Tết Mậu Thân – 50 năm sau (1968–2018)

Trần Giao Thủy

Năm mươi năm sau bước ngoặt của cuộc chiến, chính quyền cộng sản Việt Nam đang cố dập tắt cuộc thảo luận công khai về những ký ức đau thương và một số khác vẫn chưa sám hối.

Đêm nay giao thừa sắp sang Tết Mậu Tuất, ngồi ghi lại một vài suy nghĩ về Tết Mậu Thân 1968, như thắp những nén hương tưởng nhớ hàng ngàn đồng bào đã bị khủng bố thảm sát trong những ngày Tết ở Huế trong tuần lễ đình chiến 50 năm về trước.

Từ Hoàng Phủ Ngọc Tường “ở Huế” Tết Mậu Thân đến Thích Nhất Hạnh với Thị xã Bến Tre với 300.000 người rồi 300.000 gia đình

Mấy ngày qua mạng xã hội của người Việt bất chợt ồn lên hơn vì lá thư Hoàng Phủ Ngọc Tường(1) công nhận đã lói láo trong cuốn phim “Việt Nam: Thiên sử Truyền hình do đài WGBH-TV thực hiện (1981–1982).

“Tôi nói riêng về vụ thảm sát là một vụ mà Mỹ đã đưa ra làm như là một cái bửu bối để đưa ra bàn Hội nghị Paris, để bội nhọ cách mạng Việt Nam. Đây là những điều mà tôi biết như là một người chứng nhân.” 2′-2’19’. (“This was something I knew very well because I was a witness”: phần dịch sang Anh ngữ của WGBH-TV ). Nguồn: WGBH Media Library & Archives. Web. September 14, 2015.

Năm 1982, Hoàng Phủ Ngọc Tường liếm môi nham nhở, nhìn vào ống kính huênh hoang, ngạo mạn tuyên truyền láo khoét cho đảng Cộng sản Việt Nam và nói rằng ông ta có mặt ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân như một nhân chứng tội ác của Mỹ.

Nhưng đến 1997, Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong cuộc phỏng vấn với Thụy Khuê của đài RFI, nói ông ta không có mặt ở Huế và “không nhớ thật cụ thể những điều đã nói” cũng như “không biết cuốn phim có tái hiện trung thành những ý tưởng” của ông ta hay không.

Đúng là não trạng cộng sản, tưởng ai của xảo quyệt gian trá như mình.

2018, nghĩa là sau 37 năm nói láo bằng âm thanh và hình ảnh – vẫn còn trên kho lưu trữ tài liệu Open Vault của đài WGBH-TV – “Đây là những điều mà tôi biết như là một người chứng nhân” ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân, và sau 21 năm từ khi cố tình quên “không nhớ thật cụ thể những điều đã nói”, Hoàng Phủ Ngọc Tường bây giờ mới chính thức công nhận mình đã nói láo trước ống kính.

Trong lá thư công nhận mình nói láo, mạo nhận là nhân chứng ở Huế trong khi không có mặt ở đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn tiếp tục nói láo theo luận điệu cộng sản, “Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968.” Để bảo vệ “cách mạng”, năm 1981 Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đổ tội ác cho Mỹ.

Năm mươi năm sau Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn cho thảm họa ở Huế là tội ác của Mỹ nhưng, cuộc thảm sát ở cố đô lại là “những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968”. Những sai lầm đó do “do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân.”

Tội ác giết đồng bào có dự tính trước không thể là những sai lầm. “Quân nổi dậy?” Ai là quân nổi dậy ở Huế? Bọn nằm vùng chỉ điểm như Hoàng Phủ Ngọc Tường và bè đảng đang trốn ở Khe Trái và nếu có mặt ở Huế thì đó chỉ là một số những tên không có quyền lực, làm chỉ điểm cho quân cộng sản giết hại hàng ngàn đồng bào không vũ khí tự vệ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường biết viết, biết đọc vì thế ông nên gọi cho đúng tên sự kiện ở Huế năm Mậu Thân là Tội ác Cộng sản chứ không phải là “những sai lầm”, và bọn nằm vùng chỉ điểm không quyền lực không thể là “quân nổi dậy” được.

Tóm lại, lá thư Hoàng Phủ Ngọc Tường dù đã làm tốn giấy mực (ngay cả nơi đây) cũng không có gì mới; Tường thú nhận đã nói láo là nhân chứng ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân và vẫn tiếp tục nói láo, tuyên truyền cho đảng cộng sản Việt Nam bằng những con chữ như “những sai lầm”, “quân nổi dậy”.

Có thể đây là những ý nghĩ và câu chữ sau cùng của người viết về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968 – tội ác lịch sử mà Cộng sản Việt Nam chưa thú nhận. Trong loạt bài “Tết Mậu Thân – Bốn mươi năm sau (1968-2008)”(2) viết từ 10 năm trước, người viết đã đặt niềm hy vọng vào tuổi trẻ Việt Nam, những Trần Trung Thực, sinh viên khoa Sử và nhóm T&X (Thảo & Xuân) với hai sinh viên khoa sư phạm, Đào Thắng và Lê Vĩnh Nghiêm.

Hiện giờ họ ở đâu? Năm mươi năm đã trôi qua sao lại có thể vẫn có những ý kiến vớ vẩn loại Hoang Hung trên Facebook(3) thế này,

“Chính sự né tránh đó khiến nhà nước khó biện minh về “chủ trương thảm sát” nếu thực sự họ ko chủ trương và thực sự ko có thảm sát! (Tôi đọc các tư liệu liên quan, chưa thấy thật đủ cơ sở khẳng định có hay không).”

Nếu chỉ đọc sách báo của đảng cộng sản Việt Nam thì lấy đâu ra “cơ sở để khẳng định có hay không”!

Trong những ngày gần Tết người viết nhận được tin nhắn, có bạn đọc nhận xét “tác giả TGT quote Sư Ông không đúng hoàn toàn” vì ở phần 2 của loạt bài “Tết Mậu Thân 1968…” đã trích lại đoạn của một bài viết từ năm 2007,

Một người lính Nam Việt Nam đã lái xe đạp gần nhà chợ bị phá hủy ở thị xã Bến Tre (Kiên Hòa), trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, tháng 2 năm 1968. Nguồn: AFP

“Sư Nhất Hạnh lại nhắc đến vụ đánh bom huỷ cả thị xã Bến Tre với “300.000 người”. Nói đi như thế nhưng sau đó, khi trả lời Anne A. Simpkinson, sư ông nói lại Mỹ đánh bom huỷ cả Bến Tre với “300.000 nóc gia”(31). Chưa đến 1 tháng, sư ông Nhất Hạnh đã đổi giọng hai lần.”

(Trần Giao Thủy, “Từ Bush đến Nhất Hạnh và Lê Dũng”, DCVOnline , 09/05/2007)(4).

Sau vụ khủng bố 911, nhà sư Tiếp hiện đi nói pháp ở nhà thờ Riverside, Mahattan, New York, cho rằng Mỹ đã đánh bom hủy cả thị xã Bến Tre.

Thật ra một đoạn của bài viết cũ trích dẫn lời của sư Nhất hạnh hoàn toàn đúng. Nhưng trích dẫn đó có thể gây cho những độc giả không đọc chú thích (31) ở cuối bài hiểu lầm là người viết cho rằng nhà sư đã nói cả 300.000 người ở thị xã Bến Tre đã bị tiêu diệt.

Không ảnh của Philip Jones Griffithschụp 1 góc thị xã Bến Tre bị phá hủy sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. © Philip Jones Griffiths | Ảnh Magnum. 

Về mặt luận lý, nếu đã suy nghĩ và viết loạt bài “Tết Mậu Thân 1968…” thật dài và chi tiết để nhắc lại cuộc thảm sát hơn bốn ngàn đồng bào ở cố đô thì không có lý do gì người viết chỉ có một chú thích ngắn về 300.000 người ở thị xã Bến Tre đã bị Mỹ bỏ bom tiêu diệt.

Mặt khác, trên rất nhiều trang web hay bài viết đăng lại bài nói chuyện “Embracing Anger” ngày 25 tháng Chín năm 2001 của Thích Nhất Hạnh ở New York đã đục bỏ những đoạn “of 300,000”, “of 300,000 people” hay “of 300,000 homes were destroyed”. Thật đáng tiếc. Đó không phải là cách thông tin hay ghi chép lịch sử một cách trung thực.

Hoàng Phủ Ngọc Tường nhất định “không nhớ thật cụ thể những điều đã nói” trước ống kính thu hình cho đến khi quần chúng nghe và thấy tận mắt những gì ông ta nói về Tết Mậu Thân trên truyền hình năm 1982, ở trang Open Vault từ 2008, và ở YouTube từ 2013.

Nhà sư Thích Nhất Hạnh và nhiều đệ tử của ông ở những Làng Mai, Làng Hồng cũng có thể đã quên, hay không muốn nhớ những gì ông đã nói sau vụ khủng bố 911 ở nhà thờ Riverside, Manhattan, New York.

Trong bài viết 10 năm trước, người viết chỉ nêu lên sự bất nhất của nhà sư Tiếp hiện trong vòng 1 tháng; trước ông nói đi thị xã Bến Tre có 300.000 người, sau ông nói lại thị xã Bến tre có 300.000 nóc gia .

Nguồn: Calming the Fearful Mind: Easyread Edition By Thich Nhat Hanh, trang 115.

Theo Đoàn Thêm, “1968 Việc Từng Ngày”, Tủ sách Tiến Bộ, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1969, trang 47-48 ghi, “6-2-68… – VC tấn công dữ dội vào Bến Tre.”
Trang 50 chép:

“– Kịch chiến tiếp tục tại Bến Tre, 451 VC tử thương; 60 VNCH và 35 Mỹ tử thương, nhiều thường dân thiệt mạng. …
– Trong số các tỉnh-lỵ miền Tây, Kiến-Hòa bị thiệt hại nặng nhất, 5000 nhà dân bị cháy.”

Nguồn: Đoàn Thêm, “1968 Việc Từng Ngày”, Tủ sách Tiến Bộ, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1969, trang 50.

Kiến Hòa là tên của Tỉnh Bến Tre từ 1956 đến 1976, tỉnh lỵ tên Trúc Giang.

Đến nay, Bến Tre 2018 vẫn không phải là thị xã có 300.000 người hay 300.000 gia đình

“Bài thơ Thầy (Sư ông Thích Nhất Hạnh) viết sau khi nghe tin Bến Tre bị đánh bom ngày 7 Tháng Hai, 1968. [Thị xã] Bến Tre là nhà của 35.000 cư dân vùng Đồng bằng Cửu Long.

“The poem was written by Thay (Ven. Thich Nhat Hanh) after hearing of the bombing of Bên Tre on February 7, 1968. Bên Tre was home to about 35,000 residents in the Mekong Delta.”(5)
(Dan Moore, “There Is No Way To Peace; Peace Is The Way”, 13 tháng 4 2017)

“Bến Tre ngày nay với dân số 114.000 người, là một nơi yên tĩnh, ung dung… Năm 1968 có những cuộc cận chiến kịch liệt trên đường phố của thị xã. Hơn một nửa nóc gia bị phá hủy.”

“…Resurrected Ben Tre, population 114,000, is a placid, laid-back place… In 1968, there was fierce hand-to-hand fighting in Ben Tre’s streets. … More than half the homes were destroyed..”
(James Pringle and International Herald Tribune, “Meanwhile: The quiet town where the Vietnam War began”, 23 tháng Ba, 2004)(6).

“Thị xã Bế Tre (Trúc Giang) bị phá hủy 45% trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân (Tháng Hai 1968).”

Xavier et Marie-Christine Guillaume, “La Terre du Dragon”, Voyage à traverse le Vietnam, Tome 1, trang 80

“Thành phố Bến Tre có diện tích tự nhiên 6.742,11 ha và 143.639 nhân khẩu.”

(Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ: Về việc thành lập thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre, Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2009(7).)

“Thành phố Bến Tre, diện tích 71,11 km2, dân số 230.530 người, mật độ 3.246”

Wikipedia (2018) trích Website tỉnh Bến Tre(8).

Hình chụp bản tin ngày 8 tháng Hai, 1968 của phóng viên Peter Arnett (AP). Tựa tin bị lỗi đanh máy “Destory” thay vì “Destroy”. Nguồn: Danville Register.

Ngoài sự trước sau bất nhất đã nêu, những chi tiết khác trong câu chuyện Thích Nhất Hạnh khoác áo nhà tu đem Bến Tre đi nói pháp, tuyên truyền ở Mỹ sau vụ khủng bố 911, là nhà sư Tiếp hiện đã

  • Phóng đại cả thị xã bị Mỹ thả bom tiêu hủy theo bản tin ngày 8 tháng Hai năm 1968 (ngày 11 Tết Mậu Thân) của phóng viên Associated Press Peter Arnett.
  • Phóng đại đến 10 lần hay hơn dân số thị xã Bến Tre vào năm 1968 (có “300.000 người” rồi “300.000 gia đình”).
  • Bịa chuyện Bến Tre bị Mỹ bỏ bom tiêu hủy vì vài tên du kích vào thị xã định bắn rơi máy bay Mỹ nhưng đã thất bại và bỏ đi. Sự thật, cuộc giao tranh cận chiến trên đường phố, qua từng căn nhà một đã gây thiệt hại rất lớn về nhân mạng cho cả hai bên Mỹ (Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 39, Sư đoàn 9 Bộ binh), Việt Nam Cộng hòa (Tiểu đoàn 41 Biệt Động Quân) và Việt cộng (Tiểu đoàn 516) vì thế đã phải dùng đến hỏa lực của Pháo binh và Không quân khiến cho thị xã Bến Tre bị thiệt hại nặng nề nhưng không lọt vào tay của quân Cộng sản như đã xẩy ra ở Huế.

Nhưng đáng lưu ý hơn cả là 33 năm sau cuộc thảm sát ở Huế năm 1968 – một cuộc khủng bố kinh hoàng như nếu không hơn vụ khủng bố 911 ở New York năm 2001 – nhà sư Thích Nhất Hạnh đã đem chuyện Bến Tre đi nói pháp, tuyên truyền ở Mỹ, và không hề nhắc đến cuộc thảm sát Tết Mậu Thân.

Đến đây thì tuyên bố của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Việt Nam: Thiên sử Truyền Hình” năm 1982 và bài nói chuyện “Embracing Anger” của Thích Nhất Hạnh ở nhà thờ Riverside năm 2001 lại rất giống nhau.

Một là, cả hai đều lên án tội ác Tết Mậu Thân là do Mỹ gây nên ở Huế (HPNT) và ở Bến Tre (TNH). Hai là, cả hai Hoàng Phủ Ngọc Tường và Thích Nhất Hạnh đều không có mặt ở chiến trường Mậu Thân. Một đang ở Khe Trái, một ở tận Hoa Kỳ. Ba là, cả hai đều nói dối.

Ở thời đại công nghệ thông tin hiện nay, không ai có thể lừa dối mọi người mãi được. Chứng cớ Hoàng Phủ Ngọc Tường nói láo trước ống kính truyền hình đã thành tài liệu lịch sử. Và nguyên văn băng thu bài nói chuyện ngày 25 tháng Chín tại nhà thờ Riverside ở New York của nhà sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn trong cuốn “Calming the Fearful Mind” của chính ông và bài nói chuyện ở nhà thờ Riverside, NY vẫn còn lưu trữ trong bài tường thuật “Thousands Gather to Hear Vietnamese Monk and Peace Activist Thich Nhat Hanh Speak On “Embracing Anger” and Working for Peace” của Tổ chức Democracy Now, ngày 26 , và 27 tháng Chín năm 2001(9)(10).

“…One time I learned that the city of Ben Tre, … three thousand… three hundred thousand people was bombarded by American aviation just because some guerillas came to the city and tried to shoot down American aircrafts. They did not succeed, and after that, they went away. And the city was destroyed.”

“… Thị xã Bến Tre… ba ngàn… ba trăm ngàn người bị máy bay Mỹ bỏ bom chỉ vì vài anh du kích vào thị xã định bắn rơi máy bay Mỹ. Họ không thành công, và đã bỏ đi. Và thị xã đã bị tiêu hủy.” [giờ:phút:giây 1:25:00 – 1:25:50].

Là kẻ nằm vùng, mù quáng, ăn theo cộng sản, tuyên truyền láo khoét để rồi 37 năm sau, Hoàng Phủ Ngọc Tường phải thú nhận “thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ.”

Nhưng một người mặc áo nhà tu như Thích Nhất Hạnh đã nhằm vào mục đích gì để phải vọng ngữ, lừa đảo quần chúng Hoa Kỳ và báo giới ở Mỹ ngay phần mở đầu bài pháp “Embracing Anger”,

“One time I learned that the city of Ben Tre, a city of three hundred thousand people, was bombarded by American… And the city was destroyed.”

(A Public Talk by Thich Nhat Hanh at the Riverside Church, New York – September 25th, 2001. This transcript was made from the Audio broadcast on the Internet and consisted of three parts. All three parts are included in the transcript(11).)

“When the village of Ben Tre in Vietnam was bombed and 300,000 homes were destroyed,…”

(“Calming the Fearful Mind”, Easyread Edition By Thich Nhat Hanh)

Khi nào sẽ đến lượt nhà sư Tiếp hiện lên tiếng sám hối, xin lỗi đồng bào, xin lỗi Huế, xin lỗi Bến Tre, xin lỗi đã lừa đảo quần chúng và báo giới Hoa Kỳ?

Vọng ngữ là nói dối, nói điều không có thật và là hành vi không đạo đức vì vậy Phật pháp nhận chân vọng ngữ là một tội ác và cực lực ngăn cấm.

Đầu tháng Hai, 2018 Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đọc cho con gái chép bài “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” gởi lên mạng Internet.

Còn Thích Nhất Hạnh, ai sẽ là người ghi lại lời sám hối, lời xin lỗi cho ông? Sư cô Chân Không hay một đệ tử nào khác ở Làng Hồng, Làng Mai trên thế giới?

Và cũng có thể sự thật về câu chuyện Tết Mậu Thân ở Bến Tre sẽ bị quét dấu đi thật kỹ như chính quyền hiện tại trong nước đang làm với cuộc thảm sát trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân.

Ảnh sau nhà Võ Đình/Helen Webb ở Brunswick, 1986. “… chốn ghé thăm của đôi uyên ương lẫy lừng kiếm phật Nhất Hạnh và Cao Thị Ngọc Phượng…” Ghi chú của LTH dưới ảnh: Nhất Hạnh, Linh Giang (cưỡi ngựa, con gái thứ của Võ Đình), Cao Ngọc Phượng, Helen Huệ Liên, Phượng Nam (con gái đầu của Võ Đình) sau nhà Võ Đình, Brunswick 1986. Nguồn: Lê Thị Huệ, “Ba người đàn bà và Võ Đình”, © gio-o.com 2010.

Theo Kinh Pháp Cú, câu 306, Đức Phật dậy,

“Thường nói lời vọng ngữ thì sa đọa; có làm mà nói không, người tạo hai nghiệp ấy, chết cũng đọa địa ngục.”

(According to the Dharmapada Sutra, verse 306, the Buddha taught: “The speaker of untruth goes down; also he who denies what he has done, both sinned against truth. After death they go together to hells.”(12))

Bùi Tín

Có lẽ, sau 50 năm, một người có mặt trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 tỏ ra tương đối trung thực là cựu đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín trong cuộc nói chuyện với Quốc Phương (BBC Việt ngữ) ngày 10 tháng Hai, 2018.

Về những người chịu trách nhiệm trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, ông Bùi Tín kể tên Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, và Phạm Hùng; kể cả Nguyễn Chí Thanh dù Thanh đã chết từ tháng 7, 1967 khi đang chuẩn bị cuộc Tổng tấn công. Ông Bùi Tín gọi đây là một thất bại lớn và tổn thất nhiều nhất của cộng sản Bắc Việt, đến 1972, 1973 mới hồi phục. Hai người không tán thành có cuộc tấn công lớn này vì lực lượng chưa đủ mạnh là Hồ Chí Minh bị đưa sang Tàu “nghỉ ngơi” và Võ Nguyên Giáp bị đưa đi Hungary “mổ mật”.

Về cuộc thảm sát ở Huế, Bùi Tín tin lời Tướng Trần văn Quang, người chỉ huy mặt trận Huế, cho rằng không có chủ trương, không có văn bản, không có chỉ thị tàn sát dân Huế, đa số là thường dân, từ 4 đến 8 ngàn người đã bị chôn ở những hố chôn tập thể.

Ông giải thích những nguyên nhân có thể đã gây ra cuộc thảm sát:

  • Các chính ủy đã tuyên truyền với cán binh cộng sản rằng Huế là địa bàn dầy đặc phản động và kẻ thù ác ôn từ bọn dòng Tôn Thất, người của đảng Dân chủ, là căn cứ chống cộng, đến bọn quan chức, tay sai của phong kiến, thực dân.
  • Bằng cuộc tấn công áp đảo, vắng bóng quân đội Mỹ, nên cộng sản bắt được rất nhiều tù binh ở Huế.
  • Sau hai tuần bị cộng sản chiếm đóng, Thủy quân Lục chiến Mỹ đỏ bộ vào Huếcùng hỏa lực dữ dội từ biển bắn vào, quân cộng sản được lệnh rút lui về núi trong lúc bị phản công và được lệnh phải giải hết tù binh về hậu cứ không để ai chạy thoát, tiết lộ bí mật. Vì thế họ quyết định tàn sát hết tù binh, kể cả vội vã chôn sống, để bảo toàn bí mật, rút về căn cứ theo lệnh của thượng cấp.

Bùi Tín xác nhận ông là nhân chứng, thấy tận mắt tận, nghe tận tai những lời tuyên truyền của các chính ủy với cán binh cộng sản về Huế là địa bàn của kẻ thù và đã chứng kiến lệnh rút quân và không để cho tù binh đào thoát gây nguy hiểm cho chiến dịch Tổng công kích của Bắc Việt.


Quốc Phương (BBC tiếng Việt trao đổi với cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Tín, 10 tháng Hai, 2018.

Thay cho đoạn kết của loạt bài “Tết Mậu Thân – Bốn mươi năm sau (1968-2008)” và bài “Tết Mậu Thân – Năm mươi năm sau (1968-2018)” này là một lá thư từ Hà Nội, ký sự của Bennett Murray, một nhà báo Mỹ, Văn phòng trưởng cho Deutsche Presse-Agentur (Thông tấn xã Đức) ở Việt Nam. Ông viết báo đủ loại chủ đề, từ chính sách của đảng cộng sản đến cuộc sống văn hóa, xã hội hàng ngày của người dân trên đường phố.

Bài ký sự sau đây(13) là kết quả của những trao đổi hiếm có với một vài nhân chứng có mặt trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, từ một binh sĩ 23 tuổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam đến một thường dân ở Huế khi đó mới là một thiếu niên 9 tuổi.

Tại sao Cộng sản Việt Nam không nói đến Tết Mậu Thân 1968

Mậu Thân 1968. Nguồn: Nick Ut/AP Photo/Politico Magazine.

Bennett Murray

Ngọc Đại, một người lính 23 tuổi trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, đang chiến đấu với quân đội Mỹ gần căn cứ Khe Sanh đang bị bao vây khi đơn vị của anh nhận được lệnh mà ai cũng có thể tự hào. Họ sẽ rời khỏi khu rừng già đi “giải phóng” cố đô Huế ở miền Trung Việt Nam và khuấy động cuộc nổi dậy của nhân dân cả nước. Đó là ngày 30 tháng 1 năm 1968, ba năm sau khi Tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh cho 125.000 lính Mỹ sang Việt Nam để giúp miền Nam và phần còn lại của Đông Nam Á khỏi lọt vào tay cộng sản. Đại và các đồng chí của anh nhận định vấn đề một cách khác: Với niềm tự hào dân tộc, họ đang có sứ mệnh thống nhất Việt Nam; họ sẽ tung ra cuộc tấn công bất ngờ vào quân đội miền Nam và quân đội Mỹ, ngày nay được gọi là cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Đại bây giờ đã 73 tuổi, trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở Hà Nội vào tháng Giêng, cho biết

“Ý muốn trả thù hằn sâu trong lòng quân đội miền Bắc quá lớn. Tất cả các binh sĩ đều tin rằng chúng tôi có thể giải phóng toàn bộ đất nước.”

Nguyễn Quí Đức, lúc ấy mới 9 tuổi, có ký ức rất khác với ông Đại về sự kiện đầu năm 1968. Đức đi thăm gia đình nhân dịp Tết Nguyên Đán, ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Cha ông là một công chức cao cấp, cố gắng duy trì tình trạng bình thường ở miền Nam khi cuộc chiến vẫn diễn ra tàn khốc. Một cuộc ngưng bắn đã được thỏa thuận vào dịp Tết, phần lớn quân đội miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa, VNCH) sẽ đi nghỉ phép. Nó có nghĩa là mọi người sẽ có một tuần yên vui đón Tết không phải thấy cảnh chiến tranh. Nhưng khi đang ngủ ở nhà của ông mình, Đức đã bị tiếng súng nổ đánh thức dậy vào khoảng 1 giờ sáng. Những người lính được chỉ định để bảo vệ gia đình của Đức đã biến mất, còn lại là những người đàn ông nói giọng miền Bắc đặc sệt đang tiến đến gần. Mới đây, ở quán bar và nhà hàng của ông ở Hà Nội, Đức kể lại kỷ niệm Tết Mậu Thân,

“Mẹ tôi đã đi đến cửa và nói, ‘Tôi có hai đứa con ở đây,’ và những người lính miền Bắc nói, ‘Chúng tôi sẽ bắn bất cứ ai chúng tôi tìm thấy nếu bà không khai báo đúng cho chúng tôi biết về tất cả mọi người ở đây.’”

Đức thấy cha ông bị bắt đi và nghĩ rằng ông đã bị hạ sát. Những người còn lại của gia đình ông ẩn trốn dưới một tầng hầm trong nhiều ngày cho đến khi được quân đội Mỹ và quân đội VNCH giải thoát.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, ở Huế và các nơi khác, đã được thảo luận và phân tích ở khắp nơi, trong các ấn phẩm, sách báo, ở những buổi hội thảo chuyên đề, trong các đoạn phim truyền hình và các cuộc triển lãm trên khắp nước Mỹ. Cuộc Tổng công kích Mậu Thân được ghi nhớ là thời điểm mà công luận Hoa Kỳ đã quay sang chống lại cuộc chiến. Nhưng ở Việt Nam, kỷ niệm thời điểm này trong lịch sử, dẫn đến kỳ nghỉ Tết vào ngày 16 tháng 2, đang được ghi nhớ rất khác nhau – nếu thực sự có.


Triển lãm “Thủy quân Lục chiến và Tết” đến hết tháng Bẩy, 2018, Nguồn: http://www.newseum.org

Trên thực tế, Đại và Đức sẵn sàng chia sẻ những ký ức của họ về Tết Mậu Thân là điều ít khi thấy ở một đất nước mà sự kiện này hiếm khi được thảo luận công khai.

Mặc dù Hà Nội đang đổi dần sang nền kinh tế thị trường và trở nên thân thiện với Hoa Kỳ, sự phân chia cố hữu giữa hai miền Nam Bắc Nam vẫn còn rất nhạy cảm ở Việt Nam. Đối với hàng triệu người miền Nam, những người bỗng thấy mình thua cuộc, cùng với một số, đếm được trên hai bàn tay, những người miền Bắc đã hối tiếc về chế độ cộng sản, kỷ niệm này là một lời nhắc nhở đau thương về một quá khứ đầy bạo lực. Những người còn sống sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân cũng có khuynh hướng sợ hãi khi nói về chuyện cũ ở một xứ sở có những luật lệ mơ hồ cấm “tuyên truyền” chống lại nhà nước, một tội hình có thể bị phạt đến 20 năm tù. Những câu chuyện kể lại một loạt những vụ cộng sản thủ tiêu tại thành phố Huế – nơi xẩy ra những trận đánh đẫm máu nhất trong chiến tranh – đều bị chế độ hiện tại dập tắt; họ coi chủ đề chính người Việt Nam giết đồng bào của mình là một trong những chủ đề nhạy cảm, cấm kỵ nhất.

Khi kỷ niệm lần thứ 50 năm cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân ở Việt Nam bắt đầu, có rất ít dấu hiệu cho thấy một cuộc kỷ niệm đang phổ biến rộng rãi. Thay vào đó là những áp phích tuyên truyền của Đảng Cộng sản – một nét đặc trưng khắp nơi trên đường phố Hà Nội – kỷ niệm 88 năm ngày 3 tháng Hai, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Lễ kỷ niệm chính thức năm Mậu Thân 1968 diễn ra dưới hình thức một bữa tiệc xa hoa dành cho các cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản tại thành phố Hồ Chí Minh, có đủ cả những màn trình diễn nhào lộn và những điệu múa truyền thống.

Theo ông Nguyễn Quang A, 72 tuổi, một doanh nhân đã nghỉ hưu, cựu đảng viên đảng cộng sản trở thành người hoạt động bất đồng chính kiến tại Hà Nội, thì trong quần chúng Việt Nam, những kỷ niệm về cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân được nói công khai nhưng rất mơ hồ, miêu tả đảng cộng sản đang mừng chiến thắng. Về đảng cộng sản ở Việt Nam và Tết Mậu Thân, ông Nguyễn Quang A nói,

“Tôi nghĩ rằng họ muốn chôn vùi mọi ký ức cũ, bởi vì nó làm suy yếu tính hợp pháp của họ.”

Đức, cha của ông là một công chức, bị đưa đi tù 12 năm không có xét xử, nói rằng sự thiếu nhận thức của mọi người về những khổ đau ngày xưa là một niềm chua sót lớn cho cá nhân ông.

Ông Nguyễn Quí Đức, Hà Nội. Nguồn: http://vtv.vn

“Chua sót lắm. Ông cứ đi quanh phố và sẽ thấy rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, họ không biết những gì đã xảy ra.”

Hầu hết các câu chuyện về mặt trận và cuộc thảm sát ở Huế – tuyệt đại đa số là những chuyện người Mỹ kể – được chia sẻ một an toàn ngoài tầm với của nhà nước công an trị ở Việt Nam. Nhưng trong những tuần gần đây, tôi đã tìm gặp được một vài nhân chứng nhiều tuổi đã chứng kiến những gì đã xảy ra ở Huế. Họ đã đã đồng ý công khai nói thẳng để tôi ghi lại. Với một ngoại lệ, họ chưa bao giờ nói về những kỷ niệm về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968.

Trận đánh ở Huế, bùng nổ từ ngày 30 tháng 1 đến đầu tháng 3, là trọng tâm của cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Trong khi các thành phố khác cũng bị tấn công nhưng đã được giải tỏa khỏi vòng vây cộng sản trong vòng vài ngày; Huế đã bị cộng sản kiểm soát gần như hoàn toàn, chỉ để lại những túi nhỏ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng hòa phòng ngự, và cuối cùng đánh bật quân cộng sản ra khỏi Huế trong một cuộc chiến kéo dài cả tháng.

Trong suốt trận chiến ở Huế, 216 lính Mỹ, phần lớn là Thủy quân Lục chiến, đã thiệt mạng khi họ đánh chiếm lại từng căn nhà từng dãy phố. Cộng sản đã chiến đấu rất mạnh, “nắm thắt lưng địch mà đánh” là cách cộng sản mô tả chiến lược [Nguyễn Chí Thanh] của họ – nghĩa là đến càng sát căn cứ của Mỹ càng tốt để tránh bị thiệt hại vì đạn đại bác của pháo binh. Quân đội Bắc Việt liệt kê một danh sách 2.400 người thiệt mạng, trong khi quân đội Việt Nam Cộng hòa có 452 binh sĩ tử thương. Mặc dù cuối cùng lực lượng cộng sản đã bị buộc phải từ bỏ Huế, khả năng giữ thành phố gần cả tháng của họ đã làm suy yếu những tuyên bố của chính quyền Johnson cho rằng chiến thắng của Mỹ đã thấy ở trước mặt.

Đức nhớ lại, trong khi nhiều người ở Huế không hài lòng với sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam, nhưng người dân vẫn hoan nghênh sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến, đặc biệt là cuộc giải cứu Huế và và đánh đuổi quân cộng sản ra khỏi thành phố cho đến ngày họ trở lại vào năm 1975. Đức nói,

“Trong trường hợp này, người Mỹ là những vị cứu tinh, đã cứu thành phố Huế và cứu những người khác.”

Ông nói thêm rằng Huế là một trung tâm của học thuật và tranh luận có khuynh hướng tránh xa cả hai chủ nghĩa can thiệp của nước ngoài lẫn chủ nghĩa độc tài cộng sản.

Nhưng ở Việt Nam, những tuyên bố về những vụ quân cộng sản đã giết hàng loạt thường dân tại Huế đã được quét dấu thật kỹ. Chính phủ Việt Nam chỉ mơ hồ thừa nhận có “những sai lầm” đã xẩy ra trong chiến tranh và quyết liệt từ chối mô tả sự kiện Tết Mạu Thân là một “cuộc thảm sát” như thường được công nhận ở bên ngoài Việt Nam. Những báo cáo đầu tiên về vụ thảm sát này bắt nguồn từ các nghiên cứu của chính phủ Hoa Kỳ tiến hành ngay sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân. Người ta đã phát giác ra được những ngôi mộ tập thể xung quanh thành phố – nhiều ngôi mộ của những nạn nhân chết giữa hai lằn đạn và những người chết vì những vụ đánh bom san bằng Huế, trong khi những ngôi mộ khác là của những nạn nhân đã bị cộng sản bắt đi và bị hành quyết, một số trường hợp rõ ràng nạn nhân đã bị chôn sống. Ước tính chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa về những vụ giết người không xét xử do cộng sản thực hiện là 4.856 nạn nhân, trong khi Douglas Pike, một sĩ quan của Hoa Kỳ ghi lại cuộc chiến, ước tính có 2.800 người bị thủ tiêu.

Mark Bowden, tác giả của cuốn sách mới phát hành năm 2017, “Huế 1968: Trận đánh thay đổi cuộc chiến Hoa Kỳ ở Việt Nam” (Hue 1968: The Battle that Changed the American War in Vietnam), lịch sử có căn cứ đích xác nhất về cuộc chiến ở Huế, cho biết ông ước tính có khoảng 2.000 vụ giết người xảy ra trong các cuộc thủ tiêu người dân miền Nam đã được định trước, mặc dù ông tin rằng người ta sẽ không bao giờ biết được con số thật sự là bao nhiêu. Bowden nói,

Nguồn: Atlantic Monthly Press (June 16 2017)

“Chắc chắn, tất cả những người tôi phỏng vấn, những người đã chiến đấu trong lực lượng của Việt Cộng hay quân đội chính quy Bắc Việt và thường dân – không ai phủ nhận điều đó đã xảy ra. Điểm tranh cãi duy nhất dường như chỉ ở chỗ có bao nhiêu người đã bị giết.”

Ông Trương Văn Quý, một người dân Huế, 74 tuổi, sống bằng nghề dạy guitar nói, trong một quốc gia có lịch sử 2000 năm chiến tranh đẫm máu chống ngoại xâm, nhưng bản chất huynh đệ tương tàn giết người của cộng sản còn “độc ác hơn cả ISIS.” Quý là một nhà báo trẻ trong giới truyền thông của chính phủ miền Nam trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân; khi những tin tức về vụ tấn công ở Huế về đến Sài Gòn, nơi ông đang công tác, ông đã về nhà ở Huế để chứng kiến vụ thảm sát xảy ra ngay trước mắt. Trong khi gia đình ông, những người làm việc với Mỹ, đã chạy trốn an toàn, nhiều người hàng xóm của ông ít may mắn hơn. Quý nhớ lại,

“Tôi đã chứng kiến người ta đào mộ chôn tập thể, người ta bị chôn sống.”

Đại, người lính miền Bắc, hiện giờ là người soạn nhạc và trong số ít công dân Việt Nam công khai kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng, nhớ lại cảnh người ta bị bắt đưa lên xe.

Thượng cấp của Đại nói, họ là những người có liên hệ với chính quyền Việt Nam Cộng hòa; những người có trách nhiệm bắt họ đưa đi là thành viên của một “đơn vị bí mật”. Ông Đại không chứng kiến số phận của các tù nhân, nhưng ông nói rằng những người bạn của ông đã nhận được một mệnh lệnh nghe phải rùng mình, “Họ đưa tù nhân lên những chiếc xe và họ nói những người này cần phải đi cải tạo. … Tôi lại nghe một số câu chuyện của những người lính khác là họ có nhiệm vụ đào những ngôi mộ tập thể.”

Đức, sang California tị nạn vào năm 1975 và trở thành một công dân Mỹ trước khi trở về Việt Nam vào năm 2006, cố tránh không đi thăm Huế vào những ngày Tết này. Dùng thuật ngữ của văn hoá Việt Nam, vốn có niềm tin siêu nhiên sâu đậm, ông nói rằng những “hồn ma” đang ám ảnh thành phố này. Đức nói, “Đi đến một góc nào đó trên con phố, và người ta nhớ ngay rằng có một ngôi mộ ở đó năm 1968.” (Gần đây Đức đã ghi lại kinh nghiệm của gia đình mình trong một luận văn viết cho tạp chí Smithsonian.)

Ông Trần Việt Mẫn, sư ông trụ trì 54 năm tại chùa Viên Quang, nói những ký ức về Huế vẫn sống nếu không công khai thì cũng ở việc thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình đã thấm sâu vào xã hội Việt Nam – gia đình của những người bị thảm sát vẫn thờ phụng tổ tiên họ một cách yên lặng trong nhà. Sư ông Việt Mẫn nói rằng người dân Huế đã có hòa bình – nghĩa là không còn chiến tranh. Tuy nhiên, họ chưa đến được thái bình, hoặc sự hòa hợp. Ông nói,

“Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hòa bình vẫn chưa đến hoàn toàn.”

Nguyễn Quang A, đảng viên cộng sản trở thành người bất đồng chính kiến, so sánh sự chính phủ Việt Nam không sẵn lòng công nhận quá khứ với tiến trình hòa giải cần nhiều thời gian sau cuộc Nội chiến ử Hoa Kỳ. Ông nói, việc chữa lành vết thương chiến tranh như vậy cần có thời gian ngay cả trong các xã hội dân chủ – “vẫn còn những vấn đề” giữa miền Bắc và miền Nam Hoa Kỳ.

Những nỗ lực hoà giải hầu như không có ở Việt Nam. Nửa thế kỷ sau Tết Mậu Thân, đảng cộng sản vẫn cho rằng không có cuộc nội chiến. Ai bày tỏ bất kỳ quan điểm nào khác sẽ được nhà nước và xã hội đánh giá là “phản động”, có thể mang đến những hậu quả, từ thất nghiệp đến các án tù dài hạn.

Đức giải thích

“Tuyên truyền trong chiến tranh là đảng [cộng sản] đã lãnh đạo cuộc chiến chống lại người Mỹ, không có phía Việt Nam nào không tin vào chủ nghĩa cộng sản. Nói rằng không có cuộc nội chiến là xóa bỏ việc hàng triệu người Việt Nam đã bỏ mình trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, và điều đó làm tôi đau đớn và tức giận.”

Mùng 3 Tết Mậu Tuất, 2018.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác gỉa. DCVOnline biên tập và minh họa.

(1) Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lời cuối cho câu chuyện quá buồn, Facebook NGUYỄN QUANG LẬP·FRIDAY, FEBRUARY 9, 201,  http://bit.ly/2EhvoTv
(2) Trần Giao Thủy, Tết Mậu Thân – Bốn mươi năm sau (1968-2008), DCVOnline 2008, http://dcvonline.net/2017/02/05/tet-mau-than-bon-muoi-nam-sau-1968-2008-p1/
(3) Facebook Hoang Hung, https://www.facebook.com/hoang.hung.714
(4) Trần Giao Thủy, Từ Bush đến Nhất Hạnh và Lê Dũng, DCVOnline 9/5/2007, http://tran-giao-thuy.blogspot.ca/2007/10/t-bush-n-nht-hnh-v-l-dng.html
(5) Dan Moore, There Is No Way To Peace; Peace Is The Way, Discussion date: Thu, Apr 13, 2017, http://www.stillwatermpc.org/dharma-topics/there-is-no-way-to-peace-peace-is-the-way/
(6) James Pringle and International Herald Tribune, Meanwhile : The quiet town where the Vietnam War began, 23 tháng Ba, 2004, http://www.nytimes.com/2004/03/23/opinion/meanwhile-the-quiet-town-where-the-vietnam-war-began.html
(7) Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ : Về việc thành lập thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre, Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2009, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509&mode=detail&document_id=90066
(8) Wikipedia.org, Bến Tre, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%BFn_Tre
(9) Democracy Now, Thousands Gather to Hear Vietnamese Monk and Peace Activist Thich Nhat Hanh Speak On”Embracing Anger” and Working for Peace, SEPTEMBER 26, 2001, https://www.democracynow.org/2001/9/26/thousands_gather_to_hear_vietnamese_monk
(10) Democracy Now, Thich Nat Hanh, Part 2,  SEPTEMBER 27, 2001,  https://www.democracynow.org/2001/9/27/thich_nat_hanh_part_2
(11) A Public Talk by Thich Nhat Hanh at the Riverside Church, New York – September 25th, 2001, http://www.buddhismtoday.com/english/ethic_psy/embracing_anger.htm
(12) Thư viện Hoa Sen, Vọng ngữ, http://bit.ly/2EMnncV
(13) Bennett Murray, Why Vietnam Isn’t Talking About 1968 | Fifty years after a turning point in the Vietnam War, the country’s communist government is stamping out public discussion of painful memories, Politico Magazine, February 15, 2018, https://www.politico.com/magazine/story/2018/02/15/vietnam-war-government-accounts-1968-216973

By BENNETT MURRAY