Tản mạn về bài nói chuyện của ông Tổng Bí Thư NPT ở Mỹ năm 2015

Nguyễn Duy Vinh

Bài nói chuyện của ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (xin viết tắt là TBT NPT) tại Trung Tâm Khảo Cứu Về Chiến Lược và Những Vấn Đề Quốc Tế (CSIS) của Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 8 tháng 7 vừa qua [1] rất xúc tích và ngắn gọn. Quan khách ngồi nghe hôm đó chắc không ai phật lòng vì bài nói chuyện có thể gọi là khá tích cực với mục đích đẩy mạnh sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (VN & HK) trong đó phía Việt Nam, qua lời nói của ông TBT, đã bày tỏ rất nhiều lạc quan và tin tưởng về triển vọng tốt đẹp của quan hệ VN & HK trong thời gian tới. Tuy nhiên, cái tuy nhiên phải gió, theo tác giả bài viết này, bài nói chuyện của ông TBT NPT vẫn chưa được hoàn toàn thẳng thắn và minh bạch vì còn vài chỗ khá nhập nhèm.

Chuyện nhập nhèm đầu tiên là chuyện ông TBT NPT trách cứ chính phủ Mỹ cho những gì đã xẩy ra ở Việt Nam 30 năm sau (1945 – 1975), sau ngày Việt Minh dùng bạo lực dành nắm chính quyền tại Hà Nội năm 1945.

Ngay trong phần nhập đề nói sơ về lịch sử quan hệ Việt Nam (VN) và Hoa Kỳ (HK), ông Trọng đã khẳng định là phải chi ngày đó Mỹ chú ý đến sự thỉnh cầu của Việt Nam và phúc đáp đến nơi đến chốn những thỉnh cầu đó với sự giúp đỡ tận tình của Mỹ thì làm gì có chuyện hai nước Mỹ và Việt Nam đã “phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995” [1]. Theo ông Trọng, ông Hồ Chí Minh đã viết thư cho tổng thống Truman và giới lãnh đạo Mỹ không phải một lần mà là… 14 lần! và không lần nào nhận được hồi âm. Tôi không biết văn khố Mỹ (hay văn khố Việt Nam) còn giữ những phóng bản hay bản chính của 14 lá thư này không. Vì nếu có thì đây đúng là chứng cứ hùng hồn bảo đảm cho lời tuyên bố của ông Trọng là… không ngoa. Tuy nhiên ở thế giới truyền tin và thông tin hiện đại ngày hôm nay, chúng ta có thể Gú Gờ và có thể tìm ra một số các tài liệu này khá dễ dàng. Và mặc dù không tìm được đầy đủ 14 lá thư đó, liên kết mạng [2] trong danh sách tham khảo cũng cho chúng tôi thấy khá rõ nội dung của những điện tín và những trao đổi của ông Hồ với ông Truman và một số lãnh đạo Mỹ. Và theo những tài liệu tìm được thì điều ông Trọng nói đúng, Việt Nam ngay từ đầu có cầu cứu Mỹ.

Ông Trọng rất khôn ngoan, ông giáo đầu tuồng bằng cách trách cứ Mỹ vừa đủ nhẹ nhàng để không gây nên sự phẫn nộ của các quan khách có mặt. Đại để ông TBT nhấn mạnh là ông Hồ Chí Minh đã viết cho giới lãnh đạo Mỹ đến 14 lần mà các ông ấy vẫn im ru làm ngơ thì các ngài cũng có lỗi cho những gì xảy ra ngày hôm nay vì chính các ông đã đẩy chúng tôi vào con đường tranh đấu chống thực dân Pháp với sự giúp đỡ của Tàu và Nga chứ từ nguyên thủy chúng tôi đã nghĩ đến Mỹ trước tiên. Và ông Trọng thừa thắng xông lên, ông dõng dạc tuyên bố là Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh chống phát xít trong suốt thời gian đệ nhị thế chiến (1939-45). Tôi không phải là sử gia nhưng câu tuyên bố chung chung này làm tôi hơi sững sờ. Sững sờ vì tôi thấy lời phát biểu này của ông Trọng có tính cách hơi cường điệu. Thật thế, lịch sử ghi rõ ràng rằng ông Hồ thực ra mãi đến năm 1941 mới về nước và tuy thực sự lúc đó Việt Minh có lén lút giúp đỡ toán quân trinh sát OSS của Mỹ (United States Office of Strategic Services), việc này cũng không kéo dài được bao lâu vì sau đó ông Hồ lại bôn ba sang Tàu và bị quân của Tưởng Giới Thạch bắt và nhốt giam cho đến năm 1943 mới thả. Ông về lại Việt Nam và bị bệnh xuất huyết ruột và ông may mắn được những bác sĩ Mỹ thuộc toán quân OSS có mặt ở vùng cao nguyên Việt Bắc lúc bấy giờ cứu sống.

Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào giải mã bí ẩn tại sao Mỹ lại im lặng trước những lời kêu gọi của Việt Nam. Sách của bà Céline Marangé [3] cho thấy trong thời buổi nhá nhem đó sau hội nghị Postdam, nước Mỹ đang phải đương đầu với sự bành trướng và xâm chiếm bất thần và ngang ngược của Nga ở Đông Âu và theo những trang sách của Marangé (từ trang 160 trở đi), đã có những sự đi đêm giữa Nga và Pháp và người đọc có thể đoán được là Nga đã hoàn toàn ủng hộ sự trở lại của Pháp ở Đông Dương sau những lần gặp gỡ giữa Molotov (bộ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô) và đại sứ Pháp tại Moscow. Và lúc đó Việt Nam bị cô lập nặng nề và phải cầu cứu Tàu. Và lịch sử một lần nữa đã cho thấy sự hiện diện của Tàu Cộng trong suốt quá trình đấu tranh dành độc lập của Việt Nam. Sau khi Trung Hoa tuyên bố độc lập ngày 1 tháng 10 năm 1949 và vẫn theo sách của Marangé, ông Hồ lúc đó tuy đã 60 tuổi nhưng ông vẫn đủ sức lặn lội đi bộ qua biên giới Việt Bắc sang Tàu và cuối cùng được Chu Ân Lai đón tiếp trọng thể vào đầu tháng giêng năm 1950. Mao Trạch Đông, lúc đó đang ở Moscow, đã gửi điện tín về chúc mừng và lên tiếng thừa nhận chính thức chính phủ Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ. Sự có mặt của Trung Hoa (TH) trong chính trị và chính trường Việt Nam (cả về tư duy lẫn nhân sự và khí giới) là một sự thật. Và nợ nần với TH qua sự giúp đỡ súng đạn và kinh tế ngày càng chồng chất bắt đầu từ năm 1950 cho đến trận Điện Biên Phủ (1954) và tiếp tục mãi cho đến khi VNDCCH toàn thắng năm 1975.

Ông TBT NPT có nhắc đến tuyên ngôn độc lập Việt Nam năm 1945 trong phần mở đầu bài nói chuyện của ông. Tôi xin trích dẫn một đoạn của phần nhập đề của ông Trọng ở đây:

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói về tương lai quan hệ Mỹ-Việt. Ông tập trung vào hiện trạng của mối quan hệ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam và cho biết ông hy vọng sẽ tiếp tục xây dựng lòng tin chính trị giữa hai quốc gia để Việt Nam và người dân phát triển mạnh mẽ. Anh cũng trả lời các câu hỏi của khán giả. Nguồn: Center for Strategic and International Studies, July 8, 2015. https://www.c-span.org/video/?327005-1/us-vietnam-relations

Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới năm 1945 được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.’

Nguyễn Phú Trọng, 2015

Ở chỗ này, ông Trọng muốn làm mát lòng thính giả Mỹ nhưng theo tôi câu này có thể có tác dụng ngược. Vì người Mỹ không những có một văn bản hiến pháp ngắn, khúc chiết và rõ rệt nhất trong các văn bản hiến pháp hiện nay, họ còn là những người biết áp dụng triệt để hiến pháp đó và chính sự áp dụng nghiêm túc này đã đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc bậc nhất hiện nay trên thế giới. Trong khi đó ở nước ta thì các lãnh đạo luôn tuyên bố rất hay nhưng lời nói ít khi được đi đôi với việc làm. Chính quyền Việt Minh sau năm 1945 đã cho ra đời hiến pháp 1946, cũng là một bản sao của hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng đến năm 1958 thì họ lại bỏ nó đi và thay vào đó bằng một hiến pháp mới với tư duy hoàn toàn cộng sản và mọi quyền lực nằm trong tay một đảng duy nhất.

Như tác giả Hoàng Xuân Phú đã từng viết [4] và chính tác giả bài này cũng đã từng viết về văn bản hiến pháp 1946 [5], hiến pháp 1946 là một hiến pháp tiến hóa và rất tiên tiến vào lúc đó, trong đó các quyền tự do căn bản của người dân được tôn trọng vô điều kiện, như điều 10 của hiến pháp 1946 đã ghi rõ [6]:

Điều thứ 10

Công dân Việt Nam có quyền:

– Tự do ngôn luận

– Tự do xuất bản

– Tự do tổ chức và hội họp

– Tự do tín ngưỡng

– Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.

HIẾN PHÁP
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ THÔNG QUA NGÀY 9-11-1946)

Những quyền tự do này đã bị lấy đi, hay nói theo cách nói hóm hỉnh của ông Hoàng Xuân Phú là “đã teo dần”, khi các văn bản hiến pháp 1959, 1980, 1992, và 2013 ra đời (xin đọc bài rất đặc sắc “Teo dần quyền con người trong Hiến Pháp” của Hoàng Xuân Phú theo liên kết [7] ở phần tham khảo).

Văn bản hiến pháp đầu tiên của nhà nước VNDCCH (năm 1958) đã đưa chủ nghĩa cộng sản lên ngôi một cách chính thức ở miền Bắc VN lúc bấy giờ. Và hiến pháp gần đây nhất sau khi thống nhất bờ cõi của nhà nước CHXHCNVN (tức là hiến pháp 2013) lại tiếp tục quy định rành mạch một lần nữa sự nắm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam qua điều 4 của hiến pháp này. Tự do của người dân là những quyền tự do hoàn toàn tương đối vì tất cả đều phải do pháp luật quy định [8].

Ở đây tôi xin mở một ngoặc đơn để xin dông dài diễn tả thêm về cái cơ chế điều hành của nhà nước CSVN. Tất cả quyền hành tuyệt đối nằm trong tay một nhóm người họp nên một cơ quan lãnh đạo tối cao có tên là Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTW). Cứ mỗi 5 năm, các chi bộ Đảng từ các cấp xã, huyện, phường cho đến tỉnh, đề cử các đại biểu tham dự đại hội Đảng. Đại hội Đảng sắp tới đây sẽ diễn ra vào năm 2016 vì lần chót họp toàn quốc lần thứ XI là vào năm 2011. Năm 2016 việc họp hành làm việc có thể lại theo vết xe cũ, nghĩa là sẽ có khoảng hơn 1000 đại biểu đại diện cho khoảng 3.6 triệu đảng viên về tham dự đại hội. Những đại biểu này sẽ bầu ra BCHTW. Sau đó các ông và các bà của BCHTW sẽ bầu ra Bộ Chính Trị (BCT), Tổng Bí Thư (TBT) và Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (UBKTTW) và chủ nhiệm UBKTTW từ số các ủy viên trung ương này. Trong vòng từ 3 đến 6 tháng và có khi kéo dài cả năm sau khi đại hội Đảng kết thúc, bầu cử quốc hội mới được tiến hành. Quốc hội từ đó mới lần lượt bỏ phiếu phê chuẩn các vị lãnh đạo then chốt trong chính phủ (mới) từ những thành viên của BCT và BCHTW. Tới đây chúng ta đã biết rõ hơn về cơ chế của guồng máy lãnh đạo của ĐCSVN và chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử BCHTW vô cùng quan trọng. BCHTW là đầu não. BCHTW là những người có trọng trách về các chính sách kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia. Và người đứng đầu trách nhiệm về tư duy và cương lĩnh của Đảng không ai khác hơn là ngài Tổng Bí Thư.

Và ông TBT NPT đã nói rất rõ cho người Mỹ về khát vọng của nhà nước Việt Nam. Ông đã dõng dạc với châm ngôn rất đặc biệt gồm 16 chữ (không vàng thì cũng kim cương) là chúng tôi, dân tộc Việt Nam, dù có thể chế chính trị khác với dân tộc Mỹ, chúng tôi sẵn sàng “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”!

Nghe đến đây thì tôi thấy châm ngôn 16 chữ “kim cương” này quá hay. Nếu làm được thì chắc chắn quan hệ đối tác toàn diện mà ông Trương Tấn Sang đã ký với Mỹ năm 2013 sẽ đem đến rất “nhiều lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước”, để trích lời ông Trọng.

Phương châm 16 chữ như thế là điều kiện cần và đủ cho sự thành công của quan hệ VN & HK.

Quá khứ phải gác!

Chúng ta phải nhắc các lãnh đạo VN bớt mồm lại, đừng chửi Mỹ xa xả như trong bài diễn văn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 30 tháng 04 vừa qua. Đừng cứ năm nào cũng ăn mừng rầm rộ chiến thắng 30 tháng 04. Thay vì ăn mừng thì mình cố gắng chuyển biến nó thành ngày đoàn tụ hay ngày sám hối và tìm những cách để làm cho ngày đó thật sự là ngày mà cả hai dân tộc miền Nam và miền Bắc có thể ôm chầm lấy nhau. Hiện nay thì việc này còn xa vời lắm. Phải tiếp tục hoàn tất việc tìm mộ và hài cốt của cựu quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình ở Việt Nam và phải đi xa hơn thế nữa, nghĩa là phải làm việc này ngay cho những cựu chiến binh VNCH và những người tù cải tạo (xin đọc bài của tác giả Lê Xuân Khoa viết mới đây về vấn đề này [9]. Việc làm này là một việc làm chính đáng, ông Trọng gọi nó là vấn đề nhân đạo. Ông chỉ đúng một phần. Đây không phải là mình rũ chút lòng thương cho người nằm xuống và thân nhân của họ không mà đây là mình biết chứng tỏ tình thương với những người cùng dòng máu, mình biết khôi phục lại nhân phẩm của con người trên căn bản nhân văn dù họ không cùng niềm tin tư duy và chính trị với mình. Đây cũng là chứng tỏ lòng biết ơn, lòng cảm phục và sự tôn trọng với hơn 3 triệu người Mỹ gốc VN đã bỏ nước ra đi tìm tự do và họ đã và đang có những đóng góp rất lớn vào sự thịnh vượng của nước Mỹ hiện nay. Và chính kiều hối của người Việt hải ngoại cũng đã và đang tiếp tục đóng góp rất nhiều vào kinh tế Việt Nam.

Những người lính VNCH đã nằm xuống trong một cuộc chiến không cân xứng (vì bị người Mỹ bỏ rơi) nhưng họ đã nêu gương anh dũng khi đánh đuổi quân Tàu Cộng ở Hoàng Sa, và họ đã nêu gương anh dũng trong suốt hơn 20 năm bảo vệ miền Nam VN trước cuộc xâm lăng của miền Bắc. Gác lại quá khứ thì chúng ta không những phải đủ sức gác bỏ hận thù nhưng chúng ta cũng phải sòng phẳng với lịch sử và phải giải quyết công bằng quá khứ vì quá khứ này cũng đã được dệt bằng những bất công, những sai phạm và những tội ác từ những chính sách cải cách ruộng đất và chính sách tù cải tạo tàn bạo ở Việt Nam.

Vượt qua khác biệt!

Khác biệt ghê gớm nhất hiện nay là khác biệt về thể chế chính trị. Nhưng ông Trọng đã không sai khi nói “thế giới chuyển biến và phải có tư duy mới”. Câu hỏi được đặt ra ở đây là khi nào thì Việt Nam mới đổi mới tư duy. Tư duy cộng sản theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã quá cũ và đưa đến sự trì trệ về những phát triển quan trọng ở Việt Nam, từ khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường và an sinh của người dân cho đến việc thực thi pháp quyền, nhất là vấn đề tôn trọng quyền làm người mà ông Trọng cho là “nhạy cảm”. Không thẳng thắn chấp nhận sự tụt hậu gây ra bởi tư duy sai lầm và sự dốt nát (dân trí thấp) thì rất khó vượt qua những khác biệt với tư duy tư bản của Mỹ. Chính tư duy tư bản này, được bảo vệ bởi một hiến pháp nhân bản, bởi lòng yêu nước cao và sự hăng say làm việc của người dân, đã đưa nước Mỹ đến sự thịnh vượng ngày nay. 

Phát huy tương đồng!

Tương đồng hiển nhiên và quan trọng nhất là cả hai dân tộc VN và HK đều có cùng một khát vọng: cả hai đều muốn có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Cả hai dân tộc đều mong muốn ổn định kinh tế và đời sống đủ cơm no áo mặc. Được hưởng một môi trường an sinh trong lành ít bị ô nhiễm. Và quan trọng hơn cả đó là cả hai nước cùng có xu hướng hòa bình. Hiện nay vấn đề hòa bình ở Châu Á đang bị đe dọa bởi những vụ xây đảo quy mô trái phép của Trung Quốc tại các đảo ở biển Đông nhất là Trường Sa. Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về những vụ chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp này tại diễn đàn an ninh có tên là Đối Thoại Shangri-La 2015 gần đây qua những lời tuyên bố đanh thép của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter. Một phái đoàn Việt Nam hùng hậu dưới sự chỉ huy của Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã có mặt nhưng ông Vịnh đã không nói câu nào trong phần trình bày chính thức của diễn đàn. Tuy nhiên ông có trả lời một số câu hỏi qua các cuộc phỏng vấn bên lề của các phóng viên Reuters và BBC. Một câu trả lời của Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng VN này đã trở thành đề tài tranh cãi trên mạng sau đó, một câu trả lời rất khôn khéo và không mất lòng ai sau đây của ông Vịnh: “Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước khác”. Có rất nhiều người nghĩ Việt Nam đã đánh mất một cơ hội để phát huy tương đồng với Mỹ về tình hình biển Đông! 

Hướng tới tương lai!

Tương lai đây trước hết phải là tương lai quan hệ Mỹ – Việt. Và dĩ nhiên tương lai này có ảnh hưởng đến tương lai, an ninh và hạnh phúc của người dân trong vùng Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Quan hệ Mỹ – Việt dĩ nhiên cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự buôn bán của Mỹ trong vùng. Hàng trăm ngàn tàu bè dân sự qua lại mỗi năm trên biển Đông. Những nước trong vùng không thể yên ổn nếu có chiến tranh xảy ra trong vùng biển Đông này. Các nước như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Brunei, Singapore và Úc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trước tiên nếu xung đột xảy ra.

Tương lai quan hệ Mỹ-Việt nằm trong tay ĐCSVN và chính quyền Hoa Kỳ. Mục tiêu thì rất cao quý tức là “đối tác toàn diện để đi đến lợi ích chung” nhưng việc làm thì hình như quả banh nằm trong tay Việt Nam nhiều hơn. Những thách thức về phía Việt Nam rất lớn. Đại hội Đảng thứ XII tới đây sẽ cho chúng ta thấy Việt Nam sẽ ném quả banh trong tay mình như thế nào. Chúng ta chờ xem văn kiện Đại hội Đảng lần này sẽ có những gì đặc sắc hơn trong chiều hướng 16 chữ kim cương của quan hệ Việt – Mỹ.

Ông Joe Biden có thể về học thêm về Kiều và lần tới khi gặp ông TBT NPT ông sẽ không phải thốt lên:

Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chằng là chiêm bao?

Nguyễn Du, Đoạn trường Tân thanh, câu 443-444

Yaoundé một chiều mưa năm 2015

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài do tác giả gởi. Đã đăng trên Dân Luận năm 2015. DCVOnline hiệu đính và trình bầy.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://kimdunghn.wordpress.com/2015/07/10/toan-van-bai-noi-chuyen-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-csis/
[2] http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=536
[3] Le communisme vietnamien (1919-1991) – Céline Marangé – Paris: Presses de Sciences Po, 2012
[4] http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=HienPhap2013-SuaNhamHayDoiThiet-20140829
[5] https://kimdunghn.wordpress.com/2015/07/10/toan-van-bai-noi-chuyen-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-csis/ và http://www.boxitvn.net/bai/21624
[6] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1946-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36134.aspx
[7] http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=HienPhap2013-SuaNhamHayDoiThiet-20140829
[8] http://www.boxitvn.net/bai/21624
[9] http://boxitvn.blogspot.ca/2015/07/hoa-giai-voi-nguoi-chet-hay-chuong.html