“Trump yêu Việt Nam hơn Obama yêu Việt Nam”, não trạng nhược tiểu
Trà Mi
Dân Việt Nam nói chung, bất kể là trí thức thành thị hay nông dân, không dễ để bị gạ gẫm, mê hoặc chỉ vì một hàng không mẫu hạm nước lớn đến đậu ở hải cảng Việt Nam, rồi có thể thán rằng “Trump yêu Việt Nam hơn Obama yêu Việt Nam.”
Thủy thủ USS Carl Vinson hát “Nối vòng Tay Lớn”. Nguồn: VOA Tiếng Việt
Thoáng đọc được trên một status ở Facebook kể chuyện nhân dịp USS Carl Vinson vừa đến biển ngoài khơi Đà Nẵng, Việt Nam hôm 5 tháng 3, 2018, một số dân ở Đà Nẵng được đài NPR của Mỹ phỏng vấn cho rằng “Trump yêu Việt Nam hơn Obama yêu Việt Nam” kèm theo nhận xét của người thuật chuyện là “Việt Nam cũng giống Mỹ ở điểm đám chống Trump chỉ là đám trí thức đô thị mơ chuyện trên trời. Người dân bình thường thì họ nhìn ra ai là ai.”
NPR Audio Clip: Lần đầu tiên sau chiến tranh một Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thả neo ngoài khơi Việt Nam | Michael Sullivan (NPR)
Cả đời là một dân thường đã sống và lớn lên ở nhiều thủ đô và không phải là công dân hay cư dân ở Mỹ nhưng chắc một điều là người viết không cùng quan điểm hay có thể chia sẻ những suy nghĩ của vài người dân Đà Nẵng trong câu chuyện kể trên.
Dân Việt Nam nói chung, bất kể là trí thức thành thị hay nông dân, không dễ để bị gạ gẫm, mê hoặc chỉ vì một hàng không mẫu hạm nước lớn đến đậu ở hải cảng Việt Nam, rồi có thể mê sảng thán rằng “Trump yêu Việt Nam hơn Obama yêu Việt Nam.”
Trong những năm chiến tranh 1954–1975, đời sống của người dân miền Nam đã trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng vì quyết định của nhiều Tổng thống Mỹ (cả Dân chủ lẫn Cộng hòa) từ Dwight D. Eisenhower đến Gerald Ford. Thời đó, chưa khi nào được nghe trên đài phát thanh, đài truyền hình hay đọc được trên tờ báo ở đâu đó cái ý nghĩ nhược tiểu cho rằng một lãnh đạo của một nước bạn đồng minh yêu Việt Nam hơn một người lãnh đạo khác.
Những ngày đó hàng không mẫu hạm của Mỹ như USS Card (ACV-11), USS Kula Gulf (CVE-108), USS Bennington (CVS-20), có mặt ở Việt Nam chẳng hề phụ thuộc vào “tình yêu” của Tổng thống Mỹ. Và lúc đó Mỹ có cả một hạm đội khổng lồ đã tham dự vào rất nhiều công tác đặc nhiệm từ hậu cần đến chiến đấu, có cả Hàng không mẫu hạm bên cạnh những chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, như Task Force 73, 75, 76, 77, 78, 116, 117.
Sau cùng là chiến dịch Frequent Wind, trong hai ngày 29 và 30 tháng 4, 1975 chiến hạm đã cứu mạng nhiều người Việt Nam đã chấp nhận bỏ nước ra đi chạy trốn cộng sản. Cũng không thể không nói đến khoảng 20 đến 30 ngàn người miền Nam trên 30 chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa rời Côn Sơn do USS Kirk dẫn đầu và được USS Mobile, USS Tuscaloosa, USS Barbour County, USS Deliver and USS Abnaki hộ tống suốt hải trình sang Philippines trong những ngày đầu tháng 5, 1975.
Ngược dòng lịch sử, từ tháng 8, 1954 đến tháng 5, 1955, trong Chiến dịch Passage to Freedom của Mỹ thực hiện theo yêu cầu của chính phủ Pháp, đưa gần 1 triệu người miền Bắc đã bỏ làng bỏ xứ, gồng gánh xuống tầu há mồm, hay lên máy bay di cư vào Nam cũng vì không muốn sống với Cộng sản ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để đưa người miền Bắc di cư vào Nam trong chiến dịch “Đường đến Tự do”, Hải quân Mỹ đã vận dụng cả Hạm đội Thái Bình Dương tập trung 74 tàu chiến đổ bộ (LST), tàu vận tải, chiến hạm, tàu hàng, tàu cập bến (LSD) và thêm 39 tầu vận chuyển của Dịch vụ Vận tải Quân sự Biển của Hải quân Mỹ (MSTS). Phụ trách việc hậu cần và tiếp tế nhiên liệu, lương thực và sửa chữa là đoàn tầu của Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Tây Thái Bình dương, trong đó có cả tàu bệnh viện đậu ở vị trí trung tâm tại vịnh Ðà Nẵng.
Và lịch sử cũng ghi, tháng 1 năm 1974 Đệ thất Hạm đội Mỹ đậu ở Biển Đông “quan sát” cuộc hải chiến ở quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Cộng và đồng minh Việt Nam Cộng hòa của Mỹ. Kết quả là Trung Cộng đã Chiếm Hoàng Sa trước những viễn vọng kính trên Đệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ.
Trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh, trước khi Mỹ có một Tổng thống buôn địa ốc, thì Hải quân Mỹ cũng đã đưa tầu bệnh viện đến công tác ở Việt Nam. USNS Sanctuary (T-AH-17) từ 1966 đến 1971; Trong Chuyến công tác nhân đạo Đối tác Thái Bình dương 2012, tàu bệnh viện Mỹ USNS Mercy (T-AH-19) đã đến làm việc nhân đạo tại Việt Nam trong hai tuần lễ, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Dân Đà Nẵng lúc đó cũng chẳng có ai kêu “Obama yêu Việt Nam hơn Bush yêu Việt Nam.”
Trong lịch sử quan hệ giữa Pháp, Mỹ với Việt Nam, những người Việt Nam được Mỹ hay Pháp cứu mạng hay thờ ơ, khi đó cũng chẳng có ai mê sảng kêu lên “Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower yêu Việt Nam hơn Tổng thống Pháp René Coty và Thủ tướng Pháp Mendès-France yêu Việt Nam” hay “Ford yêu Việt Nam hơn Johnson yêu Việt Nam.”
Sau cuộc nội chiến dai dẳng, dấu vết xương máu của người Việt Nam vẫn còn trong lòng đất ở khắp mọi miền, nhưng một số nhỏ vẫn chưa thoát được cái não trạng dân nhược tiểu, dân bị trị, vẫn u mê trông chờ vào sự che chắn của của những nước lớn bất kể đó là Nga, Tàu, Mỹ hay Pháp.
Mong rẳng những người đã quên mình hay chấp nhận thân phận con tốt đen dễ bị kích động giựt dây vì một thế cở ảo, như con cá đá phùng mang trong lọ nước, của siêu cường chỉ là thiểu thiểu số thường dân Việt Nam, những người vẫn mê sảng, chưa hết say nhang khói của cơn lên đồng.
Dường như có một lần nào đó Nguyễn Văn Lục, trong một bài viết về trí thức thiên tả, tác giả kết luận, “Làm người trí thức, trước hết là phải biết ngượng.”
Vụ “Trump yêu Việt Nam hơn Obama yêu Việt Nam” cho thấy ngay cả những người đang xếp hàng suy tôn Trump Tổng thống – hẳn không phải người thuộc đám thiên tả – nếu nghĩ mình là trí thức, dù ở đô thị hay thôn quê, thì cũng nên là người biết ngượng, không nên cổ võ cho những suy nghĩ rất vớ vẩn để hoan hô vị Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố thoải mái bóp l…
“You can do anything … Grab them by the pussy. You can do anything.” – Donald J. Trump (2005)
Chuyện Tổng thống Trump còn dài.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Bài của tác gỉa. DCVOnline biên tập và minh họa.