Dân Việt Nam và chính trị ở Hoa Kỳ
Trần Giao Thuỷ
Chưa hề có một thống kê nào, trong hay ngoài Việt Nam, về nhận định hay mực độ ưa thích của dân quốc gia này với hai đảng Dân chủ và Cộng hoà ở Mỹ. Tuy vậy có nhiều ý kiến cho rằng dân ở Việt Nam thích ông Trump và đảng Cộng hoà hơn là ưa bà Clinton, ông Biden hay bà Harris và đảng Dân chủ.
Sau đây là một thí dụ rất nhỏ, một ý kiến trao đổi trên mạng xã hội của một nhân vật có thể coi là thuộc giới trí thức của bên thua cuộc sau 1975. Nhận xét về ý kiến này ở đây chỉ là một cách để tìm hiểu thêm nguyên nhân xa gần có thể tạo ra khuynh hướng thiên đảng Cộng hoà của một số người trong nước Việt Nam.
Tất cả mọi thông tin cá nhân trong ý kiến dưới đây đã được xoá. Tác giả là ông “X” 70 tuổi trao đổi với một người mà ông gọi là “Em gái”.
1. Henry Kissinger
Từ năm 1979, tác giả đã hiểu “Kissinger là một tên phản bội đối với nền Cộng hoà Mỹ và của thế giới!”
Là chính khách nổi tiểng hẳn Kissinger đã nhận được rất nhiều tiếng chê bai cũng như lời khen tặng. Tuy nhiên nhiều người biết Henry A. Kissinger (CH) là Ngoại trưởng thứ 56, một học giả người Mỹ được kính nể và đã nhận giải Nobel Hòa bình, đã góp phần tạo ra trật tự thế giới sau Thế chiến II và dẫn Hoa Kỳ vượt qua một số thách thức phức tạp nhất về chính sách đối ngoại.
Kissinger bị chỉ trích có lý do rõ rệt vì ông không hề ngần ngại ủng hộ chế độ quân phiệt đứng sau cuộc xâm lăng Đông Timor của Indonesia vào những năm 1970. Ông ủng hộ CIA lật đổ tổng thống Salvador Allende của Chile vào năm 1970, ủng hộ việc thả bom bom liên tục ở một số khu vực ở Bắc Việt và khuyến khích nghe lén những nhà báo chỉ trích chính sách Việt Nam của ông. Ông xếp an ninh cao hơn nhân quyền và kiểm soát thương mại ưu tiên hơn quyền tự quyết (Amelia Hadfield, Henry Kissinger was a global – and deeply flawed – foreign policy heavyweight, The Conversation, November 30, 2023.)
Năm 2002, Tổng thống George Bush (CH) viết,
“Tiến sĩ Kissinger là một trong những công chức được kính trọng và thành đạt nhất của đất nước chúng ta.”
Tổng thống George W. Bush
Năm 2018, T.s. Vật lý Hạch tâm, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown (DC), viết
“Kính gửi Henry – Thật khó tin rằng đã hơn bốn mươi mốt năm kể từ khi anh rời nhiệm sở (tôi cũng không kém xa, đã ba mươi bảy năm rồi). Không còn nghi ngờ gì nữa, Con thuyền quốc gia của chúng ta thường không được anh lèo lái, mặc dù những người lái tàu (sic) và thuyền trưởng của nó thường xuyên muốn nghe lời khuyên của anh. Hãy hy vọng rằng anh, và cả Con thuyền, sẽ tồn tại trong một thời gian dài.”
Harold Brown, 2018, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn kiêm Ủy viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)
Rõ ràng ông Kissinger được sự kính nể của giới lãnh đạo của cả hai đảng Dân chủ cũng như Cộng hoà. Trong khoảng 1965-66, lúc chưa tham chính Kissinger, khi là nhân viên cố vấn cho Henry Cabot Lodge Jr., Đ.s. Mỹ tại Việt Nam, đã nhận xét rằng Mỹ “không biết cách giành chiến thắng hoặc cách kết thúc” Chiến tranh Việt Nam (Kissinger, Henry (2011). White House Years. Simon and Schuster.)
Tuy nhiên là người VNCH, ít ai có thể yêu mến cá nhân Kissinger hay ủng hộ chính sách ngoại giao của ông về Việt Nam.
Năm 1971, Henry Kissinger với tư cách Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Nixon, và Thủ tướng Trung Hoa cộng sản Chu Ân Lai đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau của Chiến tranh Việt Nam trong chuyến đi bí mật của ông đến Hoa lục. Những điểm chính trong những cuộc thảo luận gồm:
- Kissinger nhấn mạnh nhu cầu Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam và muốn có sự ủng hộ của Trung Cộng trong việc tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình.
- Chu Ân Lai bày tỏ quan tâm của Trung Hoa trước tình hình cuộc chiến và định vị Trung Hoa là có thể là một nước trung gian, cho thấy họ sẽ không để chiến tranh leo thang thêm nữa.
- Chiến lược đàm phán với Bắc Việt và cách cả Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể điều chỉnh lợi ích riêng của họ.
Ngày 21 tháng 10, 1972 Kissinger và đại sứ Hoa Kỳ Ellsworth Bunker đến Sài Gòn để trình với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dự thảo bản hiệp định Paris. Tổng thống Thiệu từ chối ký thuận và yêu cầu nhiều sửa đổi rất sâu rộng đến nỗi Kissinger đã phúc trình với Nixon “gần như điên rồ”. (Karnow, Stanley (1983). Vietnam: A History. Viking.)
Cũng trong năm 1972, Kissinger đã nói với Nixon hai lần rằng những điều khoản trong Hiệp định Paris có thể sẽ phá nát Việt Nam Cộng hoà: “Tôi cũng nghĩ rằng Thiệu đúng, rằng những điều khoản của chúng ta cuối cùng sẽ tiêu diệt ông ta.” (“Richard Nixon and Henry A. Kissinger on 6 October 1972”. Presidential Recordings Digital Edition. University of Virginia. Retrieved September 1, 2020.)
Cũng cần nhắc lại, vào tháng 11 năm 1974, Kissinger vận động Leonid Brezhnev chấm dứt viện trợ quân sự của Liên Xô cho Bắc Việt. Cùng tháng đó, ông cũng vận động Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai chấm dứt viện trợ quân sự của Trung Hoa cho Bắc Việt. Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Kissinger điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, thúc giục Quốc hội tăng thêm 700 triệu đô la cho ngân sách viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam để cứu Quân đội Việt Nam Cộng hòa khi Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tiến nhanh về Sài Gòn, nhưng yêu cầu của ông đã bị bác. Vào thời điểm đó, và cho đến khi qua đời, Kissinger vẫn khẳng định rằng nếu Quốc hội chấp thuận yêu cầu của ông về khoản viện trợ thêm 700 triệu đô la thì VNCH sẽ có thể chống lại quân cộng sản (Karnov, sđd.)
Tuy ông đã có những hành động rất bất lợi cho VNCH, nhưng lên án “Kissinger là một tên phản bội đối với nền Cộng hoà Mỹ và của thế giới” e là một quy chụp thiếu cơ sở.
Là một công chức của hai nội các Richard M. Nixon (CH) và Gerald R. Ford Jr. (CH), Kissinger chỉ tuyên thệ “trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Hiến pháp” Hoa Kỳ. Ông hay bất kỳ một công chức chính phủ Hoa Kỳ nào khác không hề phải tuyên thệ trung thành với nền Cộng hoà Mỹ. Và đã không thề trung thành với “nền Cộng hoà của Mỹ” thì không thể có hành động nào để có thể bị kết án là phản bội. Thứ đến, tác giả đề cập đến một nền Cộng hoà “của thế giới” người đọc khó có thể hình dung đó là gì để thấu hiểu óc tưởng tượng vô song của tác giả.
2. Henry Kissinger và Ukraine
Năm 2017, khi cố vấn cho Donald Trump về những vấn đề quốc tế Kissinger đã đề nghị tân tổng thống Mỹ chấp nhận việc Vladimir Putin chiếm đóng Crimea.
Năm 2023, Henry Kissinger đã đưa ra một số tuyên bố về Ukraine và cuộc xâm lăng của Nga. Ban đầu, ông đề nghị Ukraine nên nhượng một phần lãnh thổ cho Nga để giúp chấm dứt chiến tranh, một lập trường mà nhiều người Ukraine phản đối. Tuy nhiên, Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 17 tháng 1 năm 2023, ông công nhận cuộc xâm lăng đẫm máu của Nga khiến nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine là điều cần thiết. Trước đây Kissinger phản đối việc Ukraine gia nhập NATO. Kissinger cũng nói Ukraine nên giành lại lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập trong khi tổ chức đàm phán để chấm dứt chiến tranh đã kéo dài gần 11 tháng (Jack Dutton, “Henry Kissinger’s Shifting Views on Ukraine” Newsweek, Jan 18, 2023).
Khi ủng hộ việc Ukraine vào NATO, thì ông Kissinger hiểu rõ rằng cả NATO sẽ tham chiến bảo vệ Ukraine nếu thành viên này bị bất kỳ quốc gia nào xâm lăng.
Nhận xét không có cơ sở của tác giả về Kissinger với Ukraine là hậu quả của hội chứng “cố tình quên” hoặc do thiếu thông tin.
3. Henry Kissinger và Trung Hoa cộng sản với Đài Loan
Tác giả viết, “Từ thời Nixon, Kissinger đi đêm với Trung cộng, đạp Đài Loan ra khỏi Liên hiệp quốc”…
Khi nào và tại sao Đài Loan không còn là thành viên của Liên hiệp quốc (LHQ)?
Đài Loan, hay Trung Hoa Dân quốc (ROC), là thành viên sáng lập của LHQ và giữ một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an cho đến năm 1971. Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 10 năm 1971, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 2758, công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Hoa. Do đó ROC bị trục xuất khỏi LHQ và ghế “Trung Hoa” chuyển cho PRC.
Do ảnh hưởng của bối cảnh địa chính trị vào thời điểm đó, và nhiều quốc gia khác đã chuyển sự công nhận của họ từ ROC sang PRC nên LHQ đã đi đến quyết định này. Mặc dù vậy, Đài Loan vẫn tiếp tục tham gia trong những tổ chức thuộc LHQ.
Do đó cho rằng Kissinger đã “đi đêm” với Trung Cộng đã “đạp Taiwan khỏi LHQ” là chuyện không tưởng và hoàn toàn sai sự thực.
Vào tháng 4 năm 1970, cả Nixon và Kissinger đều hứa với Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch, rằng họ sẽ không bao giờ bỏ rơi Đài Loan hoặc thỏa hiệp với Mao Trạch Đông, mặc dù Nixon đã nói mơ hồ về mong muốn cải thiện quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Bernkopf Tucker, Nancy (June 2005). “Taiwan Expendable? Nixon and Kissinger Go to China”. The Journal of American History. 92 (1): 109–135).
Kissinger đã bí mật viếng thăm Hoa lục vào tháng 7, 1971. Henry Kissinger đã nói gì với Chu Ân Lai vào tháng 7 năm 1971 về Đài Loan?
Cuộc gặp bí mật của Henry Kissinger với Chu Ân Lai vào tháng 7 năm 1971 tập trung vào quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa và bối cảnh địa chính trị kể cả Chiến tranh Việt Nam. Họ Chu đòi Mỹ công nhận đảo Đài Loan là một phần lãnh thổ của CHND Trung Hoa (PRC) và rút quân khỏi đảo này. Kissinger thoả hiệp bằng lời hứa rút 2/3 quân đội Mỹ và ngưng hậu thuẫn quân sự cho Đài Loan khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, và Mỹ sẽ rút hết quân khi bang giao Trung-Mỹ tiến bộ (Bernkopf Tucker, Nancy, sđd.) Kissinger cũng nói với Chu Ân Lai nói rằng Hoa Kỳ không ủng hộ “hai Trung Hoa” hoặc “một Trung Hoa, một Đài Loan”. Những cuộc đàm phán Kissinger-Chu Ân Lai kết thúc với sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa cộng sản, và hình thành liên minh chiến lược mới Trung-Mỹ chống Liên Xô.
Vào tháng 10 năm 1971, trong chuyến đi thứ hai tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đại sứ Hoa Kỳ George H. W. Bush đã cố gắng thúc đẩy một sự thỏa hiệp mà cả hai, CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc, đều sẽ là thành viên của LHQ. Kissinger gọi đây là “hành động phòng thủ ngày tận thế”. Trong khi Bush đang vận động hành lang cho công thức “hai Trung Hoa”, Kissinger đã xóa những tham chiếu có lợi cho Đài Loan khỏi bài phát biểu của Ngoại trưởng William P. Rogers đã soạn trước khi LHQ quyết định trục xuất Đài Loan ra khỏi tổ chức này. Trong chuyến thăm thứ hai tới Bắc Kinh, Kissinger đã yêu cầu Chu Ân Lai xét lại thỏa hiệp “hai Trung Hoa” để tránh xúc phạm đến dư luận Hoa Kỳ. Chu Ân Lai tuyên bố rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính quyền hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa (kể cả đảo Đài Loan) và không thể có sự thỏa hiệp nào. Kissinger không có phản ứng khi Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu trục xuất Đài Loan và trao ghế “Trung Hoa” tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Bernkopf Tucker, Nancy, sđd.)
Đến tháng 4 năm 1979, Bộ Tư lệnh Phòng vệ Đài Loan của Hoa Kỳ (USTDC) giải tán và những người lính Hoa Kỳ cuối cùng đã rời khỏi Đài Loan. Tuy nhiên, vẫn có những quân nhân không chính thức đồn trú trên đảo. Gồm một số ít lính Thủy quân Lục chiến, Lục quân, Hải quân và Không quân Hoa Kỳ giữ trách nhiệm huấn luyện và hỗ trợ. Sự hiện diện của họ là một phần của quan hệ đối tác an ninh giữa Hoa Kỳ và Đài Loan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan. (Jonathan Masters and Will Merrow, U.S. Military Support for Taiwan in Five Charts, Council on Foreign Relations,September 25, 2024.)
4. Đảng Cộng hoà suy yếu, đảng Dân chủ mạnh lên
Sau khi lên án Kissinger là kẻ phản bội nền Cộng hoà Mỹ và của thế giới, đạp Đài Loan ra khỏi LHQ, tác giả thản nhiên đi đến nhận định, “Từ đó: đảng Cộng hoà của Mỹ càng suy yếu! Bọn khốn nạn Dân chủ Mỹ càng mạnh hơn.”
Tại đây tác giả lại bị hội chứng “cố tình quên” áp đảo. Ông “X” quên rằng ông vừa lên án Kissinger là kẻ phản bội. Cả ông Kissinger và hai tổng thống ông phục vụ, Nixon và Ford, đều là người đảng Cộng hoà. Tất cả là những nhân vật chủ chốt và giám sát chính sách rút quân Mỹ khỏi Việt Nam dẫn đến ngày 30 tháng Tư, 1975, và chính sách bắt tay với Trung Cộng để chống Liên Xô. Thời gian ông Kissinger làm công chức, 1969-1977, đảng Dân chủ không nắm chính quyền. Thế thì ai đã làm đảng Cộng hoà suy yếu, theo nhận định của tác giả?
Biden với Hillary và Bil Clinton
Tác giả viết tiếp,
“Chúng hoạn động mạnh mẽ để hỗ trợ cho CS:
Gạt bỏ Việt Nam Và Đông Dương ra khỏi sự yểm trợ của Mỹ…
Những kẻ đó là
– Thượng nghị sĩ Biden
– Cặp tình nhân (bây giờ là vợ chồng Bill Clinton – Hillary: chủ tịch hội phản chiến Việt Nam…”
Trước nhất, Đông Dương hay Liên bang Đông Dương là một thuật ngữ địa chính trị lỗi thời. Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và đất đai của huyện Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa) đã không còn từ năm 1954. Liên bang Đông Dương chưa khi nào được Mỹ yểm trợ và Hoa Kỳ chỉ nổi lên như một siêu cường toàn cầu, thúc đẩy dân chủ và chủ nghĩa quốc tế tự do hậu Thế chiến thứ II cùng đặt trọng tâm kiềm chế chủ nghĩa cộng sản và cạnh tranh với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh (1947-1991).
Thứ hai, Joe Biden chỉ mới ngồi vào ghế thượng viện ngày 3 tháng 1, 1973, hai mươi bốn ngày trước khi Kissinger và tổng thống Nixon ép VNCH ký hiệp định Paris vào ngày 27 tháng 1, 1973. Trong hơn ba tuần đó TNS Biden đã hoạt động mạnh cỡ nào yểm trở cho cộng sản khiến tác giả kết luận rằng ông là kẻ đã ‘gạt bỏ Việt Nam ra khỏi sự yểm trợ của Mỹ’?
Thứ ba, câu hỏi cần trả lời là từ năm 1971 đến năm 1974, Hillary Rodham và bạn trai Bill Clinton có từng là chủ tịch của một hội phản chiến nào hay không?
Hillary Rodham và Bill Clinton không phải là chủ tịch của bất kỳ hội phản chiến Việt Nam nào từ năm 1971 đến năm 1974. Trong thời gian đó, cả hai đều tích cực tham gia vào những hoạt động chính trị và xã hội. Hillary đã làm việc cho nhiều chiến dịch và dự án khác nhau, và cùng làm viện với Clinton trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của George McGovern (đảng Dân chủ) năm 1972, và những dự án cổ xuý quyền hiến định, quyền tự do dân sự và những dự án cấp tiến khác trong khi Bill Clinton cũng tham gia vào những hoạt động và vận động chính trị. Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Yale (1973), Clinton trở về Arkansas và trở thành giáo sư luật tại Đại học Arkansas.
Một lần nữa tác giả lại chụp mũ không bằng cớ.
Clinton và Obama: Chính sách ở Á châu-Thái Bình Dương (Biển Đông)
Tác giả viết, “Hai tổng thống này của Mỹ đang tâm bỏ rơi vùng biển Tây Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông VN) cho Trung cộng tung hoành…”
Thứ nhất, Ngày 11 tháng 7 năm 1995 – Tổng thống William J. Clinton tuyên bố “bình thường hóa quan hệ” với Việt Nam. Ngày 6 tháng 8 năm 1995 – Ngoại trưởng Warren Christopher thăm Hà Nội và chính thức mở cửa Toà Đại sứ Hoa Kỳ. Chính sách của Bill Clinton tập trung vào việc đưa Trung Hoa vào hệ thống kinh tế toàn cầu, ủng hộ việc Trung Hoa gia nhập WTO. Ông nhấn mạnh việc duy trì đường biển tự do cho thương mại và hàng hải ở Biển Đông.
Chính quyền của Barack Obama đã đưa ra chiến lược “Xoay trục sang châu Á”, nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này gồm cả việc tăng cường hợp tác quân sự, tăng cường quan hệ kinh tế và nâng cao những giá trị dân chủ. Cả hai chính quyền Clinton và Obama đều tìm cách cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa trong khu vực bằng chiến lược can dự và kiềm chế.
Tác giả lại “gắp lửa bỏ tay người”.
5. Nhược tiểu
Và sau cùng tác giả kết luận,
“Kết quả:
Bây giờ Trung cộng ngang nhiên bắt, đánh, … cướp vật dụng, hải sản … của ngư dân Việt Nam!
Việt Nam nhỏ bé, nhờ các nước lớn anh minh.
Mà … có nước lớn như Mỹ, khi đảng Dân chủ cầm quyền … thì sự việc đã là như vậy!
Hận ai đây? Chỉ là buồn cho thấn phận nhược tiểu và bị đè đầu không được ngóc lên.”
Với dân số 101,202,924 người, và theo ước tính năm 2023 Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với giá sinh hoạt thấp. Việt Nam là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội những quốc gia Đông Nam Á và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Việt Nam không phải là một quốc gia nhược tiểu. Tuy nhiên, nếu đọc kết luận trên đây người ta sẽ nghĩ rằng Việt nam có một số người trong giới trí thức có tâm lý, tư duy và não trạng rất nhược tiểu.
Nhược tiểu ở điểm chỉ biết nằm chờ sung rụng, chờ Mỹ đánh Trung cộng bảo vệ Việt Nam.
Nhược tiểu vô cùng ở chỗ chỉ biết than thở, “nhờ các nước lớn anh minh”.
Rất nhược tiểu khi suy nghĩ “chỉ là buồn cho thân phận nhược tiểu, và bị đè đầu không được ngóc lên!”
Đọc và nghĩ và viết về ý kiến của ông “X” khiến người viết nhớ đến nhà văn George Orwell.
Trong tiểu luận ‘Notes on Nationalism’ (Ghi chú về Chủ nghĩa Dân tộc’ George Orwell viết xong vào tháng 5, 1945 đăng trên số đầu tiên của tạp chí Polemic của Anh vào tháng 10, 1945), có đoạn ông viết cảm tưởng khi nghe người ta tuyên bố chắc nịch rằng quân đội Mỹ được đưa đến châu Âu không phải để chống lại quân Đức mà là để đàn áp cuộc cách mạng của người Anh,
“Người ta phải thuộc giới trí thức mới tin vào những điều như vậy: không một người bình thường nào có thể ngốc nghếch đến thế.”
George Orwell, 1945
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và trình bầy.