Người Nhật không lùn

Trà Mi

Lục chồng thư cũ đọc lại lá thư người bạn lâu năm đã gởi từ hơn 10 năm trước. Xin giới thiệu để mọi người cũng đọc những nhận xét thú vị.

Người Nhật không lùn

PBT#

Mấy năm về trước, có được một dịp ghé Narita rất ngắn, và một dịp khác gần đây lang thang trong Tokyo mấy ngày đêm, viết lại đọc cho vui.

Khách bộ hành băng qua ngã tư trước những bảng quảng cáo ở khu mua sắm Shibuya tại Tokyo vào tháng 7 năm 2015. Dân số Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên kể từ khi cuộc điều tra dân số năm năm của họ bắt đầu vào năm 1920. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Đường xá những chốn đi qua sạch, không cọng rác từ đường chính cho đến hang cùng ngõ hẻm, nghĩa địa cho đến cầu xí… Lăng nhăng hỏi chuyện một anh bán hàng xén bên lề đường ở tỉnh Narita. Anh vừa đi Washington DC về, thăm Sàigòn năm trước, viếng Angkor một bận… rồi lan man nhiều chuyện. Không biết có phải là “đi một ngày đàng học một… bồ khôn” không mà anh bán hàng xén xứ người sao tài thế! Kiến thức của một người bán hàng bên đường mà như thế ư? Thảo nào các cụ Phan kêu gọi “Đông Du” đã trăm năm trước.

Đời sống ở Nhật quả thật là đắt đỏ so với Mỹ, nhưng lương của công nhân theo tờ báo tiếng Anh nhặt được trên xe điện so với Mỹ thì có phần nhiều hơn lúc bấy giờ. Vật giá cao trong nước khuyến khích con dân xứ Phù Tang đi ra xứ ngoài, mở mang đầu óc khi có cơ hội để, tránh được nhãn quan của ếch ngồi đáy giếng, nhìn bao la thế giới.

Dân Nhật có điều khác với dân mình và dân nhiều xứ Á châu khác. Họ không nói tiếng Anh hay nói rất dở khi giao tiếp với người ngoại quốc. Đi xe điện, hỏi đường thật là điều vất vả khi ngôn ngữ giao tế không phải là tiếng Nhật. Không hiểu họ không thích hay không biết, ngay cả thế hệ thanh thiếu niên trẻ. Khi trao đổi trong công việc với các cấp thấp và trung thì nghe tiếng Anh có âm hưởng giọng Nhật như phần đông người mình sang Mỹ khi đã kề tuổi 30 hay già hơn. Có dịp tham gia một buổi gặp gỡ ông chủ của một hệ thống công ty đa ngành kếch sù, nhân viên hớt ha hớt hải chạy như vịt khi “tướng quân” sắp đến, líu lo hự hự như đang đánh vật. Ông chủ bự chắc chắn phải biết tiếng Anh, nhưng buổi nói chuyện trao đổi khoảng nửa giờ ấy đều qua thông ngôn hai chiều do hai anh chị nhân viên ngồi hai bên ông xếp. Sau này đọc “Tổ Quốc Ăn Năn”, ông Nguyễn Gia Kiểng có nhận xét đại khái là, dân Nhật họ học tiếng Anh để đọc sách, mở mang kiến thức chứ không để giật mảnh bằng đem dọa nhau như thường tình thế sự người mình. Tự hào dân tộc đôi khi chắc cũng là điều cần thiết. Chắc chắn một điều là hiện nay người Nhật vọng ngoại thua xa người mình lắm lắm!

Chiều tan sở cho đến tối khuya, xe điện đầy người vẫn vác cặp táp như sắp đi làm. Bốn người đàn ông Việt Nam được giao riêng cho một cô nhân viên người Nhật để hướng dẫn trong mấy ngày. Cô nói tiếng Việt giọng Sàigòn, giải thích, “Đàn ông Nhật không về nhà ngay sau giờ tan tầm, anh nào về ngay là anh ấy chẳng có công ăn việc làm gì nên hồn, vợ khinh cho, nên cứ vờ lang thang ngoài đường đến tối mới về” mà không phải xin phép như bạn và tôi!

Thanh niên Nhật ở Tokyo lập gia đình rất ít vì đắt đỏ của đời sống tân tiến hiện đại. Nhà cửa thì chật, nhỏ như cái nước đầy đảo li ti này. Dọc bờ sông trong thành phố, những túp lều ngăn nắp, tươm tất bọc sát bờ tường đá hoa cương dài. Đấy là nhóm “dân không nhà” mà thật ra phải gọi là nhóm người thích sống cảnh không nhà, vì nghe đâu họ là chủ nhân của những căn nhà gần quanh mà giá trị có thể lên đến nhiều triệu đô la. Trò chuyện với một cô Nhật xinh xắn, phụ tá chủ sự một chương trình trợ giúp quốc tế về luật lệ giao thông, trong một bữa ăn trưa thì được biết, “Một gia đình chỉ có 0.5 con, hai cặp vợ chồng mới có 1 đứa bé.” Suốt mấy ngày ở Tokyo, có nhẽ chỉ có cô này là đẹp gái! Tôi nói đùa với anh bạn đi cùng, “Con gái Nhật đẹp chưa được sinh ra đời!” Anh bạn hỏi cô Nhật nói tiếng Việt theo như mấy tờ báo Việt đăng dạo ấy, “Cô có biết cái tiệm sushi nào để thức ăn trên thân thể những phụ nữ lõa lồ không mảnh vải, đặt xoay vòng vòng, cho khách chọn món ăn không?” Cô ta cười và rất ngạc nhiên sao ông Việt Nam nào đến Nhật cũng hỏi câu này! Cô cũng biết câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” nhưng cho biết là “xưa rồi Diễm!” Đấy chỉ còn trong sách cổ, huyền thoại, hoang tưởng!

Nyotaimori – theo trang web của Naked Sushi – là một “hình thức nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản” phục vụ sashimi hoặc sushi bầy trên thân thể của một người phụ nữ khỏa thân. Đây là chuyệ tác giả được cho biết là “Xưa rồi Diễm!” Ảnh: Shutterstock

Chùa ở Nhật thật vui! Các ông sư mặc áo đủ màu, nếu chụp ảnh chắc có nhiều nét đẹp của sắc màu xanh, đỏ, cam, vàng, nghệ, tím… Không rõ có phải màu sắc dùng để phân biệt đẳng cấp trong chùa không? Khách thập phương xếp hàng nối đuôi nhau, tuần tự lên trao cho các vị sư một cái bọc để các vị này làm phép, quay vòng cái bọc ấy trên đám khói hương từ một bát nhang to tướng. Trong cái bọc ấy, người ta bỏ vào hai thứ, đôi giầy và cái ví. Thực tế chủ nghĩa: sức khỏe và túi tiền!

Giao tế trao đổi công việc không xẩy ra trong giờ làm việc. Ba cấp lớn, nhỏ và trung đều thật sự làm việc sau 5 giờ chiều. Bữa ăn tối khai vị bằng sake ở các nhà hàng quanh nơi trụ sở chính. Sake đủ loại, nóng lạnh, trắng hồng…. Sashimi là món chính, dân Nhật tiêu thụ 2/3 cá sống của thế giới mà lị! Tôi thử cả bạch tuột sống. Anh Nhật đắc ý, “Chắc anh có gốc Nhật!” Tanh lắm! Cần gì, đã có sake! Tôi đùa lại, “Còn anh chắc có gốc Mít!” vì anh ta không nuốt nổi cái món nặc mùi và trông ghê rợn này. Tôi uống tì tì, anh Nhật tiếp tục rót. Sau bốn năm bận rót mời sake cho khách, anh chàng mất kiên nhẫn, cho biết, “Phong tục Nhật về uống rượu là nếu anh rót tôi một cốc thì tôi mời anh lại một cốc ngay!” Giật mình, tôi nâng bầu sake rót vào ly của chàng, giải thích, “Phong tục nơi tôi sống là rượu bất khả ép! Khi nào bị ép mà bất khả từ là phong tục kiểu quân tử Tàu dân nước tôi?” Những buổi ăn tối ngoại giao làm công việc trôi chảy nhanh cho ngày mai. Công việc là việc đường đường chính lộ chứ không phải áp phe mua bán dưới gầm bàn. Không rõ có những kiểu làm ăn này ở Nhật không? Xã hội đen đâu chả có, trần truồng hay che đậy là chuyện khác. Người Nhật ăn món có nước, không cần muỗng, cầm tô lên, húp nước lèo rất tự nhiên. Ăn mỳ sợi thì mút đánh sụp vào miệng, càng kêu to thì người đãi mình càng thích vì đấy là một lời khen thức ăn ngon rất tượng thanh, trung thực.

Sake. Nguồn: Tokyoesque Abashiri City & Food Weekly

Thịt bò, rau cỏ, trái cây thuộc hàng xa xí phẩm. Bò Kobe được nuôi theo cái kiểu có thể làm một con người nhỏ nhen ganh tỵ, cho tập thể dục mỗi ngày, đem về xoa bóp cho chắc thịt tan mỡ, rồi ướp sống bằng bia lạnh giải khát, nghe nhạc cổ điển khi nhàn rỗi… Rau cỏ, trái cây thì được trưng bày trong các tiệm đèn đuốc sáng choang, đựng trong hộp gỗ cứng, nơ xanh đỏ, nằm lót trong giấy mềm ngủ sắc, giá cả cứ như vàng ròng.

Trang trí phòng ốc, nhà cửa, phố xá đơn giản. Đơn giản nhưng không dễ hiểu, kiểu như ngồi nhìn cái vườn Zen để giải náo loạn chung quanh, ngắm thế cây uốn éo, xem nghệ nhân trà đạo lỉnh kỉnh lách cách san qua sớt lại. Trang phục cổ lại quá cầu kỳ, kiểu cách như các bộ kimono từng từng lớp lớp lụa là ngoài trong của mọi giới, trẻ già.

Người Nhật mang một tội rất lớn với người Việt và các dân tộc khác như Cao Ly, Trung Hoa… trong vùng. Cái tội ác của dã man thú tính, tàn bạo của con người bản ác muôn thuở! Các câu chuyện trong gia đình, ông quan Nhật trừng phạt anh bán thóc pha mạt cưa bằng cách chôn sống anh con buôn này vào bụng ngựa quí bị chết, chắc phải là chuyện thật! Nạn đói năm Ất Dậu1 ở miền Bắc là sự thật lịch sử không thể chối cãi. Người Nhật hiện tại lại rất mực quan tâm đến những sắc tộc thiểu số của họ đang sống, ăn ở trên các đảo li nhi như cùng máu huyết Thái Dương Thần Nữ.

Tôi đi lên miền núi đồi ở Phan Thiết, Phan Rang thăm vùng tháp Chàm tháng trước mà bổng nhớ bài hát “Hận Đồ Bàn”, nghĩ đến Thủy Chân Lạp của vùng Sàigòn, Gia Định… thời mở mang bờ cõi về phương Nam của ông cha mình. Có ai đã xóa sổ cả một dân tộc khác? Xâm chiếm bờ cõi láng giềng ư! Xấu hổ việc của cha ông khi đang nghĩ ức việc Bản Giốc, Trường Sa. Điều gì có thể khiến một giống dân cuồng hoang, thích thú khi hành hạ thân xác, đè nén tinh thần người anh em từng chung cái bọc với mình? Gà một chuồng mà mổ nhau, cho thỏa mộng ước khét tiếng anh hào, thì sao trách được bọn heo ở chuồng bên? Don Vito Corleone sống mãi trong sự nghiệp kẻ cướp.

“Rừng hoang vu! vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù…”

2010

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Trà Mi giới thiệu, phụ chú và trình bầy lá thư của một người bạn gởi 14 năm về trước.

[1] Nạn đói năm Ất Dậu hoặc Nạn đói năm 45 –từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, là nạn đói xảy ra ở miền bắc Việt Nam thuộc Đông Dương thuộc Pháp trong Thế chiến II từ tháng 10 năm 1944 đến cuối năm 1945, khi đó đang nằm dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản từ năm 1940 với Vichy Pháp là đồng minh của Đức Quốc xã ở Tây Âu. Người ta ước tính rằng có từ 400.000 đến 2 triệu người đã chết đói trong thời gian này. [Charles Hirschman; Samuel Preston; Vu Manh Loi (December 1995). “Vietnamese Casualties During the American War: A New Estimate”; Gunn, Geoffrey (24 January 2011). “The Great Vietnamese Famine of 1944-45 Revisited”. The Asia-Pacific Journal. 9 (5). No. 4. Article ID 3483; Huff, Gregg (March 2020). “The Great Second World War Vietnam and Java Famines”. Modern Asian Studies. 54 (2): 618–653.]

Theo một nghiên cứu năm 2018, những cơn bão đổ bộ vào những khu vực ven biển đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực và là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn đói. Người Nhật chiếm đóng Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ mở những cuộc tấn công vào hệ thống giao thông hoặc chính quyền thực dân Pháp của đất nước này dề đã có thể có hành động để hạn chế hoặc thậm chí đảo ngược nạn đói. Tuy nhiên, dưới áp lực của chiến tranh, không có chính phủ hay tổ chức nào lựa chọn chiến lược xóa đói giảm nghèo hiệu quả.[ Huff, Gregg (2018). “Causes and consequences of the Great Vietnam Famine, 1944–5”. The Economic History Review. 72: 286–316.]