Trump: ‘Tôi cần loại tướng lĩnh mà Hitler từng có’


Jeffrey Goldberg | Trà Mi

Mối bận tâm của ứng cử viên đảng Cộng hòa với những kẻ độc tài và sự khinh miệt của ông đối với quân đội Hoa Kỳ đang ngày càng sâu sắc hơn.

Donald Trump trước quân hiệu Hoa kỳ. Mandel Ngan / AFP / Getty

Vào tháng 4 năm 2020, Vanessa Guillén, một binh nhì bộ binh 20 tuổi, đã bị một đồng đội đánh chết bằng dùi cui tại Fort Hood, Texas. Kẻ giết người, với sự phụ giúp của bạn gái, đã đốt xác Guillén. Hai tháng sau đó, sau một cuộc tìm kiếm quy mô người ta mới tìm thấy thi thể của Guillén chôn ở bờ sông gần căn cứ.

Guillén, con gái của những người di cư Mexico, lớn lên ở Houston và vụ giết cô đã gây ra sự phẫn nộ khắp Texas và nhiều nơi khác. Fort Hood được biết đến là một đơn vị đặc biệt nguy hiểm đối với nữ quân nhân, và những thành viên của Quốc hội đã bắt tay vào tiến trình đổi mới. Ngay sau khi tìm được hài cốt của cô, chính Tổng thống Donald Trump đã mời gia đình Guillén đến Toà Bạch Ốc. Với mẹ của Guillén ngồi bên cạnh, Trump đã dành 25 phút bên gia đình trong khi những máy thu hình ghi lại cảnh này.

Trong cuộc họp, Trump giữ tư thế nghiêm trang và bày tỏ sự thông cảm với mẹ của Guillén. Trump nói, “Tôi đã thấy những gì đã xẩy ra với con gái của bà, Vanessa, một người tuyệt vời, được mọi người kể cả quân đội tôn trọng và yêu mến.” Sau đó trong cuộc trò chuyện, ông đã hứa: “Nếu tôi có thể giúp bà tổ chức tang lễ, tôi sẽ giúp — tôi sẽ giúp bà. Tôi sẽ giúp bà. Về mặt tài chính, tôi sẽ giúp bà.

Natalie Khawam, luật sư của gia đình, trả lời: “Tôi nghĩ quân đội sẽ trả tiền — lo liệu việc này.

Trump trả lời: “Tốt. Họ sẽ làm đúng quân cách. Tốt lắm. Nếu bà cần giúp đỡ, tôi sẽ giúp bà.” Sau đó, một phóng viên đưa tin về cuộc họp đã hỏi Trump, “Ông đã từng đề nghị làm điều đó cho những gia đình khác trước đây chưa?” Trump trả lời, “Tôi đã làm. Tôi đã làm. Cá nhân tôi. Tôi phải đích thân làm. Tôi không thể làm thông qua chính phủ.” Sau đó, phóng viên hỏi: “Vậy là ông đã viết ngân phiếu để giúp đỡ những gia đình khác trước đây chứ?” Trump quay sang gia đình vẫn còn hiện diện và nói, “Tôi đã làm, tôi đã làm, vì một số gia đình cần giúp đỡ … Có thể những bạn không cần giúp đỡ, về mặt tài chính. Tôi không biết điều gì — tôi chỉ nghĩ rằng đó là một điều khủng khiếp đã xẩy ra. Và nếu quý vị cần giúp đỡ, tôi sẽ giúp — tôi sẽ ở đó để giúp quý vị.

Một lễ tưởng niệm công khai đã được tổ chức tại Houston hai tuần sau cuộc họp tại Toà Bạch Ốc. Sau đó gia đình đã tổ chức tang lễ và an táng tại một nghĩa trang địa phương, trong số những người khác, có sự tham dự của thị trưởng Houston và cảnh sát trưởng thành phố. Đường xa lộ đã bị tạm đóng và những người đưa tang xếp hàng dài trên đường phố.

Năm tháng sau, Bộ trưởng Lục quân, Ryan McCarthy, đã công bố kết quả của một cuộc điều tra. McCarthy đã trích dẫn nhiều “thất bại về mặt lãnh đạo” tại Fort Hood và đã sa thải hoặc đình chỉ công tác một số sĩ quan, kể cả vị tướng chỉ huy căn cứ. Trong một cuộc họp báo, McCarthy cho biết vụ giết người “làm lương tâm chúng ta bàng hoàng” và “buộc chúng ta phải xét lại hệ thống, chính sách và bản thân mình.”

Theo một người thân cận với Trump vào thời điểm đó, tổng thống đã rất tức giận trước những nhận định của McCarthy và đặt ra câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của những hình phạt dành cho những sĩ quan cao cấp và hạ sĩ quan.

Trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào ngày 4 tháng 12 năm 2020, những viên chức chính phủ đã tập trung để thảo luận riêng về một vấn đề an ninh quốc gia. Gần cuối cuộc thảo luận, Trump đã yêu cầu cập nhật về cuộc điều tra của McCarthy. Christopher Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng (Trump đã sa thải người tiền nhiệm của mình, Mark Esper, ba tuần trước đó, viết trong một dòng tweet, “Mark Esper đã bị sa thải”), đã có mặt, cùng với chánh văn phòng của Miller, Kash Patel. Trong một lúc, theo hai người có mặt tại cuộc họp, Trump đã hỏi, “Họ có đòi chúng ta tiền tang lễ không? Chi phí là bao nhiêu?

Theo những người tham dự và theo ghi chép của một người tham dự cuộc họp cùng thời điểm, một phụ tá đã trả lời: Có, chúng tôi đã nhận được hóa đơn; chi phí tang lễ là 60.000 đô la.

Trump nổi giận. “Không tốn 60.000 đô la để chôn một người Mexico khốn kiếp!” [nguyên văn là “It doesn’t cost 60,000 bucks to bury a fucking Mexican!”] Ông quay sang viên chánh văn phòng, Mark Meadows, và ra lệnh: “Đừng trả tiền!” Sau đó vào cùng ngày, vẫn còn bực bội, ông nói, “Có tin được không chứ? Mấy người khốn kiếp, cố lừa tôi.” [Nguyên văn: “Fucking people, trying to rip me off.”]

Khawam, luật sư của gia đình, nói với tôi rằng bà đã gửi hóa đơn đến Toà Bạch Ốc, nhưng gia đình không bao giờ nhận được tiền của Trump. Khawam cho biết một số chi phí được Quân đội chi trả (bà cho biết quân đội đã đề nghị cho phép Guillén được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington) và một số được chi trả bằng tiền quyên góp. Cuối cùng, Guillén được chôn cất tại Houston.

Ngay sau khi tôi gửi email một loạt câu hỏi cho phát ngôn viên của Trump, Alex Pfeiffer, tôi nhận được email của luật sư Khawam yêu cầu tôi công bố một tuyên bố của Mayra Guillén, chị của Vanessa. Sau đó, Pfeiffer đã gửi cho tôi cùng một email tuyên bố. “Tôi vô cùng biết ơn vì tất cả sự ủng hộ mà Tổng thống Donald Trump đã dành cho gia đình chúng tôi trong thời điểm khó khăn này. Tôi đã chứng kiến ​​tận mắt Tổng thống Trump tôn vinh những anh hùng của đất nước chúng ta. Chúng tôi biết ơn vì mọi điều ông ấy đã và đang làm để hỗ trợ quân đội của chúng ta.

Pfeiffer nói với tôi rằng ông không viết tuyên bố đó và đã gửi cho tôi một loạt những lời phủ nhận. Về bình luận “người Mexico khốn kiếp” của Trump, Pfeiffer viết: “Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ nói như vậy. Đây là một lời nói dối trắng trợn của The Atlantic hai tuần trước cuộc bầu cử.” Ông đã cung cấp những tuyên bố của Patel và phát ngôn viên của Meadows, những người đã phủ nhận việc đã nghe Trump tuyên bố như vậy. Thông qua Pfeiffer, phát ngôn viên của Meadows cũng phủ nhận rằng Trump đã ra lệnh cho Meadows không trả tiền tang lễ.

Tuyên bố của Patel mà Pfeiffer gửi cho tôi có đoạn: “Là người có mặt trong phòng với Tổng thống Trump, ông ấy đã thúc giục tang gia của binh sĩ Vanessa Guillen không nên phải trả chi phí cho bất kỳ tang lễ nào, thậm chí còn tự nguyện trả tiền để vinh danh cuộc đời và sự hy sinh của cô ấy. Ngoài ra, Tổng thống Trump đã có thể yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ định cái chết của cô là “khi đang thi hành nhiệm vụ” để mang lại cho cô đủ danh dự quân đội và để cho gia đình cô có quyền tiếp cận những quyền lợi, dịch vụ và hỗ trợ tài chính đầy đủ.

Những phẩm chất cá nhân mà Trump thể hiện trong phản ứng của ông với chi phí tang lễ của Guillén—khinh thường, giận dữ, keo kiệt, kỳ thị chủng tộc—không làm những người thân cận của ông ngạc nhiên. Trump thường xuyên lên tiếng khinh thường những người phục vụ trong quân đội và sự tận tụy của họ đối với nhiệm vụ, danh dự và sự hy sinh. những cựu tướng lĩnh từng làm việc cho Trump cho biết đức tính trong quân đội duy nhất mà ông coi trọng là sự vâng lời. Khi nhiệm kỳ tổng thống của ông sắp kết thúc, và trong những năm sau đó, ông ngày càng quan tâm hơn đến những lợi thế của chế độ độc tài và quyền kiểm soát tuyệt đối đối với quân đội mà ông tin rằng nó sẽ mang lại. “Tôi cần những vị tướng như Hitler”, Trump nói trong một cuộc trò chuyện riêng tại Toà Bạch Ốc, theo hai người đã nghe ông nói điều này. “Những người hoàn toàn trung thành với ông ấy, những người tuân theo mệnh lệnh.” (“Điều này hoàn toàn sai”, Pfeiffer viết trong email. “Tổng thống Trump chưa bao giờ nói thế này.”)

Mong muốn buộc những người lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ phải tuân theo ông chứ không phải Hiến pháp là một trong những chủ đề thường trực trong bài phát biểu liên quan đến quân đội của Trump. Những cựu viên chức chính phủ cũng đã trích dẫn những chủ đề thường gặp khác: ông coi thường nghĩa vụ quân sự, sự thiếu hiểu biết của ông về những điều khoản của Bộ luật thống nhất về công lý quân sự, sự ngưỡng mộ của ông đối với sự tàn bạo và những chuẩn mực hành vi phản dân chủ, và sự khinh thường của ông đối với những cựu thương binh và những người lính đã hy sinh trong trận chiến.

Tướng hồi hưu Barry McCaffrey. Nguồn FORA.tv

Tướng hồi hưu Barry McCaffrey, một cựu chiến binh Việt Nam được huân chương, đã nói với tôi rằng Trump không hiểu những đức tính truyền thống của quân đội như danh dự và sự hy sinh bản thân. “Quân đội là một quốc gia xa lạ đối với ông ấy. Ông ấy không hiểu những phong tục hay quy tắc. Điều đó không thấm vào đâu. Bắt đầu với thực tế là ông ấy nghĩ rằng thật ngu ngốc khi làm bất cứ điều gì không có lợi trực tiếp cho bản thân mình.

Tôi đã quan tâm đến sự hiểu biết của Trump về những vấn đề quân sự trong gần một chục năm. Lúc đầu, chính sự bất hòa nhận thức đã thu hút tôi đến chủ đề này—theo hiểu biết trước đây của tôi về vật lý chính trị Hoa Kỳ, việc Trump coi thường quân đội, và đặc biệt là sự chỉ trích ám ảnh của ông đối với hồ sơ cá nhân trong chiến tranh của cố Thượng nghị sĩ John McCain, đáng lẽ phải khiến cử tri Đảng Cộng hòa xa lánh ông nhiều hơn, nếu không phải là người Mỹ nói chung. Và một phần sự quan tâm của tôi xuất phát từ sự mới lạ tuyệt đối trong suy nghĩ của Trump. Theo hiểu biết của tôi, đất nước này chưa bao giờ có ​​một chính khách quốc gia nào xúc phạm những cựu chiến binh, thương binh và những người đã ngã xuống với sự đều đặn như máy đếm nhịp.

Hôm nay—hai tuần trước ngày bầu cử có thể đưa ​​Trump trở lại Toà Bạch Ốc—tôi quan tâm nhất đến mong muốn rõ ràng của ông ấy là dùng quyền lực quân sự và quyền lực đối với quân đội theo cách của Hitler và những nhân vật độc tài khác.

Cách ứng xử mang tính gặm mòn đặc biệt của Trump đối với truyền thống quân đội đã được chứng minh gần đây nhất là vào tháng 8, khi ông mô tả Huân chương Danh dự, giải thưởng cao nhất của quốc gia dành cho lofnh dũng cảm và vị tha trong chiến đấu, là kém hơn Huân chương Tự do trao cho thường dân vì thành đạt trong sự nghiệp. Trong một bài phát biểu vận động tranh cử, ông mô tả những người nhận Huân chương Danh dự là “hoặc thân thể rất tệ vì họ đã bị trúng đạn quá nhiều lần hoặc họ đã chết”, khiến Hội Cựu chiến binh Chiến tranh Nước ngoài lên án: “Những nhận định ngu ngốc này không chỉ làm giảm tầm quan trọng của huân chương cao nhất của quốc gia chúng ta về lòng dũng cảm, mà còn thô lỗ mô tả sự hy sinh của những người đã không màng đến mạng sống của mình làm hơn nhiệm vụ đòi hỏi.” Sau đó vào tháng 8, Trump đã gây tranh cãi khi vi phạm những quy định của liên bang cấm chính trị hóa những nghĩa trang quân sự, sau chuyến thăm vận động tranh cử đến Arlington, nơi ông mỉm cười giơ ngón tay cái lên khi đứng sau bia mộ của những người lính Mỹ đã hy sinh.

Bình luận về Huân chương Danh dự của ông phù hợp với mong muốn được nhận Huân chương Trái tim Tím mà không bị thương của ông. Ông cũng coi thành công trong kinh doanh là sự dũng cảm trên chiến trường. Vào mùa hè năm 2016, Khizr Khan, cha của một đại úy Lục quân 27 tuổi đã thiệt mạng ở Iraq, đã nói với Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ rằng Trump “không hy sinh gì hết”. Đáp lại, Trump đã hạ thấp gia đình Khan và nói rằng, “Tôi nghĩ mình đã hy sinh rất nhiều. Tôi làm việc rất, rất chăm chỉ. Tôi đã tạo ra hàng ngàn việc làm, hàng chục ngàn việc làm, xây dựng những công trình vĩ đại.”

Một cựu bộ trưởng trong Nội những của chính quyền Trump đã kể với tôi về một cuộc trò chuyện mà ông đã có với Trump trong thời gian tại nhiệm về Chiến tranh Việt Nam. Trump nổi tiếng vì trốn lính bằng cách tuyên bố rằng ông bị gai xương chân. (Trump nói với tờ The New York Times vào năm 2016, “Tôi có một bác sĩ đã viết cho tôi một lá thư—một lá thư chắc nịch.”) Một lần, khi chủ đề về những cựu chiến binh già ở Việt Nam được đưa ra trong cuộc trò chuyện, Trump đã đưa ra nhận xét này với viên chức Nội các: “Việt Nam là một sự lãng phí thời gian đối với tôi. Chỉ những kẻ ngốc mới qua Việt Nam.

Năm 1997, Trump nói với người dẫn chương trình phát thanh Howard Stern rằng việc tránh những bệnh hoa liễu là “Việt Nam của riêng tôi. Tôi cảm thấy mình là một người lính vĩ đại và rất can đảm.” Đây không phải là lần duy nhất Trump so sánh những kỳ công tình dục và những thách thức chính trị của mình với nghĩa vụ quân sự. Năm ngoái, trong một bài phát biểu trước một nhóm đảng viên Cộng hòa ở New York, khi thảo luận về hậu quả từ việc phát hành băng Access Hollywood, ông đã nói, “Tôi đã lên sân khấu (tranh luận) chỉ vài ngày sau đó và một vị tướng, một vị tướng tuyệt vời, thực sự đã nói với tôi, ‘Thưa ông, tôi đã ở trên chiến trường. Những người lính đã gục ngã xuống bên trái và bên phải tôi. Tôi đã đứng trên những ngọn đồi nơi những người lính đã hy sinh. Nhưng tôi tin rằng điều can đảm nhất mà tôi từng thấy là đêm ông bước lên sân khấu với Hillary Clinton sau những gì đã xẩy ra.’” Tôi đã yêu cầu những nhân viên chức trong ban vận động tranh cử của Trump cung cấp tên của vị tướng được cho là đã nói điều này. Pfeiffer, người phát ngôn của chiến dịch, cho biết, “Đây là một câu chuyện có thật và không có lý do chính đáng nào để đưa tên của một người đàn ông đáng kính cho The Atlantic để bạn có thể bôi nhọ ông ấy.

Trong cuốn sách của Peter Baker và Susan Glasser, The Divider: Trump in the White House, họ đã đưa tin rằng Trump đã hỏi John Kelly, chánh văn phòng của ông vào thời điểm đó, “Tại sao ông không thể giống như những vị tướng Đức?” Trump, nhiều lúc, đã trở nên thất vọng với những viên chức quân sự trong chính phủ mà ông coi là không trung thành và không tuân lệnh. (Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, Trump gọi những sĩ quan chỉ huy là “những vị tướng của tôi.”) Theo Baker và Glasser, Kelly đã giải thích với Trump rằng những vị tướng Đức “đã cố giết Hitler ba lần và gần như suýt thành công.” Sự giải thích chữa này không khiến Trump xét lại quan điểm của mình, tổng thống trả lời: “Không, không, không, họ hoàn toàn trung thành với ông ấy.”

John Kelly: “Ý tôi là, tôi biết ông ấy không biết Bismarck là ai, hoặc về Chiến tranh Pháp-Phổ. Tôi nói, ‘Ý ông là những tướng lãnh của kaiser à? Chắc chắn ông không thể ám chỉ những tướng lãnh của Hitler chứ? Và ông ấy nói, ‘Ừ, ừ, những tướng lĩnh của Hitler.’ Tôi giải thích với ông ấy rằng Rommel đã phải tự sát sau khi tham gia vào một âm mưu ám sát Hitler.” Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images

Tuần này, tôi hỏi Kelly về cuộc trao đổi của họ. Ông ấy nói với tôi rằng khi Trump nêu chủ đề về “những tướng lãnh Đức”, Kelly đã trả lời bằng cách hỏi, “Ý ông muốn nói đến những tướng lãnh của Bismarck à?” Ông ấy nói tiếp: “Ý tôi là, tôi biết ông ấy không biết Bismarck là ai, hoặc về Chiến tranh Pháp-Phổ. Tôi nói, ‘Ý ông là những tướng lãnh của kaiser à? Chắc chắn ông không thể ám chỉ những tướng lãnh của Hitler chứ? Và ông ấy nói, ‘Ừ, ừ, những tướng lĩnh của Hitler.’ Tôi giải thích với ông ấy rằng Rommel đã phải tự sát sau khi tham gia vào một âm mưu ám sát Hitler.” Kelly nói với tôi rằng Trump không biết gì về Rommel.

Baker và Glasser cũng đưa tin rằng Mark Milley, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, lo ngại rằng “việc Trump ôm chặt lời nói dối trắng trợn về cuộc bầu cử theo kiểu ‘Hitler’ sẽ khiến tổng thống đi tìm ‘khoảnh khắc Reichstag’” [muốn nắm quyền lực tuyệt đối.].

Kelly—một vị tướng Thủy quân Lục chiến đã nghỉ hưu, khi còn trẻ đã tình nguyện chiến đấu ở Việt Nam mặc dù ông thực sự bị gai xương—đã nói trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách The Return of Great Powers của phóng viên CNN Jim Sciutto rằng Trump đã ca ngợi những khía cạnh trong sự lãnh đạo của Hitler. Kelly nhớ lại, “Ông ấy nói, ‘Ồ, nhưng Hitler đã làm một số điều tốt.’ Tôi nói, ‘Ồ, điều gì tốt?’ Và ông ấy nói, ‘Ồ, (Hitler) đã xây dựng lại nền kinh tế.’ Nhưng ông ấy đã làm gì với nền kinh tế được xây dựng lại đó? Ông ấy đã chống lại chính người dân của mình và chống lại thế giới.” Kelly đã khiển trách Trump: “Tôi đã nói, ‘Thưa tổng thống, ông không bao giờ có thể nói điều gì tốt về gã đó. Không có gì cả.’

Đây không phải là lần duy nhất Kelly cảm thấy bắt buộc dậy cho Trump về lịch sử quân sự. Năm 2018, Trump đã yêu cầu Kelly giải thích “những người tốt” là ai trong Thế chiến thứ nhất. Kelly trả lời bằng cách giải thích một quy tắc đơn giản: Về mặt chính trị và chính sách, những Tổng thống nên nhớ rằng “những người tốt” trong bất kỳ cuộc xung đột nào là những quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ. Mặc dù Trump thiếu kiến ​​thức lịch sử, ông đã từng nói rằng ông biết nhiều hơn những tướng lãnh của mình về chiến tranh. Ông đã nói với chương trình 60 Minutes vào năm 2018 rằng ông biết về NATO nhiều hơn là James Mattis, bộ trưởng quốc phòng của ông vào thời điểm đó, một vị tướng Thủy quân Lục chiến bốn sao đã nghỉ hưu từng là giới chức cao cấp của NATO. Trump cũng nói, trong một dịp riêng, rằng chính ông, chứ không phải Mattis, là người đã “bắt giữ” Nhà nước Hồi giáo.

Ở vai trò tổng thống, Trump tỏ ra rất nhậy cảm với những lời chỉ trích của những sĩ quan đã nghỉ hưu; có lúc, ông đã đề nghị triệu tập Đô đốc William McRaven và Tướng Stanley McChrystal đang tại ngũ, hai nhân vật lãnh đạo Hành quân Đặc biệt được đánh giá cao đã chỉ trích Trump, để họ có thể bị đưa ra tòa án quân sự. Esper, khi đó là bộ trưởng quốc phòng, đã viết trong hồi ký rằng ông và Milley đã thuyết phục Trump từ bỏ toan tính đó. (Khi được hỏi về lời chỉ trích của McRaven, người giám sát cuộc đột kích giết chết Osama bin Laden, Trump đã trả lời bằng cách gọi ông là “người ủng hộ Hillary Clinton và Obama” và nói, “Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta bắt được Osama bin Laden sớm hơn thế nhiều?”)

Trump đã phản ứng một cách khó tin khi được cho biết rằng quân nhân Mỹ tuyên thệ trung thành với Hiến pháp, chứ không phải với tổng thống. Theo cuốn sách gần đây của phóng viên tờ New York Times Michael S. Schmidt, Donald Trump v. the United States, Trump đã hỏi Kelly, “Ông thực sự tin rằng ông không trung thành với tôi sao?” Kelly trả lời, “Tôi chắc chắn là một phần của chính quyền, nhưng lòng trung thành cuối cùng của tôi là với nền pháp trị.” Trump cũng công khai đưa ra ý tưởng “chấm dứt mọi quy tắc, quy định và điều khoản, ngay cả những điều khoản có trong Hiến pháp”, như một phần của nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và giữ quyền lực cho mình.

Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: “Trump dường như không thể suy nghĩ thẳng thắn và bình tĩnh. Những cuộc biểu tình và bạo động khiến ông ấy vô cùng tức giận đến mức sẵn sàng cử quân đội chính quy đàn áp những người biểu tình. Tệ hơn nữa, ông ấy đề nghị chúng tôi bắn họ. Tôi tự hỏi về ý thức về lịch sử, về sự phù hợp và về lời tuyên thệ của ông ấy với Hiến pháp.” — Dr, Mark T. Esper. Nguồn: marktesper.com

Vào những dịp khác nhau trong năm 2020, Trump đã có những cuộc trò chuyện riêng tại Toà Bạch Ốc với những viên chức an ninh quốc gia trong chính phủ về những cuộc biểu tình vì George Floyd. “những tướng lãnh Trung Hoa sẽ biết phải làm gì”, ông nói, theo những cựu viên chức chính quyền đã kể lại những cuộc trò chuyện với tôi, ám chỉ đến những nân vật lãnh đạo của Giải phóng quân Nhân dân, quân đội đã thi hành vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. (Pfeiffer phủ nhận rằng Trump đã nói điều này.) Muosn dùng quân đội Hoa Kỳ chống lại người dân Hoa Kỳ của Trump đã được ghi chép lại đầy đủ. Trong giai đoạn căng thẳng tình hình bất ổn xã hội sau cái chết của Floyd, Trump đã hỏi Milley và Esper, một cựu sĩ quan bộ binh và tốt nghiệp West Point, liệu Quân đội có thể bắn những người biểu tình hay không. Esper viết trong hồi ký, “Trump dường như không thể suy nghĩ thẳng thắn và bình tĩnh. Những cuộc biểu tình và bạo động khiến ông ấy vô cùng tức giận đến mức sẵn sàng cử quân đội chính quy đàn áp những người biểu tình. Tệ hơn nữa, ông ấy đề nghị chúng tôi bắn họ. Tôi tự hỏi về ý thức về lịch sử, về sự phù hợp và về lời tuyên thệ của ông ấy với Hiến pháp.” Esper nói với Đài phát thanh Công Qquốc gia (NPR) vào năm 2022, “Chúng tôi đã bàn đến điểm đó trong cuộc trò chuyện khi ông ấy nhìn thẳng vào Tướng Milley và nói, ‘ông không thể bắn chúng sao, cứ bắn vào chân chúng hay đâu đó?’” Khi giới chức quốc phòng trong chính phủ phản đối mong muốn của Trump, theo lời nhân chứng, tổng thống đã hét lên, “Mấy người đều là lũ ăn hại đái nát!” [“You are all fucking losers!”]

Trump thường bày tỏ sự kính trọng đối với loại quyền lực mà những nhân vật độc tài như người lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình sử dụng; sự ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tị, của ông đối với Vladimir Putin là điều ai cũng biết. Trong những ngày gần đây, ông đã ám chỉ rằng, nếu ông tái đắc cử vào tháng 11, ông muốn cai trị theo cách của những kẻ độc tài này—ông đã nói rõ ràng rằng ông muốn trở thành một người độc tài trong một ngày vào ngày đầu tiên trở lại Toà Bạch Ốc—và ông đã đe dọa, trong số những đe doạ khác, sẽ đưa quân đội đến “những kẻ điên cuồng cực tả”. (Một trong bốn cố vấn an ninh quốc gia trước đây của ông, John Bolton, đã viết trong hồi ký, “Đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Putin và Tập Cận Bình, ai sẽ vui mừng nhất khi thấy Trump trở lại nắm quyền.”)

Giới lãnh đạo quân đội đã lên án Trump vì có khuynh hướng độc đoán. Trong buổi lễ nghỉ hưu năm ngoái, Milley đã nói, “Chúng ta không tuyên thệ với một vị vua, hay một nữ hoàng, hay một bạo chúa hay người độc tài, và chúng ta không tuyên thệ với một kẻ muốn trở thành kẻ độc tài… Chúng ta tuyên thệ với Hiến pháp, và chúng ta tuyên thệ với ý tưởng về nước Mỹ, và chúng ta sẵn sàng chết để bảo vệ nó.” Trong nhiều năm qua, Milley đã nói riêng với một số người nói chuyện với ông rằng ông tin Trump là một kẻ phát xít. Nhiều nhân vật lãnh đạo khác cũng bị sốc trước mong muốn trả thù những người trong nước chỉ trích Trump. Vào thời điểm đỉnh cao của những cuộc biểu tình vì cái chết của Floyd, Mattis đã viết, “Khi tôi gia nhập quân đội, khoảng 50 năm trước, tôi đã tuyên thệ sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp. Tôi chưa bao giờ mơ rằng những người lính tuyên thệ như vậy sẽ được lệnh vi phạm quyền Hiến pháp của đồng bào của họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Sự thất vọng của Trump với giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ khiến ông thường xuyên hạ thấp họ. Trong cuốn sách A Very Stable Genius, Carol Leonnig và Philip Rucker, cả hai đều làm việc cho tờ The Washington Post, đã đưa tin vào năm 2017, trong một cuộc họp tại Ngũ Giác Đài, Trump đã hét vào mặt một nhóm tướng lĩnh: “Tôi sẽ không tham chiến với mấy người. Mấy người chỉ là một lũ ngốc và trẻ con.” Và trong cuốn sách Rage của mình, Bob Woodward đã cho biết Trump phàn nàn rằng “bọn tướng lãnh chết tiệt của tôi là một lũ hèn nhát. Chúng quan tâm đến liên minh của chúng hơn là những thỏa thuận thương mại.

Sự khinh miệt của Trump đối với những sĩ quan quân đội Hoa Kỳ một phần là do họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp. Một lần, sau cuộc họp báo tại Toà Bạch Ốc do chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân lúc bấy giờ là Tướng Joseph Dunford đưa ra, Trump đã nói với những phụ tá, “Gã đó thông minh đấy. Tại sao hắn lại gia nhập quân đội?” (Vào một lần khác, John Kelly đã yêu cầu Trump đoán mức lương hàng năm của Dunford. Câu trả lời của tổng thống: 5 triệu đô la. Mức lương thực sự của Dunford chưa đến 200.000 đô la.)

Trump thường bày tỏ sự yêu chuộng của mình đối với sự hào nhoáng của sức mạnh quân sự, yêu cầu những phụ tá của mình phải tổ chức những cuộc diễn hành với nhiều xe thiết giáp, điều này không giống với truyền thống của người Mỹ. những phụ tá dân sự và những tướng lãnh đều phản đối. Một trường hợp điển hình, Tướng Không quân Paul Selva, khi đó đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nói với tổng thống rằng ông đã lớn lên một phần ở Bồ Đào Nha, nơi mà ông giải thích là “từng là một chế độ độc tài—và những cuộc diễn hành là để cho dân thấy ai là người có súng. Ở Mỹ, chúng ta không làm như vậy. Đó không phải là bản chất của chúng ta.”

Đối với những người Cộng hòa vào năm 2012, John McCain là hình mẫu cho “con người chúng ta”. Nhưng đến năm 2015, đảng đã thay đổi. Vào tháng 7 năm đó, Trump, khi đó là một trong số nhiều ứng cử viên tranh vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đã đưa ra một tuyên bố đáng lẽ phải chấm dứt cuộc vận dộng của ông ấy. Tại một diễn đàn dành cho những người theo đạo Thiên chúa bảo thủ ở Iowa, Trump đã nói về McCain, “Ông ấy không phải là anh hùng chiến tranh. Ông ấy là anh hùng chiến tranh chỉ vì ông ấy đã bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt.”

Đó là một tuyên bố đáng kinh ngạc và là lời giới thiệu đến đại chúng về quan điểm gặm mòn độc đáo của Trump đối với McCain và về sự hiểu biết sai lệch của ông về bản chất của lòng can đảm của quân nhân Hoa Kỳ. Đây không phải là lần đầu tiên Trump xúc phạm danh dự người lính của McCain. Ngay từ năm 1999, ông đã xúc phạm McCain. Trong một cuộc phỏng vấn với Dan Rather năm đó, Trump đã hỏi, “Bị bắt có khiến ông trở thành anh hùng không? Tôi không biết. Tôi không chắc.” (Một bản tóm tắt ngắn gọn: McCain, người đã thực hiện 22 phi vụ chiến đấu trước khi bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội, đã bị những người Cộng sản bắt giữ tra tấn gần như liên tục và từ chối nhiều lần đề nghị được thả sớm, khăng khăng rằng những tù nhân phải được thả theo thứ tự mà họ bị bắt. McCain phải chịu đựng chấn thương về thể chất do vết thương tù cho đến khi qua đời vào năm 2018.) Những người ủng hộ McCain tin rằng, với lý do chính đáng, rằng sự căm ghét của Trump một phần là do McCain có khả năng nhìn thấu Trump của. Mark Salter, phụ tá lâu năm và là đồng tác giả của McCain, nói với tôi, “John không tôn trọng ông ấy, và Trump biết điều đó. John McCain có một bộ quy tắc đạo đức. Trump chỉ có những bất bình, sự bốc đồng và ham muốn. Trong sâu thẳm tâm hồn trẻ con của mình, ông biết rằng McCain và những thành tựu của ông ấy khiến ông trông giống như một người ngu si đần độn.”

Nguyên lý của quân đội: Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Ảnh: U.S. Marine Corps/Cpl. Dean Gurule

Những người từng làm việc cho ông nói, Trump không thể hiểu được nguyên lý của quân đội là không được bỏ lại đồng đội trên chiến trường. Với tư cách là tổng thống, Trump đã nói với những cố vấn cao cấp rằng ông không hiểu tại sao chính phủ Hoa Kỳ lại coi trọng việc tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh như vậy. Đối với ông, họ có thể bị bỏ lại phía sau, vì họ đã chứng tổ là kém cỏi khi để bị bắt.

Việc đưa tin của tôi trong nhiệm kỳ của Trump đã khiến tôi đăng trên trang web này, vào tháng 9 năm 2020, một bài viết về thái độ của Trump đối với McCain và những cựu chiến binh khác, cũng như quan điểm của ông về lý tưởng của nghĩa vụ quốc gia. Bài viết dựa trên những cuộc phỏng vấn với nhiều nguồn tin đã trực tiếp tiếp xúc với Trump và quan điểm của ông. Trong bài viết đó, tôi đã trình bày chi tiết nhiều trường hợp Trump xúc phạm binh lính, sĩ quan chỉ huy và cựu chiến binh. Tôi đã viết rất nhiều về phản ứng của Trump trước cái chết của McCain vào tháng 8 năm 2018: Tổng thống nói với những phụ tá, Chúng ta sẽ không ủng hộ đám tang của kẻ thua cuộc đó.”; ông vô cùng tức giận khi thấy Toà Bạch Ốc treo cờ rũ. Ông tức giận nói tục tằn, “Chúng ta làm thế để làm gì? Gã đó là một kẻ thua cuộc chết tiệt.”. Chỉ khi Kelly nói với Trump rằng ông sẽ bị “ném đá trên mặt báo chí” vì thể hiện sự thiếu tôn trọng như vậy thì tổng thống mới nhượng bộ. Trong bài báo, tôi cũng đưa tin rằng Trump đã coi thường Tổng thống George H. W. Bush, một phi công hải quân trong Thế chiến II, vì đã bị Nhật Bản bắn rơi. Hai nhân chứng nói với tôi rằng Trump đã nói, “Tôi không hiểu. Bị bắn hạ khiến bạn trở thành kẻ thua cuộc chứ.” (Bush cuối cùng đã trốn thoát, nhưng tám phi công khác đã bị Nhật Bản bắt và hành quyết).

Năm sau, giới chức ở Toà Bạch Ốc yêu cầu Hải quân giữ U.S.S. John S. McCain, được đặt theo tên cha và ông của McCain—cả hai đều là đô đốc được kính nể—để Trump không nhìn thấy trong chuyến thăm Nhật Bản. Hải quân đã không làm theo yêu cầu đó.

Mối bận tâm của Trump với McCain vẫn chưa giảm bớt. Vào tháng 1, Trump đã lên án McCain—sáu năm sau khi ông qua đời—vì đã ủng hộ chương trình bảo hiểm y tế của Tổng thống Barack Obama. Trump nói với đám đông ở Iowa, “Chúng ta sẽ đấu tranh cho hệ thống y tế tốt hơn nhiều so với Obamacare. Obamacare là một thảm họa. Không ai nói về nó. Bạn biết đấy, nếu không có John McCain, chúng ta đã có thể thực hiện được điều đó. Vì một lý do nào đó, John McCain không thể giơ cánh tay lên vào ngày hôm đó. Bạn còn nhớ không?” Có vẻ như đây là một lời ám chỉ ác ý đến những vết thương thời chiến của McCain—gồm cả những vết thương do bị tra tấn—làm hạn chế khả năng vận động phần thân trên của ông.

Jeffrey Goldberg: Trump: Những người Mỹ tử trận trong chiến tranh là những “kẻ thua cuộc” và “kẻ ngốc nghếch”

Tôi cũng đã từng đưa tin về chuyến thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington vào Ngày Chiến sĩ Trận vong năm 2017 của Trump. Kelly, khi đó là bộ trưởng nội an, đã đi cùng ông. Hai người đã đến thăm Khu 60, khu đất rộng 14 mẫu Anh, nơi chôn cất những người đã thiệt mạng trong những cuộc chiến tranh gần đây nhất của Hoa Kỳ (và là địa điểm gây tranh cãi của Trump về Arlington vào đầu năm nay). Con trai của Kelly là Robert, một sĩ quan Thủy quân Lục chiến thiệt mạng năm 2010 tại Afghanistan, được chôn cất tại Khu 60. Trump, khi đứng cạnh mộ của Robert Kelly, quay sang cha của tử sĩ và nói, “Tôi không hiểu. Họ được lợi gì?” Lúc đầu, Kelly tin rằng Trump đang ám chỉ đến lòng vị tha của lực lượng tình nguyện toàn nước Mỹ. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng Trump đơn giản là không hiểu những lựa chọn cuộc sống không mang tính giao dịch. Tôi đã trích dẫn lời một người bạn của Kelly, một vị tướng bốn sao đã nghỉ hưu, người đã nói về Trump, “Ông ấy không thể hiểu được ý tưởng làm điều gì đó cho người khác ngoài chính mình. Ông ấy chỉ nghĩ rằng bất kỳ ai làm bất cứ điều gì khi không có lợi ích cá nhân trực tiếp nào thì đều là kẻ ngốc.” Vào những lúc Kelly cảm thấy đặc biệt thất vọng với Trump, ông rời Toà Bạch Ốc và băng qua sông Potomac để đến thăm mộ con trai mình, một phần để nhắc nhở bản thân về bản chất của sự hy sinh toàn diện.

Năm ngoái, Kelly đã nói với tôi, khi ám chỉ đến 44 năm trong quân ngũ của Mark Milley, “Tổng thống không thể hiểu được những người đã phục vụ đất nước một cách danh dự.”

Sự việc cụ thể mà tôi đã viết trong bài báo năm 2020 thu hút được nhiều sự chú ý nhất cũng đã đưa ra tiêu đề cho câu chuyện — “Trump: Người Mỹ tử trận trong chiến tranh là ‘kẻ thua cuộc’ và ‘kẻ dễ bị lừa’.” Câu chuyện liên quan đến chuyến thăm của Trump tới Pháp vào năm 2018, trong chuyến thăm đó, tổng thống gọi những người Mỹ được chôn cất tại một nghĩa trang Thế chiến thứ nhất là “kẻ thua cuộc”. Ông đã nói, trước sự chứng kiến ​​của những phụ tá, “Tại sao tôi phải đến nghĩa trang đó? Nơi đó toàn là những kẻ thua cuộc.” Vào một thời điểm khác trong chuyến đi này, ông đã gọi hơn 1.800 quân nhân thuỷ quân lục chiến đã hy sinh tại Belleau Wood là “những kẻ dễ bị lừa” vì đã hy sinh vì đất nước.

Đã có lịch Trump sẽ đi thăm một nghĩa trang và ông không hiểu tại sao nhóm của ông lại lên lịch thăm nghĩa trang thứ hai, đặc biệt là khi trời mưa sẽ làm hỏng tóc ông. Trump hỏi, “Tại sao lại là hai nghĩa trang? Chuyện quái gì thế?” Sau đó, Kelly đã hủy chuyến thăm thứ hai và đích thân tham dự một buổi lễ ở đó cùng với Tướng Dunford và vợ của họ.

Ảnh chụp Tổng tham mưu trưởng Toà Bạch Ốc, Tướng John Kelly và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Joseph F. Dunford đến thăm Nghĩa trang và Đài tưởng niệm Aisne—Marne American vào thứ Bảy. Ngày 10 tháng 11 năm 2018, tại Belleau, Pháp. (Shealah Craighead / Toà Bạch Ốc)

Bài báo đã gây ra nhiều tranh cãi và khiến chính quyền Trump và chính Trump phản ứng giận dữ. Trong những dòng tweet, tuyên bố và họp báo trong những ngày, tuần và năm sau đó, Trump đã gọi The Atlantic là “tạp chí hạng hai”, “tạp chí đang thất bại”, “tạp chí tệ hại” và “tạp chí hạng ba sẽ không còn sống được bao lâu nữa”; ông cũng gọi tôi là “kẻ lừa đảo”, cùng nhiều hỗn danh khác. Trump đã tiếp tục những cuộc tấn công này gần đây, gọi tôi là “kẻ điên khủng khiếp, cực đoan cánh tả tên là Goldberg” tại một cuộc tập hợp vào mùa hè này.

Vài ngày sau khi bài viết gốc của tôi đăng báo, cả Associated Press và đặc biệt là Fox News đều xác nhận sự thật của câu chuyện, khiến Trump yêu cầu Fox sa thải Jennifer Griffin, phóng viên quốc phòng nhiều kinh nghiệm và được đánh giá cao của hãng thông tấn đó. Một tuyên bố do Alyssa Farah, phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc, đưa ra ngay sau khi bài báo đăng tải với nội dung: “Bản tin này là sai sự thật. Tổng thống Trump rất coi trọng quân đội.

Ngay sau khi bài báo xuất hiện, Farah đã hỏi nhiều viên chức của Toà Bạch Ốc rằng họ có nghe Trump gọi những cựu chiến binh và người chết trong chiến tranh là những kẻ ngốc nghếch hoặc kẻ thua cuộc không. Bà đã công khai thông báo rằng không có viên chức nào mà bà hỏi từng nghe ông dùng những thuật ngữ này. Cuối cùng, Farah đã lên tiếng phản đối Trump. Năm ngoái bà đã viết trên X rằng bà đã hỏi tổng thống rằng câu chuyện tôi viết có đúng không. “Trump nói với tôi rằng chuyện đó không đúng. Đó là lời nói dối.”

Tuần này, khi tôi nói chuyện với Farah, người hiện được biết đến với cái tên Alyssa Farah Griffin, bà ấy nói, “Tôi hiểu rằng mọi người hoài nghi về câu chuyện ‘những kẻ ngốc và kẻ thua cuộc’, và tôi đã ở Toà Bạch Ốc để phản đối. Nhưng ông ấy đã nói chuyện này trước mặt John Kelly, và về cơ bản, tôi hoàn toàn tin rằng John Kelly là một người đáng kính, đã yêu và phục vụ đất nước chúng ta cùng tôn trọng quân đội của chúng ta. Tôi đã nghe Donald Trump nói theo cách vô nhân đạo về rất nhiều nhóm. Sau khi làm việc cho ông ta vào năm 2020 và nghe ông ta liên tục tấn công những quân nhân kể từ đó, và cả cựu sếp của tôi là Tướng Mark Milley, tôi tin chắc và dứt khoát vào lời kể của Tướng Kelly.

(Pfeiffer, phát ngôn viên của Trump, đã trả lời rằng, “Alyssa là một cựu nhân viên bị khinh rẻ hiện đang nói dối để theo đuổi sự tâng bốc của phe tự do. Tổng thống Trump không bao giờ xúc phạm những người hùng của đất nước chúng ta.”)

Năm ngoái, tôi đã đăng một bài viết trên tạp chí này về Milley trùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của ông. Trong đó, tôi đã trình bày chi tiết về mối quan hệ đầy biến động của ông với Trump. Milley đã chống lại những thôi thúc độc đoán của Trump, và cũng phản đối nhiều cơn bốc đồng thiếu suy nghĩ và mãnh liệt của ông về an ninh quốc gia. Ngay sau khi bài đó lên mặt báo, Trump đã công khai đề nghi xử tử Milley vì tội phản quốc. Tuyên bố đáng kinh ngạc này đã khiến John Kelly lên tiếng công khai về Trump và mối quan hệ của ông với quân đội. Kelly, người trước đây từng gọi Trump là “người có nhiều khuyết điểm nhất mà tôi từng gặp trong đời”, nói với Jake Tapper của CNN rằng Trump đã gọi tù binh chiến tranh Mỹ là “kẻ ngốc” và mô tả những người lính đã chết khi chiến đấu vì đất nước là “kẻ thua cuộc”.

Kelly hỏi, “Tôi còn có thể nói thêm điều gì mà chưa ai nói đến hay không? Một người nghĩ rằng những người bảo vệ đất nước trong quân phục, hoặc bị bắn hạ hoặc bị thương nặng khi chiến đấu, hoặc phải chịu nhiều năm bị tra tấn như tù binh chiến tranh, thì tất cả đều là ‘kẻ ngốc’ vì ‘chẳng có lợi ích gì cho họ’. Một người không muốn xuất hiện trước mặt những người lính cụt chân vì ‘điều đó không tốt cho tôi’. Một người đã thể hiện sự khinh thường công khai đối với một gia đình chiến binh Ngôi sao Vàng — đối với tất cả những gia đình chính binh Ngôi sao Vàng — trên TV trong cuộc tranh cử năm 2016 và chỉ trích rằng những người anh hùng quý giá nhất của chúng ta đã hy sinh mạng sống để bảo vệ nước Mỹ là ‘kẻ thua cuộc’ và đã không đến thăm mộ của họ ở Pháp.

Khi chúng tôi nói chuyệntrong tuần này, Kelly nói với tôi, “Tổng thống Trump đã sử dụng những thuật ngữ kẻ ngu ngốc và kẻ thua cuộc để mô tả những người lính đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đất nước chúng ta. Có rất nhiều, rất nhiều người đã nghe ông ấy nói những điều này. Chuyến đi thăm nước Pháp không phải là lần đầu tiên ông ấy nói như vậy.”

Kelly và những người khác đã đặc biệt lưu ý đến sự ghê tởm mà Trump cảm thấy khi ở gần những cựu thương binh. Sau khi Trump tham dự lễ diễn hành Ngày Bastille ở Pháp, ông ấy đã nói với Kelly và những người khác rằng ông ấy muốn tổ chức lễ diễn hành của riêng mình ở Washington, nhưng không có sự hiện diện của những cựu thương binh. Trump nói, “Tôi không muốn họ có mặt. Điều đó không tốt cho tôi.”

Đại úy Lục quân Luis Avila và Ban tứ ca Liên quân trình bầy bản “God Bless America” ​​trong Lễ chào mừng của Quân đội khi Tướng Lục quân Mark A. Milley trở thành Chủ tịch thứ 20 của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tại Căn cứ Liên hợp Myer – Henderson Hall, Va., ngày 30 tháng 9 năm 2019. (Ảnh của Bộ Quốc phòng do Trung sĩ Lục quân Hoa Kỳ James K. McCann chụp)

Milley cũng chứng kiến ​​sự khinh thường của Trump đối với những thương binh. Milley đã chọn một đại úy Lục quân bị thương nặng, Luis Avila, để hát bài “God Bless America” ​​tại lễ nhậm chức của ông vào năm 2019. Avila, người đã hoàn thành năm chuyến công tác chiến đấu, đã mất một chân trong một cuộc tấn công bằng mìn tự chế ở Afghanistan và đã bị hai cơn đau tim, hai cơn đột quỵ và bị chấn thương não do những vết thương của mình. Avila được coi là anh hùng trong hàng ngũ Quân đội.

Trời mưa vào đầu ngày diễn ra buổi lễ và mặt đất mềm; có lúc xe lăn của Avila gần như sắp lật. Vợ của Milley, Hollyanne, chạy đến giúp Avila, cũng như Phó Tổng thống Mike Pence lúc bấy giờ. Sau bài hát của Avila, Trump đã đi đến để chúc mừng ông ấy, nhưng sau đó nói với Milley, trong tầm tai của một số nhân chứng, “Tại sao ông lại đưa những người như vậy đến đây? Không ai muốn nhìn thấy điều đó, những thương binh.” Trump đã nói với Milley rằng đừng bao giờ để Avila xuất hiện trước công chúng nữa.

Một thách thức nghiêm trọng không kém đối với ý thức trách nhiệm của Milley xuất hiện dưới hình thức sự thiếu hiểu biết của Trump về những quy tắc chiến tranh. Vào tháng 11 năm 2019, Trump đã can thiệp vào ba vụ án tàn bạo khác nhau khi đó đang được quân đội xét xử. Trong vụ án khét tiếng nhất, Eddie Gallagher, lính SEAL của Hải quân đã bị kết tội chụp hình với xác chết của một thành viên ISIS. Mặc dù Gallagher được tuyên bố không có tội giết người, những nhân chứng đã làm chứng rằng anh ta đã đâm vào cổ tù nhân bằng một con dao săn. Trong một hành động rất bất thường, Trump đã đảo ngược quyết định của Hải quân giáng chức ông ta. Một sĩ quan cấp dưới của Lục quân tên là Clint Lorance cũng là người nhận được sự cảm thông của Trump. Trump đã ân xá cho Lorance, người đã bị kết tội ra lệnh bắn ba người Afghanistan không vũ trang, trong đó có hai người đã chết. Và trong trường hợp thứ ba, một lính Mũ xanh tên là Mathew Golsteyn bị buộc tội giết một người Afghanistan không vũ trang mà anh ta nghĩ là một chiến binh Taliban chế tạo bom. Trump nói tại một cuộc biểu tình ở Florida, “Tôi đã bảo vệ ba chiến binh vĩ đại chống lại nhà nước ngầm.”

Trong trường hợp của Gallagher, Trump đã can thiệp để cho phép Gallagher giữ lại huy hiệu Trident của mình, một trong những huy hiệu được thèm muốn nhất trong toàn bộ quân đội Hoa Kỳ. Lãnh đạo Hải quân thấy sự can thiệp này đặc biệt xúc phạm vì theo truyền thống, chỉ có sĩ quan chỉ huy hoặc một nhóm SEAL trong Ban đánh giá Trident mới được phép quyết định ai xứng đáng là SEAL. Milley đã cố gắng thuyết phục Trump rằng sự can thiệp của ông đang làm tổn thương tinh thần của Hải quân. Họ đang bay từ Washington đến Căn cứ Không quân Dover, ở Delaware , để tham dự một “buổi chuyển giao trang nghiêm”, một buổi lễ hồi hương cho những quân nhân đã hy sinh, khi Milley cố gắng giải thích với Trump về thiệt hại mà sự can thiệp của ông đã gây ra.

Trong bài viết của tôi, tôi đã cho biết rằng Milley đã nói, “Thưa Tổng thống, ông phải hiểu rằng SEAL là một bộ lạc trong một bộ lạc lớn hơn, Hải quân. Và họ phải tự tìm ra cách xử trí với Gallagher. Ông không nên can thiệp. Việc này tùy thuộc vào bộ lạc. Họ có những quy tắc riêng mà họ phải tuân theo.

Trump gọi Gallagher là một anh hùng và nói rằng ông không hiểu tại sao ông ta lại bị trừng phạt.

Milley nói. “Bởi vì ông ta đã cắt cổ một tù nhân bị thương.

Trump nói, “Dù sao thì anh ta cũng sẽ chết.

Milley trả lời, “Thưa Tổng thống, chúng ta có đạo đức và luật lệ quân sự về những gì xẩy ra trong trận chiến. Chúng ta không thể làm điều đó. Đó là tội ác chiến tranh.” Trump nói rằng ông không hiểu “chuyện lớn”. Ông ấy nói tiếp, “những người”—ý là những người lính chiến đấu—“tất cả đều là những kẻ giết người. Có gì khác nhau?”

Sau đó, Milley triệu tập một trong những phụ tá của mình, một sĩ quan SEAL kỳ cựu, đến văn phòng Không lực Một của tổng thống. Milley cầm lấy huy hiệu Trident trên ngực của viên sĩ quan SEAL và yêu cầu ông ta mô tả tầm quan trọng của nó. Người phụ tá giải thích với Trump rằng, theo truyền thống, chỉ có SEAL mới có thể quyết định, dựa trên đánh giá về năng lực và tính cách, liệu một trong số họ có nên mất quyên đeo huy hiệu của mình hay không. Nhưng quyết định của tổng thống không thay đổi. Gallagher vẫn giữ nguyên huy hiệu Trident của mình.

Một ngày nọ, vào năm đầu tiên Trump làm tổng thống, tôi đã dùng bữa trưa với Jared Kushner, con rể của Trump, tại văn phòng Toà Bạch Ốc của ông. Tôi chuyển hướng cuộc thảo luận, ngay khi có thể, sang chủ đề về tính cách của bố vợ ông ấy. Tôi đã đề cập đến một trong những cơn bùng nổ gần đây của Trump và nói với Kushner rằng, theo tôi, hành vi của tổng thống đang gây tổn thương cho đất nước. Tôi đã trích dẫn, như tôi thường làm, những gì theo quan điểm của tôi là tội lỗi ban đầu của Trump: sự chế giễu lòng can đảm của John McCain.

Đây là nơi cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên kỳ lạ và đáng chú ý. Kushner trả lời theo cách khiến tôi có cảm giác như ông ấy đồng ý với tôi. Ông ấy nói, “Không ai có thể hạ thấp mình như tổng thống. Ông thậm chí không nên thử.”

Tôi thấy điều này thật khó hiểu trong giây lát. Nhưng sau đó tôi hiểu ra: Kushner không xúc phạm cha vợ mình. Anh ấy đang khen ngợi ông ấy. Trong suy nghĩ của Trump, những giá trị truyền thống—gồm cả những giá trị mà quân đội Hoa Kỳ áp dụng liên quan đến danh dự, sự hy sinh và liêm chính—không có giá trị, không liên quan và không có ý nghĩa.

Tác giả | Jeffrey Goldberg là chủ biên của tạp chí The Atlantic và là người điều hành chương trình Washington Week With The Atlantic trên đài PBS.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Trump: ‘I Need the Kind of Generals That Hitler Had’ | Jeffrey Goldberg | The Atlantic | October 22, 2024