Nước Mỹ trên hết—Góc nhìn từ Tiểu bang thứ 51
Don Lenihan | DCVOnline
Khi Đảng Tự do chuẩn bị chọn lãnh đạo mới—và cuối cùng là một cuộc bầu cử—một cuộc tranh cãi um xùm đang hình thành ở phía nam giữa những người theo chủ nghĩa dân túy của MAGA và giới tinh hoa kinh doanh.
Trong lúc vấn đề nhập cư là điểm nóng, cuộc tranh cãi lộn xộn này không chỉ dừng lại ở chính sách—đó là cuộc chiến về cách “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong thời đại Trí tuệ nhân tạo (AI). Kết quả có thể định hình tòa Bạch Ốc của Trump. Người Canada có thể nên lắng nghe.
Tranh cãi về vấn đề gì?
Chiếu khán H-1B cho phép những công ty Mỹ thâu nhận nhân viên nước ngoài có khả năng khó tìm được ở trong nước. Những người theo chủ nghĩa dân túy MAGA cho rằng phương pháp thuê nhân viên này đã bị lạm dụng — đặc biệt là do những công ty Kỹ thuật lớn (Big Tech) — và nhiều trong số những việc làm đó nên thuộc về người Mỹ.
Khi đồng lãnh đạo Bộ Chính phủ Hiệu quả (DOGE) Vivek Ramaswami đứng lên bảo vệ chiếu khán H1-B, những người theo thuyết Mỹ trên hết như Steve Bannon tỏ ra nghi ngờ. Họ nói rằng những doanh nghiệp Mỹ không đầu tư vào công nhân Mỹ.
Elon Musk, một người hết mình ủng hộ chiếu khán H1-B, đã phản pháo, gọi những người theo chủ nghĩa dân túy MAGA là “những kẻ phân biệt chủng tộc” và “những kẻ ngu ngốc đáng khinh”, và thậm chí còn nói với một người đối lập rằng “hãy lùi lại một bước và Đ_ vào mặt MÌNH.”
Bannon, không chùn bước, đã nặng lời hơn, coi Musk là “con nít chính trị” và thề sẽ “xé toạc mặt [anh ta]” nếu cuộc chiến tiếp tục – và rất có thể điều đó sẽ xẩy ra. Đây là hai tầm nhìn rất khác nhau của thương hiệu MAGA.
Đối với Bannon, thuyết chính trị MAGA là xây dựng những câu chuyện truyền tải cảm xúc trong tầng lớp cơ sở. Kết hợp nhập cư với America First là một ví dụ điển hình. Nó đánh vào những nỗi sợ hãi sâu xa về tội phạm, việc làm và an ninh văn hóa và đối với một người theo chủ nghĩa dân túy như Bannon, đó chính là máu thịt của chính trị MAGA.
Musk và những đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon có cách nhìn chính trị khác. Đối với họ, quyền lực bắt nguồn từ sự giầu có, kế hoạch và sự đổi mới. Mặc dù Musk rất sẵn lòng chiều theo cơ sở nhưng ông không phải là người theo chủ nghĩa dân túy. Quan điểm của ông về thế giới là hợp lý và hướng tới mục tiêu, như có thể thấy qua danh sách dài những thành đạt của ông.
Nhưng Musk cũng là một phần của thế hệ lãnh đạo kỹ thuật mới, những người có tầm nhìn về tương lai được xác định bằng niềm tin rằng AI sắp biến đổi thế giới – và ông muốn nước Mỹ dẫn đầu cuộc cách mạng này. Đối với ông, chính trị là công cụ giúp hiện thực hóa tầm nhìn này.
Musk không đơn độc. Hầu hết Thung lũng Silicon đều có cùng quan điểm này và muốn nước Mỹ đứng đầu. Điều này vượt xa việc tập hợp cơ sở MAGA hoặc kể những câu chuyện khéo léo. Nó đòi hỏi những kỹ thuật chuyên môn, nguồn vốn dồi dào, trọng tâm rõ ràng và sự lãnh đạo đúng đắn của chính phủ.
Do đó, “Tech Bros” xung quanh Trump cũng là những người theo thuyết Người Mỹ trên hết, nhưng thuộc một loại khác. Theo quan điểm của họ, thuế nhập cảng và tường biên giới sẽ không làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại; nhưng đầu tư đúng đắn và sự lãnh đạo về AI sẽ.
Tại sao Trump lại đứng về phía Big Tech?
Trump đang đứng ở hai hàng của MAGA. Việc ông tiếp thu Đảng Cộng hòa liên quan đến sự thu hút mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy đối với tầng lớp cử tri cơ sở. Nhưng nếu Trump, người lãnh đạo Đảng Cộng hòa, là một người theo chủ nghĩa dân túy, thì cá nhân Trump là một người theo chủ nghĩa tinh hoa với những mục tiêu cả đời luôn xoay quanh việc tích lũy của cải và qua đó là quyền lực, danh vọng và địa vị.
Vì vậy, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Trump đứng về phía Big Tech trong vấn đề chiếu khán H1-B, khẳng định ông “luôn ủng hộ chiếu khán” mặc dù trước đây đã chỉ trích chúng gay gắt.
Trump bị Big Tech thu hút vì ông ấy cần tăng trưởng kinh tế và đổi mới để thực hiện những lời hứa của mình. Giới lãnh đạo kỹ thuật như Musk, Peter Thiel và David Sacks dường như đang thuyết phục ông rằng AI có thể cách mạng hóa những ngành kỹ nghệ, tạo ra con đường dẫn đến tăng trưởng kinh tế lớn và nước Mỹ có thể đi đầu trên con đường này.
Về mặt chính sách, phần lớn suy nghĩ của họ phù hợp với chủ nghĩa dân túy MAGA, gồm khuynh hướng tự do, tập trung vào hiệu quả và đổi mới cũng như thúc đẩy bãi bỏ quy định.
Nhưng vẫn còn một sự khác biệt sâu sắc.
Tầm nhìn AI của Thung lũng Silicon vốn mang tính toàn cầu hóa, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, thị trường mở và nhập cư. Mặc dù người Canada sẽ hoan nghênh điều này nhưng nó lại mâu thuẫn với triết lý Nước Mỹ trên hết của những người theo chủ nghĩa dân túy. Sự chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa dân túy và giới tinh hoa doanh nghiệp phản ảnh sự căng thẳng sâu sắc hơn về cách toàn cầu hóa và kỹ thuật đã định hình và tiếp tục định hình lại nền kinh tế.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số lần thứ hai
Cơ sở của MAGA bị thúc đẩy do sự tức giận cũng như nỗi sợ hãi. Phần lớn điều này bắt nguồn từ sự suy giảm sản xuất của Mỹ trong những năm 1990 và 2000 — hậu quả của toàn cầu hóa và thương mại tự do. Sự chuyển dịch kinh tế này gắn liền với sự phát triển của kỹ nghệ kỹ thuật số và Internet: giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Sự tức giận đó đã thúc đẩy sự trỗi dậy quyền lực của Trump.
Giờ đây, cơ sở của Trump phải đối phó với giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng kỹ thuật số, lần này do AI thúc đẩy. Họ sẽ phản ứng thế nào nếu hàng triệu việc làm khác biến mất — không chỉ trong những lĩnh vực lao động chân tay như vận tải đường bộ mà còn trong những ngành nghề cổ trắng? Liệu Trump có tách mình khỏi Big Tech để đứng về phía cơ sở của ông như những người theo chủ nghĩa dân túy như Bannon đang bảo vệ không?
Tuy nhiên, ở tuổi 78, Trump không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Đây gần như chắc chắn là màn diễn sau cùng của ông ấy. Sự chú ý của ông ấy có thể đã chuyển sang di sản của mình. Mở ra con đường AI dẫn tới tăng trưởng kinh tế và lãnh đạo toàn cầu có vẻ như là cách cuối cùng để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Tiếp theo là gì?
Tại Canada, Đảng Tự do đang chuẩn bị lựa chọn một nhân vật lãnh đạo mới và tất cả những chính đảng đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử quốc gia. Hôm qua, Trump đã lao vào cuộc cạnh tranh, cân nhắc việc sử dụng áp lực kinh tế để buộc Canada gia nhập Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh này, nếu Trump quyết định dốc toàn lực vào đổi mới AI, Canada nên ứng phó như thế nào? Chúng ta có muốn trở thành người dẫn đầu trong môi trường này không? Nếu vậy, chúng ta phải hợp tác với Hoa Kỳ, và mối quan hệ như vậy sẽ đòi hỏi những gì?
Phải chăng định mệnh là trong thời đại kỹ thuật số mới này, Canada trở thành tiểu bang thứ 51? Trump rõ ràng nghĩ như vậy.
Tác giả | Don Lenihan PhD là một chuyên gia về sự tham gia của công chúng với trọng tâm lâu dài là cách công nghệ nghệ kỹ thuật số đang thay đổi xã hội, chính phủ và quản trị.
© 2025 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
________________________
Nguồn: America First—The View from the 51st State | Don Lenihan | National Newswatch | Jan 8, 2025