Tư duy trong thơ Nguyễn Khuyến

Lê phụng

nguyenkhuyenHơn nửa thế kỷ vừa qua, trong chính sách văn hóa, chính quyền toàn trị đã thuyên chuyển Nguyễn Khuyến vào ngạch văn công yêu nước, thơ Nguyễn Khuyến trở thành những bài vè đả kích giới quan lại. Tình trạng này không có thể nào kéo dài lâu hơn nữa, vì tự do văn học là quyền sống của nhân dân và vì trào lưu văn học ngày nay trên toàn thế giới là coi tác giả là người quá cố, l’auteur est mort, đồng thời tìm hiểu tư duy tác giả theo văn bản không nhất thiết căn cứ trên tiểu sử.

Trong trào lưu văn học nói trên, và bởi người Đông Á thường không bàn cãi về triết học, nhưng biểu lộ nhân sinh quan trong nếp sống hàng ngày, hơn nữa người xưa thường ghi lại nếp sống đó trong thơ, do đó dưới chủ đề Tư Duy của Nguyễn Khuyến Trong Thơ, Truyền Thông sô 19-20, đặt việc đọc thơ Nguyễn Khuyến ra ngoài sôi động của thời thế, không căn cứ trên những thoại về Nguyễn Khuyến, sơ lược đối chiếu ngoài một trăm bài thơ của Nguyễn Khuyến với thơ của các vua Trần Nhân Tôn, Trần Minh Tôn, Tam Tổ Lý Đạo Tái và Nguyễn Trãi, tiếp tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát trong thơ Việt Âm; đồng thời đối chiếu thơ Nguyễn Khuyến với thơ của Đào Tiềm cùng các nhà thơ Đường quen biết như Đỗ Phủ, Bạch Cư Di, v.v. tại Trung Quốc, Ba Tiêu tại Nhật Bản và kinh sách Khổng, Lão, Phật học.

Kết quả cho thấy, dòng tư duy của Nguyễn Khuyến trong nếp sống hàng ngày, như ông ghi lại trong bài Úy Thạch Lão Nhân, khác vói tư duy của các triết gia hiện sinh dấy loạn như Albert Camus, Jean Paul Sartre và song song với dòng tư tưởng của Gariel Marcel, một triết thuyết mà giới nghiên cứu gọi là triết thuyết hiện sinh Công Giáo, dẫu là Nguyễn Khuyến không về dưới chân Chúa như Gabriel Marcel, mà tìm thấy được niềm hòa đồng giữa ông và Nguyễn-Khuyến-giữa-những-người-chung-quanh; tìm thấy cái tĩnh của chân nhân trên chiếc thuyền câu không phải tại nơi suối rừng mà ngay trên ao nhà, cũng như nhìn thấy vầng trăng sáng không cần nhìn thấy ngón tay chỉ mặt trăng.

I. Mở Lời

Xét những nhà văn nhà thơ nôm cận đại, vào khoảng thập niên 1930-40, Dương Quảng Hàm [1] viết về Nguyễn Khuyến như sau:

Nguyễn Khuyến (1835-1909). Ông là một người từng trải việc đời, lại có biệt tài về văn nôm. Văn ông làm đủ các lối: thơ, ca, hát nói, câu đối, văn tế, v.v… Ông thích tự vịnh tự trào, có vẻ ung dung phóng khoáng. Ông cũng hay giễu cợt người đời, chỉ trích thói đời một cách nhẹ nhàng kín đáo, rõ ra một bậc đại nhân quân tử muốn dùng lối văn trào phúng để khuyên răn ngưòi đời.

Việc xếp loại Nguyễn Khuyến vào hàng các nhà thơ trào phúng là một tiến bộ theo quan niệm giới phê bình văn học dùng phương pháp của phái hiện đại thời đó.

Trong phần tổng kết cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm[2] đặt Nguyễn Khuyến vào dòng các nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hưong, những ngưòi đã đưa văn học Việt Nam thoát ly được cái ảnh hưởng nặng nề của Hán văn và gây nên một dòng văn học Việt Nam tự lập.

Tiếp đến xuốt gần nửa thế kỷ, đất nước bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh gìữa các đại cường, nhà cấm quyền đã dùng thơ văn Nguyễn Khuyến làm một công cụ tuyên truyền, Nguyễn Khuyến được thuyên chuyển sang nghạch những nhà văn nhà thơ yêu nước. Đồng thời, một số thơ nôm của Nguyễn Khuyến được dùng làm vè đả kích giới quan lại trong phong trào bài phong đả thực

Phụ bản 1. Chân dung Nguyễn Khuyến. Nguồn: truyen-thong.org
Phụ bản 1. Chân dung Nguyễn Khuyến. Nguồn: truyen-thong.org

Cảo luận này đọc thơ Việt Âm và thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, đứng ngoài mọi sôi động thời thế, và không căn cứ trên những thoại về nhà thơ, nhất là nhưng thoại về sự giao dịch giữa nhà thơ với giới quyền thế đương thời với mục đích tìm hiểu dòng tư duy biểu hiện trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ và mối tương giao giữa thơ Nguyễn Khuyến với dòng thơ Việt Âm cùng thơ Trung Quốc và Nhật Bản cùng kinh sách Phật Lão.

Tiêu biểu cho tư duy của Nguyễn Khuyến có bài thơ Việt Âm:

慰石 老 人
Úy Thạch Lão Nhân
案 上 書一 卷
Án thượng thư nhất quyển
筒 上 筆一 把
Đồng thượng bút nhất bả
無弦 琴 一 張
Vô huyền cầm nhất trương
無 方 藥一 窠
Vô phương dược nhất khỏa
潤 渴 一瓶 茶
Nhuận khát nhất bình trà
袪 寒 一爐 火
Khư hàn nhất lô hỏa
石 盆 一仙 花
Thạch bồn nhất tiên hoa
土 鉡 一佛 果
Thổ bát nhất phật quả
與 我 相為 娛
Dữ ngã tương vi ngu
亦 有 石老 者
Diệc hữu thạch lão giả
靜 澡 殊不 同
Tĩnh táo thù bất đồng
性 情各相 左
Tính tình các tương tả
石 老 無一 好
Thạch lão vô nhất hiếu
而 我 無不 可
Nhi ngã vô bất khả
我 性 懶好 臥
Ngã tính lãn hiếu ngọa
石 老終日坐
Thạch lão chung nhật tọa
石 老 默不 言
Thạch lão mặc bất ngôn
而 我 好吟 寫
Nhi ngã hiếu ngâm tả
相 狎 無 相 猜
Tương hiệp vô tương sai
神 交 信因 果
Thần giao tín nhân quả
與 化 為往來
Dũ hóa vi vãng lai
安知 子 非 我
An tri tử phi ngã.
An Ủi Ông Lão Đá
 
Một quyển sách đặt trên bàn
Một ống bút cũ viết mòn chưa thay
Một cây đàn không có dây
Một thang thuốc bốc mấy ngày chưa phong
Một khay trà uống ấm lòng
Một lò sưởi rực than hồng kế bên
Một chậu đá trồng thuỷ tiên
Một trái phật thủ đặt trên bát sành
Chung vui năm tháng chân thành
Có ông lão đá chung tình này thôi
Nếp trời trái ngược lạ đời
Ông tĩnh ta động đôi người khác nhau
Ông lão đá chẳng ước ao
Còn ta chẳng thiếu thức nào chẳng ham
Tính ta lười nhác hay nằm
Còn ông lão đá tháng năm chỉ ngồi
Ông lão đá chằng hé môi
Còn ta ngâm vịnh suốt đời nghêu ngao
Thân nhau chẳng dối lừa nhau
Bạn bè nhân quả thần giao duyên trời
Lẽ thường cõi hóa chuyền dời
Biết đâu ông chẳng đổi đời cùng ta.

Bài thơ có nhiều điểm đáng lưu ý. Trước hết là trong tám câu đầu mỗi câu có một chữ một, nhất. Chắc chắn đó là chủ ý của tác giả. Mỗi câu có một hình ảnh của một vật: quyển sách, ống bút, cây đàn, thang thuốc, khay trà, lò sưởi, chậu thuỷ tiên, và trái phật thủ. Sau đó là tượng ông lão đá với bốn nét biểu thị một nếp sống trái ngược với nếp sống người thơ: Ông lão đá tĩnh, nhà thơ động, ông lão đá không hề có ước ao một điều gì, nhà thơ ao ước mọi thứ; người thơ lười nhác hay nằm, ông lão đá suốt năm tháng chỉ ngồi; ông lão đá không hề hé môi, nhà thơ suốt đời nghêu ngao. Tuy nhiên tình bạn luôn luôn thành thực không ai dối lừa ai; rồi như có lẽ biến đổi diệu huyền, khiến người thơ hy vọng có ngày có sự đổi đời giữa ông lão đá và nhà thơ.

Phụ bản 2. Tượng Ông Lão Đá. Nguồn: Truyen-thong.org
Phụ bản 2. Tượng Ông Lão Đá. Nguồn: Truyen-thong.org

Chuỗi hình ảnh tám vật, bắt đầu từ quyển sách và ống bút dưòng như là hai hình ảnh tượng trưng cho cái có của nhà thơ, cái có tiêu biểu cho nề nếp nhà nho của nhà thơ. Cây đàn không có dây, gợi cho người đọc cây đàn không dây của Đào Tiềm (365-427) một thi nhân đời Tấn, Trung Quốc, người chỉ muốn nghe nhạc truyền cảm mà không muốn nghe âm ba của dây tơ.Thang thuốc bốc chưa phong gợi lên hình ảnh luống cúc vàng bên chân rào trong câu:

採 菊 東 籬 下
Thải cúc đông lý hạ

dịch là:

Chân rào đông hái cúc vàng trong bài Ẩm Tửu Đệ Ngũ Thủ cũng của Đào Tiềm, tạo nên hình ảnh người thơ tới tuổi xế chiều, sức khỏe cần có thuốc bồi bổ. Khay trà gợi lên cảm giác ngọt ngào của chén trà trên vị giác. Lò sưởi tí tách tạo nên cảm giác ấm áp ngày đông qua xúc giác và thính giác. Chậu thuỷ tiên nở hoa ngào ngạt thỏa thích khứu giác cùng hình ảnh cánh hoa tươi đẹp thỏa mãn thị giác. Rồi sau hết là trái phật thủ trên đĩa sành như gợi lên ý muốn về với đạo giáo.

Kể từ quyển sách tới trái phật thủ, tám vật trong cái có của Nguyễn Khuyến dường như chuyển từ cái cụ thể người thơ cảm nhận qua ngũ quan trên thân thể, tới cái sống, cái lẽ huyền.

Nhưng rồi Nguyễn Khuyến dường như tạm dời bỏ tất cả những cái có đó để nói với tượng ông lão đá. Điều Nguyễn Khuyến nhấn mạnh là nếp sống của ông trái ngược với nếp sống của ông lão đá. Ông lão đá không mảy may ước ao, nhà thơ còn đầy ham muốn, ông lão suốt ngày tháng chỉ ngồi, nhà thơ thì suốt ngày lười nhác nằm dài; ông lão đá không hé môi nhà thơ thì nghêu ngao trọn đời. Hình ảnh Nguyễn Khuyến tự họa là hình ảnh một con người đang ham sống trong thề giới của cái có. Hình ảnh ông lão đá dường như là hình ảnh một chân nhân đã gần tới cõi huyền đồng. Nhưng vì cái diệu huyền mà ông lão đá cùng người thơ thành đôi bạn không sao có thể rời nhau nổi. Mối tương quan này phải chăng là hình ảnh của mối tương giữa cái có và cái sống? Và Nguyễn Khuyến hy vọng rằng một ngày nào đó hai người sẽ đổi đời cho nhau.

Đọc bài thơ của Nguyễn Khuyến như trên, người đọc thơ chợt nhớ tới Gabriel Marcel (1889-1973), triết gia người Pháp tiêu biểu cho trường phái Hiện Sinh Ky Tô, existentialisme chrétien, chủ trương một dòng triết học cụ thể, philosophie concrète.

Theo giới nghiên cứu [3], tư tưởng của Gabriel Marcel dựng trên một thế giới riêng của triết gia. Thế giới đó là một thực thể, trong đó, ngoài thiên nhiên và vũ trụ, có vật thể và con người. Vật thể trong thế giới đó giúp cho con người có phương tiện sinh sống, nhưng vật thể cũng tạo cho con ngưòi nếp sống vượt mọi khó khăn để chiếm đoạt vật thể làm của riêng.

Đoạt được vật thể làm của riêng có làm cho con người mãn nguyện và sung sướng không? Hay tại sao chiếm đoạt đuợc môt vật làm cái có lại chính là nỗi buồn bực lại là nguồn thất vọng? Tại sao con người đã tích lũy được của riêng đầy kho mà vẫn con lo sợ như đúng bên bờ cái không? Đó là những đề tài suy luận của Gabriel Marcel.

Gabriel Marcel quan sát thấy rằng cuộc chạy đua để thỏa mãn cái khao khát chiếm đoạt vật thể chính là cái khao khát được sống, được làm người. Nhưng, sớm muộn rồi con người cũng đối mặt với cái giới hạn của khả năng cá nhân. Lúc đó con người đi tìm con người khác để tìm sự thông cảm, để thấy niềm vui trong tình yêu, trong tình bạn, trong cái sống.

Ngươi và ta chúng ta. Đó là lẽ huyền, mystère, của cuộc sống cụ thể. Trong một vở kịch Gabriel Marcel đã cho hai vai đối thoại:

– La réalité! je te demande un peu … Qu’est ce que c’est que la réalité?

– Un monde où on puisse grandir, aimer, créer …[4]

Đi xa hơn nữa vào lẽ huyền, theo Gabriel Marcel, con người còn có hy vọng tìm đươc nguồn an ủi trước mọi đau đớn, cũng như nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với cái chết.

Đó là mấy nét đại cương về thế giới suy tư của Gabriel Marcel. Nét thứ nhất biểu thị cái có, một thực thể hiển nhiên trước mắt mọi người; nét thứ hai biểu thị cái sống. Cả cái có cùng cái sống chìm dưới lẽ huyền, biểu thị bởi đặc tính tiềm ẩn của sự tăng trưởng, tình yêu và việc tác tạo.

Ngày nay, những thực thể xẩy ra biến đi rồi lại trở lại trong đời sống hàng ngày là một đề tài cho giới triết gia tây phương suy ngẫm. Một trong những hướng suy ngẫm là tìm ra những giới hạn giữa cá nhân và chính-mình-trong-đời-sống-hàng-ngày để đạt được an lạc trong đời sống hàng ngày. Bên Đông phương, vấn đề này dường như không phải là một vấn đề đem ra bàn cãi của đạo học mà là nếp sống thực tế hàng ngày. Nếp sống đó là là biểu tượng cho tư duy con người. Đi tìm tư duy của Nguyễn Khuyến trong thơ của Nguyễn Khuyến là chủ đích của cảo luận này.

Đối chiếu mấy nét của chủ thuyết của Gabriel Marcel tóm tắt trên đây với bài An Ủi Ông Lão Đá, người đọc thấy tám hình vật trong tám câu đầu bài thơ tiêu biểu cho cái có theo triết thuyết của Gabriel Marcel. Tiếp theo là bốn nét tương phản giữa nếp sống của Nguyễn Khuyến và của Ông Lão Đá, Nguyễn Khuyến vẫn thấy tình bạn giữa ông và ông Lão Đá. Phải chăng đó là một điểm khởi đầu lẽ huyền của cái sống theo Nguyễn Khuyến? Trong lẽ huyền đó, Nguyễn Khuyến nuôi hy vọng rồi ra sẽ có lúc đổi đời cùng ông Lão Đá.

Nhìn rộng hơn, dường như Gabriel Marcel, coi thường những ai coi nặng cái có hơn cái sống. Điểm đó người đọc cũng thấy trong nhưng bài thơ Nguyễn Khuyến hoặc tự trào hoặc nhạo báng những kẻ chạy theo danh lợi.

Cái lẽ huyền của Gabriel Marcel đưa người đọc ông về Nước Chúa. Đằng khác, đường về lẽ huyền, xuôi dòng thơ say trong thơ Nguyễn Khuyến, khi nhà thơ buông bỏ lợi danh, về vui thú vườn ruộng, không chỉ riêng mang hình ảnh của Đào Tiềm qua bài Quy Khứ Lai Hề Từ, mà còn là hình ảnh Đào Tiềm trong dường như toàn bộ dòng thơ điền viên của Đào Tiềm. Người đọc thấy rõ nét song song giữa chủ thuyết của Gabriel Marcel và quan niệm về cuộc sống của Nguyễn Khuyến qua bài Úy Thạch Lão Nhân. Nét song song này gợi cho người đoc gọi tên tiến trình buông bỏ cái có để tiến tới lẽ huyền trong cuộc sống của Gabriel Marcel là tiến trình Nguyễn Khuyến- Gariel Marcel.

Đằng khác Nguyễn Khuyến là một thi tài nối dài dòng tư tưởng trong thơ Việt Âm và thơ nôm khởi từ Nguyễn Trãi (1380-1442), truyền qua Nguyễn Du (1765-1825) qua hình ảnh con người đối mặt với cái chết. Nhưng Nguyễn Trãi gặp nạn Trại Vải năm sáu mươi hai tuổi khi còn tại chức; Nguyễn Du cũng mất khi còn tại chức năm năm mươi lăm tuổi. Riêng Nguyễn Khuyến mất năm bẩy mươi bốn tuổi, sau hơn hai mươi năm nghỉ hưu, phải chăng vì vậy mà qua thơ Nguyễn Khuyến người đọc dường như thấy Nguyễn Khuyến thực hiện được những ước vọng của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du còn ghi lại trong thơ.

Tìm hiểu tư duy đa dạng trong thơ Viêt Âm và thơ nôm của Nguyễn Khuyến, theo chiều hướng kể trên là diễn tiến của cảo luận này. Câu hỏi là bằng cách nào đạt được tói mực tiêu nói trên? Thật vậy, sách Luận Ngữ[5] có câu:

天何 言哉
Thiên hà ngôn tai

nghĩa là:

Trời có nói đâu.

Nguyễn Khuyến có hai câu trong bài tứ tuyệt Trời Nói dưới đây:

Chót vót trên này có một tao
Mày xem tao có nói đâu nào

Giới bình thơ Nguyễn Khuyến thường coi hai câu này của Nguyễn Khuyến biểu lộ ý muốn kiệm ngôn, một đặc tính của ông Lão Đá mà ông muốn tạo cho mình trên đương về lẽ huyền như ông viết trong bài Ủy Thạch Lão Nhân. Thế nên khó tìm thấy tư duy của Nguyễn Khuyến trong thơ của ông. Nhưng thơ là tiếng nói ngoài lời gửi trong những hình ảnh tạo nên thi cảnh và tâm cảnh người thơ. Vậy thì, phương pháp tìm ra tư duy trong thơ Nguyễn Khuyến là đối chiếu những hình ảnh trong thơ Nguyễn Khuyến với chính những hình ảnh đó mà ông dùng trong những bài khác, hoặc đối chiếu những hình ảnh trong thơ Nguyễn Khuyến với những hình ảnh tương ứng của các thi nhân Việt Nam hay Trung Quốc, Nhật Bản, cũng như trong các kinh sách Phật học hoặc Lão Trang. Những nét tương đồng hay khác biệt người đọc thơ nhìn ra trong việc đối chiếu này phải chăng là lời thi nhân gửi gắm ngoài lời thơ?

Kết quả giúp người đọc nhìn thấy tư duy của Nguyễn Khuyến qua những nếp sống cụ thể dưới đây của người thơ

1. Việc buông bỏ cái có
2. Truyện đối mặt với cái chết
3. Việc quyết định về Vườn Bùi
4. Vui sống với thiên nhiên
5. Đọc sách và uống rưọu
6. Cái Cười
7. Về với Đạo
8. Lên Chùa.

Phải chăng mầu nét hiện sinh trong tư duy của nhà thạc nho Tam Nguyên Yên Đổ tiêu biểu nếp sống của tiền nhân trước khi nếp sống này thấm nhập tư tưởng Âu Mỹ? Câu hỏi này xin dành cho gìới nghiên cứu giải đáp.


Nguồn: Truyền Thông Commmunications Mùa Xuân và Mùa Hè 2006 Số 19&20, Printemps & Été 2006 N° 19&20
[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 398.
[2] Dương Quảng Hàm sách đã dẫn, tr. 460.
[3] Simonne Plourde, Gabriel Marcel Philosophe et Témoin de l’Espérance, Les Presses de l’Université du Québec, Montréal, 1975, pp.9-11.
[4] Gabriel Marcel, L’Émissaire et le Signe de la Croix dans Vers Un Autre Royaume, Plon, Paris, 1949, p.24
[5] Luận Ngữ, tiết Dương Hóa, chưong 17 bản dịch của Lê Phục Thiện, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội 1992, tr.643.