Người vận động dân chủ ở Việt Nam cáo buộc Facebook giúp chính quyền đàn áp những người bất đồng quan điểm
John Reed | DCVOnline
Phản đối về chính sách gỡ bài khỏi trang Facebook gây thêm thách thức cho Facebook ở khu vực đang phát triển nhanh.
Một nhóm 50 người hoạt động nhân quyền và những nhóm truyền thông độc lập tại Việt Nam đã viết thư cho Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, cáo buộc mạng truyền thông xã hội này đang làm việc với chính quyền cộng sản để xóa bài và tạm khóa một số những trang Facebook.
Bức thư ngỏ, công bố hôm thứ ba — cho biết thêm làn sóng gây tranh cãi vì Facebook đang gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, một trong những vùng phát triển nhanh nhất của mạng xã hội này — trước cuộc điều trần hôm thứ Ba của Zuckerberg tại Quốc hội Hoa Kỳ về việc để dữ liệu rò rỉ.
Cuộc phản đối từ phía Việt Nam đã xảy ra ngay sau khi các nhóm xã hội dân sự ở Myanmar, những người tuần trước đã cáo buộc mạng truyền thông xã hội Facebook phản ứng quá chậm đối với những than phiền về việc xử dụng ngôn từ thù hận nguy hiểm, đã công bố thư trả lời của ông Zuckerberg, trong đó ông xin lỗi và nói rằng Facebook đã đưa thêm hàng chục nhân viên thẩm định người Miến Điện vào làm việc trên mạng.
Phương tiện truyền thông và mạng internet của Việt Nam hoạt động dưới sự kiểm duyệt, và chính quyền quốc gia này đã bắt giam nhiều blogger và những người bất đồng chính kiến. Quân đội Cộng sản Việt Nam năm ngoái đã thông báo việc thành lập lực lượng 47, một “đoàn quân mạng” gồm 10.000 người.
Những người ký tên trên bức thư gởi Mark Zuckerberg nói rằng “những nhóm dư luận viên của chính quyền” đang phối hợp báo cáo hàng loạt những trang Facebook của những người hoạt động nhân quyền, và ăn mừng mỗi khi Facebook khóa trang của người bất đồng chính kiến. Giới hoạt động nhân quyền người Việt Nam cho biết họ đã tiếp xúc với các đại diện của Facebook “thường xuyên” để cố gắng giữ cho bài viết của họ được chuyển tải trực tuyến.
Lá thư gởi Mark Zuckerberg viết “Trước năm 2017, sự giúp đỡ của công ty của ông đã có kết quả tốt. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, tần số khóa trương mục ở Facebook đã tăng lên và sự hỗ trợ của Facebook đã không giúp được gì trong việc phục hồi trương mục và những bài viết đã đăng.
Họ nói rằng trước và trong một phiên tòa lớn xử những người hoạt động nhân quyền Việt Nam trong tháng này, “nhiều trang Facebook của những người dân làm báo được biết đến đã bị cấm đăng bài.” Một tòa án ở Hà Nội đã kết án tù nhiều năm cho sáu người hoạt động nhân quyền [Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển và 4 người khác].
Lá thư viết tiếp rằng họ “kinh hoàng” khi biết rằng Monika Bickert, giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook, đã gặp Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin của Việt Nam vào tháng 4 năm 2017 và “được biết đã đồng ý cùng phối hợp theo dõi và rút bài trên Facebook.”
Trụ sở chính của Facebook ở khu vực tại Singapore không có trả lời tức thì trước lá thư khiếu nại. Bộ Ngoại giao Việt Nam không có bình luận gì.
Bức thư của nhóm hoạt động dân chủ ở Việt Nam mở ra một mặt trận mới chống lại Facebook ở châu Á. Tại Myanmar và Sri Lanka, Facebook đã bị buộc tội phản ứng quá chậm để cho ngôn ngữ thù hận lan truyền trên mạng xã hội của họ; ở Philippines và Campuchia, giới hoạt động cho biết Facebook đã để cho những người ủng hộ giới lãnh đạo có khuynh hướng độc tài khai thác mạng xã hội ở đây.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, giới hoạt động cho biết Facebook đang làm việc với chính quyền để ngăn chặn “sự cởi mở và kết nối” trong xã hội ở một quốc gia mà tự do ngôn luận vẫn còn bị đàn áp.
Mặt khác, hôm thứ Ba, sáu nhóm xã hội dân sự đã viết thư cho Zuckerberg hồi tuần trước đã công bố một lá thư của giám đốc điều hành Facebook lên tiếng xin lỗi
“vì không hiểu rõ về vai trò quan trọng mà các tổ chức của quý vị đang có để giúp chúng tôi hiểu và đối phó đúng với những vấn đề liên quan đến Myanmar.”
Những nhóm xã hội dân sự này đã phàn nàn hồi tuần trước sau khi Zuckerberg phát biểu trong một cuộc phỏng vấn về một sự kiện xảy ra hồi tháng 9, không biết thủ phạm nào đã sử dụng app Messenger của Facebook để gửi các tin nhắn giả mạo về một cuộc khủng bố đến cho hàng ngàn người ở quốc gia Đông Nam Á này.
Zuckerberg cho biết thêm, trong thư trả lời, vào ngày 6 tháng 4 và mới công bố hôm thứ Ba, ông cho biết ngoài việc thuê thêm hàng chục người kiểm tra tiếng Miến Điện khác, công ty Facebook đang phát triển trí thông minh nhân tạo để giúp xác định rõ hơn nội dung “mạ lị, thù hận hoặc tin giả mạo ngay cả trước khi nó bị cộng đồng [Facebook] của chúng ta nhận ra.”
Các nhóm xã hội dân sự trả lời bằng cách nói rằnng,
“Những đề nghị cải tiến của Facebook vẫn không có đủ để đảm bảo rằng người dùng mạng xã hội này ở Myanmar có các tiêu chuẩn bảo vệ giống như ở Mỹ hay châu Âu. Khi có chuyện rắc rối xảy ra ở Myanmar, thì hậu quả có thể rất là nghiêm trọng — có thể gây tai hoạ.”
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: – Vietnam activists accuse Facebook of helping suppress dissent John Reed | The Financial Times, 10 April, 2018.