Tiểu Tử: người tiếp lửa và giữ hồn của miền Nam
Nguyễn Văn Lục
Tôi biết Tiểu Tử khá muộn khi ông đã thành danh và tích lũy một di sản văn học đáng nể như một loại trầm tích lắng đọng từ lâu. Nhưng khi biết rồi thì càng đọc văn của ông càng thấy gần gũi, gắn bó.
Hình như ông không viết truyện dài mà chỉ chuyên viết truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn đều như nhắc nhở xa gần đến những cột mốc văn học đàn anh, xa xôi như Hồ Biểu Chánh, hay gaadn hơn như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên. Có thể vì cách thức diễn tả, ngôn từ xử dụng, tâm tình và cá tính của ông thì đặc sệt là dân Nam Kỳ.
Nhưng về nội dung cũng như mục đích viết của Tiểu Tử thì tôi xin vài thưa rằng: Nó hoàn toàn không giống các “nhà văn miệt vườn” ‒ không giống Bình Nguyên Lộc, càng xa Sơn Nam ‒ và còn có thể khác biệt với Lê Xuyên. Tôi không dám nói rằng tôi phủ nhận các nhà văn miền Nam tiền bối. Tôi đã từng mê truyện dài đầu tiên Chú Tư Cầu của Lê Xuyên ‒ cuốn truyện dài viết phơi-ơ-tông1 mỗi ngày ‒đã từng làm Lê Xuyên nổi tiếng.
Việc cầm bút để trở thành một nhà văn chẳng những là một nghề cao quý mà còn cá biệt.
Không nên lấy cái đúng, cái hay của nhà văn này làm chuẩn mực để so sánh với nhà văn khác. Văn là người. Mỗi người là một cá thể mà sự so sánh là một điều xúc phạm đến chân dung nhà văn. Vì thế, tôi chỉ có thể nghĩ cho riêng mình là: Tiểu Tử là người truyền cảm hứng, người tiếp lửa văn học miền Nam mà nhiều người tưởng rằng có nguy cơ nó đã là tro nguội, bị lão hóa hoặc hết thời. Nhưng thật sự qua văn của Tiểu Tử nó vẫn giữ được cái hồn của miền Nam với trọn vẹn ý nghĩa.
Trong thời kỳ giúp việc cho tờ Tân Văn. Tân Văn, số 7, tháng 2, 2005 lần đầu tiên đã có đăng truyện ngắn: Thằng Đi Mất Tiệt. Đó là một cái duyên cho tôi.
Và sau đó, trên nhiều số Tân Văn khác, lần lượt truyện ngắn của Tiểu Tử có mặt như: Mài dao, mài kiếm, Chuyện di tản 1975, Thằng Khùng, Tôi nằm gác tay lên trán, Làm Thinh,Tấm vạc giường, Chuyện chẳng có gì hếtm Học ăn, học nói,‒ Chị Tư Ù, Người bán liêm xỉ, Con rạch nhỏ quê mình, Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Con mẹ hàng xóm, Chiếc khăn Mùi xoa, Ông già hốt rác, Tô Cháo huyết, Viết một chuyện tình,Tôi nằm gác tay lên trán.
Những truyện ngắn của nhà văn Tiểu Tử được đăng từ Tân Văn, số 7 và chấm dứt ở Tân Văn, số 94.
Số truyện của Tiểu Tử viết cho thấy quả thực, ông viết muộn. Từ khi khi sang Côte D’Ivoire2 tác giả mới bắt đầu viết tuyện ngắn3 ‒ mà như thể viết không cạn dòng. Tiểu Tử viết như thể còn sức còn viết cố vớt vát níu kéo thời gian đã qua.
Đấy mới chỉ nói đến trên dưới 100 truyện về lượng. Kể là nhiều, chỉ kém Bình Nguyên Lộc dưới 1000 cuốn. Phẩm chất mỗi truyện đều chuyên chở, gửi gấm một tâm sự, một nỗi lòng, một tỏ bày.
Báo Tân Văn nợ ông nhiều lắm, vì ông không nhận tiền nhuận bút.
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.
Đôi hàng về tiểu sử Tiểu Tử
Ông tên thật là Võ Hoài Nam. ông sinh ngày 19 tháng bảy năm 1930, tại quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh và là con trai duy nhất của giáo sư Võ Thành Cư, cựu giáo sư trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Ông cũng dạy Lý Hóa một năm, 1955‒1956, ở trường này…
Ông lớn lên ở miền Nam với dòng họ, với bà con, với láng giềng đan kết như một khúc ruột mềm thân thương, che chở, đùm bọc. Tất cả trở thành những kỷ niệm êm đẹp thời tuổi trẻ với nhiều trẻ cùng lứa tuổi, nghịch ngợm, chơi đùa của một thời. Sau này lớn lên ông vẫn không quên được, đi đâu, làm gì rồi cũng nhớ về. Rồi ông ông sang Tây du học trở về4, với mảnh bằng trong tay, ông làm việc cho hãng dầu Shell ở Sài Gòn cho đến ngày mất nước.
Rồi vài năm như mọi người, ông còn kẹt lại, ông phải sống chung với cộng sản. Ông đã chứng kiến, đã thấy hết những gì cộng sản nói và cộng sản làm với mặt trái của nó. Quyết định phải vượt biên thôi, hành lý mang theo chỉ là những kinh nghiệm, nỗi nhớ để sau này ông ghi lại trong: Con rạch nhỏ quê hương mình.
Ông ghi lại trong truyện Ông già hốt rác tâm sự cay đắng của một người miền Nam hiền lành đến khờ khạo bị cướp đoạt, bị bóc trần như bươi rác từ trên xuống dưới, trần như nhộng đến không còn gì.
Sự chia xẻ của ông từ một ông thày tiền bạc rộng rãi nay trở thành người cùng khổ không dám vào ăn một tô cháo lòng như trước kia nữa. Bà Ba bán cháo lòng cảm thông hoàn cảnh của ông thất cơ lỡ vận, bán tô cháo lòng không lấy tiền. Đắt giá nhất trong truyện Tô Cháo Huyết là chị Ba bán nói, “Chỗ quen biết, tôi nói thiệt.Thày Hai cứ tới ăn tự nhiên, đừng ngại. Chừng nào thầy Hai trả cũng được hết. Mình với nhau mà.. Phải thông cảm với nhau chớ. Thầy Hai hiểu tôi không?” Thực quá sức cảm động.
Bất mãn cùng cực, trong nhà không còn gì để bán, chỉ còn chiếc xe đạp và chút liêm xỉ treo bảng bán luôn, nhưng không ai mua. Ông viết trong truyện: Người bán liêm xỉ.
Và nhìn ra mặt trái của cuộc đời khi thấy con mẹ hàng xóm đua đòi, nịnh bợ mấy tên cán bộ để bán thân nuôi miệng ông viết Con mẹ hàng xóm.
Sau này, tất cả nó hun đúc, kết nén làm vốn cho ông cầm bút viết lại. Ông không cần hư cấu, không cần bóp méo sự thật, chỉ cần cúi xuống nhặt nhãnh Những mảnh vụn cuộc đời ghi lại như một nhân chứng những cuộc đổi đời, những lầm than và cả tình con người người diễn ra mỗi ngày.
Văn phong của Tiểu Tử
Mặc dù học cao thành đạt ‒ hơn nửa đời người sống nơi xứ người ‒ tốt nghiệp kỹ sư dầu hỏa ở Marseille, 1955. Về nước mới đầu dạy trường Petrus Trương Vĩnh Ký một năm. Sau đó sang làm việc tại hãng xăng Shell cho đến ngày miền Nam đổi chủ. Ông có viết lại giai đoạn này, khi miền Nam sắp mất, bị người Mỹ bỏ rơi, không đủ xăng cho máy bay. Chẳng biết, ông có cay đắng với người Mỹ không?
Năm 1978, vượt biên rồi định cư tại Pháp 1979. Sau đó đi làm việc cho công ty Đường Mía tại Côte D’Ivoire, Phi Châu cho đến 1982, rồi đó trở lại làm cho hãng Shell Côte d’ Ivoire từ năm 1982 đến 1991, và về hưu tại ngoại ô Paris.
Bấy nhiêu năm lưu lạc ở xứ người. Vốn chữ nghĩa vẫn không bị han rỉ, xói mòn. Ông vẫn giữ được cá tính miền Nam: bình dân, giản dị, thật thà, dí dỏm. Ông vẫn giữ được cốt cách một lối viết chân chất, kiểu nghĩ sao viết dzậy, không màu mè, không kiểu cách, không uốn éo văn hoa làm dáng. Điều này cho thấy ông khác hẳn nhà văn Mai Thảo. Mai Thảo vẫn nghĩ rằng ông là nhà văn, Những người làm ra chữ.
Nhưng chính lối viết chân chất ấy quyến rũ người đọc. Chính chỗ bình dị làm nên vóc dáng văn học. Chữ của ông là có sẵn, chỉ khác nó nằm trong văn cảnh toàn bộ hỏi đáp trao đổi giữa những người dân bình thường. Đọc là gợi nhớ, đọc là thấy mình trong đó như tìm về như có người nhắc hộ.
Một lần nữa, tên tuổi nhân vật truyện cũng đặc sệt tính miền Nam. Không có những tên văn hoa như Lan, như Cúc, như Bạch Tuyết ‒ hoặc như Dũng, như Long, như Tiến kiểu miền Bắc. Hoặc những tên như Diễm, Công Tằng Tôn nữ Lan Chi, Tôn nữ Hỷ Khương kiểu miền Trung, v.v..
Tên nhân vật truyện của Tiểu Tử không có những tên cao sang “với không tới”, mà bình dân như Con Lúa, con Nhàn, con Huệ, thằng Rớt, Thằng Lượm, Con mẹ hàng xóm, Thày Năm Chén, bà Năm cháo lòng, Chị Tư ù.
Bình dị mà gần gũi thân thương mỗi khi gọi đến tên làm ấm lòng người gọi và cả người được gọi. Nó biểu lộ một thứ thẻ căn cước ‒ tính chất miền Nam ‒ như một lẽ sống còn. Mất nó là mất tất cả lẽ sống ở đời.
Ngay cả những tiếng chửi thề cũng chứa đựng chút lòng thương. Như: Nội. Thằng chó đẻ của má. Người đọc chỉ thấy hình bóng một bà mẹ thương con, chịu nỗi đau cắt ruột đành đoạn để con cháu mình vượt biên. Thật vậy, có người mẹ nào muốn xa con. Thật ngược đời. Chỉ có ở chế độ xã hội chủ nghĩa mới xảy ra những chuyện đổi đời như vậy.
Nó khác hẳn những tiếng chửi tục của miền Bắc thô tục và áp đặt.
Thú thật bản thân người viết rất dị ứng và khó chịu với ngôn ngữ miền Bắc khi họ đối đáp với nhau kèm theo tiếng Đ. Mẹ. Một xã hội trượt giốc. Một thứ Đất khổ-Người Khổ. Đối với cá nhân tôi, họ là những loại người mặt lạ, không mời mà đến trân trân, tráo tráo. Họ tự hào đi làm lịch sử mà thật ra lịch sử chỉ là một con tin ‒ mà thật ra gián tiếp họ hiếp dâm lịch sử.
Liệu có một làn ranh đỏ giữa cộng sản và người dân miền Nam đến không thể nối liền được. Chắc là có qua văn phong các truyện ngắn của Tiểu Tử. Có thể đến 8 phần 10 nội dung các câu truyện là chửi xéo cộng sản.
Xem ra tuổi càng lớn, ông càng viết hăng, viết lại “tới nữa”. Điển hình là truyện ngắn Bài Ca Vọng Cổ khi ông đang làm ở bên xứ người. Đây có thể là truyện tiêu biểu nhất về tâm trạng con người Tiểu Tử.
Câu truyện gây ngạc nhiên, thích thủ đến kỳ lạ, đến ngoài sức tưởng tượng. Nó miêu tả nỗi lòng của một người sống tha phương cầu thực mà nỗi nhớ quê hương vẫn canh cánh bên lòng.
“Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy.” Rồi lại nhắm mắt lim dim. Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”.
“Mấy lớp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng đang vươn lên ngọn khói… á…lam…à.. chiều.”
Hóa ra đó là một thanh niên da đen đang ca vọng cổ. Tác giả chào “Bonjour” và hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp: “Anh hát cái gì vậy?” “Một bài ca của Việt Nam”. Anh ta tự giới thiệu mình là Jean, người ta thường gọi là “Jean le Vietnamien” à Borotou. Jean là “con lai” có mẹ gốc Nha Trang. Tiểu Tử cũng tự giới thiệu mình là người Việt Nam.
“Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
– Trời ơi! … Bác là người Việt Nam hả?
Rồi hắn vỗ lên ngực:
– Con cũng là người Việt Nam nè!
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kiềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” nầy mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt.
Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
– Trời ơi! … Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!… Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng “hết lớn” bác à!”
Tiểu Tử, Bài ca vọng cổ,
Đọc biết bao truyện ngắn của Tiểu Tử làm tôi cảm thấy mình may mắn. Mỗi truyện có cái hay của nó, mỗi truyện đều nhắn gửi điều chi đó. Nhưng cũng xin có đôi lời nhận xét thô thiển qua những chuyện ông kể lại.
Giọng văn, hơi văn thuần túy Việt miền Nam.
Điều này thật không dễ cho bất cứ ai. Ông đặt những câu chữ đúng lúc, đúng chỗ khi cần phải đặt. Ngòi bút tuôn chảy ra tự nhiên. Tôi tự hỏi, điều gì đã giúp ông không bị “nhiễm trùng”, lai căng, nửa Tây, nửa ta. Và nhất là không bị nhiễm các từ lai căng của cộng sản.
Tôi cũng không hề thấy ông bị ảnh hưởng một chút nào về văn hóa Pháp mà lẽ thường ông chịu ảnh hưởng từ nếp sống, phong tục hoặc cao hơn nữa đến các trào lưu văn học Pháp như nhiều người, trong đó có kẻ viết bài này.
Phải thành thật nhận rằng những từ ngữ ông xử dụng thuần túy là “miệt vườn” 100%. Nó có thể dễ tự nhiên và thoải mái cho một nhà văn Lê Xuyên. Nhưng nó không thật dễ cho ông.
Điều thứ hai cũng lạ không kém. Ông không sài bừa bãi một từ ngữ nào mà cộng sản quen dùng. Nhưng nét độc đáo của ông chửi Việt Cộng là có bề thế, bài bản và và sâu sắc như trong truyện:
“Bới rác”. Câu chuyện kể một ông già có công với Cách Mạng, sau đó bị cách mạng cướp hết tài sản nên phát điên, ngày lang thang ngoài đường bới rác. “Tao bới rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng nuôi trong nhà.”
Đúng là “qua” nói ít, mà hiểu nhiều.
Trong truyện Bà Năm bán cháo lòng: Bà mang thằng con ra chửi đổng mà như thể cứ chửi cả nước. Truyện Chiếc khăn mùi xoa là một chuyện tình cảm động và đầy nước mắt, tình nghĩa của những người sống lưu vong nơi xứ người: Nhớ lại “Con Huê” lúc còn nhỏ thương anh Cương. Sau 1975, Cương vượt biên rồi định cư ở Pháp. Trước khi chết, Cương dặn con gái:
“Con ráng tìm cách về Nhơn Hòa, Cầu Cỏ, trao cái này cho cô Hai Huê, nói ba không quên ai hết’. ‘Cái này’ là một bao thư, trong đó có chiếc khăn mùi xoa cô Huê đã tặng Cương thời trẻ. (…)
Cô Hai Huê ngất xỉu khi nghe tin người bạn xưa nay đã chết bên trời Tây.”
Tiểu Tử, ‘Chiếc Khăn Mùi Xoa’
Truyện này tình tiết gay go và phức tạp hơn nhiều mà bạn đọc cần phải đọc.
Chung cuộc, tôi nghĩ rằng mình bất lực vì không diễn tả nổi cái “cái hay cốt lõi” của một nhà văn. Cho nên, cách tốt nhất vẫn là khuyên người đọc tự tìm lấy mà đọc. Chính mỗi người phải tự mình chạm vào tác phẩm.
Đọc Tiểu Tử cũng vậy. Không thể diễn tả cũng không thể bắt chước được. Cũng khó mà tóm lược nói thay cho ông được. Vì thế, chỉ xin nhớ cho rằng nhà văn Tiểu Tử mà tôi vinh danh gọi là: Người tiếp lửa và giữ hồn của miền Nam. Ông làm công việc đó một cách trọn vẹn.
Nhà văn Tiểu Tử nay cũng đã lớn tuổi, một ngày nào đó, ông sẽ để lại một cái “ghế trống” (chữ của Nguyễn Xuân Hoàng) trong văn học cần có người “tiếp lửa”, ngồi vào cái ghế trống ấy.
Rồi ai sẽ là những người tiếp lửa thế chỗ ông?
Trong cái tinh thần ấy, tôi nghĩ đến những nhà văn cũng trong dòng chảy văn chương đó như những con suối nhỏ róc ráy chảy để cuối cùng chảy vào dòng sông lớn. Mỗi người họ là một vóc dáng, mỗi người họ là một tên tuổi chảy vào dòng chung ra biển lớn. Họ có thể là những người như: Nguyễn Đặng Mừng đã có nhiều truyện đăng trên Tân Văn, truyện ngắn đầu tiên trên Tân Văn, Về làng. Cũng có thể làPhạm Tín An Ninh, Nguyễn Vĩnh Long Hồ, Nguyễn Bửu Thoại với truyện, Đôi mắt Người bị xử bắn trong rặng Bình Bát. Tôi rất xúc động khi đọc truyện này và đã đôi lần tôi muốn giới thiệu, nhưng chưa thực hiện được.
Ở ngay Montréal, nơi tôi ngụ cư đà trên 40 năm, có nhà văn Tiểu Thu. Một phong thái viết phảng phất “văn chương miệt vườn”, “sư tỷ hay sư muội” của nhà văn Hồ Trường An, em ruột nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Cuối cùng, trẻ hơn nữa, xông xáo hơn nữa, tôi muốn dành một vài dòng cuối cho một người trẻ tuổi tên thật: Hoàng Thị Ngọc Thúy, bút hiệu Hoàng Quân, hiện định cư ở Đức cùng gia đình và anh chị em. Đi đó đi đây rất nhiều, trải nghiệm không thiếu. Tốt nghiệp Đại học ở Đức ‒ Đại học J.W Goethe, Frankfurt thành chuyên viên trong ngành học tài chánh nên có dịp đi hội họp và công tác trên 30 Quốc Gia. Được biết tác giả có bốn tác phẩm đã xuất bản, tuyển tập với nhiều truyện ngắn. Hoàng Quân: Bông Hoa trên Phím, 2015; Nhớ Tiếng À Ơi, 2016; Đứng Ngẩn Trông Vời, 2018; Sợi Vắn Sợi dài, 2021.Bắt đầu lên đường như thế cũng báo hiệu một thành tựu vững chãi hơn sau này. Các tác phẩm của Hoàng Quân đều điểm xuyến bằng khá nhiều các bức tranh của người chị lớn Hoàng Thanh Tâm làm cho cuốn truyện có mầu mát mắt. Nay đã có nhận định của Luân Hoán và người viết phiếm luận Song Thao cũng ở Montréal. Tôi cũng có tình cờ đọc trên Thế Kỷ 21, thấy tác giả trẻ này “viết ngon” tính hỏi thăm gốc gác của tác giả. Nghĩ rồi lại thôi sợ hiểu lầm là tò mò.
Ý muốn “nhận định” về 4 tác phẩm này cũng có. Nhưng thấy thật sự không dễ tý nào. Tác giả viết phóng khoáng, thi tứ quá, ẩn ý tế nhị khó mà bắt kịp. Tôi mới kịp nhận ra rằng cầm bút vốn là cay cực, lầm than mà đọc xem ra cũng không dễ dàng gì. Mong là tác giả vẫn giữ cái hồn nhiên tự tại như thế trong truyện cũng như cuộc đời.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính, trình bày và phụ chú.
Đọc thêm: Tiểu Tử, Bài ca vọng cổ, DCVOnline, DECEMBER 28, 2015
Tiểu Tử, Chiếc khăn mu-soa, Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu
1 Phơi-ơ-tông (phát âm tiếng Việt của chữ ‘feuilleton’ của tiếng Pháp) ban đầu là một loại phụ trang gắn liền với phần chính trị của những tờ báo Pháp, phần lớn gồm tin tức phi chính trị và tin đồn, văn học, và phê bình nghệ thuật, biên niên sử về thời trang mới nhất, và các biểu tượng, trò đố chữ và những chuyện vặt vãnh văn chương khác. Thuật ngữ Phơi-ơ-tông do những biên tập viên của Journal des débats, Julien Louis Geoffroy và Bertin the Elder, phát minh năm 1800. Feuilleton đã được mô tả là “câu chuyện của thị trấn”, ví dụ đương đại là mục “Talk of the Town” của The New Yorker. Trong báo tiếng Anh, thuật ngữ này dùng để chỉ một phần của một câu chuyện nhiều kỳ (‘serial’) đăng trên một phần của tờ báo.
2 Phi Châu, từ 1979 đến 1982.
3 Trước 1975, Tiểu Tử giữ mục biếm văn “Trò Ðời” của nhựt báo Tiến. Tập truyện “Những Mảnh Vụn” (Làng Văn Toronto xuất bản) là tập truyện đầu tay.
4 Tốt nghiệp Kỹ sư, Marseille năm 1955