Việt Nam: Cái chết của một lãnh đạo độc tài mở ra giai đoạn bất ổn
Caleb Reed | DCVOnline
Trong những tuần qua, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền tại quốc gia này trải qua một sự thay đổi đột ngột về lãnh đạo sau cái chết của Tổng Bí thư cao tuổi Nguyễn Phú Trọng vào ngày 19 tháng 7. Trên thực tế Trọng là nhân vật lãnh đạo tối cao của Việt Nam trong 13 năm và giám sát một quá trình tập trung quyền lực cho nhà nước và cho cá nhân ông, không khác gì quá trình ở Trung Hoa quanh Tập Cận Bình. Việc chuyển giao chức vụ này cho Tô Lâm, Chủ tịch nước là gì, có ý nghĩa gì? Tất cả những việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến triển vọng của Việt Nam và cuộc đấu tranh giai cấp của nước này trong tương lai?
Vào ngày 19 tháng 7, người lãnh đạo tối cao trước đây của Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đã qua đời ở tuổi 80 sau nhiều năm đồn đãi về sức khỏe yếu kém của ông. Trọng được coi là một trong những nhân vật lãnh đạo quyền lực nhất ở Việt Nam sau Hồ Chí Minh, vì ông đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng trong những chính sách định hình một giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản Việt Nam, mà chế độ ĐCSVN đã khôi phục dưới sự giám sát của họ bắt đầu từ cuối những năm 1980.
Không giống như những người tiền nhiệm, Trọng chủ trương nhà nước can thiệp mạnh hơn vào nền kinh tế và tập trung nhiều quyền lực hơn cho nhà nước và ban lãnh đạo đảng. Chính sách đặc trưng của ông là một làn sóng những chiến dịch chống tham nhũng (được gọi là ‘Đốt Lò’) tấn công vào những giới tư bản cá nhân và những cộng sự viên của họ trong đảng, nhằm mục đích ngăn chặn sự thái quá của chủ nghĩa tư bản đe dọa làm tình hình bất ổn và kích động đấu tranh giai cấp.
Sau đó, Trọng đã khởi xướng một chiến dịch ‘trẻ trung hóa đảng’, trong đó ông nhấn mạnh ‘đạo đức cộng sản’ và kêu gọi tất cả những đảng viên tự tu dưỡng rèn luyện và tự trọng. Mục tiêu thực sự của chiến dịch này là thúc đẩy tính chính danh và danh tiếng của đảng, sau gần một chục năm sự ủng hộ của quần chúng giảm sút dưới thời lãnh đạo trước đó của Nguyễn Tấn Dũng đầy rẫy tham nhũng.
Việc Trọng phải làm như vậy cho thấy rằng đảng Cộng sản Việt Nam trên danh nghĩa đã khôi phục chủ nghĩa tư bản và phá hủy những thành quả của nền kinh tế kế hoạch hóa đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về tính chính danh trong mắt quần chúng khi ông lên nắm quyền vào năm 2011. Quần chúng Việt Nam có truyền thống cách mạng, nhưng họ lại bị một bộ máy quan liêu độc tài cai trị đã phá hủy những thành quả của nền kinh tế kế hoạch hóa. Khi bất bình đẳng ngày càng gia tăng, những biểu hiện tham nhũng và bè phái công khai đe dọa sẽ thổi bùng cơn thịnh nộ lớn và khiến quần chúng kết nối lại với những truyền thống cách mạng này. Trọng và phe cánh của ông trong đảng đã nhận thức được thực tế này và tìm cách gột sạch hình ảnh của đảng trước khi quá muộn.
May mắn cho Trọng, chiến dịch ‘Đốt Lò’ của ông trùng với thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Việt Nam. Điều này đã tạo ra ấn tượng rằng Trọng là một ‘lãnh đạo của nhân dân’, một lãnh đạo đảng thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam, vẫn duy trì tinh thần cách mạng của quá khứ trong khi khéo léo điều hành nền kinh tế tư bản của đất nước vì lợi ích của nhân dân.
Trong quá trình này, Trọng cũng đã nhổ tận gốc nhiều đối thủ với phe phái của ông trong Đảng, và đảo lộn cấu trúc lãnh đạo “tứ trụ” ở Việt Nam, theo đó quyền lực ở cấp cao nhất được cho là cân bằng giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Trên thực tế, Trọng đã trở thành đại diện của toàn Đảng và chính phủ mà ông lãnh đạo. Và trong một thời gian, ông đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng.
Giống như Tập Cận Bình ở Trung Hoa, Trọng nổi lên như một người lãnh đạo độc tài thống trị đảng-nhà nước. Vai trò của Trọng như người đại diện của đảng lớn đến mức những cán bộ còn lại không thể để mất ông mà không khiến quần chúng tức giận. Năm 2021, Trọng đã có nhiệm kỳ thứ ba giữ chức Tổng Bí thư — một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Cộng sản Việt Nam.
Nhưng giống như những chiến dịch chống tham nhũng của riêng Tập Cận Bình, ‘Đốt Lò’ chung cuộc cũng chỉ là một bức bình phong cũng như một cái cớ để loại trừ những đối thủ trong đảng. Tham nhũng vẫn còn, và đôi khi đạt đến độ cao ngoạn mục, vì chủ nghĩa tư bản không thể hiện hữu nếu không có tham nhũng. Thực tế là không thể loại bỏ tham nhũng hoàn toàn cho thấy rằng bộ máy quan liêu cuối cùng là bảo vệ những mối quan hệ tài sản của những người tư bản, và nó phải khoan nhượng một mức độ nào đó tất cả những điều tệ hại phát sinh từ đó.
Phiên tòa gần đây nhất xét xử Trương Mỹ Lan và tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát, được đưa ra ánh sáng trong năm nay, đã phơi bày những hạn chế của chiến dịch ‘Đốt Lò’. Lan là một trong những trùm bất động sản lớn nhất Việt Nam, và bà ta đã lừa đảo 44 tỷ đô la Mỹ của Ngân hàng Thương mại Sài Gòn, ngân hàng lớn nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Số tiền lùa đảo bằng 10 phần trăm GDP của Việt Nam. Làm thế nào một cá nhân có thể đánh cắp được số tiền này? Một loạt những cán bộ nhà nướcằm trong túi của Lan đã giúp che giấu dấu vết của bà ta. Tuy nhiên, kích cỡ của một tội ác tài chính như vậy đơn giản là quá lớn để bỏ qua, và do đó, chiến dịch ‘Đốt Lò’ đã phải ra tay. Lan đã bị bắt vào năm 2022 và bị kết án tử hình vào năm 2024.
Nhà nước cộng sản ca ngợi việc truy tố Lan là một chiến thắng của chiến dịch ‘Đốt Lò’, cho thấy rằng họ sẵn sàng đi xa đến mức xử tử một tỷ phú để bảo vệ đất nước thoát khỏi nạn tham nhũng. Nhưng nhiều người đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Kế hoạch của Lan được cho là đã bắt đầu từ một chục năm trước. Tại sao tội ác khổng lồ này không bị vạch trần sớm hơn nếu chiến dịch chống tham nhũng được cho là triệt để? Mọi người cũng đặt câu hỏi: số tiền khổng lồ này đã đi đâu sau khi Lan bị kết án tử hình? Những câu hỏi này vẫn chưa được chính quyền ĐCSVN trả lời cho đến ngày nay.
Chính sách Ngoại giao cây Tre
Trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, Trọng đã đưa ra ‘Chính sách cây Tre’ theo đó Việt Nam sẽ đứng nhún giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa trong khi hai cường quốc đế quốc cạnh tranh. Cây tre là ẩn dụ cho sự vừa cứng rắn vừa linh hoạt. Theo cách này, Trọng hy vọng sẽ ảnh hưởng đến cả hai bên để đạt được lợi ích lớn nhất cho chủ nghĩa tư bản Việt Nam, đồng thời ngăn chặn Trung Hoa thống trị Việt Nam, nơi mà họ có lợi ích quốc gia xung đột.
Trung Hoa vừa là đối tác thương mại lớn nhất vừa là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, và mối quan hệ kinh tế này đã góp phần vào sự bùng nổ kinh tế dưới thời Trọng. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Hoa như một cường quốc đế quốc và tham vọng của nước này là mối đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam, đặc biệt là trong những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Việt Nam cũng bất an trước thực tế là một số nước láng giềng như Lào, Campuchia và Myanmar, đều đã nằm dưới sự thống trị của Trung Hoa.
Do đó, việc giữ khoảng cách với Trung Hoa đã trở thành điều cần thiết đối với bộ máy quan liêu của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện qua chính sách ngoại giao ‘Cây Tre’ của Trọng. Trong khi vẫn duy trì quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc với Trung Hoa, Trọng cũng đã có những bước đi quyết liệt để phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, thế lực đế quốc đã tàn phá Việt Nam trong hai mươi năm trong quá khứ không quá xa. Năm 2016, Việt Nam trở thành chế độ ‘cộng sản’ đầu tiên trên danh nghĩa mua vũ khí của Hoa Kỳ. Năm 2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Joe Biden tới Việt Nam, Trọng tuyên bố rằng mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã được nâng lên hàng Đối tác chiến lược toàn diện. Hai quốc gia khác mà Việt Nam coi là ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ là Nga và Trung Hoa.
Nhưng sự thật trên đời là: Trung Hoa là một cường quốc kinh tế ngay trước cửa nhà mình, trong khi chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, ở bên kia Thái Bình Dương, đang trong giai đoạn suy thoái tương đối. Trong suốt cuộc đời của Trọng, ngoại giao ‘Cây Tre’ phần lớn đã đạt được những hiệu quả mong muốn, nhưng với sự cạnh tranh giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ đang gia tăng lên những mức độ mới, khả năng duy trì sự cân bằng này của Việt Nam sẽ phải đối diện với những bất ổn ngày càng tăng và người kế nhiệm Trọng, Tô Lâm, có thể sẽ phải quản lý những gì có thể xẩy ra.
Sự trỗi dậy của Tô Lâm
Với cái chết của Nguyễn Phú Trọng, câu hỏi về người thay thế ông đã trở thành một câu hỏi nóng bỏng đối với toàn bộ đảng-nhà nước. Sau gần ba tuần im lặng về vấn đề này, vào ngày 3 tháng 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Nước đương nhiệm Tô Lâm kiêm nhiệm phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng Bí thư của Trọng, sẽ kết thúc vào năm 2026.
Tô Lâm, người được biết đến là cánh tay mặt chống tham nhũng của Trọng, đã nắm quyền lãnh đạo bằng vũ lực. Ông vẫn giữ chức Chủ tịch nước, do đó Lâm hiện nắm giữ cùng lúc hai trong số bốn chức vụ hàng đầu trong bộ máy đảng-nhà nước. Vào cùng ngày ông đăng quang với tư cách là Tổng Bí thư mới, bốn cán bộ cao cấp được coi là bất đồng quan điểm với ông đã bị sa thải, và dự tính sẽ có thêm nhiều vụ sa thải nữa.
Tô Lâm hứa sẽ tiếp tục những chính sách chủ chốt của Trọng, trên hết là tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng ‘Đốt Lò’ cũng như chính sách ‘Cây Tre’ trong quan hệ đối ngoại. Nhiều người cho rằng sự tập trung quyền lực dưới thời Trọng cũng rất có thể sẽ tiếp tục với Tô Lâm. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên. Trước sự tức giận và đấu tranh giai cấp ngày càng gia tăng bùng phát từ bên dưới và những cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng đối với chủ nghĩa tư bản thế giới và Việt Nam, nhà nước cộng sản sẽ cần nhiều quyền lực hơn để cân bằng giữa những giai cấp và duy trì sự cai trị của đảng. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Tô Lâm đã thăng tiến cấp bậc trong đảng như một tướng công an, và ông vẫn có gốc rễ sâu rộng trong hệ thống công an.
Tuy nhiên, không giống như Trọng, người đã khai thác quá khứ như một cán bộ đảng trong Chiến tranh Việt Nam để giành được một mức độ quyền lực nhất định trong quần chúng, Tô Lâm là bộ mặt của sự đạo đức giả của chế độ này, chế độ mở ‘chiến dịch’ chống tham nhũng. Năm 2021, một đoạn video xuất hiện trên mạng cho thấy Tô Lâm, trong chuyến thăm London, đã ăn tối tại nhà hàng đắt đỏ thái quá của người nổi tiếng trên mạng Nusret Gökçe (được gọi là ‘Salt Bae’). Ở đó, Lâm được bón cho ăn những lát thịt bò phủ vàng. Miếng thịt bò tomahawk mà Lâm đã ăn được cho là có giá 1.450 bảng Anh, và video này dễ hiểu là đã khiến nhiều người ở Việt Nam tức giận, vì ở đó mức lương trung bình hàng tháng vào khoảng 250 bảng Anh.
Video này, với tất cả sự đạo đức giả mà nó thể hiện, vẫn đồng nghĩa với Tô Lâm cho đến ngày nay. Hình ảnh của đầu bếp nổi tiếng đã đút thịt cho ông ăn, Salt Bae, đã bị cấm ở Việt Nam để ngăn chặn việc thảo luận về vụ bê bối đạo đức giả này. Một người Việt Nam thậm chí đã bị bỏ tù vì giả như đầu bếp Salt Bae. Tất cả những điều này phản ảnh cuộc thảo luận và sự tức giận lan rộng trong quần chúng đối với Tô Lâm và sự đạo đức giả của chế độ cộng sản hiện nay.
Tô Lâm có thể đã nắm quyền lực nhà nước, nhưng quần chúng không ảo tưởng về ông. Thay vào đó, sự khinh miệt dành cho ông chắc chắn sẽ lan sang chính phủ của ông.
Bất ổn sắp tới
Về căn bản, không giống như người tiền nhiệm Trọng, cầm quyền trùng với mười năm tăng trưởng kinh tế, Tô Lâm nhậm chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế căng thẳng.
Lạm phát liên tục tăng và hiện ở mức cao mới gần 4,36%, trong khi tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể từ 8,1% vào năm 2022 xuống còn khoảng 5,4% trong quý đầu tiên của năm 2024. Vụ bê bối và kích cỡ của vụ án Trương Mỹ Lan cũng làm thiệt hại đáng kể đến uy tín của Việt Nam trong giới tư bản nước ngoài và dẫn đến nhiều do dự hơn đối với việc đầu tư thêm.
Chính phủ Tô Lâm cũng sẽ phải đối mặt với tình hình quốc tế căng thẳng hơn đáng kể. Với căng thẳng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ gia tăng và khuynh hướng bảo hộ gia tăng, việc tiếp tục chính sách ‘Cây Tre’ ‘trung lập’ của ông sẽ phải đối phó với áp lực mạnh từ cả hai phía.
Trong khi đó, hành động cân bằng mà Trọng đã thực hiện với một số thành công sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Việc Trọng buộc phải tập trung ngày càng nhiều quyền lực vào tay ông ta là sự phản ảnh của những mâu thuẫn ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam. Có vẻ như điều này có hiệu quả trong một thời gian, nhưng nó phụ thuộc vào một số yếu tố: thực tế là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng là yếu tố quan trọng nhất, nhưng chính tính cách của Trọng không phải là yếu tố nhỏ. Bây giờ ông ấy không còn nữa.
Tô Lâm sẽ phải tập trung quyền lực hơn nữa, nhưng ông không có hào quang của người tiền nhiệm và trong những hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Cuộc khủng hoảng, sớm hay muộn, sẽ buộc ông ta phải áp dụng những biện pháp hà khắc đối với giai cấp công nhân vì lợi ích của chủ nghĩa tư bản Việt Nam.
Những gì giai cấp công nhân ở Việt Nam phải đối đầu ngày nay là một tương lai ngày càng ảm đạm, với sự đàn áp ngày càng tăng của nhà nước và sự bóp nghẹt kinh tế. Nền kinh tế tư bản của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất cảng và sự bóc lột quá mức của giai cấp công nhân, tuy nhiên những diễn biến của mười năm qua đã tạo ra một giai cấp vô sản rất hùng mạnh trong nước. Trên thực tế, chế độ hiện nay rất sợ điều này, vì một khi giai cấp công nhân hành động, không có lực lượng hay biện pháp quan liêu nào của chế độ có thể ngăn chặn được.
Việc xóa bỏ mọi tham nhũng và đấu tranh cho dân chủ và tự do chỉ có thể đạt được dưới một nhà nước công nhân thực sự và một xã hội xã hội chủ nghĩa thực sự. Chỉ với nền dân chủ của công nhân và việc xóa bỏ hệ thống tư bản chủ nghĩa tàn phá (và cơ chế bảo vệ chính của nó: ĐCSVN), thì vấn đề cuối cùng mới có thể được giải quyết tận gốc rễ. Một cuộc cách mạng của công nhân là cách duy nhất để giải phóng quần chúng Việt Nam và Đông Nam Á khỏi sự áp bức hàng ngày của những kẻ độc tài, tư bản, tham nhũng và bóc lột.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Vietnam, the death of a strongman leader ushers in period of uncertainty | Caleb Reed | https://www.marxist.com/ | 04 September 2024.