Karl Marx, 200 năm sau
Trần Giao Thủy
Nhận định của Marx về những thiếu sót của chủ nghĩa tư bản 200 năm sau vẫn cón vài điều xác đáng.
Nhân dịp kỷ niệm 200 ngày sinh Kark Marx, tuần báo Economist số ra ngày 3 tháng Năm 2018 dưới tựa đề “Lãnh đạo thế giới thế giới: hãy đọc Karl Marx!” cho rằng nếu phụ đề cho cuốn tiểu sử của Karl Marx là “một nghiên cứu về những thất bại” thì thật là tuyệt với.
Marx cho rằng mục đích của triết học không chỉ là để hiểu mà còn để làm cho thế giới tốt hơn nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, triết lý của Marx đã làm cho gần nửa nhân loại sống trong chế độ Mác-xít ở thế kỷ thứ 20 lâm vào cảnh đói khổ, tù đầy, độc tài độc đảng. Số nạn nhân bị 3 chế độ Cộng sản sát hại ở Liên bang Sô viết thời Joseph Stalin, CHND Trung Hoa dưới thời Mao Trạch Đông, và ở Cambodia trong thời Khmer Đỏ khoảng từ 21 triệu đến 70 triệu người. Đó là chưa kể số nạn nhân cộng sản ở Bắc Hàn và Việt Nam.
Cùng lúc, bên kia quả đất, ở nước CHXHCN Việt Nam, ngày 4 tháng 5, 2018, báo đài của đảng Cộng sản ở đây đã đồng loạt đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư tổ chức. Ông Thắng cho rằng,
“Những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn như cách mạng công nghiệp 4.0 cần được soi sáng bằng tư tưởng của Mác.”
Hãy quay lại với Marx ngày xưa và gượm nói đến cái tít nóng “cách mạng kỹ nghệ 4.0” mà một ông lý luận cộng sản Việt Nam đang cho rằng cần được tư tưởng của Marx soi rọi.
Gần 2 thế kỷ trước, Marx tưởng rằng khoa học biện chứng sẽ cho phép ông hiểu được hiện tại và nhìn thấy cả tương lai, nhưng ông đã thất bại lớn vì không dự đoán được 2 sự kiện lớn nhất ở thế kỷ trước; đó là chủ nghĩa phát xít và nhà nước phúc lợi. Marx đã lầm tưởng rằng chủ nghĩa Cộng sản sẽ mọc rễ, bám chặt vào các nền kinh tế tiến bộ nhất thời đại.
Đối diện với sự thật hiện nay, nếu còn sống, Marx hẳn sẽ rất nản lòng vì một vài nước hôm nay vẫn khoác áo Mác-xít và phát triển được là nhờ thực hành lý thuyết tư bản mà họ gọi trệch đi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoặc là chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Hoa.
Tuy nhiên, dù còn nhiều thiếu sót, Marx vẫn là một nhân vật đồ sộ đối với thế giới. Kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Marx – 5 tháng 5 – cả châu Âu sống động với những cuộc triển lãm tác phẩm, khai mạc tượng đài, tái bản những “Tư bản luận”, “Tuyên ngôn đảng Cộng sản”, v.v..
Nhưng lời bàn luận khắp nơi (kể cả bài viết này) là bằng chứng cho người ta không thể coi nhẹ Marx. Tại sao thế giới ngày nay – dù muốn hay không – vẫn còn lưu luyến với lý tưởng của một người đã góp phần không nhỏ tạo ra quá nhiều đau khổ cho loài người?
Chắc chắn môt điều là không phải nhờ vào lý luận của Marx mà người ta biết rằng “dù nền sản xuất hiện đại được tự động hóa, nhưng xét về nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội” như ông Nguyễn Xuân Thắng đã phát biểu.
Điên rồ
Tại sao người ta vẫn phải quan tâm đến Marx? Dù tư tưởng của ông đã là “một môn học mà thầy không muốn dạy trò không muốn học” như tựa đề một bài viết của ông Lý Chánh Trung trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 13 tháng 11, 1988 – cách đây đã 30 năm.
Theo bài viết trên Economist, có 3 lý do.
Thứ nhất, dù không phải là một nhà khoa học tuyệt với như ông tự nghĩ, nhưng Marx là một người có tư tưởng và một ngòi bút xuất sắc: ông đã đưa ra một lý thuyết về một xã hội do những lực kinh tế vận hành – không chỉ bằng phương tiện sản xuất mà còn do mối quan hệ giữa chủ nhân và người lao động – và nó trải qua những giai đoạn phát triển nhất định.
Ít ai có thể quên được Marx đã cho rằng lịch sử thường lặp lại chính nó, “lần đầu tiên như bi kịch, thứ hai là trò hề”. Có thể nói tư tưởng của Marx gần như một loại tôn giáo bọc trong cái bìa khoa học: tư bản sẽ dẫy chết, nhân loại sẽ được giải thoát khi giới vô sản vùng lên chống lại giai cấp bóc lột, đưa loài người đi đến thế giới không tưởng cộng sản đại đồng.
Thứ hai, là tư cách của Marx. Ở nhiều mặt Marx là một con người tồi tệ. Ăn bám vào Friedrich Engels, kỳ thị chủng tộc đến nỗi chủ biên đã phải kiểm duyệt bài viết của ông, làm người giúp việc mang thai rồi đưa con cho người khác nuôi. Ở điểm sau cùng này cũng nên nhắc đến một học trò ưu tú của Marx là lãnh tụ một thời của Cộng sản Việt Nam tên là Hồ Chí Minh. Dù nay vẫn có khẩu hiệu tuyên truyền thúc đẩy việc học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ở tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam nhưng đảng cộng sản ở đó không trưng bày cái vô đạo đức trong con người của Hồ và Marx.
Mikhail Bakunin mô tả Marx là người “đầy tham vọng và phù phiếm, hay cãi, cố chấp và … hận thù tuyệt đối đến mức điên rồ”.
Nhưng vĩ cuồng và thiên tài hợp lại sẽ thành một sức mạnh ghê gớm. Marx tin tuyệt đối là ông ta đúng; ông ta tin trằng mình đã tìm thấy chìa khóa lịch sử mà bao nhiêu triết gia khác đã không làm được. Marx cổ xúy niềm tin của mình bất kể mọi trở ngại. “Đấu tranh” là hạnh phúc; “quy phục” là tủi nhục, v.v..
Lý do thứ ba lại là một nghịch lý. Chính sự thất bại của tư tưởng Marx đã cho nó sống lâu hơn. Sau khi Marx chết vào 1883 những người theo ông – đặc biệt là Engels – đã chăm chỉ biến lý thuyết của Marx thành một hệ thống khép kín. Hệ quả là cuộc nội chiến phe phái luẩn quẩn quanh vấn đề chủ nghĩa Mác “thực sự” là gì đã đưa đến những vụ thanh trừng nội bộ, loại bỏ những kẻ làm loạn, xét lại và dị giáo. Cuối cùng sinh ra một chủ nghĩa Mác-Lênin quái đản, với những kỳ vọng không thể sai lầm (“chủ nghĩa xã hội khoa học”), hân hoan trong sự xáo trộn (“chủ nghĩa duy vật biện chứng”) và sự sùng bái cá nhân (những bức tượng khổng lồ của Marx, Lenin, Mao, Hồ).
Đến cuối cuộc đời, Marx đã nghi ngờ về niềm tin của chính mình, nghĩ rằng mình có thể đã sai về Luật giảm khuynh hướng lãi suất, và bối rối về thực tế chính quyền thời Victoria đã giúp cho đời sống của người dân Anh Quốc ngày càng thịnh vượng.
Tuy nhiên, lý do chính để người ta tiếp tục quan tâm đến Marx vì hiện nay tư tưởng của ông vẫn thích đáng hơn so với chính nó trong khoảng hàng chục năm sau thế chiến. Đồng thuận về sự chuyển đổi quyền lực từ vốn sang lao động và tạo ra một “sức nén lớn” trong mức sống đã lu mờ.
Toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của một nền kinh tế ảo/tự động đang tạo ra một phiên bản quá mới của chủ nghĩa tư bản dường như vẫn chưa có thể hoàn toàn kiểm soát được. Dòng quyền lực từ lao động chảy ngược đến vốn cuối cùng cũng bắt đầu tạo ra một phản ứng phổ quát – và thường là dân túy. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn sách kinh tế thành công nhất trong những năm gần đây, “Capital in the Twenty-First Century” của Thomas Piketty, có tựa tương tự như tác phẩm quan trọng nhất của Marx (Das Kapital) và mối bận tâm của ông với sự bất công.
Người tiên tri ở Davos
Marx đã sai khi cho rằng tư bản thực chất chỉ là một hệ thống của những kẻ đi tìm đặc lợi chứ không tạo ra sự giàu sang và giới tư bản chỉ chiếm đoạt của cải của người khác. Đã có quá thừa nhân chứng sống minh xác là Marx đã sai lầm: những William Gates III, Warrren Buffet ở nước tư bản Mỹ hay Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm), Jack Ma (Mã Vân) ở xứ có nền kinh tế thị trường theo “chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Hoa”.
Tuy thế, Marx đã đúng về chủ nghĩa tư bản ở mặt quan liêu của nó. Đại đa số những ông chủ lớn của những công ty là đám tư chức quan lại chứ không phải là những doanh nhân tạo ra của cải; đám quan lại đó đang núp sau tấm bình phong gây lợi cho tập đoàn chủ nhân và dùng những công thức có sẵn để tự tăng lương ngày càng nhiều đến mức kệch cỡm. Đồng lõa là những nhóm đi tìm đặc lợi khác như nhóm tư vấn quản lý, thành viên chuyên nghiệp của những hội đồng quản trị và đám chính khách đã về hưu.
Marx lại đúng thêm một lần nữa khi khẳng định chủ nghĩa tư bản mang bản chất của một hệ thống toàn cầu: “Nó phải làm tổ ở khắp mọi nơi, định cư khắp mọi nơi, móc nối ở khắp mọi nơi.” Đó là sự thật hôm nay cũng như ở thời đại Victoria. Hai diễn biến nổi bật nhất trong 30 năm qua là sự tháo dỡ dần các rào cản đối với sự di chuyển tự do của các yếu tố sản xuất trên toàn cầu – hàng hóa, vốn và ở một mực độ nào đó cả con người – và sự trỗi dậy của một thế giới mới. Các công ty toàn cầu cắm cờ, treo bảng ở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất. Giám đốc điều hành không biên giới bay từ nước này sang nước khác để theo đuổi hiệu quả và tăng trưởng của công ty. Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ, cũng có thể đổi tên lại là Diễn đàn “Marx đã đúng”.
Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng đi đến độc quyền; giới tư bản khi thành công sẽ tìm cách loại những đối thủ yếu hơn ra khỏi thị trường; đây là đoạn đầu đi đến độc quyền đắc lợi. Một lần nữa Marx lại có vẻ hợp lý khi người ta khách quan nhìn về một thế giới thương mại đang được sự toàn cầu hóa và kỹ nghệ internet định hình. Các công ty lớn nhất thế giới không chỉ thực sự lớn khổng lồ mà làm cho các công ty nhỏ trở thành những phần tử không đáng kể. Những người khổng lồ của nền kinh tế mới đang thực sự thống trị thị trường như chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế. Facebook và Google hút 2/3 doanh thu quảng cáo trực tuyến của Mỹ. Amazon nắm hơn 40% thị trường mua sắm trực tuyến đang bùng nổ tại đây. Tại nhiều quốc gia, Google là công cụ để tìm kiếm được dùng hơn 90% trên web. Thị trường gồm tất cả, từ môi trường, thông điệp đến cả diễn đàn.
Theo Marx, chủ nghĩa tư bản đã sinh ra một đội ngũ lao động sinh tồn bằng cách chạy từ việc làm này sang việc làm khác. Trong thời kỳ kinh tế bùng nổ sau chiến tranh, điều này hoàn toàn vô nghĩa. Công nhân trên thế giới đã không mất gì cả trừ xích xiềng nô lệ. Trong thế giới thinh vượng, người lao động đều có công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa và tài sản dồi dào. Xã hội hậu chiến thịnh vượng đến nỗi những người theo chủ nghĩa Mác (cánh tả mới) như Herbert Marcuse phải lên tiếng tố cáo chủ nghĩa tư bản đã tạo ra quá nhiều của cải cho giới lao động khiến họ đã tự đồng hóa mình với của tiện nghi vật chất đã có được!
Năm 1930, kinh tế gia của chủ nghĩa Tân Tự Do John Maynard Keynes đã tiên đoán rằng đến cuối thế kỷ thứ 20, tiến bộ kỹ thuật sẽ đưa con người đến một xã hội mới — công nhân chỉ còn làm việc 15 giờ mỗi tuần. Nhưng sự thực tế không xảy ra như thế. Ở đầu thế kỷ 21 ngày nay, số giờ làm việc trung bình không những không giảm mà lại tăng. Và hiện nay, trên toàn thế giới phát triển, ba phần tư việc làm đều là những dịch vụ hoặc việc quản trị, không phải là những công việc sản xuất.
Người lao động hôm nay đa số không còn là những nông dân làm việc chân tay hay công nhân sản xuất đủ mọi loại hàng hóa mà là những công nhân của nền kỹ nghệ dịch vụ y tế, giáo dục, hàng quán, nhạc kịch sĩ, v.v., tức là nhưng công nhân làm việc với đồ vật (sửa chữa máy móc gia dụng chẳng hạn) hay làm việc với những người khác (ví dụ như thầy giáo, bác sĩ, luật sư.) Đây chính là giai cấp tiểu tư sản — tầng lớp mà chủ nghĩa cộng sản và Marx cho là có những nhược điểm như tự tư tự lợi, rời rạc, kém kiên quyết, lý luận không đi đôi với thực hành, khinh thường lao động, tư tưởng mơ hồ, lập trường không vững, khi hành động thì hay lung lay, v.v..
Tóm lại, cộng sản cho rằng đối với giai cấp tiểu tư sản, giai cấp công nhân cần phải tuyên truyền, tổ chức, giúp phát triển ưu điểm, sửa chữa nhược điểm của họ; chung cuộc là công nhân phải lãnh đạo và cải tạo tư tưởng của trí thức tiểu tư sản.
Thay đổi “tự nhiên” của xã hội và nền kinh tế cho thấy Marx đả sai trong lý luận và Keynes đã sai trong tiên đoán của mình.
Tuy nhiên, một lần nữa lập luận của Marx đang trở nên khẩn cấp. Nền kinh tế độc mã đang tập hợp một lực lượng trừ bị gồm những người lao động đang ngồi chờ để được những “cai” điện tử gọi đi giao thức ăn, đi dọn dẹp nhà cửa hoặc làm tài xế chở khách.
Tuy nhiên, nếu hiểu được nền kinh tế một ngựa là một trong những hệ quả của cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0 với một lực lượng lao động trừ bị do cai “điện tử” lãnh đạo như trên có lẽ ông Nguyễn Xuân Thắng không thể cường điệu cho rằng:
“… chỉ có giai cấp công nhân mới tập hợp được các giai tầng lao động khác do Đảng Cộng sản lãnh đạo để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, … chỉ có giai cấp công nhân mới giải quyết được các vấn đề chính trị – xã hội…”
Giai cấp công nhân sẽ làm gì đẻ giải quyết những vấn đề xã hội sau đây? (Tương đối nhỏ hơn so với những vấn đề ở Việt Nam) Ở Anh, giá nhà quá cao đến nỗi những người trẻ dưới 45 tuổi có ít hy vọng mua được mội căn nhà nhỏ. Hầu hết công nhân Mỹ nói rằng họ chỉ có vài trăm đô la trong trương mục ở ngân hàng.
Giai cấp vô sản của Marx đang tái sinh làm giai cấp bất ổn.
Tuy nhiên, sự phục hồi tư tưởng Marx cũng có giới hạn. Sai lầm của Marx quá nhiều so với kiến thức của ông. Marx khăng khăng cho rằng chủ nghĩa tư bản bóc lột người lao động đến mức họ chỉ đủ sống là điều vô nghĩa đến lố bịch. Thiên tài của chủ nghĩa tư bản là nó không ngừng hạ giá những hàng hóa tiêu thụ thông thường: công nhân ngày nay có thể dễ dàng sắm được những món hàng khi xưa chỉ dành cho người của hoàng gia.
Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho biết số người “cực kỳ nghèo đói” đã giảm từ 1,85 tỷ năm 1990 xuống còn 767 triệu vào năm 2013, một con số buộc người ta phải nghĩ lại về mức sống của người lao động phương Tây. Tầm nhìn của Marx về tương lai hậu chủ nghĩa tư bản vừa tầm thường vừa nguy hiểm: tầm thường và vô vị vì nó chỉ vẽ được một bức tranh về những con người biếng nhác (săn buổi sáng, câu cá buổi chiều, chăn bò buổi tối và ngồi chỉ trích sau bữa ăn); nguy hiểm vì nó đang cấp giấy phép cho những người tự xưng là giai cấp tiên phong áp đặt quan điểm của họ với quần chúng.
Tuy nhiên, thất bại lớn nhất của Marx là ông đã đánh giá thấp sức mạnh của đổi mới – khả năng của con người để giải quyết các vấn đề hiển nhiên của chủ nghĩa tư bản bằng những thảo luận hợp lý để đi đến những thỏa hiệp chung. Marx tin rằng lịch sử chỉ là một cỗ xe chạy cắm đầu vào một ngõ cụt đã định trước và việc tốt nhất những người lái cỗ xe đó có thể làm được là ôm chặt xe cho khỏi ngã. Những người đổi mới tự do, kể cả William Gladstone, gần với thời của Marx, đã nhiều lần chứng minh là Marx sai. Họ đã không chỉ cứu được chủ nghĩa tư bản bằng cách đưa ra những cải cách sâu rộng mà đã làm như vậy bằng sức mạnh của sự thuyết phục. “Cấu trúc thượng tầng” đã thắng “cơ sở”, “chủ nghĩa dân chủ nghị viện ngu si” đã thắng “chế độ độc tài của giai cấp vô sản”.
Không mất gì ngoài xích xiềng nô lệ
Chủ đề lớn của lịch sử trong thế giới tiên tiến kể từ khi Marx chết là đổi mới chứ không còn là cách mạng. Các chính khách khai ngộ đã mở rộng chi nhánh thương mại để những người ở giai cấp công nhân có cổ phần trong hệ thống chính trị. Họ đổi mới hệ thống pháp lý để phá vỡ và điều tiết sự tập trung kinh tế. Họ đổi mới cách quản lý để chu kỳ kinh tế nhịp nhàng và ổn định.
Chỉ ở những quốc gia mà tư tưởng của Marx đã bám rễ ăn sâu mới còn những chế độ chuyên quyền lạc hậu như Liên bang Nga, Trung Hoa, Việt Nam, Cuba, Lào. Một sự thật trái ngược với nhận định của ông Tạ Ngọc Tấn Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng,
“Khi xem xét tư tưởng Mác về dân chủ, có thể thấy vấn đề cốt lõi trung tâm là tự do và vai trò quyền lực của nhân dân.”
Câu hỏi lớn hôm nay là liệu nhân loại có thể lập lại những thành tựu đã có hay không. Phản ứng chống chủ nghĩa tư bản đang lên – nhưng thường thấy qua hình thức giận dữ dân túy hơn là sự đoàn kết vô sản. Cho đến nay giới đổi mới tự do đang tỏ ra thua sút một cách đáng buồn so với những thế hệ trước về cả việc nắm bắt được khủng hoảng và khả năng đưa ra các giải pháp. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Marx người ta nên đọc lại tư tưởng của ông – không những chỉ để hiểu được những lỗi lầm nghiêm trọng mà ông đã xác định trong hệ thống, mà còn nhắc nhở chính mình về thảm họa đang chờ nếu không đối đầu với chúng.
Nhưng đọc lại để hiểu những điểm đúng và sai của Marx khác hẳn với những điều mà những ông Võ Văn Thưởng (“Di sản tư tưởng của Các Mác trong thời đại ngày nay”), hay Nguyễn Xuân Thắng và Tạ Ngọc Tấn đã hô hoán tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại”.
Với tư cách và sứ mệnh của những người tiếp nối và đánh bóng lý luận chủ nghĩa cộng sản, tuyên truyền cho chế độ, và tất cả những người trong tập thể “còn đảng còn mình” đó là điều họ phải thực hiện tốt. Nó rất dễ hiểu và không cần phải mỉa mai. Tự họ đã làm xong việc đó rồi.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Tham khảo:
– Second time, farce (Rulers of the world: read Karl Marx! On his bicentenary Marx’s diagnosis of capitalism’s flaws is surprisingly relevant) | The Economist, May 5, 2018.
– Tiền Phong, “Soi sáng Cách mạng 4.0 bằng tư tưởng của Các Mác”, 4 tháng 5, 2018.
– Võ Văn Thưởng, “Di sản tư tưởng của Các Mác trong thời đại ngày nay”, 4 tháng 5, 2018.
– Nguyễn Trọng Phúc, “Cống hiến vĩ đại của C.Mác thể hiện ở cả lý luận và thực tiễn” ”, 4 tháng 5, 2018.