Trung Hoa ưa Harris hay Trump hơn?

Wang Jisi, Hu Ran, and Zhao Jianwei | Trần Giao Thuỷ


Tại sao những chiến lược gia Trung Hoa thấy ít có khác biệt giữa hai người

Foreign Affairs trình bầy. Nguồn ảnh: Reuters

Trong vài tuần qua, những biến động trong mùa bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý rất lớn trên thế giới. Ngay cả trước khi mùa hè bắt đầu, nhiều quốc gia đã cân nhắc những ảnh hưởng của việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Toà Bạch Ốc và ngược lại, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có thể đem lại điều gì. Đối với nhiều nước, hai tình trạng có thể này thể hiện triển vọng khác biệt rõ rệt về địa chính trị và vai trò tương lai của Hoa Kỳ trong những vấn đề thế giới.

Sau đó là chín ngày đáng chú ý vào tháng 7, trong đó Trump bị ám sát hụt và Biden đột ngột tuyên bố rằng ông sẽ không tái tranh cử. Những sự kiện này, đảo lộn cuộc đua giành chức tổng thống Hoa Kỳ của cả hai đảng, đã tạo ra thêm sự không chắc chắn về hướng đi sắp tới của Hoa Kỳ. Nhiều nước thấy sự khác biệt ngày càng rõ rệt giữa chính sách đối ngoại quốc tế của Biden dự tính​ sẽ tiếp tục dưới thời Tổng thống tương lai Kamala Harris và cách đối ngoại theo chủ nghĩa cô lập hơn nhiều dưới thời một Tổng thống Trump tái đắc cử và J. D. Vance, phó tổng thống của ông.

Tuy nhiên, quan điểm của Trung Hoa, có phần khác biệt. Tám năm trước, chính quyền Trump đầu tiên đã đưa ra chính sách đối ngoại mang tính đối đầu hơn nhiều trong quan hệ với Bắc Kinh, điều mà nhiều giới quan sát Trung Hoa thấy khó hiểu. Thay vì coi Trung Hoa là đối tác thương mại và đôi khi là đối thủ, Hoa Kỳ bắt đầu gọi nước này là “thế lực xét lại”, đối thủ cạnh tranh chiến lược và thậm chí là mối đe dọa. Đáng chú ý hơn nữa, không kể những thay đổi về giọng điệu, chính quyền Biden đã củng cố sự thay đổi đó và thậm chí còn đưa nó đi xa hơn trong một số phương diện. Thật vậy, có vẻ như có sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington rằng Trung Hoa hiện phải được coi là một đối thủ lớn, với một nhóm trong giới phân tích ngày càng tăng tranh luận về một hình thái chiến tranh lạnh.

Đối với giới quan sát Trung Hoa, thay vì đưa ra những cách đối ngoại khác cho đất nước họ và thế giới, cả hai đảng lớn của Hoa Kỳ đều phản ảnh một cách đối phó chung đối với Trung Hoa đã xuất hiện trong những năm gần đây, một cách đối ngoại chịu ảnh hưởng mạnh của những mối quan tâm chính trị trong nước của Hoa Kỳ. Điều quan trọng hơn quan điểm của cả hai đảng là nhiều cấp độ phân tích của Hoa Kỳ về Trung Hoa và ý nghĩa của chúng trong thực tế. Hầu hết giới quan sát Trung Hoa không mong đợi những thay đổi đáng kể trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa. Nhưng họ đang cố gắng hiểu những luồng suy nghĩ hiện tại nào ở Washington cuối cùng có thể thống trị.

ĐỂ ĐƯỢC LÒNG DÂN

Do cấu trúc chính trị của Trung Hoa và chính phủ gắt gao kiểm soát dư luận ở Hoa lục thật khó để hiểu được giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nhận định và phản ứng như thế nào đối với cuộc tranh luận của Hoa Kỳ về Trung Hoa. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số điểm chung về những động lực mà nhiều người ở Trung Hoa coi là đang gây ra cuộc tranh luận đó. Đầu tiên, những chính sách đối ngoại của một quốc gia có khuynh hướng phản ảnh chính trị nội địa của quốc gia đó. Hiện tượng này dường như đặc biệt đúng ở Hoa Kỳ, nơi những cuộc tranh luận lớn trong nước có thể dễ dàng lan sang những vấn đề đối ngoại. Và nó đã đóng một vai trò đặc biệt trong cách Washington đối xử với Trung Hoa.

Do đó, cả khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” của Trump và câu cửa miệng “chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu” của Biden đều thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa chính trị trong nước và chính sách đối ngoại tại Hoa Kỳ. Sau khi Trump nhậm chức, bầu không khí chính trị phân cực sâu sắc ở Hoa Kỳ đã định hình chính sách đối ngoại của ông, đặc biệt là đối với Trung Hoa. Chính sách “Nước Mỹ trước hết” phần lớn là phản ứng trước mối quan tâm của cử tri Hoa Kỳ về toàn cầu hóa và nhập cư. Do đó, chính quyền Trump đã dựng lên những rào cản thương mại, hạn chế nhập cư và hạn chế sự tham gia của Hoa Kỳ vào những tổ chức quốc tế, đặt ưu tiên cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, chính quyền Biden cũng đã nói rõ rằng những quyết định về chính sách đối ngoại của họ nhằm mục đích phù hợp với lợi ích của cử tri trong nước và sự thịnh vượng của người Mỹ bình thường cũng có chiều kích quốc tế. Do đó, chính sách đối ngoại của Biden có những cân nhắc chính trị tương tự như của Trump, vì nó nhằm mục đích cân bằng lại những chính sách kỹ nghệ trong nước và những quy tắc kinh tế quốc tế để thúc đẩy lợi ích trong nước. Một số vấn đề của Hoa Kỳ tự có cả phần tử nội địa và ngoại quốc. Dòng người nhập cư liên tục không chỉ là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng của Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến an ninh biên giới và quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới bên ngoài. Kể từ chính quyền Trump, cuộc khủng hoảng fentanyl ở Hoa Kỳ đã đòi phải có sự hợp tác với Trung Hoa và Trung Hoa đã đáp ứng tích cực. Tuy nhiên, những thành viên của Quốc hội vẫn tiếp tục đổ lỗi cho Trung Hoa về việc fentanyl đổ vào Hoa Kỳ qua biên giới Mexico.

Một đặc điểm thứ hai của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong những năm gần đây là vai trò ngày càng tăng của Trung Hoa. Dù cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine và cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza thu hút nhiều chú ý, Trung Hoa vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược thế giới rõ rệt của Washington. Tại thời điểm quan trọng này, nhiều chuyên viên chiến lược của Hoa Kỳ đang tiếp tục kêu gọi Washington chuyển hướng nhanh sang Á châu. Ví dụ, trong cuốn sách mới của họ, Lost Decade, hai chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Robert Blackwill và Richard Fontaine cho rằng chính quyền Obama, Trump và Biden đều đã không phát triển được những chính sách mạnh mẽ và mạch lạc đối với Trung Hoa và phần còn lại của Á châu theo nhiều cách khác nhau. Họ lập luận rằng bất chấp những thách thức liên tục đối với Hoa Kỳ ở châu Âu và Trung Đông, giới hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cần phải đẩy nhanh sự chuyển hướng sang Á châu.

Tầm quan trọng của chính sách đối với Trung Hoa đã trở nên rõ ràng trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Cả hai đảng đều đang cạnh tranh để đưa ra lời lẽ hùng hồn nhất về việc cứng rắn với Bắc Kinh và hạn chế vai trò thế giới của nước này. Và điều này nêu lên một đặc điểm khác của cuộc tranh luận của Hoa Kỳ về Trung Hoa: trong bối cảnh chính trị hiện tại của Hoa Kỳ, sự phân đôi truyền thống giữa “bồ câu” và “diều hâu” không thể nắm bắt được sự phức tạp trong nhận thức của Hoa Kỳ về Trung Hoa. Với sự đồng thuận của lưỡng đảng cho rằng Trung Hoa đặt ra một thách thức lớn, việc xem xét phạm vi những quan điểm chính sách đã xuất hiện trong quan điểm chung này có ý nghĩa hơn.

MỘT CUỘC TRANH LUẬN BA PHÍA

Quan sát từ xa, chiến lược gia Hoa Kỳ về Trung Hoa có thể chia thành ba trường phái. Trường phái đầu tiên có thể gọi là Chiến binh Lạnh mới. Những người trong nhóm này tin rằng sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa là một trò chơi tổng bằng không và rằng Washington và Bắc Kinh đang tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh đòi Hoa Kỳ phải có những chiến thuật thậm chí còn hung hăng hơn. Như cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Matt Pottinger và cựu Nghị sĩ Hoa Kỳ Mike Gallagher đã lập luận trong Foreign Affairs, cuộc cạnh tranh với Trung Hoa “phải chiến thắng, không phải chỉ kiểm soát”. Khi đưa ra lập luận này, họ và những người khác đã lấy ví dụ thời Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan về việc đặt mối đe dọa của Liên Xô lên hàng đầu để theo đuổi chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Trường phái thứ hai có thể được mô tả là Những Người Quản lý cạnh tranh. Trái ngược với Những chiến binh Chiến tranh Lạnh mới, những người trong phe này cho rằng sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa không phải là một trò chơi tổng bằng không và do đó, điều cần thiết là phải có một chiến lược để sống chung với Trung Hoa. Nguồn gốc trí tuệ của cách tiếp cận này có thể bắt nguồn từ một bài báo mà Kurt Campbell (hiện là thứ trưởng Ngoại giao) và Jake Sullivan (hiện là Cố vấn An ninh Quốc gia) đã viết cho Foreign Affairs vào năm 2019, trước khi cả hai đều tham gia chính quyền Biden. Theo lập luận của họ, cuộc cạnh tranh với Trung Hoa là “một điều kiện cần được quản lý chứ không phải là một vấn đề để giải quyết”. Cùng với Rush Doshi, phó giám đốc cao cấp phụ trách những vấn đề Trung Hoa và Đài Loan tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2021 đến đầu năm 2024, và những người khác, họ cho rằng cách ứng xử tốt nhất của Washington đối với Trung Hoa là dẫn đầu bằng sự cạnh tranh, sau đó là những đề nghị hợp tác.

Trường phái thứ ba có thể được gọi là Những người thích nghi. Mặc dù họ cũng không thích hệ thống chính trị của Trung Hoa và ảnh hưởng thế giới của nước này như những người theo trường phái khác, nhưng họ có khuynh hướng lo ngại hơn so với những trường phái khác và cho rằng sự cạnh tranh có thể biến thành xung đột. Những nhân vật nổi bật trong nhóm này, những học giả về quan hệ quốc tế như Jessica Chen Weiss và James Steinberg phản đối việc tiến hành chiến tranh lạnh với Trung Hoa vì chiến tranh lạnh vốn nguy hiểm. Theo quan điểm của họ, Pottinger và Gallagher đưa ra lời kêu gọi chiến thắng một cách viển vông, bởi vì “những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tạo ra sự thay đổi bằng áp lực có thể củng cố chế độ độc tài cũng như làm suy yếu nó”. Chen Weiss và Steinberg lập luận rằng do đó, cả Bắc Kinh và Washington đều có lợi khi giảm nguy cơ chiến tranh và hợp tác về những vấn đề cùng quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và y tế cộng đồng.

Bất chấp sự khác biệt về quan điểm này, cả ba trường phái đều đồng ý rằng Trung Hoa đưa ra thách thức đáng kể cho Hoa Kỳ. Họ cũng thống nhất nghĩ rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa cần có nền tảng lưỡng đảng để thành công. Tuy nhiên, có vẻ như không có quan điểm chung nào ở Washington về cách đối phó nào là tốt nhất hoặc khía cạnh nào của thách thức — chính trị, quân sự, kinh tế hay quản trị thế giới — là nghiêm trọng nhất. Đối với Bắc Kinh, cuộc tranh luận chưa có hồi kết này có nghĩa là điều quan trọng là phải hiểu cách ứng xử khác nhau này đang ảnh hưởng đến những chính sách của Hoa Kỳ như thế nào và cụ thể là chúng có thể định hình chính quyền Hoa Kỳ sắp tới như thế nào.

CHIẾN THUẬT KHÁC NHAU, MỤC TIÊU NHƯ NHAU

Người Mỹ có thể muốn hỏi liệu Trung Hoa thích chính quyền Harris hay chính quyền Trump thứ hai — hay nói rộng hơn là họ thích đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Dù thế nào đi nữa, vào năm 1972, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói với Tổng thống Richard Nixon rằng ông thích phe cánh hữu chính trị ở Hoa Kỳ và những nước phương Tây khác. Mặc dù Mao không đưa ra lý do cho sự ưa hơn này, nhưng có vẻ như ông đã thấy Nixon và những người lãnh đạo phương Tây thiên hữu khác chú trọng hơn đến lợi ích kinh tế và an ninh của quốc gia họ, trong khi những chính khách cánh tả có khuynh hướng xây dựng chính sách của họ dựa trên ý thức hệ tư và những giá trị chính trị.

Tuy nhiên, rất khó để đánh giá liệu đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa có đóng góp lớn hơn cho quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa. Ví dụ, mặc dù Nixon, một tổng thống Cộng hòa, là người đầu tiên phá vỡ sự lạnh nhạt với Trung Hoa, nhưng chính Tổng thống Jimmy Carter, một tổng thống Dân chủ, mới là người quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, đã có bẩy tổng thống đảng Dân chủ và bẩy tổng thống đảng Cộng hòa tại Hoa Kỳ, và những đột phá và khủng hoảng lớn trong quan hệ song phương đã xẩy ra dưới thời của cả hai đảng.

Sự không chắc chắn tương tự cũng đúng với đánh giá của Trung Hoa về hai đảng ngày nay. Khi Trump nhậm chức vào năm 2017, mối quan tâm hàng đầu của ông về Trung Hoa là thâm hụt thương mại khổng lồ của Hoa Kỳ và lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, thâm hụt cũng như lợi thế kỹ thuật của Trung Hoa được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Chính quyền Trump không chỉ coi Trung Hoa là “thế lực xét lại” và là đối thủ cạnh tranh chiến lược; mà còn xác định Đảng Cộng sản Trung Hoa là mối đe dọa đối với lối sống của người Mỹ và “thế giới tự do”. Đưa ra cách tiếp cận “toàn bộ chính phủ” hung hăng nhưng mâu thuẫn, chính quyền Trump đã đặt ra mục tiêu cạnh tranh và đối đầu với Trung Hoa trong hầu hết mọi vấn đề.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, tháng 6 năm 2019. Kevin Lamarque / Reuters

Bắt đầu với thương mại, chính quyền Trump đánh thuế nhập cảng rất nặng trên hàng hoá nhập cảng từ Trung Hoa và sau đó mở rộng chiến dịch bài Hoa gồm cả việc tăng cường giám sát và hạn chế đầu tư của Trung Hoa, thắt chặt kiểm soát xuất cảng kỹ thuật cao và nhắm mục tiêu vào những công ty Trung Hoa cụ thể có sự hiện diện lớn ở nước ngoài, chẳng hạn như Huawei. Về an ninh, chính quyền Trump cũng đã thực hiện những bước mới để duy trì quyền tối cao của Hoa Kỳ trong khu vực mà những chiến lược gia trước sau như một đều gọi là “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, một thuật ngữ địa lý trước đây chỉ đôi khi mới dùng đến. Chính quyền Trump đã đưa ra những bảo đảm an ninh đặc biệt cho Đài Loan và hạ thấp chính sách “một Trung Hoa” đã có từ lâu; đưa thêm tài nguyên vào Quad (nhóm gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ) trong nỗ lực cùng nhau cân bằng với Trung Hoa; và tăng cường những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương để thách thức những tuyên bố lãnh thổ của Trung Hoa.

Về mối quan hệ chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, Trump không giữ quan điểm ý thức hệ cứng nhắc về hệ thống và giới lãnh đạo Trung Hoa, nhưng ông cho phép những công chức cao cấp trong chính quyền của mình và để Quốc hội Hoa Kỳ chỉ trích gay gắt đảng cầm quyền Trung Hoa và chính quyền trong nước của họ, đặc biệt là những chính sách đối với Tân Cương và Hong Kong. Và khi chính quyền của ông áp dụng luận điệu “mối đe dọa từ Trung Hoa” rộng hơn, nó đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến những cuộc trao đổi học thuật, khoa học và xã hội giữa hai quốc gia đã có trong nhiều chục năm. Trong ngoại giao đa phương, Washington cũng bắt đầu coi Bắc Kinh là quỷ dữ và phản đối mạnh mẽ ảnh hưởng quốc tế của họ, cố gắng hạn chế vai trò thế giới đang mở rộng của Trung Hoa trong Sáng kiến ​​Một Vành đai Một Con đường và trong sự tham gia ngày càng tăng của họ vào những cơ quan của Liên hiệp quốc.

Sau đó, vào năm 2020, trong bối cảnh của năm bầu cử phức tạp tại Hoa Kỳ, sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh vòng xoáy đi xuống trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Trump đổ lỗi cho chính phủ Trung Hoa về cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, đình chỉ hầu hết những cuộc đối thoại song phương và áp dụng lập trường thù địch với chính Trung Hoa. Vào tháng 7 năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ thậm chí còn ra lệnh đóng cửa toà tổng lãnh sự Trung Hoa tại Houston, cáo buộc đây là “trung tâm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ”.

Tuy nhiên, nhìn chung, chính quyền Trump vẫn duy trì một mức độ linh hoạt nhất định đối với Trung Hoa. Bất chấp những mức thuế nhập cảng ngàn cân và những biện pháp khác, chính quyền Trump vẫn cởi mở với những cuộc đàm phán thương mại và thể hiện một số thiện chí thỏa hiệp về những vấn đề gai góc như cạnh tranh kỹ thuật và Đài Loan. Hơn nữa, “Nước Mỹ trước hết” cũng có nghĩa là Washington có ít uy tín và đòn bẩy yếu hơn trong việc phối hợp với những quốc gia khác về chính sách của riêng họ đối với Trung Hoa, dẫn đến việc chính quyền Trump không xây dựng và lãnh đạo một mặt trận đa phương mạnh mẽ để chống lại Trung Hoa. Điều này đã thúc đẩy nhận thức phổ biến trong một số bình luận gia Trung Hoa rằng Trump chính yếu quan tâm đến lợi ích kinh doanh và đạt được thỏa thuận với Trung Hoa. Vào tháng 11 năm 2017, Trump đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh—một bước đi mà Biden đã không thực hiện trong nhiệm kỳ của mình—và vào tháng 1 năm 2020 đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Hoa để bắt đầu giải quyết căng thẳng thương mại. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump, nhiều người ở Hoa Kỳ đã mô tả cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Hoa là một thất bại.

Bất chấp mọi khác biệt được cho là có với chính quyền Trump, chính quyền Biden đã cho thấy sự tiếp nối đáng chú ý với người tiền nhiệm của mình về Trung Hoa. Về cơ bản, Biden đã củng cố định hướng đối đầu chung của những chính sách thời Trump bằng cách tiếp cận có hệ thống và đa phương hơn, mà chính quyền của ông gọi là “đầu tư, hiệu chính và cạnh tranh”. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại vào tháng 2 năm 2021, Biden gọi Trung Hoa là “đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất” của Hoa Kỳ và cam kết “trực tiếp giải quyết” những thách thức mà nước này đặt ra đối với “sự thịnh vượng, an ninh và những giá trị dân chủ” của Hoa Kỳ.

Do đó, Biden đã hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để thực hiện những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và những chính sách kỹ nghệ nhằm mục đích giúp Hoa Kỳ cạnh tranh hơn và ít phụ thuộc hơn vào Trung Hoa. Để cạnh tranh tốt hơn về kỹ thuật tiên tiến, chính quyền Biden cũng đã tìm cách kiểm soát xuất cảng chặt chẽ hơn, áp dụng thuế nhập cảng mới đối với những sản phẩm kỹ thuật xanh của Trung Hoa và những nỗ lực quốc tế được phối hợp nhiều hơn như liên minh Chip 4 — quan hệ đối tác về chất bán dẫn giữa Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Hoa Kỳ.

Ở Á châu – Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông và bổ túc chiều kích kinh tế khu vực vào những liên minh an ninh Á châu của Hoa Kỳ. Biden cũng đã tập hợp những nhân vật lãnh đạo G-7 để thúc đẩy sáng kiến ​​Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn và Quan hệ Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư thế giới — cả hai đều nhằm mục đích đưa ra câu trả lời của phương Tây cho Sáng kiến Một ​​Vành đai Một Con đường của Trung Hoa. Được thúc đẩy bởi mối quan hệ ngày càng phát triển của Trung Hoa với Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, chính quyền Biden đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với những công ty Trung Hoa giao dịch với Nga. Washington cũng đã đưa ra một lớp phủ ý thức hệ mới cho cuộc cạnh tranh với Trung Hoa – thứ mà chính quyền gọi là “dân chủ đấu với chế độ chuyên quyền” – trong nỗ lực xây dựng một liên minh lớn chống lại Bắc Kinh.

Mặc dù đã cạnh tranh quyết liệt với Trung Hoa, chính quyền Biden vẫn duy trì những đường liên lạc cao cấp thường xuyên và tiếp tục khám phá những lãnh vực hợp tác. Mặc dù nhấn mạnh vào những gì họ coi là ảnh hưởng chính trị của Trung Hoa, nội các Biden đã thực hiện những bước để phi chính trị hóa và khôi phục những cuộc trao đổi học thuật và xã hội song phương, chẳng hạn như chấm dứt Sáng kiến ​​Trung Hoa của chính quyền Trump — một cuộc đàn áp gây tranh cãi đối với những chuyên gia nghiên cứu tại Hoa Kỳ có liên hệ với những thực thể Trung Hoa. Biden cũng đã có những cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 năm 2022 và tại San Francisco vào tháng 11 năm 2023, ở những nơi đó hai nhân vật lãnh đạo cam kết duy trì mối quan hệ song phương ổn định và lành mạnh.

SÂN LỚN HAY LIÊN MINH RỘNG RÃI

Những chiến lược gia Trung Hoa không ảo tưởng rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa có thể thay đổi hướng đi trong mười năm sắp tới. Với những cuộc thăm dò dư luận của Hoa Kỳ và sự đồng thuận lưỡng đảng về Trung Hoa tại Washington, họ cho rằng bất kỳ ai được bầu vào tháng 11 năm 2024 sẽ tiếp tục ưu tiên cạnh tranh chiến lược và thậm chí là kiềm chế trong cách tiếp cận của Washington đối với Bắc Kinh, với sự hợp tác và trao đổi ở vị trí thứ yếu.

Một chính quyền Trump mới gần như chắc chắn sẽ theo đuổi chính sách thương mại quyết liệt hơn đối với Trung Hoa. Trump đã đề nghị đánh thuế 60 % trên tất cả hàng hóa sản xuất tại Trung Hoa, cũng như thu hồi quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Hoa; quy chế này đã cấp những điều khoản thương mại thuận lợi, không phân biệt đối xử và quyền tiếp cận thị trường kể từ năm 2000. Ông cũng kêu gọi một học thuyết “sân lớn, rào cao” — một sự khai triển rõ ràng của khái niệm “sân nhỏ, rào cao” của chính quyền Biden, chỉ bảo vệ những kỹ thuật quan trọng và mới nổi bằng những biện pháp an ninh mạnh mẽ — để cho phép tách biệt kỹ thuật rộng rãi hơn ra khỏi Trung Hoa.

Tuy nhiên, với sở thích đàm phán của Trump, ông có thể quyết định theo đuổi những thỏa thuận song phương với Bắc Kinh về hàng tiêu dùng, năng lượng và kỹ thuật. Ông cũng có thể cố dùng vấn đề Đài Loan như một con bài mặc cả để giành thế đòn bẩy trong những lãnh vực khác, chẳng hạn như đề nghị kiềm chế những hành động khiêu khích của Đài Loan để đổi lấy sự thỏa hiệp của Bắc Kinh về thương mại. Nhưng rất khó để Trung Hoa có thể sẽ đồng ý với một thỏa thuận như vậy và những cố vấn chính sách đối ngoại của Trump cũng có thể phản đối. Một lần nữa, với sở thích chung của ông đối với ngoại giao song phương hơn là đa phương, Trump cũng có thể kém khả năng huy động những đồng minh và đối tác chống lại Trung Hoa và có thể đi tìm một sự dàn xếp riêng của Hoa Kỳ với Nga, một đối tác chiến lược kiên định của Trung Hoa.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình tại Bangkok, tháng 11 năm 2022. © Toà Bạch Ốc / Reuters

Về một chính quyền Harris, giả sử vẫn giữ nguyên phần lớn cách giái quyết của Biden, có thể sẽ tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và củng cố những nỗ lực của Biden nhằm xây dựng một liên minh những nước phương Tây và Á châu để đối trọng với Trung Hoa. So với chính sách tùy tiện và thất thường của Trump, những chiến lược này có thể sẽ vẫn có tổ chức và dễ dự đoán hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung, theo quan điểm của Trung Hoa, những chính sách về Trung Hoa của chính quyền Trump mới và chính quyền Harris có thể sẽ kiên định về mặt chiến lược. Với tư cách là tổng thống, cả hai ứng cử viên đều sẽ đặt ra những thách thức và bất lợi cho Trung Hoa, và không ai có vẻ muốn xẩy ra xung đột quân sự lớn hoặc cắt đứt mọi liên hệ kinh tế và xã hội. Do đó, Bắc Kinh khó có thể rõ ràng thích ai hơn ai. Hơn nữa, Trung Hoa có động lực mạnh mẽ để duy trì mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ và tránh đối đầu hoặc gián đoạn lớn. Với sự nhậy cảm về chính trị liên quan đến cuộc bầu cử và quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa, bất kỳ hành động can thiệp nào của Trung Hoa đều có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi.

Khi cuộc đua giành chức tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 nóng lên, giới chức chính quyền ở Bắc Kinh đã đưa ra những nhận xét thận trọng và dè dặt về vấn đề này, với những viên chức chính phủ mô tả cuộc bầu cử là “việc nội bộ của Hoa Kỳ”. Tại một cuộc họp báo vào tháng 7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiến (Lin Jian) nhấn mạnh rằng Trung Hoa “chưa bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, Lin cũng cho biết rằng chính phủ Trung Hoa “kiên quyết phản đối bất kỳ ai đưa vấn đề về Trung Hoa và gây thiệt hại đến lợi ích của Trung Hoa vì mục đích bầu cử” và rằng hai chính đảng của Hoa Kỳ “không nên phát tán thông tin sai lệch để bôi nhọ Trung Hoa và không nên biến Trung Hoa thành vấn đề”. Điều đó báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể cảm thấy buộc phải đáp trả, ít nhất là về mặt tu từ, nếu bị tấn công trong những cuộc vận đọng bầu cử oở Hoa Kỳ. Bất chấp nguyên tắc không can thiệp đã tuyên bố, Bắc Kinh có thể không thể làm im tiếng những tiếng nói giật gân, vô trách nhiệm và khiêu khích trên mạng xã hội tiếng Trung Hoa. Một số trong số này được phát sóng bên ngoài Trung Hoa và có thể phản ảnh nghị trình cụ thể của một số cộng đồng người Hoa bên ngoài và do đó không nên được hiểu là đại diện cho lập trường chính thức của Trung Hoa.

THẬN TRỌNG, KHÔNG PHẢI THẢM HỌA

Giống như Washington, mối quan tâm chính của Bắc Kinh vào năm 2024 là tình hình trong nước. Trái ngược với sự phân cực chính trị và mùa bầu cử bất ổn ở Hoa Kỳ, Trung Hoa dường như ổn định về mặt chính trị và xã hội đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Vào giữa tháng 7, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa khóa 20 đã kết thúc phiên họp toàn thể thứ ba với đánh giá tích cực về sự phục hồi kinh tế của Trung Hoa, bất chấp số liệu tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2024 thấp hơn kỳ vọng, và đưa ra đề nghị đổi mới toàn diện để thúc đẩy hiện đại hóa Trung Hoa. Nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh vẫn là xây dựng thể chế, đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa và thực thi kỷ luật của đảng.

Một mặt, Bắc Kinh thừa nhận rằng duy trì tăng trưởng kinh tế là điều bắt buộc đối với sự ổn định trong nước và thực hiện những biện pháp gia tăng để tăng cường thương mại, đầu tư và hợp tác kỹ thuật nước ngoài. Về vấn đề này, họ không thấy lợi thế nào khi đối đầu với Hoa Kỳ và phương Tây. Mặt khác, chính phủ Trung Hoa không tiếc công sức để bảo vệ chống lại những gì họ coi là nỗ lực của phương Tây– và đặc biệt là của Mỹ — nhằm làm suy yếu thẩm quyền và tính hợp pháp của mình trong nước, và họ sẽ không hy sinh những nguyên tắc chính trị và an ninh quốc gia để đổi lấy lợi ích kinh tế.

Mặc dù muốn có sự ổn định với Washington, Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị cho sự hỗn loạn ngày càng tăng trong mối quan hệ song phương. Vào tháng 3 năm 2023, Tập Cận Bình đã nhận xét, “những nước phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu đã thực hiện chính sách ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với chúng ta, mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có cho sự phát triển của đất nước chúng ta.” Hai tháng sau, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương mới, Tập Cận Bình đã kêu gọi đảng “chuẩn bị cho những tình trạng xấu nhất và cực đoan nhất và sẵn sàng chịu đựng thử thách lớn của gió lớn, sóng lớn và thậm chí là bão nguy hiểm”. Về đối ngoại, Bắc Kinh vẫn mô tả thế giới có cả những nước đang phát triển và phát triển thay vì coi đó là những khối phương Tây và chống phương Tây cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Nam bán cầu.

Trung Hoa đã kiên quyết phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ vào những gì họ coi là công việc nội bộ của mình, đặc biệt là về những vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và nhân quyền. Trung Hoa coi vấn đề Đài Loan nói riêng là vấn đề cốt lõi. Bắc Kinh tin rằng họ đã thực hiện sự kiềm chế đáng kể đối với Đài Loan và vẫn chưa cạn kiệt những lựa chọn chính sách có thể áp dụng để ngăn chặn hòn đảo này giành được độc lập trên danh nghĩa pháp lý. Trong những hoàn cảnh này, giới lãnh đạo Trung Hoa sẽ tuân thủ nguyên tắc đã tuyên bố của mình về thống nhất hòa bình với Đài Loan và “một quốc gia, hai chế độ” trừ khi bị khiêu khích một cách quyết liệt và không thể đảo ngược. Trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines ở Biển Đông, Trung Hoa coi cách ứng phó của mình là có cân nhắc và tự tin. Trong căng thẳng với Hoa Kỳ về thương mại và kỹ thuật, Trung Hoa thấy mình tập trung vào những biện pháp đối phó có cân nhắc và buộc phải tăng gấp đôi nỗ lực theo đuổi sự tự lực.

Với sự tương đồng rộng rãi trong cách ứng xử của cả chính quyền Trump và Biden đối với Trung Hoa, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho kết quả của cuộc bầu cử Hoa Kỳ với sự thận trọng và hy vọng hạn chế. Vào tháng 4, Tập Cận Bình đã nói lại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng “Trung Hoa hoan nghênh một Hoa Kỳ tự tin, cởi mở, thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ và hy vọng Hoa Kỳ cũng sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Hoa theo hướng tích cực.” Thật không may, khả năng chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Hoa theo hướng tích cực là rất thấp. Khi Trung Hoa tiếp tục ưu tiên phát triển và an ninh trong nước, họ có thể sẽ nỗ lực bảo vệ những mô hình kinh tế và quản trị của mình trong khi vẫn bảo tồn không gian cho thương mại và đầu tư thế giới. Trong một thời gian dài sắp tới, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa dường như khó có thể quay trở lại với những trao đổi và hợp tác sâu sắc đã diễn ra vào đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, nếu không thể hàn gắn quan hệ ngoại giao, Trung Hoa và Hoa Kỳ vẫn có thể duy trì sự ổn định và tránh được thảm họa, bất kể ai ở Phòng Bầu dục.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Does China Prefer Harris or Trump? | Wang Jisi, Hu Ran, and Zhao Jianwei | Foreign Affairs | August 1, 2024