10 Câu Hỏi Căn Bản Về Chữ Nôm
Trịnh Bình An
Lời Ngỏ: Người viết vốn không biết chữ Hán, cũng không biết chữ Nôm, nhưng thích tìm hiểu cổ văn. Bài viết này gom góp một số điều người viết đã học hỏi được về chữ Nôm và chữ Hán. Mong bạn đọc góp ý thêm cho. Xin chân thành cảm tạ.
1. Chữ Nôm là gì?
Nước Việt ta dù bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm nhưng vẫn duy trì tiếng nói rất riêng biệt. Từ khoảng thế kỷ 12, tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông của chữ Hán để tạo ra một loại chữ viết nhằm ghi âm tiếng Việt, gọi là chữ Nôm 𡨸 喃.
Chữ “Nam” 南 nói trại thành “Nôm” 喃.
Đầu thế kỷ thứ 15, Nguyễn Trãi sáng tác Quốc Âm Thi Tập 國音詩集.Qua trên 250 bài thơ, số chữ Nôm nhiều tới mức đủ làm thành một bộ từ điển. Đến cuối thế kỷ 19, chữ Quốc Ngữ (dùng mẫu tự Latin để ghi âm tiếng Việt) thay thế chữ Nôm.
2. Nếu chữ Nôm phát xuất từ chữ Hán hẳn trông giống chữ Hán?
Đúng thế! Nhìn thoáng qua, chữ Nôm trông giống chữ Hán. Tuy nhiên, với một chữ cùng nghĩa, chữ Nôm thường có nhiều nét hơn chữ Hán.
Ví Dụ A:
So sánh ba chữ Hán: Nhất, Nhị, Tam với ba chữ Nôm tương ứng: Một, Hai, Ba.
Chữ Hán viết: Nhất 一 Nhị 二 Tam 三
nhưng Chữ Nôm viết: Một 沒 Hai 𠄩 Ba 𠀧
Nhận xét: Một trông chẳng giống Nhất chút nào! Hai có chứa Nhị bên phải, và Ba có chứa Tam cũng bên phải. Từ ba chữ trên, có thể suy ra hai trường hợp:
- Chữ Nôm viết khác hẳn chữ Hán (như Một viết khác hẳn Nhất).
- Chữ Nôm bao gồm chữ Hán (như Hai và Ba bao gồm Nhị và Tam).
Ví Dụ B:
So sánh ba chữ Hán: Nhân, Mộc, Xa với ba chữ Nôm tương ứng: Người, Cây, Xe.
Nhân 人 Mộc 木 Xa 車
Người 𠊛 Cây 𣘃 Xe 車
Ta thấy chữ Hán tượng hình với:
人 Nhân ‒ hình người đứng dạng hai chân.
木 Mộc ‒ hình cái cây có đủ gốc, rễ, thân, cành.
車 Xa ‒ hình một người ngồi trong, hai người gánh hai đầu.
Xét ba chữ Nôm tương ứng:
𠊛 Người ‒ có Nhân 人 nằm bên phải.
𣘃 Cây ‒ có Mộc 木 nằm bên trái.
車 Xe ‒ giữ nguyên Xa 車
Từ chữ Nôm “Xe”, thấy thêm trường hợp:
- Chữ Nôm viết giống y chữ Hán.
Từ Ví Dụ A và Ví Dụ B, ta thấy ba dạng chữ Nôm:
- Chữ Nôm khác hẳn chữ Hán.
- Chữ Nôm bao gồm chữ Hán.
- Chữ Nôm giữ nguyên chữ Hán.
3. Chữ Nôm trông giống chữ Hán nhưng phát âm nghe thế nào?
Trước tiên, không nên quên rằng ông cha ta đã chế ra một cách đọc chữ Hán theo âm Việt, chính là cách đọc các chữ Hán Việt ngày nay.
Ví dụ chữ Một 沒theo chữ Hán nghĩa là “chìm đắm”, “lặn mất”, v.v.. Nếu nằm trong bản văn chữ Hoa, sẽ được người Tàu, với âm Quảng Đông đọc là “mụ”; với âm Quan Thoại đọc là “mềi”; nhưng người Việt sẽ đọc là “một” như trong “mai một”. Chính vì đã sửa âm thành “một”, nên chữ này được dùng luôn để chỉ số 1.
Do đó, khi nhìn mặt chữ Nôm, chỉ có người Việt với cách phát âm Hán Việt mới có thể đọc được, còn người Tàu chỉ thấy “có chữ mình ở trỏng” nhưng không sao “đánh vần” ra nổi.
4. Nếu Chữ Nôm là Chữ Hán biến thể chẳng lẽ cần học chữ Hán trước?
Đúng thế! Sẽ rất khó biết chữ Nôm nếu không có kiến thức căn bản về chữ Hán. Nắm vững một số cấu trúc chữ Hán ‒ như “bộ Thủ”, sẽ giúp việc học chữ Nôm nhanh chóng và chính xác hơn.
5. Vậy, bộ Thủ là gì?
Chữ Hán có tất cả 214 bộ Thủ.
Bộ Thủ là cách phân loại các chữ có cùng chung nghĩa chính vào thành nhóm.
- Nhóm những chữ liên quan tới “Nước” thuộc “bộ Thủy”.
- Nhóm những chữ liên quan tới “Nhà” thuộc “bộ Miên”.
- Nhóm liên quan tới “Người” thuộc “bộ Nhân”.
v.v..
水 bộ Thủy, hình giòng suối ở giữa, hai bờ hai bên.
氵 bộ Thủy (đơn giản), còn gọi là “ba chấm thủy”.
宀 bộ Miên, hình cái mái nhà.
人 bộ Nhân, hình người đứng dạng hai chân.
6. Tại sao cần học Bộ Thủ?
Bộ Thủ giúp việc tra tự điển chữ Hán nhanh chóng hơn. Bộ Thủ còn giúp phân biệt những chữ Hán Việt đồng âm, khác nghĩa. Ví dụ chữ “Trạch”.
Trong truyền thuyết Chử Đồng Tử, có “đầm Dạ Trạch” với Trạch có nghĩa cái đầm hay cái ao lớn (đầm Dạ Trạch là cái đầm làm xong chỉ trong một đêm). Nhưng trong “thuế thổ trạch” thì Trạch có nghĩa cái nhà (thuế thổ trạch là thuế nhà đất).
Vậy, làm sao phân biệt hai chữ Trạch đồng âm khác nghĩa này?
Để biết Trạch là cái đầm hay cái nhà, ta cần nhìn vào bộ Thủ của chữ.
Trạch 澤 này thuộc bộ Thủy. Để ý “ba chấm thủy“氵bên trái.
(Nghĩa đen: cái đầm. Nghĩa bóng: sự ban ơn.)
Trạch 宅 này thuộc bộ Miên. Để ý “cái mái nhà “ 宀 ở trên.
(Nghĩa đen: cái nhà. Nghĩa bóng: sự yên định.)
Rất nhiều chữ Hán Việt có cùng âm nhưng khác nghĩa.
Ví dụ chữ “Tử”, có thể là “con” (tình mẫu tử), là “chết” (tử thần gọi), là “màu tím” (tia tử ngoại), là “người thày” (Khổng Tử là “ông thầy họ Khổng”) v.v.
Thông thường, tùy vào ý của toàn câu văn ta có thể nhận ra nghĩa đúng của chữ Hán Việt không mấy khó khăn. Tuy nhiên, khi gặp trường hợp khó phân biệt, cần tra theo bộ Thủ mới xác định được nghĩa đúng của chữ.
Ví dụ: Ngày lễ “Father’s Day” bị dịch thành “Ngày Hiền Phụ” (thay vì “Ngày Từ Phụ“). Người dịch quên rằng “hiền phụ” có nghĩa “vợ hiền” với chữ “Phụ” 婦 thuộc bộ Nữ 女. Còn chữ “Phụ” 父 nghĩa “cha” lại thuộc bộ Phụ 父.
7. Trong một chữ Nôm, thấy có chữ Hán và nhiều nét khác nữa, tại sao?
Hãy trở lại thí dụ “Nhất Nhị Tam / Một Hai Ba” vừa nêu trên:
Nhất 一 Nhị 二 Tam 三
Một 沒 Hai 𠄩 Ba 𠀧
Chữ Một (Nôm) đã xử dùng chữ Một (Hán) nguyên vẹn. Tuy cùng âm nhưng khác nghĩa (“(mai) một” khác với “(số) một”. Đây gọi là phép “Giả Tá”.
Chữ Hai có chữ Nhì và Ba có Tam đi kèm với chữ Hán khác. Đây là phép “Hài Thanh”.
Trong bài thơ Nôm “Thủ Vĩ Ngâm” của Nguyễn Trãi có câu thơ :
“No nước uống thiếu cơm ăn“
奴 Chữ “Nô” dùng luôn làm chữ Nôm, đọc trại thành “No”.
渃 Chữ “Nhược” với “ba chấm thủy” 氵. Dùng âm “ước” kèm bộ Thủy, hiểu và đọc là “Nước”.
㕵 Chữ “Vương” 王 với bộ Khẩu 口. Dùng âm “wuang” kèm “cái miệng”, hiểu và đọc là “Uống”.
少 Chữ “Thiểu” được dùng luôn làm chữ Nôm, đọc trại thành “Thiếu”.
𩚵 Chữ “Cam” (ngọt) 甘 với bộ Thực 食, đọc trại thành “Cơm”.
咹 Chữ “An” 安 với bộ Khẩu 口. Dùng âm “an”, hiểu và đọc là “Ăn”.
8. Nếu chữ Hán phải học từng chữ, chữ Nôm thì sao?
214 bộ Thủ quả có giúp chữ Hán dễ nhớ hơn nhưng người học vẫn phải thuộc cách viết từng chữ Hán. Người Việt ngày nay, dù không biết chữ Hán vẫn nghe nói về cuốn “Tam Thiên Tự”, Ba Ngàn Chữ Hán căn bản.
“Tam Thiên Tự Giải Âm” (Ba Ngàn Chữ Hán và Chữ Nôm) do danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746‒1803) biên soạn là một tài liệu Hán‒Nôm quý giá. Bên cạnh chữ Hán là chữ Nôm tương ứng.
天 thiên ‒ trời 𡗶 / 地 địa ‒ đất 坦 / 舉 cử ‒ cất 拮 / 存 tồn ‒ còn 群 / 子 tử ‒ con 𡥵 / 孫 tôn ‒ cháu 𡥙 / 六 lục ‒ sáu 𦒹 / 三 tam ‒ ba 𠀧 / 家 gia ‒ nhà 茹 / 國 quốc ‒ nước 渃 v.v.
9. Tại sao chữ “Nước” của ta lại dùng bộ Thủy?
Đó chính là sự lý thú trong ngôn ngữ nói chung, chữ Nôm nói riêng. Qua ngôn ngữ, ta có cơ hội tìm hiểu thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa. Chữ Hán “Quốc” có nhiều cách viết. Ban đầu, chữ Quốc 囯 được viết với chữ Vương 王 bên trong cái khung. Hàm ý hễ vùng đất nào có vua thì đó là một nước. Nhưng về sau, chữ Quốc 囻 viết với chữ Dân 民, điều này cho thấy quan điểm về quốc gia đã thay đổi, dân được coi trọng hơn vua như câu nói của Mạnh Tử “Dân vi quý ‒ Xã Tắc thứ chi – Quân vi khinh” (Dân quan trọng nhất – Đất Nước đứng thứ hai – Vua không là gì hết).
Chữ Quốc 國 hiện đang dùng một cách chính thức, gồm bộ Vi 囗 với âm Hoặc 或
Chữ Nôm “Nước” 渃 viết với bộ Thủy 氵vừa có nghĩa “chất lỏng” vừa có nghĩa “quốc gia”. Phải chăng tổ tiên ta thấy nước Việt có rất nhiều sông rạch và bờ biển nên lấy nước làm biểu tượng cho “đất và nước” chăng?
10. Ngày nay, nên học chữ Nôm như thế nào?
Thế kỷ thứ 21, khi rất nhiều thứ được “online” việc học chữ Nôm trở nên thuận lợi hơn
trước kia rất nhiều. Trên mạng lưới Internet, có rất nhiều từ điển Hán Việt, Hán Nôm, Việt Nôm
giúp việc tra cứu chữ Nôm dễ dàng và nhanh chóng.
Vài trang thuận tiện cho việc tra cứu chữ Hán và chữ Nôm như:
- Thi Viện https://hvdic.thivien.net/
- Chữ Nôm Online Writer https://chunom.org/pages/ime/
Để nghe được âm nguyên chữ Hán, có thể dùng ứng dụng Google Translator.
Tuy nhiên, cần kết hợp nhiều phương cách với nhau để tra cứu, nhất là nên đọc thêm
những bài viết nghiên cứu, thơ cổ v.v. để tăng thêm kiến thức về Hán Nôm.
11. Vui vui với Hán Nôm: Không không là không.
Một chữ Hán dễ gây hiểu lầm là chữ “Không” 空
“Không” chữ Hán thường dùng với nghĩa “trống không” như “không gian, không trung, không thủ đạo“. Còn khi muốn chỉ cái ý “không có“, người Tàu dùng “bất” và “vô” như “bất lương, bất động, bất bạo lực”, “vô tình, vô nghĩa, vô đạo đức”. Trong khi đó, người Việt dùng chữ “không” với nghĩa “không còn” như lời bài hát của Nguyễn Ánh 9: “Không, không, tôi không còn yêu em nữa…“
Thế nhưng, đôi khi “không” trong chữ Hán lại mang nghĩa “vẫn còn”. Thí dụ bài thơ “Đằng Vương Các” của Vương Bột có câu: “Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu”, dịch nghĩa: “Ngoài hiên sông Trường Giang vẫn chảy mãi”. Hay bài thơ “Đăng Hoành Sơn” của Cao Bá Quát với câu: “Chinh chiến không tồn nhất lũy danh”, dịch nghĩa: “Chiến tranh (qua đi), vẫn còn tên một thành lũy này.”
Sự lẫn lộn nghĩa chữ “không” Hán và Nôm đã khiến cho một dịch giả làm sai hoàn toàn một câu thơ của Nguyễn Trãi.
Trong bài “Ký Hữu” có câu:
“Thốn thiệt đãn tồn không tự tín”
寸 舌 但 存 空 自 信
Vị này cứ phom phom dịch ra là: “Còn ba tấc lưỡi nhưng không tự tin”. Dịch giả hẳn cho rằng chữ “không” ở đây có nghĩa “không còn”, “không có”. Có lẽ vị ấy nhớ tới câu thơ trong bài “Kim Lũ Y” chăng?
Bài thơ “Kim Lũ Y” (Áo Tơ Vàng) của Đỗ Thu Nương có câu cuối như sau:
“Mạc đãi vô hoa không chiết chi”
莫 待 無 花 空 折 枝
Nếu dùng Google Translator dịch câu chữ Hán, sẽ ra tiếng Anh: “Don’t wait for the flowers without flowers”, hay tiếng Việt: “Đừng đợi hoa mà không có hoa”. Chúng ta nên chú ý tới hai 2 chữ “vô” và “không” trong “vô hoa” và “không chiết chi”.
Như vừa nói ở trên, “vô” tức là “không có, không còn”, nên “vô hoa” là “không còn hoa”. Nhưng “không chiết chi” là “bẻ cành không”, hàm ý “cành trơ trọi”. Chữ “không” 空 bộ Huyệt 穴 có nghĩa “rỗng, trống”. Điều này cũng như câu “phòng không chiếc bóng”, với nghĩa đen “một người trong căn phòng trống”, nghĩa bóng “cô đơn”. Xin mời đọc toàn bài thơ của Ức Trai tiên sinh.
Ký Hữu (*)
Nguyễn Trãi
Bình sinh thế lộ thán truân chuyên
Vạn sự duy ưng phó lão thiên
Thốn thiệt đãn tồn không tự tín
Nhất hàn như cố diệc kham liên
Quang âm thúc hốt thời nan tái
Khách xá thê lương dạ tự niên
Thập tải độc thư bần đáo cốt
Bàn duy mục túc, toạ vô chiên
Dịch nghĩa:
Bình sinh đường đời nhiều vất vả quá thể
Vạn việc chỉ nên phó cho trời già
Tấc lưỡi hãy còn, tưởng cũng tự tin được
Cứ một cảnh nghèo như cũ thật đáng thương
Ngày tháng (sáng tối) đi qua vùn vụt khó mà trở lại
Quán khách lạnh lùng, đêm dài như cả một năm
Mười năm đọc sách (học hành) mà nghèo đến tận xương
Trên mâm cơm chỉ có rau mục túc, chỗ ngồi chẳng có chiếu.
Một thắc mắc lớn thường được đặt ra về Việt Nam: Tại sao đất nước nhỏ bé ấy không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc? Có nhiều yếu tố đã góp phần bảo vệ chúng ta, và một trong những điều quan trọng nhất chính là không bị mất tiếng mẹ đẻ. Tổ tiên ta đã tìm được cách ghi lại tiếng nói riêng, nhờ đó ngôn ngữ Việt Nam không những được giữ gìn mà còn ngày càng phong phú hơn thêm.
Cho tới ngày nay, khi đọc những áng văn chữ Nôm của các bậc thi bá Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến,… chúng ta vẫn ngẩn ngơ tự hỏi sao ai đó giỏi quá, nghĩ ra nổi những chữ nghĩa uyển chuyển, tài tình đến thế? Câu trả lời có lẽ nằm trong “Hành Trình Chữ Nôm” đầy gian nan nhưng cũng đầy thú vị.
“Hạc vàng đi mất từ xưa. Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay” (**)
Các bậc tiền nhân như hoàng hạc, đã ra đi mãi mãi. Nhưng may mắn thay, chữ Nôm lại như bạch vân, vẫn còn luôn ở đó. Chỉ cần ngước nhìn, chiêm ngắm, là sẽ thấy miên viễn lịch sử
Việt Nam, hào hùng mà thâm trọng.
(*) “Ký Hữu”: Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi. (*) “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Bạch vân thiên tải không du du.”
(**) “Hoàng Hạc Lâu”: Thơ chữ Hán của Thôi Hiệu – Bản dịch của Tản Đà.
Chữ “không” ở câu “Bạch vân thiên tải không du du” rất tài tình: Vừa có nghĩa “Mây trắng
bay trên không trung”, vừa hàm ý “Mây trắng vẫn còn mãi mãi bay”.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline chỉnh sửa và trình bầy.