Việt Nam có thể yên thân giữa hai lằn đạn thuế nhập cảng hay không?
Brook Larmer | DCVOnline
‘Voi đánh nhau, kiến chết’, câu thành ngữ Khmer [hay thành ngữ Việt Nam ‘trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết’] cho thấy tình trạng nguy hiểm trong cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hai cường quốc thế giới đã khóa ngà bằng thuế nhập cảng, và những nước khác trên thế giới — đặc biệt là ở châu Á — dường như có nguy cơ bị đè bẹp. Khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng thứ ba, và Hoa Kỳ sẵn sàng cho đợt tấn công hàng nhập cảng mới trị giá 200 tỷ USD thuế vào mùa thu này, nhân cuộc xung đột lớn lên gấp bốn lần, một sự thật rõ ràng hơn bao giờ hết: Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, không có khoảng chân không. Không thể có những cuộc tấn công chính xác như lưỡi dao hay tia laser trên bàn mổ trong một cuộc chiến thương mại, nghĩa là hai bên dùng thuế nhập cảng đánh vào mục tiêu của họ mà không làm thiệt hại những thứ khác xung quanh. Trong nỗ lực trừng phạt Trung Quốc vì những cách mua bán không công bằng và giảm thâm hụt thương mại 375 tỷ đô la, chính quyền Trump cũng gây thiệt hại cho một số đồng minh của Mỹ ở châu Á — buộc họ, như đàn kiến dưới chân voi, phải dẫm lên nhau tìm đường chạy trốn.
Hãy xem hiện trạng khó khăn của Việt Nam. Trung Quốc và Hoa Kỳ, mỗi nước đều có lịch sử chiến tranh tại Việt Nam nhưng hiện là những đối tác thương mại quan trọng nhất của quốc gia này. Hai cường quốc khổng lồ này đã mua khoảng 35% hàng xuất cảng của Việt Nam trong năm ngoái; Việt Nam tiếp tục chuyển đổi từ một quốc gia nông nghiệp xuất cảng gạo và cà phê thành một trung tâm sản xuất. Khi chiến tranh thương mại bùng nổ, thì những hàng tít đáng ngại ở Hà Nội cũng chạy tràn lan trên báo. Sự mất giá nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho đồng tiền Việt Nam và làm thị trường chứng khoán đổ dốc. Biết bao lời đồn đãi lan truyền về một dòng hàng tiêu thụ của Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam và sự đe dọa của chế độ bảo vệ kỹ nghệ nội địa của Mỹ đang lan rộng theo những cách sẽ ảnh hưởng đến những hàng xuất cảng quan trọng của Việt Nam. Và có một mối quan tâm không thể nghi ngờ được là gần 5 tỷ đô la xuất cảng của Việt Nam là những phần tử trong chuỗi cung ứng giá trị gia tăng của Trung Quốc, có nghĩa là chúng có thể bị tác động xấu vì sự áp dụng thuế để trừng phạt (Trung Quốc) của Mỹ.
Chẳng bao lâu một loại phản ứng khác bắt đầu xảy ra. Do sự nguy hiểm của cuộc chiến thương mại, nhiều công ty nước ngoài có cổ phần tại Trung Quốc — những con kiến dưới chân voi — đã bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang vùng Đông Nam Á. Một dấu hiệu của sự thay đổi này đã hiện ra vào giữa tháng Bảy, khi một nhóm khách ngoại quốc đến thăm khu bờ biển phía bắc Việt Nam gần Vịnh Hạ Long. Những người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, cà vạt đen đó không phải là khách du lịch. Họ đại diện cho 72 doanh nghiệp Nhật Bản, trong các ngành kỹ nghệ khác nhau, từ dệt may đến điện tử, và họ đang tìm chỗ để tị nạn kinh tế. Trưởng phòng Xúc tiến Đầu tư – Ban xúc tiến và đầu tư Quảng Ninh, nói với Báo điện tử VOV của Việt Nam,
“Nhiều công ty Nhật Bản đã hoạt động ở Trung Quốc. Họ muốn mở rộng thị trường đầu tư của họ ra ngoài Trung Quốc để tránh rủi ro do chi phí sản xuất tăng tại đây và chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khiến các công ty Nhật Bản khó xuất cảng sản phẩm xản xuất tại nước này sang Hoa Kỳ.”
Các doanh nhân Nhật Bản có thể là một nhóm trong những nạn nhân kinh tế đầu tiên của chiến tranh thương mại. Nhưng sự di chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là một hiện tượng mới. Trong vài năm qua, khi tiền lương trong các nhà máy Trung Quốc tăng nhanh, nhiều công ty của nước ngoài và của Trung Quốc, ít nhất đã bắt đầu di chuyển một số hoạt động của họ đến vùng Đông Nam Á để lợi dụng giá sản xuất thấp hơn. Ở Việt Nam, tiền lương chỉ bằng 1/3 so với ở Trung Quốc, hiện Adidas đang sản xuất giày ở Việt Nam gấp đôi số lượng ở Trung Quốc, và Intel với Samsung Electronics đã đầu tư hàng tỷ đô la ở đây. Phát triển nhờ xuất cảng của Việt Nam phụ thuộc vào việc thu hút đầu tư nước ngoài, và bây giờ chính sách của Mỹ và Trung Quốc có thể đang khiến nó thành hiện thực nhanh hơn. Jon Cowley, một đối tác thuế và thương mại tại công ty luật Baker McKenzie ở Hồng Kông nói,
“Đối với nhiều công ty, xung đột thương mại là một chất xúc tác để khám phá những thay đổi mà họ đã không dự tính trước đây. Đối với những người khác, đó là một chất làm tăng gia tốc cho một tiến trình đã bắt đầu. Xung đột thương mại chỉ đẩy họ đến đích nhanh hơn.”
Nó vẫn còn sớm trong cuộc chiến tranh thương mại này, chỉ mới có hai tháng, rất nhiều trong số những quyết định chuyển dịch trong giới tư bản đang hình thành. Tuy nhiên, cuộc chay đua hiện nay là để tìm được những khu sản xuất thặng dư trên toàn khu vực — ở Thái Lan, Indonesia và các nơi khác. Vào cuối tháng 7, Delta Electronics, công ty sản xuất linh kiện điện của Apple, đã chấp thuận mua lại chi nhánh ở Thái Lan với giá 2,14 tỷ đô la để đối phó với rủi ro thương mại ngày càng tăng. Cũng trong mùa hè này, Techtronic Industries của Hồng Kông (T.T.I.), công ty sản xuất máy hút bụi Hoover và dụng cụ điện Milwaukee, đã mở một nhà máy mới tại Việt Nam và một nhà máy thứ sáu khác tại Hoa Kỳ. Khoảng 76% doanh thu của T.T.I là hàng xuất cảng sang Bắc Mỹ. Hồi tháng Tám, Giám đốc điều hành của công ty, Joseph Galli nói, “Chúng tôi đã luôn luôn nói rằng chúng tôi sẽ không muốn để tất cả trứng của chúng tôi trong một giỏ,” nhấn mạnh tầm quan trọng của “một chuỗi cung ứng linh động.”
Chuỗi cung ứng, nghe chừng như vô thưởng vô phạt, lại là một vị trí của những thiệt hại thế chấp trong cuộc chiến thương mại này. Xuất cảng của Mỹ mà Trung Quốc đang đánh thuế trả đũa phần lớn là hàng hóa đơn giản ở nội địa Mỹ: thịt lợn, đậu nành, rượu whisky. Nhưng xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, đặc biệt là trong khu kỹ nghệ cao, là những sản phẩm phức tạp lắp ráp tại Trung Quốc từ một loạt nhiều đến choáng người những thành phần và nguyên liệu từ nước ngoài. Ví dụ, máy tính xách tay “Made in China” xuất cảng sang Mỹ có thể có màn hình Hàn Quốc, ổ cứng của Nhật Bản và chip nhớ của Đài Loan. Thuế nhập cảng đánh trên hàng “Made in China” sẽ gây thiệt hại cho mọi thành phần của chuỗi cung ứng quốc tế này. Những nền kinh tế tiên tiến nhất châu Á, gồm Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, đã toàn cầu hóa đến nỗi họ có thể dễ dàng bị kẹt giữa hai lằn đạn của cuộc chiến thương mại bảo vệ kỹ nghệ nội địa này.
Trung tâm Stimson ở Washington cho biết Đài Loan có thể bị thiệt hại nhiều nhất. Nó cung cấp 18 phần trăm tổng số hàng hóa nhập cảng qua trung gian của Trung Quốc, hoặc gần 14 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của Đài Loan. Tsai Ming-fang, một chuyen gia kinh tế tại Đại học Tamkang của Đài Bắc, nói với Bloomberg:
“Thuế nhập cảng của Trump đang mang thêm ưu đãi đến cho các công ty Đài Loan để họ chuyển sang Đông Nam Á.”
Đám bụi mù từ cuộc chiến thương mại che khuất một thực tế là châu Á là khu vực giao dịch năng động nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, trong năm 2017 châu Á có tăng trưởng nhanh nhất thế giới về khối lượng thương mại cho cả xuất, và nhập cảng, là 9,6% và 6,7%. Mười tám tháng trước, giới lãnh đạo của Việt Nam và 10 quốc gia khác trong vùng Thái Bình Dương tin rằng triển vọng kinh tế sẽ tăng manh hơn nữa bằng việc ký kết Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). Thỏa thuận thương mại này, gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản nhưng không có Trung Quốc, cũng tạo cơ hội để đẩy lùi, như một tập thể, chống lại các hành vi không lương thiện của Bắc Kinh như ăn cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty nước ngoài kinh doanh ở Trung Quốc phải tiết lộ bí mật kỹ thuật của họ.
Tổng thống Trump đã thẳng tay gạt TPP sang một bên. Bây giờ, với ảnh hưởng đã suy giảm trong khu vực, Hoa Kỳ một mình một ngựa ra chiến trường thương mại đối đầu với Trung Quốc, khiến cho nhiều đối tác châu Á của Mỹ, và nhiều công ty Mỹ cũng bị kẹt ở giữa mặt trận, đang phải tìm nơi tạm trú an toàn nhất.
Để bù lại cho những tác động tiêu cực của cuộc xung đột, Bắc Kinh đã cắt giảm thuế nhập cảng cho các nước châu Á, có vẻ như một lời nhắc nhở, Trung Quốc sẽ vẫn mãi là siêu cường duy nhất ở châu Á sau khi cuộc chiến tranh thương mại kết thúc. Tuy nhiên, sự ưu đãi này có thể không ngăn chặn dòng di cư của các xưởng sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến Đông Nam Á. Ví dụ, nhà sản xuất giày và phụ kiện Steve Madden của Mỹ, đang chuyển xưởng sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia — 15% trong năm nay, và 30% vào năm 2019. (Một nghiên cứu của Hiệp hội kỹ nghệ thời trang Hoa Kỳ phát hành vào tháng 7 cho thấy hai phần ba tất cả các công ty dệt may dự định sẽ giảm sản lượng ở Trung Quốc trong hai năm tới, viện lý do vì chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ là thách thức hàng đầu.) Di chuyển nhà máy sản xuất đến một địa điểm mới là việc tốn kém và phức tạp. Với một người không kiên định đứng đằng sau cuộc chiến thương mại, và sự hỗn loạn ở chính trường Mỹ, một số giám đốc điều hành đang hy vọng rằng tất cả sẽ biến mất càng sớm càng tốt. Nhưng khi các mức thuế nhập cảng mới đánh trên số hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, với 6.031 sản phẩm trong danh sách bị đánh thuế, cuộc chiến tranh thương mại không còn trông giống như một cuộc khủng hoảng ngắn hạn nữa.
Khi trận chiến leo thang, có một lo ngại rằng những công ty Trung Quốc cũng có thể di chuyển nhiều hơn về phía nam, bằng cách sử dụng chiến thuật “nhảy tránh thuế nhập cảng” để đưa hàng hóa của họ đến Hoa Kỳ. Ít nhất, người Việt Nam, đã có cảnh giác chống lại sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc. Lịch sử đối kháng của Việt Nam với nước láng giềng phía bắc của họ — với cả một ngàn năm bị đế quốc Trung Quốc cai trị, cuộc chiến tranh đẫm máu ở biên giới năm 1979, những tranh chấp chủ quyền đang diễn ra trên Biển Đông — đã có những cuộc biểu tình gần đây chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc. Nó gần như có vẻ vì Trung Quốc phải trả nợ cho cái nghiệp những kiếp trước mà Việt Nam đang có thể hưởng lợi từ cuộc xung đột của Trung Quốc với Hoa Kỳ, một quốc gia cựu thù trong cuộc chiến tranh kéo dài ở đây, đã trở thành một trong những đồng minh mạnh nhất của Việt Nam hiện nay.
Không ai có thể dự đoán được tất cả những thiệt hại và sự biến đổi hình dạng của cuộc chiến thương mại. Chính phủ Việt Nam thận trọng, thậm chí đã dự báo mức tăng trưởng không đáng kể trong vòng 5 năm tới. Những người khác lại lạc quan hơn nhiều. Vào tháng 7, Standard Chartered đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay, dựa trên dòng đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ngoài việc thu hút các công ty đang lưỡng lự về đầu tư của họ ở Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể kéo người mua của Mỹ muốn đa dạng hoá hàng nhập cảng bằng những sản phẩm từ các nước khác Trung Quốc. Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế của công ty quản lý tài sản tập trung vào Việt Nam, VinaCapital, nói,
“Trước đây sự đồng thuận là TPP sẽ là chất xúc tác. Nhưng chiến tranh thương mại có thể là tác động thực sự mở cổng giao thương.”
Ở Việt Nam, voi đánh nhau có thể là cơ hội cho những con kiến nhỏ nhất (hoặc may mắn nhất) có thời cơ phát triển mạnh.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Can Vietnam Avoid Getting Hurt in the Crossfire When the Tariffs Are Flying? Brook Larmer | The New York Magazine | Aug. 29, 2018. Illustration by Andrew Rae. Video bổ túc của FP.
Brook Larmer là một một viết cho tạp chí New York. Một phiên bản của bài này đã đăng trên ấn bản ngày 2 tháng 9 năm 2018, trên Sunday Magazine với tựa đề: Khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang, các đối tác thương mại ở châu Á đang cố gắng tránh không trở thành những thiệt hại thế chấp.