Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 (VI)

Nguyễn Văn Lục

writersNgười Mỹ hơn ai hết hiểu rõ tâm trạng đó nên ngay từ 1975 đã có chủ trương phân tán người Việt di tản đi khắp nơi trên toàn nước Mỹ như lời bà Ellen Mathews đã viết trong cuốn Culture Clash. Chính phủ Mỹ đã tìm cách phân tán mỏng những người Việt di tản để tránh cái tình trạng: một sự nhắc nhở quá lộ liễu về chiến tranh.

Lê Tất Điều
Lê Tất Điều

Cho nên cũng chẳng lạ gì, những nhà văn di tản lớp đầu đương nhiên lấy nguồn cảm hứng hay đề tài về cuộc chiến đã qua. Lê tất Điều với bút ký Ngưng bắn ngày thứ 492 (1978). Bài thơ Cảm Khái sau đây với những hoài niệm bi phẫn về cuộc chiến đã qua:

Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi vu vơ.
Ôi trong trí mỗi anh hùng thủa trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ. (1977).

Ông còn viết chung với Võ Phiến trong tùy bút Ly Hương (1977). Võ Phiến bắt đầu viết Thư gửi bạn (1976), Đất nước quê hương, Lại thư gửi bạn (1979).

Thanh Nam với bài thơ Xuân đất Khách:

Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do.(35)

Giai đoạn di tản đợt hai từ đầu thập niên 80 tới đầu 90 với những người đã có kinh nghiệm từng sống dưới chế độ Cộng sản, từng đã đi tù, từng đi cải tạo, từng nếm mùi bo bo, từng phải liều mạng trên biển mà thế giới gọi họ là những thuyền nhân (boat people).

Nay thì đề tài chống Cộng là sức sống, là cái lý lẽ ở đời, làm cho cuộc đời này có một ý nghĩa để tiếp tục sống.

Các nhà văn lớp di tản thứ hai lên án trực tiếp chế độ Cộng Sản bằng chính kinh nghiệm xương máu của họ qua các truyện dài, nhất là những bút ký, hồi ký đủ loại.

Nguyễn Chí Thiện với tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực gây chấn động một thời. Trần Huỳnh Châu với Những năm cải tạo ở Bắc Việt (1981). Hà thúc Sinh với Đại học máu (1985). Tạ chí đại Trường với cuốn hồi ký Một nửa Việt Nam Cộng hoà kéo dào, theo tôi, đây là một cuốn hồi ký đắt giá. Cao xuân Huy với Tháng Ba gẫy súng (1986), rất trung thực, lên án các cấp chỉ huy của mình hèn nhát bỏ lại đồng đội. Cuốn sách đã gây được sự chú ý của nhiều người đọc. Phạm Quang Giai với Trại cải tạo, Nguyễn Thanh Ty với Trong lao tù cộng sản, Trại Đá Bàn & A.30.

Tiếp theo đó là các nhà văn như Nguyển Mộng Giác, Duyên Anh, Nhật Tiến, Hoàng khởi Phong, Nguyễn Khắc Ngữ, Lê Văn Phúc, Nguyễn Đức Lập, Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng, Nguyễn Bá Trạc, Xuân Vũ, Phan Nhật Nam, Nguyễn ngọc Ngạn, Võ kỳ Điền.

Tuy vậy, cái hội chứng 75 cứ được nhắc đi nhắc lại đến không còn gì để nói nữa.

Theo tôi, hội chứng sau 1975 có thể chỉ là một.

Nhưng vấn đề là nhà văn phải làm thế nào viết, cách thức trình bày, cách thức diễn giải sao cho người đọc cảm thấy như thể lần đầu, cảm thấy là mình, đụng chạm vào những nỗi đau như mũi chích vào chính da thịt mình, trong mình, không phải ngoài mình.

Cái đau bằng cảm nhận của nhà văn phải chuyển tải được bằng một thông điệp mang tính chất bi kịch con người trong lòng chế độ cộng sản. Cộng sản là một điều tồi tệ, một điều xấu trên mọi điều xấu, vấn đề là chuyển tải được nó như một lời mời gọi cùng nhau ngồi vào bàn tiệc, chia xẻ bữa tiệc dạ quỷ, trong đó món ăn, gia vị đắng cay rút ra từ chế độ ấy.

Điều đó cũng đánh dấu sự biện biệt giữa nhà văn có tài và ít tài.

Còn nếu cứ viết cùng một cung điệu, nó sẽ rơi vào trình trạng nói rồi, cứ nói mãi. Lúc đó bắt buộc tạm gọi đó là thứ văn chương H.O. Viết như thể một điệp khúc nháy đi nháy lại năm này qua năm khác thành cháy cả đám. Các nhà văn ấy trở thành những người tuyên truyền hơn là vai trò nhà văn.

Nhưng khi mà tình hình chính trị ở Việt Nam cũng như thế giới đã có nhiều biến động, nhất là từ khi có sự sụp đổ các nước Cộng Sản Đông Âu, cộng thêm đường lối cởi trói và mở cửa ở trong nước từ năm 1986.

Dần dần có một số nhà văn, qua trải nghiệm thực tế, có xu hướng đặt lại những quan điểm phê phán chế độ Cộng Sản.

Bắt đầu với Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến và Duyên Anh.. Những nhà văn này xét lại những ý thức hệ Cộng Sản, tư bản, thực chất cuộc chiến tranh bị coi là phi nhân, phi nghĩa như một cuộc nội chiến. Đi xa hơn nữa họ nói tới tình nhân loại, con người Việt Nam không phân biệt Nam Bắc, tới quê hương dân tộc.

Nhật Tiên 2012 (Nguồn: NV/NT)
Nhật Tiên 2012 (Nguồn: NV/NT)

Nhật Tiến với Một thời đang qua (1985) Mồ Hôi của Đá (1988). Duyên Anh với cuốn Đồi Fanta, Nhìn lại những bên bờ. Nguyễn Mộng Giác với Ngựa nản chân bon.

Sự nhìn lại mình, duyệt xét lại một quan điểm chính trị thức thời là một thái độ chân thật và can đảm của nhà văn dễ bị chụp mũ và bị bôi bẩn.

Phần tôi, tin tưởng và không dễ dãi ngộ nhận những nhà văn trên.

Theo tôi, những nhà văn trên không có ý hướng ngả theo cộng sản. Phần Nhật Tiến đã trả lời dư luận khi ông viết cuốn Sự thật không thể bị chôn vùi (2012) để biện hộ cho các tác giả trong cuốn Trăm hoa vẫn nở trên Quê Hương. Đồng thời trích lại bài phê bình cuốn Mồ Hôi của đá của Thụy Khuê.

Trong cuốn Mồ Hôi của đá, Nhật Tiến mong muốn nhiều thứ lắm.

Chúng ta chỉ có thể không đồng ý với ông về những đề nghị ông đưa ra thuộc loại ảo tưởng.
Nhưng kết án ông lại là một chuyện khác.

Hoặc như Nguyễn ngọc Ngạn thay vì tiếp tục viết với xu hướng chống Cộng như trong truyện đầu tay của ông The will of Heaven (1982),nhưng chẳng bao lâu sau, do nhu cầu cơm áo, ông đã chuyển hướng viết về những truyện tình vô thưởng vô phạt, nhằm đáp ứng thị hiếu một số độc giả trên các báo chợ. Và quả thực, ông trở thành một tác giả khá ăn khách cho một giới người đọc nào đó. Một giới độc giả mà thời nào cũng có. Thật ra chính những người như Nguyễn Ngọc Ngạn mới là người đáng trách, bởi vì ông dễ dàng bỏ quên đi những đau thương bi kịch vượt biển mà hiếm hoi trong dòng người táp vô Mã Lai hay Nam Dương gặp phải.

Kể từ đầu thập niên 90, vẫn còn một số nhà văn tương đối trẻ -trừ Nguyễn Thị Hoàng Bắc không trẻ nữa- khai thác lại những chủ đề quen thuộc về chiến tranh, cuộc sống người tỵ nạn, kiếp lưu vong, pha trộn những khắc khoải băn khoăn của tiến trình hội nhập vào xã hội mới.

Thêm vào đó là các nhà văn như Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hồ Trường An, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Quốc Bảo, v.v. Nhưng trước một cuộc sống đã quá nhiều thay đổi với một đa số là giới trẻ mới lớn, thuộc thế hệ thứ hai của người di tản. Những đề tài của các nhà văn trong các tiểu thuyết của họ hầu như không còn đáp ứng kịp, hoặc đã trở thành cũ mòn. Viết mãi một đề tài, nó dễ trở thành cliché, chuyện hay mấy cũng là chuyện nói rồi. Phải chăng đó là tình trạng già nua, cũ mòn, lão hoá, thiếu sáng tạo của một số nhà văn di tản?

Ngoài một vài tác giả như Nguyễn Mộng Giác (Thật sự, ông viết cuốn truyện dài Sông Côn mùa lũ ngay từ khi còn ở trong nước, phải đợi đến khi đoàn tụ gia đình, người vợ đảm đang mới đem ra khỏi nước được) Cao Xuân Huy, Tạ Chí Đại Trường, Xuân Vũ hay một Hồ Trường An. Những nhà văn lớp trước như Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến kể như sức viết đã kiệt.

Phải chăng, vì thế Võ Phiến quay ra viết phê bình Văn Học, một nghề không phải sở trường của ông.

Võ Phiên trên bìa tạp chí Văn 1974. Ảnh Trần Cao Lĩnh
Võ Phiên trên bìa tạp chí Văn 1974. Ảnh Trần Cao Lĩnh

Sức viết không còn được như trước nữa. Đó là một thực tế phải nhìn nhận.

Ấy là chưa kể đến sự mất mát không thay thế đến những người như Nguyên Sa, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ. Hai người trước đã không còn nữa, người còn ở lại cũng ngưng viết chờ ngày lên đường.

Mất mát một nhà văn hải ngoại là mất mát luôn

Những nhà văn với những đề tài đã được nhiều người viết nên mất hẳn sức căng, sức quyến rũ. Nó như những lối mòn không khéo một chút dễ đi đến chỗ nhàm chán. Xa tý nữa, đi vào chỗ khép lại như những ghetto văn nghệ, bất chấp thực tế xã hội, bất chấp cuộc sống sinh động hiện tại, tự xếp mình vào hàng ngũ những nhà văn lưu vong, ẩn dật.

Những truyện viết như thế dần mất chỗ đứng, không có người đọc.

Vì thế, mấy ai còn chịu khó đọc những tác phẩm xuất bản ở ngoài nước như Một người Nga ở Sàigòn, Bầy sư tử lãng mạn, Nhà tù, Nhìn lại những bến bờ. Họa chăng với cuốn Một người tên là Trần văn Bá của Duyên Anh? Còn đâu những Hoa Thiên Lý, Thằng Vũ, Dấu chân sỏi đá, Vết hằn trên lưng con ngựa hoang?

Mấy ai đã đọc và biết đến Mồ hôi của đá, Gặp gỡ cuối năm, Tiếng kèn của Nhật Tiến? Những truyện của Nhật Tiến vừa kể lấy chi để so đo với chính Nhật Tiến trước 1975 như Những Thềm Hoang, Những người áo trắng, Truyện Bé Phượng.

Có cái gì của Phan Nhật Nam viết hiện nay có thể so sánh được với Mùa hè đỏ lửa, Dọc đường số 1, Ải trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà Bình và đặc sắc nhất, Dấu binh lửa?

Nhưng cũng trong thời gian này, người ta thấy những đóng góp đáng kể và khởi sắc của một số nhà văn trẻ viết truyện ngắn như Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Vũ, Kiệt Tấn, Trân Sa, Mai Ninh, v.v. và một số nhà văn mới như Phùng Khánh Minh, Đỗ Lễ Anh Đào, v.v.

2. Tình trạng lão hoá nơi các nhà văn

Lão hóa nơi những lớp nhà văn từ 70 tuổi trở lên

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại nhất, vì những nhà văn này đã thành danh, đã có chỗ đứng trong văn học và hiện nay không ai thế vào chỗ của họ được. Mỗi một người trong số họ mất đi, thêm một chỗ trống. Giống như các ghế ngồi trong một phòng họp đã đánh số, mất đi một người tạo một khoảng trống ghế ngồi. Có lần Nguyễn Xuân Hoàng, nghe tin bạn bè nhà văn ra đi, ông cảm thấy như thêm một cái ghế trống. Nay đến lượt chính ông để một cái ghế trống không người thay thế.

Không ai thay thế được ai. Mỗi nhà văn đã có tên tuổi ra đi là một khoảng trống để lại; nghĩ mà buồn.

Mai Thảo (1927-1998). Nguồn OntheNet
Mai Thảo (1927-1998). Nguồn OntheNet

Ai có thể thay thế cho Mai Thảo, Nguyên Sa, Duyên Anh? Mặc dầu Mai Thảo của thập niên 1954-1960 cũng giống Mai Thảo của thập niên 1963-1975 và cũng không khác bao nhiêu với 1979 về sau. Ông vẫn thế, bất kể những biến thiên, xáo trộn của thời cuộc đang rúng động, trụt lở dưới chân ông.Tôi vẫn muốn bầy tó ý riêng của mình là những nhân vật truyện của Mai Thảo có vẻ dửng dưng quá, như những kẻ ngoài cuộc bất kể những biến động lớn nhỏ đang xảy ra chung quanh ông.

Đối với tôi, những nhà văn không dấn thân là những nhà văn thuộc loại văn chương trú ẩn như tên gọi mà Nguyên Sa đã dùng để chỉ chỉ thị những nhà văn không dấn thân, nhập cuộc khi chiến sự xôi bỏng.

Họ như vẫn ở ngoài tầm bắn của tên đạn và đêm đêm không nghe thấy tiếng đại bác vọng về, hay tiếng ì ầm của bom nổ. Họ cũng không nhìn thấy xác người trôi sông hay vắt vẻo trên hàng rào kẽm gai thuở nào.

Cái cảm giác buổi sáng thức dậy: Khi nghe tin em gục ngã nơi chiến trường là có thật, là sống động. Tôi đã từng xem một cuốn video khi người ta chôn những người lính trẻ gục ngã ở một chiến trường nào đó, với những tiếng khóc kêu gào đến không xem tiếp nữa.

Tôi cũng đã từng đọc những thơ văn của lớp người trẻ làm do Trần Hoài Thư sưu tập, quy tụ 263 tác giả trong cuốn Thơ miền Nam trong thời chiến(36)

Những nhà văn còn sót lại của lớp tuổi trên 70 có thể đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Chẳng hạn thế hệ nhà văn sau 1954 như Doãn quốc Sĩ, 1923, với một văn nghiệp như Sợ lửa, Gìn vàng giữ ngọc, Hồ thùy Dương, Cánh tay nối dài, Dòng sông định mệnh, Trái cây đau khổ và trường thiên tiểu thuyết Khu rừng lau được kể là đồ sộ.

Sau 1975, ở hải ngoại, ông cho xuất bản Mình lại soi mình (1981), Người vái tứ phương (1982), Dấu chân cát xóa, Cỏ đùm (1997).(37)

So ra văn nghiệp thời kỳ sau 75 của ông kể là sút giảm. Nhưng người ta vẫn tìm thấy ở Doãn Quốc Sĩ một tấm lòng đôn hậu, lạc quan tin vào người, tin vào đời. Phải chăng, đó là nét đẹp nhất của một nhà văn, một nhà giáo?

Bình Nguyên Lộc, 1914-1987, với các tác phẩm Ký thác, Tâm trạng Hồng,Tình đất, Cuống rún chưa lià, Tâm trạng hồng, Quán tai heo, nhất là cuốn Đò Dọc. Ông sang Hoa Kỳ, ở Sacramento và mất ở đó năm 1985. Ông là nhà văn tiêu biểu của văn chương miền Nam, đồng thời vừa là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà biên khảo. Bình Nguyên Lộc là một trong những nhà văn sáng giá của văn học miền Nam.

Ông viết với tình tự dân tộc, với tình đất, với Cuống rốn chia lìa thì hỏi rằng xa khỏi đất nước, làm sao ông còn có thể sáng tác được gì. Ông là nhà văn để lại gần 1000 truyện ngắn đủ loại, sang Mỹ ông đành khoanh tay ngồi chờ lúc về bên kia thế giới với một cuốn sách được tái bản là Ký Thác.

Tôi vẫn tiếc ngậm ngùi khi nghĩ đến sự ra đi của ông. Sự ra đi của ông cũng như sự ra đi của Mai Thảo, Nguyên Sa, Thảo Trường, Thanh Tâm Tuyền là những ghế trống văn học không ai thay thế được họ.

Duy Lam, 1932 với Chồng con tôi, Gia đình tôi, Cái lưới, Lột xác, Nỗi chết không rời. Sau 1975 cho xuất bản Tuyển tập Truyện mới (1995). Em phải sống (1996) Ai đã có dịp đọc Duy Lam trong các tác phẩm đầu tay của ông như Gia đình tôi sẽ nhận thấy ông viết rất dí dỏm, rất vui tươi lành mạnh.

Đặc biệt chỉ có Võ Phiến, sinh 1925, đã xuất bản nhiều tác phẩm ở trong nước cũng như khi ở ngoài nước. Trong nước như Mưa đêm cuối năm, Đêm trăng sáng, Giã Từ, Tạp luận, Tạp bút. Sau 1975 với Văn học miền Nam Tổng Quan, Thư gửi Bạn rồi Lại Thư gửi Bạn

Giai đọan sau 75 ở Hải ngoại, ông thiên về khảo luận nhiều hơn là sáng tác. Điều đó cho thấy một nỗi bất lực kín đáo của một nhà văn đã không còn thời nữa. Nếu tôi có phản biện ông một điều gì thì đấy là một thứ phản biện sinh lời và tích cực, không nhằm suy giảm thế giá của ông trên văn đàn.

Thanh Nam, 1931-1985, với Người Nữ danh ca, Buồn Ga nhỏ, Còn một đêm nay, Bầy ngựa Hoang, Những phố không đèn, Mấy mùa Thương đau, Trăng đất khách.

Kể như ông đã không sáng tác được gì từ khi ra Hải Ngoại, ngoại trừ một số bài thơ cảm khái về số phận của một người di tản.

Xuân Vũ là nhà văn viết khỏe nhất với Đường đi không đến, gồm 5 tập, rồi 2000 ngày đêm trấn thủ Cử Chi, Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi đã biết, đã in được 3 tập, Cách Mạng tháng 8, cha đẻ còng số 8, Sông nước Hậu Giang, Bùn đỏ, Kẻ sống sót, Con người vốn quý nhất, Thiên đàng treo. Một số hồi ký như Tấm lụa đào, Quê Hương Yều dấu, Trăng kia chưa xế, Vàng mơ bông lúa, Những độ gà nòi, Xóm Cái Bần, Buồng cau trổ ngược. Ngoài ra, còn có một số truyện viết liên quan đến Cộng đồng người Việt Hải ngoại như Ngọc Vùi, Hột Xoàn là của Trời cho, và cuối cùng là The survivor (Kẻ sống sót).(38)

Những tác phẩm xuất bản thời VNCH của ông, tôi đã mua được đủ. Nhưng những cuốn sau này không hiểu tại sao biến dạng. Tôi cũng đành bất lực, trói tay. Có lẽ ít có nhà văn hồi chánh nào viết một cách đầy đủ muôn mặt từ bên trong chế độ ấy như Xuân Vũ, với một trí nhớ kỳ diệu và một cái nhìn nhân bản soi dõi vào cái chế độ thiếu con người ấy. Ngậm ngùi và đau xót với phong cách của một người miền Nam đã từng đi theo kháng chiến, từng là kẻ ở trong cuộc. Những tác phẩm của Xuân Vũ trước 75 trình bầy những mảnh đời, những câu truyện bên trong của xã hội Cộng sản và được độc giả trong Nam đón nhận một cách nồng nhiệt.

Hoàng Hải Thủy, 1930, có khoảng 30 chục tác phẩm như Bạn và vợ, Môi thắm nửa đời, đi tù Cộng Sản ngay từ tháng 5, 1975, sau đó ra Hải Ngoại. Ông vẫn viết báo cho các báo chợ và mới cho xuất bản cuốn Những tên Biệt kích cầm bút (2000).

Chuyện không có gì đặc biệt, chẳng nhắn gửi được gì, cũng chẳng nói lên được gì, hoặc gây một ấn tượng đặc biệt nào. Cuốn sách Những tên Biệt kích cầm bút có thể nói là thường, điển hình cho một loại sách viết đã hết chất, hết lửa. Người đọc ông lấy làm thất vọng.

Võ Đình, 1933 với Xứ Sấm sét (1987), Đóa sen và nụ cười (1990), Sao có tiếng sóng (1991) được kể là một trong số những nhà văn viết muộn ở Hải Ngoại, nhưng viết có chất lượng, khá hay với một văn phong dàn trải cách riêng, trải chuốt và đặc sắc. Một chút tinh tế Võ Phiến, một chút mầu mè Mai Thảo và một chút phong cách Huế, một chút Paris.. Bấy nhiêu thứ cộng lại với một cuộc sống nặng phong cách Á Đông, Thiền đã là những gì làm nên Võ Đình.

Phải chăng ông viết được như thế vì ông không mang số phận người di tản.

Nói chung trong số tất cả những nhà văn vừa nêu trên, sức sáng tác vừa có sự sa sút rõ nét về phẩm cũng như về lượng. Bình Nguyên Lộc, Minh Đức Hoài Trinh, Thanh Nam kể như tắt tiếng. Hoàng Hải Thủy sa sút đến chẳng còn gì để nói. Trừ Võ Phiến và Võ Đình có những tác phẩm được kể là còn có giá trị. Dù vậy, nó cũng klhông đủ gây nên một làn sóng đặc biệt nào trong Văn học Hải ngoại. Âm vang của nó không đi xa. Nó vẫn chưa có được tầm vóc như độc giả mong đợi, nhất là trong trường hợp Võ Phiến. Một mặt khác, nó báo hiệu một thời kỳ suy tàn khó tránh khỏi.

Những lớp nhà văn từ 60 đến 70

Đây là lớp tuổi nhà văn chiếm số lượng đông đảo nhất ở Hải ngoại. Họ là những Nguyễn Mộng Giác, 1940, với Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bóng thuyền say (1974)… Tỵ nạn sang Hoa kỳ có các tác phẩm Ngựa nản chân Bon, Xuôi Dòng, nhất là Trường thiên Mùa biển động (1989) và Sông Côn mùa lũ (viết ở Việt Nam, mang sang Mỹ 1990-1991).

Ông là nhà văn gốc gác nhà giáo có nhiều phần giống phong cách của Doãn Quốc Sĩ. Nhưng ông viết sắc sảo hơn, nhiều nét tinh tế và còn dàn trải một ý thức sáng tạo cho những tác phẩm của mình. Nếu cần đánh giá ông thì phải nhìn nhận không mấy người vượt được ông khi cầm bút ở Hải ngoại.

Duyên Anh (Vũ Mộng Long 1937-1997)
Duyên Anh (Vũ Mộng Long 1937-1997)

Duyên Anh, 1935 với 50 tác phẩm xuất bản hồi trước 75. Có lẽ số lượng đầu sách xuất bản đó chỉ thua có một Bình Nguyên Lộc mà thôi. Đó là các truyện Hoa thiên lý, Thằng Vũ, Dũng Dakao., Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoan., Tuổi mười ba, Ao tiểu thư, Em đã yêu anh. Ngựa chứng trong sân trường. Ong là nhà văn của tuổi thơ với những thằng Côn, thằng Khoa, thằng Vũ, con Thúy đến Dzũng Dakao, Chương Còm, Bồn, Hưng mập.

Đó là thứ tuổi trẻ bụi đời và du đãng. Thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam mang ơn ông rất nhiều về những cuốn truyện của ông viết về họ.

Ông gặp nhiều bất hạnh lúc cuối đời va dập cả từ ngoài xã hội đến nội bộ gia đình. Tôi thu tập khá đầy đủ tài liệu về ông.

Nhưng về lúc cuối đời, như một số tên tuổi khác, ông đã tìm được con đường đạo phải đi trong suốt hành trình dương thế mà cả đời ông đã không gặp. Có nhiều phần, ông gặp được thánh Phê rô, người giữ cửa nước Trời.

Thế Uyên, 1935 với các tác phẩm Hạt cát, Mười ngày phép của một người lính, Những ý nghĩ của bọt biển, Nỗi chết không rời, Bản tình ca. Nghĩ trong một xã hội tan rã.

Ông là một người cầm bút với ý thức, với suy tư triết lý, với những ý nghĩ vụn vặt trong mỗi đầu sách. Sách nào cũng ngắn, trải dài chỉ hơn trăm trang.. Trước khi ngã bệnh nếu tôi nhớ không lầm, ông hy vọng tôi sẽ viết được đôi điều về ông nên đã gửi các truyện của ông xuất bản tại Việt Nam. Trong cuốn Hạt cát, ông gửi tặng tôi ghi, Sách đầu tiên, tặng anh Nguyễn Văn Lục.

Ông cũng như Duy Lam là hai người tâm sự vụn với tôi rất nhiều điều. Như một số nhà văn gặp hoạn nạn chính trị bị cộng đồng người Việt lên án, ông còn gặp sự đố kỵ của gia đình bên ngoại. Cũng như Duyên Anh, có thể ông có vài ý nghĩ khác người, nhưng nếu nhìn toàn diện tác phẩm của ông, tôi nghĩ rằng, ông vẫn là một người quốc gia chân chính và một nhà văn chân thật. Phải chăng nhận xét này đủ để tôi chuộc lỗi với ông không viết đầy đủ như lòng mong đợi của ông.

Kiệt Tấn. Nguồn: thethaovanhoa.vn/
Kiệt Tấn. Nguồn: thethaovanhoa.vn

Kiệt Tấn, 1940, tên thật là Lê Tấn Kiệt với Nụ cười tre trúc (1987), Lớp lớp phù sa (1988), Nghề múa (1989), Em ơi biết đâu tìm (1994).

Tôi có viết một bài về ông, Ba điều về Kiệt Tấn, đăng trên bào Văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Ông là một trong số những người viết trẻ sau này có thể theo gót những nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc. Nụ cười tre trúc được đánh giá cao xét về măt Văn học. Rất tiếc, tinh thần ông không được vững ảnh hưởng tới công việc sáng tác của ông.

Phan nhật Nam, với tác phẩm Dấu binh lửa, Ai trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà Bình, Dọc đường số 1 và nhất là Mùa hè đỏ lửa (1972) Sau 1975 với Những chuyện cần được kể lại, Mùa đông giữ lửa. Đường trường xa. Phải công nhận nhà văn Phan Nhật Nam là ngòi bút có lửa. Lửa rừng rực cháy trong Dấu binh lửa, trong Mùa hè đỏ lửa.

Theo tôi nhận xét, Phan Nhật Nam giống môt phần nào Phan Lạc Tiếp, ngòi bút chiến tranh không hừng hực hận thù. Ngay cả khi hừng hực sôi máu trước cái chết của đồng đội nếu có đi nữa, người ta vẫn tìm thấy cái tình con người trong những câu chuyện chiến tranh của ông.

Tôi chỉ thực sự xúc động khi đọc ở ông những góc cạnh, những câu chuyện kể bên lề cuộc chiến, nhưng vẫn nhắn gửi một cái tình con người trong những câu chuyện ấy.

Còn truyện chiến tranh cũng là những chuyện cũng đành cả. Nhưng lửa ấy nơi Phan Nhật Nam cũng rừng rực khi ngồi ăn nhậu trên bàn tiệc rượu với bạn bè. Nói chung, ông là người dễ thương, bạn bè trêu chọc đủ thứ ông không giận.

Nhật Tiến, 1936. với Những người áo trắng, Những vì sao lạc, Tay Ngọc, Chuyện bé Phượng, Người kéo màn, Chim hót trong lồng, Quê nhà yêu dấu, Lá chúc thư, Theo gió ngàn bay.

Ông được nhìn nhận như một nhà văn viết cho tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi với những tên Phựơng, Dung, Cúc, Alice, Hạnh. Tôi nghĩ đó cũng đủ làm nên văn nghiệp của ông.

Sau 75 có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm, Một thời đang qua.

Ông là người có khả năng tài chánh để in ấn… Tôi cũng có đũ những sách của ông Nhật Tiến sau này ở Hải Ngoại. So với chính ông thì tự nó ông cũng thấy có sự sút kém nhiều.

(Còn tiếp)

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.

Tài Liệu Tham Khảo:

(35) Nguyễn Vy Khanh, “40 năm Văn học chiến tranh (1957-1979)”, trang 96-98. Nxb Đại Nam.1977
(36) Trần Hoài Thư, “Thơ miền Nam trong thời chiến”, Tủ sách di sản văn chương miền Nam, 846 trang.
(37) The list of Vietnamese Poets and writers abroad, The Writers Post. A Magazine of Literature and Literature in Translation, Published biannually – ISSN: 1527-5469
(38) Nguyễn Vy Khanh, “Văn học Việt Nam thế kỷ 20, trang 346, 34. Nxb Đại Nam, 2004