‘Sẽ có rất nhiều cuộc tự vấn lương tâm ở Israel khi chuyện này kết thúc’

Michael Hirsh | DCVOnline

Cựu chuyên gia hòa đàm Hoa Kỳ Dennis Ross nhận định về cuộc tấn công của Hamas vào Israel và “những cơ hội bỏ lỡ” đưa đến chiến tranh.

Fatima Shbair/AP

Không có chuyên gia ngoại giao Mỹ nào quen thuộc với lịch sử thù địch lâu dài giữa người Israel và người Palestine hơn Dennis Ross; ông đã giữ vai trò hàng đầu trong việc định hình sự tham gia của Hoa Kỳ vào tiến trình hòa bình ở Trung Đông dưới cả hai chính quyền George H. W. Bush và Bill Clinton. Với vai trò đặc phái viên, Ross là một trong những chuyên gia đàm phán chính về Trung Đông của Washington trong tiến trình hòa bình ở Oslo, bắt đầu bằng những thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine vào năm 1993 và 1995. Ross cũng từng là Giám đốc Ban Kế hoạch Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ  của chính quyền Bush đầu tiên, sau đó là phụ tá đặc biệt của Tổng thống Barack Obama và cố vấn đặc biệt về Iran cho Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton.

Dennis Ross.  LightRocket via Getty Images
Copyright: © 2018 SOPA Images

Vào thứ bẩy , chỉ vài giờ sau khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas mở một cuộc tấn công bất ngờ  và khủng khiếp chưa từng thấy vào Israel, Tạp chí POLITICO đã liên lạc với Ross để giúp giải thích cách và lý do xung đột bắt đầu — và cuối cùng nó có thể được giải quyết như thế nào.

Bài phỏng vấn này đã được chỉnh sửa cho gọn và rõ ràng.

Michael Hirsh: Lãnh đạo quân sự của Hamas được trích dẫn nói rằng họ mở cuộc chiến mới này vì “đủ là đủ.” Tại sao việc này lại xẩy ra vào lúc này và tại sao họ lại làm việc đó?

Có những bản tin mà tôi đã cho biết rằng ngày hôm qua, Hezbollah [một nhóm chiến binh Lebanon được Iran hậu thuẫn có liên hệ với Hamas] đã yêu cầu UNIFIL [Lực lượng lâm thời Liên hiệp quốc ở Lebanon] ở lại căn cứ của họ. Có nghĩa là họ biết việc này sẽ đến. Mức độ thất bại tình báo ở Israel gần như tương đương với 50 năm trước [khi liên minh những quốc gia Ả Rập tấn công Israel vào dịp Yom Kippur, bắt đầu Chiến tranh Yom Kippur]. Sự ngạc nhiên này cũng tương đương, mặc dù vào năm 1973 chúng ta đang nói về quân đội chính quy của Ả Rập. Bây giờ chúng ta đang nói về những chủ thể phi nhà nước, mặc dù được một nhà nước — Iran. [Tehran, kẻ thù không đội trời chung của Israel — hỗ trợ từ lâu đã ủng hộ những nhóm ủy nhiệm chống lại Israel].

Hirsh: Năm 1973, cũng có lực lượng tương đương hơn nhiều đến mức Israel gần như thua cuộc. Ý tôi là, bây giờ có một lực lượng quân sự và không quân hiện đại chống lại Hamas như một chủ thể phi nhà nước, như ông nói. Nó gần giống như một hành động tự sát tập thể khi Hamas làm việc này.

Ross: Đúng vậy, nhưng hãy nghĩ về những gì họ đã làm. Họ đã bắt con tin. Và họ hy vọng những con tin sẽ là một phương tiện để ngăn chặn Israel tấn công. Để cho người ta thấy những rủi ro, họ đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc này khi biết Israel sẽ có thể phản ứng  như thế nào. Và theo một nghĩa nào đó, Hezbollah vào thời điểm này đang bị coi như một loại búa có thể đe doạ mà nếu [người Israel] tiến vào, thì họ sẽ tiến vào từ phía bắc. Họ có khả năng làm việc gì đó tương tự, ít nhất là về việc bắt và giữ trong vài ngày, hoặc đưa con tin trở lại Lebanon. Có những ngôi làng của Israel gần biên giới phía bắc nên đó là một lựa chọn rất thực tế. Và không còn nghi ngờ gì nữa, việc đó hiện đang ảnh hưởng đến sự lựa chọn của Israel về cách thức và những gì họ sẽ làm để đáp lại.

Hirsh: Ông nghĩ chính phủ Iran và Hezbollah đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch này ở mức độ nào, nếu có?

Ross: Tôi tin là có. Rõ ràng có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Hezbollah và Hamas. Như tôi đã nói, nếu đúng là Hezbollah đã yêu cầu UNIFIL ở lại căn cứ của họ ngày hôm qua thì chắc chắn họ đã  báo trước.

Khi nhìn vào sự ngạc nhiên của tình báo Israel theo kiểu này, nó giống như bất kỳ sự ngạc nhiên chiến lược nào: Nhìn lại, người ta có thể thấy rằng  đã có tất cả thông tin cần thiết, nhưng họ đã đưa ra một loạt giả định [sai lầm] về cách phía bên kia đang hoạt động. Ngoài ra, trong vài tuần qua, Hamas quay lại gửi người biểu tình đến biên giới ở Gaza, tạo ra tình trạng hỗn loạn. Sau đó, có những cuộc đàm phán [chỉ ra] rằng Hamas chỉ muốn thuyết phục người Israel tăng số lcông nhân ở Israel và Gaza. Và với tôi, bây giờ nó trông như thế này tất cả chỉ là một phần của một đòn nhử.

Hirsh: Ở một số phương diện, việc đáng kinh ngạc nhất ở đây là sự thất bại về mặt tình báo. Có công bằng không khi hỏi ông nghĩ chính quyền Biden có thể phải chịu trách nhiệm ở mức độ nào? Họ cũng bị bất ngờ như người Israel.

Ross: Không có lý do cụ thể nào khiến Hoa Kỳ huấn luyện lực lượng tình báo khổng lồ về Hamas, một tổ chức chưa bao giờ là mối đe dọa đối với chúng ta. Vì vậy, thật khó để nói rằng đây là một thất bại từ phía chúng ta. Nhưng tôi nghĩ không thể nhầm lẫn rằng đó là một thất bại của tình báo Israel.

Hirsh: Ông có thể nói thêm về lý do tại sao Hamas cảm thấy việc này là cần thiết phải làm vào lúc này và việc này có liên quan như thế nào đến thỏa thuận của Israel với Ả Rập Saudi?

Ross: Tôi nghĩ đây là lúc bàn tay của Iran cũng rất nổi bật — Iran rõ ràng đã bắt đầu nghĩ rằng nếu có một thỏa thuận bình thường hóa kiểu này, thì đó là một sự kiện mang tính biến đổi trong khu vực. Và không phải vì đột nhiên liên minh này dàn trận chống lại họ. Đó là người ta đang loại bỏ nội dung tôn giáo của cuộc xung đột Ả Rập-Israel bằng cách để người trông coi hai thánh đường Hồi giáo linh thiêng phải đồng ý với nhà nước quốc gia của người Do Thái. Ngoài ra, rất có khả năng người ta sẽ thấy những quốc gia thành công về mặt kinh tế này liên kết với nhau và trở nên thành công hơn vào lúc mà nền kinh tế Iran đang tiếp tục suy thoái. Họ tự gọi mình là liên minh kháng chiến nhưng thực ra họ là liên minh của những quốc gia thất bại và đang thất bại. Vì vậy, [Iran và Hamas] đang phải đối phó với những gì có thể khiến họ tụt lại phía sau nhiều hơn.

Hirsh: Ông đã cùng viết một bài xã luận trên tờ Washington Post vài tuần trước với David Makovsky về việc làm thế nào Oslo vẫn có thể được hồi sinh vì vẫn không có giải pháp nào thay thế . Bây giờ ông nhìn nhận viễn cảnh đó như thế nào khi đứng trước những gì đang diễn ra ngày hôm nay?

Ross: Trong thời điểm căng thẳng của cuộc chiến hiện nay và những gì có vẻ khủng khiếp, tôi nghĩ sẽ không có ai nghĩ về tương lai. Khi việc này kết thúc, thực tế này sẽ được phân tích thành hai cách khác nhau. Sẽ có những người nói rằng phải làm gì đó với người Palestine hoặc chúng ta sẽ tiếp tục đối phó với những vấn đề kiểu này. Và những người khác sẽ nói, hãy nhìn xem, chúng ta không có dư chỗ cho sai sót. Ai cũng biết mối đe dọa là gì và vân vân. Vì vậy, sẽ có cuộc tranh luận đó. Sẽ có rất nhiều sự tự vấn lương tâm ở Israel khi chuyện này kết thúc. Chúng ta không thể bỏ qua vấn đề người Palestine — đây sẽ là một phần của cuộc thảo luận sau khi cuộc chiến này kết thúc.

Hirsh: Chúng ta hãy nói một chút về lịch sử của vấn đề này, bởi vì Benjamin Netanyahu đã rất, rất quan tâm đến việc quay trở lại cuối những năm 1990, thời kỳ đầu tiên ông làm thủ tướng. Và có cảm giác rằng mục tiêu của Netanyahu thậm chí khi đó là phá hủy tiến trình hòa bình ở Oslo. Và có vẻ như ông ta đã thành công, nhưng không đưa ra bất kỳ giải pháp thay thế nào khác ngoài Iron Dome và giả vờ rằng thứ thực sự đã trở thành một trại tập trung khổng lồ, tức là Gaza, không có ở đó. Ông có thể nói một chút về việc đó không?

Ross: Hãy nhìn xem, một trong những việc thú vị nhất là rõ ràng ông ấy là một người phản đối gắt gao đối với Oslo, nhưng khi mới trở thành thủ tướng, ông ấy đã nói, “Chúng tôi sẽ tôn trọng thoả thuận đó.” Và sự thật là ông ấy đã thực hiện những thỏa thuận Wye River và Hebron, [hai thỏa thuận thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện tiến trình Oslo vào cuối những năm 1990]. Và ngay cả bây giờ ông ấy đã nói, họ đã nói rằng chúng tôi không muốn Chính quyền Palestine sụp đổ. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, ông ấy chắc chắn đã hành động theo cách làm P.A. suy yếu  theo thời gian, ngay cả khi ông ấy hiểu rằng không có giải pháp nào thực sự thay thế nó. Về mặt lịch sử, tôi luôn cảm thấy rằng cuối cùng, ông ấy hiểu rằng phải đạt được một thỏa thuận nào đó với người Palestine vì họ sẽ không rời bỏ, nhưng ông ấy luôn muốn xây dựng đòn bẩy cho Israel. Hãy nhìn cách ông ấy nói về bước đột phá với Ả Rập Saudi. Ông ấy cho biết một khi việc này xẩy ra, nó cũng sẽ giúp ích cho người Palestine vì họ sẽ phải trở nên thực tế hơn về những gì có thể.

Hirsh: Nhưng “thực tế” là một thuật ngữ có nhiều ý nghĩa, được đưa ra sau nỗ lực của Jared Kushner nhằm giải quyết xung đột, vì ý nghĩa căn bản của nó là người Palestine sẽ đơn giản phải chấp nhận mệnh lệnh của Israel, nghĩa là không có nhà nước và không có quân đội, và không ai mong đợi việc đó sẽ xẩy ra. Vậy cách tiếp cận của Netanyahu có thực tế hay nó luôn là một kiểu đánh hoả mù?

Ross: Tôi không biết rằng nó luôn đánh hoả mù, nhưng tôi nghĩ có hai quan điểm. Ông còn nhớ [Bộ trưởng Ngoại giao khi đó] John Kerry đã nói rằng sẽ không thể có chuyện gì xẩy ra với bất kỳ quốc gia Ả Rập nào cho đến khi người ta giải quyết được vấn đề Palestine. Và sau đó  có Hiệp định Abraham nơi những quốc gia Ả Rập nói rằng, hãy nhìn xem, chúng tôi sẽ không phủ nhận những gì có lợi cho chúng tôi vì chúng tôi phải chờ người Palestine, những người mà chúng tôi nghĩ có một ban lãnh đạo sẽ không bao giờ cho phép họ làm bất cứ việc gì. Và người ta thấy những gì đang xẩy ra với người Ả Rập Saudi, một lần nữa phản ảnh rằng, “Đúng vậy, chúng tôi cần phải làm việc gì đó cho người Palestine, nhưng chúng tôi sẽ không đợi cho đến khi kết thúc thời kỳ chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine với biên giới và thủ đô.” Vì vậy, Hiệp định Abraham là “Hãy làm việc gì đó để cải thiện vật chất cuộc sống cho người Palestine và cho phép  người ta bảo đảm rằng hai quốc gia vẫn là một lựa chọn.” Vì vậy, nó khác xa với mọi thứ trước đây.

Việc trớ trêu đối với tôi là Hamas sẽ đi được bao xa, dù sưh tàn phá ở Gaza có thể sẽ như thế nào.

Hirsh: Ông mong đợi người Israel sẽ làm gì bây giờ khi nhìn về phía trước?

Ross: Họ sẽ tấn công mạnh từ trên không. Họ sẽ cố gắng gây ngạc nhiên cho Hamas giống như những gì Hamas đã làm với họ. Người có thể cá rằng tất cả những người lãnh đạo của Hamas đều đã lui vào bí mật. Chỉ có một thực tế chung mà chúng ta đã thấy qua thời gian, đó là mỗi khi xẩy ra một cuộc chiến định mệnh như thế này thì bắt đầu có rất nhiều thiện cảm dành cho Israel, nhưng nó càng kéo dài thì họ càng gây ra nhiều thiệt hại hơn cho người Palestine, đặc biệt là ở Gaza, thì sẽ càng có nhiều áp lực phải cố gắng chấm dứt chuyện này.

Israel cũng phải đối phó với nguy cơ xẩy ra một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận với một số người Ả Rập Israel cực đoan đang cố gắng phá vỡ phong trào trong chính Israel. Vì thế họ phải suy nghĩ về việc đó. Hamas có con tin ở Gaza và người Israel sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước việc đó. Họ sẽ cố gắng tìm ra nạn nhân đan bị giữ ở đâu. Họ sẽ cố gắng giải thoát con tin. Nhưng Hamas sẽ không giữ họ ở một chỗ mà sẽ phân tán họ. Họ cũng sẽ đưa con tin vào khu bí mật. Hamas có hàng chục dặm đường hầm. Và tất cả những đường hầm đều có bẫy đặt ở lối vào. Vì vậy, những lựa chọn của Israel là rất khó khăn.

Nhưng cuối cùng, Israel cũng sẽ muốn gây ra một thất bại không thể nhầm lẫn. Israel sẽ muốn tiêu diệt quân đội Hamas càng nhiều càng tốt. Với việc Gaza có dân số đông đúc, việc đó có nghĩa là sẽ có rất nhiều người Gaza bị giết trong tiến trình này. Và Hamas đã làm việc này dù biết rõ hậu quả có thể xẩy ra.

Hirsh: Ông có nghĩ rằng việc này cũng gây hậu quả giống như cuộc chiến tranh năm 1973 không?

Ross: Tôi không thấy như vậy vì những lý do mà ông đã nói ngay từ đầu, rằng không có quốc gia Ả Rập nào tham gia. Khi đó bạn có hơn 2.800 người Israel thiệt mạng; bây giờ có lẽ đã có hàng trăm người chết. Nhưng tôi nghĩ đó vẫn là một dạng động đất ở Israel. Cảm giác an toàn của Israel về căn bản sẽ thay đổi. Chắc chắn sẽ có một loại ủy ban nhàn nước sau vụ việc này để việc tra xem làm thế nào mà loại việc bất ngờ này có thể lại xẩy ra. Năm 1973, đề nghị chỉ dành cho người đứng đầu quân đội và tình báo là người phải trả giá. Lực lượng dự bị đã xuống đường và buộc [Thủ tướng] Golda Meir và [Bộ trưởng Quốc phòng] Moshe Dayan phải từ chức. Bây giờ tôi không thấy bất cứ việc gì như vậy, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy một cuộc tự vấn lương tâm rất kỹ lưỡng sau hậu quả của sự việc này ở Israel.

Hirsh: Ông có nghĩ liệu có khả năng nào rằng đây sẽ trở thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn vì đã có sự tham gia của Iran và những quốc gia Ả Rập khác không?

Ross: Tôi không biết liệu những quốc gia Ả Rập có tham gia hay không. Israel sẽ không tấn công Iran ngay bây giờ vì họ cũng sẽ bận tay với những gì họ đang làm với Gaza. Ông sẽ thấy họ củng cố biên giới phía bắc. Để cố gắng đoán trước rằng Hezbollah có thể cố gắng làm chính xác những gì Hamas đã làm. Không thể tưởng tượng được rằng Israel sẽ không tiến vào Gaza vào thời điểm này, nhưng họ không muốn tiến vào Gaza theo cách liên quan đến những gì và ở đâu mà Hamas đang định vị để đối phó với vấn đề này.

Hirsh: Chính quyền Biden có thể làm gì ngay bây giờ để giúp đỡ Israel?

Ross: Có xác suất lớn là hoả tiễn Iron Dome sẽ cạn kiệt, vì vậy người Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng để viện trợ về mặt đó, mặc dù Israel sẽ không cần nhiều. Ngoài ra còn cần thêm tiền cho những đường tiếp tế và những thứ tương tự và công khai không chỉ đứng về phía Israel mà còn nói rằng Israel có quyền tự vệ và sau đó chống lại lời kêu gọi ngừng bắn sớm. Lệnh ngừng bắn sớm đồng nghĩa với việc Hamas thắng lớn. việc tồi tệ nhất trên thế giới đối với Trung Đông là Hamas tỏ ra thành công và nói rằng đây là câu trả lời cho việc đối phó với Israel. Người ta không muốn Hamas quyết định tương lai của Ả Rập Saudi.

Hirsh: Có lý do nào để nghĩ rằng Nga có liên quan, xét đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa nước này với Iran, gồm cả vũ khí được gửi đến để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine?

Ross: Tôi không biết họ có liên quan hay không nhưng họ không không hài lòng. Họ muốn mọi người không chú ý. Vì vậy, việccó thể có tình trạng hỗn loạn ở nơi khác, theo quan điểm của họ, đó là một việc tích cực.

Hirsh: Quay trở lại vài chục năm trước, ông có nghĩ có thể làm khác đi không? Tôi đặc biệt nghĩ đến quyết định rút quân khỏi Gaza của Thủ tướng Israel Ariel Sharon và sau đó là cuộc bầu cử năm 2006 đưa Hamas lên nắm quyền. Và sau đó, tất nhiên, họ nắm quyền một cách phi dân chủ. Những cuộc bầu cử đó được  chính quyền George W. Bush vào thời điểm đó thúc đẩy.

Ross: Lúc đó tôi đã nói với Sharon, “Tuyên bố rút quân của ông là hoàn hảo, nhưng nó phải gắn liền với một số hành động nhất định buộc người Palestine nhận trách nhiệm.” Một trong những lập luận của tôi là người ta không muốn đặt Hamas vào tình thế mà họ có thể đòi được công lao. Bạo lực của họ đã gây sự bất bình. Chính quyền Bush lẽ ra phải môi giới một loạt hiểu biết về cách thực hiện một số trường hợp thí nghiệm để cho thấy rằng P.A. đang nắm quyền kiểm soát để việc rút quân là chiến thắng của [Tổng thống Chính quyền Palestine] Abu Mazen và Chính quyền Palestine, không phải là một chiến thắng cho Hamas.

Việc Sharon nói với tôi là: “Tôi không thể để sự vô trách nhiệm của họ định đoạt tương lai của chúng tôi.” Có nghĩa là, nếu họ không làm những gì họ phải làm thì tôi sẽ mắc kẹt ở đó mãi mãi. Đó là một lập luận vứng vàng, nhưng nó đã bỏ qua rằng ít nhất việc này đáng lẽ phải được thí nghiệm. Tôi không ủng hộ cuộc bầu cử do Sharon tổ chức vào lúc đó. Mọi người quên rằng Hamas đã tẩy chay cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1996 bởi vì chúng ta có tiêu chuẩn trong đó rằng họ phải chống lại bạo lực và phải ký kết những thỏa thuận, v.v. Và tôi đã nói với chính quyền Bush vào năm 1996: “Hãy áp dụng tiêu chuẩn tương tự.”

Hirsh: Và họ đã nói gì?

Ross: Họ không làm việc đó vì họ nói rằng Abu Mazen không muốn có vẻ như đang ngăn cản Hamas bỏ phiếu. Vâng. Ngoại trừ việc Hamas ngay từ đầu đã không muốn bỏ phiếu! Tôi nghĩ việc rút quân khỏi Gaza đã không được khai thác theo cách lẽ ra nó có thể xẩy ra. Đây là một bước đi lớn nhưng nó cần phải trở thành một phần của chiến lược. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, đó là một cơ hội bỏ lỡ.

Hirsh: Ông có nghĩ rằng đã có một ban lãnh đạo Israel khác trong 10, 15 năm qua hoặc lâu hơn nên mọi chuyện có thể đã khác đi không?

Ross: Sáu tháng trước vụ ám sát [cựu Thủ tướng Israel Yitzhak] Rabin, tôi đang ngồi với ông ấy vào một buổi chiều ngày Shabbat và ông ấy nói với tôi, “Ông nghĩ việc gì sẽ quyết định cuộc bầu cử sắp tới của Israel?” Tôi đang cố gắng chứng minh cho ông ấy thấy rằng có thể tôi thực sự hiểu rõ hoạt động nội bộ của nền chính trị Israel, nên tôi nói, “Shas [đảng tôn giáo].” Và ông ấy nói, “Không, đoán lại đi.” Và tôi nói: “Không, không, tôi sẽ không chơi trò này. Ông nói cho tôi biết.” Rabin nói, “Hamas sẽ quyết định cuộc bầu cử kế tiếp của Israel bằng hai quả bom tự sát.” Việc đã giết chết phe hòa bình ở Israel là intifada thứ hai, vì vậy tôi không nghĩ bạn có thể chỉ nói người chịu trách nhiệm là giới lãnh đạo Israel.

Michael Hirsh là cựu biên tập viên nước ngoài và trưởng phóng viên ngoại giao của Newsweek, đồng thời là cựu biên tập viên quốc gia của Tạp chí POLITICO.

Michael Hirsh. LinkedIn

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  ‘There’s Going to Be a Lot of Soul-Searching in Israel When This Is Over’ | Michael Hirsh | Politico |10/07/2023.