Đồng cỏ thơ ấu Việt Nam của tôi
Dương Tâm Chí
Retrouvailles 1997, tôi còn thuộc lứa tuổi U50, không còn quá xung nhưng tôi thấy tôi cũng còn… “xà và”. Về lại trường cũ sau trên 20 năm rời xa, không phải để nói câu: “Thưa thầy con là Carnot đây”, mà chỉ muốn gặp lại những người thân thương lâu ngày không gặp và với một vết tích hồn nhiên còn sót lại, tôi muốn coi trường và nơi ăn chốn ở của tôi bây giờ ra sao? và tự hát cho tôi nghe:
“Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ
Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ…”(Duy Khánh, Trường cũ tình xưa)
Good news! Université Laval được bảo trì đàng hoàng, không có tường có mái nào rêu mờ hết, và very good news! Retrouvailles 1997 được đánh dấu bằng sự sụp đổ của hai bức tường vững như Vạn Lý Trường thành! Tuy vô hình nhưng 2 vách ngăn này đã từng làm khó dễ không biết bao nhiêu là nam nữ sinh viên du học thời đó, đó là vách ngang ngăn giữa các promotions và vách dọc ngăn giữa Lacerte và toàn thể các chàng trai thế hệ sanh sống tại Parent, Moraud và Lemieux….Vách ngang thì với thời gian tự nó phải sụp thôi, thuở mới qua, cách nhau một năm là ghê gớm lắm, do kính trên, nhường dưới nên cuối cùng chỉ có những ai cùng promotion với nhau thì mới dễ nói chuyện thân mật ngoài chuyện học hành…Có tuổi rồi thì cách nhau 5, 10 năm chẳng nhằm nhò gì…
Vách dọc thì khó hơn, nhưng cũng phải nhào thôi, chuyện là như vầy: Tối thứ bảy, sau khi xong văn nghệ, không biết ai là người cho ý kiến mà có một nhóm khá đông anh chị em rủ nhau họp mặt trong hành lang Moraud, vừa tu chai vừa nói chuyện thời còn sinh viên, bao nhiêu uẩn khúc, hiểu lầm, rumeurs gì giữa Lacerte và quần hùng đều được đem ra giải quyết tại chỗ…cuộc tọa đàm, hòa giải được tạm chấm dứt lúc 2 giờ 30 sáng khi cảnh sát đến yêu cầu nói chuyện vừa đủ nghe để khỏi làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi… Bức vách ngăn Lacerte kể như sụp đổ hoàn toàn với một câu kết luận tôi nghe được: “Phải chi hồi đó tụi mình nói chuyện cởi mở với nhau như bữa nay thì…!” (Người nói câu này đã bỏ lửng câu nói chớ không phải tôi không dám ghi lại).
Retrouvailles 2007, người trông tuy vững, nhưng bóng đã xiêu, sau Retrouvailles 1997, tôi mất đi một người bạn thân, chuyện này đã làm cho lòng tôi chùng xuống, nên tôi tự đặt riêng cho tôi chủ đề Retrouvailles 2007 là “Tui đi tìm tui”. Tôi sẽ viết ít hàng về bạn hiền ở phần trả lời câu hỏi số 2. Retrouvailles 2007 thật vui, tôi về trường sáng sớm thứ sáu, đi dạo khắp trường với một vài người bạn, mỗi chỗ đi qua đều có người nhắc đến chuyện xưa…Tới PEPS thì đã thấy có vết “tường mái rêu mờ” rồi, nhớ ngày đầu mới bước chân vô, PEPS còn thơm mùi béton…Béton mà còn rêu mờ thì con người có nghĩa lý gì…
Sau văn nghệ đêm thứ bảy, ngựa quen đường cũ, tôi lại rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề ở hành lang Moraud với Zummie và một vài người bạn… Đây là lần chót tôi được nhậu với Zummie. Zummie và anh Năm Thoòng đã đến với Retrouvailles 2007 và sau đó rủ nhau đi đến một nơi bất sanh, bất diệt….
Chờ mong lớn nhất của tôi cho Retrouvailles 2013 là gặp lại các anh chị em càng đông càng tốt và ai nấy đều mang về theo nụ cười và kỷ niệm để kể cho nhau nghe…
Retrouvailles 1997, anh Vũ Kiện đã viết cho Đất Lạnh những giòng này:
“Giữa cười cợt mà lòng đau như xé
Rượu ròng ròng làm nước mắt đưa cay
Chí lớn hoài công, vá trời lấp bể
Chai cạn cằn mà tay đã rung tay
Chạm cái nữa cho môi mềm lưỡi cứng
Tuyết lên rồi cho gió cuốn mang theo
Trăm năm nữa cái gì còn mất
Có hề chi, này, một chút rong rêu…”
Sau đó không lâu, anh dứt áo ra đi, mấy câu chót của bài thơ như là một lời chia tay bi hùng, rất tiếc là lúc đó tôi vẫn còn loay hoay với vách ngăn promotions nên mất đi một dịp cho môi mềm lưỡi cứng với anh. Đọc lại thơ anh Vũ Kiện đã làm tôi nhớ đến một người bạn thân.
Y đã từng chung vai sát cánh với tôi trên các thao trường của Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ, cùng ở chung appartement khi lên Montréal, cùng làm chung hãng… Năm 1997 tôi cố gắng “thân mời” y về Québec dự Retrouvailles, y không về được và hẹn rằng, “Kỳ tới chắc chắn tau sẽ có mặt!” Và y đã lỗi hẹn với Retrouvailles 2007; năm 2001 bạn tôi đã bước đi trước một bước vào cõi Ta-bà… Vào lúc cuối, tôi đến thăm y mỗi ngày…Tôi nhớ hoài “câu trả lời” cuối cùng của y khi tôi hỏi “Bữa nay khỏe không?” Mắt vẫn nhắm, giữa đám dây nhợ chằng chịt, y cố gắng mở hai ngón tay ra dấu “victoire”… Sáng hôm sau người thân của y phone và khóc qua điện thoại….Có hề chi, này, một chút rong rêu…
Nếu chỉ cho riêng cuộc đời về hưu của tôi thì chẳng có gì đặc biệt, cứ nhìn đời lạnh lùng trôi theo dòng nước, mỗi 2 tuần lãnh tiền hưu… Đó là chuyện trong tương lai, vì thực sự tôi chỉ nghỉ hưu được vỏn vẹn có 3 ngày, sau đó lại lao vào cái nghiệp Métro, boulot và dodo như một con thiêu thân…Bạn bè đồng lứa hay thế hệ đàn em đi sau có cần gì ở tôi thì tôi lúc nào cũng sẵn sàng chia xẻ, riêng tôi, tôi không có lên kế hoạch nào hết… Lúc còn đi học hay đi làm, tôi hay chờ nước tới trôn mới nhảy, bây giờ thì có ướt cũng không sao, khỏi thèm nhảy!
Đối với tôi, cho tới ngày nay “những đồng cỏ thơ ấu Việt Nam” vẫn còn nằm tại chỗ y như ngày tôi bắt đầu biết nhận thức. Nếu có ai đó lấy GPS đi tìm thì chắc chắn sẽ tìm ra nơi chốn có đồng cỏ thơ ấu Việt Nam “của tôi” nhưng không thể nào tìm được trái tim tôi ở đó; đám chủ nhân ông mới của một ngày của tháng tư 1975 đã làm tôi trở nên xa lạ với nơi chốn mà tôi trân quý. Có lẽ trái tim của “ông lái đò” và anh Vinh Dài cũng văng đâu đó như tôi khi 2 anh tâm sự với nhau về nước mưa ở Canada hay Yaoundé hay “những đồng cỏ thơ ấu Việt Nam” khi viết câu này “Hạt mưa rơi ngàn năm vẫn vậy, chỉ có lòng người cảm thấy xót xa cho một thời đã qua đi…” Hạt mưa vẫn vậy, đồng cỏ vẫn xanh nhưng đó là một màu xanh giả tạo của cỏ synthétique lót sân đá banh mà chủ mới đã áp đặt lên vận mạng của những người còn ở lại trên cánh đồng xưa…
Tháng 12 năm 1974, học xong, tôi chuẩn bị tinh thần để trở về đồng cỏ của tôi, tôi háo hức như một lực sĩ chạy tiếp sức; chuẩn bị bước vào lằn ranh sân chạy, tôi sẵn sàng nhận cây gậy của người chạy trước chuyền lại; tâm trạng của tôi lúc đó giống như tâm trạng của một nhà văn mà tôi không nhớ tên, viết lúc mới học xong khóa căn bản ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung… Lúc ra khỏi cổng trường, đương sự chỉ mỉm cười và nói: “Tổ Quốc ơi! Ta đã sẵn sàng!” Tôi mê câu này… Nhưng hỡi ơi, người chuyền gậy cho tôi đã bị cơn hồng thủy cuốn đi; đá nát vàng tan, tôi hụt chân không được chạy tiếp đoạn đường mà những thế hệ trước đó đã vạch cho tôi… Trước tôi đã có hàng hàng lớp lớp người chuyền tay nhau cây gậy tiếp sức, sau tôi cũng có hàng hàng lớp lớp khác đang chờ… Chúng tôi, những kẻ đi sau đã mang món nợ với những người đi trước, một món nợ mà tôi khó trả được, chúng tôi không thể làm gì để tiếp tục vun bồi cho đồng cỏ thêm xanh. Những thế hệ đi trước đã hy sinh tất cả để cho tôi có được những ngày yên bình cắp sách đến trường, những ngày tôi nhởn nhơ đi học ở miền Đất Lạnh thì họ đã liều thân với Hạ Lào, với Mùa Hè Đỏ Lửa…
Tôi xa lạ với đồng cỏ hiện nay, nhưng tôi hy vọng rằng bãi cỏ synthétique với đám chủ nhân ông quái ác này cũng sẽ được “Cơ giời, vận nước” gỡ bỏ đi, tôi không mất niềm tin và … Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho tôi.…
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: Dương Tâm Chí, Góc Vườn Tao Ngộ, Đất Lạnh 2013, Mùa Thu. DCVOnline đè tựa.