Đừng lo về quyền bá chủ của Trung Hoa ở châu Á nữa
Stephen M. Walt | Trần Giao Thuỷ
Nỗi sợ hãi của Hoa Kỳ không những chỉ phi lý mà còn có thể là một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Hoa Kỳ và những đối tác châu Á muốn duy trì sự cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bề ngoài là để ngăn chặn Trung Hoa trở thành bá chủ khu vực đó. Họ lo ngại Bắc Kinh sẽ dần dần thuyết phục những nước láng giềng xa rời Hoa Kỳ, chấp nhận vai trò bá chủ của Trung Hoa và chiều theo mong muốn của Bắc Kinh trong những vấn đề chính sách đối ngoại then chốt. Ví dụ, vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, James Mattis, cảnh cáo rằng
Trung Hoa đang “ấp ủ những kế hoạch dài hạn nhằm viết lại trật tự toàn cầu hiện có. … Nhà Minh dường như là mô hình của họ, mặc dù theo kiểu cơ bắp hơn, yêu cầu những quốc gia khác phải triều cống, khấu đầu trước Bắc Kinh.”
James Mattis, 2018
Những cựu công chức chính phủ Hoa Kỳ như Rush Doshi và Elbridge Colby và những người theo chủ nghĩa hiện thực nổi tiếng viết về đại chiến lược của Hoa Kỳ—kể cả tôi—đã đưa ra những lập luận tương tự, và mong muốn đã tuyên bố của Trung Hoa là trở thành một “cường quốc hàng đầu thế giới” và những nỗ lực của họ nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và những nơi khác dường như đang biện minh cho những lo ngại này.
Hệ quả của quan điểm này đáng lo ngại. Nếu Trung Hoa đang tích cực tìm cách trở thành bá chủ khu vực ở châu Á và Hoa Kỳ kiên quyết ngăn chặn chuyện đó, thì một cuộc đụng độ trực tiếp giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới sẽ khó tránh khỏi.
Nhưng những nỗi sợ hãi này có hợp lý không? Mặc dù Trung Hoa có thể sẽ có lợi hơn nếu họ có thể trục xuất Hoa Kỳ khỏi châu Á và trở thành một bá chủ khu vực thực sự, nhưng mục tiêu đó có lẽ nằm ngoài tầm với của họ. Nỗ lực giành quyền bá chủ khu vực của Trung Hoa có thể thất bại và gây thiệt hại to lớn cho Trung Hoa (và những nước khác) trong tiến trình này. Do đó, Hoa Kỳ có thể có quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng này, ngay cả khi không thể bác bỏ nó hoàn toàn. Do đó, ngay cả khi họ cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và những đồng minh phải bảo đảm được rằng những nỗ lực của họ sẽ không thuyết phục những người lãnh đạo Trung Hoa phải cố gắng giành quyền bá chủ bất chấp những rủi ro trước mắt.
Tại sao bá quyền khu vực là điều đáng ao ước
Dễ hiểu tại sao một quốc gia hùng mạnh có thể muốn trở thành bá chủ khu vực (nghĩa là cường quốc duy nhất trong khu vực địa lý của nó). Nếu không có cường quốc lớn nào khác ở gần, một bá chủ khu vực có rất ít lý do để lo sợ những cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của mình. Một cường quốc thống trị môi trường xung quanh theo cách này cũng sẽ ít bị thiệt hại hơn trước những cuộc phong tỏa hoặc những hình thức áp lực khác, và họ có thể mong được những quốc gia yếu hơn trong phạm vi ảnh hưởng tôn trọng từ ngay cả khi họ không trực tiếp cai trị những quốc gia đó. Việc không có những mối nguy hiểm cục bộ cũng giúp một bá chủ khu vực dễ dàng phóng chiếu sức mạnh sang những khu vực khác trên thế giới nếu việc làm đó có vẻ là điều cần hoặc muốn.
Lịch sử của Hoa Kỳ minh họa những lợi ích này thật rõ ràng. Hoa Kỳ cách xa những cường quốc khác do hai đại dương và cũng liên can đến nhiều cuộc cãi vã của họ. “An ninh tự do” này đã mang lại cho những người lãnh đạo Hoa Kỳ phạm vi xoay sở rất lớn: Họ có thể giữ thái độ trung lập khi xung đột nổ ra ở nơi khác hoặc tham chiến trong “những cuộc chiến tranh lựa chọn” ở xa quê hương nếu điều đó có vẻ phù hợp. Khi những can thiệp từ xa này thất bại — như chúng đã xảy ra ở Việt Nam, Iraq hoặc Afghanistan — Hoa Kỳ cuối cùng có thể rút quân mà không đặt an ninh của Mỹ vào nguy cơ nghiêm trọng.
những người lãnh đạo Trung Hoa chắc chắn nghĩ rằng đất nước của họ sẽ an toàn hơn nếu đạt được vị trí bá chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bắc Kinh sẽ bớt lo sợ hơn nếu Hoa Kỳ không liên kết chặt chẽ với nhiều nước láng giềng ở đó và không có lực lượng quân sự hùng mạnh đồn trú khắp khu vực. Trung Hoa sẽ ít bị thiệt hại hơn trước những cuộc phong tỏa trong trường hợp chiến tranh, một mối quan tâm đáng kể do địa lý hàng hải hạn chế của Đông và Đông Nam Á và sự phụ thuộc đáng kể của Bắc Kinh vào thương mại nước ngoài. Với ít mối nguy hiểm địa phương hơn để lo lắng, Bắc Kinh cũng sẽ dễ dàng phóng chiếu sức mạnh ở nơi khác nếu họ muốn.
Chính những yếu tố này cũng giải thích tại sao Hoa Kỳ muốn ngăn chặn tình trạng này phát sinh. Kể từ khi trở thành một cường quốc vào buổi bình minh của thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã tìm cáchh duy trì sự cân bằng quyền lực sơ bộ ở châu Âu và Đông Á, đồng thời ngăn chặn bất kỳ cường quốc đơn lẻ nào thống trị cả hai khu vực. những người lãnh đạo Hoa Kỳ lo ngại rằng một bá chủ châu Âu hoặc châu Á cuối cùng có thể tích lũy đủ sức mạnh kinh tế và quân sự ngang bằng hoặc lớn hơn Hoa Kỳ. Không còn quan tâm đến hững mối đe dọa về mặt địa phương, nó có thể chọn can thiệp vào những lĩnh vực khác, như Hoa Kỳ đã có thể làm. Một đối thủ kiểu này thậm chí có thể liên minh với những quốc gia ở Tây Bán cầu và buộc Washington phải tập trung sự chú ý của mình gần hơn. Mong muốn lâu dài để ngăn chặn một bá quyền khu vực ở châu Âu hoặc châu Á là lý do tại sao Hoa Kỳ cuối cùng đã tham gia vào hai cuộc chiến tranh thế giới và tại sao họ duy trì những lực lượng quân sự đáng kể ở cả hai khu vực trong Chiến tranh Lạnh dai dẳng.
Do đó, nếu quyền bá chủ khu vực có thể đạt được dễ dàng thì việc những người lãnh đạo Trung Hoa muốn nó và những người lãnh đạo Hoa Kỳ cố gắng hết sức để ngăn chặn điều đó có thể là chiến lược tốt. Nhưng nếu mục tiêu có vẻ hấp dẫn này thực tế là một ảo ảnh: khó khăn và có thể không thể đạt được thì sao? Nếu vậy, Bắc Kinh sẽ thật ngu ngốc khi theo đuổi mục tiêu này và Washington có thể chọn cách ứng xử thận trọng hơn để ngăn cản nó.
Tại sao (gần như) không thể đạt được quyền bá chủ khu vực
Quyền bá chủ khu vực có thể đáng khát khao về mặt lý thuyết, nhưng lịch sử cho thấy đó là một mục tiêu khó đạt được. Như Jonathan Kirshner đã chứng minh, một số cường quốc khác nhau đã đbỏ sức giành quyền thống trị khu vực trong thời kỳ hiện đại và tất cả, trừ một trong những nỗ lực này đều đã kết thúc trong thảm họa. Pháp thất bại dưới thời Louis XIV và Napoléon Bonaparte; Đức bị đánh bại trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, và nỗ lực của Nhật Bản nhằm thiết lập một trật tự bá quyền ở châu Á cũng kết thúc trong thất bại hoàn toàn. Chỉ có Hoa Kỳ đã xoay sở để trở thành cường quốc duy nhất trong khu vực của mình. Nói tóm lại, trong thế giới hiện đại, tỷ lệ thành công là dưới 20 phần trăm.
Hơn nữa, những thất bại đó không chỉ là những thất bại nhỏ: Chúng là những đại thảm họa đối với những quốc gia đã thực hiện nỗ lực này. Có lẽ một triệu người Pháp đã thiệt mạng trong Chiến tranh Napoléon, và Bonaparte đã chết khi lưu vong trên một hòn đảo xa xôi ở Nam Đại Tây Dương. Nước Đức đã phải gánh chịu rất nhiều trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới và cuối cùng bị chia thành hai quốc gia hơn 40 năm. Nhật Bản bị đốt cháy trong Thế chiến thứ hai, có hai thành phố bị bom nguyên tử phá hủyvà trật tự chính trị của nó đã kẻ ngoại xâm thay đổi. Trở thành bá chủ khu vực có thể là điều đáng mơ ước, nhưng việc cố trở thành bá chủ hầu như luôn khiến một quốc gia trở nên ít an toàn hơn, thay vì nhiều hơn.
Những nỗ lực giành quyền bá chủ thất bại vì hai lý do chính. Đầu tiên, như những người theo chủ nghĩa hiện thực phòng thủ từ lâu đã nhấn mạnh, những cường quốc lớn có khuynh hướng cân bằng trước những mối đe dọa. Khi một quốc gia hùng mạnh ở gần, khi những quân đội của quốc gia đó dường như được điều chỉnh để phóng chiếu sức mạnh chống lại những quốc gia khác và khi quốc gia đó dường như có tham vọng xét lại, thì những cường quốc gần đó thường liên kết với nhau để ngăn chặn hoặc đánh bại họ. Nếu một nước sắp trở thành bá chủ bộc lộ mục tiêu của mình bằng cách bắt đầu chiến tranh, hành động cân bằng thậm chí còn trở nên hiệu quả hơn và rõ rệt hơn.
Rào cản thứ hai đối với quyền bá chủ khu vực là chủ nghĩa dân tộc. Như Napoléon đã thấykhi ông xâm lăng Tây Ban Nha, như Liên Xô và Hoa Kỳ đều học được ở Afghanistan, và như Moscow hiện đang được nhắc nhở lại ở Ukraine, người dân địa phương sẽ tận lực hy sinh để đẩy lùi quân xâm lăng. Ngay cả những quốc gia đã bị đánh bại tạm thời thường vẫn kiên cường và mong muốn thoát khỏi ách thống trị của một bá chủ đầy tham vọng. Sự tan rã của những đế chế thực dân châu Âu trong thế kỷ 20 càng minh họa rõ hơn việc truyền bá những học thuyết dân tộc chủ nghĩa đã củng cố sức khác chiến chông lại sự thống trị của nước ngoài như thế nào.
Hoa Kỳ là một ngoại lệ đối với khuynh hướng lặp đi lặp lại này: Hoa Kỳ là bá chủ khu vực duy nhất trong kỷ nguyên hiện đại. Những cường quốc khác có thể trở thành bá chủ phải đối mặt với sự phản đối phối hợp từ những quốc gia có tổ chức tốt và đang gờm, nhưng Hoa Kỳ cách xa những cường quốc khác cả một đại dương và có thể mở rộng khắp Bắc Mỹ mà không cần phải chiến đấu với một cường quốc lớn khác hoặc vượt qua một liên minh đối lập cân bằng. Người dân bản địa đã cố gắng chống lại, nhưng họ đã bị suy yếu do dễ mắc những bệnh châu Âu và bị chia thành nhiều bộ lạc và quốc gia tổ chức lỏng lẻo. Mặc dù sự phản đối của người bản địa đối với sự bành trướng của người Mỹ vẫn còn cho đến cuối thế kỷ 19, những bộ lạc bản địa phải đối đầu với những vấn đề hành động tập thể không thể vượt qua và dân số ngày càng giảm và cuối cùng bị cuốn theo làn sóng nhân khẩu không thể cưỡng lại. Nói một nhữngh dễ hiểu, Hoa Kỳ đã gặp may.
Trung Hoa có thể trở thành bá chủ khu vực ngày nay hay không?
Những điều kiện cho phép Hoa Kỳ thống trị Tây bán cầu và loại trừ những cường quốc lớn khác không hiện hữu ở châu Á ngày nay. Trung Hoa có thể mạnh hơn bất kỳ nước láng giềng nào, nhưng một vài trong số họ là những cường quốc kỹ thuật có tiềm năng đáng kể để kiềm chế sức mạnh của Trung Hoa, và cường quốc lớn khác trên thế giới—Hoa Kỳ—vẫn cam kết giúp bảo vệ họ. Dân số Ấn Độ hiện lớn hơn và trẻ hơn đáng kể so với Trung Hoa và nền kinh tế của nước này đang phát triển nhanh hơn. Nhiều nước láng giềng của Trung Hoa đã sẵn sàng là đối lực cân bằng một cách mạnh mẽ hơn: Ngân sách quốc phòng đang tăng mạnh và Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đang phối hợp với nhau và với Hoa Kỳ. Nỗi sợ hãi của họ đối với quyền bá chủ của Trung Hoa càng lớn thì những phản ứng như vậy sẽ ngày càng mạnh hơn.
Ngoài ra, India đã có kho vũ khí hạch tâm và Nhật Bản hoặc Nam Hàn có thể có được khả năng răn đe hạch tâm nếu có nhu cầu. Nhà chức trách ở Tokyo và Seoul trước đây đã nói rõ rằng họ coi đây là một lựa chọn có thể đứng vững được nếu hoàn cảnh đòi hỏi, và việc có khả năng răn đe của riêng họ sẽ hạn chế hơn nữa khả năng đe dọa của Trung Hoa đối với họ. Do đó, nếu Trung Hoa không muốn nhiều nước láng giềng có vũ khí hạt nhân, thì họ nên hạn chế tham vọng của chính họ và khiến một phản ứng như vậy là không chuyện cần thiết.
Những cường quốc châu Á cũng không có khả năng bị ảnh hưởng vì đề nghị của Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình “người dân châu Á điều hành việc của châu Á… dẫn đường cải cách hệ thống quản trị toàn cầu” chuyển đổi những thể chế và chuẩn mực phản ảnh những giá trị và ưu tiên của Bắc Kinh.
Cuối cùng, kỹ thuật theo dõi và truyền thông hiện đại giúp những quốc gia dễ dàng xác định những thế lực đe dọa và phối hợp phản ứng phòng thủ. Không thể che giấu nỗ lực giành quyền bá chủ của Trung Hoa ở châu Á và những quốc gia bị đe dọa vì nỗ lực này có thể chia sẻ mối quan tâm, tập hợp tài nguyên và kịp thời có phản ứng tập thể. Như phản ứng nhanh và mạnh của phương Tây đối với cuộc xâm lăng Ukraine của Nga cho thấy, những quốc gia đang đối diện với mối nguy hiểm chung có thể hành động nhanh chóng đáng ngạc nhiên khi cần thiết.
Nếu quyền bá chủ khu vực không phải là một lựa chọn, vậy thì sao?
Nếu triển vọng bá chủ khu vực của Trung Hoa bị hạn chế, thì Hoa Kỳ và Trung Hoa phải đấu tranh về điều gì? Mỗi quốc gia là một quốc gia rộng lớn với hàng trăm triệu công dân yêu nước. Cả hai có nền kinh tế lớn và tinh vi mà không thế lực bên ngoài nào có thể bóp nghẹt một cách hiệu quả, một quân đội hiện dịch mạnh mẽ và khả năng tấn công hạch tâm lần thứ hai. Một đại dương bao la ngăn cách họ, và không bên nào có thể xâm chiếm bên kia mà thanh công. Cùng sinh tồn không chỉ là mong muốn; nó là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, những người lãnh đạo Trung Hoa vẫn có thể quyết định chọn con đường đầy rủi ro mà những nước có thể trở thành bá chủ khác đã đi theo. Nếu họ tin rằng cán cân quyền lực trong khu vực nghiêng hẳn về phía có lợi cho họ, rằng những quốc gia lân cận có thể bị bắt nạt để trở thành trung lập, rằng một hoặc hai chiến thắng sẽ khiến cho sự kháng cự tiếp theo là không thể, và rằng những quốc gia khác ở châu Á cuối cùng sẽ coi quyền ưu tiên của Trung Hoa là hợp pháp, thì rủi ro của một cuộc leo thang làm bá quyền (dù khờ dại) sẽ tăng lên. Trong trường hợp xấu nhất, những người lãnh đạo Trung Hoa có thể thuyết phục họ rằng những điều kiện tạm thời ủng hộ nỗ lực giành quyền bá chủ khu vực, đồng thời lo sợ rằng cán cân quyền lực có thể quay lưng lại với họ một cách dứt khoát nếu không nắm lấy cơ hội. Sự kết hợp giữa mơ tưởng và hoang tưởng này là điều kiện sách giáo khoa cho chiến tranh phòng ngừa; chính xác là logic đã thuyết phục những người lãnh đạo Đức và Nhật Bản đưa ra những nỗ lực bất thành để giành quyền bá chủ trong nửa đầu thế kỷ 20.
Những sự liên can đối với Hoa Kỳ và những đối tác châu Á là rõ ràng. Một mặt, họ nên hành động để giảm thiểu những yếu tố khác nhau có thể cản trở sự cân bằng hiệu quả và có thể khiến Bắc Kinh kết luận sai lầm rằng nỗ lực giành quyền bá chủ có thể thành công. Tuy nhiên, đồng thời, Hoa Kỳ và những đồng minh của họ cần nói rõ rằng họ không muốn đe dọa nền độc lập hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Trung Hoa, làm suy yếu uy quyền của Đảng Cộng sản Trung Hoa hoặc làm sụp đổ nền kinh tế Trung Hoa. Trấn an là việc cần thiết để những người lãnh đạo Trung Hoa không kết luận rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi quyền bá chủ ngay cả khi tỷ lệ thành công là rất nhỏ.
Thông điệp nhất quán sẽ rất cần thiết. Mặc dù những bài phát biểu gần đây của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen rõ ràng nhằm trấn an Bắc Kinh về phạm vi và mục đích của những biện pháp kiểm soát xuất cảng và những biện pháp kinh tế khác của Hoa Kỳ, những nỗ lực nhằm trao cho NATO một vai trò chiến lược ở châu Á và tuyên bố kết thúc mang tính đối đầu hơn đã được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh G-7 hồi đầu tháng gửi đi một tín hiệu khác, một tín hiệu không thể không làm căng thẳn
g gia tăng.
Trong một vàitrường hợp trong ba thế kỷ qua, một cường quốc đã kết luận rằng an ninh của họ đòi hỏi họ phải thiết lập một vị trí thống trị đối với những nước láng giềng. Tất cả trừ một trong những nỗ lực này đều thất bại thảm hại. Trung Hoa sẽ không khôn ngoan khi chọn con đường này, nhưng Hoa Kỳ và những đồng minh của họ cũng sẽ không khôn ngoan nếu hành động của chính họ vô tình thuyết phục Bắc Kinh rằng một nỗ lực mạo hiểm để giành quyền bá chủ vẫn là lựa chọn tốt nhất của họ.
Tác giả | Stephen M. Walt, một bình luận gia tại Foreign Policy và là giáo sư Robert và Renée Belfer về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard. Nhận định này xuất bản với sự hợp tác của Chương trình Hòa bình Châu Á tại Viện Nghiên cứu Châu Á của Đại học Quốc gia Singapore.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Stop Worrying About Chinese Hegemony in Asia | Stephen M. Walt | Foreign Policy| May 31, 2023.