Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 (V)
Nguyễn Văn Lục
Xin trở lại tiếp tục những nhận xét của chúng ta về sinh hoạt văn học hải ngoại.
Ngoại trừ mặt báo chí, các tập san và tiểu thuyết thì phải nhận là không mấy sáng sủa. Nó nằm trong tình trạng bị lão hóa như trường hợp các nhà văn như Mai Thảo, Phan Nhật Nam sau này và nhiều người khác.
Tôi có một nhận thức khá rõ ràng là sinh hoạt văn học miền Nam trước 1975 và sau 1975 ở hải ngoại, phần sinh động nhất của nó vẫn là các tập san hơn là các tác phẩm.
Tập san như thể các món ăn hàng ngày. Tác phẩm như thể các món ăn lâu lâu ăn một lần.
Các tạp chí ở hải ngoại như mở đường và tiếp nối sinh hoạt văn học của miền Nam trước 1975, Nó như chiếc cầu nối giữ quá khứ trước 1975 và sau 1975, giữa trong nước và ngoài nước trước 1975.
Báo chí ra đời sớm nhất là tờ Người Việt Tự do, rồi tờ Lửa Việt, tờ Việt Nam Hải Ngoại, tờ Bút Lửa, tờ Hồn Việt Nam, v.v.(29)
Vì thế, các tạp chí như Văn Học hay sau này Hợp Lưu, Khởi Hành rồi Tân Văn thì phải nhìn nhận là có những cố gắng vượt bực.
Chẳng hạn tờ Hợp Lưu ở thời kỳ Khánh Trường và rồi Trần Vũ trong vai trò chủ bút là tiêu biểu sáng giá cho văn học hải ngoại. Sau này nhờ Trần Vũ mà nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ được giới thiệu có đất dụng võ. Tôi phải nhìn nhận Trần Vũ là người trẻ có tài. Truyện ngắn của Trần Vũ đôi khi là tuyệt như các truyện: Mưa mùa gai sắc hay Pháo thuyền trên sông Yangtze. Anh có một khả năng tưởng tượng, hư cấu rất phong phú đến ngạc nhiên.
Hợp Lưu bề ngoài có vẽ vững chãi hơn. Lúc nào độ dày tờ báo cũng như nhau, 320 trang hoặc nhỉnh sút đi 12 trang. Hình thức lúc nào cũng trang nhã vì có họa sĩ Khánh Trường – sau này cứ thế mà tiếp nối. Vóc dáng Hợp Lưu như một cuốn sách quý, cùng khuôn khổ kích thước, bày trong kệ sách trông cũng đẹp mắt rồi. Nay thì Hợp Lưu là đất dụng võ của một số tài năng trẻ ở trong nước mà chính nơi đó họ chưa có tên tuổi. Đó là trường hợp xảy ra cho Đỗ Hoàng Diệu – một tài năng được nhìn nhận và có tên tuổi dưới sự trợ giúp của Trần Vũ trên tờ Hợp Lưu. Nhưng nay thì vẫn chưa có tài năng trẻ nào theo gót được Đỗ Hoàng Diệu.
Mặt mạnh của Hợp Lưu là có đủ sức tập hợp được càc nhà biên khảo để ra được các số chủ đề như chủ đề về Hoàng Xuân Hãn, về Tạ Trọng Hiệp, về Mai Thảo, về Khái Hưng, về Nhân Văn Giai Phẩm, về Thảo Trường, về Văn Cao và nhiều nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi khác, v.v. Cạnh đó là những chủ đề về văn học, về lý luận văn học, về sử học, về phê bình văn học.
Mặt mạnh thứ hai của Hợp Lưu là mảnh đất dụng võ cho những nhà văn trẻ từ cỡ 45 đến 60 tuổi.
Cái bề ngoài khang trang, bề thế của Hợp Lưu không diễn tả đúng tình trạng chạy gạo từng bữa của Hợp Lưu. Bên trong tòa soạn đôi lúc Khánh Trường cũng rơi vào tình trạng có nguy cơ ‘phá sản’ khánh kiệt. Cũng đã không ít lần Khánh Trường kêu cứu về tình trạng bết bát tài chánh. Nay thì không biết bằng cánh nào – một tay chủ bút như Đặng Hiền có thể thong dong tiếp nối Khánh Trường cho đến hiện nay.
Nhưng căn cứ vào độ dày và sự có mặt đều đều hai tháng báo ra một lần. Chúng ta hãy cứ biết như thế. Như thế như thế và an tâm.
Nghĩ tiếp đến trưởng hợp tờ Văn Học mà thương hại, sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi. Cao Xuân Huy đã ba lần gánh vác tờ Văn học. Và trong lý lịch ghi trích ngang, ngoài văn học thì ghi: “Đang không cộng tác với báo nào khác”. Có nghĩa là anh chỉ viết cho Văn Học… Sau này tôi thấy anh đi làm cho tờ Sài Gòn Nhỏ hay tờ Người Việt chỉ là với tư cách chuyên viên kỹ thuật. Và mỗi lần Văn Học trở bệnh thì y như rằng có Trương Hồng Sơn ở Hoa Thạnh Đốn cho tiền thuốc men chạy chữa. Có những số báo mỏng dính có 136 trang như các số 103 rồi 104. Cạnh đó có những số thật dày như số 228 với 288 trang, số 234 đến 312 trang, số 223 dày hơn nữa đến 342 trang.
Biết bao nhiêu đoạn trường và công khó ở trong đó. Tôi chợt nghĩ đến công khó của Trần Hoài Thư hiện nay.
Tờ Thế Kỷ 21 của Người Việt, đàng sau có chỗ tựa lưng vững chãi về tài chánh là công ty Người Việt. Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành trùm Văn học ở Thủ đô tỵ nạn. Vậy mà cũng chẳng hiểu sao loay hoay hết chủ bút này đến chủ bút khác, bài vở cũng làng nhàng, nội dung làm sao mà đến một lúc nào đó cũng gõ lên hồi chuông báo tử. Sự mất mát của Thế Kỷ 21 cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại giống như trường hợp tờ Văn, Văn Học sau này. Nhưng biết đâu với số tiền lời, từ trời rơi xuống 4 triệu rưởi đô la sẽ giúp công ty Người Việt làm trùm Văn học. và tờ Thế Kỷ 21 lại có cơ sống lại.
Tờ Văn của Mai Thảo èo ọp lắm về mọi mặt, xem ra sự điều hành có phần lơ là. Nó chỉ quý ở cái phần Sổ Tay của Mai Thảo rồi sau đó Nguyễn Xuân Hoàng kế thừa.
Mai Thảo là tiêu biểu cho một ngòi bút đã cạn dòng. Những bài thơ làm lúc cuối đời không đủ để bào chữa cho những năm tháng viết trước đây của ông.
Ông đã tốn bao nhiêu chai rượu để viết những bài văn đó.
Đôi khi tôi nghĩ rằng, chúng ta phải biết chấp nhận cái tầm thường của nhà văn để cho đời có dủ lý do đáng sống. Tầm thường chính là con người chứ không phải là cái cao cả.
Nguyễn Xuân Hoàng ôm lấy tờ Văn chẳng khác ôm một người tình nhân già, bỏ thì thương vương thì tội. Vừa ôm, vừa xót xa, chẳng sướng gì. Và theo lời Nguyễn Xuân Hoàng viết trong Sổ Tay, bạn Văn nào gặp cũng hỏi thăm Văn đội này ra sao. Văn chết chưa.
Nguyễn Xuân Hoàng quả thực là người ôm sự nghiệp Mai Thảo và không lối thoát. Nhưng dù thế nào thì Nguyễn Xuân Hoàng cũng thâm cảm rằng tờ Văn cũng chính là một phần đời của ông vậy. Tờ Văn đã ra đi trước ông. Ông phải đi theo thôi.
Khởi Hành của Viên Linh mới thật sự là cố gắng một mình một chợ, theo nghĩa sống ‘dai’ trước 1975 và sống ‘mòn’ sau 1975 ở hải ngoại. Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Nguyễn Tà Cúc. Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt. Ông đã thay đổi đủ kiểu báo, lúc khổ lớn như báo nhật trình, rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa. Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo -cái kiểu-tòa soạn-một người- chỉ có ở dân Việt Nam và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn.
Nhưng đúng như kiểu nói của nhà văn Thảo Trường, Viên Linh dùng kích thước nhỏ (vài chục trang), khổ nhỏ để nói về những chủ đề thật lớn.
Hầu như số báo nào của Khởi Hành cũng là số chủ đề, hay ít lắm cũng hé lộ cho người đọc một số thông tin văn học trước 1975 mà hầu như chỉ mình Viên Linh biết được. Nhưng ông kỹ lắm, không bao giờ tiết lộ hết, cứ từng số một nhả ra chút ít như con tầm nhả tơ, một thứ câu khách mà tôi là người bị cắn câu.
Các chủ đề như số đặc biệt về Phụ nữ, chủ đề Dịch thuật, Văn nghệ 54-63 đi về đâu, v.v. Nội cá nhân tôi mua đều đặn Khởi Hành từ nhiều năm nay cho thấy hẳn Khởi Hành phải có cái gì chứ. Cái gì đó chỉ mình Viên Linh biết.
Tân Văn xuất hiện sau cùng, từ 2007 đến nay vẫn từng ấy số trang, vẫn từng ấy trang bìa láng trang nhã theo cách thức Hợp Lưu.
Ra sau nhưng tiềm năng có thể sống còn, tuổi thọ cao vì Tân Văn có những lợi thế ít ai có. Sài Gòn nhỏ có nhà in riêng nên bất chấp mọi khó khăn tài chánh. Còn Sài Gòn Nhỏ tức còn Tân Văn.
Tờ Tân Văn lúc đầu in 1500 số, tháng sau giữ ở mức 1200/tháng. Và số xuất bản cứ giữ mãi ở mức độ đó.
Sài gòn Nhỏ có một số độc giả mua năm khắp các tiểu bang. Tiểu bang nào có chi nhánh tờ Sài Gòn Nhỏ thì ở đó hẳn có Tân Văn. Và nay gần đạt đến số báo 100. Dĩ nhiên tuổi thọ của Tân Văn còn thua xa Văn Học đến hơn 100 số với hơn 20 năm. Và nay bà Hoàng Dược Thảo gặp nạn, chẳng biết số phận Tân Văn ra sao. Nếu Tân Văn có chết thì có nhiều người luyến tiếc, trừ tờ Người Việt.
Các nhà xuất bản ở Hải ngoại
Nhiều nhà xuất bản có tên tuổi trước 1975 thì sau này tái xuất ở hải ngoại. Họ tiếp tục công việc xuất bản như trước đây ở trong nước.
Bên cạnh những cố gắng mang tính văn học thì có một số nhà Xuất bản làm những công việc còn lại như lấp đầy các khoảng trống Văn Học vốn có của miền Nam.
Thay vào khoảng trống văn học đó, có một số nhà xuất bản như Xuân Thu cho xuất bản liên tiếp nhiều tác phẩm trước 1975. Đăc biệt các tác phẩm của Xuân Vũ như Đường đi không đến (Hồi ký vượt Trường Sơn, gồm 5 tập). Như Đồng bằng gai góc, Mạng người lá rụng, Đến mà không đến, Xương trắng Trường Sơn. Tôi nghĩ những tác phẩm của Xuân Vũ được đón nhận nồng nhiệt khi việc di tản còn đang xôi bỏng trong lòng người.
Tiếp nối là lá cuốn Dọc Đường số 1 của Phan Nhật Nam, Vượt Trường Sơn của Phan Nghị.
Sách truyện có cho tái bản cuốn Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, một cuốn truyện rất hay và ăn khách ở miền Nam trước 1975. Nhà Đại Nam cũng cho in những tác phẩm cùng loại như Về R của Kim Nhật, Bóng tối đi qua. Nhà xuất bản thì đâu chỉ in một hai cuốn sách; họ đã tái bản nhiều sách của các tác giả như Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Tô Ngọc, Vũ Bằng, Doãn Quốc Sĩ, Hoảng Hải Thủy, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, v.v. (30)
Còn có một nhu cầu nữa là nhu cầu học hỏi để giao tiếp. Vì thế, sách Tự điển đủ loại đã được in lại cho nhu cầu hội nhập với xã hội bên Mỹ mà không có phép của tác giả. Nạn nhân là những người như ông Khai Trí.
Những bộ tự điển do nhà sách Khai Trí đã mua đứt bản quyền nay được in lại công khai, cướp bản quyền của người chủ các bộ tự điển đó.
Sau đây, xin trích Thông báo sau đây của ông Khai Trí:
‘Tôi là Nguyễn Hùng Trương, nguyên là chủ nhà sách và nhà xuất bản Khai Trí 60-62 Lê lợi, Sàigòn cũ, có soạn và in một bộ tự điển lời hay ý đẹp, dày 1898 trang, các trang trong in hai mầu có nhiều phụ bản đẹp, đóng làm hai quyển, chưa gởi bán ở nước ngoài. Nay được biết có người in lại bộ sách trên tại Mỹ, ruột một mầu và không phụ bản bày bán ở Mỹ và nhiều nhà sách ở hải ngoại. Tôi thông báo để quý vị độc giả khỏi mua lầm bộ sách in lậu.’(31).
Nhiều tác phẩm khác của các nhà văn thường còn bị kẹt ở lại trong nước, sách của họ đã được tái bản mà không được đền bù một đồng xu teng nào.
Nói chung, do nhu cầu mà một số sách vở ở miền Nam trước 1975 đã được in lại.
Tình trạng lão hóa của văn học Hải Ngoại
Trong cái tình hình èo uột trên của văn học hải ngoại như vừa trình bày trên, một số người cho rằng không thể có hay không nên có một dòng văn hải ngoại.
Trên thế giới, người Tàu có mặt ở nhiều quốc gia trên dưới 200 năm và dân số của họ rất đông. Vậy mà họ chưa bao giờ có cơ hội thiết lập được một dòng văn học Trung Quốc ở Mỹ hay ở nơi nào khác. Người Ý mà một nửa dân số lập nghiệp ở ngoài nước Ý, đã có ai nghe nói đến Văn học Ý ngoài nước Ý.
Người Việt ở hải ngoại có những nhân tố nào để có thể lần đầu tiên trên thế giới xây dựng được một mảng Văn học độc lập với Việt Nam trong nước.
Trả lời cho nan đề trên, trong số Văn Học, tháng 8,1995, Nguyễn Văn Trung trong Văn Học hải ngoại xác định rõ ràng Văn học Việt Nam hải ngoại là một hiện thượng bất thường mà chính những người làm ra nó không mong gì hơn là càng chấm dứt nó mau chóng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.
Do lòng yêu mến văn học và những ước mơ của người cầm bút mà nhà văn như Mai Kim Ngọc, Nguyễn Mộng Giác phản bác lại lập luận của Nguyễn văn Trung. Ông Mai Kim Ngọc viết:
‘Tôi nghĩ văn học hải ngoại sẽ trường tồn và sẽ cùng văn học quốc nội, và rộng hơn văn học thế giới đóng góp cho đất nước và con người nói chung những tac phẩm có giá trị.(32)
Những điều dự đoán của Nguyễn Văn Trung năm 1995 nay càng ngày càng trở nên hiện thực.
Phần Nguyễn Mộng Giác, ngay từ số 103, tháng 11 năm 1994 trong một bài viết nhan đề Triển vọng của Văn học hải ngoại, theo ông, chất liệu sáng tạo của Văn học hải ngoại là quá khứ thì 10 năm nữa chất liệu ấy vẫn là quá khứ. Văn học di dân hải ngoại dần dần yếu đi, không còn biệt lập, khiêm nhường đóng vai trò đại lý y như những người Thụy Sĩ gốc Đức, gốc Pháp hoặc những người Mỹ gốc Hoa ở Nữu Ước, ở San Fransisco.
Nếu sau này Việt Nam có những nhà văn nổi tiếng thì đó là những Linda Le hay Kim Lefebre. Họ viết văn bằng tiếng nước người mà không bằng tiếng Việt. Bà Kim Lefevre trong dịp trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh đưa ra nhận xét: Hãy viết bằng thứ tiếng mình giỏi và có tài.(33)
Riêng cá nhân người viết bài này, ngoài vấn đề người đọc mỗi ngày mỗi thưa thớt, chính bản thân nhà văn cũng không còn có động cơ thúc đẩy để viết mà tôi gọi đó là hiện tượng lão hóa nơi chính các nhà văn.
Nếu trước đây trên dưới 20 năm, có ai dám cả gan tiên đoán về có hay không một văn học của người di tản, hay sự lão hoá trong giới nhà văn thì điều đó được hiểu là một xúc phạm tinh thần, một bôi nhọ Cộng Đồng người Việt. Với gần 3 triệu người Việt, với hằng trăm tờ báo đủ loại, với một số nhà văn uy tín hàng đầu trong nước di tản ra nước ngoài, với sự tiếp nối của một số cây viết trẻ, nhiều người nghĩ đến một mảng văn học lưu vong so ngang tầm với mảng văn học trong nước.
Niềm tự hào và ước vọng đó nay mỗi ngày mỗi suy giảm đến độ, sau 40 năm, người ta tự hỏi còn có hay chăng một mảng văn học người nước ngoài? Và nếu có thì có như thế nào? Có trong bao lâu nữa?
Nói về sự lão hóa, người viết bài nhằm đưa ra những chứng liệu sát thực, những quy luật xã hội về sự hội nhập để thấy rằng hiện trạng lão hóa là điều tất yếu dẫn đưa đến sự suy tàn. Sự lão hoá không phải chi nhắm vào tuổi tác mà còn nhắm vào hoàn cảnh sáng tác, vào đề tài sáng tác của các nhà văn nữa.
Bệnh già là một sự lão hóa trong quá trình sinh hóa. Đó là một điều bình thường. Nếu nó đã là bình thường thì sự lão hóa nơi một số đông nhà văn cũng là chuyện bình thường. Già thì trí nhớ suy kém, óc sáng tạo soi mòn, thể chất mất linh động nhậy bén. Muốn viết cũng không viết được nữa.
Về thể chất thì mắt mỏi, mắt kém hay nhức mỏi, rồi nhức đầu chóng mặt khi ngồi lâu. Về tinh thần thì nhớ nhớ quên quên, chuyện nọ lẫn ra chuyện kia, chuyện quá khứ thì như mặt lõm của một ngọn đồi. Chuyện hiện tại thì như mặt phẳng của ngọn đồi, vừa nói xong đã quên. Tệ nhất là trí tưởng tượng đã sói mòn, khô cạn.
Nhưng xem ra khi viết sự lão hóa nơi các nhà văn thì tự nhiên có một số người dị ứng, không chịu nhìn nhận một sự thật.
Nhưng giả dụ nếu có một thế hệ nhà văn trẻ kế thừa, tiếp tục thì tình trạng lão hóa đã không được nói đến ở đây. Có kế thừa như sự sống, như dòng sinh mệnh văn học, hết cây nến này vừa kịp tắt thì có cây nến khác thắp sáng lên.
Chính vì không có người trẻ kế thừa mà tình trạng lão hóa nơi nhà văn và người đọc sẽ đưa đến tình trạng tuyệt nòi.
Trong vòng 20 năm nữa, khó có thể nói đến một dòng văn học ngoài Việt Nam.
1. Lão hoá về đề tài hay nguồn cảm hứng
Stanley Karnow, một nhà báo kỳ cựu ở Việt Nam khi đến Little Sàigòn đã nhận xét về cuộc sống người di tản, và Karnow đã đưa ra một biểu tượng cây cầu:
Tôi không bao giờ kỳ vọng được trở lại trông thấy Sài Gòn một lần nữa. Nhưng nay bây giờ tôi đã thấy trở lại, ít lắm là về mặt tinh thần.
Vietnamese try to bridge two worlds in Orange County’s Little Saigon(Trích Stanley Karnow 1992: 29).
Cây cầu đó nối liền hai thế giới Việt Nam và Mỹ, nối liền quá khứ với hiện tại. Mỗi người Việt Nam bỏ nước ra đi đều mang theo một quá khứ, phần lớn là đau thương, tủi nhục và mất mát. Họ chả quên được. Như nhà báo trẻ Andrew Lam viết trong một bài tựa đề Viet Nam after normalisation: Vietnamese in America Bid Farewell to Exile Identity (trích trong Jinn Home page). Ông cho biết, cha ông là một cựu tướng lãnh trong quân đội miền Nam. Trong lúc ăn, các câu chuyện quá khứ thường bao trùm toàn thể bữa ăn. Sau một vài ly rượu, cha của ông bắt đầu kể lại những hồi ức về những trận chiến mà ông tham dự và đã thắng trận. Kể riết rồi cậu bé Andrew Lam có thể nhìn thấy những trận mưa bom Napalm thắp sáng trên bầu trời đen tối.
Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt.
Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Theo Nguyễn Mộng Giác, vứt bỏ quá khứ ấy đi, nhiều người sẽ phát điên lên. Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa.
Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy.
Đó là một hội chứng sau 1975. Hội chứng thua cuộc.
Người việt lưu vong thế hệ đầu tiên 1975-1978, sau khi đã hội nhập vào đất nước “tạm dung” thường tìm cho mình một thẻ căn cước Việt tính (origin identity) như một lẽ sống còn, một chỗ trú ẩn. Hồi tưởng lại cuộc chiến là một cái trục xoáy (pivotal place) để từ đó người Việt lưu vong nhìn nhận ra gốc gác (racial identity) của mình.
Những buổi lễ, những câu chuyện bên chén trà, ly rượu, những buổi diễn binh như ở Boston với những người lính VNCH đồng phục đủ loại, với cờ quạt nghi lễ, những buổi ca nhạc kịch, v.v. Tất cả như muốn vực dậy cái quá khứ mà nay dần chỉ còn là những huyền thoại như Jean Baudrillard viết:
When the real is no longer what it used to be, nostalgia assumes its full meaning. There is a proliferation of myths of origin and signs of reality; of second-hand truth, objectivity and authenticity. There is an escalation of the true, of the lived experience; a resurrection of the figurative where the object and substance have disappeared. And there is a panic-stricken production of the real and the referential, above and parallel to the panic of material production.(34)
Nhưng thường thì người ta không dừng lại ở đó. Người ta thường chuyển hoá những kỷ niệm, những hoài niệm quá khứ thành một lý tưởng, một chủ trương, một đường lối, một chỉ hướng soi đường để hành xử và phê phán.
(Còn tiếp)
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.
Tài Liệu Tham Khảo:
(29) Xem, bài viết của tác giả, Báo chí Việt Nam hải ngoại, thập niên đầu tiên, Tân Văn số 1, tháng 8 -2007
(30) Theo nhà văn Nhật Tiến, trong Mưa Xuân, nhà văn Nhật Tiến đã tố cáo nxb Đại Nam bần tiện và trí trá, vì sau khi tái bản sách không xin phép đã chỉ gửi về Việt Nam cho các tác giả 200 đô la, tệ hơn nữa chỉ là những gói quà.
(31) Nhật Tiến, Một thời như thế trang 117
(32) Mai Kim Ngoc, Văn Học, số 113, tháng chín 1995, trang 14
(33) Nguyễn Nam Anh, Đi xa với nhà văn nữ Kim Lefevre, Văn Học, số 104, tháng 12, 1994, trang 10
(34) Jean Baudrillard, Selected Writings, ed. Mark Poster (Stanford; Stanford University Press, 1988), pp.166-184.