Ông Dũng tới Mỹ
Trần Khải
Tất nhiên là có nhiều lý do để ông Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ tuần này. Trong cương vị Thủ tướng chính phủ CSVN, ông Dũng đang có quá nhiều điều để quan tâm, và không thể nào một chuyến đi vài ngày sẽ có thể đem nhiều chìa khóa cho các nan đề ở Việt Nam.
Ngược lại, phía chính phủ Hoa Kỳ cũng có quá nhiều điều quan tâm để phải nói với ông Dũng, không chỉ các hồ sơ nhân quyền liên tục nhắc nhở, hay các hồ sơ kinh tế và quốc phòng liên tục thúc đẩy, mà với riêng từng người liên hệ còn là để trình diễn một vở kịch lớn trước một khối khán giả toàn cầu. Thí dụ, các ban vận động của hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ John McCain và Barack Obama dịp này cũng sẽ nói với ông Nguyễn Tấn Dũng những điều mà hai ứng viên này đoán là đa số cử tri Mỹ (gốc Việt –DCVOnline) muốn nghe.
Tuy nhiên, chuyến đi của ông Dũng thực ra vẫn không gây được quan tâm với nhiều người dân bình thường tại Việt Nam. Những gì người dân muốn là gạo sẽ rẻ hơn, xăng sẽ xuống giá, quan bớt tham nhũng và các quyền tự do căn bản được nới rộng. Người dân bình thường không tin là chuyến đi sẽ có ảnh hưởng lớn tới các chuyển động tại Việt Nam, kể cả khi ông Dũng trình diễn màn lắng nghe Cựu Thống đốc Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan tới 45 phút đồng hồ.
Embed from Getty ImagesNguyễn Tấn Dũng & George W. Bush (Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, 24/06/2008). Nguồn: AFP/Getty Images
Chúng ta biết ngay rằng chuyện nghe ông Greenspan nói chuyện cũng là trình diễn thôi, vì ngồi có 45 phút, mà nói qua thông dịch thì mất nửa thời lượng rồi. Làm việc thực sự, thấy rõ phải là do ban cố vấn của ông Dũng ngồi làm việc nhiều giờ với ông Greenspan mới bàn hết chuyện được.
Thêm nữa, trong mấy tuần qua, tàì sản trên thị trường cổ phiếu của ông Dũng và các quan lớn Hà Nội đã bị mất giá tới 60% rồi, và ai cũng biết rằng kiến thức kinh tế để cứu nguy và nâng giá chứng khoán kịp thời cho các quan chắc chắn không đơn giản chỉ dựa vào có 45 phút nói chuyện của ông Greenspan gọi là qua một lớp “kinh tế mì ăn liền” truyền giảng cho ông Dũng.
Vậy thì, tại sao ông Dũng cần trình diễn như thế? Có lẽ, ông Dũng muốn cho cả thế giới thấy rằng, ông quan tâm về cứu nguy kinh tế VN, hơn là quan tâm chuyện khác.
Về phía ông Bush, tuần này cũng là một tuần rất là bận rộn. TT Bush tuần này sẽ tiếp đón Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thống Phi Luật Tân Gloria Macapagal-Arroyo. Tiếp cả 2 lãnh tụ Châu Á đó, TT Bush đã làm luôn một lèo hôm Thứ Ba cho gọn. Tuy là ông Bush chỉ tiếp mỗi người chưa tới một giờ, nhưng chương trình dĩ nhiên rất là nặng nề.
Ai cũng biết rằng trong khi nói chuyện với ông Bush như thế, các ban tham mưu hai nước Việt-Mỹ đã dàn dựng sẵn các vấn đề khả dĩ đồng ý, chứ không phảỉ tới lúc đó mới bàn. Thậm chí bản thông cáo chung nếu có cũng là phải soạn trước. Đúng ra, vào chiều Thứ Ba 24/06/2008, chúng ta chỉ thấy bản tin từ Bạch Ốc dài có một trang, chứ chưa thấy gì gọi là Thông Cáo Chung.
Bản văn đó, TT Bush có nói về nhân quyền, để ghi chính xác, là nói rằng,
Chúng ta đã có một cuộc đối thoại tốt. Chúng ta đã nói về hợp tác kinh tế. Chúng ta đã nói về hợp tác giáo dục. Chúng ta đã nói về nhu cầu làm việc chung sức về môi trường. Tôi đã cảm ơn ông Thủ Tướng vì đã giúp giải quyết hồ sơ tù binh và lính mất tích Hoa Kỳ POW/MIA. Chúng tôi đã nói về tình hình các lân bang, khu vực. Chúng tôi đã nói về tự do − tự do tôn giáo và tự do chính trị, và tôi đã bảo Thủ Tướng (Dũng) rằng tôi đã nghĩ là bước đi của chính phủ (CSVN) về tự do tôn giáo là đáng ghi nhận. Và tôi cảm kích vơi các nỗ lực mà ông ta và chính phủ ông ta đang thực hiện. Nhìn chung, chúng tôi đã có cuộc thảo luận tốt. Quan hệ chúng ta với Việt Nam đang thân hơn, trong tinh thần tôn trọng…
Ông Dũng đáp lời cảm ơn về sự tiếp đón, về quan hệ thân hữu và hợp tác Việt-Mỹ tăng tốc, về “TT (Bush) và tôi đã đồng ý thiết lập một cơ chế đối thoại mới ở cấp cao về các vấn đề chiến lược về kinh tế, giáo dục, môi trường, khoa học, quốc phòng và an ninh. Và TT Bush lập lại sự ủng hộ của ông cho VN về chủ quyền, an ninh và bảo toàn lãnh thổ…”
Nhưng ông Dũng không nói gì về nhân quyền và tự do dân chủ. Thế là thế nào? Ông Dũng muốn chơi cái tình lờ?
Cũng cần nhắc rằng 12 dân biểu liên bang Hoa Kỳ − Zoe Lofgren, Tom Davis, Loretta Sanchez, Ileana Ros-Lehtinen, James McGovern, Frank Wolf, Neil Abercrombie, Edward Royce, Maurice Hinchey, Trent Franks, Michael Honda, Dana Rohrabacher − và nhiều đảng phái Việt Nam (ở hải ngoại – DCVOnline) đã gửi thư lên TT Bush xin áp lực nhân quyền với ông Dũng.
Và cũng cần nhắc rằng mấy ngày trước, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã hội ý nhiều hội đoàn và nhiều người Mỹ gốc Việt xem có gì cần TT Bush nhắc nhở ông Dũng.
Điều ghi nhận thêm, ông Bush đã khen ngợi CSVN về nới rộng tự do tôn giáo “đáng ghi nhận.” Thế là thế nào? Ông Bush thực sự muốn nói gì?
Dù vậy, lớn tiếng nhất vẫn là cuộc biểu tình rợp trời cờ vàng trước Bạch Ốc. Nơi đó gần 1.000 người đang nói giùm cho 85 triệu người ở quê nhà không được quyền nói. Và rồi ở Texas nữa, cũng sẽ có cả ngàn người biểu tình chống ông Dũng các ngày tới. Cũng là để nói giùm cho cả nước đang bị tước đoạt quyền tự do phát biểu.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Bài do tác giả gửi. DCVOnline biên tập minh hoạ. Đăng lần đầu ngày 26-06-2008