Làm thế nào để đi đến một thỏa thuận có thể chấp nhận được cho Ukraine

Spread the love

Ban Biên Tập FT | DCVOnline


Áp lực lên Vladimir Putin và đảm bảo an ninh cho Kyiv là điều cần thiết

Một lính cứu hỏa đang chữa cháy tại địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng phi đạn ở Kyiv vào tháng trước. Một thỏa thuận tồi tệ cho Ukraine có thể có nghĩa là nước này sẽ phải chịu một cuộc tấn công tiếp theo của Nga © AFP qua Getty Images

Cùng với Trung Đông, tương lai của Ukraine là một trong những câu hỏi địa chính trị quan trọng của năm tới. Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã nói về việc chấm dứt cuộc chiến xâm lăng vô cớ của Nga sang nước láng giềng trong vòng 24 giờ sau khi trở lại nhiệm sở. Kyiv đã ám chỉ rằng họ sẵn sàng cho một thỏa thuận theo những điều khoản của riêng họ. Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng trong nền kinh tế của Nga, Vladimir Putin với quân đội dù tiến triển chậm nhưng ổn định trong năm qua – ít có khuynh hướng muốn ngồi vào bàn đàm phán. Rủi ro lớn nhất là Ukraine bị đẩy vào một lệnh ngừng bắn gây bất lợi cho Ukrain, cho an ninh châu Âu và cuối cùng là cho cả Hoa Kỳ và những đồng minh khác.

Nỗi lo sợ ở châu Âu là Trump có thể đặt ưu tiên đi đến một thỏa thuận nhanh chóng như một chiến tích đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đã đưa ra ý định buộc Kyiv phải đàm phán bằng cách đe dọa cắt viện trợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu không gây áp lực lên Moscow, điều này gần như chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc Ukraine phải khuất phục trước những yêu cầu của Nga, gồm cả việc trung lập và phi quân sự hóa quốc gia này.

Những nguy cơ của một thỏa thuận như vậyrất rõ ràng. Một Ukraine suy yếu nghiêm trọng có thể trượt trở lại quỹ đạo của Moscow hoặc chịu khuất phục trước một cuộc tấn công tiếp theo của Nga sau này. Giới lãnh đạo Kyiv thậm chí có thể không chấp nhận một thỏa thuận tương đương với sự khuất phục mà chọn cách tiếp tục chiến đấu, ngay cả khi không có viện trợ của Hoa Kỳ; những nước châu Âu sẽ cảm thấy có bổn phận về mặt đạo đức và chiến lược phải giúp đỡ. Dù bằng cách nào, mặc dù Trump có thể coi việc giải thoát Hoa Kỳ khỏi Ukraine là bỏ rơi nước này để tập trung vào Trung Hoa, nhưng bất kỳ hành động nào cho thấy Washington lại bỏ rơi một đồng minh sẽ không chỉ khiến Bắc Kinh mà cả những nước như Bắc Hàn và Iran trở nên táo bạo hơn.

Ít nhất thì một thỏa thuận khác cũng có thể hình dung được, khó đạt được hơn nhiều nhưng tốt hơn nhiều cho Ukraine và những đồng minh của nước này. Nó sẽ tìm cách đảm bảo rằng, trong khi Nga có thể duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với một số lãnh thổ đã chiếm được ở Ukraine — dù viễn cảnh đó có đáng ghê tởm đến đâu — thì Ukrain sẽ có thể xây dựng lại phần lãnh thổ còn lại, gia nhập EU và thịnh vượng.

Có hai thách thức chính để hiện thực tầm nhìn như vậy. Một là buộc một Putin ngoan cố phải ngồi vào bàn đàm phán với sự chuẩn bị thỏa hiệp; mục tiêu của ông ta, xét cho cùng, luôn không phải là chiếm đoạt lãnh thổ mà là làm suy yếu quyền tự chủ của Ukraine. Nhưng vẫn có thể thúc đẩy người lãnh đạo Nga hướng tới một thỏa thuận bằng cách cảnh cáo — như Trump đã gợi ý — rằng nếu không, Hoa Kỳ sẽ trao cho Ukraine “nhiều hơn những gì họ từng nhận được”.

Điều này không chỉ đòi hỏi phải hứa hẹn mà còn phải nhanh chóng cung cấp nhiều viện trợ quân sự hơn cho Kyiv để chứng minh lời nói đi đôi với việc làm. Rủi ro Nga leo thang sẽ tăng lên. Tuy nhiên, như một số người thân cận với tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ thừa nhận, một thỏa thuận “tồi tệ” cho Ukraine có thể tương đương với “Afghanistan của Trump”, ám chỉ đến cuộc rút quân hỗn loạn năm 2021 dưới thời Joe Biden, mà Trump đã lên án. những đồng minh châu Âu nên cổ động lập luận này với tổng thống mới.

Thách thức thứ hai là bất kỳ thỏa thuận nào cho phép phần đất còn lại của Ukraine tái thiết đều phải được hỗ trợ bằng những bảo đảm an ninh đủ mạnh để ngăn chặn Moscow không mở những cuộc tấn công trong tương lai. Vì sự đồng thuận về việc mời Kyiv gia nhập NATO có thể là điều không thể, và Trump đang tìm cách thu hẹp chứ không phải mở rộng những cam kết quân sự của Hoa Kỳ tại châu Âu, nên những nước châu Âu có thể sẽ phải cung cấp cho những thỏa thuận như vậy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dẫn đầu những cuộc tham vấn về những bảo đảm an ninh, gồm cả khả năng sử dụng đến quân đội. Nhưng tiến độ vẫn còn hạn chế. Những thỏa thuận đầy đủ sẽ đòi hỏi phải huy động quân đội và tài nguyên hiện đang cạn kiệt của châu Âu ở quy mô chưa từng thấy trong nhiều chục năm qua.

Cả một lệnh ngừng bắn “tồi tệ” hay việc tiếp tục kéo dài một cuộc chiến tranh tàn khốc với hy vọng khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều không phải là một lựa chọn hấp dẫn. Một thỏa thuận có thể chấp nhận được sẽ phức tạp để đạt được và tốn kém để hỗ trợ. Tuy nhiên, việc gánh chịu những chi phí đó ngay bây giờ có thể tránh được cái giá lớn hơn phải trả trong tương lai.

© 2025 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: How to secure an acceptable deal for Ukraine | The Editorial Board | FT | Jan. 5, 2025