Kẻ buôn lậu bán ‘đường tắt’ qua eo biển Manche nói chuyện với phóng viên điều tra của BBC

Andrew Harding, Khue Luu & Patrick Clahane | DCVOnline

Kẻ buôn người Việt Nam xuất hiện, thoáng chốc và do dự, từ trong bóng tối của một khu rừng rậm rạp gần bờ biển phía bắc nước Pháp.

BBC Một tấm hình chụp từ xa trong đoạn phim điều tra bí mật của BBC về một kẻ buôn người Việt Nam, tóc nhuộm vàng, đang đi sau hàng rào. Một trong những băng nhóm buôn người Việt Nam đã đề nghị bán cho phóng viên điều tra bí mật của chúng tôi một chỗ trên một chiếc thuyền nhỏ đến Anh quốc. BBC

Bên kia con đường sắt bỏ hoang, chỉ tay về phía một người trong nhóm của chúng tôi, đã dành nhiều tuần giả làm người có thể là khách hàng, anh ta nói, “Tách xa khỏi đám đông. Đi theo hướng này, nhanh lên”

Vài phút sau, kẻ buôn người — một người cao lớn, tóc nhuộm vàng sáng — quay ngoắt đi, giống như một con cáo giật mình, và biến mất trong một lối mòn hẹp vào rừng.

Đầu năm nay, Việt Nam đột ngột nổi lên là nguồn di cư mới lớn nhất tìm cách vượt eo biển Manche đến Anh quốc một cách bất hợp pháp trên những chiếc thuyền nhỏ. Số người đến tăng vọt từ 1.306 trong cả năm 2023 lên 2.248 trong nửa đầu năm 2024.

Cuộc điều tra của chúng tôi — gồm những cuộc phỏng vấn với những kẻ buôn người và khách hàng người Việt Nam, cảnh sát Pháp, công tố viên và tổ chức từ thiện — cho thấy những người di cư Việt Nam phải trả gấp đôi mức giá thông thường cho cuộc vượt biển trên thuyền nhỏ tốt hơn và nhanh hơn. Khi số người chết trên eo biển lên đến mức kỷ lục trong năm nay, có một số dấu hiệu cho thấy nó cũng có thể an toàn hơn.

Là một phần trong công việc thâm nhập vào những băng nhóm buôn lậu của Việt Nam, chúng tôi đã gặp một kẻ buôn người nhiều kinh nghiệm đang hoạt động tại Anh quốc và làm giả giấy tờ cho những người muốn di cư đến châu Âu. Mạt khác, một phóng viên bí mật của chúng tôi — đóng giả là một người di cư Việt Nam — đã thu xếp, qua điện thoại và tin nhắn, để gặp một băng nhóm buôn người hoạt động trong rừng gần Dunkirk để tìm hiểu hoạt động của họ.

Kẻ buôn người, tự xưng là Bac, đã nhắn tin lại, “Đi bằng thuyền nhỏ giá phải trả là 2.600 bảng Anh. Trả tiền sau khi bạn đến Anh quốc.” Chúng tôi đã nghe những con số tương tự từ những nguồn khác. Chúng tôi tin rằng Bac có thể là một đại ca trong một băng đảng có trụ sở tại Anh và là xếp của Tony, người đàn ông tóc vàng trong rừng.

Anh ta đã hướng dẫn chúng tôi về hành trình từ Âu Châu đến Anh, giải thích về những người di cư trước tiên bay từ Việt Nam đến Hungary — nơi chúng tôi hiểu rằng hiện tại họ có thể dễ dàng xin được giấy thông hành làm đi việc hợp pháp, thường là bằng giấy tờ giả. Bac cho biết những người di cư sau đó đã sang Paris và sau đó đến Dunkirk.

Anh ta đề nghị trong một tin nhắn sau đó, “Tony có thể đón bạn tại ga [Dunkirk].”

Người ta tin rằng những người di cư Việt Nam dễ bị thiệt hại vì những mạng lưới buôn người. Những nhóm này có thể tìm cách bẫy họ vào nợ nần và buộc họ phải trả những khoản nợ đó bằng cách làm việc tại những trại trồng cần sa hoặc những công việc khác ở Anh.

Rõ ràng, từ một số chuyến thăm gần đây đến những trại tị nạn quanh Dunkirk và Calais, những băng đảng Việt Nam và khách hàng của họ sinh hoạt tách biệt với những nhóm khác.

Claire Millot, một tình nguyện viên của Salam, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người di cư ở Dunkirk, cho biết, “Họ giữ mình và kín đáo hơn nhiều so với những nhóm khác.”

Ly chén ngổn ngang trên bàn dưới mái, những chiếc lều phía sau và quần áo đã giặt phơi trên dây: đất trại trên bờ biển Pháp, nơi những người di cư tập trung trước khi vượt biển sang Anh quốc.

Một tình nguyện viên của một tổ chức từ thiện khác kể với chúng tôi rằng gần đây đã bắt gặp một cảnh ít khi thấy: khoảng 30 người Việt Nam mua áo phao tại một chi nhánh của chuỗi cửa hàng đồ thể thao Decathlon ở Dunkirk.

Ngoài việc giữ khoảng cách với người khác, nhóm buôn đường vượt biển nhanh của những băng nhóm người Việt còn giúp họ không phải tạm trú lâu ở trại bên bờ biển. Nhiều người di cư Phi châu và Trung Đông phải tạm trú nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trong điều kiện khắc nghiệt trên bờ biển Pháp. Một số người không có đủ tiền mặt để trả tiền thuê một chiếc thuyền nhỏ và cố gắng kiếm tiền bằng cách làm việc cho những băng nhóm buôn người. Nhiều người bị cảnh sát Pháp chặn lại trên bãi biển và phải thử nhiều lần trước khi họ vượt biển thành công.

Trong chuyến thăm gần đây, chúng tôi đã thấy hàng chục gia đình mệt mỏi — từ Iraq, Iran, Syria, Eritrea và những nơi khác — tụ tập dưới mưa phùn tại một địa điểm lầy lội, nơi những nhóm cứu tế cung cấp bữa ăn hàng ngày và khám bệnh. Một nhóm trẻ em chơi Connect 4 trên bàn, trong khi một người đàn ông đang tìm cách điều trị vết thương ở cánh tay. Một số phụ huynh cho chúng tôi biết rằng họ đã nghe nói về một cậu bé mới được bốn tháng, người Kurd, đã chết đuối đêm hôm trước sau khi chiếc thuyền mà cậu bé đang đi bị lật khi vượt eo biển Manche. Không ai nói cái chết sẽ ngăn được họ vượt biển.

Không có người Việt Nam nào ở đó. Có vẻ như những kẻ buôn người Việt Nam có khuynh hướng đưa khách hàng của họ đến những trại ở miền bắc nước Pháp khi thời tiết đã có vẻ khả quan và việc vượt biển sắp xảy ra.

Kẻ buôn người tiết lộ hoạt động đem người Việt Nam đến Anh quốc | BBC News

Lần đầu tiên chúng tôi thấy đợt sóng người di cư Việt Nam mới vào đầu năm nay, tình cờ đến một trong những trại của họ gần Dunkirk. Có vẻ như ở đây gọn gàng và có tổ chức hơn nhiều so với những trại tạm cư khác, với những chiếc lều dựng thẳng hàng và một nhóm người đang nấu ăn có tỏi chiên, hành tây và gia vị Việt Nam.

Mathilde Potel, cảnh sát trưởng người Pháp chỉ đạo cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp trong khu vực, cho biết, “Họ rất có tổ chức và đoàn kết và ở với nhau trong trại. Họ khá đặc biệt. Khi họ đến bờ biển, chúng tôi biết rằng một cuộc vượt biên sắp xẩy ra. Đây rất có thể là những người có nhiều tiền hơn những người khác.”

Người Việt Nam không tự kiểm soát những chuyến vượt biên bằng thuyền nhỏ, phần lớn do một số ít băng nhóm người Kurd ở Iraq giám sát. Thay vào đó, họ đàm phán về những chuyến đi và thời gian.

Một kẻ buôn người Việt Nam khác, chúng tôi gọi là Thanh, hiện đang sống ở Anh, cho biết, “Người Việt Nam không được phép động vào phần [vượt biển] trong tiến trình. Chúng tôi chỉ giao khách cho [những băng nhóm người Kurd].” Thanh cho biết có thêm tiền mặt sẽ bảo đảm quyền được đi bằng những chiếc thuyền nhỏ cho khách hàng người Việt của họ.

Mặc dù chi phí tương đối đã rõ ràng, nhưng vấn đề an toàn vẫn còn mơ hồ. Một sự thật — và có lẽ là một sự thật đáng nói — là trong chín tháng đầu năm 2024, không một người Việt Nam nào nằm trong số hàng chục người di cư được xác nhận đã chết khi vượt eo biển Manche. Nhưng vào tháng 10, một người di cư Việt Nam đã chết, trong năm hiện đã trở thành năm nhiều người chết nhất trong lịch sử cho những người vượt biển bằng thuyền nhỏ.

Có thể bằng cách trả thêm tiền, người Việt Nam có thể được đi trên những chiếc thuyền ít người, do đó ít có thể bị chìm hơn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể xác nhận điều này.

Điều có vẻ rõ ràng hơn là những kẻ buôn người Việt Nam rất thận trọng khi đưa khách hàng của họ ra thuyền trong thời tiết xấu. Tin nhắn từ Bac gửi cho phóng viên bí mật của chúng tôi gồm những đề nghị cụ thể về việc đi đến trại và ngày tốt nhất để đến.

Bac nhắn tin, “Việc điều hành một dịch vụ vượt biển bằng thuyền nhỏ phụ thuộc vào thời tiết. Bạn cần những con sóng nhỏ. Và phải an toàn… Chúng tôi đã có thời tiết tốt vào đầu tuần này và rất nhiều thuyền ra khơi… Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể đến đây [Dunkirk] vào ngày mai. Tôi đang có kế hoạch vượt [qua eo biển] vào sáng thứ năm.”

Ngồi bên ngoài lều của họ trong hai trại khác nhau trong rừng gần Dunkirk vào đầu tháng này, hai thanh niên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện gần như giống hệt nhau về những sự kiện đã khiến bỏ Việt Nam đi tìm kiếm cuộc sống mới. Họ đã vay tiền để khởi nghiệp buôn bán nhỏ ở Việt Nam như thế nào, những doanh nghiệp đó đã thất bại ra sao, và sau đó họ đã phải mượn thêm tiền của người thân và những kẻ cho vay nặng lãi để trả cho những kẻ buôn người đưa họ đến Anh quốc.

Tu, 26 tuổi, vừa nói vừa vuốt ve một chú mèo con đi ngang qua, “Cuộc sống ở Việt Nam rất khó khăn. Tôi không thể tìm được một công việc thích hợp. Tôi đã cố gắng mở một cửa hàng, nhưng không thành công. Tôi không thể trả được nợ, vì vậy tôi phải tìm cách kiếm tiền. Tôi biết điều này [là bất hợp pháp] nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi nợ [số tiền tương đương với] 50.000 bảng Anh. Tôi đã bán nhà, nhưng số tiền đó không đủ để trả nợ.”

Hai con gà chui ra từ sau một chiếc lều khác. Một chiếc gương treo trên một cây gần đó. Có ổ cắm điện dưới một mái hiên riêng để sạc điện thoại.

Người di cư che mặt, quay lưng về phía máy ảnh, trong chiếc áo khoác trùm đầu màu xám. Những người di cư Việt Nam mà chúng tôi trò chuyện cho biết họ hy vọng sẽ trả nợ bằng cách làm việc ở Anh

Người di cư thứ hai, 27 tuổi, tả cách anh ta đến Âu châu, qua ngả Trung Hoa, có lúc đi bộ hoặc đi xe tải.

Người đàn ông không muốn nêu tên cho biết, “Tôi nghe bạn bè ở Anh nói rằng cuộc sống ở đó tốt hơn nhiều và tôi có thể tìm cách kiếm được tiền.”

Những người này có phải là nạn nhân của nạn buôn người không? Không có gì rõ ràng. Tất cả những người di cư Việt Nam mà chúng tôi trò chuyện đều nói rằng họ đang mắc nợ. Nếu họ làm việc cho những băng nhóm buôn người ở Anh để trả tiền cho chuyến đi và trả nợ thì quả thực họ nạn nhân bị mua bán.

Chúng tôi đã cố gắng dụ kẻ buôn lậu người Việt tóc vàng, Tony, ra khỏi một khu rừng gần đó và đến một vùng đất trung lập hơn, nơi băng đảng của hắn — có thể có vũ trang, như những băng đảng khác chắc chắn là có — ít có thể gây ra mối đe dọa cho chúng tôi. Chúng tôi định vặn hỏi hắn về sự tham gia của anh ta vào một kỹ nghệ phi pháp béo bở và thường gây chết người. Nhưng Tony vẫn cảnh giác không muốn rời khỏi “lãnh địa” của mình và trở nên mất kiên nhẫn và tức giận khi đồng nghiệp của chúng tôi, vẫn đóng giả là một người có thể muốn di cư, không chịu đi theo hắn vào rừng.

Tony ra lệnh, “Tại sao cứ ở đó? Đi theo con đường đó. Nhanh lên! Ngay lập tức.”

Có một khoảng dừng ngắn. Tiếng chim hót vang vọng khắp bãi đất trống.

Kẻ buôn người hỏi, với sự bực bội ngày càng tăng, “Thật là đồ ngốc… Chỉ muốn đứng đó để bị cảnh sát bắt hay sao?”

Sau đó, hắn quay đi và rút lui vào rừng.

Nếu đồng nghiệp của chúng tôi là một người di cư thực sự, cô ấy có thể đã đi theo Tony. Chúng tôi được những nguồn tin khác cho biết rằng một khi đã vào rừng, những người di cư không được phép rời khỏi hơn trừ khi họ trả hàng trăm đô la cho những tên buôn lậu.

Băng đảng Việt Nam có thể hứa hẹn một con đường vượt biển nhanh chóng, an toàn, và “tốt” đến Anh quốc, nhưng thực tế đen tối hơn nhiều — một kỹ nghệ phi pháp, được hậu thuẫn bằng sự đe dọa, có những rủi ro chết người và không có gì bảo đảm thành công.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Smuggler selling ‘fast track’ Channel crossing speaks to BBC undercover reporter | Andrew Harding, Khue Luu & Patrick Clahane | BBC News | October 28, 2024. Kathy Long và Léa Guedj đưa tin bổ túc.