Sự hợp tác mong manh giữa Iran và Nga
Maria Snegovaya và Jon B. Alterman | Trần Giao Thuỷ
Cách nước Mỹ có thể chia rẽ hai đối thủ chính của mình
Kể từ khi bắt đầu xâm lăng Ukraine, Nga đã có chung mục tiêu với Iran. Nga đã viện trợ quân sự, sự, bảo vệ ngoại giao và đưa tin tình báo cho Iran. Đổi lại, Tehran đã viện trợ vũ khí cho Moscow và lập lại tuyên truyền của Điện Kremlin. Ví dụ, vào tháng 7 năm 2022, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã miêu tả NATO là một “sinh vật nguy hiểm” và tuyên bố rằng nếu Nga không chủ động, phương Tây sẽ gây ra chiến tranh ở Ukraine.
Với giới quan sát cả hai quốc gia, mối quan hệ hợp tác này không có gì đáng ngạc nhiên. Hai quốc gia này nằm trong số những đối thủ không đội trời chung của phương Tây. Kể từ cuộc cách mạng năm 1979 của Iran, giới lãnh đạo của nước này đã kiên quyết chống Mỹ, tuyên bố họ là mục tiêu liên tục của những âm mưu cô lập và phá hoại chính phủ Cộng hòa Hồi giáo. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập luận rằng cuộc chiến với Ukraine thực sự là cuộc chiến với một NATO tham lam muốn phá hủy Nga. Những quốc gia này là những kẻ bị ruồng bỏ trên trường quốc tế, phải chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt và cần có hợp tác ở bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy. Và cả hai đều do những nhân vật lãnh đạo độc đoán cá nhân cai trị với sự hỗ trợ của giới tinh hoa đầu sỏ phần lớn không bị giám sát.
Nhưng bất chấp những điểm tương đồng giữa hai nước, mối quan hệ hợp tác của họ có thể trở nên mong manh hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Iran và Nga có chung một kẻ thù và hệ thống chính phủ. Tuy nhiên, họ có lịch sử xung đột lâu dài, một lịch sử chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Về mặt kinh tế, họ là những quốc gia dầu mỏ cạnh tranh giành cùng một thị trường. Về mặt chính trị, họ đang đấu khẩu về việc ai sẽ là cường quốc chính ở Kavkaz và Trung Á. Họ cũng có cách xử trí khác nhau đối với Trung Đông. Thật vậy, ngoài việc làm suy yếu quyền bá chủ của phương Tây, họ không chia sẻ bất kỳ nghị trình quốc tế thống nhất nào. Ngay cả khi nói đến Washington, họ cũng có những khác biệt về mặt chiến lược. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, Nga đã tìm cách giúp Donald Trump. Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Iran đã âm mưu giết ông.
Washington và những đối tác của họ nên nắm bắt những khác biệt này để gây chia rẽ giữa Moscow và Tehran. Làm như vậy không cần phải thân thiện với bất kỳ chính phủ nào. Thay vào đó, phương Tây có thể khiến nền kinh tế của hai nước chống lại nhau bằng những chính sách năng lượng làm giảm giá dầu. Họ nên nhắc nhở nhau rằng ở hầu hết những nơi trên thế giới, họ có tầm nhìn chính trị đối đầu. Và họ nên khiến Moscow và Tehran khó hợp tác với nhau hơn ở những nơi họ muốn. Nếu không, Iran và Nga có thể vượt qua những khác biệt của họ và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững. Kết quả sẽ là một thế giới bất ổn và bạo lực hơn.
NGUỒN GỐC CÁCH CƯ XỬ CỦA IRAN-NGA
Những vấn đề của Nga với phương Tây có từ thời kỳ đầu của kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, giới cải cách thân phương Tây đã đưa ra những thay đổi mang tính đột phá nhằm nhanh chóng tự do hóa nền kinh tế. Nhưng thay vì tạo ra sự tăng trưởng khắp nơi, những năm 1990 đã trở thành một thập kỷ đau thương đối với phần lớn xã hội khi GDP bình quân đầu người thực tế của Nga giảm 42 phần trăm từ năm 1990 đến năm 1998. Tỷ lệ dân số nghèo đói tăng vọt lên mức kỷ lục 35 phần trăm. Tỷ lệ người chết tăng và tuổi thọ trung bình giảm. Người Nga trở nên vô cùng nuối tiếc thời Liên Xô và phẫn nộ với Hoa Kỳ. Nhiều người tuyên truyền những thuyết âm mưu cho rằng phương Tây đã âm mưu chia rẽ Liên Xô và sau khi Liên Xô sụp đổ, họ đã cắt giảm viện trợ kinh tế cần thiết và lợi dụng sự yếu kém của Nga. Cuối cùng, họ đã ủng hộ Putin, người đã hứa sẽ khôi phục sự ổn định và tìm cách khôi phục quyền lực của Moscow.
Những vấn đề của Iran với phương Tây cũng có lịch sử lâu dài. Hoa Kỳ đã ủng hộ một cuộc đảo chính vào năm 1953 lật đổ thủ tướng dân cử của Iran và trao quyền cho quốc vương thân phương Tây của đất nước, Shah Mohammad Reza Pahlavi. Shah đã phát động một chiến dịch hiện đại hóa kinh tế mang tên Cách mạng Trắng vào đầu những năm 1960, hứa hẹn rằng chiến dịch này sẽ mang lại cho người dân Iran sự tăng trưởng mạnh mẽ và phát triển kỹ nghệ. Nhưng nhiều lợi ích lại thuộc về tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hàng triệu người dân Iran nghèo ở vùng nông thôn đã nhìn thấy lưới an toàn của họ sụp đổ. Cả đất nước mất phương hướng, điều này đã dẫn đến cuộc cách mạng năm 1979 và đưa chế độ Hồi giáo của Iran lên nắm quyền.
Khi đó, cả Iran và Nga đều có chung sự ngờ vực sâu sắc và rõ ràng đối với trật tự phương Tây (và những cải cách do phương Tây hậu thuẫn). Nhưng điểm tương đồng giữa họ không dừng lại ở đó. Cấu trúc chế độ của mỗi quốc gia cũng khá giống nhau, với những kẻ độc tài cá nhân, nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo và những cơ quan tình báo mạnh. Ở Nga, nhân vật lãnh đạo đó là Putin. Mỗi nước đều có nền kinh tế hỗn hợp, với những ngành kỹ nghệ chính như năng lượng và ngân hàng được liên kết chặt chẽ với nhau do những công an kiểm soát và chủ nhân được phép điều hành những doanh nghiệp nhỏ ở mức thấp hơn. Về phía Iran, Khamenei và những mạng lưới của ông điều hành trong hơn 30 năm. Những doanh nghiệp chính của họ hoặc là do nhà nước làm chủ hoặc điều hành, và chúng thường nằm dưới sự kiểm soát của giới chứccông an cấp cao cấp có liên hệ với cơ sở giáo quyền. Ở cả hai quốc gia, chế độ này mua sự ủng hộ của tầng lớp lao động tbằng những khoản trợ cấp và tiền lương hào phóng. Nó mua sự ủng hộ của nhiều công nhân trung lưu bằng cách tuyển dụng họ vào làm việc trong những doanh nghiệp do nhà nước điều hành.
Washington, hiểu rõ cách thức những chế độ này được cấu trúc, đã ban hành những lệnh trừng phạt rộng rãi nhằm mục đích khiến hệ thống của họ trở nên không bền vững. Nhưng nghịch lý thay, kinh nghiệm của Iran cho thấy những lệnh trừng phạt giúp củng cố chúng bằng cách khiến bất kỳ ai cũng khó có thể phát triển sức mạnh kinh tế bên ngoài giới tinh hoa. Người dân Iran bình thường đã trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào nhà nước về tài nguyên. Đổi lại, giới tinh hoa trốn tránh những hạn chế kinh tế bằng cách mang lại của cải bằng những mạng lưới buôn lậu. Có lẽ đó là lý do tại sao Điện Kremlin đang cố gắng noi theo kinh nghiệm của Iran. Moscow đã mượn cách thức dùng những công ty vỏ bọc và chuyển dầu từ tàu sang tàu trên vùng biển quốc tế của Iran. Vào tháng 7 năm 2024, Bộ Giáo dục Moscow thậm chí đã đưa chương trình nghiên cứu về nền kinh tế Iran vào những trường trung học phổ thông của Nga khi quốc gia này chuẩn bị cho khả năng bị trừng phạt trong nhiều thập kỷ.
HỢP TÁC GÂY TỘI ÁC
Quan hệ hợp tác quân sự giữa Khamenei và Putin có từ trước cuộc xâm lăng của Nga. Hai bên đã xây dựng mối quan hệ quân sự vào năm 2015, khi Nga bắt đầu can thiệp vào Syria để ủng hộ chế độ của Bashar al-Assad. Tehran, vốn đã hậu thuẫn Damascus, đã để cho Nga quyền sử dụng một căn cứ quân sự bên trong Iran để có thể mở những cuộc không kích. Hai nước cũng thành lập một ủy ban quân sự chung để tạo điều kiện cho những hoạt động cao cấp giữa những tướng lĩnh của hai nước, huấn luyện nhân sự và mua sắm vũ khí.
Nhưng kể từ năm 2022, Moscow và Tehran đã đưa hợp tác quốc phòng của họ lên một tầm cao mới. Iran hiện đang viện trợ cho Nga chiến đấu cơ không người lái, phi đạn hành trình, đạn đại pháo, đạn dược vũ khí nhỏ, hoả tiễn chống tăng, bom cối và bom lượn. Iran cũng giúp Nga xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái tại khu vực Tatarstan của Nga. Đổi lại, Nga đã đồng ý gửi cho Tehran chiến đấu cơ, trực thăng tấn công, phản lực cơ huấn luyện và hệ thống radar. Nga cũng đã để Iran dùng chung năng lực mạng và thông tin tình báo.
Iran và Nga đang hợp tác về nhiều vấn đề hơn là chỉ những vấn đề quân sự thông thường. Trên thực tế, có vẻ như mọi thứ đều có thể xẩy ra để theo đuổi mục tiêu lật đổ phương Tây. Điện Kremlin đã chia sẻ thông tin và kỹ thuật bí mật để giúp Tehran phát triển vũ khí hạch tâm. Nga đã tận dụng vị trí tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc của mình để bảo vệ Iran không phải có trách nhiệm giải trình về những hành động gây mất ổn định và vi phạm luật pháp quốc tế. Moscow đã chia sẻ thông tin tình báo và cung cấp vũ khí cho những nhóm được Iran hậu thuẫn gồm cả Hamas, Hezbollah và Houthis. Hai quốc gia này đang trao đổi tư vấn về cách dập tắt những cuộc biểu tình, phá hoại những nỗ lực của tổ chức đối lập và giám sát công dân của họ. Nga thậm chí còn cung cấp cho Iran kỹ thuật giám sát tiên tiến.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng đang gia tăng. Năm 2023, Tehran đã ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga đứng đầu và nhận lời mời gia nhập BRICS, một khối do Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Hoa thành lập vào năm 2009 và Nam Phi đã gia nhập vào năm sau. Nga đã thúc đẩy xuất cảng ngũ cốc sang Iran. Cả hai nước đều thiết lập một cơ chế chuyển ngân liên ngân hàng để họ có thể giao dịch trực tiếp bằng đồng rúp và đồng rial, tránh những lệnh trừng phạt của phương Tây khiến họ không thể dùng euro hoặc đô la. Họ đã thảo luận về việc tạo ra cái mà họ gọi là Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế—một mạch đường thủy, đường sắt và đường bộ kết nối Ấn Độ, Iran và Nga.
NHỮNG NGƯỜI BẠN CÙNG GIƯỜNG LẠ LÙNG
Iran và Nga có thể sẽ xích lại gần nhau hơn trong những năm tới, nhưng không có gì bảo đảm rằng sẽ có sự hợp tác lớn hơn. Với tất cả những lợi thế của họ, liên minh Iran-Nga vẫn còn những mâu thuẫn cố hữu, sự ngờ vực lẫn nhau và những lợi ích cạnh tranh có thể làm suy yếu tính bền vững của liên minh này.
Một trong những trở ngại lớn nhất là lịch sử chung của Iran và Nga. Hai quốc gia kết nối về mặt địa lý với nhau bằng Biển Caspi, đã trải qua nhiều thế kỷ là đối thủ đế quốc. Quân đội Liên Xô đã chiếm đóng một phần Iran trong Thế chiến II, và Iran là một phần quan trọng của phe phương Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tất nhiên, điều đó đã thay đổi sau cuộc cách mạng năm 1979, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo mới của Iran không mấy quan tâm đến việc liên kết với Liên Xô thế tục. Ayatollah Ruhollah Khomeini, người lãnh đạo tối cao đầu tiên của Cộng hòa Hồi giáo, ghét Washington. Nhưng ông không ưa Moscow, nơi mà ông gọi là “Satan nhỏ hơn.”
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai nước đã đạt được những sự điều chỉnh đôi khi khó xử trong phạm vi hậu Xô Viết. Iran đã lạnh nhạt với những người Hồi giáo Chechnya đấu tranh giành độc lập khỏi Nga vào đầu những năm 1990, mặc dù hiến pháp Iran yêu cầu “cam kết anh em với tất cả Người Hồi giáo và sự ủng hộ không tiếc đối với những người bị áp bức.” Hai bên thận trọng nhìn nhau khi Armenia và Azerbaijan giao tranh vào đầu những năm 2000. Theo một số cách, họ đang cạnh tranh ngày nay. Kể từ cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai, vào năm 2020, Moscow đã cố gắng giúp Baku tạo ra một hành lang nối Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tehran đã cố gắng ngăn chặn việc đó, vì lo ngại rằng hành lang này sẽ cắt đứt quyền tiếp cận trực tiếp của họ với Armenia và làm giảm ảnh hưởng trong khu vực.
Iran và Nga cũng không cùng quan điểm ở Trung Đông. Ví dụ, Iran và Israel là những kẻ thù công khai. Nhưng Nga có mối quan hệ làm việc chặt chẽ với Israel. Đúng là kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào năm ngoái, Putin đã chỉ trích Israel, thậm chí còn mời một phái đoàn Hamas đến Nga. Vũ khí của Nga cũng đã đến được với nhiều đối thủ trong khu vực của Israel. Nhưng hơn một triệu người Israel nói tiếng Nga, tạo điều kiện cho Moscow có chỗ đứng tại Israel và là lý do để ưu tiên an ninh của Israel. Đổi lại, Israel cũng quan tâm đến lợi ích của Nga tại Syria. Nga cũng theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với những nước Ả Rập ở Trung Đông trong nỗ lực khai thác vốn của khu vực Vịnh và chuyển vốn của Nga bị trừng phạt bằngnhững tổ chức ngân hàng vùng Vịnh. Những nhu cầu này tự nhiên khiến Nga nhậy cảm hơn với nhiều khiếu nại của thế giới Ả Rập về hành động của Iran.
Iran và Nga không chỉ có lợi ích địa chính trị khác nhau. Bất chấp mọi lời bàn tán về việc hình thành quan hệ hợp tác thương mại, cả hai quốc gia chung cuộc đều bị ngành kỹ nghệ hydrocarbon của họ chi phối. Và vì những lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế khả năng bán dầu của họ cho toàn thế giới, nên họ buộc phải bán dầu trong cùng một số ít thị trường. Cạnh tranh có thể sớm trở nên gay gắt hơn: thị trường lớn nhất trong đó, Trung Hoa, đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế có thể làm suy yếu nhu cầu năng lượng của nước này.
Cuối cùng, ở mức căn bản hơn, Iran và Nga có nền văn hóa chiến lược khác nhau. Trong phần lớn thế kỷ XX, Moscow đã lãnh đạo một trong hai siêu cường toàn cầu và vẫn tiếp tục có ý thức lịch sử về chủ nghĩa ngoại lệ. Mặc dù người Iran nuôi dưỡng tham vọng bá quyền, nhưng những tham vọng đó lại mang tính khu vực sâu sắc. Và hơn cả những giấc mơ thống trị, giới lãnh đạo Iran bị sự oán giận thúc đẩy. Trong nhiều thế kỷ, người Iran cảm thấy bị những quốc gia hùng mạnh hơn bóc lột, kể cả Nga. Rốt cuộc, vào những năm 2010, Moscow đã hợp tác với những lệnh trừng phạt của phương Tây để gây sức ép buộc Iran phải kiềm chế chương trình hạch tâm của họ.
MỐI LIÊN KẾT GÂY CHIA RẼ
Hiện tại, bản năng ở Washington là gộp Iran và Nga lại với nhau, coi họ như một dạng trục bền vững đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Nhưng xét đến nhiều điểm khác biệt giữa hai quốc gia, giới chức chính phủ Hoa Kỳ nên coi họ như những gì họ vốn có: hợp tác tiện lợi. Điều đó có nghĩa là, thay vì gộp cả hai lại với nhau, Washington nên kiên nhẫn tìm cách đẩy họ ra xa nhau.
Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng cách dùng những lệnh trừng phạt một cách kéo léo hơn. Những chế độ độc tài cá nhân nhậy cảm hơn những chế độ độc tài khác đối với tình trạng mất nguồn ngoại thu do lệnh trừng phạt gây ra. Dựa vào sự bảo trợ cá nhân hơn là những thể chế chính thức, họ cần một nguồn thu liên tục, có thể dễ dàng bị nhắm mục tiêu. Ở Iran và Nga, nguồn thu này phần lớn đến từ việc xuất xảng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, chính quyền Biden đã ưu tiên sự ổn định của thị trường năng lượng hơn là hoàn toàn siết chặt Iran và Nga, do đó hai quốc gia này đã xoay xở để duy trì sản xuất. Nhưng trong một thế giới hiện đang tràn ngập công suất dự phòng, Hoa Kỳ có thể đủ khả năng để quyết liệt hơn trong việc cắt giảm lợi tức nhờ dầu khí của mình. Nếu Washington tăng cường thực thi những lệnh trừng phạt, họ sẽ làm tăng mức cái giá bảo hiểm rủi ro mà Trung Hoa sẽ yêu cầu để mua dầu của họ, do đó làm giảm cả doanh thu của Iran và Nga. Việc thực thi chặt chẽ hơn mức giá trần mà Hoa Kỳ và những nước G-7 khác áp dụng đối với dầu của Nga vào năm 2022 cũng sẽ có ảnh hưởng tương tự, giống như bất kỳ nỗ lực nào khác của Hoa Kỳ nhằm hạ giá dầu.
Tương tự như vậy, Hoa Kỳ nên nêu bật những cách khác mà hai nước có xung đột quyền lợi. Ví dụ, những chiến dịch thông tin có mục tiêu nên vạch trần cách Nga ủng hộ những ưu tiên của Ả Rập Saudi và những Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Trung Đông hơn là Iran. Phương Tây cũng nên nêu bật mối quan hệ lâu dài của Nga với Israel. Trong một số trường hợp, phương Tây có thể thổi phồng những sự thật này bằng cách giải mật thông tin phơi bày những căng thẳng này.
Tác giả
Maria Snegovaya là một thành viên cao cấp của Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Dịch vụ Đối ngoại Walsh của Đại học Georgetown và cũng là thành viên của PONARS Eurasia. Tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia.
Jon B. Alterman, tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia và là phó chủ tịch cao cấp của CSIS, giám đốc Chương trình Trung Đông và Chủ tịch Zbigniew Brzezinski về An ninh toàn cầu và Địa chiến lược, có kinh nghiệm sâu rộng trong hoạch định chính sách, giảng dạy nghiên cứu Trung Đông. Ông thường xuyên bình luận về chính sách.
© 2024 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Iran and Russia’s Fragile Partnership | Maria Snegovaya and Jon B. Alterman | Foreign Affairs | November 25, 2024.