Truyền thông Trung Quốc Đại Lục bôi bẩn Hoa Kỳ như thế nào

Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch

Hiện tại, đối với một Trung Quốc đang chuyển hướng mà nói, không phải vấn đề là Trung Quốc có cần dân chủ hay không, mà là quá trình chuyển hướng này cần bỏ ra thời gian dài ngắn và trả giá nhiều hay ít.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Mỹ – Truyền thông Trung Quốc Đại Lục bôi bẩn Hoa Kỳ như thế nào
Khai sáng dân chủ dưới sự “Bôi bẩn”

(1) Bôi bẩn bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000

Nước Mỹ “Xảy ra chuyện rồi!” “Nhơ nhuốc rồi!”

Nguồn: BT.com

Giữa một loạt âm thanh mang mùi vị cười trên nỗi đau người khác, năm 2000 với kỳ bầu cử tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ đầy trắc trở và khó khăn, làm chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng có thể lấy đây là tài liệu mang tính phản diện để giáo dục một chút người dân Trung Quôc. Bởi thế, đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên cởi mở một cách có hạn chế để truyền thông đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. So sánh với sự im ắng toàn diện của truyền thông Trung Quốc Đại Lục đối với cuộc Bầu cử tổng thống năm 2000 của Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan mà nói, đảng Cộng sản Trung Quốc đã hạ thủ lưu tình đối với bầu cử tổng thống Hoa Kỳ rồi. Những cuộc tranh luận trước kỳ bầu cử, đặc biệt là các loại sóng gió trong thời gian tranh cử, đều được đưa tin hết sức kỹ càng một cách chưa từng có bởi giới truyền thông Trung Quốc Đại Lục.

Tôi không phủ nhận, truyền thông Đại Lục đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được nhiều người ở hải ngoại xem là sự tràn lan của “thuật bôi bẩn”. Bởi vì truyền thông dưới sự khống chế của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành bôi bẩn thay đen đổi trắng, bẻ cong sự thật đối với các quốc gia tự do là điều hiển nhiên; điều này được quyết định vởi bản chất chống tự do dân chủ của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, càng đặc biệt là sau khi Đại sứ quán Trung Quốc đóng tại Nam Tư bị ném bom nhầm, truyền thông Trung Quốc Đại Lục gần như là lợi dụng tất cả mọi nguồn nguyên liệu có khả năng lợi dụng nhằm bôi đen Hoa Kỳ. Ví dụ, trong quá trình đưa tin hàng ngày về sự kiện cậu bé người Cu Ba Elian Gonzalez, truyền thông Trung Quốc Đại Lục đứng hẳn về phía chính quyền độc tài Castro, chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào nội chính của quốc gia khác, không hề nói về chủ nghĩa nhân đạo cơ bản nhất. Kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầy trắc trở này, càng cung cấp tài liệu tuyệt vời cho đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tiến hành bôi bẩn. Chỉ cần nhìn tiêu đề trên các phương tiện truyền thông là đã thấy rõ. Ví dụ “Nước Mỹ xảy ra chuyện rồi!” “Càng dân chủ càng hỗn loạn”, “Tổng thống sinh chuyện khó khăn, chuyện xấu nhiều như cơm bữa”, “Ngay nhà mình đại loạn, còn có mặt mũi đi khoa chân chỉ tay”, “Bush con đùa nghịch cả thế giới”… Hơn nữa, còn trích dẫn một lượng lớn những phê bình từ các quốc gia trên thế giới đối với chế độ chính trị Hoa Kỳ, đưa những bình luận ác ý và mang phong cách phá hoại, có một số kênh truyền hình còn phát những tiết mục châm biếm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ của các quốc gia khác, ví dụ múa rối, Talk show…

Nhưng mà, với tố chất của người dân Trung Quốc Đại Lục hiện tại cũng như tính chính danh và hợp pháp của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc đang không ngừng mất đi nhanh chóng, loại bôi đen này cũng sẽ gây nên một loạt tác dụng ngược lại – Khai sáng dân chủ. Bởi vì trong số những truyền thông Đại Lục dưới sự kiểm soát và khống chế nghiêm ngặt của đảng Cộng sản Trung Quốc, chưa hề có những giới thiệu, đưa tin và bình luận chi tiết trên diện rộng, trong thời gian dài đối với chế độ chính trị Hoa Kỳ như vậy, hơn nữa mượn nhờ kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này, việc nhóm những Quốc Phụ đã tham gia lập quốc của Hoa Kỳ đã thiết lập chế độ hiến pháp và chế độ bầu cử như thế nào, cũng như sự vận hành của chế độ này trong thực tiễn ra sao, tại sao lại cần phải thiết kế như thế, tại sao chế độ bầu cử cần phải bảo vệ thiểu số, tam quyền phân lập cũng như mối quan hệ quyền lợi giữa Liên bang và các bang. Phương pháp tính toán giữa Đại cử tri đoàn và các lá phiếu trong cuộc bầu cử, mối quan hệ giữa tòa án và bầu cử. Đặc điểm của hệ thống chính trị lưỡng đảng, cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên hai đảng. Khuynh hướng chính trị của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ cũng như giới thiệu về lịch sử chuyển giao quyền lực giữa hai đảng. Tại sao lại xuất hiện tình trạng đưa tin nhầm Bush con thắng cử. Những cuộc khủng hoảng bầu cử trong lịch sử Hoa Kỳ và những biện pháp khắc phục khủng hoảng. Sự khác biệt giữa chế độ chính trị Hoa Kỳ và chế độ chính trị của các quốc gia Châu Âu… Chỉ cần đọc kỹ một chút những bản tin và bình luận trên, thì có thể đọc ra ý nghĩa thật sự của chế độ bầu cử và thể chế lập hiến Hoa Kỳ.

Hai ngày trước, một loạt phóng sự trong tiết mục “Xin chào! Thế giới” của Đài truyền hình Bắc Kinh có mời chuyên gia xuất hiện để nói về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tuy rằng tiêu đề “Tất cả là do dân chủ gây ra tai họa” làm cho người ta phản cảm, nhưng nội dung lại là phổ cập kiến thức chính trị thường thức về dân chủ. Vị chuyên gia kia nói rất kỹ, ngay cả trong lịch sử Hoa Kỳ có bao nhiêu lần biện luận đối với việc tu sửa Hiến Pháp về chế độ bầu cử đều có giới thiệu con số. Anh ta còn nói rằng với khủng hoảng bầu cử như vậy nếu như có thể đạt được sửa đổi Hiến Pháp, vậy thì thể chế cơ bản và kỹ thuật thao tác hai phương diện này sẽ càng hoàn thiện hơn.

Từ khi cải cách mở cửa tới nay, mặc dù chế độ tự do dân chủ và đặc biệt là chế độ dân chủ kiểu Mỹ cũng đã có nhiều nghiên cứu và giới thiệu tích cực, ví dụ Nhà in ấn Thương Vụ đã xuất bản bộ sách mấy chục cuốn “Tủ sách nước Mỹ”, nhà xuất bản Viện Khoa học xã hội cũng xuất bản bộ sách lớn “Tủ sách học thuật nước Mỹ”, Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã thực hiện tạp chí “Nghiên cứu nước Mỹ” và tạp chí phổ thông “Cái nhìn tổng quan về nước Mỹ”. Nhưng những thứ trên đều chỉ giới hạn trong giới trí thức chuyên nghiệp, giới xuất bản tạp chí và giới học thuật, có rất ít liên quan tới công chúng. Một trong những tủ sách tương đối bình dân hóa liên quan đến chính trị Hoa Kỳ là bộ sách “Nhìn nước Mỹ từ khoảng cách gần” do Lâm Đạt và những người khác viết, bằng từng câu chuyện riêng rẽ để phần tích, giới thiệu và phổ cập những kiến thức thường thức về dân chủ. Nhưng nhóm độc giả cũng chỉ giới hạn là tầng lớp trí thức và tầng lớp cổ cồn trắng trong giới viên chức, thương nghiệp quan tâm đến thời sự chính trị.

Ở thời điểm trước kỳ bầu cử này, sự hiểu biết của người dân Trung Quốc Đại Lục đối với Hoa Kỳ, chủ yếu thông qua truyền thông đại chúng và các tạp chí nghe nhìn phổ biến, cũng chỉ giới hạn ở các phương diện kinh tế, phim ảnh, âm nhạc thịnh hành, NBA, vũ khí tiên tiến và một loạt các thương hiệu nổi tiếng. Hoa Kỳ trong con mắt của người dân Đại Lục, chính là Coca Cola, đồ ăn McDonald, xe hơi Cadillac, máy bay chiến đấu F-16, Hạm đội Bảy, ca sĩ Madonna, cầu thủ bóng rổ Michael Jordan, tuyển thủ Mike Tyson, Tỉ phú Bill Gates, diễn viên Richard Gere, New York, Las Vegas. Chính là thứ cuộc sống phồn vinh và giàu tới chảy mỡ làm người ta hoa mắt chóng mặt. Sự hiểu biết của họ đối với chính trị Hoa Kỳ, chỉ giới hạn vì tên tuổi một số tổng thống và những hành động quân sự của Hoa Kỳ tại các địa phương khác trên thế giới. Trong sự tuyên truyền chống Mỹ của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ phân biệt chủng tộc đã từng hiện hữu ở Hoa Kỳ trở thành thứ được truyền bá nhiều nhất.
Bởi vậy, sự phát triển cao độ về kinh tế và siêu cấp bá quyền về chính trị, cấu thành hình tượng Hoa Kỳ trong lòng người dân Trung Quốc.

Nhưng mà, những khó khăn trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này đã đưa tới cho truyền thông Trung Quốc Đại Lục cũng như người dân thường một cơ hội, xuyên thấu qua những bôi đen trên bề mặt bản tin và bài báo về các sự kiện riêng rẽ, có một số lượng rất lớn những kiến thức thường thức giới thiệu về chính trị dân chủ, làm cho quảng đại người xem có thể hiểu rõ hơn đằng sau huyền thoại về kinh tế Hoa Kỳ chính là bối cảnh chính trị và các giá trị nền tảng chống đỡ. Hiểu rõ chế độ chính trị của Hoa Kỳ làm thế nào để một siêu cường đứng đầu thế giới có thể giữ vững được sự ổn định. Hiểu rõ quy trình bầu cử tổng thống tuy phức tạp nhưng lại vẫn gọn gàng có trật tự.

Những ngày này, một trong những chủ đề bàn tán chính của người dân Bắc Kinh chính là bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Trong cửa hàng ăn, tôi nghe thấy mấy người làm nghề buôn bán nói khẩu âm địa phương khác; một bên uống rượu một bên nói về những lợi hại của chế độ bầu cử Hoa Kỳ. Có thể nói dùng mặt đỏ tía tai để mô tả mức độ tranh cãi thảo luận của họ cũng không quá phận. Trước thời điểm này, không cần nói tới những người dân thường, ngay cả giới trí thức cũng không có mấy ai hiểu biết về chế độ “Đại cử tri đoàn” và tiến trình kiểm phiếu. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, khi người dân gồm một số lớn những phần tử trí thức kiên trì ủng hộ giá trị quan về chủ nghĩa tự do, thông qua truyền thông Trung Quốc Đại Lục hiểu rõ về chế độ “Đại cử tri đoàn”, biết rõ kể cả ứng cử viên nhận được số phiếu bầu ít hơn cũng có thể thắng cử. Dân chủ kiểu Mỹ cuối cùng cũng đã đi ra khỏi thư phòng và những cuốn sách chuyên nghành của giới học thuật Trung Quốc, thông qua truyền thông hướng về phía quần chúng. Điều này chắc chắn là một lần phổ cập khai sáng về dân chủ, ảnh hưởng của nó thì ngay cả những phương pháp truyền bá như những buổi giảng bài của những giáo sư chuyên nghành và các học giả với các cuốn sách chuyên nghành của họ không các nào so sánh được.

Xem ra, Trung Quốc Đại Lục vẫn còn có rất nhiều “đạo sĩ lót đường dân chủ” biết cách lợi dụng cơ hội và có lương tâm, bởi vì bọn họ biết rằng ngay bên dưới có rất nhiều “Giáo đồ dân chủ” có lương tâm. Cả hai bên dưới những thánh chỉ chuyên bôi đen dân chủ, tiến hành một lần hợp tác phổ cập kiến thức thường thước về dân chủ, hơn nữa hợp tác hoàn mỹ thiên y vô phùng không có kẽ hở.

(2) Năm 2004: đưa tin càng toàn diện càng khách quan càng kỹ càng

Nguồn: TopTenz

Dưới tình hình thế cuộc Iraq vẫn còn chưa ổn định, cũng trong làn sóng dư luận thế giới ủng hộ Kerry và châm biếm G. W. Bush như vậy, kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004 với quy mô động viên quy mô nhất, số lượng người tham gia bỏ phiếu lớn nhất cuối cùng đã kết thúc. G. W. Bush đã chiến thắng! Hơn nữa đã thành công tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ với ưu thế tương đối rõ rệt, lập kỷ lục thắng cử với tỷ lệ ủng hộ cao nhất của đảng Cộng Hòa kể từ thời tổng thống Reagan – không những giành ưu thế tương đối lớn từ số lượng phiếu bầu, hơn nữa còn nhiều hơn gần 4 triệu phiếu. Đồng thời, đảng Cộng Hòa cũng giành chiến thắng ở cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ, chiếm đa số ghế ở hai viện và giành quyền khống chế quốc hội.

Nói về ý nghĩa của bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đối với Trung Quốc Đại Lục, không chỉ giới hạn ở việc ứng cử viên nào giành chiến thắng tiến vào Nhà Trắng và có ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao quốc tế và quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ, càng có ý nghĩa ở chỗ sự quan tâm mãnh liệt của truyền thông Trung Quốc đối với bầu cử Hoa Kỳ và số lượng lớn những bản tin về cuộc bầu cử này – bất luận là thích hay ghét Hoa Kỳ, bất luận là ủng hộ G. W. Bush hay ủng hộ Kerry – chắc chắn là một lần khai sáng về dân chủ với độ phủ sóng cực rộng. Người dân Trung Quốc vẫn sống dưới sự thống trị của chế độ độc tài, có thể thông qua những bản tin, giới thiệu toàn diện của truyền thông để tìm hiểu và học tập nền dân chủ Hoa Kỳ, ngay cả những thành phần thanh niên yêu nước phẫn nộ đầy thù hận đối với Hoa Kỳ, cũng sẽ nhận được sự ảnh hưởng bất tri bất giác.

Những năm gần đây, dưới áp lực cạnh tranh của mạng internet và kênh truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng(1)

(Tính chất của truyền hình Phượng Hoàng giống như “Báo Văn Hối” và “Đại Công Báo” ở Hongkong, tuy văn phòng mở ở Hongkong nhưng thực chất là truyền thông Trung Quốc Đại Lục, thường xuyên tiến hành đưa tin sai sự thật để lừa dối người xem ở Trung Quốc Đại Lục đối với những sự kiện chính trị thời sự quan trọng. Đặc biệt là bình luận viên tin tức Nguyễn Thứ Sơn, không những phụng sự hết mình nịnh nọt Bắc Kinh, hơn nữa còn thường xuyên bày ra tư thái của chủ nghĩa yêu nước khuyển nho. Nhưng khi so sánh với truyền thông Trung Quốc Đại Lục, mức độ tự do tin tức vẫn là muốn lớn hơn một chút.)

Những bản tin về thời sự chính trị và tin tức xã hội của truyền thông Đại Lục đã có sự tiến bộ. Ví dụ trước đây truyền thông Đại Lục rất ít khi đưa tin kịp thời về các loại thiên tai địch họa, hiện tại đều có thể nhìn thấy trên khắp các phương tiện truyền thông. Một số tin tức xấu hay scandal về các bộ nghành và quan chức địa phương nào đó cũng dám đăng… Tuy vẫn còn sử dụng chính sách khác nhau giữa trong nước và ngoài nước. Đối với các sự kiện tin tức chính trị quan trọng trong nước thì tiến hành khống chế nghiêm ngặt, trong khi lại tương đối cởi mở đối với các tin tức chính trị quốc tế, đặc biệt là sự kiện 11 tháng 9. Sự im lặng của truyền thông Trung Quốc Đại Lục đã đem đến cho Truyền hình Phượng Hoàng một cơ hội tuyệt hảo, hình thức truyền hình trực tiếp và đưa tin liên tục theo sự kiện đã nhận được đánh giá cao từ phía khán giả Đại Lục.

Áp lực cạnh tranh đã làm truyền thông Trung Quốc Đại Lục bừng tỉnh. Bắt đầu từ Chiến tranh Iraq, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV và một số đài truyền hình địa phương tương đối cởi mở cũng bắt đầu sử dụng hình thức đưa tin trực tiếp. Đối với kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thu hút sự chú ý trong năm nay, tuy Đài CCTV không được như Truyền hình Phượng Hoàng tiến hành tường thuật đưa tin trực tiếp toàn bộ quá trình, nhưng cũng đem không ít tiến trình quan trọng trong kỳ bầu cử này tường thuật trực tiếp. Ví dụ, Đài CCTV và Truyền hình Thượng Hải đều có những chương trình tường thuật trực tiếp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.

Điều đáng ghi nhận là, công tác đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004 vừa kết thúc của truyền thông Trung Quốc Đại Lục, vượt xa so với lần đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000, bất kểt về thời gian đưa tin kéo dài hơn, mức độ bao phủ, độ sâu và sự tường tận trong các bản tin, hơn nữa đưa tin chân thực, khách quan, trung lập hơn nhiều so với 4 năm trước. Những học giả, chuyên gia xuất hiện trên các đài truyền hình, đại đa số cũng đưa ra góc nhìn khách quan, hiện thực khi mong chờ chính sách quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ sau khi tổng thống G. W. Bush tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ. Những bản tin về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này đều đi kèm với những dự báo về tình hình cử tri, biểu đồ tiến trình bầu cử và bình luận phân tích của các chuyên gia. Trên mạng Internet nhanh chóng và tiện lợi, ba trang tin tức lớn nhất là Tân Hoa Xã, mạng Nhân Dân, mạng Tin tức Trung Quốc cùng với ba nhà cung cấp dịch vụ tin tức là Sina, Net ease và Sohu đều thiết lập chuyên đề về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2004, tiến hành đưa tin kỹ càng trong toàn bộ quá trình bầu cử. Hơn nữa phối hợp cùng với đó là một lượng lớn ảnh chụp và bản đồ bầu cử, sử dụng màu đỏ và xanh thông dụng trên toàn thế giới để biểu thị tình hình và kết quả tranh cử của G. W. Bush và Kerry; họ dùng bảng biểu để liệt kê số lượng phiếu bầu dành cho hai ứng cử viên, làm cho người dân Đại Lục có thể lập tức hiểu rõ tình hình phân bố phiếu bầu.

Tuy rằng, bất luận là trước hay sau bầu cử, truyền thông Đại Lục vẫn không quên được việc bôi đen, nhưng đối tượng bôi đen lại có sự khác biệt lớn so với kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000. Đối tượng không còn là chế độ dân chủ kiểu Mỹ mà là chuyển sang công kích cá nhân Bush đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Trước bầu cử, dư luận Trung Quốc Đại Lục cơ hồ đều ủng hộ Kerry mà chê bai G. W. Bush. Bush được xưng tụng là “ma đầu”, “hung thủ”, “lái buôn chiến tranh”, “đại biểu bá quyền”, “người phát ngôn của tư bản”, “cao bồi ngu dốt”, “Bush đưa Hoa Kỳ lâm vào vũng lầy chiến tranh”, “Bush làm thế giới than vãn, làm Hoa Kỳ nhỏ máu”, “Kẻ theo chủ nghĩa Cơ yếu Thiên Chúa Giáo”, “Kẻ phát động Thập tự quân đông chinh”, “Bush và Bin Laden đều là phần tử khủng bố”…Vào thời điểm kỳ bầu cử sắp sửa bắt đầu, “Trung Quốc Nhật Báo”(2) đăng bài viết của Tiền Kỳ Thâm(3) mang tên “Quan hệ quốc tế trong thế kỷ mới” (Bài viết này được đăng lần đầu vào ngày 18 tháng 10 trên tờ “Học tập thời báo” của Trường Đảng Trung ương, tờ “Trung Quốc Nhật Báo” dịch và đăng tải lại), bài báo là cao trào của ủng hộ Kerry và chê bai G. W. Bush. Dùng những từ ngữ chỉ trích mạnh mẽ phương châm tiên phát chế nhân của “Chủ nghĩa Bush”. Chỉ trích Chiến tranh Iraq đã phá hoại Liên minh chống khủng bố toàn cầu, đem hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết của Hoa Kỳ trên thế giới quy cho là sự tự đại của “Cao bồi Texas”. Bởi vì địa vị quan trọng của Tiền Kỳ Thâm trên phương diện ngoại giao của đảng Cộng sản Trung Quốc, dư luận ngoài nước đem những phát ngôn của Tiền xem là hành vi của chính quyền Trung Quốc ủng hộ Kerry và chỉ trích Bush. Thậm chí là dưới áp lực của chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu giải thích, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc không thể không xuất hiện thanh minh. Bản thân Tiền Kỳ Tham không hề cho phép Trung Quốc Nhật Báo đăng bài viết trên. Hơn nữa, quan điểm của Tiền không thể đại diện cho chính phủ Trung Quốc.

Dư luận dòng chính sau kỳ bầu cử, cũng thể hiện sự thất vọng đối với kết quả chiến thắng của G. W. Bush. Nhưng sự giải thích từ phía dư luận người dân và các chuyên gia lại có sự khác biệt rõ ràng: Đại đa số dư luận trên mạng iInternet đều biểu thị thất vọng, thậm chí là phẫn nộ. Trong khi đó các chuyên gia lại rất lý trí và đầy hiện thực, đặc biệt là dính dáng tới quan hệ Trung-Mỹ sau kỳ bầu cử, đại đa số đều có thể dùng góc nhìn của chủ nghĩa thực dụng để nhìn nhận sự việc, có sự ước lượng lạc quan về chính sách Trung Quốc của chính quyền Bush sau khi tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ. Có thể nói, trong thời gian diễn ra bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, trong giới trí thức Trung Quốc được truyền thông chú ý nhất, cũng là những học giả bận rộn nhất, không nghi ngờ gì chính là những chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ và lĩnh vực quan hệ quốc tế. Đối với những chuyên gia mà tôi có biết tới, gần như đều xuất hiện cả, hiện thân trên mọi loại hình truyền thông, hoặc là được các đài truyền hình mời tới làm khách mới, hoặc là tác giả của những chuyên mục trên các tờ báo.
Đại đa số truyền thông đều đưa ra đánh giá khách quan đối với tính công bằng của kỳ bầu cử tổng thống này. Tiến hành phân tích tường tận nguyên nhân bên trong và bên ngoài đối với thắng lợi của Bush lần này, bao gồm cả ảnh hưởng của sự kiện 11 tháng 9, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo thủ, chính sách của đảng Cộng Hòa, giá trị quan của Kitô giáo và di sản chính trị của gia tộc Bush. Ngay cả những tiêu đề có nội dung bôi đen cực đoan nhất, cũng sử dụng lối nói của các phương tiện truyền thông thiên tả quốc tế: “Chiến thắng của chủ nghĩa đơn phương”, “thắng lợi của ngạo mạn kiểu Mỹ”, “Chiến thắng của Phái Phúc Âm”, “Thế giới càng thêm bất an”, “Cuộc bầu cử làm Châu Âu thất vọng”, “Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ chia tay nhau”, “Chiến thắng của Bush sẽ kích thích thêm sự phẫn nộ của thế giới Islam”, “Một kỳ bầu cử chia rẽ Hoa Kỳ”, “Một nửa cử tri Hoa Kỳ nhói lòng”…

Điều càng quan trọng là, truyền thông Trung Quốc Đại Lục khi đưa tin về kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này, không những là toàn diện, bám sát diễn biến, hơn nữa tương đối khách quan giới thiệu chế độ chính trị của Hoa Kỳ cũng như văn hóa bầu cử của nước này. Cũng dùng phương thức của bản thân từng nhà truyền thông để giới thiệu toàn diện thể chế bầu cử độc đáo của Hoa Kỳ và lịch sử tranh cử. Trên trang chủ chuyên đề về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thuộc mạng Tân Hoa Xã, không những giới thiệu tường tận mỗi một vị tham gia ứng cử, quan điểm chính trị của hai ứng cử viên chính, kết quả của cuộc bầu cử đối với tình hình quốc tế, ảnh hưởng đối với quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ. Hơn nữa còn đặc biệt lập ra hai danh mục riêng, một là chi tiết giới thiệu danh sách những tổng thống của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ năm 1901 đến năm 2000 của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Một chuyên mục khác là giới thiệu chi tiết chế độ bầu cử độc đáo của Hoa Kỳ. Tiêu đề nhỏ phân biệt là “Sự khác nhau giữa nhiệm kỳ tổng thống, đời tổng thống và số lượng tổng thống thực tế”, “Nhật ký quá trình bầu ra tổng thống”, “Danh sách ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng Hòa”, “Danh sách ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ”, “Dân chúng bầu chọn ra tổng thống như thế nào?” “Tổng thống Hoa Kỳ được sinh ra như thế nào?” “Kiến thức về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ”, “Bầu cử tổng thống sơ bộ ở Hoa Kỳ”, “Bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ”, “Tổng thống Hoa Kỳ được định đoạt sau 36 vòng”, “Thể chế Đại cử tri đoàn trong bầu cử tổng thống Hoa Kỳ”, “Hiến Pháp Hoa Kỳ và bầu cử tổng thống”. Nội dung trong hai chuyên mục này của Tân Hoa Xã đã được các trang mạng lớn khác ở Đại Lục đăng lại.

Đồng thời, Trung Quốc cũng phái ra số lượng lớn nhất cho đến nay những đoàn quan sát bầu cử, điều này đã trở thành một trong những điểm nóng để đưa tin của truyền thông Đại Lục, thậm chí đến cả “Lão niên văn trích báo” vốn rất ít quan tâm đến chính trị quốc tế, cũng đăng tin về các đoàn đại biểu quan sát bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 11. Tờ “Nam Phương cuối tuần” số ra ngày 4 tháng 11 đã dùng ba số lớn để đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, trong đó có hai số nói về đoàn quan sát Trung Quốc sang Hoa Kỳ, hơn nữa là trang đầu bài đầu tiên.

Từ đó có thể thấy, đợt đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này là cơ hội tuyệt hảo để cung cấp cho người dân Trung Quốc Đại Lục tìm hiểu toàn diện, nhận thức sâu sắc một cách có mục đích đối với thể chế chính trị Hoa Kỳ: Tạo dư luận trong quá trình ứng cử, quá trình tiếp xúc cử tri tìm phiếu, tranh luận trên truyền hình, thể chế bầu cử với sự khác biệt so với các quốc gia dân chủ khác, đặc điểm của chế độ dân chủ lưỡng đảng và sự khác nhau về lý luận chính trị quản lý quốc gia của hai đảng, thái độ của người dân Hoa Kỳ đối với bầu cử, giáo dục về bầu cử đối với thiếu nhi Hoa Kỳ – bầu cử mô phỏng, thái độ quân tử của người thua cuộc trong bầu cử, sự tôn trọng của người thắng cuộc đối với đối thủ…
Qua đó có thể thấy, bất luận là dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, hay xuất phát từ cơ hội mượn thời cơ truyền bá dân chủ, dưới một bố cục xã hội “quyền lực trong tay quan, đạo nghĩa trong tay dân” như vậy, truyền thông Trung Quốc Đại Lục tất cả đều dưới tiền đề nhìn sắc mặt “ông chủ” để làm việc, cũng nhằm dể giành được nhiều hơn nữa sự ủng hộ của đông đảo người dân là người trả tiền hóa đơn, khi đưa tin và bình luận về những sự kiện chính trị xã hội đều tìm kiếm một không gian rộng lớn hơn. Bởi vì, không gian dựa vào mảng giải trí để mơ rộng thị trường đã ngày càng nhỏ hẹp, gần như bão hòa. Thị trường có tiềm năng nhất không nằm ngoài những tiết mục chính trị xã hội, dưới cục diện quản chế của chính quyền và không gian màu xám. Mặc dù truyền thông chỉ xuất phát từ động cơ mở rộng miếng bánh thị trường, cũng cần nỗ lực bỏ ra một sức lực to lớn để phát triển không gian tin tức chính trị xã hội. Huống hồ, lương tâm của những người làm truyền thông Đại Lục quyết không cam tâm trở thành “cái lưỡi của Đảng”. Cho nên, với một Trung Quốc Đại Lục đang trong nhu cầu cấp thiết tiến hành cải cách chính trị nhằm phá vỡ nút thắt cổ chai do công cuộc cải cách khập khiễng tạo nên, cũng giống như truyền thông đưa tin về bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000 như vậy. Trong thời gian diễn ra bầu cử, vẫn có rất nhiều “đạo sỹ dân chủ” rất biết cách lợi dụng cơ hội truyền bá dân chủ, bên ngoài phòng quay vẫn có rất nhiều “tín đồ dân chủ” có lương tâm, hai bên nắm bắt cơ hội bàn luận vè bầu cử Hoa Kỳ nhằm bàn luận công khai về dân chủ.

Mặc dù chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn kiên quyết chế độ độc tài độc đảng, không ngừng hô hào kiên quyết không đi theo con đường dân chủ kiểu Phương Tây. Nhưng xu thế không thể cưỡng lại của toàn cầu hóa và dân tâm của người dân trong nước thì không phải là thứ mà chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời đại hậu toàn trị có thể ngăn cản được. Hiện tại, đối với một Trung Quốc đang chuyển hướng mà nói, không phải vấn đề là Trung Quốc có cần dân chủ hay không, mà là quá trình chuyển hướng này cần bỏ ra thời gian dài ngắn và trả giá nhiều hay ít.

Bởi vì, dưới sự thôi thúc tự phát về ý thức quyền lợi đang thức tỉnh của xã hội dân sự, tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc đã xảy ra và đi từ dưới lên. Sự tăng trưởng của tài sản người dân, những cơn sóng ngầm phản kháng bảo vệ quyền lợi bản thân của tầng lớp dưới đáy xã hội ngày càng lớn, phản kháng đấu tranh của gia đình những nạn nhân bị thảm sát Lục Tứ 1989, đấu tranh giành lấy tự do tín ngưỡng của những học viên Pháp Luân Công và Giáo hội Kitô giáo bí mật, phong trào yêu cầu tự do ngôn luận của những người bất đồng chính kiến và các phần tử trí thức, phong trào bảo vệ quyền tự do trên mạng internet và người dân tham gia chính trị trên mạng, nỗ lực truy cầu tự do báo chí của báo chí truyền thông truyền thống, anh hùng đạo nghĩa dân gian không ngừng xuất hiện…Tất cả đều thể hiện một sức sống tích cực nhất của xã hội Trung Quốc, cũng là nguồn tài nguyên lớn nhất đối với quá trình Trung Quốc chuyển đổi thành quốc gia dân chủ.

Bởi vậy, thời gian dài ngắn và cái giá phải trả ít nhiều cho tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc, quan trọng là chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc có hay không thuận theo ý muốn của người dân và đại thế, nắm bắt thời cơ về môi trường hòa bình quốc tế, nền kinh tế trong nước tăng trưởng cao và ổn định vĩ mô, khởi động cải cách chính trị.

Bắc Kinh ngày 7 tháng 11 năm 2004 tại nhà riêng’

Hệ thống lưỡng đảng tại Hoa Kỳ. Nguồn: RajRAS.in

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Trung Văn, Lưu Hiểu Ba, “Lưỡi gươm đơn tẩm thuốc độc: Phê phán chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đương đại”. Nhà xuất bản Boda. 2006. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ bản của người dịch.

(1) Truyền hình Phượng Hoàng: 鳳凰衛星電視là một tổ hợp truyền hình tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông có trụ sở tại Hồng Kông, đài phục vụ khán giả cả tại Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục.
(2) China Daily中国日报là một nhật báo nhà nước bằng tiếng Anh phát hành tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. China Daily được thành lập vào tháng 6 năm 1981 và là ấn bản báo chí có lượng lưu thông lớn hơn bất kỳ tờ báo tiếng Anh nào tại Trung Quốc (trên 500.000 tờ, trong đó 1/3 là tại nước ngoài).
(3) Tiền Kỳ Thâm: 钱其琛(5/1 /1928 tại Thượng Hải; mất 9/5/2017) là một nhà ngoại giao và chính trị gia Trung Quốc. Ông từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 4 năm 1988 đến tháng 3 năm 1998. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga và biết một chút tiếng Pháp.