đó là điều không thể tránh khỏi.”
Những không gian cắt nhau
Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn của phương Tây tiếp tục gây sức ép đối với Trung Hoa. The Economist đã thu thập dữ liệu về cổ phiếu của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI — tiếp quản các công ty và xây dựng nhà máy), danh mục đầu tư (mua cổ phiếu, trái phiếu và những thứ tương tự) và thương mại quốc tế của gần 120 quốc gia. Đối với mỗi chỉ số, chúng tôi xếp hạng mọi quốc gia dựa trên sức mạnh của mối quan hệ song phương với Trung Hoa, sau đó kết hợp các thứ hạng.
Các quốc gia mà Trung Hoa có mối quan hệ kinh tế gần gũi nhất vẫn là phương Tây hoặc thân phương Tây: Mỹ, Nam Hàn, Singapore, Đức và Nhật Bản. Và trong thời kỳ cầm quyền của ông Tập, hầu hết các nền kinh tế phương Tây đã trở nên gắn bó hơn với Trung Hoa. Ví dụ, cổ phiếu FDI của Đức ở Trung Hoa đã tăng hơn gấp đôi. Các nhà đầu tư dài hạn của Trung Hoa đã tăng gấp đôi tỷ lệ tiếp xúc với Úc, ngay cả khi các chính khách ở cả hai quốc gia phản đối nhau. Trong khi đó, mối quan hệ của Trung Hoa với các quốc gia có thể nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ, chẳng hạn như Indonesia và Nga, đã suy yếu.
Các ngành xuất cảng của Trung Hoa cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của phương Tây đối với hàng hóa của họ. Trong mười năm trước khi ông Tập lên nắm quyền, tỷ trọng xuất cảng hàng hóa của Trung Hoa dành cho EU, Nhật Bản và Mỹ đã giảm từ 50% xuống 39% (xem biểu đồ 3). Nhưng kể từ đó không có tiến bộ nào nữa. Các quốc gia mà Trung Hoa muốn phát triển các mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn đơn giản là quá nhỏ để có thể thay thế các thị trường khổng lồ như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Khó có thể đồng thời sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật cao hơn và kỳ vọng tỷ trọng của chúng được bán cho các nước nghèo hơn là các nước giàu sẽ tăng lên. Bất chấp những cái bắt tay nồng nhiệt của ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nga chỉ mua 2% hàng xuất cảng của Trung Hoa.
Trong những năm gần đây, Trung Hoa đã cố gắng phát triển các mối quan hệ tài chính chặt chẽ hơn với các quốc gia mà họ tin rằng có thiện cảm với các mục tiêu của mình. Điều này có cả nỗ lực quảng bá việc sử dụng đơn vị tiền tệ của TH trên phạm vi quốc tế. Mục đích là để giảm sự phụ thuộc của Trung Hoa vào đồng đô la và do đó ít bị thiệt hại hơn vì những lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ. Vì vậy, Trung Hoa đã từ từ mở cửa thị trường trái phiếu cho giới đầu tư nước ngoài. Vào đầu những năm 2010, ngân hàng trung ương bắt đầu ký các thỏa thuận về hoán đổi bằng đồng nhân dân tệ (tức là hạn mức tín dụng khẩn cấp) với các ngân hàng trung ương khác. TH cũng đang làm việc chăm chỉ để phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nhằm mục đích làm cho giao dịch sử dụng đồng tiền này nhanh hơn và dễ giám sát hơn. Các công ty Trung Hoa đã trả tiền cho hàng hóa nhập cảng của Nga bằng đồng nhân dân tệ trong năm nay, điều này giúp Nga giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây đồng thời nâng cao vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ.
Nhưng liên kết tài chính của Trung Hoa với các nước gần nước ngoài vẫn còn yếu. Xem thị trường trái phiếu của nó. Một bài báo mới của bốn chuyên gia kinh tế, Christopher Clayton, Amanda Dos Santos, Matteo Maggiori và Jesse Schreger, kiểm tra việc nắm giữ trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của giới đầu tư tư nhân. Trong những năm gần đây, phần lớn dòng vốn đầu tư vào các tài sản này đến từ Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản. Một luận văn của Camilo Tovar và Tania Mohd-Nor của IMF xuất bản vào năm 2018 đã kiểm tra tầm quan trọng của đồng nhân dân tệ đối với các loại tiền tệ khác (tức là đồng tiền này có ảnh hưởng như thế nào đến đồng tiền kia). Những chuyên gia nghiên cứu nhận thấy “không có bằng chứng nào cho thấy [nhân dân tệ] là đồng tiền thống trị ở châu Á, bằng cách ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong khu vực hoặc thông qua chuỗi cung ứng châu Á”.
Nói tóm lại, việc thúc đẩy một nền kinh tế tự cung tự cấp hơn của Trung Hoa đã không hoàn toàn thành công trong điều kiện như họ muốn. Hơn nữa, nỗ lực tạo ra nên kinh tế đó đã sinh ra một loạt mâu thuẫn. Chẳng hạn, mong muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đụng độ với những nỗ lực nhằm cách ly Trung Hoa khỏi những biến động tài chính toàn cầu. Tình trạng hỗn loạn kết quả khiến Trung Hoa không có nhiều quyền lực trong lĩnh vực tài chính toàn cầu cũng như không được bảo vệ khỏi những chuyển động trên các thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này. Tỷ trọng tiền tệ của Trung Hoa trong các khoản thanh toán xuyên biên giới mà SWIFT, một mạng nhắn tin tài chính, ghi nhận là khoảng 2% trong hầu hết mọi tháng, giống như trong hầu hết năm năm qua. Thậm chí điều đó còn phóng đại phạm vi của đồng nhân dân tệ, vì hầu hết các giao dịch liên quan đến nhân dân tệ bên ngoài Hoa lục đều diễn ra ở Hong Kong, một phần của Trung Hoa nhưng sử dụng một loại tiền tệ khác.
Trên mặt toàn cầu, đồng nhân dân tệ là “mỏ neo” đối với một số loại tiền tệ khác (xem biểu đồ 4). Số lượng giao dịch hoán đổi bằng đồng nhân dân tệ mới được ngân hàng trung ương đồng ý đã chậm lại đáng kể. Nghiên cứu được Michael Perks, Yudong Rao, Jongsoon Shin và Kiichi Tokuoka công bố năm ngoái, tất cả thuôc IMF, cho thấy rằng hệ thống ngân hàng Trung Hoa vẫn đóng một vai trò nhỏ trong nền tài chính toàn cầu so với của Mỹ (xem biểu đồ 5). Một bài báo mới của Yi Fang thuộc Đại học Kinh tế và Tài chính Trung ương, ở Trung Hoa và các đồng nghiệp, nhận ra rằng thị trường Trung Hoa “chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ thị trường tài chính ở các nền kinh tế G7 hơn là ngược lại”. Khi nước Mỹ hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh. Khi Trung Hoa hắt hơi, hầu hết các quốc gia đều phớt lờ.
Một căng thẳng khác trong nỗ lực thúc đẩy tự lực của Trung Hoa liên quan đến năng suất. Năng suất các yếu tố tổng hợp (tức là số sản lượng trên một đơn vị lao động và vốn) hầu như không tăng trưởng dưới thời ông Tập, một sự giảm tốc độ rõ rệt so với trước cuộc khủng hoảng tài chính (xem biểu đồ 6). Chính phủ TH tin rằng hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp trong các ngành kỹ thuật cao sẽ khuyến khích đổi mới và do đó thúc đẩy năng suất. Trong thực tế, điều ngược lại có thể xảy ra nhiều hơn. Trong nỗ lực thúc đẩy các công ty sản xuất hàng đầu trong nước và thúc đẩy thương mại với các nước thân thiện, chính phủ có thể sẽ đi đến việc trao lợi thế cho các công ty không phải là nhà cung cấp hiệu quả nhất hoặc có năng lực nhất của một sản phẩm nhất định, do đó làm giảm năng suất. Đó là một viễn cảnh đáng lo ngại vì nâng cao năng suất là cách lâu dài duy nhất để nâng cao mức sống.
Nếu chỉ xét riêng từng mục đích, một trong hai tham vọng của ông Tập — cho dù củng cố Trung Hoa chống lại các lỗ hổng kinh tế và kỹ thuật hay tìm kiếm một nhóm đối tác đáng tin cậy hơn cho thương mại và đầu tư — sẽ là một công việc lớn. Kết hợp lại với nhau, chúng đã tạo ra mâu thuẫn và nhiều mâu thuẫn có thể sẽ xuất hiện. Thương mại và đầu tư tạo ra lợi ích chung và do đó dễ làm thiệt hại nhau vì chính bản chất của chúng. Giới lãnh đạo Trung Hoa đúng khi thấy sự phụ thuộc vào kỹ thuật, thị trường và đường ống tài chính của phương Tây khiến họ bị hở sườn, nhưng sai nếu họ tưởng tượng rằng họ có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Dù ông Tập nói có nói gì với các nhà khoa học hỏa tiễn của Trung Hoa thid sự thay thế duy nhất cho sự phụ thuộc lẫn nhau là sự khốn khổ. ■
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China is trying to protect its economy from Western pressure | SINGAPORE | The Economist | May 26, 2022.
Bài báo này đăng trong phần Báo cáo của ấn bản của tạp chí số 28 tahsng 5, 2022 với tiêu đề “Fortified but not enriched”