Chính sách đối ngoại không quan trọng trong bầu cử tổng thống là huyền thoại

Jeffrey A. Friedman và Andrew Payne | DCVOnline

Chi tiết có thể không quan trọng, nhưng cử tri quan tâm đến việc phóng chiếu sức mạnh

Cử tri theo dõi cuộc tranh luận của tổng thống tại Thành phố New York, tháng 9 năm 2024. Adam Gray / Reuters

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1992 giữa Bill Clinton và George H. W. Bush, chiến lược gia ban vận động tranh cử của Clinton là James Carville đã đưa ra câu nói nổi tiếng: “Kinh tế là vấn đề, ngốc ơi.” Từ đó câu nói dí dỏm này đã trở thành một điều đáng tin đối với giới bình luận chính trị. Theo logic này, những cuộc bầu cử tổng thống được những vấn đề thiết yếu quyết định: chính trị trong nước, chứ không phải chính sách đối ngoại, mới là điều quan trọng. những cuộc thăm dò gần đây dường như chứng minh cho nhận định của Carville: theo Hội đồng Chicago về những Vấn đề Toàn cầu, gần 60% cử tri cho biết nền kinh tế và lạm phát sẽ định hình sự lựa chọn của họ vào tháng 11 một cách đáng kể, trong khi ít hơn 20% nói như vậy về những 2 cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và Ukraine.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chính sách đối ngoại không hề liên quan đến những cuộc vận động tranh cử tổng thống. Ngay cả khi cử tri chỉ coi trọng một số vấn đề về chính sách đối ngoại nhất định, họ vẫn muốn những ứng cử viên có đủ khả năng đảm nhiệm vai trò tổng tư lệnh của đất nước. Đặc biệt, người Mỹ tin rằng điều quan trọng là phải có một người lãnh đạo mạnh, sẽ đứng vững khi bị đối thủ thách thức. Những ứng cử viên tổng thống tận dụng danh tiếng của mình là những người lãnh đạo vững vàng để giành được phiếu bầu mà không cần phải đưa ra sự tương phản rõ ràng với đối thủ về những chính sách đối ngoại cụ thể. Những người khác xây dựng danh tiếng về sự cứng rắn trong cuộc đua bằng cách đưa ra lập trường kiên định về những vấn đề quốc tế. Đối với cả hai loại ứng cử viên nói trên, việc cho thấy khả năng lãnh đạo thế giới tự do có vai trò quan trọng trong việc thu hút cử tri. Do đó, chính sách đối ngoại quan trọng hơn ở thùng phiếu chứ không như người ta tưởng.

Những cân nhắc về bầu cử cũng có thể ảnh hưởng đến cách những người đương nhiệm thực hiện chính sách đối ngoại. Vào cuối tháng 9, khi Israel công khai bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của Hoa Kỳ và leo thang hoạt động chiến sự ở cao độ chống lại Hezbollah, chính quyền Biden đã đồng ý, và giới chức trong chính phủ chắc chắn nhận thức rằng Hoa Kỳ có bất kỳ phản kháng đáng kể đều có thể khiến Kamala Harris và đảng Dân chủ sẽ bị cáo buộc là không ủng hộ Israel đúng mức trong một cuộc bầu cử sít sao. Đảng Dân chủ hiện nay đang trải qua kinh nghiệm mà Harry Truman, Lyndon Johnson và Jimmy Carter đã phải gánh chịu một cách khó khăn: chính sách đối ngoại là một lĩnh vực đầy rủi ro chính trị, nơi những cuộc xung đột chưa được giải quyết và những cuộc khủng hoảng bất ngờ có thể gây thiệt hại lớn đến cuộc vận động tranh cử. Những tổng thống đương nhiệm thường xuyên điều chỉnh thời điểm và bản chất của những quyết định quân sự quan trọng, tăng hoặc giảm mức độ cam kết của Hoa Kỳ đối với những cuộc chiến ở nước ngoài để tính đến áp lực của lịch trình chính trị. Những người thăm dò ý kiến ​​và người bình luận đã hạ thấp động lực này, nhưng những ứng cử viên rõ ràng hiểu chúng và chúng đóng vai trò trung tâm trong việc hiểu cuộc vận động tranh cử năm 2024.

NÓI QUÁ

Khi được những người thăm dò ý kiến ​​yêu cầu xác định những vấn đề quan trọng nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối phó, người Mỹ hiếm khi cụ thể nói đến những vấn đề chính sách đối ngoại. Kết quả thường thấy này dường như ủng hộ ý tưởng rằng chính sách đối ngoại không quan trọng lắm trong chính trị tổng thống. Nhưng lập trường của những ứng cử viên về những vấn đề quốc tế không phải là cân nhắc chính của cử tri khi đánh giá ứng cử viên của đảng nào sẽ là tổng tư lệnh hiệu quả hơn. Ví dụ, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020, khi cử tri được yêu cầu giải thích lý do tại sao họ nghĩ Joe Biden hoặc Donald Trump sẽ thực hiện chính sách đối ngoại tốt hơn, họ có có thể trích dẫn những thuộc tính cá nhân của ứng cử viên — sự cứng rắn, quyết đoán và sự nhạy bén về mặt tinh thần, trong số những yếu tố khác — cao gấp đôi so với việc mô tả lập trường chính sách của họ.

Hãy lấy cuộc bầu cử năm 1952, diễn ra vào thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh Đại Hàn. Vài ngày trước khi cử tri đi bỏ phiếu, ứng cử viên đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower đã hứa rằng ông sẽ “đến Đại Hàn” nếu đắc cử. Eisenhower không giải thích ông sẽ làm gì ở Đại Hàn, nhưng ông không cần phải làm vậy. Sau khi lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ giành chiến thắng trong Thế chiến II và sau đó giữ chức tướng hàng đầu của NATO, thành tích quân sự của Eisenhower đã mang lại cho ông uy tín vô song về những vấn đề an ninh quốc gia. Những cử tri tin tưởng Eisenhower sẽ giải quyết Chiến tranh Triều Tiên tốt hơn đối thủ Dân chủ của ông, Adlai Stevenson, ngay cả khi không rõ những ứng cử viên này sẽ giải quyết chiến tranh khác nhau ra sao.

Richard Nixon đã lập lại một chiến lược tương tự trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của chính mình vào năm 1968, diễn ra trong lúc chiến tranh Việt Nam đang trở nên đen tối. Nixon ngụ ý rằng ông có một kế hoạch bí mật để đạt được “hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam. Cử tri rõ ràng không biết kế hoạch này là gì—trên thực tế, họ nhận thấy những chính sách về Việt Nam của Nixon không khác gì so với đối thủ của ông, Hubert Humphrey. Tuy nhiên, những cuộc thăm dò cho thấy cử tri nghĩ rằng Nixon là một người lãnh đạo mạnh hơn, sẽ làm tốt hơn trong việc giải quyết chiến tranh.

Những ứng cử viên Tổng thống thường biết sức mạnh của việc tạo dựng hình ảnh và sử dụng nghị trình chính sách đối ngoại của họ để thể hiện sức mạnh lãnh đạo. Ví dụ, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 1960, John F. Kennedy đã đề nghị tăng cường mạnh về quân sự của Hoa Kỳ để thu hẹp “khoảng cách hoả tiễn” được cho là với Liên Xô. Những cuộc thăm dò vào thời điểm đó cho thấy chỉ một phần tư người Mỹ nghĩ rằng đất nước của họ cần một ngân sách quốc phòng lớn hơn. Nhưng những cố vấn của Kennedy đã bảo đảm với ông rằng “những lập trường cụ thể về những vấn đề sẽ không hướng đến nhiều phiếu bầu”. Cam kết tăng chi tiêu quân sự cho phép Kennedy lập luận rằng ông sẽ truyền sức sống mới vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Thật vậy, lời hứa nổi tiếng của Kennedy là “trả bất kỳ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào” để thúc đẩy vị thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gây được tiếng vang với người Mỹ ngày nay.

Vào thời điểm những mối đe dọa gia tăng, cử tri coi trọng việc bầu ra những người lãnh đạo mạnh mẽ hơn. Khuynh hướng này rất quan trọng để hiểu được cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2024, diễn ra trong bối cảnh hai cuộc chiến lớn đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Hoa ở Biển Đông và những nơi khác cũng đặt ra cho Hoa Kỳ một cuộc cạnh tranh quyền lực lớn chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Cuộc tranh luận phó tổng thống giữa J.D. Vance và Tim Walz mở đầu bằng một câu hỏi về Iran cho thấy tình hình hỗn loạn toàn cầu hiện nay đã đi vào diễn ngôn chính trị của Hoa Kỳ nhiều như thế nào.

Tuy nhiên, ngay cả khi những vấn đề chính sách đối ngoại không đặc biệt nổi bật trong chính trường Hoa Kỳ, những ứng cử viên tổng thống vẫn cần phải chứng tỏ rằng họ có thể là người lãnh đạo mạnh trên trường quốc tế. Hãy lấy cuộc vận động của Clinton năm 1992 làm ví dụ—cuộc đua được cho là chỉ xoay quanh “nền kinh tế, ngốc ạ”.

Theo cố vấn an ninh quốc gia của Clinton, Anthony Lake, ban vận động tin rằng điều quan trọng là phải tìm ra một vấn đề chính sách đối ngoại có thể “làm tổn thương [Bush]” để làm giảm uy tín của Bush về khẳ năng giải quyết những vấn đề toàn cầu. Do đó, Clinton đã hứa sẽ tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc nội chiến ở Bosnia theo cách thể hiện “sự lãnh đạo thực sự”, trái ngược với cách tiếp cận không can thiệp nhiều hơn của Bush. Phụ tá của Clinton, Nancy Soderberg sau đó đã giải thích rằng “những gì bạn cần làm . . . là chứng minh rằng bạn có thể đấu với người đương nhiệm về chính sách đối ngoại và bạn không ngại thách thức quan điểm của họ.

Những chiến lược giành được phiếu bầu như vậy có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ mang tính hùng biện. Khi đã nhậm chức, tổng thống phải đối phó với áp lực thực hiện những cam kết trong cuộc vận động tranh cử của mình, dù chỉ để tránh những lời buộc tội là thay đổi quan điểm hoặc thất hứa. Kennedy đã thực hiện lời hứa của ông là tăng một loạt chi phí quốc phòng tốn kém. Tu từ của Nixon về việc mang lại “hòa bình trong danh dự” cho Việt Nam đã đặt ra những kỳ vọng mà ông không thể thực hiện được trong những cuộc đàm phán hòa bình và góp phần khiến ông trì hoãn việc ký Hiệp định Paris cho đến sau khi tái đắc cử vào năm 1972. Clinton cuối cùng cũng thực hiện lời hứa can thiệp vào cuộc nội chiến ở Bosnia.

GÂY ÁP LỰC

Những cuộc bầu cử cũng có thể khuyến khích tổng thống đương nhiệm thay đổi cách họ tiến hành chính sách đối ngoại. Tổng thống sắp tái đắc cử hoặc những người mong muốn ủng hộ ứng cử viên của đảng mình có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp, bất kể họ có tin rằng những thay đổi trong cách ứng xử có phục vụ lợi ích quốc gia hay không.

Áp lực của công chúng đôi khi khiến những tổng thống sẵn sàng sử dụng vũ lực hơn. Ví dụ, vào tháng 3 năm 1972, Nixon đã cho phép ném bom và thả mìn để chống Chiến dịch Xuân – Hè 1972 của Bắc Việt, mặc dù có “nghi ngờ nghiêm trọng” về ích lợi của không quân: ông hiểu rằng một phản ứng hung hăng sẽ củng cố hình ảnh của ông trong năm bầu cử. Như ông đã nói với Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của mình, “điều quan trọng nhất là khi họ đá chúng ta, chúng ta phải đá họ nếu không chúng ta sẽ trông rất tệ.”

Thật vậy, ngay cả khi phần lớn người Mỹ ủng hộ một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, 59 phần trăm ủng hộ việc thả mìn ở vịnh Bắc Việt. Sau cánh cửa đóng kín, Nixon thừa nhận, “Nếu chúng ta có thể sống sót sau cuộc bầu cử, Henry, và sau đó (miền Nam) Việt Nam sụp đổ, thì điều đó thực sự không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.”

Mặt khác, nỗi lo lắng về năm bầu cử cũng có thể thúc đẩy những người đương nhiệm nhậy cảm hơn với những rủi ro chính trị khi giữ quân đội trong tình thế nguy hiểm. Hãy lấy quyết định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Iraq của Barack Obama vào cuối năm 2011 làm ví dụ. Giới chức cao cấp trong chính quyền đã thừa nhận rằng, cùng với sự phản đối của quốc hội Iraq đối với việc ký kết một thỏa thuận về quy chế quân đội mới, áp lực của công chúng đối với tổng thống nhằm thực hiện lời hứa trong cuộc vận động tranh cử năm 2008 của ông là chấm dứt chiến tranh đã ảnh hưởng đến quyết định thực hiện một cuộc rút quân hoàn toàn của ông. Như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Mike Mullen, đã nói, “Bạn quay lại với lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của ông ấy, và nó sẽ là con số không. Vấn đề chỉ là làm thế nào để chúng ta đạt được điều đó.”

Thông thường, tổng thống lo ngại rằng việc sử dụng vũ lực trong năm bầu cử sẽ mang tính rủi ro chính trị quá mức. Khi cuộc bầu cử năm 1964 đến gần, Lyndon Johnson đã phản đối khi những cố vấn đề nghị tăng cường can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam, nói với cố vấn an ninh quốc gia của mình, McGeorge Bundy, “Tôi phải thắng cử, và sau đó ông có thể công bố quyết định.” Sau khi tái đắc cử, Johnson không cảm thấy bị kiềm chế như vậy, nhanh chóng cho phép một chiến dịch ném bom kéo dài vào tháng 2 năm 1965 với tốc độ khiến ngay cả những tiếng nói cứng rắn hơn của chính quyền cũng phải ngạc nhiên.

Khi không tái tranh cử, một cuộc bầu cử sắp xảy ra vẫn có thể làm yếu đòn bẩy của tổng thống trong những cuộc ngoại giao đang diễn ra. Việc Biden không thể làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza hoặc Lebanon phản ánh những thách thức mà Johnson phải đối đầu khi cố gắng chấm dứt Chiến tranh Việt Nam vào năm 1968. Lúc đầu, Hà Nội tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đưa ra những nhượng bộ, hy vọng sẽ nhận được những điều kiện tốt hơn nếu Humphrey thắng cử. Họ đã dịu đi khi Nixon thắng điểm trong những cuộc thăm dò. Nhưng viễn cảnh về một người theo đường lối cứng rắn trong Toà Bạch Ốc có nghĩa là miền Nam Việt Nam hiện đang giữ những điểm có loại hơn — một lập trường mà Nixon khuyến khích để “phá vỡ” những cuộc đàm phán có thể có lợi cho đảng Dân chủ về mặt bầu cử. Lợi ích đối lập của Hà Nội và Sài Gòn có thể gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cho thấy hòa bình vẫn còn xa vời.

Một cuộc bầu cử sắp tới cũng có thể khiến nhiệm vụ giải quyết những cuộc khủng hoảng quốc tế trở nên cấp bách hơn và khó khăn hơn. Ví dụ, vào năm 1980, Carter hiểu rằng việc những con tin Hoa Kỳ bị sinh viên Iran bắt giữ ở Tehran được trả về an toà là việc rất quan trọng để nỗ lực tái tranh cử thành công. Bằng cách cho phép thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin vào mùa xuân năm đó, ông đã phản ứng lại sự thất vọng của công chúng về những chiến lược pháp lý và ngoại giao mà ông đã theo đuổi cho đến thời điểm đó. Tuy nhiên, thất bại của cuộc giải cứu chỉ củng cố thêm nhận thức của công chúng về sự yếu kém của tổng thống trong chính sách đối ngoại và góp phần vào thất bại của Carter. Những con tin đó cuối cùng đã được thả — vào ngày người kế nhiệm ông, Ronald Reagan, nhậm chức.

ĐIỂM DỪNG

Vào năm 2024, người Mỹ sẽ lại bỏ phiếu một phần dựa trên đánh giá của họ về sức mạnh của ứng cử viên như những người lãnh đạo. Đề nghị của Donald Trump về việc đánh thuế hàng chục phần trăm trên tất cả mặt hàng nhập cảng, trên thực tế, có vẻ không phù hợp với quan niệm của cử tri. Mặc dù người Mỹ đã không hài lòng với nhiều khía cạnh của toàn cầu hóa trong những năm gần đây, những cuộc thăm dò liên tục cho thấy họ vẫn ủng hộ thương mại tự do và phản đối việc đánh thuế nhập cảng cao hơn. Nhưng chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của Trump cũng nhấn mạnh danh tiếng của ông là một người đàm phán cứng rắn, người đấu tranh chống lại những quốc gia, chẳng hạn như Trung Hoa, áp dụng những hoạt động thương mại không công bằng. Khi Kamala Harris nói về thương mại, nhiệm vụ của bà không chỉ là giải thích cho cử tri lý do tại sao thuế nhập cảng của Trump sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng Hoa Kỳ mà còn phải chứng minh rằng bà có thể bảo vệ công nhân Hoa Kỳ với cùng cường độ như Trump.

Cách ứng xử của Trump đối với cuộc chiến ở Ukraine cho thấy ông đã nội tâm hóa sự ưu việt của việc tỏ ra cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Ông đã né tránh những câu hỏi về cách ông sẽ giải quyết cuộc chiến thế nào ở vị trí tổng thống, thậm chí nhiều lần từ chối nói liệu ông có muốn Kyiv là bên thắng cuộc trong chiến tranh này hay không. Thay vào đó, ông tuyên bố rằng Nga sẽ không bao giờ dám xâm lăng Ukraine ngay từ đầu nếu ông vẫn là tổng thống vào năm 2022. Quan điểm cho rằng Trump sẽ mang lại “hòa bình bằng sức mạnh” có thể được coi là thông điệp an ninh quốc gia cốt lõi trong cuộc vận động của ông, và nó đi theo truyền thống lâu đời của những người tranh cử tổng thống đã sử dụng ngôn từ tương tự. Mặc dù Trump có vẻ là một người lập dị, không bị những chuẩn mực ràng buộc, nhưng cách ứng xử của ông đối với chính sách đối ngoại lại đi theo một con đường đã được khai phá trong chính trị tổng thống.

Thách thức chính về chính sách đối ngoại của Harris như một ứng cử viên là chứng minh rằng bà có thể cống hiến loại hình lãnh đạo mạnh mẽ mà người Mỹ muốn thấy ở vị tổng tư lệnh của họ. Một cuộc thăm dò gần đây về những tiểu bang nghiêng ngả do Viện Những Vấn đề Toàn cầu thực hiện cho thấy Trump đang dẫn trước 8 điểm về câu hỏi ứng cử viên nào sẽ là người lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong những vấn đề quốc tế. Cho đến nay, Harris phần lớn đã giải quyết thâm hụt này bằng thái độ diều hâu—ví dụ, khẳng định rằng người Mỹ phải duy trì “là quân đội chiến đấu nguy hiểm nhất thế giới”, lập luận rằng Trump tìm cách “làm thân với những bạo chúa” như Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, và nhấn mạnh rằng Trump “yếu đuối và sai lầm về an ninh quốc gia”. Nhưng nếu Harris muốn thuyết phục cử tri, bà có thể cần cung cấp thêm chi tiết về cách bà sẽ thổi luồng sinh khí mới vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Vấn đề mà Harris đã đưa ra sự tương phản rõ ràng nhất với chính quyền Biden là lời chỉ trích thẳng thắn hơn của bà về cuộc chiến của Israel ở Gaza. Cách tiếp cận này có thể giúp giành được phiếu bầu ở những tiểu bang dao động như Michigan, nơi có số lớn những người theo chủ nghĩa tiến bộ và người Mỹ gốc Ả Rập. Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, việc chuyển sang cánh tả ở Gaza có thể khiến Harris phải chịu cáo buộc rằng bà không ủng hộ Israel hoặc xoa dịu Hamas. Do đó, Harris sẽ làm tốt hơn nếu tìm ra những lĩnh vực bổ túc để đưa ra sự tương phản trong chính sách đối ngoại với Biden, đặc biệt là về những vấn đề cho thấy bà sẽ chống lại những đối thủ của nước Mỹ như thế nào. Hành động hợp lý nhất sẽ liên quan đến việc giải thích cách bà sẽ củng cố sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine. Giải thích cách một chính quyền Dân chủ mới sẽ làm nhiều hơn để kiềm chế Trung Hoa cũng có thể có ích.

Khi cuộc vận động bước vào giai đoạn cuối, sự ràng buộc chính trị mà Harris phải đối phó ở Trung Đông có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Việc leo thang xung đột giữa Israel, Iran và những lực lượng ủy nhiệm của nước này thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn có thể sẽ không được cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, với tư cách là một tổng thống với thời gian còn lại tại nhiệm có hạn, Biden không có đòn bẩy đủ mạnh cần có để chấm dứt tình trạng thù địch. Với việc Trump chỉ trích lời kêu gọi của Biden về việc Israel đồng ý ngừng bắn ở Gaza và cam kết để Israel “hoàn thành chiến dịch”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không có nhiều động lực để khuất phục trước áp lực để phải kiềm chế. Khi mở rộng cuộc chiến sang một mặt trận mới ở Lebanon và công khai cân nhắc những cuộc tấn công trực tiếp vào Iran, Netanyahu dường như sẽ vô hiệu hoá chính quyền sắp mãn nhiệm. Những nỗ lực của Harris để thu hẹp khoảng cách giữa những quan điểm xung đột trong chính đảng Dân chủ khiến Trump có thể đổ lỗi cho bà vì đã để căng thẳng khu vực bùng phát dưới sự giám sát của bà, mà không đưa ra tầm nhìn rõ ràng về cách ông sẽ xử lý mọi việc khác như thế nào.

Cuối cùng, những lo ngại về những vấn đề trong nước như lạm phát và nhập cư gần như chắc chắn sẽ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri vào tháng 11. Tuy nhiên, trong một cuộc bầu cử có thể sẽ do một số ít lá phiếu ở một vài tiểu bang dao động quan trọng quyết định, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ cần phải tranh giành từng lá phiếu mà họ có thể giành được. Quan niệm thông thường cho rằng những cuộc bầu cử chỉ liên quan đến “nền kinh tế, ngốc ơi” đã bỏ qua cách mà chính sách đối ngoại có thể định hình những cuộc bầu cử tổng thống, ảnh hưởng mà những cuộc bầu cử có thể gây ảnh hưởng đến những vấn đề quốc tế và cách mà những động lực đó đã định hình ban cuộc động năm 2024.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: The Myth That Foreign Policy Doesn’t Matter in Presidential Elections | Jeffrey A. Friedman and Andrew Payne | Foreign Affairs | Oct. 8, 2024.