Sư chính trị (II)
Mark Moyar | Trần Hải dịch
DCVOnline | Mark Moyar là tác giả của Triumph Forsaken – The Vietnam War 1954-1965 (Cambridge University Press 2006). Bài viết sau đây do Trần Hải Dịch từ “Political Monks: The Militant Buddhist Movement during the Vietnam War” của Mark Moyar, đăng trên Modern Asian Studies 38, 4 (2004) pp. 749–784.
Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam
(Tiếp theo phần I)
Những hành động này và các nhân nhượng khác đối với Phật giáo của Tướng Khánh làm gia tăng sự chống đối chính quyền từ phía các tướng lãnh, thường dân Công giáo, cựu đảng viên Cần lao, Đại Việt.[51] Các nhóm này nuối tiếc chế độ Diệm vì đã cầm quyền hiệu quả so với các chính quyền nối tiếp. Ngày 13 tháng Chín, sự thất vọng đó đã bùng nổ thành một cuộc nổi loạn công khai. Vụ lật Khánh này do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Tướng Lâm Văn Phát, và tư lệnh Quân đoàn IV, Tướng Dương Văn Đức. Hai tướng này đã chán ngán sự cai trị yếu kém của Khánh và nhất là sự phục tùng các yêu sách từ phía Phật giáo. Hai tướng này ở trong đám tướng lãnh Khánh vừa quyết định cách chức dưới áp lực của Phật giáo.[52] Lực lượng nổi dậy chiếm trung tâm thành phố mà không cần nổ một phát súng nhưng họ đã không tìm ra Khánh vì ông đã trốn lên Đà Lạt ngay khi nội loạn bắt đầu.
Trên đài phát thanh quốc gia, Tướng Phát tuyên bố rằng ông ta đã lật đổ chính quyền và sẽ bắt giữ Khánh.[53] Thành phần lãnh đạo mới sẽ phục hồi tinh thần của Diệm và uy tín của Diệm sẽ là nền tảng cho sức mạnh của chính quyền mới.[54] Tướng Phát đã thảo luận riêng các kế hoạch chính trị với Phó Đại sứ Mỹ U. Alexis Johnson và Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, người Mỹ kết luận rằng các lãnh tụ đảo chính đã không chuẩn bị sẵn sằng để thành lập một chính quyền mới. Họ bảo Phát và các cộng sự hãy chấm dứt cuộc nổi loạn và cảnh cáo rằng Mỹ vẫn còn ủng hộ chính quyền đương thời. Thái độ phản đối của người Mỹ đối với cuộc đảo chính này đã khiến các tướng lãnh khác không tham gia, dẫn đến việc sau đó Phát và Đức đầu hàng.[55]
Điên đầu vì tình trạng chống đối nhau liên tục trong giới chóp bu Nam Việt Nam, người Mỹ cảnh cáo Khánh, Minh và những nhân vật có máu mặt khác rằng, nếu cứ tiếp tục đấm đá nhau có thể khiến Mỹ chấm dứt việc hỗ trợ Nam Việt Nam và như thế chắc chắn đất nước sẽ sụp đổ. [56] Dẫu vậy, những lời cảnh cáo này vẫn không mấy tác dụng! Sau vụ nổi loạn, Khánh cách chức ba tư lệnh vùng và sáu (trong tổng số chín) sư đoàn trưởng vì đã không hậu thuẫn Khánh trong cuộc đảo chánh.[57]
Những dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thấy những nhượng bộ của Khánh đối với Phật giáo, cho rằng đã đến lúc họ đưa ra những đòi hỏi riêng cho mình. Khánh lại tiếp tục thoả mãn những yêu sách của cả hai nhóm này. Đại sứ Taylor, một lần nữa chứng tỏ sự nắm bắt chính xác về tình hình chính trị Nam Việt Nam, đã nhận định rằng khi nhân nhượng như thế,
“Khánh chỉ làm tăng thêm sự yếu kém ngày càng vây bọc ông ta. Khánh dường như chỉ tồn tại bằng cách nhượng bộ liên tiếp mỗi khi có một nhóm gây áp lực ra mặt. Ai cũng nhận thấy rằng tiến trình đó không thể kéo dài mãi mà không làm tiêu tan uy tín của chính quyền. Chúng ta sắp đến giai đoạn đó rồi.”[58]
Những hỗn loạn khác tiếp tục xảy ra, đáng kể nhất là cuộc bạo loạn lớn ở Qui Nhơn làm tê liệt chính quyền địa phương một thời gian. Việt cộng càng ngày càng nhúng tay sâu hơn vào các cuộc bạo loạn.[59] Tại những thành phố phía bắc miền Nam Việt Nam, các viên chức chính quyền đã không làm gì để ngăn chặn hay chấm dứt những kẻ bạo loạn, khích động. Họ đã không nhận được chỉ thị nào từ thượng cấp và họ cũng đã thấy kinh nghiệm nhãn tiền là những ai ra tay cưỡng chế sau đó đều bị sa thải theo tố giác của bên Phật giáo. Tình trạng mất tinh thần trở nên lan tràn trong giới công chức tại các thành phố và đô thị, kể cả Sài Gòn.[60]
Thượng Hội đồng Quốc gia, vừa được thành lập gồm có những đại diện của những nhóm lớn trong nước, được triệu tập vào khoảng cuối tháng Mười để chọn lãnh đạo mới cho đất nước. Hội đồng đã chọn Phạm Khắc Sửu – một nhân vật đã lớn tuổi làm quốc trưởng, và Sửu cử Trần Văn Hương làm thủ tướng, chức vụ với quyền lực lớn nhất. [61] Hương là một người theo chủ nghĩa quốc gia bướng bỉnh, bảo thủ, ghét cộng sản và đã từ chối phục vụ trong chính quyền Bảo Đại trước đây. Ông ấy là một trong số ít người có bản lĩnh và quyết tâm và chính là người cần thiết lúc ấy để chấm dứt tình trạnh hỗn loạn ở Sài Gòn. Hương chống lại chính sách hoà hoãn của Khánh đối với Phật giáo và dự định thực thi một chính sách tương tự như của Diệm, qua đó trật tự được ổn định cho dù có nghĩa là phải đàn áp sự chống đối của phía Phật giáo.
Giống Diệm và khác Khánh, Hương xem Trí Quang là một mối đe doạ không thể cùng tồn tại đối với sự sống còn của đất nước. Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên người Mỹ Marguerite Higgins, Huơng nói về Trí Quang,
“Ông ta nói như một người cộng sản. Những điều ông làm có lợi cho cộng sản. Nhưng người Mỹ quí vị muốn chứng cớ tuyệt đối. Và bằng chứng thì không phải là chứng cớ tuyệt đối. Chúng tôi có thể chứng minh là Trí Quang đã họp với cán bộ Việt cộng cao cấp ở Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Nhưng Thích Trí Quang lại có thể nói rằng ông ta đến đó là để cải giáo những người cộng sản thành Phật tử – và một số người cũng tin ông ta!”[62]
Những Phật tử tranh đấu ngay lập tức thử sức Hương. Họ tổ chức biểu tình đấu tố chính quyền và đòi nội các từ chức. Trong một thông báo công khai, họ gọi Hương là “kẻ ngu xuẩn, phản quốc, mập phệ, cứng đầu vô chính sách.” Họ xem chính quyền Hương “không cách mạng” và có chứa tàn dư của chế độ Diệm.” Điều tố cáo này không có cơ sở vì đa số các thành viên nội các được chọn vì đã không tham gia hoạt động chính trị của đảng phái nào. Trí Quang cũng không nêu được một ai khác có thể thay thế Hương. “Chúng tôi không bao giờ ham muốn gì cả, và nói rằng Phật giáo muốn điều này, điều nọ là sai. Chúng tôi không bao giờ bảo trợ một cá nhân nào.”[63] Câu này đã phủ nhận những cáo buộc đối với Diệm, Khánh, Hương, người Công giáo, Đảng Cần lao và Đại Việt, cũng như lời hứa ủng hộ mà Trí Quang đã bán cho Khánh trong tháng Tám. Sự bảo trợ, và chống đối, của Trí Quang đối với cá nhân các chính trị gia sẽ gia tăng ngay trong những tháng sau đó.
Cho dù những Phật tử tranh đấu thường dùng ngôn từ mập mờ, chung chung khi bày tỏ sự chống đối Hương, điều làm họ bực nhất là Hương chủ ý tái lập trật tự và từ chối đáp ứng những yêu sách của Phật giáo. Các lãnh tụ Phật tử lên án mạnh mẽ kế hoạch của Hương nhằm hạn chế những cuộc biểu tình, và một số thậm chí còn kêu gọi cắt giảm các hoạt động quân sự.[64] Các lãnh tụ Phật giáo tuyên bố họ thích tình trạng bất ổn định và sự rã đám của chính quyền hơn là một chính quyền có khả năng do Hương lãnh đạo, cho dù điều đó có tiếp tay cho Việt cộng. Một lãnh tụ Phật giáo đã nói,
“Chẳng thà chính trị bỏ ngỏ còn hơn là để Hương cầm quyền. Chính quyền này sẽ phải ra đi.”[65]
Mặc dù bị áp lực từ phía Phật giáo, Hương nhất định không dung thứ những cuộc biểu tình có hơi hướng bạo loạn, cũng không chịu nhượng bộ. Khi những Phật tử tranh đấu và sinh viên tổ chức biểu tình lớn, Hương ra lệnh cho quân đội giải tán với vòi rồng và lựu đạn cay và binh sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ.[66] Các Phật tử tranh đấu lại cáo buộc các lực lượng an ninh đã làm một số người chết và bị thương trong trong những tuần đầu của nhiệm kỳ của Hương, nhưng thực ra không có ai chết và số bị thương rất thấp so với những lời tố cáo từ phía Phật giáo.[67] Hương cũng áp đặt kiểm duyệt báo chí, đóng cửa 10 tờ báo bị nghi ngờ là cộng tác với cộng sản.[68]
Tại một buổi biểu tình chống chính quyền khoảng cuối tháng Mười Một, phía Phật tử tranh đấu gia tăng bạo loạn. Một đám đông gồm nhóm Phật tử tranh đấu và những kẻ phản đối khác ném đá và tấn công cảnh sát bằng gậy gộc. Một vài kẻ ném lựu đạn có sức ép mạnh, loại Việt cộng thường dùng, vì vậy một binh sĩ Nhảy Dù đã bắn súng lục về phía đó. Những loạt đạn này lại làm chết một em trai 15 tuổi. Phía Phật giáo sau đó ra tối hậu thư đòi quân đội và cảnh sát không được đụng đến những kẻ biểu tình và buộc Hương phải từ chức. Hương đáp lại bằng lệnh cấm tụ tập nơi công cộng và đóng cửa một số trường học.
Công khai thể hiện mối nghi ngờ có sự đồng loã với cộng sản, Hương tuyên bố trên đài phát thanh rằng bất ổn là do lỗi “của những kẻ vô trách nhiệm, những người đã vô tình hay cố ý theo kế hoạch của cộng sản.”[69]
Hương đã thành công trong việc dẹp loạn ở Sài Gòn, nhưng ông đã không đạt đươc tiến bộ trong một số lãnh vực quan trọng. Trước những mưu đồ của phía Phật giáo và sự bất đồng về cách giải quyết đối với những cuộc biểu tình của Phật tử càng làm chia rẽ thành phần lãnh đạo của Nam Việt Nam. Nội các của Hương và các tướng lãnh đã chia thành hai phe, bên theo và bên chống Hương, và những kẻ chống Hương lại hợp tác với Trí Quang. Vì sự thiếu đoàn kết này và những rạn vỡ đã xảy ra trước đó, Hương đã không thể phục hồi cơ cấu hành chính trên cả nước. Như Taylor đã nhận xét trong một báo cáo.
“Hậu quả của tình trạng bế tắc chính trị ở Sài Gòn dần dần xuất hiện tại các tỉnh. Nhất là các công chức không biết phải hành động ra sao và do đó thường theo khuynh hướng e dè cố hữu khi không có một tiếng nói mạnh mẽ có thẩm quyền chỉ đạo họ.”[70]
Vào đầu tháng Mười hai, sau khi đã tham khảo ý kiến Tổng thống Johnson ở Washington, Đại sứ Taylor thực hiện một chương trình mật để kiềm chế sự chống đối từ Phật giáo. Ông ra lệnh cho các viên chức toà đại sứ Mỹ tìm cách cô lập Trí Quang và Tâm Châu với những Phật tử khác. Tình hình lúc đó thuận lợi cho việc này vì ngày càng có nhiều lãnh tụ Phật tử đã tỉnh ngộ vì Trí Quang chống đối chính quyền dữ dội nhằm phá hoại một chính quyền chẳng có vẻ gì là thiếu bao dung về tôn giáo. Vào cuối năm, Mai Thọ Truyền và hệ phái Phật giáo Miền Nam cắt đứt liên hệ với Trí Quang. Các nỗ lực thống nhất Phật giáo miền Nam với các nhóm chống Trí Quang khác, dẫu vậy, đã không thành công vì sự chia rẽ trong giới Phật tử.[71]
Taylor cũng tìm cách tiết giảm cường độ chống đối của Trí Quang bằng cách tạo áp lực trực tiếp. Các viên chức toà đại sứ thông báo cho Trí Quang và các lãnh tụ Việt Nam khác rằng ý nguyện của Mỹ giúp Việt Nam không thể tiếp tục trừ khi mọi người đoàn kết sau lưng chính quyền Hương. Những lời đe doạ này được đưa ra dựa trên một tiền đề không lấy gì làm chắc chắn, rằng Trí Quang không muốn người Mỹ bỏ rơi Nam Việt Nam. Đối với những Phật tử nằm vùng cho Hà Nội, những đe doạ như thế chỉ khuyến khích họ càng chống đối Hương. Cùng lúc đó, cơ quan CIA cũng đang tiếp cận những thuộc cấp của Trí Quang và khuyến khích họ tìm cách tác động khéo léo tới sư thầy. Chiến dịch áp lực này đã không mang lại mấy kết quả. Trí Quang và các lãnh tụ khác tiếp tục công khai chỉ trích chính quyền là chống Phật giáo, và họ đe doạ sẽ lên án cả người Mỹ nếu vẫn tiếp tục ủng hộ Hương.[72]
Khủng hoảng chính trị kế tiếp xảy ra vào ngày 19 tháng Mười hai, và một lần nữa lại do tác động và ảnh hưởng của những người Phật tử tranh đấu. Khánh và một nhóm tướng lãnh trẻ, năng động, có biệt hiệu “Nhóm Trẻ Hăng Say – Young Turks” yêu cầu Thượng Hội đồng Quốc gia cho giải ngũ tất cả những sỹ quan quân đội có hơn hai mươi lăm năm binh nghiệp. Cả Khánh và các tướng trẻ này nghĩ rằng các sỹ quan già hơn họ không những chỉ thiếu năng lực mà còn cảm tình quá độ với nhóm Phật giáo tranh đấu. Hội đồng không chấp thuận yêu cầu này dẫn đến việc nhóm tướng trẻ này giải tán Hội đồng và bắt giữ luôn các thành viên.[73] Taylor hết sức giận dữ khi biết cơ sự. Ông ta đã nghĩ rằng các tướng sẽ báo trước về những kế hoạch như thế và ông cũng tin đó là một nước cờ chính trị tệ hại.[74] Taylor nghi ngờ rằng việc làm đó là một phần trong ý đồ của Khánh để lấy lại quyền hành trong chính phủ, cộng với những biến cố trong quá khứ khiến Talyor đi đến kết luận rằng Khánh không có khả năng cầm quyền hiệu quả cũng như chống lại áp lực từ phía Phật giáo.[75]
Thực ra Taylor đã suy diễn sai những gì đã xảy ra, bởi vì Hương đã đồng ý với việc giải thể Hội đồng Quốc gia Tối cao, và nhóm tướng trẻ đã ủng hộ việc đó như là một cách để trao thêm quyền cho Hương, không phải cho Khánh. Hương đã liên minh với các tướng để họ giúp ông chống lại Phật tử tranh đấu mà ông coi là vấn đề tệ hại nhất của đất nước.[76] Khi Taylor đề nghị Hương nên từ chối việc giải thể Hội đồng, Hương chỉ gạt đi với nhận xét rằng người Việt “giải quyết vấn đề theo tình hơn là theo lý” và do đó vai trò của Hội đồng ít quan trọng hơn là “uy tín đạo đức của lãnh đạo.”[77] Các cố vấn Mỹ và các sỹ quan tình báo có liên lạc với các tướng lãnh Việt Nam thấy rằng giới lãnh đạo quân đội cũng không nghĩ rằng hành động đó là phi pháp.[78]
Quá giận, Talyor mắng mỏ các tướng trẻ. “Các ông đã làm rối tung hết cả rồi!” Talyor bảo họ. “Chúng tôi không thể bao che mãi nếu các ông cứ vẽ sự như thế.” Nguyễn Cao Kỳ, tư lệnh Không quân Nam Việt Nam, trả lời rằng cần phải có thay đổi bởi vì “tình hình chính trị còn tệ hại hơn thời Diệm.” Kỳ giải thích là Hội đồng cần được giải thể vì nhu cầu thực tế. Kỳ khẳng định “Chúng tôi biết rằng quý ông muốn ổn định, nhưng có đoàn kết mới ổn định được.” Một số thành viên Hội đồng đã loan truyền tin đồn đảo chánh và tạo nghi kỵ. Các lãnh đạo quân sự cũng như dân sự đều đồng ý rằng sự hiện diện của các thành viên này trong Hội đồng đã gây chia rẽ trong quân đội vì ảnh hưởng của ho.[79]
Trong một quốc gia mà tình trạng phe phái đang làm hỏng mọi việc và nơi mà sự phân chia quyền lực gây cảm giác bất ổn theo lối nghĩ của người dân vốn nặng tư tưởng Khổng giáo, thì việc giải thể Hội đồng, thực chất, có thể cải thiện được hoạt động của chính quyền.
Trong một cuộc họp riêng với Khánh, Taylor chỉ trích nặng nề việc giải thể Thượng Hội đồng và cho rằng điều đó không phù hợp với điều người Mỹ mong muốn là ổn định và lòng trung nghĩa từ phía chính quyền Nam Việt Nam. Khánh trả lời rằng cần phải có lòng trung nghĩa từ cả hai phía trong một mối quan hệ, và khẳng định rằng đất nước này không phải là chư hầu của Mỹ. Khánh gợi lại có lần Diệm nói rằng Mỹ đã không trung nghĩa với ông. Taylor buột miệng nói rằng không còn tin tưởng Khánh nữa. Khánh trả đũa lại rằng một đại sứ không nên hành xử như thế.[80]
Sau buổi họp căng thẳng này, Khánh khởi động một chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ mạnh mẽ. Trên đài phát thanh Việt Nam, Khánh tuyên bố rằng “thà sống nghèo mà hãnh diện là công dân tự do của một nước độc lập hơn là xa hoa mà ô nhục như kẻ nô lệ của ngoại bang và cộng sản.”[81] Khánh nói với một nhà báo Mỹ rằng, “Nếu Taylor không hành xử thông minh hơn, Đông Nam Á sẽ mất.” Để thành công ở Việt Nam, người Mỹ cần “thực tế” hơn và chấm dứt việc biến Nam Việt Nam thành một bản sao của Mỹ, điều trách móc này hoàn toàn chính đáng vì Taylor cứ khăng khăng yêu cầu giữ nguyên Thượng Hội đồng Quốc gia.[82]
Hương đã không có thái độ cứng rắn đối với hành động của các tướng lãnh, rốt cục đã thuyết phục người Mỹ phải hàn gắn quan hệ với các lãnh đạo Nam Việt Nam. Khánh có vẻ hài lòng. Ngày 6 tháng Một, quân đội chính thức trao chính quyền lại cho một chính phủ dân sự do Hương lãnh đạo.[83] Tuy nhiên Khánh và một số thuộc hạ trong quân đội ngay lập tức nhập bọn với Trí Quang trong âm mưu lật đổ chính quyền mới.[84] Các lãnh tụ Phật tử và sinh viên tổ chức đình công và biểu tình và chỉ trích Hương. Một uỷ ban liên tôn thuyết phục các Phật tử tranh đấu hãy giải quyết các khiếu tố với đại diện của Hương thay vì biểu tình phản đối nhưng đều vô hiệu.
Trong một buổi gặp Đại sứ Taylor, Trí Quang nhất định đòi Mỹ phải buộc Hương từ chức. Taylor trả lời nhân dân Việt Nam cần ủng hộ Hương để có chính quyền ổn định. Phấn khởi trước những thành công ban đầu của Hương trong việc dẹp bỏ những bạo loạn từ phía Phật giáo tranh đấu, người Mỹ xem Hương là một nhà lãnh đạo giỏi hơn Khánh. Ngoài ra, các viên chức toà đại sứ Mỹ đã trở nên chán Trí Quang hơn bao giờ hết vì những cáo buộc vô căn cứ đối với chính quyền và lại không đưa ra được chính kiến xây dựng nào.[85]
Sau một buổi họp với Trí Quang, Taylor than phiền, “Rốt cục vẫn là nhai đi nhắc lại những khiếu tố chỉ lọt tai những chức sắc Viện Hoá đạo.”[86] Khi Trí Quang cáo buộc là cảnh sát đã bắn chết bốn người và làm bị thương 30 người đang trên đường đi lễ chùa, người Mỹ điều tra sự việc và khám phá ra rằng không có ai bị giết, chỉ có bốn người bị thương, rằng sự việc đã được khích động bởi một kẻ gây rối đã được nhận diện, và không có lực lượng quân đội nào tìm cách đàn áp biểu tình.[87] Chính Khánh đã phải nhìn nhận với Alexis Johnson rằng những khiếu nại của phía Phật tử đối với chính quyền Hương là “không có cơ sở,” bởi vì những hành động bách hại là “không có thực.”[88]
Các viên chức toà đại sứ cũng có nhận xét về những thất bại của Phật tử tranh đấu trong việc vận động dân chúng tham gia biểu tình. Người Mỹ kết luận rằng những thất bại này cho thấy đám Phật tử tranh đấu không thực sự đại diện cho quần chúng Phật tử.[89] Người Mỹ quyết định rằng chính quyền Sài Gòn sớm muộn cũng phải đối đầu với Viện Hoá đạo của Trí Quang, nên làm càng sớm càng tốt bởi vì chuyện đó sẽ khó hơn sau mỗi thành công của phe tranh đấu.
Những nhận định gay gắt về phong trào Phật giáo tranh đấu đã được phụ hoạ bởi một số nguồn thông tin phương Tây, kể cả những tổ chức báo chí trước đây đã ủng hộ Trí Quang năm 1963. Peter Grose của tờ New York Times tường trình,
“Các quan sát viên Việt Nam và ngoại quốc đồng ý rằng chính sách của Phật giáo không phải là một chính sách xuất phát từ tâm tư tín ngưỡng của tín đồ, mà đúng hơn là nỗ lực của các sư để thâu tóm quyền lực chính trị thế sự.”
Các lãnh tụ Phật tử không còn khả năng tổ chức biểu tình rất đông người, nhà báo này nhận xét, và “những cuộc biểu tình công cộng, nay càng có tính chính trị, càng trở nên hỗn loạn, không còn theo đúng tinh thần hiền hoà của Phật giáo.”[90] Tạp chí Newsweek nhận xét rằng Trí Quang và các đồng sự “chỉ đại diện cho một thiểu số nhỏ Phật tử Việt Nam.” Ngoại trừ ở các đô thị, các Phật tử tranh đấu “ít được biết đến và nhiều Phật tử ở nông thôn nếu biết về họ cũng không chấp thuận việc lũng đoạn lòng mộ đạo vì mục đích chính trị.”[91]
(Còn phần Kết)
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh họa. Đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 16-18/04/2015.
[51]CIA, “Situation in South Vietnam,” 1 September 1964, DDRS, 1979, fiche 20C; Harris, “Government of Vietnam,” 2 September 1964, NA II, RG 319, Westmoreland Personal Papers, box 39.
[52]William C. Westmoreland, A Soldier Reports (Garden City: Doubleday, 1976), 72– 3; Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 360; Saigon to State, 14 September 1964, DDRS, 1979, fiche 94F.
[53]Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 360.
[54]Nguyen Cao Ky, Twenty Years and Twenty Days (New York: Stein and Day, 1976), 49–50.
[55]Saigon to State, 13 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 348; Saigon to State, 14 September 1964, DDRS, 1979, fiche 94F; U. Alexis Johnson, The Right Hand of Power (Englewood Cliffs, N. J.: Prentice-Hall, 1984), 414–5; Westmoreland to Wheeler, n.d., FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 351; Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 360; Westmoreland, A Soldier Reports, 72–3.
[56]Saigon to State, 14 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 352.
[57]Saigon to State, 4 November 1964, DDRS, 1985, fiche 122.
[58]Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 359.
[59]SNIE 53-2-64, 1 October 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 368.
[60]Saigon to State, 28 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 8. See also CIA, “Deterioration in South Vietnam,” 28 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 9; SNIE 53-2-64, 1 October 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 368.
[61]Taylor to Johnson, 28 October 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 389; Maxwell Taylor, Swords and Plowshares (New York: Norton, 1972), 322–3; Saigon to State, 4 November 1964, DDRS, 1985, fiche 122.
[62]Higgins, Our Vietnam Nightmare, 261.
[63]Lacouture, Vietnam, 215–6. Saigon to State, 6 November 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 404; Washington Post, 23 November 1964; Time, 4 and 11 December 1964; Saigon to State, 4 December 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 10.
[64]Lacouture, Vietnam, 212–13.
[65]Time, 4 December 1964.
[66]Taylor to Johnson, 17 November 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 413; Washington Post, 23 November 1964; New York Times, 23 and 25 November 1964; Time, 4 December 1964; Dommen, The Indochinese Experience of the French and the Americans, 628.
[67]Taylor to Johnson, 24 November 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 421. Các Phật tử tranh đấu đã thổi phồng quá mức quy mô chính phủ sử dụng bạo lực trong những tháng cuối của chính thể Diệm.
[68]Saigon to State, 16 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 448.
[69]Time, 4 December 1964.
[70]NSC working group, ‘Intelligence Assessment,’ 24 November 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 45; Pentagon Papers, vol. 2, 342; Saigon to State, 6 January 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 14.
[71]Cooper to Bundy, “Stability of South Vietnam’s Government, Report No. 1,” 10 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 444; Saigon to State, 16 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 448; Saigon to State, memcon, 18 December 1964, LBJL,NSF, VNCF, box 11; Taylor to Johnson, 16 December 1964, DDRS, 1988, fiche 55; CIA, “Thich Tri Quang,” 29 January 1965, LBJL, International Meetings and Travel, box 29.
[72]CIA, “Buddhist Plans,” 3 December 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 10; CIA, “The Situation in South Vietnam,” 9 December 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 11; Saigon to State, 16 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 448; New York Times, 11 December 1964; Cooper to Bundy, “Stability of South Vietnam’s Government, Report No. 1,” 10 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 444; Taylor to Johnson, 16 December 1964, DDRS, 1988, fiche 55.
[73]CIA Watch Office to State, 25 December 1964, DDRS, 1979, fiche 132C; Ky, Twenty Years and Twenty Days, 52; memcon, 21 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 454; Historical Division of the Joint Secretariat, The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam (Washington, DC: Joint History Office, 1970), chap. 15, 5; Johnson, Right Hand of Power, 417.
[74]Westmoreland, A Soldier Reports, 93; Michael Charlton and Anthony Moncrieff, Many Reasons Why: The American Involvement in Vietnam (New York: Hill &Wang, 1978).
[75]Saigon to State, 20 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 452; memcon, 21 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 454.
[76]Taylor to Johnson, 23 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 461.
[77]Newsweek, 18 January 1965.
[78]Saigon to State, 23 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 460; Saigon to State, 24 December 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 11; CIA Watch Office to State, 25 December 1964, DDRS, 1979, fiche 132C.
[79]Airgram A-493, 24 December 1964, DDRS, 1978, fiche 433D.
[80]Memcon, 21 December 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 454; Saigon to State, 21 December 1964, DDRS, 1979, fiche 206D.
[81]Saigon to State, 22 December 1964, NA II, RG 59, Central Files, 1964–1966, box 2949.
[82]William M. Hammond, Public Affairs: The Military and the Media, 1962–1968 (Washington, DC: Center of Military History, 1988), 119; The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, chap. 15, 8.
[83]Shaplen, The Lost Revolution, 297–8; Saigon to State, 12 January 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 24; Saigon to State, 20 January 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 29.
[84]CIA, “Thich Tri Quang’s Campaign to Bring Down the Tran Van Huong Government,” 21 January 1965, DDRS, 1976, fiche 24E.
[85]Saigon to State, 16 January 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12; Saigon to State, 3 February 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 59; Manfull, memcon, 4 February 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 63; Saigon to State, 11 February 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 105; Saigon to State, 25 January 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12; Saigon to State, 26 January 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12; CIA, “The Situation in South Vietnam,” 26 January 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 39.
[86]Saigon to State, 20 January 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 29.
[87]Rosenthal, memcon, 17 January 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12.
[88]Saigon to State, 25 January 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 12.
[89]Saigon to State, 31 January 1965, DDRS, fiche 2000, 9; Saigon to State, 11 February 1965, FRUS, 1964–1968, vol. 2, doc. 105.
[90]New York Times, 23 January 1965.
[91]Newsweek, 8 February 1965.
Nguồn: Modern Asian Studies 38, 4 (2004) pp. 749–784. Cambridge University Press, 2004