Thất bại của Mỹ ở Việt Nam đưa ra một kế hoạch để Ukraine thắng

Michael Peck | DCVOnline

https://i.insider.com/6736741efa0140cdd5639f93?width=1000&format=jpeg&auto=webp
Một chuyên gia an ninh cho rằng Ukraine và đồng minh phương Tây nên nhìn lại Chiến tranh Việt Nam để tìm ra chiến lược thành công nhằm chấm dứt xung đột. Sergey Bobok/AFP qua Getty Images

Chiến lược của Liên Xô khiến Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam là bài học cho Ukraine.

Liên Xô và Trung Hoa đã viện trợ cho Bắc Việt những loại vũ khí để vô hiệu hóa lợi thế không quân của Hoa Kỳ.

Một chuyên gia chiến tranh cho rằng bước đầu tiên của Ukraine phải là ngăn chặn những cuộc tấn công trên không buộc quân đội của họ phải rút lui.


Một chuyên gia an ninh Ukraine cho rằng Ukraine có thể đánh bại Nga nếu họ và những người ủng hộ phương Tây học được từ thất bại của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Oleksandr Danylyuk, cựu viên chức an ninh cao cấp của Ukraine và hiện là chuyên viên phân tích của Viện Royal United Services, một nhóm nghiên cứu của Anh, lập luận, chiến tranh Việt Nam có điểm tương đồng với cuộc chiến của Ukraine ngày nay. Bắc Việt đã ngăn chặn hỏa lực vượt trội của Hoa Kỳ bằng những chiến lược được hậu thuẫn bằng viện trợ quân sự lớn của Liên Xô và Trung Hoa. Chúng là một cuốn cẩm nang hướng dẫn cách Ukraine có thể buộc Nga phải đi đến hòa bình trong vòng hai năm. Danylyuk nói trong một luận văn viết cho RUSI,

“Ví dụ về Chiến tranh Việt Nam quan trọng phần lớn vì chiến thắng của Ukraine chỉ có thể đạt được nếu quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ của nước này. Đó là việc tạo ra những điều kiện mà Nga không thể và không muốn tiếp tục chiến tranh, và do đó buộc phải rời khỏi Ukraine, phải là mục tiêu chiến lược của liên minh ủng hộ Ukraine.”

Danylyuk cho rằng thất bại của Mỹ ở Việt Nam là do “chiến lược đa chiều kéo dài của Liên Xô, nước mà Bắc Việt đã hoàn toàn phụ thuộc vào sự hậu thuẫn.” Liên Xô và Trung Hoa đã viện trợ cho Hà Nội rất nhiều vũ khí và những loại viện trợ khác, gồm cả vũ khí phòng không để vô hiệu hóa lợi thế về sức mạnh của không quân của Hoa Kỳ. Liên Xô đã cử 15.000 chuyên gia quân sự như chuyên gia phòng không, trong khi Trung Hoa đã phái 320.000 nhân sự phần lớn giữ nhiệm vụ yểm trợ chiến đấu như hậu cần, để toàn bộ lực lượng chính quy Bắc Việt Nam giữ nhiệm vụ chiến đấu.

Trong khi đó, gánh nặng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong chiến tranh ngày trở nên không thể chịu đựng được, vì chính quyền Johnson đã từ chối tăng thuế hoặc cắt giảm những chương trình xã hội, dẫn đến thâm hụt chi tiêu và lạm phát. Những cuộc biểu tình phản chiến — một số do khối Cộng sản kích động và tài trợ — và sự mệt mỏi vì chiến tranh trong công chúng đã khiến chính quyền Nixon phải rút quân đội Hoa Kỳ vào năm 1973. Vào thời điểm xe tăng Bắc Việt tiến vào Sài Gòn năm 1975, Hoa Kỳ đang choáng váng vì suy thoái kinh tế và giá dầu cao, không còn tinh thần muốn viện trợ cho Nam Việt Nam nữa.

Danylyuk xác nhận rằng tình hình của Ukraine khác với Bắc Việt Nam ở nhiều mặt. “Không cần sự hiện diện của quân đội đồng minh để đẩy lùi sự xâm lăng, không phải là một quốc gia lạc hậu về kỹ thuật và đã chứng minh rằng họ không chỉ có thể sử dụng mà còn có thể sản xuất những loại vũ khí hiện đại nhất.”

Tuy nhiên, trớ trêu thay, Danylyuk tin rằng chìa khóa để đánh bại cuộc xâm lược của Nga hiện nay có thể được tìm thấy trong chiến lược đa ngạnh của Liên Xô tại Việt Nam.

Oleksandr Danylyuk cho biết những cách quan trọng để đánh bại cuộc xâm lăng của Nga có thể tìm thấy được trong chiến lược đa ngạnh của Liên Xô tại Việt Nam. Trong ảnh, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lội qua một cánh đồng lúa trong cuộc tấn công vào những vị trí của Việt Cộng năm 1965. Ảnh AP/John T. Wheeler

Ngạnh đầu tiên của chiến lược này là “ổn định tiền tuyến và khiến bất kỳ hành động tấn công thành công nào của quân đội Nga đều không thể thực hiện được.” Điều này đòi hỏi phải ngăn chặn những cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga đang tàn phá những vị trí tiền tuyến của Ukraine. Thay vì cố gắng ngăn chặn những quả bom, Danylyuk đề nghị phương Tây cung cấp thêm máy bay chiến đấu được trang bị hoả tiễn không đối không tầm xa — đặc biệt là máy bay phản lực Gripen của Thụy Điển với hoả tiễn Meteor — để bắn hạ máy bay Nga trước khi chúng có thể thả bom lượn. Bài báo của ông lưu ý rằng Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 155 máy bay chiến đấu MiG chỉ trong ba năm.

Hoặc, nếu phương Tây sẵn sàng cung cấp “vài tỷ đô la”, Ukraine có thể sản xuất đủ hoả tiễn đạn đạo tầm xa Neptune để phá hủy những căn cứ không quân và máy bay của Nga từ đó những cuộc ném bom đã được thực hiện. Những vũ khí này cũng sẽ buộc Nga phải đem những hệ thống phòng không, chẳng hạn như hoả tiễn phòng không S-300 và S-400, từ Ukraine về lại Nga. Ngoài ra, Ukraine cũng nên cố gắng giết càng nhiều quân Nga càng tốt để buộc Điện Kremlin phải huy động một cuộc động viên khác có thể sẽ rất làm mất lòng dân. Danylyuk cho biết “Việc hoàn thành nhiệm vụ này phụ thuộc trực tiếp vào khả năng của Ukraine trong việc đạt được sự cân bằng hỏa lực trên mạt trận, điều này đòi hỏi phương Tây phải sản xuất đủ số đạn đại pháo.”

Năm 1965, khi những cuộc hành quân lớn của Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu, phần lớn công chúng Mỹ ủng hộ sự can thiệp của Hoa Kỳ. Nhưng cam kết của Hoa Kỳ đã tăng lên 543.000 lính và nhân viên vào năm 1969, cùng với sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với lệnh động viện và 58.000 người lính Hoa Kỳ thiệt mạng, đã làm xói mòn sự ủng hộ đó.

Ở mạt trận kinh tế, Danylyuk thúc giục phương Tây phá sản nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách tìm cách hạ giá dầu, nguồn cung cấp phần lớn doanh thu của Nga. Ông chỉ ra sự sụp đổ của Liên Xô, một phần là do giá dầu giảm vào những năm 1980. Điều này đòi hỏi những quốc gia khác phải tăng sản lượng dầu để hạ giá đầu thế giới.

Danylyuk nói, “Cần phải thừa nhận rằng những nỗ lực áp dụng hạn chế đối với giá dầu của Nga không hiệu quả và nếu không thay thế thị phần của Nga trên thị trường thế giới bằng cách tăng sản lượng ở nơi khác, tình hình sẽ vẫn có lợi cho Moscow.”

Thật vậy, Ả Rập Saudi và một số đồng minh OPEC có kế hoạch sản xuất nhiều dầu hơn và sẽ giảm giá.

Về mặt tâm lý, phương Tây nên khai thác tình cảm phản chiến của dân Nga — bị chính phủ của Vladimir Putin đàn áp mạnh mẽ, nhưng vẫn âm ỉ. Danylyuk nói,

“Giải thích duy nhất cho việc thiếu phong trào phản chiến quần chúng và những cuộc biểu tình cỡ lớn là do không có phe đối lập có tổ chức và phổ biến ở Nga. Trong những điều kiện như vậy, không có giải pháp thay thế nào khác ngoài việc hậu thuẫn về mặt tổ chức và tài chính cho một phong trào như vậy từ bên ngoài.”

Kế hoạch của Danylyuk có thể nói là đầy tham vọng. Việc buộc Nga phải đi đến hòa bình trên chiến trường có vẻ không khả thi ít nhất là trong ngắn hạn, vì quân Nga tiến chậm, một cách đau đớn, nhưng không thể không lay chuyển được. Liệu Ả Rập Saudi và những nước sản xuất dầu khác có chọn cách hạ giá dầu trong dài hạn hay không vẫn còn phải chờ xem. Việc trông chờ vào tình cảm phản chiến của công chúng Nga là điều may rủi khi sự đàn áp và tuyên truyền dữ dội của chính phủ Putin vẫn tiếp diễn.

Nhưng Danylyuk cảnh cáo rằng phương án thay thế thậm chí còn tệ hơn. Nếu không có chiến lược buộc Nga chấm dứt chiến tranh, kết quả sẽ là “làm kiệt quệ Ukraine và phương Tây và cho phép Nga thực hiện kế hoạch đa chiều của riêng họ để chấm dứt sự hỗ trợ cho Ukraine, theo đó Kyiv sẽ được thêm vào danh sách những thành phố đã trở thành biểu tượng cho thất bại địa chính trị của phương Tây: Kabul và Sài Gòn.

Tác giả | Michael Peck là một ngòi bút viết về quốc phòng, tác phẩm của ông đã xuất hiện trên Forbes, Defense News, tạp chí Foreign Policy và những ấn phẩm khác. Ông có bằng Thạc sĩ khoa học chính trị của Đại học Rutgers. Theo dõi ông trên Twitter và LinkedIn.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: America’s defeat in Vietnam offers a game plan for Ukrainian victory | Michael Peck | Business Insider | November 2024