Vòng luẩn quẩn của bạo lực chính trị Mỹ
Daniel Block & Lieberman | Trà Mi
Daniel Block trò chuyện với Robert Lieberman về vụ Trump bị ám sát hụt
Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13/7 đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 40 năm có người bắn một tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống Mỹ. Vẫn chưa rõ động cơ của tay súng là gì, nhưng vụ ám sát hụt xẩy ra vào thời điểm căng thẳng chính trị cao độ trên khắp nước Mỹ.
Để hiểu sự việc này có ý nghĩa gì đối với cả cuộc vận động tranh cử tổng thống và tương lai của Hoa Kỳ, tối Chủ nhật, biên tập viên hàng đầu của Tạp chí Foreign Affairs Daniel Block đã nói chuyện với Robert Lieberman, giáo sư khoa chính trị học tại Đại học Johns Hopkins. Lieberman, trong một bài báo năm 2020 trên tạp chí này, với đồng tác giả — chuyên gia khoa học chính trị Suzanne Mettler — viết, “Lịch sử tiết lộ rằng nền dân chủ Mỹ luôn dễ có thể bị tấn công.” Ảnh hưởng vì nhiệm kỳ tổng thống gây chia rẽ của Trump, đại dịch COVID-19 và tình trạng bất an gây ra do vụ sát hại George Floyd, “nước Mỹ chưa bao giờ phải đối phó với một thử thách như thế này”. Bây giờ, cả nước phải đối đầu với một thử thách như vậy. Cuộc trò chuyện dưới đây đã được chỉnh sửa cho rõ ràng và gọn hơn.
Daniel Block trò chuyện với Robert Lieberman về vụ Trump bị ám sát hụt
Trong 24 giờ qua, ông đã nghĩ về một giai đoạn cụ thể nào trong lịch sử Hoa Kỳ không?
Điều mà tôi đang suy ngẫm là năm 1968, một năm xẩy ra hai vụ ám sát chính trị: Martin Luther King, Jr. và Robert F. Kennedy, giữa một cuộc vận động tranh cử tổng thống rất hỗn loạn trong đó tổng thống đương nhiệm đang gặp rắc rối. Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson cuối cùng đã rút lui trước đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago, một đại hội đầy sóng gió. Bây giờ, một lần nữa, chúng ta lại có một cuộc vận động tranh cử tổng thống hỗn loạn dưới bóng ma bạo lực chính trị.
Một số bài học chính từ năm 1968 mà chúng ta nên rút ra khi nghĩ về điều gì sẽ xẩy ra tiếp theo?
Một điều chúng ta phải nhớ là năm 1968 không mấy suôn sẻ đối với Đảng Dân chủ. Phó Tổng thống Hubert Humphrey được bổ nhiệm làm người kế nhiệm Johnson, nhưng ông đã thất cử. Richard Nixon, người thắng cử, không hẳn là một nhân vật đoàn kết, dễ chịu mà đất nước cần lúc đó. Chắc chắn, Trump sẽ không phải là nhân vật đó nếu ông thắng trong cuộc bầu cử lần này.
Có sự khác biệt chính nào không?
Vào thời điểm đó vào năm 1968, đất nước này ít bị phân cực hơn ngày nay rất nhiều. Đó cũng là lúc những điểm tương đồng bắt đầu chấm dứt. Vụ ám sát Trump xẩy ra vào thời điểm mà sự phân cực gay gắt đến mức khá đáng lo ngại, vì khi sự phân cực trở nên cực đoan thì đó không còn là đấu trường cho những đối thủ trong cuộc tranh cử. Khi đó nó trở thành một thứ giống như một trận chiến sống còn, nơi mọi người tin rằng nếu bên kia thắng thì đó sẽ là mối đe dọa sinh tử đối với những giá trị của họ và đối với sự sinh tồn của đất nước như họ hiểu. Và đó không khác lắm với một bước nhảy vọt từ kiểu chính trị phân cực đó đến bạo lực nghiêm trọng.
Năm 1968 là một ví dụ điển hình. Cũng có những thời điểm lịch sử khác mà Hoa Kỳ phải đối phó với những cuộc khủng hoảng dân chủ, kể cả cuộc vận động tranh cử tổng thống đầy khó khăn năm 1798, Nội chiến và Watergate. Thế lực nào đã gây ra những biến cố này và hoạt động của chúng ngày nay như thế nào?
Có bốn đặc điểm góp phần gây ra khủng hoảng dân chủ. Đầu tiên là sự phân cực chính trị, thứ hai là xung đột về việc ai thuộc về cộng đồng chính trị, thứ ba là sự bất bình đẳng kinh tế cao và ngày càng gia tăng, và thứ tư là quyền hành pháp quá mức. Ít nhất một trong những động lực này đã có mặt ở mọi thời điểm xẩy ra tình trạng hỗn loạn dân chủ trong lịch sử Hoa Kỳ.
Điều làm cho bốn năm qua trở nên khác biệt là cả bốn động lực đó đều có mặt. Chúng đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của Trump và là một phần lý do khiến đất nước dễ ở vào thế yếu trước một sự kiện như vụ tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Và thật không may, mọi sự kiện như vậy chỉ làm suy yếu thêm nền dân chủ quốc gia. Nó làm cho vụ ám sát hụt Trump thậm chí còn nguy hiểm và khiêu khích hơn những gì lẽ ra phải xẩy ra.
Khi sự phân cực trở nên cực đoan, nó sẽ trở thành một thứ giống như một trận chiến sống còn.
Khi nói đến xác suất xẩy ra bạo lực nhiều hơn, rủi ro lớn nhất là gì? Vấn đề có thể vượt khỏi tầm kiểm soát một cách hợp lý đến mức nào?
Thật khó để suy đoán. Tôi không nghĩ nhiều người đa nghĩ rằng ngày 6 tháng 1 xẩy ra, ngay cả khi Tổng thống Trump đang đưa ra những lời lẽ kích động về việc cuộc bầu cử bị đánh cắp. Nhưng chúng ta biết rằng có những người ủng hộ Trump được vũ trang và tán dương phong cách chính trị quân phiệt đó. Vì vậy, tôi thực sự e ngại rằng nếu Trump và người của ông ấy bắt đầu nói về vấn đề này một cách kích động, ông có thể thấy không chỉ có những cuộc tấn công lẻ tẻ — giống như vụ ám sát này — mà còn là những hình thức bạo lực tập thể và có tổ chức hơn.
Ông nghĩ vụ ám sát hụt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của cuộc vận động tranh cử tổng thống này? Trump có thể phản ứng thế nào?
Trump chưa bao giờ né tránh việc đón nhận hoặc tán dương bạo lực. Hãy nghĩ về những bình luận của ông ấy về vụ Charlottesville. Hãy nghĩ đến tất cả những luận điệu xung quanh ngày 6 tháng 1—trước, trong và sau đó. Ông ta sử dụng ngôn ngữ vô nhân đạo để nói về những kẻ phản diện chính trị của mình. Vì vậy, điều tôi thực sự lo sợ là Trump sẽ lợi dụng việc này để khơi dậy thêm bạo lực với những người theo ông ấy.
Chúng ta đã thấy một số người thay mặt cho Trump [J.D. Vance là một ví dụ] tuyên truyền rằng chính những tu từ chính trị của Tổng thống Joe Biden đã kích động cuộc tấn công. Họ nói rằng Biden đã đưa ra quan điểm rằng Trump là kẻ nguy hiểm, rằng chiến thắng của ông sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền dân chủ Mỹ. Và họ đang cố gắng gợi ý rằng những tu từ trong cuộc vận động tranh cử này có thể là nguyên nhân thúc đẩy vụ ám sát. Tôi thực sự lo ngại rằng Trump và nhóm của ông ấy sẽ tiếp tục tuyên truyền bằng luận điệu này. Và luận cứ đó càng lan rộng trong một cộng đồng vốn đã tức giận và vũ trang thì nguy cơ xẩy ra những cuộc tấn công càng lớn.
Ông nghĩ chính quyền Biden nên phản ứng thế nào trước sự kiện này?
Tổng thống Biden cho đến nay đã làm một điều đúng đắn, đó là tố cáo hành động này. Ông ngỏ lời chia buồn với những người bị thiệt hại — kể cả Donald Trump, người mà chúng tôi biết rằng Tổng thống Biden không có tình cảm đặc biệt. Ông ấy đang cố gắng kêu gọi đoàn kết.
Nhưng Biden thực sự hơi khó xoay sở ở đây, bởi vì vụ ám sát trở thành lời kêu gọi tập hợp cho Trump và những người ủng hộ ông ấy. Và công việc của tổng thống vào thời điểm này là giữ tu cách tổng thống và trông như một chính khách sắc sảo, điều này đặt ông ấy vào vị thế bất lợi về mặt cường điệu.
Trump chưa bao giờ né tránh việc ủng hộ hoặc tôn vinh bạo lực.
Liệu những diễn văn của ông ấy có còn giúp hàn gắn đất nước?
Tôi hy vọng rằng ban vận động tranh cử của Biden và Toà Bạch Ốc có thể tìm ra cách nào đó để dập tắt những gì có vẻ là cơn thịnh nộ và điên tiết, đồng thời làm dịu mọi thứ xuống một chút. Nhưng tôi sợ rằng thứ mà Biden không có là tài hùng biện như Robert F. Kennedy. Sau vụ ám sát King vào năm 1968, Kennedy đứng dậy và gần như đã đọc một dễn văn khá nổi tiếng, kêu gọi đoàn kết, kêu gọi bình tĩnh và kêu gọi điều gì đó tích cực thoát ra từ sự kiện khủng khiếp này. Biden, với tài hùng biện từng có, nay không còn nữa. Đặc biệt với những sự kiện xẩy ra trong cuộc vận động tranh cử vài tuần qua, mọi người khó có thể coi Biden là nhân vật thực sự sẽ vực đất nước đứng dậy được.
Có tiền lệ lạc quan nào về việc đất nước có thể phục hồi như thế nào không? Điều gì cần phải xẩy ra để nền dân chủ Mỹ sống sót qua cuộc khủng hoảng này?
Tôi nghĩ kịch bản lạc quan nhất sẽ là việc giải quyết rốt ráo những bạo lực chính trị để dẫn đến đoàn kết hơn. Trong những tuần sau khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981, tỷ lệ ủng hộ ông đã tăng lên mức cao nhất có thể đạt được trong cả nhiệm kỳ tổng thống, và khi ông trở về sau thời gian dưỡng bệnh, ngay cả các đối thủ chính trị của ông cũng đã chào đón ông một cách hào hiệp. Nhưng để đất nước đoàn kết chống lại bạo lực chính trị ngày nay, cần phải có sự kiềm chế nhất định từ cả hai phía. Tôi không chắc điều đó có nằm trong kế hoạch hay không, dựa trên các động lực hiện đang gây ảnh hưởng.
Vụ ám sát xẩy ra không lâu sau khi quyết định của Tối cao Pháp viện(TCPV) trao cho mọi tổng thống quyền bất khả xâm phạm (gần như tuyệt đối) trong những hành động mà họ thực hiện khi còn đương chức. Nếu Trump tiếp tục giành chiến thắng, liệu vụ ám sát hụt này có thể mở rộng kế hoạch của ông ấy hoặc định hình lại cách ông ấy cai trị hay không?
Án lệnh của TCPV của tòa án là một bước nữa trong cái mà chúng tôi gọi là tăng cường quyền của hành pháp, đó là sự tăng trưởng và củng cố dần dần quyền lực của tổng thống, tập trung quyền lực vào một người thay vì phân tán nó cho nhiều người. Đó là một trong bốn động lực gây ra những cuộc khủng hoảng dân chủ. Ví dụ điển hình nhất là vụ Watergate, câu chuyện về việc Nixon sử dụng các công cụ đã tích lũy trong những nhiệm kỳ tổng thống qua nhiều chục năm nhằm phá hoại tiến trình dân chủ.
Trước vụ nổ súng, chúng ta đã có cảm giác rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump có nghĩa là nhánh hành pháp có thể trở thành công cụ cho những tham vọng, nỗi ám ảnh hoặc sự trả thù của chính ông ấy. Và tôi nghĩ điều đáng lo ngại là sự việc này sẽ chỉ đẩy ông ấy đi xa hơn theo hướng đó. Ông có thể tưởng tượng rằng việc ám sát này sẽ thúc đẩy Trump và những người bên trong của ông ta đưa Bộ Tư pháp hoặc những cơ quan công tố khác ra tay với bất kỳ ai thậm chí tỏ hơi ra đối lập về mặt chính trị. Găng tay có thể tuột ra nếu chúng từng được đeo vào.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: The Vicious Cycle of American Political Violence | A Conversation With Robert Lieberman on the Trump Shooting | Forreign Affairs | July 14, 2024.