Một mặt thật khác của Bùi Tín

Nguyễn văn Lục

Bùi Tín đã vĩnh viễn ra đi tại Paris. Cát bụi đã trở về cát bụi cho một kiếp nhân sinh, nhưng tiếng và tăm qua ngòi bút của ông còn ở lại.

Một mặt thật khác của Bùi Tín
hay

Bùi Tín, từ “Hoa Xuyên Tuyết” (1992) đến “Following Hồ Chí Minh, The Memoirs of a North Vietnamese colonel” (1994) rồi “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime” (1999)

Một Tác phẩm của Bùi Tín. Nguồn: DCVOnline

Những người đã một thời gọi là “đồng chí” của ông ở trong nước đang ở vị thế cầm quyền đã ngoảnh mặt đi. Họ để cho các cơ quan truyền thông của họ làm công việc mà họ thường làm. Đối với họ, Bùi Tín là một sự phản bội chính trị khó tha thứ được. Nó như một thứ phản bội Chúa trong tôn giáo.

Còn đối với những kẻ vốn một thời thuộc “thành phần trí thức thiên tả” ở hải ngoại đã trót hùa theo cộng sản — phần đông trước đây họ nói to, họ hô hào — nay họ giữ im lặng. Sự im lặng ấy được coi như mội thái độ chính trị “tiết tháo” đứng bên lề thời cuộc.

Và nếu còn có một ai có cử chỉ đẹp đối với ông thì có thể đó là các đàì BBC, VOA. RFA.

Đài BBC, ngày 12-8-2018 trong bài Nhà báo BBC Đỗ Văn nhớ về Bùi Tín ông Đỗ Văn gọi Bùi Tín là “Người làm thức tỉnh lương tri người cộng sản”. Nhân dịp này, ông đã nhắc lại những lần ông gặp gỡ Bùi Tín tại Hà Nội hai lần cũng như sau này tại Paris, tại Luân Đôn. Chỉ rất tiếc, ông không đả động đến việc ông chính là người dịch cuốn “Hoa Xuyên Tuyết”, nxb Nhân Quyền, (1991) của Thành Tín thành “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel”, by Bui Tin (Author), Do Van (Translator), Judith A. Stowe (Translator), C Hurst & Co Publishers Ltd (Jan. 31 1994).

Đài RFA viết “Bùi Tín là một nhà báo trọn đời”.

Quốc Phương (BBC), “Hoa Xuyên Tuyết chính là khát vọng Tự Do”.

Đài VOA, Bùi Tín, “một chứng nhân lịch sử đã ra đi”. Tất cả đều là những lời lẽ trân trọng đối với kẻ ra đi.

Riêng nhóm Tủ sách Tiếng Quê Hương, do Uyên Thao và Trần Phong Vũ điều hành đã in và sắp phát hành, một tập sách nhan đề Thao thức cùng Quê Hương, một tập hợp khoảng 200 bài viết của Bùi Tín trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2018 về tình hình đất nước, như đánh dấu chặng cuối đời của một người cầm bút.

Phải chăng chữ Thao Thức, một tựa đề nhiều phần do Tủ sách Tiếng Quê Hương đặt, nói lên trọn vẹn tâm trạng cuối đời của ông nhà báo Bùi Tín? Hy vọng là như vậy.

Tuy nhiên, có một điều chưa lý giải được một cách minh bạch là giới truyền thông nói chung, khi liệt kê các tác phẩm của Bùi Tín, thường kể “những” tác phẩm của Bùi Tin, nhưng vỏn vẹn chỉ có hai cuốn Hoa Xuyên Tuyết (nxb Nhân Quyền, 1991) và Mặt Thật (nxb Saigon Press, 1993).

Ông Ngô Nhân Dụng trong một bài báo nhan đề, Sau Bùi Tín, Tô Hải, lớp sóng mới vẫn đang lên, cũng đã viết một cách hăng say như sau:

“Những cuốn sách của Bùi Tín như Hoa Xuyên Tuyết (1991), Mặt Thật (1995) [thật ra là 1991 và 1993 — NVL] và hàng ngàn bài báo, bài phát biểu sẽ là những chứng cớ cho một giai đoạn lịch sử nước ta. Ba tháng trước, dù thân thể đã lâm trọng bệnh, ông đã góp mặt lần cuối cùng với tổ chức Họp Mặt Dân Chủ trong cuộc hội thảo tại thành phố Stuggart, nước Đức.”

Không lẽ nào bao nhiêu nhà báo, bao nhiêu đài truyền hình, có thể nói hầu như tất cả không trừ ai, “đều quên” không nhắc tới hai cuốn sách được dịch ra tiếng Anh, rồi dịch sang tiếng Pháp của Bùi Tín?

Viết bài này, tôi muốn tìm hiểu cuốn “Hoa Xuyên Tuyết” bằng cách nào được dịch thành: “Following Hồ Chí Minh, The Memoirs of a North Vietnamese colonel”. (Theo chân Bác, Hồi ký của một Đại tá Bắc Việt — TCB) do bà Judy Stowe, Trưởng ban Việt ngữ đài BBC, đã qua đời năm 2007 và ông Đỗ Văn, biên tập viên BBC, chuyển dịch từ cuốn “Hoa Xuyên Tuyết”. Lời đề tựa sách tiếng Anh của giáo sư Carlyle A. Thayer; cuốn sách xuất bản năm 1995. May mắn, ông Đỗ Văn, cựu Biên Tập Viên đài BBC, là người duy nhất có thể giúp giải thích vấn đề “dịch sách” này.

Và cuốn thứ hai được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Và một lần nữa được đổi tên sách thành “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime” . (Bộ mặt thật của chế độ, BMTCCĐ). Trong phần ghi chú của lần xuất bản tại Pháp có ghi rõ nguyên văn như sau:

“Cet ouvrage a été publié à Londres en 1995 par Hurst & Company sous le titre original: “Following Ho Chi Minh. The memoirs of a North Vietnamese Colonel”.

(Tác phẩm này đã được C Hurst & Co Publishers Ltd (Jan. 31 1994), do NXB Hurst & Company xuất bản tại Luân Đôn mà nhan đề nguyên thủy của cuốn sách là: ‘Theo Chân Bác. Hồi ký của Đại tá Bắc Việt’.)

Và còn rõ hơn nữa, đầu trang 17, trong lời đề tựa cho cuốn sách Bộ Mặt thật của chế độ, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”, in ở Pháp, chính ông Bùi Tin có tiết lộ là:

“Une première version de cet ouvrage a été publiée en Vietnamien, aux États-Unis en décembre 1991.”

(Ấn bản đầu tiên của tác phẩm này đã được xuất bản bằng tiếng Việt, tại Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1991.)

Dù nhìn nhận đã có một bản bằng tiếng Việt, xuất bản tại Mỹ vào tháng 12 năm 1991, thật ra lời gửi kính tặng cuốn sách của Bùi Tín ghi là: Paris, Mùa thu 1991, nhưng rất tiếc, tác giả không cho biết tên cuốn sách. Mặc dầu vậy, người ta có thể đi đến kết luận đó là cuốn Hoa Xuyên Tuyết được xuất bản năm 1991. Hoa Xuyên Tuyết là cuốn sách xuất bản đầu tiên của tác giả ở hải ngoại.

Bởi vì cũng chính Bùi Tín trong cuốn Hoa Xuyên Tuyết ghi “Cuốn sách tôi đang viết đây là cuốn thứ chín, là cuốn sách tôi viết với nhiều đắn đo suy nghĩ nhất.” (Thành Tín, Hoa Xuyên Tuyết, nxb Nhân Quyền, 1991, trang 40).

Như thế đã là rõ ràng. Hoa Xuyên Tuyết (HXT) là cuốn sách thứ 9 của tác giả. 8 cuốn đầu tiên của tác giả viết khi còn ở trong nước mà tác giả nhìn nhận là những cuốn sách chỉ có mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản. Cuốn sách HXT là cuốn đầu tiên xuất bản ở hải ngoại. Sau đó được dịch sang tiếng Anh với nhan đề mới “Theo Chân Bác”. Rồi một lần nữa được chuyển dịch sang tiếng Pháp với một nhan đề thứ ba. “Bộ mặt thật của chế độ”.

Sửa chữa gì và thêm vào đã là quan trọng, vì có thể đánh dấu những bước chuyển biến trong những suy nghĩ của tác giả. Năm tháng xuất bản bằng hai thứ tiếng Anh đầu năm 1994 rồi tiếng Pháp 1999 có sửa chữa cũng đáng để tâm như một cột mốc thời gian đánh dấu việc cầm bút của tác giả như thế nào.

Nhưng việc tác giả thay đổi cả cái nhan đề sách từ Hoa Xuyên Tuyết thành Theo Chân Bác rồi thành Bộ Mặt thật của chế độ là một vấn đề khá quan trọng ảnh hưởng tới danh tiếng cũng như uy tín của tác giả. Nó có thể hủy hoại tất cả thiện chí, tất cả những nỗ lực của ông muốn thay đổi cũng như dân chủ hóa ở Việt Nam.

Và quan trọng hơn cả, nó hủy hoại niềm tin của độc giả đối với tác giả. Điều này thật khó lường hết được.

Có lẽ người ta có thể bỏ qua mọi tìm kiếm đánh giá, khen chê Bùi Tín. Nhưng nay trọng tâm bài này chỉ nhằm đặt vấn đề tại sao Hoa Xuyên Tuyết được dịch thành Theo Chân Bác mà thực sự nội dung hai cuốn sách hoàn toàn khác biệt. Trách nhiệm của Bùi Tín, Đỗ Văn và Judy Stowe là ở chỗ này. Tiếp đến tại sao Theo Chân Bác khi được dịch sang tiếng Pháp lại đổi thành Bộ Mặt thật của chế độ. Hai cuốn nay cùng một nội dung, nhưng tên đề tựa rất chọi nhau, một bên có thể là ca tụng chế độ, bên kia lại trở thành tố cáo chế độ.

Để cho thấy sự khác biệt giữa Theo Chân BácBộ Mặt thật của chế độ. Điều khác biệt là Bùi Tín đã viết thêm một lời nói đầu cho cuốn “Bộ Mặt thật của chế độ” từ trang 9-17. Ở đây, ông thẳng thừng lên án chế độ cộng sản đưa đất nước tới chỗ lầm than, đói nghèo. Ông viết,

“Người Việt Nam xấu hổ khi so sánh tình trạng chậm tiến với các nước láng giềng.”

Ông cũng lên án thẳng thừng các cấp lãnh đạo Đảng tiếp nối Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp:

“Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển tiếp không thể tránh được từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Đây là những người cứng rắn nhất, giáo điều nhất, bảo thủ nhất trong đám lãnh đạo – như Lê Duẩn, Lê Dức Thọ, Trường Chinh hay Nguyễn Văn Linh – cũng đã rời bỏ sân khấu chính trị.”

(Bùi Tin, Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime, trang 15-16)

Ông cũng bồi thêm những tên làm báo cực đoạn tồi tệ như Đào Duy Tùng, Đoàn Khuê, Nguyễn Hà Phan cũng như Nguyễn Đức Bình và Phạm Thế Duyệt. Tóm lại hai cuốn sách giống nhau về nội dung. Nhưng thay đổi tên gọi Và để hợp thức hóa tên gọi ấy, ông đã viết thêm một bài Lời Nói đầu lên án chế độ.

Tuy nhiên, ba tên tuổi vẫn được miễn trừ là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng. Ông không thể làm như thế được. Như thế là gian lận. Như thế là không tự trọng chính mình, đánh lừa người đọc.

Vấn đề trung thực của ngòi bút trở thành lý lẽ sống còn cho sự nghiệp cầm bút của ông nếu người ta biết được ông đã thiếu trung thực, có sự lắt léo, có sự che dấu hay đánh lừa dư luận theo một thứ chủ nghĩa cơ hội, tùy thời. Thật bất hạnh thay cho ông nếu đó là sự thật cũng như bất hạnh cho cả những người đã quý mến, trân trọng đọc ông trong nhiều năm, trong đó có tôi.

Cộng chung các tác phẩm của Bùi Tín lần lượt theo năm xuất bản là: Hoa Xuyên Tuyết, 1992. Mặt Thật, 1993. Following Ho Chi Minh. The memoirs of a North Vietnamese Colone, 1994.  Về ba ông Thánh, Sydney tháng 9-1995. Mây mù Thế kỷ, 1998. Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime, 1999, From Enemy to Friend: A North Vietnamese Perspective on the War (do Nguyễn Ngọc Bích dịch từ cuốn Mây mù Thế kỷ), 2002, và gần đây hơn là Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam, 2006, Thao thức cùng Quê Hương, 2018.

Một vài nhận xét chung về Bùi Tín

Bùi Tín là một trong những người ở một vị thế thuận lợi hơn ai cả trên dưới 60 năm trở lại đây theo nghĩa có mặt, theo nghĩa nhập cuộc và theo nghĩa nhân chứng lịch sử. Đã thế, ông là người hiếm hoi được đặt ở một vị thế mà người Tây Phương thường gọi là: “Il est toujours à la bonne place, au bon moment.” (Một người luôn ở vị thế đúng chỗ, đúng thời) một nhà báo với chức vụ phó chủ nhiệm tờ Nhân Dân và đại tá trong quân đội Bắc Việt. 37 năm trong quân ngũ và 43 năm có chân trong đảng. Ông lại chịu khó tiếp xúc, chịu khó lặn lội, xông xáo những nơi cần có mặt. Cũng đến 20 chục lần, ông theo chân các phái đoàn thăm các nước Đông Âu. Có chân trong phái đoàn 4 bên đóng ở Tân Sơn Nhứt. Tự cho mình là người có chức phận lớn hơn cả trong việc chứng kiến việc đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh. Khi sang đến bên Pháp thì liên lạc với Nguyễn Gia Kiểng, nhóm Thông Luận với các tờ báo Pháp như Le Point, L’humanité rồi BBC mà ông kể ra trong cuốn Hoa Xuyên Tuyết. Lần đầu tiên sang Mỹ thì trú ngụ ở nhà của Stanley Karnow và được dẫn đi khắp đó đây, gặp đủ loại người.

Quả thực cũng ít ai có được cơ hội có mặt đúng chỗ đúng thời như ông. Xét về mặt chuyên môn thì ông quả thực ông là một người cầm bút, bình luận có tầm cỡ quốc tế.

Và cũng một lẽ ấy, ông có thể có một ưu thế để có được nhiều thông tin đáng tin cậy nhất xuất phát từ quyền lực cao nhất trong nước. Một loại thông tin mà những người bất đồng chính kiến khác như Tô Hải, Trần Đĩnh không thể có được.

Nhưng những nguồn tin ở dạng thô ấy lúc đầu có thể là những tiết lộ hiếm quý. Sau gần 30 chục năm, những người lãnh đạo cao cấp cùng thời với ông như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt lần lượt ra đi. Nguồn vốn ấy cạn dần.

Cái lợi thế lúc đầu như đúng người, đúng chỗ, đúng thời, sau này không còn nữa!

Tuy nhiên, ông là người cầm bút kỳ cựu và liên tục nhất trước 1975 và sau 1975 với nhiều chặng đường uẩn khúc, nhiều chuyển biến tư tưởng từng bước một đã tạo ra những dư luận, những đồng thuận cũng như những tranh cãi và mâu thuẫn giữa các nhóm người Việt cũng như những người còn ở lại trong nước.

Hầu như ngòi bút của ông khá biệt lập không dính dáng liên quan gì đến các Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm các năm 1966-1968, có thể vì ông còn trẻ. Ông cũng không chịu xếp hàng chung với các nhóm nhà văn, nhà báo cuối thập niên 80; các năm từ 1986-1989, được coi là Cao trào phản kháng tại Việt Nam với những tên tuổi như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyển Huy Thiệp, Nguyên Ngọc, Lưu Quang Vũ, v.v..

Ông cũng cho thấy, ông không có liên quan gì đến những cao trào Phản kháng từ miền Nam như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, và nhiều người khác.

Nhưng ngay tại Hà Nội, trong những năm có vụ án “xét lại chống đảng” với nhiều người bị đi tù như Hoàng Minh Chính, tướng Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh và con là Vũ Thư Hiên, hình như ông vẫn đứng ngoài cuộc vì còn trung thành với Đảng.

Sự ngoài cuộc ấy sau này tôi cũng nhận thức được; giữa ông Bùi Tín và nhà văn Vũ Thư Hiên hình như họ có một khoảng cách xa. Xem ra ông là người tranh đấu độc hành. Sự liên kết của ông nếu có là phần lớn nhằm vào các nhân vật chính trị có tiếng tăm của ngoại quốc, của người Việt hải ngoại, của các báo chí quốc tế, của các đài BBC, Radio-France International, Voix de l’Amérique, RFA, VOA. Đó là những thứ đem lại uy tín và lợi thế cho tiếng nói của ông. Nó manh nha một thứ chủ nghĩa cơ hội.

Sự chuyển biến tiệm tiến trong suy nghĩ của ông cũng có thể tạo ra những mối nghi ngờ cũng như sự dè dặt, ngay cả sự mất kiên nhẫn gán ghép vội vàng cho ông. Ông ở thế tiến thối lưỡng nan và nằm kẹt giữa hai lằn đạn. Theo đó, những điều nhận xét về nhiều mặt có thể đúng mà cũng có thể không đúng.

Căn cứ vào các bài bình luận trên báo của ông cũng như sách xuất bản của ông từ lúc còn là người của đảng đến khi ra khỏi đảng và sinh sống ở nước ngoài để nhận diện ra con người thật của Bùi Tín qua cuốn sách mà theo tôi là quan trọng nhất, Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel hoặc cuốn Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime .

Sự quan trọng của hai cuốn sách này ở chỗ nó bộc lộ tính chất con người thực của Bùi Tín. Và nếu ai đã không có cơ hội đọc chúng thì sự hiểu biết về con người Bùi Tín có thể còn thiếu sót và tệ hơn nữa là có thể hiểu sai con người Bùi Tín.

Nhưng nói chung, người ta phải nhìn nhận là mức độ phản tỉnh hay phản kháng là tùy theo mỗi người, tùy theo mỗi hoàn cảnh. Rõ rệt nhất là trường hợp Vũ Thư Hiên không phải trường hợp Bùi Tín cũng như ngược lại. Nếu ai đã có dịp quen biết và tiếp xúc với cả hai người thì sẽ thấy rõ: có một sự xa cách, một bức tường ngăn cách họ lại gần nhau. Tôi chưa có dịp được chứng kiến họ trao đổi với nhau một lần nào, dù khen hay chê. Cũng chưa có cơ hội thấy tên người này được nhắc trong các bài viết của người kia. Hy vọng là nhận xét của tôi là không đúng. Nhưng tôi cũng không có đủ tư cách để giải thích về sự cách biệt ấy, trừ khi chính họ nói ra.

Mặc dầu vậy, người ta vẫn có thể đưa ra những điểm chuẩn để từ đó giải thích về sự khác biệt. Chẳng hạn có phải là người của đảng hay không, có bị trù dập, thất sủng hay không, có bị đối xử bất công hay không, có là nạn nhân của cơ chế bị hất ra bên lề? Có bị cho ngồi chơi xơi nước, có bị phe cánh chèn ép hay không, có được dùng hay không được dùng?

Quan trọng hơn nữa có bị đi tù hay không, có bị tra hỏi hết năm này qua tháng nọ hay không?

Nghĩa là thật khó cho những ai được chế độ ưu đãi mà lại trở thành phản kháng! Có nghĩa là phản tỉnh và phản kháng là một quá trình phức tạp, qua kinh nghiệm bản thân mỗi người mà trong đó mưu cầu cho bản thân là yếu tố quan trọng nhất.

Để cho dễ hiểu hơn, thử lấy lai trường hợp các ông Vũ Thư Hiên và Bùi Tín để làm rõ lý do gì đã đưa các ông ấy đã đi đến thái dộ phản tỉnh, phán kháng và đào thoát.

Vũ Thư Hiên (VTH) vốn không là đảng viên đảng cộng sản. Ông bị bắt 9 năm tù vì một vụ án có tên là Xét lại chống Đảng rồi bị bắt bớ giam cầm. Vũ Thư Hiên nhìn nhận đây là tấn bi kịch lớn nhất xảy ra trong hàng ngũ đảng cộng sản, trong đó có gia đình ông và cá nhân ông. Ông cũng nhìn nhận là trong 9 năm đó, ông chỉ làm được một công việc có ích cho bản thân là “giã từ được ảo ảnh về một xã hội cộng sản được tô vẽ như thiên đường dưới thế.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Hồi ký, trang 16, Phần Tự Bạch.)

Nhưng tôi giả dụ nếu không mất mát quá nhiều cho bản thân và gia đình thì liệu Vũ Thư Hiên có thể nhận ra được ảo ảnh, một “thiên đường mù”, nhan đề một cuốn sách của Dương Thu Hương, hay không?

Liu Xiaobo (1955-2017), bị kết án 9 năm tù vào Noel 2009 và được giải Nobel về Hòa Bình năm 2010.

Những năm tháng tù đầy đã giúp rèn luyện tâm hồn và ý chí của người tù mạnh hơn, quyết tâm hơn. 9 năm bị tù đầy của VTH và Liu Xiaobo là vốn đấu tranh của những người chống đối lại chế độ.

Đi tù là một trong những yếu tố biến bạn thành thù. Vì thế, tiếng nói của VTH có tính xác định lập trường, minh bạch nên dễ được người ta chấp nhận. Quyển Đêm Giữa Ban Ngày của ông, đọc kỹ có thể được coi như một tác phẩm ngang tầm thế giới. Tác phẩm của ông có giá trị vì nó nói thay cho thế hệ của ông và những nạn nhân không còn còn có dịp để nói. Ông đại diện cho tiếng nói lương tâm và nỗi uất ức oan nghiệt của nhiều con người bị chế độ hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác. Sự hưởng ứng và trân trọng của các độc giả hải ngoại và cả trong nước là một trả giá tương xứng cho những gì ông đã suy nghĩ và đã viết. Và đôi khi chỉ một lần viết như thế thôi cũng đã đủ và không cần nói thêm nữa.

Bùi Tín ở một thể loại và một đẳng cấp khác hẳn. Ông là người của đảng, tin đảng, phục tùng các cấp lãnh đạo trong hầu như suốt cả đời binh nghiệp và làm báo đảng của ông. Nếu không có khúc quanh lịch sử 1975, có thể ông đã vào ngồi trong Trung ương Đảng, có chức vụ cao và được tin dùng, có quan hệ lớn với những người như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ngay cả Lê Duẩn.

Trước khi “phản tỉnh”, ông đã viết 8 cuốn sách về chiến tranh mà sau này, ông nhìn nhận một cách miễn cưỡng là sách thuộc loại tuyên truyền. Ông viết thú nhận:

“Trong cuộc đời cầm bút của tôi, tôi đã viết nhiều bài và đã cho xuất bản được 8 cuốn về chiến tranh và những hậu quả của nó. Tôi cũng đã cố gắng khách quan trong chứng mực có thể, nhưng nay nhìn lại, tôi nhìn nhận thì tôi thấy ít hay nhiều cũng chỉ là loại sách tuyên truyền. Trong khi cuốn sách này thì khác hẳn.”

(Bùi Tín, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”. Marc Bloch dịch, Jean Lacouture đề tựa, sách in ở Anh với nhan đề nguyên thủy: “Following Ho Chi Minh, The Memoirs of a North Vietnamese colonel”, trang 13)

Không phải chỉ thú nhận một lần và rải rác nhiều lần, ông thú nhận đã viết những bài trên tờ Nhân Dân và trên tờ Quân Đội Nhân Dân chỉ là: “Naturellement, il s’agissait d’articles de propagande.” (Bui Tin, Ibid., trang 116).

Nhưng trên thực tế thì Bùi Tín khó thuyết phục được mọi người trong câu chuyện vào tiếp thu miền Nam. Đến nỗi sau này, nhiều người có thể bỏ qua hết, quên hết, nhưng không quên được câu nói thời danh của ông. Ông đã tỏ ra hãnh diện đến ngạo ngược, khinh bỉ miền Nam khi gọi Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng là “nó”. Rồi phát biểu một câu sau nảy, ông hãnh diện tuyên bố nhiều lần trên các cơ quan truyền thông của đảng cộng sản khi trả lời ông Dương Văn Minh vào khoảng 12 giờ rưỡi trưa, sau khi ông Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Bài báo và những lời tuyên bố “lừng danh” của Bùi Tín nhan đề “Sài Gòn trong ánh chớp chói lọi của lịch sử”.

Trong đó, Ông Bùi Tín thuật lại.

DVM, “Thưa quý ông, chúng tôi chờ quý ông từ buổi sáng đặng chuyển giao chính quyền.”

BT, “Các ông có gì mà bàn giao, không thể bàn giao khi trong tay ông không còn có gì.”

“Hôm nay là ngày vui. Hòa bình đã đến. Cuộc chiến tranh đẫ kết thúc. Chỉ có người Mỹ là thua. Tất cả người Việt Nam ta là người chiến thắng.”

“Bất cứ ai có tinh thần dân tộc đều có thể coi ngày hôm nay là ngày vui lớn của mình.”

(Trích Tuyên bố của nhà báo Bùi Tín nhân ngày 30-4-2010. BBC 29-4-2010.)

Rất tiếc sau này, những kẻ thua cuộc và ngay cả những kẻ thắng cuộc đều chỉ nhớ câu thứ nhất của Bùi Tin. Và những câu sau chỉ được coi như là nói vuốt đuôi; nói mà không làm; và sự thực không phải như vậy. Làm sao Bùi Tín sau này rửa được mối hận ấy của dân quân miền Nam? Mặc dầu sau này ông bào chữa, lối nói gọi bằng thằng, bằng nó là một thói quen bắt buộc quen thuộc ở miền Bắc. Nói gì thì nói, cái văn hóa miền Nam đã không cho phép bất cứ ai được ăn nói xúc phạm như vậy.

Về hai cuốn Following Ho Chi Minh và La face cachée du régime

Về hai cuốn sách tiếng Anh và Pháp có thể nói rõ bản tiếng Pháp là bản dịch từ bảng tiếng Anh. Có thể có một hai chỗ sửa đổi của Bùi Tín theo như lời nói đầu cuốn sách tiếng Pháp.

Trong phần mở đầu của cuốn sách “1945-1999, Vietnam la face cachée du régime” (Bộ mặt thật của chế độ), người ta được biết thêm, cuốn này được Marc Bloch dịch ra tiếng Pháp từ bản tiếng Anh, cuốn “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” (Theo Chân Bác), bản dịch của Hoa Xuyên Tuyết của Judy Stowe và Đỗ Văn.

Đọc xong “1945-1999, Vietnam la face cachée du régime” (Bộ mặt thật của chế độ) và so sánh với cuốn Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín, tôi không dấu nổi sự kinh ngạc! Nội dung Hoa Xuyên Tuyết và “1945-1999, Vietnam la face cachée du régime” (Bộ mặt che dấu của chế độ) hay “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” (Theo Chân Bác) hoàn toàn khác nhau.

Làm thế nào mà Đỗ Văn và Judy Stowe của đài BBC có thể gọi là dịch “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” từ cuốn Hoa Xuyên Tuyết? Có một điều gì đó bí ẩn không hiểu được! Có sự đồng tình giữa Đỗ Văn, Judy Stowe và Bùi Tín không?

So sánh một đoạn mở đầu trong Hoa Xuyên TuyếtFollowing Ho Chi Minh

“Đã 15 năm nay, từ những ngày Hòa Bình, nhiều nỗi đau giằng xé lòng tôi. Những nỗi đau không vật chất, không thể xác. Những nỗi đau ngấm sâu trong tâm linh. Không phải nỗi đau của sinh, lão, bệnh, tử. Dù cho lưỡi hái tử thần đã kể cổ tôi vào đêm 2-6-1989 ấy trong một cơn nhồi máu cơ tim cực hiểm.

Đó là nỗi đau của tinh thần, của trí tuệ. Lý tưởng xâm nhập tôi tự nhiên, sâu sắc ở tuổi 18. Tôi sống từ đó lạc quan, hừng hực cả thời tuổi trẻ. Vào bộ đội nhẹ tênh, phơi phới, chỉ một bộ quần áo cũ, một chiếc áo len nâu cụt tay, thủng một lỗ ở bên ngực. Đại đội trưởng ở dịch hậu( hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, Quảng Trị), khi chưa tới 19 tuổi, lo chuyện súng đạn, gạo, muối, lo truyện trinh sát đồn địch, dẫn anh em đi phục kích, chan hòa với đồng bào sống dọc những bãi cát, sung sướng với củ khoai luộc, ăn cùng cà muối của các bọ, các mạ( các bố, các mẹ); cũng có hồi cả đại đội bị sốt rét, bị bệnh ghẻ lở sâu quảng- những vết lở tròn sâu hoắm- mà vẫn vui hát náo nức trong các buổi lửa trại quân dân.”

(Thành Tín, Hoa Xuyên Tuyết, 1991, trang 1)

Và sau đây là “cái được gọi là bản dịch từ Hoa Xuyên Tuyết” do Đỗ Văn và Judy Stowe đảm trách và có nhan đề mới Theo Chân Bác .

“Chương 1. Cuộc cách mạng. Ngày 15 tháng 8, Hoàng đế Nhật Bản ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng, chấm dứt chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hai ngày sau, ngày 17, tôi có mặt sau buổi trưa trước cửa Nhà Hát lớn Hà Nội, một tòa nhà do người Pháp xây cất mà vẻ tráng lệ giống như kiến trúc của Nhà Hát lớn ở Paris. Các công chức chính phủ đã tụ tập tại nơi đây để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, một thủ tướng do Bảo Đại chỉ định vào tháng tư năm 1945. Một tháng trước, ngày mồng 9 tháng 3, quân đội Nhật đã loại bỏ chính quyền thuộc địa trên toàn Đông Dương và đã bắt giam các công chức cũng như binh lính pháp.

Nhưng bỗng chốc, vào giữa buổi mít tinh, một nhóm người có mang súng lục đã chiếm chiếc micro. Họ thay nhau tuyên bố chấm dứt chính quyền Bảo Đại và đưa ra một chính phủ mới. Đó là những cán bội Việt Minh, một phong trào được ông Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1941 để cùng một lúc chống Nhật và chống Pháp để đem lại độc lập cho Việt Nam.. Người Nhật vừa đầu hàng và cuộc biểu dương là bước khởi đầu mà sau chúng ta gọi là cuộc Cách Mạng tháng 8.”

 

Revolution — Từ Những Nỗi Đau — Révolution. Nguồn: Bùi Tín/Thành Tín.

Xem hai đoạn văn trích dẫn ở trên cho thấy 2 cuốn sách “Theo Chân Bác”/“Bộ mặt thật của chế độ” không có dính dáng gì, dù chỉ một chữ, đến cuốn Hoa Xuyên Tuyết của tác giả.

Bùi Tín có đủ tư cách để viết một cuốn sách khác với Hoa Xuyên Tuyết mà không cần phải gian lận như vậy.

Tôi nhận ra có một sự gì đó không ổn. Nội dung hai cuốn sách bằng tiếng Việt là phê phán chế độ cộng sản về đủ mọi mặt, về đủ điều.

Nội dung trong cuốn sách bằng tiếng Anh và bằng tiếng Pháp thì trân trọng Hồ Chí Minh được coi như một anh hùng cứu nước. Và ông cũng đủ thời giờ biện giải hai chữ Bác Hồ mà ông coi như một truyền thống của người Việt. Đối với Võ Nguyên Giáp, ông coi như một người lãnh đạo cả một thế hệ giới thanh niên theo ông trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Thời gian ba cuốn sách được — một bằng tiếng Việt, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Pháp — chỉ cách nhau vài năm với cùng một tác giả?

Giả dụ hai cuốn sách tiếng Anh và tiếng Pháp này được dich sang tiếng Việt thì sự thể sẽ như thế nào? Tác giả có được yên hay bị bạn đọc hải ngoại bới móc, chửi ngày lẫn đêm?

Việc trước tiên, chúng ta thử so sánh một đoạn trong cuốn: “Theo Chân Bác” và cuốn dịch ra tiếng Pháp, “Bộ Mặt thật của chế độ”, có giống như Hoa Xuyên Tuyết hay không? Chương đầu cuốn sách nhan đề Revolution. Trong đó, tác giả muốn nhắc lại giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng tháng 8 diễn tiến như thế nào như nhiều sách sử bên phía cộng sản đã ghi chép như: niềm hân hoan, phấn khởi, niềm mơ ước đất nước được độc lập, thanh niên thiếu nữ với rừng cờ đỏ với những bộ quần áo đẹp nhất xuất hiện chung quanh Bờ Hồ.

Sau đây là bản dịch cuốn “Theo Chân Bác” sang tiếng Pháp với nhan đề mới, “Mặt thật của chế độ”.

“Hai tuần lễ sau, tôi cũng có mặt trong ngày 2 tháng 9 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Độc Lập tại Ba Đình. Nhiều dân chúng Hà Nội đã mặc những bộ quần áo đẹp nhất và mang theo cả gia đình. Những bộ âu phục với cà vạt của các công chức bên cạnh các cô gái trẻ ở ngoại ô ăn bận áo dài theo cổ truyền. Những bộ quần áo đen hoặc mầu nâu tương phản với những bộ quần áo đủ mầu sắc. Mọi người trên tay đều phất một lá cờ mầu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng. Nhiều người còn cầm trên tay những bó hoa. Tôi cũng ở trong hàng ngũ các thanh niên trẻ Việt Minh, nhưng tôi đã tìm cách len lỏi để có thể tới gần được chiếc xe limousine màu đen của chủ tịch Hồ Chí Minh và tôi còn có thể sờ được vào cánh cửa xe trong khi chủ tịch Hồ Chí Minh rời khỏi nơi đây sau khi đã đọc bài diễn văn lịch sử.”

(Bùi Tín, Mặt thật của chế độ, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”, trang 20.)

Nguồn: Bùi Tín, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”, trang 20.

Rồi có thể đây là lần đầu tiên hiếm hoi và duy nhất, tác giả tiết lộ gia phả dòng họ một cách công khai. Cũng nhân dịp này, xin được phổ biến về gia thế của ông cho mọi người được biết cũng như thái độ của tác giả đối với ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng mà ông đã không dám đề cập công khai trong Hoa Xuyên TuyếtMặt Thật.

Bùi Tín đã nói khá đầy đủ về gia thế của ông. Bố Bùi Tín là Bùi Bằng Đoàn, đỗ đạt và làm quan với Triều Đình Huế, được tiếng là thanh liêm. Và ông cho rằng chính vì có tiếng thanh liêm này mà Hồ Chí Minh vào tháng 9, năm 1945 đã mời ông Bùi Bằng Đoàn tham gia chính phủ sau khi ông Hồ tuyên bố độc lập.

Thật ra việc mời một số người có tên trong chính phủ của Việt Minh chỉ là một hình thức tạo một thế đoàn kết quốc gia, quy tụ mọi đảng phái.

Sự giao hảo ấy đi đến chỗ là ông Bùi Bằng Đoàn theo ông Hồ lên Việt Bắc. Tuy nhiên, không thấy một sự đóng góp cụ thể nào giữa hai người. Ông Bùi Tín chỉ đưa ra một nhận xét duy nhất là,

“Les deux hommes qui s’estimaient en dépit de leurs différences idéologiques, se lièrent d’amitié et devint très proche. Il leur arrriva même d’échanges des poèmes.”
(Hai người quý trọng nhau mặc dầu có những khác biệt về ý thức hệ bằng một sự liên kết tình bạn và trở thành rất gần gũi nhau. Đi đến chỗ là cả hai đã trao đổi làm thơ phú.)

Và một trong những bài thơ mà HCM đã làm được ghi nhận ngay từ năm 1948, một trong những bài thơ hay nhất của ông Hồ. Năm 1955, khi ông Bùi Bằng Đoàn mất vì tai biến mạch máu não, nhà nước cộng sản dụ định làm quốc táng cho Bùi Bằng Đoàn tại Nghĩa trang Mai Địch bên cạnh những người anh hùng của chế độ. Nhưng thể theo nguyện vọng của người quá cố, ông đã được chôn ở chốn quê nhà, bên cạnh vợ ông, tại Liên Bạt, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).

Đọc đoạn này cho thấy nếu không phải đây là thủ đoạn của ông Bùi Bằng Đoàn thì hẳn là thủ đoạn của ông Hồ. Ông Bùi Bằng Đoàn chỉ có giá trị “làm cảnh” dù HCM đã mời ông tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết và chính phủ cách mạng đã cử ông làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt. Ông được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội liên hiệp quốc dân. Năm 1946, ông được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho ông Nguyễn Văn Tố.

Vai trò của ông Bùi Bằng Đoàn có khác chi với chức cố vấn của ông Bảo Đại sau này? Cũng có thể Bùi Tín xem chuyện HCM và cha ông đối đáp làm thơ là việc quan trọng hơn cả!

Ông cho biết gia đình ông cư ngụ tại số 221C, phố Khâm Thiên với những người hàng xóm sống vất vưởng qua ngày. Như ông đại tá về hưu làm nghề vá xe đạp. Một ông bác sĩ tốt nghiệp ở Paris, sống một mình, ngày ngày đi sách hai xô nước về để nấu nướng. Thành phố lúc nhúc những thành phần bất hảo như trộm cắp, móc túi, cờ bạc, gái điếm và nghiện hút. Nhưng tất cả mọi người đều ẩn nhẫn sống qua ngày.

13 tuổi, Bùi Tín theo cha vào Huế và học trường Khải Định. Ông thuộc một gia đình quan lại mà cha làm quan lớn trong Triều nhà Nguyễn nên gia đình ông gồm 10 anh em có cuộc sống dễ dãi với một tài xế, 2 phu kéo xe, 4 người giúp việc và một người nấu ăn, một người đi chợ. Cuộc sống xem ra dễ dãi nhưng theo ông, bố ông là một vị quan liêm khiết “cấm mọi cơ hội biếu xén quà cáp”. Trong hàng trăm vụ án ông phân xử, ông không hề chấp nhận một xu tiền hối lộ. Chính vì tiếng tăm thanh liêm như thế mà Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền đã mời cha ông tham gia chính quyền cách mạng. Ông trích dẫn lá thư Hồ Chí Minh gửi cho ông Bùi Bằng Đoàn năm xưa:

“Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư. Hồ Chí Minh”

(Bùi Tín, Ibid., trang 28)

Ông Bùi Bằng Đoàn nhận nhận chức vụ Thanh tra hành chánh với quyền hành rộng rãi và đã áp dụng nghiêm khắc các vụ tham nhũng hối mại quyền thế tại các tỉnh Vĩnh Phú và Hà Nam. Thời kháng chiến chuyển lên Việt Bắc, ông Bùi Bằng Đoàn lại có dịp gần gũi với ông Hồ hơn và có trao đổi làm thơ như đã nói ở trên.

Phần mẹ ông đã bị bắn chết trong một vụ càn quét của quân đội Pháp vào năm 1948. Cái chết của mẹ ông ám ảnh ông không rời.

Ở trang 37 của cuốn sách, Bùi Tin ca tụng Hồ Chí Minh như một người giản dị, có cuộc sống lương thiện. Ông yêu mến trẻ con và dễ dàng, thoải mái, tự nhiên trong các giao thiệp với các nhà báo cũng như các người bình thường. Vì thế, theo Bùi Tín:

“cực lực phản đối những ai cho rằng đó là cái tài đóng kịch của Hồ Chí Minh. Phải nhìn nhận rằng con người có văn hóa ấy đã đi khắp thế giới vẫn cho thấy một con người rất nhân bản.”

(Bùi Tín, Ibid., trang 37)

Nguồn: Bùi Tín/Marc Bloch, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”, trang 37

Ông cũng bênh vực cách thức người ta gọi ông Hồ bằng Bác. Ông cho rằng đó là điều tự nhiên đối với trẻ con và giới trẻ. Và đó là truyền thống của Việt Nam. Mặc dầu lúc đó ông Hồ mới 55 tuổi. Và điều đó phải chăng cũng chỉ là bắt chước trường hợp Stalin và Mao Trạch Đông. Và đó là những nhân vật anh hùng đã cứu vãn nhân loại khỏi ách Phát Xít và giúp cho hơn chục nước Đông Âu cũng như Việt Nam nổi dậy và dành độc lập.

Ông còn nhắc nhở làm sao quên được những câu thơ của Tố Hữu, nhà thơ chính thức của Đảng đã viết vào năm 1953, khi Stalin chết.

“…Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người…”

(Trích Tố Hữu, Đời đời nhớ Ông, Việt Bắc (1954))

Ông nhắc nhở là vào thời kỳ này, các thầy giáo còn dạy cho các học trò là chính nhờ Stalin mà các cháu có quần áo mặc cũng như đồ ăn. Và mặt các cháu sáng lên. Và chính Bùi Tín cũng nhìn nhận như sau,

“Je dois reconnaitre que je fus moi-même brisé de douleur lorsque j’appris sa mort.” (Tôi cũng phải nhìn nhận là chính tôi cảm thấy đau đớn khi nghe tin ông chết.)

(Bùi Tín, Ibid., trang 39)

Đọc đoạn trích dẫn trên, nhiều độc giả không khỏi ngạc nhiên với đôi chút ngỡ ngàng. Nhưng sự thật vào năm 1953 nó là như thế. Tác giả Trần Đĩnh trong cuốn sách Đèn Cù của ông có dịp viết lại là Tố Hữu với bài thơ Khóc Stalin. Tố Hữu đã bước lên sân khấu, để bức ảnh Stalin, đứng hồi lâu rồi bật khóc. Đó là cái khóc thật với sự đau đớn thật, của Bùi Tín cũng như của Tố Hữu khi Stalin chết; không phải họ đóng kịch.

Trần Đĩnh còn cho biết không phải chỉ mình Tố Hữu khóc mà chính HCM cũng khóc thật. Trong buổi lễ tưởng niệm, ngồi một hồi lâu thì HCM đứng lên vào một phòng. Trần Đỉnh thấy ông để quên bao thuốc lá nên vội mang vào phòng. Cảnh tượng mà Trần Đĩnh chứng kiến là cảnh HCM gục đầu khóc, mắt đỏ hoe, khóc thảm thiết.

Cho nên cái lòng trung của ông Hồ đối với Mao Trạch Đông và nhất là Stalin là quá rõ ràng, là vô bờ bến. Nhưng cũng vì thế, lòng trung đối với dân lại giảm đi.

Sự bưng bít đến tuyệt đối nên dưới mắt người dân, Stalin như một Đấng Cứu Thế tưởng cũng không có gì lạ. Và chúng ta sẽ hiểu được, tại sao dân Bắc Hàn đã khóc như cha chết, mẹ chết khi lãnh tụ của họ qua đời.

Nghĩ như thế mà chia sẻ được những giọt nước mắt của Bùi Tín khóc Stalin. Nhưng mặt khác nó để lộ ra cho thấy chế độ ấy đã bưng bít đến không có một thông tin nào khác, ngoài những thông tin đã được nhà nước loan tải.

Còn về Võ Nguyên Giáp, đây là những lời xưng tụng của Bùi Tín,

“Tướng Giáp là người đã đào tạo ra cả một thế hệ những sĩ quan trẻ. Ông dạy cho họ làm việc cực nhọc và làm gương cho họ một cuộc sống đơn giản và lương thiện.”

( Bùi Tín, Ibib., trang 40)

Ông cũng cho rằng thành quả chiến thắng trong chiến tranh làm do những chọn lựa chính trị đứng đắn và mở các cuộc hành quân với tư cách một bộ trưởng bộ Quốc Phòng và của vị tướng chỉ huy quân đội. Đó là hai vai trò thiết yếu đưa đến thành công. Ở đây, ông luôn luôn dùng chữ “chúng tôi” theo nghĩa ông là người trong cuộc.

Ông Bùi Tín có trích dẫn một câu chuyện sau đây và càng cho thấy tại sao ông quý mến tướng Võ Nguyên Giáp. Câu chuyện được kể khi tướng Giáp vào thăm Dinh Độc Lập. Một sĩ quan vào trình với tướng Giáp là đã thu được một chiếc đàn Piano của địch và họ đã gửi ngay chiếc đàn đó đến tư dinh tướng Giáp ở Hà Nội. Ông Bùi Tín kể rằng, chưa bao giờ ông thấy tướng Giáp nổi giận đến như thế, mắt trợn trừng cho rằng không thể chấp nhận được món bổng lộc ấy. Nếu ông nhận thì tất cả những binh lính tham chiến họ sẽ chờ đợi để nhận được cái gì.

Bùi Tín kết luận “ Sau khi câu chuyện ở trên xảy ra, tôi càng kính trọng tướng Giáp hơn nữa.” (Bùi Tín, Ibid., trang 129)

Ông cũng dành ít trang để nói về ông Thủ tướng PhạmVăn Đồng theo cách của ông. Xin tóm tắt trong vài dòng. Đối với Bùi Tín thì:

“Phạm Văn Đồng như nhiều cấp lãnh đạo khác được ông kính nể từ lâu rồi. Đó là môt con người có văn hóa và có một đời sống giản dị và gương mẫu. Ngoài chuyện đi ăn với vợ một tuần một lần vào thứ bảy trong tuần. Thì giờ còn lại, ông sống một mình. Ông ngồi làm việc, nghe đài phát thanh và đọc rất nhiều sách. Ông cũng thường đi dạo nhiều cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Người con trai là nguồn an ủi duy nhất của ông.

Phạm Văn Đồng quả là một người trí thức và một nhà tư tưởng. Ông tận trung với đất nước và nói với một giọng điệu đây xúc cảm.”

(Bùi Tín, Ibid., trang 115-117.)

Ông Phạm văn Đồng là một vị Thủ tưởng lâu đời nhất. Nhưng ông không có quyền hành gì, ngay cả việc chọn lựa các bộ trưởng cũng như kế hoạch đều do ở trên quyết định cả. Nói đúng ra, ông cũng chỉ là một thứ bù nhìn. Trong một lần ông đã đã phát biểu:

“Tôi không thể làm gì được. Khi tôi nói điều gì thì chẳng một ai thèm nghe. Nếu tôi đề nghị một phó thủ tướng thì điều đó thật sự không xảy ra. Tôi cũng chẳng thể tự mình chọn lấy các bộ trưởng. Mọi quyết định đúng ra đều xuất phát từ Trung ương Đảng chứ không phải từ quyết định của văn phòng Thủ tướng.”

(Bùi Tín, Ibid., trang 118.)

Bằng chứng rõ ràng là khi viên thư ký riêng của ông Phạm văn Đồng, ông Việt Phương bị bắt về vụ án xét lại để điều tra. Ông Đồng hoàn toàn giữ im lặng.

Nhưng dưới mắt một người dân thường như tôi thì ở cấp chính quyền, người ta cần một thủ tướng lãnh đạo hay một người có văn hóa cao? Chính vì vậy, người ta mới hiểu tại sao ông Phạm văn Đồng ngồi cái ghế Thủ tướng lâu đến như vậy.

Phần dành cho Lê Duẩn đã được ông Bùi Tín bơi móc khá kỹ trong chương VII. Rénovation (Đổi Mới) Lê Duẩn có bao nhiêu căn nhà ở Hà Nội và những nơi khác. Nhưng câu chuyện mà ai ở Hà Nội cũng có nghe là vào năm 1985 Khi Lê Duẩn từ Moskva trở về Việt Nam. Tiếng là đi thăm viếng nước bạn, nhưng việc chính là đi du lịch và chữa bệnh. Đoàn tùy tùng của Lê Duẩn gồm 12 người thân cận và 16 phụ tá đi cùng Lê Duẩn. Ở phi trường Moskva, đoàn đã chở theo ba xe vận tải chở đồ cộng chung là 6 tấn thay vì 60 kí lô cho mỗi hành khách. Nước Nga đang trong thời kỳ đổi mới. Họ đã dạy cho Việt Nammột bài học. Họ đã cấm không cho phi cơ chở ông Tổng Bí Thư nước bạn được cất cánh vì lý do an ninh. Họ thừa biết trong đống hành lý 6 tấn gồm nhiều dụng cụ máy móc như máy bơm nước, máy may, bàn ủi, thuốc men, nhất là thuốc lá của Tây Âu. Đó là một cuộc chở hàng lậu để khỏi trả thuế và sẽ được tuồn về tiêu thụ ở Việt Nam. Cuối cùng thì máy bay chở Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã phải cất cánh trễ. Số hàng hóa được dỡ bỏ lại và chuyên chở bằng đường biển qua các hải cảng như Vladivostok hay Odessa. (Bùi Tín, Ibid., tóm tắt trang 256)

Câu chuyện những valise ngoại giao chở hàng lậu không lấy gì làm lạ. Trong một lần kiểm soát ở phi trường Moskva, người ta đã tìm thấy 8000 chiếc quần Jeans và 2000 chiếc đồng hồ.

Phần còn lại của cuốn sách là nói về cuộc chiến trước 1975 cũng như việc xâm chiếm Cam Bốt. Ba nhân vật bị ông lên án nặng nề là ông Nguyễn Văn Linh, ông Lê Đức Thọ và Lê Duẩn.

Đôi dòng kết luận

Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel by Bui Tin, Do Van (Translator), Judith A. Stowe (Translator), Carlyle A. Thayer (Contributor) – Hình giửa hai trang 52-53

Theo tôi, muốn hiểu rõ con người thật của Bùi Tín, có lẽ cần tìm đọc cuốn “Theo chân Bác” [Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel
by Bui Tin, Do Van (Translator), Judith A. Stowe (Translator), Carlyle A. Thayer (Contributor)].

Trong cuốn này, ông bộc lộ chân thực tấm lòng của ông mà theo đó cả đại gia đình ông, thuộc giới quan lại, khác biệt ý thức hệ với cộng sản, đã đồng lòng theo chân bước đường làm cách mạng của ông Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ một sự tự hào không dấu diếm về điều ấy. Ông dành một địa vị không ai có được, coi ông Hồ như người anh hùng, đưa đến kết quả dành được độc lập với những người phụ tá sát cánh với ông như thủ tướng Phạm Văn Đồng, tướng Võ Nguyên Giáp.

Đó hầu như là một khẳng định không cần bàn cãi nữa. Tôi nghĩ ông đã bị nhồi sọ kỹ lắm đến gần như khờ khạo mới có thể tin tưởng rằng ông Hồ Chí Minh đã tin dùng Ông Bùi Bằng Đoàn trong chức vụ Thanh Tra đặc biệt? Đối với một vị vốn là Thượng Thư trong Triều đình An Nam trước đây nay được cho làm một chức vụ vô thưởng vô phạt thì có điều gì phải hãnh diện?

Ai cũng hiểu rằng vào thời kỳ đó, do áp lực mạnh của các đảng phái, Hồ Chí Minh đã phải cho thành lập chính phủ Liên Hiệp đồng thời để dành 70 ghế trong Quốc Hội cho các lãnh tụ của đảng phái quốc gia, trong đó Việt Nam Quốc Dân Đảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, 20 ghế. Ngoài ra trong chính phủ Liên Hiệp thì ông Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch, ông Huỳnh Thúc Kháng coi bộ Nội Vụ. Nguyễn Tường Tam coi về Ngoại giao, Nghiêm Kế Tổ, Thứ trưởng Ngoại giao. Bảo Đại, cố Vấn, Gm Lê Hữu Từ cố vấn. (Xem thêm Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lửa, trang 51-53)

Lẽ dĩ nhiên, ai cũng hiểu đây là những chức vụ chỉ có cái tên, còn mọi sự điều hành và quyết định đều do cán bộ cộng sản quyết định.

Và trong những chức vụ quan trọng ấy, chức vụ nào được dành cho ông Bùi Bằng Đoàn? Theo HCM lên Việt Bắc, có công trạng gì mà được Hồ Chí Minh định cho quốc táng và được chôn ở Nghĩa trang Mai Dịch?

Tôi nghĩ, mối liên hệ cha-con đã khiến ông Bùi Tín thổi phồng, phóng đại vai trò của cha ông một cách không thực!

Tôi miễn cưỡng phải viết bài này, viết về một người đã chết là do sự cẩu thả một cách ngu ngơ của giới truyền thông hải ngoại nói chung, ca ngợi người chết thì nhiều nhưng không một ai biết để cho thấy rõ về sự có mặt của hai cuốn, “Theo chân Bác” (Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel) và “Bộ Mặt thật của chế độ” (Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime).

Tôi cũng có cảm tưởng là tác giả đã tỏ ra không trung thực. Ông viết cuốn Hoa Xuyên Tuyết là để làm vừa lòng người Việt |Nam hải ngoại chăng? Nhưng nguyên nhân nào bắt buộc ông phải viết “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” (Theo Chân Bác) và coi đó chỉ là bản dịch từ Hoa Xuyên Tuyết? Tại sao “Theo chân Bác” không là một tác phẩm khác của tác giả, và chỉ viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp (Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime)?

Vai trò và trách nhiệm của hai “người dịch” sang tiếng Anh, ông Đỗ Văn và bà Judy Stowe — Chẳng lẽ khi dịch, cả hai không biết thực sự nội dung khác nhau giữa “Hoa Xuyên Tuyết” và “Theo chân Bác”?

Nguồn: Bùi Tín/Marc Bloch, “Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime”

Ai có thể trả lời cho nghi vấn này? Người còn lại duy nhất là ông Đỗ Văn? Người viết hy vọng là bài này tới tay ông Đỗ Văn vì bà Judy Stowe đã qua đời từ 13 tháng 9, 2007 ở London. Hy vọng được ông trả lời thắc mắc với tất cả bạn đọc. Có thật sự ông là người dịch Hoa Xuyên Tuyết ra tiếng Anh cùng với bà Judy Stowe không? Đâu là bản dịch chính thức của Hoa Xuyên Tuyết.

Người viết mong nhận được câu trả lời đồng thời làm sáng tỏ một nghi vấn mang tính toa rập, đống lõa, che dấu nếu không được giải thích rõ ràng.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh họa.