Những mẩu đời thường
Hoàng Tường Anh
Tôi gọi thêm cốc rượu mạnh, nhấp từng ngụm nhỏ, nhìn cô ca sĩ không tên tuổi uốn éo trong bản nhạc giật gân, sàn nhẩy lèo tèo vài ba người, thiên hạ vào đây chủ yếu là đỏ đen, còn phần ca nhạc chỉ là phụ.
T. gọi báo cho tôi biết tin buồn từ Sydney là nàng có khả năng bị ung thư tử cung, giọng nấc nghẹn trong điện thoại. Tôi ôm, vỗ về, vuốt ve nỗi đau của T. cả giờ đồng hồ qua đường dây viễn liên.
Chợt thèm môi hôn của N. mỗi khi xe dừng lại chờ đèn đường, khoảnh khắc ấy thật ngắn mà nhiều cảm xúc, tôi yêu những hành động thú vị của N. đến bất ngờ như vậy. Lần dạo biển chung, N. thủ thỉ với tôi ước gì sau này chúng mình về dưỡng già ở đây anh nhỉ, N. yêu thành phố biển này, Fort Lauderdale, chỉ trừ tháng 3 là bọn học sinh thường tụ tập về đây quậy phá trong dịp spring break, làm mất vẻ trầm lặng của biển; Nhưng nhìn ánh mắt nàng, hình như trong giấc mơ ấy, N. biết không thể có tôi, dù nàng rất mong mỏi; N. ngả vào lòng tôi với những giọt nước mắt dấu kín.
Ở lứa tuổi ngoài 40, qua một đời chồng, một mình nuôi con, có lẽ vì quá tất bật với đời sống hàng ngày, D. trông già dặn hơn tuổi, với bản tính cần cù, nàng quần quật cả ngày trong nhà hàng, hầu như mở cửa 7 ngày trên 7. D. rủ tôi qua Boston dự lễ phát bằng ra trường của cô con gái lớn, tôi từ chối với lý do phải dành thì giờ đi thăm T..
Tôi đặt nụ hôn lên trán T., sau khi rời phòng mổ khẩn cấp, gương mặt T. tái xanh nhợt nhạt, thờ thẫn trong hôn mê; Tôi cắm bó hoa và những lời chúc an lành lên bàn. T. kể cho tôi nghe những bất hạnh trải qua đời mình trên đường vượt biển khi lọt vào tay hải tặc lúc T. chưa tròn 13 tuổi, nỗi sợ hãi, những ám ảnh cũ cứ theo đuổi nàng trong giấc ngủ, ác mộng cứ về như cuộn phim được quay ngược lại nhiều lần; Tôi hứa đến Vancouver đón T. ở phi trường khi nàng từ Sydney xuyên đại dương, quay về đây để chữa bịnh, nơi mà phúc lợi bảo hiểm y tế tương đối hoàn hảo nhất thế giới.
Tôi đến nơi khoảng hơn 5 giờ chiều, sau vụ 911, sân bay nào cũng vắng hẳn người, tôi phải đợi N. đến đón ở phi trường Fort Worth, sau khi nàng rời bệnh viện quãng 7 giờ tối, tôi chưa từng nhìn N. trong bộ y phục trắng của nhà thương, nhưng mường tượng chắc là xinh xắn lắm. Về nhà mở email đọc, T. không hề trách việc tôi thất hẹn, không đi đón nàng như đã hứa, chỉ tiếc là không gặp được nhau vì tôi phải rời nàng quá sớm sau khi mổ, T. cám ơn bó hoa và thiệp của tôi để lại, T. cảm thấy trống trải, đơn độc.
Đã đến lúc cần một người đàn ông để chia sẻ, đi nốt quãng đời còn lại của mình, D. nói với tôi ước muốn của nàng như thế; Lâu nay mải làm lụng sinh sống, nuôi con, D. không có thì giờ cho riêng mình, con cái giờ đã trưởng thành, D. thì quá uể oải với công việc hàng ngày, quyết định giao lại nhà hàng cho cô em quản trị; D. tâm sự, anh nghĩ xem, tuổi em bây giờ khó quá, đàn ông bên Việt Nam thì cuộc sống dễ bê tha, thêm suy nghĩ lại có cách biệt giữa hai xã hội Âu-Á, khó hoà đồng; Đàn ông Việt ở đây, cùng thế hệ thì đã yên ấm, nếu ly dị thì họ lại ưa về Việt Nam tìm vơ. Trẻ đẹp, số còn lại mà vẫn độc thân, nói theo kiểu ‘vẹm’ thì quả là thuộc diện… ‘có vấn đề’, những ‘ông già’ thế hệ trước, lấy về, không lẽ vài năm sau em lại phải ở nhà ‘giữ trẻ’? Tôi mỉm cười cảm thông sự hóm hỉnh của nàng. D. hỏi tôi nghĩ gì về nàng.
Đêm cuối bên nhau, N. bảo lúc về già nàng sẽ kể chuyện tình mình cho đàn cháu nàng nghe như một cổ tích xa xưa, tôi nói biết đâu lúc đó tôi còn sống, có dịp ghé Arlington, tình cờ chống gậy vào Phở 99 gặp lại được N. và đàn con? N. cười nụ hồn nhiên buồn, bỗng chợt oà lên, ôm tôi khóc như một đứa trẻ thơ; Tôi cách N. hơn một thế hê. Tuổi, tôi không muốn sau này N. phải ở nhà ‘giữ trẻ’ như D. nói, mà nhất là đứa trẻ ấy, lại là tôi. Tôi vân vê những giọt nước mắt của N.
Giọng nghẹn ngào qua điện thoại, T. bảo sau lần mổ, nàng bị cắt lấy đi buồng trứng để ngăn chận ung thư, T. định bụng có một đứa con vô điều kiện với tôi, muốn giữ hình ảnh tôi qua đứa bé, nhưng bây giờ đã mất hẳn ước vọng ấy. Sau 5 năm, nếu mầm ung thư không phát triển, hy vọng sẽ khỏi hẳn, T. bảo nếu tình hình sức khoẻ không khá, T. sẽ quay về sống chuỗi ngày còn lại ở quê nhà và hỏi bao giờ tôi đi thăm T..
Tôi thả cái jeton 5 đồng cuối cùng vào slot machine, những vòng quay tiếp nối vô tận, chạy đều theo ước mơ của những người mong thành triệu phú trong chốc lát ở sòng bạc.
Đã gần nửa đêm, thả xe dọc xuống phố, rẽ vào gần ngã tư Ste-Catherine – St-Laurent, nơi được gọi là ‘ngã tư Quốc Tế’, những cô gái ăn sương nghiêng ngả chào mời khách, hoà lẫn vào những vị hành khất muôn thủa trong dòng người xuôi ngược của thành phố Montréal về đêm. Chiếc Bus của nhà dòng thường làm việc thiện, đến bố thí cà phê và mền cho những kẻ vô gia cư hầu chống chỏi với cái lạnh buốt ngoài trời, đặc biệt đêm nay, Good Friday, kéo theo cả căn nhà di động chứa đầy thức ăn. Tôi xin ly cà phê và mẩu bánh mì ngọt, lân la đến đám hành khất vô gia cư, để được nghe kể, về những mẩu đời thường giẫy dụa, những thiên thần rách, đang chắp cánh bay cao và thật xa.
© 2007-2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Xuất hiện đầu tiên ở dcvblogs. October 22, 2007