Nếp sống đạo một thời (3b)

Nguyễn Văn Lục

Ở ngoài Bắc, anh cả tôi bị tù đầy cộng sản trong suốt 23 năm. Trong Nam, anh thứ tôi lại ngả nghiêng về phía bên kia, quên gốc gác cội nguồn như một thứ con hoang của đám trí thức thành thị. Ôi còn có bi kịch nào hơn!

Chương ba

Tính khủng bố tàn bạo độc ác của cộng sản với giáo dân

Trong làng Yên Phú, quê tôi, Lý trưởng bị bắt, dẫn đi mất tích và chỉ ít ngày sau tìm thấy xác của ông trôi vật vờ ở Cống Vọng.

Thày tôi bị bắt tù ở trại Lý Bá Sơ, chỉ vì là người có đạo, ông Trùm nhà xứ. Đến gần một năm sau thấy ông may mắn kỳ lạ lò mò về làng.

Trong khi đó, cánh nhà giàu lũ lượt kéo nhau về Hà Nội vì ở nơi đó còn có người Pháp có mặt. Những gia đình trung lưu như gia đình tôi, không có nhà ở Hà Nội thì chạy dạt về Kẻ Sở tạm thời lánh nạn. Ruộng vườn bỏ hoang không ai làm ruộng. Người Thiên Chúa giáo còn lại co cụm lại dưới bóng Thánh giá, chạy tạm vào nhà xứ như tìm sự che chở. Khi Việt Minh rút đi, thấy êm, thì về lại nhà. Và cứ như thế.

Và chỗ nào có tháp chuông nhà thờ, chỗ đó là nơi trú ẩn vì hy vọng. Nhưng cũng chính nhà thờ dễ trở thành mục tiêu của sự tàn sát của cộng sản như trường hợp nhà thờ Phủ Cam, Huế trong dịp Tết Mậu Thân.

Nhưng có một điều thay đổi ngoài ý muốn của mọi người là nếp sống đạo không còn như trước nữa. Nhà cửa đổ nát, nhà thờ làm kho lẫm vẫn có ngày xây dựng lại. Nhưng nếp sống đạo không còn như trước thì làm thế nào làm phục sinh lại? Nó làm đảo lộn nếp sống đạo không còn như trước nữa. Nếp sống đạo của người Thiên Chúa giáo bị ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp hơn cả.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ tổ chức nếp sống đạo gồm hai mặt.

Phần nghi lễ phụng vụ (Liturgie) như đọc kinh, xem lễ, làm các phép bí tích có thể giảm sút vì không có linh mục xứ. Nhưng hễ có linh mục xứ về thì nó khôi phục lại như cũ, vì đó là phần xương tủy của đạo.

Nhưng về phần á phụng vụ (paraliturgie) như ngắm đứng trong tuần thánh, rước sách, kiệu hoa, dâng hoa hầu như phải bỏ hẳn. Nó đòi sự rảnh rang, sự thong thả thoải mái, sự rảnh thời giờ, thân tâm phải an lạc. Không ai còn tâm sức đâu nghĩ tới chuyện đó. Nó như một thứ xa xỉ phẩm. Nói chi đến văn, vè, các tuồng theo văn hóa dân gian của người Việt thì không còn có điều kiện thuận tiện để tổ chức.

Có linh mục xứ hay không có linh mục xứ cũng khó mà khôi phục lại. Ta chỉ còn biết ngậm ngùi đã có một thời như thế!

Anh tôi lúc đang ở Đại Chủng Viện Hà Nội cũng chịu chung số phận như các thày đại chủng viện khác.

Từ trái: Các Lm cùng lớp: Lê Đắc Trọng, Nguyễn Minh Thông, Ứng. Mặt sau ghi “Thân tặng anh Thông, để nhớ ngày chúng ta chung đèn, chung sách, chung chí, Hà Nội 28/11/1950)”. Nguồn: ảnh gia đình

“Du kích xông vào nhà trường, việc đầu tiên là họ bắt đi 6 linh mục Giáo người Pháp.. Tình cảnh nông nỗi này, như rắn không đầu, chỉ còn tự giải tán trường như lời ghi lại của GM Lê Đắc Trọng: “Chiến tranh và chiến tranh du kích, rồi nghe nói vườn không nhà trống, thì còn kho tàng nào nữa. Cả cái kho cũng phá, phương chi là đồ vật chứa trong kho. Không còn giải pháp nào nữa. Loay hoay với nhau, chẳng có Bề trên nào mà bàn hỏi. Đành phải nghĩ đến chuyện giải tán. Tự giải tán, không còn thày dạy, không còn gì ăn. Và cán bộ đồng ý cho giải tán. Bỏ lại nhà trường, bỏ lại mọi sự. Ra đi lúc này, chỉ cốt làm sao giữ được tính mệnh toàn vẹn”

(Phao Lồ Lê Đắc Trọng, Chứng từ của một Giám Mục. Những câu chuyện về một thời. trang 52).

Đấy là cách bắt đạo kiểu mới, “kiểu cộng sản”, khôn ngoan hơn, tinh tế hơn. Chẳng hạn thay vì bị chết tùng xẻo như cố Joseph Marchand, chết ngay một cách tàn bạo, dã man thì chết từ từ, từng ngày trong nhà tù cộng sản.

Sau này, người ta còn gọi một cách văn hoa là Giáo Hội thầm lặng. Các Giám Mục miền Bắc hoàn toàn bị cô lập và bị cắt đứt mọi liên hệ với Toà Thánh cũng như Cộng Đồng Vatican II sau này.

Tuy nhiên tâm tình sống đạo, mức sống tâm linh, nhất là tinh thần lý tưởng phục vụ và hy sinh của giới linh mục có thể nay không còn được như trước nữa. Nó có một khoảng cách khác biệt lớn giữa xưa và nay. Sự khác biệt ấy còn có thể thấy giữa giáo hội sau bức màn sắt của các tỉnh trong khu vực khu 4 thời 1945-1954 với các giáo tỉnh phía Nam, từ Phát Diệm, Bùi Chu, Ninh Bình và Hà Nội.

Sự khác biệt ấy có thể nhìn thấy được một phần do vùng địa lý, tinh thần hy sinh của từng địa phận và từng cá nhân. Khó mà đưa ra một nhận xét chung cho mọi giáo phận. Nhưng cứ lẽ thường, chỗ nào nghèo, chỗ nào hẻo lánh cô quạnh, chỗ nào bị đàn áp dã man hơn thì chỗ ấy thường là chỗ mà giáo dân sống can đảm, vững tin hơn bao giờ hết.

Chẳng hạn khi những người dân quê vốn có thói quen bám vào mảnh đất họ sinh sống, vào nhà cửa, vào làng mạc, vào mồ mả linh mục ông để lại và thường không muốn rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Vậy thì khi những người này quyết từ bỏ ra đi hàng loạt, không vương vấn tiếc nuối để đi tới một miền đất xa lạ với một tương lai vô định thì hẳn cái động cơ thúc đẩy họ ra đi phải lớn hơn những quyền lợi vật chất họ đang có?.. Hẳn là không bị mê muội vì tuyên truyền chống cộng.. Họ hẳn đã từng trải nghiệm sự sợ hãi khủng khiếp dưới chế độ cộng sản mà họ hiểu biết chính xác trong những năm tháng đó.

Họ không có tiếng nói chính thức. Cũng chẳng cầu cứu vào đâu. Họ bị cô lập hoàn toàn. Nhưng tiếng nói của họ là bước đi quyết định chọn lựa bằng chính đôi chân của họ. Họ là những người đã từng trải nghiệm cuộc cải cách ruộng đất thần sầu khủng khiếp mà trên đời họ không hề tưởng tượng ra có một ngày sự tố giác lẫn nhau đến như thế. Thôi thì ở đây mượn lời của nhà văn Tô Hoài trong một lần tố địa chủ. Người tố giác địa chủ là một nông dân đã kể như sau:

“Ban ngày anh đi cày, tối tắm rửa sạch sẽ rồi vào giường cả đêm phải ngậm bòi thằng địa. Thằng địa bị bệnh tim la, mút đến nửa đêm cũng không hết được mủ tanh nhức óc. Cả hội trường ào ào đả địa chủ.. gian ác.. đả đảo.. Còn anh ấy nghẹn ngào nức lên không nói được nữa.”

(Tô Hoài. Ba người khác..trang 10)

Tác giả Nguyễn Văn Canh sau này đã nêu một số trường hợp như con chiên tố linh mục như sau:

“Con gái tố linh mục đã hiếp dâm mình. Đó là vụ đấu tố ông Nguyễn Văn Đô. Bí thư Huyện Ủy Ô Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội. Cô con gái đã tố cáo linh mục hiếp dâm mình 117 lần. Trước phiên tòa, ông Đô đã trả lời: ‘Thưa Bà.. tôi hiếp dâm mẹ bà nên đã đẻ ra Bà’. Chánh thẩm phiên tòa hô: ‘Đả đảo tên Đô ngoan cố.’ Và nhóm bần cố nông hô theo.”

(Nguyễn Văn Canh. “Nông dân Bắc Việt những năm 1945-1970”, trang 39)

Chỉ riêng cuộc cải cách ruộng đất, con số đưa ra là vào khoảng 200.000 người vô tội đã bị chết cách này cách khác. Người ta có thể so sánh với con số người dân Tiệp Khắc dưới thời Stalin từ 1948-1952 bị xử án lên đến 130.000 tại các tòa án tại Prague và Bratislavia. (Dân Tiệp Khắc vào lúc dó chỉ vào khoảng 10 triệu dân).

Đài tưởng niệm tất cả nạn nhân cộng sản, không chỉ dành cho những người đã bị cộng sản giam tù hay xử tử mà còn cho cả nhưng nạn nhân đã bị chủ nghĩa chuyên quyền toàn trị hủy hoại cả cuộc đời. Thành phố Prague, 2002. Nguồn: OntheNet

Sau đó, nhiều người đã thấy thất vọng về cuộc kháng chiến cũng như cuộc chiến lần thứ hai sau này ở miền Nam và thấy cần phải lên tiếng.

Những người can đảm muốn nói lên Sự Thật như Giám Mục Paul Seitz gọi là Thời của những con chó không sủa.

Trong cuốn sách của Gm Kim, (Paul Seitz) Le temps des chiens muets (Thời của những con chó không sủa). Tựa đề của cuốn sách hẳn là mang một ý nghĩa nghiêm chỉnh và cẩn trọng. Cuốn sách không phải là chỉ là những lời kết án suông, cũng không nhằm chỉ đích danh ai. Nhưng, Giám mục Kim có một bề dày đời sống đạo trong vai trò linh mục trong suốt những năm phục vụ ở miền Bắc, địa phận Hà Nội. Sau đó hơn 20 năm ở miền Nam, quen biết rất nhiều, có chân trong Hội đồng Giám mục Việt Nam. Hẳn những điều ngài viết ra mong thức tỉnh được nhiều người?

Nhất là hàng linh mục và giám mục Việt Nam một số vị vốn biết sợ, vốn muốn an thân. Sự im lặng chịu đựng là thái độ của kẻ yếu. Cái thái độ im lặng tìm sự an thân, chính ra trong thâm tâm lại trở thành nỗi bất an thường trực, canh cánh bên lòng như một sự tự dối lòng mình, đánh lừa lương tâm.

Người ta chỉ thực sự an tâm khi dám nói lên sự thật.

Những con chó câm ở đây để ám chỉ tất cả những ai sợ hãi không dám nói lên Sự Thật cũng như những con chó-chó thì phải sủa – đã không sủa thì có còn là chó hay không?

Tôi chỉ là người theo ý tưởng của Gm Kim, và lập lại ở đây trong một ngữ cảnh khác. Những con chó không còn sủa! Rất nhiều con chó ngày nay đã biết sủa mà không dám sủa.

Đấy là một trong những thảm kịch của Giáo Hội Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay.

Cái bề ngoài của giáo hội như những bức tường sơn quét sạch sẽ, nhưng bên trong là tường vôi nhiều chỗ mục nát. Nó khác hẳn thời cấm đạo.

Thời bị cấm đạo dưới triều Nguyễn, giáo dân sợ, nhưng nhiều người vẫn can đảm liều mình cưu mang, che chở các vị thừa sai. Nó có cái đẹp, cái hào hùng ở thời kỳ ấy mà bây giờ người ta không còn tìm thấy nữa. Người ta không đòi hỏi hay chờ đợi một thái độ hăng say như thế nữa. Cái đó nằm trong cái gọi là đã một thời như thế mà không thể trong bối cảnh hiện nay có thể có được.

Có thể triều Nguyễn diệt Thiên Chúa giáo không kinh hoàng bằng chế độ cộng sản?

Nhưng tưởng rằng Giáo Hội thầm lặng đã là câu chuyện của quá khứ thì có thể là một ảo tưởng!

Không Giáo Hội thầm lặng ngày xưa là một sự chịu đựng cam chịu bất khuất. Bởi vì chỉ cần bước qua thập giá là được cho về sống bình an, xum họp với gia đình mà nhiều giáo dân đã không làm. Lm Đắc Lộ bị trục xuất 4 lần mà vẫn kiên trì trở lại vào Nam truyền giáo.

Giáo Hội thầm lặng ngày nay thời 1954 tôi gọi đó là một “giáo hội hầm trú”, một giáo hội chui, linh mục chui, giám mục chui.

Nhưng giáo hội sau 1975 là một giáo hội tự nguyện – một thỏa thuận- có một hợp đồng. Bề ngoài công khai, bề trong dấu ẩn chịu đựng. Đi đến đâu, đụng vào chỗ nào, đến một tòa giám mục, vào một nhà xứ đều thấy những sự chịu đựng nhan nhản. Chó thì dù là chó câm ay chó dám sủa đều không có tên tuổi. Không. Đây là những con chó có tên, có tuổi, được nuôi dậy đến thuần thục mà công việc của chúng chỉ là biết quẫy đuôi. Tôi định viết lên những thảm trạng của Giáo Hội trong suốt những năm qua. Nhưng đi đến đâu, gặp ai. Tôi đều nhận thấy có một sự im lặng khó hiểu, né tránh.

Đã không sủa thì thôi lại còn vẫy đuôi. Cái vẫy đuôi thể hiện trong chế độ Xin-Cho. Xin-Cho đứng về mặt xã hội là một hình thức tham nhũng trong tôn giáo. Đáng lẽ có những điều không cần xin và cũng không cần cho thì nay phải xin. Người ta không cần xin những điều thực sự người ta vốn có sẵn trong tay. Và người ta cũng không thể cho những điều mà người ta không có.

Cho nên thực tế cho thấy việc tiếp cận tài liệu là việc bình thường, việc phổ biến công khai, việc mở cửa nay nó trở thành đồ quốc cấm. Tài liệu trở thành di sản bí mật đến tối mật mà sự tiết lộ ra ngoài có thể tạo ra “nguy hiểm”cho người tiết lộ. Cho nên, nay không lạ gì việc tiếp cận tài liệu liên quan đến Thiên Chúa giáo ở Tổng Giáo Phận Sài Gòn hay TGP Hà Nội là điều tối kỵ. Giáo hội Việt Nam dấu nó như mèo dấu cứt.

Cho nên, muốn biết được cuộc sống của đời sống giáo dân và hàng linh mục tu sĩ, phải cậy nhờ gián tiếp vào các tài liệu của tác giả ngoại quốc lọt ra ngoài như những mảnh ngói vụn. Thật là bẽ bàng

Chẳng hạn A. Marillier có viết hai bài liên quan tình trạng giáo hội miền Bắc. Bài có nhan đề “Évangélisation courageuse dans le Viet Nam du Nord en 1955” trong La Mission. (Milan, 1961,n 29,p 88)

Bài thứ hai nhan đề “Les chrétiens du Nord Viet Nam en 1960” trong Missionnaire d’Asie , số mai-juin, 1961, pp 23-24

Cho nên, một cán bộ cộng sản làm việc trong ngành tuyên giáo đã thẳng thừng đưa ra những nhận xét về tôn giáo như tác giả Đỗ Trung Hiếu khi ra thăm Hà Nội đã ghi lại cảm tưởng của ông như sau:

“Hầu hết chùa nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một bá cáo cụ, hai bá cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc. Phật tử hầu như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực hằn sâu, trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải sự thành công của tôn giáo vận.”

(Đỗ Trung Hiếu. “Phật Giáo thống nhất”. Hồ sơ Thống Nhất Phật giáo. TIN, 1994, trang 53-54)

Nhận xét nêu ra đúng thực trạng, chí lí, không sai. Trong suốt 20 năm ấy, hầu như không một tin tức nào từ miền Bắc được lọt ra bên ngoài. Nó bị bưng bít hầu như hoàn toàn. Đặc biệt là Tổng Giáo phận Hà Nội. Tổng Giám Mục Trịnh Như Khuê bị quản chế tại chỗ chỉ loanh quanh trong khu vực số 40 Nhà Chung Hà Nội. Ông đã đi mòn trên gác thượng Nhà Chung Hà Nội và không dám gặp ai. Chế độ cộng sản đã áp đặt một hệ thống kiểm soát trên toàn thể Giáo Hội miền Bắc

Nạn nhân tiêu biểu của Giáo phận Hà Nội mà người đứng đầu là Hồng Y Trịnh Như Khuê và các phụ tá của ông tiêu biểu là Nguyễn Văn Vinh, Phạm Hân Quynh, Nguyễn Minh Thông, Nguyễn Ngọc Oánh và không thiếu những nạn nhân vô danh là các tu sĩ tập sinh cũng như hàng giáo dân vô tội.

Sau này, linh mục Lễ đã viết lại một chi tiết đau lòng về TGM Trịnh Như Khuê phải khổ sở như thể nào trong lúc đi bộ buổi tối với Hồng Y Trịnh Văn Căn như sau:

“Đang đi, bất chợt ngài quay lại hỏi:
– Cha có để ý thấy có cái gì khác lạ trên sân thượng này không?
– Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi đó, và nhìn quanh chẳng thấy gì nên nói:
– Con chẳng thấy gì lạ cả!
– Ngài mỉm cười: Cha phải nhìn ra xa tới cuối sân mới nhận ra được. Nhìn xuống chân không thấy đâu!
– Theo sự gợi ý của ngài, tôi nhìn ra xa tới cuối sân. Chợt tôi để ý tới một đường vòng hình quả trám khổng lồ nằm giáp bề mặt sân thượng. Con đường này có màu vàng nhạt khác với màu gạch lát trên sân như có ai mài rửa chà xát lên đó. Tôi nheo mắt đáp:
– Con thấy hình như có vòng tròn ai vẽ trên sân gạch.
– Đức Hồng Y cười: Như thế là linh mục đã nhận ra rồi. Đó không phải là đường vẽ, nhưng là đường mòn trên gạch. Đó cũng là dấu tích của Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê. Trong hơn hai mươi năm bị quản chế, ngài đã đi bộ trên sân thượng này. Vì đi bộ nhiều năm nên những bước đi của ngài đã tạo thành đường mòn hình quả trám như linh mục thấy.

Nghe câu chuyện này, tôi quá thương cho hoàn cảnh Đức Hồng Y tiên khởi của Việt Nam và cho giáo hội Thiên Chúa giáo miền Bắc lúc bấy giờ.”

(Nguyễn Hữu Lễ, “Tôi phải sống”, ibid., trang 19)

Phần các các thừa sai ngoại quốc sống ở Hà Nội đã bị trục xuất dần dần ra khỏi Việt Nam. Họ đã vận động dân chúng nộp đơn yêu cầu trục xuất các thừa sai này. Nhưng kết quả những người đứng đơn đòi trục xuất lại quá ít ỏi dù có thêm một số linh mục quốc doanh. Nó khác hẳn với không khí sôi sục ở miền Nam sau 1975 mà một số thành phần trí thức ồn ào, biểu tình trước tòa Khâm sứ, đòi trục xuất Khâm sứ H. Le Maitre và Tổng giám Mục phó Nguyễn Văn Thuận.

Và theo linh mục O’Driscoll:

“Mặc dầu vậy vào tháng 6- năm 1959, họ đã trục xuất được Khâm sứ Dooley sang Kampuchia với lý do đi chữa bệnh. Và sau đó người kế nhiệm là linh mục O’Driscoll lên thay thế. Nhưng chỉ ba tuần sau, Cha O’ Driscoll bị dẫn độ sang biên giới Trung Hoa với tội danh “Hoạt động khuynh đảo.”

(Trích lại trong Piero Gheddo, Ibid, trang 123)

Sau này, linh mục O’Driscoll đã viết bài  “Eight years in Viet Nam”, (8 năm sống tại Việt Nam) đăng trong “The Far East”, tháng giêng 1960, trang 7-9.

Vắng bóng các đại diện Tòa thánh tại Hà Nội, Hà Nội rảnh tay đàn áp các linh mục tu sĩ địa phận Hà Nội. Thoạt tiên, họ cài đặt các ý thức hệ Mác Xít vào chương trình học của các tu sĩ. Việc đào tạo các tu sĩ trở thành khó khăn và số linh mục được đào tạo quá ít. Từ 1955 đến 1960, chỉ có 20 người được truyền chức trên toàn thể Giáo Hội miền Bắc.

Kể từ 1960, nhiều tu sĩ linh mục đã bị bắt cầm tù. Dù không bị cầm tù thì cũng bị hạn chế không cho đi lại, chỉ quanh quẩn bên nhà xứ của mình, không được phêp đi thăm con chiên, bổn đạo và cử hành thánh lễ tại các xứ đạo khác. Nhưng dù con số các linh mục mỗi ngày mỗi ít, nhưng phần đông giáo dân vẫn trung thành với Giáo Hội một cách đáng kính phục. Và sự mất mát dần các linh mục một cách có hệ thống mỗi năm các linh mục đã dần dần biến mất. Cộng đồng Thiên Chúa giáo trở thành lẻ loi và bất lực.

Tuy nhiên, có một số thành phần các người trẻ đã nhiệt thành sống đạo bằng cách đua nhau đi học giáo lý Thiên Chúa giáo và họ trở thành mục tiêu theo dõi và bắt bớ sau này cùng với một số linh mục giảng dạy giáo lý như trường hợp người anh của tôi.

Cho đến năm 1967, Không một giám mục miền Bắc nào được phép đi Rome để tham dự các cuộc buổi họp Công Đồng Vatican II. Không một liên lạc trực tiếp nào giữa Rome và các giám mục miền Bắc.

Nhưng vào năm 1967, Giám Mục Huessler, giám đốc Caritas của Tây Đức cùng với Mục sư Niemoeller được phép đến Hà Nội trong thời gian 15 ngày để mang những phẩm vật cứu trợ của Thiên Chúa giáo Đức. Cả hai ông đã được Hồ Chí Minh tiếp đón một cách trịnh trọng.

Tuy vậy Giám Mục Huessler đã không được phép đến thăm TGM Hà Nội cũng như bất cứ Giám mục nào khác.

Nhưng nếu người nào quen biết cơ sở 40 Nhà Chung Hà Nội, nó chỉ cần 5 phút đi bộ từ Nhà Chung đến Hotel central, nơi Giám Mục người Đức trú ngụ. Cho nên không thể viện lý do, không có đủ thời giờ để có thể có một cuộc viếng thăm chính thức nào.

Nhưng câu chuyện đã được diễn biến theo một hướng khác theo những tiết lộ không chính thức của vị giám mục người Đức này..

Xin trích dẫn đoạn văn sau đây:

“Chính Giám Mục Huessler đã yêu cầu nhiều lần được gặp TGM Hà Nội. Nhưng lấy cớ này cớ nọ, Hà Nội đã từ chối cho phép gặp. Vào một buổi sáng sớm ra khỏi Hotel và đi về phía Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ông vào nhà thờ và hỏi muốn gặp TGM. Người ta đã chỉ cho ông Tòa Giải tội, ở phía cuối nhà thờ. Vào trong tòa giải tội, ông đã kéo tấm màn khung tòa giải tội và tự giói thiệu ông là ai và đã xin vị TGM cho biết các tin tức. Nhưng TGM Trịnh Như Khuê đã không muốn nói chuyện với một người ngoại quốc, vì lo sợ rằng đây có thể là một cuộc gài bãy của chính quyền. Giám Mục Huessler cuối cùng buộc lòng đưa ra giấy thông hành và nói thêm ông là người được Giáo Hoàng gửi tới đây. TGM Trịnh Như Khuê sau đó chỉ nói vắn tắt như sau: “Xin ngài chuyển lời chào của tôi đến Đức Giáo Hoàng và xin Ngài cầu nguyện cho chúng tôi”. Nói xong TGM Khuê đã kéo bức màn giải tội.”

(Trích tóm lược Piero Gheddo, ibid, trang 131)

Câu chuyện vừa được kể trên đây đã được giữ kín trong nhiều năm. Và có thể chính TGM Trịnh Như Khuê cũng đã tuyệt đối giũa bí mật này cho đến lúc Ngài qua đời.

Chỉ có một cuộc viếng thăm xã giao mà cũng không thực hiện được. Gớm thay cho mạng lưới kiểm soát gắt gao của chế độ cộng sản Hà Nội.

Vindica Sanguinem

Đây là hai tiếng trong một lời kinh nguyện mà Giáo Hội gửi đến Chúa mong mỏi Chúa ra án phạt như một sự trả thù cho con cái Chúa bị bách hại. Đây là lời nguyện của các thày dòng thường hát lên trong ngày lễ Các Thánh Tử Đạo. Và đây cũng là lời nguyền đầy oán hận của những người con cái Chúa bị bách hại trên môi các thày dòng đòi: Trả thù bằng máu. Đó là lời nguyện nghiêm chỉnh trang trọng không ngụy trang, không cần che dấu. Đó là sự đòi hỏi công bằng và lương thiện. Tôi làm nghề “linh mục”cũng như các ông làm nghề của các ông. Mà sự khinh bỉ mà các ông dành cho chúng tôi là một sự xúc phạm. Mà chúng tôi có bổn phận tinh thần phải bảo vệ thanh danh chức linh mục mà chúng tôi đã được Chúa chọn.

Ở phương Tây đã có những người anh em của chúng tôi đã từng kiên cường lên tiếng như Hồng Y Jozsef Mindzsenty, được coi là “Hồng y thép” (Cardinal de Fer). Người Hung Gia Lợi. Ông đã bị kết án tù chung thân năm 1949 vì phản bội lại nhà nước Cộng sản. Sau đó, ông phải vào xin tỵ nạn chính trị và sống ẩn dật tại Tòa Đại sứ Mỹ trong suốt 15 năm. Ông mất tháng sáu 1975 ở Áo quốc và một hồ sơ phong thánh cho ông đã được mở ra năm 1996.

Nhưng xét cho cùng, những linh mục Việt Nam được nêu tên ở trên, số phận của họ đen tối hơn nhiều so với người anh em ở Hungary. Và hiện nay, hồ sơ của họ trong những năm tháng lưu đày hầu như được cố tình ém nhẹm nơi phía nhà cầm quyền cũng như nơi Tổng Giáo phận Hà Nội.

Nếu có một điểm gì chung giữa vị Hồng Y người Hung Gia Lợi và hàng giáo phẩm miền Bắc bị tù đầy quản chế là sự đối xử “không đẹp”của chính những vị đồng đạo lãnh Thiên Chúa giáo đương quyền. Nó thiếu mổt sự thông cảm và chia xẻ cần thiết. Chẳng hạn, tập ký của Hồng Y Mindzsenty có dấu hiệu gây phiền toái, rắc rối. Chữ dùng đúng của Giáo Hoàng Phao lồ Đệ lục là “encombrant” quấy rầy. Và để cho Vatican có thể tìm được sự đồng thuận nào đó với phía bên kia, Hồng Y đã vâng lời Giáo Hoàng chấp nhận sự lưu đầy ra khỏi quê hương mình, đồng thời bị tước bỏ mọi phẩm trật Tổng Giám Mục như một chặng đường Thánh giá cuối cùng mà ngài phải gánh chịu như một nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phía.

Trường hợp thứ hai là linh mục Lễ khi đi tù cải tạo về đã ghé tòa Tổng Giám Mục Hà Nội để trình diện và cũng đã nhận được sự ghẻ lạnh của Giám Mục Phó Nguyễn Văn Sang. Về Giám Mục Sang, linh mục Lễ viết khi vào trình diện:

Nguồn: Lm Nguyễn Hữu Lễ

“Giám Mục Sang vẫn ngồi yên sau bàn làm việc, ngẩng đầu lên và quay sang nhìn nhóm chúng tôi:

— Thế à, cám ơn! Mấy anh em ngồi đi. (…) Sự tương phản quá bất ngờ trong thái độ đón tiếp giữa Đức Hồng Y và Giám Mục Sang làm tôi sượng sùng.. Thấy bầu khí quá tẻ nhạt, tôi cố ý kéo dài việc xê dịch ghế và xoay đi sửa lại mấy lần trước khi ngồi yên, ra điều tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu câu chuyện mà tôi đoán trước là sẽ rẩt nhạt nhẽo. (…) Trong một giây, tôi tự nói với mình: “Trời! Nếu biết như thế này thì vào đây để làm gì?” Thấy tình thế kỳ dị quá, không lẽ cứ ngồi đây mà nhìn nhau cho tới giờ cơm chiều, tôi bèn hỏi một câu thừa thãi và rất ư là vô duyên:
— Đức Cha có khỏe không ạ?
Vị chức sắc tôn giáo có thân hình tròn trịa ngồi yên một chút mới bắt đầu nói như rên:
— Mới đi nghỉ mát ở Đồ Sơn về hôm qua, nghe sao trong người không được khỏe, có lẽ nắng ngoài đó to quá.”

(Nguyễn Hữu Lễ, “Tôi phải sống”, trang 13-14)

Sau đây là phần trình diện Hồng y Trịnh Văn Căn, TGM Hà Nội. Lm Lễ đã có những lời lẽ trân trọng với Hồng y Trịnh Văn Căn. Lm Lễ viết:

“Tôi lần theo cầu thang lên phòng. Vừa bước vào, tôi thấy trên bàn có cái phong bì màu trắng để tên tôi. Mở phong bì ra thấy có một số tiền, kèm theo mảnh giấy nhỏ với huy hiệu của Đức Hồng Y nằm bên góc trái ghi mấy chữ: “Cha Lễ, cầm ít tiền tiêu. Sau cơm chiều, mời linh mục đi bách bộ trên sân thượng. TVC”. Đọc xong, tôi đưa tờ giấy lên môi hôn. Ý tôi muốn hôn lên bàn tay của người viết mấy hàng chữ đó. Thì ra Đức Hồng y đã chu đáo và quan tâm tới người khác hơn tôi tưởng. Số tiền ngài cho tương đương với một vé xe lửa từ Hà Nội vô Sài Gòn.”

(Nguyễn Hữu Lễ, Tôi phải sống, xuất bản lần I, trang 16-17)

Một vài dòng nhận xét về linh mục Sinh, linh mục bí thư Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Lm Lễ viết:

“Phòng linh mục Sinh cách văn phòng Đức Hồng Y không xa. Cha Sinh lúc đó còn trẻ, quảng chừng vừa ngoài 30, trắng trẻo đẹp trai. Trong lúc đang ngồi chơi uống nước và quan sát nơi ăn chốn ở của vị linh mục trẻ này, tôi lắc đầu nghĩ thầm: “Ngay cái thời cực thịnh của tôi và các linh mục miền Nam trước kia, phòng ốc nơi tôi ở cũng không bằng một góc nhỏ phòng linh mục Sinh.”Từ trước tôi vẫn có cảm nghĩ là các linh mục miền Bắc sống nghèo nàn và thiếu thốn. Điều này có thể đúng với các linh mục ở miền quê, nhưng không đúng chút nào với vị linh mục trẻ giữ chức vụ quan trọng sống giữa Thủ đô Hà Nội.”

(Nguyễn Hữu Lễ, Ibid., trang 20)

Tôi tin là Lm Nguyễn Hữu Lễ đã nhận xét không sai. Vì sự đối xử thiếu tình người như thế cũng đã xảy ra cho anh tôi, lm Nguyễn Minh Thông sau khi được thả ra, bằng nhiều cử chỉ, thái độ thô bạo hơn nhiều của Gm Sang và linh mục Sinh.

Trường hợp anh tôi

Trường hợp anh tôi có thể còn tồi tệ hơn trường hợp linh mục Lễ.

Theo Lm Giu Se Nguyễn An Khang viết một bài vào Thứ Bảy, 11 tháng 6-2011, nhân dịp Lễ Giỗ 20 năm linh mục Phê Rô Thông, giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giu Se ở Hà Nội (25-11-1922 và 22-3-1991)

Lm Nguyễn Minh Thông. Ảnh chụp 2 Tết Tân Mùi 1991, 1 tuần trước khi qua đời. Nguồn: Ảnh gia đình.

“Cha Thông đã qua đời 20 năm, cộng sản tưởng đã giết được Ngài, chắc Ngài đang ở trên Trời. Tinh thần của Ngài vẫn sống mãi nơi 200 học trò. Trong đó: 4 giám mục: Đức Cha Sang, Đức Cha Yến, Đức linh mục Tuyến, Đức linh mục Minh; gần 60 linh mục; nhiều kỹ sư, bác sĩ, giám đốc, chánh trương, trùm, quản.. đã theo gương Ngài hết mình với Giáo Hội Mẹ, phục vụ tha nhân, tùy theo địa vị khả năng của mình dẫu có phải đổ máu.”

(Trích LM chính xứ Giu Se Nguyễn An Khang. Xuân Bảng, ngày 21 tháng 3 năm 2011.)

Nhưng tôi cũng xin ghi lại đây, điều mà linh mục Khang gọi là “hiểu lầm”giữa anh tôi và các chức sắc lãnh đạo ở tòa TGM Hà Nội như sau:

“Xảy ra khi Hội Đồng Giám Mục họp, sắp đến giờ dâng lễ, Ngài quỳ hàng ghế hai, Đức Cha sang mời Ngài xuống ghế cuối. Khi các Linh mục giáo phận về cấm phòng, Cha Sinh đã nói với Ngài, nhà nước không cho Ngài đồng tế, phải dâng lễ riêng. Trước những đề nghị đó, Ngài tỏ ra phẫn ức đến cực độ. Khi ốm ở bệnh viện, Thầy Trác, Thầy Trạc mang cơm nếu nói là của Đức Hồng Y, Ngài không dùng. Thực ra Ngài không hiểu hoàn cảnh lúc đó. Như Cha Sinh nói: ‘Nếu để Ngài đồng tế thì các Cha trong giáo phận sẽ bị dừng cấm phòng’. Và nếu Cha Thông quỳ ở hàng ghế hai thì cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục sẽ bị liên lụy và linh mục Thông có thể bị đưa đi nơi khác.”

Cứ tạm thời tin những giải thích của linh mục Khang là đúng đi. Rõ ràng, việc anh tôi được thả ra vẫn trở thành “một quấy rầy”, gây những trở ngại khó khăn có thật và “tưởng tượng” cho những chức sắc không đi tù. Như trường hợp của hồng y Hung Gia Lợi, của linh mục Lễ, của TGM Nguyễn Văn Thuận.

Giữa người đi tù cộng sản và người không đi tù cộng sản, có những khoảng cách không nối lại với nhau được.

Ở đây, tôi xin phép được trích dẫn một vài đoạn thư của Giám Mục Trọng, người anh tinh thần của anh tôi trong những lúc khốn khó. Hơn ai hết, linh mục Trọng được sự tin tưởng của anh tôi và cũng là người hiểu rõ anh tôi hơn bất cứ ai khác.

Lá thư Giám Mục Trọng gửi cho chị tôi:

“Thân gửi cô Quý và gia đình (2-5-90) Trên Nhà Chung cho biết: chú không ăn của Nhà Chung-phải đưa tiền cho Bệnh viện cấp dưỡng và bệnh viện nói đó là của Bệnh viện- chú mới ăn. Cho nên, khi tôi đưa cam, chú không nhận, nhân viên nói ngay: của cụ ấy đấy, vừa mới mua ở cổng Bệnh viện, (thực thế) không phải của Nhà Chung đâu.

Chú cho tôi biết: Khi khỏi bệnh, thì về quê (tức là về Tâng), chứ nhất định không về Nhà Chung Hà Nội nữa. Rồi chú sẽ vào Nam chơi. Tôi nói; Bà Chiểu vừa gửi thư cho tôi, trong đó có đưa tin, bà Quý đã bán nhà. Chú liệu đi ngay, kẻo anh em con cháu đi hết thì vào với ai. Chú bảo Trung và Bảy có lẽ không đi.

Tôi đề nghị điện vào Nam nhé. Chú bằng lòng điện cho Trung. Tôi bảo điện cho Quý. Đồng ý. Nhưng điện vào thì các cháu sẽ ra thăm? Chú xua tay: không được. Không được. Nhưng đã điện làm sao các em không ra được? Bảo họ rằng: có bệnh, nhưng khỏi rồi, đừng có ai ra. (…)

Đối với chú, phải làm ngay cái gì chú muốn, và phải thật thà. Nếu chú thấy một điều gì dối, không đúng, là rất nguy. Chú sẽ không tin người đó nữa. Và không tiếp truyện nữa. Ở Bệnh viện, trước lần tôi đến, có Đức Cha (đi Hội Đồng) đến thăm, chú không tiếp. Trong các người thân của chú, có lẽ chỉ còn mình tôi là giữ được nguyên vẹn mối liên hệ. Chú vẫn kính nể tôi. Chú Oánh (Đức ông Oánh) cũng bị la mắng nhiều lần. Nhưng chú Oánh vẫn tận tụy, nhẫn nại, khéo nhỏ to, nên vẫn làm lành được với nhau- Và chú Oánh là người bạn tận tình nhất, giúp đỡ nhiều nhất về tinh thần, vật chất.. Hai người chúng tôi- Oánh và tôi — vẫn bàn cách giúp đỡ — mỗi người mỗi cách- luôn theo dõi về diễn biến tính tình, bệnh tật. (…) Tôi nói nên liều mà ra, để khỏi ân hận sau này.”

Lá thư của Giám Mục Trọng không hề nói rõ nỗi bực tức gì, như thế nào với Nhà Chung Hà Nội. Nhưng anh tôi đã quyết định không ăn những gì Thày Trác và Trực (đây là hai anh em ruột cùng đi tu) mang vào bệnh viện đồng thời quyết định về quê, không ở Nhà Chung Hà Nội khi khỏi bệnh cho thấy khó có gì có thể hàn gắn lại được. Lm Lễ, dù có bị đối xử lạnh nhạt dù sao linh mục cũng vẫn chỉ là một người khách, còn anh tôi với tư cách người nhà nên sự đối xử không đẹp nó khác hẳn.

Tôi đã có dịp nhìn lại các vị giám mục như Laurenxô Chu Văn Minh (thụ phong 2008), Gm PX Nguyễn Văn Sang (thụ phong năm 198, đã mất), Gm Giuse Nguyễn Văn Yến (1988), Gm Giuse Nguyễn Quang Tuyến (thụ phong 1989, đã mất) nay chỉ còn lại hai người còn sống.

Trích dẫn lá thư của Giám Mục Trọng cho thấy anh tôi đã lâm trọng bệnh cả về tinh thần lẫn thể xác khó mà qua khỏi. Đó là kết quả của 23 năm tù ngục cộng sản lao đao mà lúc ra khỏi tù chỉ còn là một phế nhân cả tinh thần lẫn thể xác. Thật tội nghiệp cho một kiếp người. Chỉ còn trông cậy vào một ơn trên nào đó giúp anh tôi đi ra khỏi kiếp nhân sinh đọa đầy này.

Trường hợp TGM Nguyễn Văn Thuận

Điều xảy ra cho anh tôi thì một cách nào đó cũng xảy ra cho TGM Nguyễn Văn Thuận trước khi bị bắt giam và tù đầy ra Bắc. Trong một tài liệu ronéo 13 trang: “Thử ghi lại một biến cố: Việc đưa một Tổng Giám Mục chống Cộng làm Tổng Giám Mục Sài Gòn, lúc này” (20-5-1975). Thanh Lãng đã cho biết:

Hình chụp lúc ở tù. Sau 13 năm trong trại, TGM Nguyễn Văn Thuận được thả năm 1988. Nguồn: Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ

“Chính Đức Cha Lâm, trước khi lên máy bay về nhậm chức tại Đà Lạt đã cùng thảo luận với tôi (Thanh Lãng) và linh mục Bouchaud, Bề Trên cả Xuân Bích và cùng đi đến kết luận là muốn cứu Giáo Hội khỏi bị sa lầy vào những đường lối chính trị có hại cho Giáo Hội, dân tộc thì phải xin Tòa Thánh cho thay thế ngay Đức Khâm sứ Henri Lemaitre.”

(Trích Nguyễn Văn Trung, “Hồ sơ HĐGMVN, 1955-1975”, trang 307)

Tại sao có một Khâm sứ tòa thánh trước đây là một đặc quyền đặc lợi cho Giáo Hội địa phương- lúc này lại là một sa lầy vào những đượng lối chính trị có hại cho Giáo Hội? Và hiện nay thì bằng mọi cách, ngay cả nhượng bộ để có được một vị đại diện tòa thánh? Chẳng qua nói cho cùng chỉ là một

Cuối cùng thì chỉ có một Lm Trần Du dám lên tiếng bênh vực TGM Nguyễn Văn Thuận, phản pháo thẳng thừng nhóm Cấp Tiến một cách công khai trong một buổi họp ở Đại Chủng Viện và ở ngay chính Dinh Độc Lập. Ông bác bỏ lập luận của nhóm Lm Cấp Tiến mà ông gọi là đám con nít.

Cũng chính TGM Nguyễn Văn Thuận trong một phát biểu trước khi được trả tự do, Hồng Y Trịnh Văn Căn có được mời nghe một cuốn băng ghi phát biểu của TGM Thuận. Cuốn băng đó sau này nhiều Gm khác cũng được nghe và có cảm tưởng buồn vì cho ràng TGM Thuận phê phán Giáo Hội theo nhà nước. Chính vì sự kiện này mà theo một vài Giám Mục, khi TGM Thuận về ở 40 Nhà Chung Hà Nội, Hồng Y đã có thái độ lạnh nhạt, hầu như không chuyện trò gì với TGM Thuận.

Tôi viết lại việc này do chỉ nghe nói mà không có điều kiện nghe cuốn băng và cũng không biết đích xác là có cuốn băng hay không? Tôi xem đi xem lại các chứng từ về TGM cũng như bài phỏng vấn của ngài. Dĩ nhiên TGM Nguyễn Văn Thuận vốn kín tiếng thì làm sao biết được. Ra khỏi Việt Nam, ông tránh không trả lời phỏng vấn và không muốn nói tới 13 năm tù đầy bị đối xử như thế nào. Hỏi những người đã sống ở 40 Nhà Chung Hà Nội thì thậm vô ích. Vì có biết họ cũng không nói.

Cũng vậy, số phận các Lm Tuyên úy Quân đội khi được thả ra sau khi đi học tập được thả được để mặc cho số phận mà không được sự lo toan, sắp xếp đời sống cho các vị ấy. Đây lại thêm một điều đáng trách những loài chó câm trong hàng lãnh Thiên Chúa giáo.

Nói chung, ngoài những thiệt thòi vật chất như tịch thu ruộng đất, nhà cửa, trường học, cơ sở vật chất như các cơ quan từ thiện của các dòng tu đủ loại ở các xứ đạo ngoài Bắc cũng như trong Nam sau này cũng như việc không cho phép truyền chức linh mục.

Một cái tai hại không lường được là sự chia rẽ giữa các linh mục và giám mục cũng như giữa các linh mục với nhau rồi giữa linh mục với giáo dân. Tình trạng nghi kỵ lẫn nhau rất phổ biến. TGM Nguyễn Kim Điền đã phải cách chức chính linh mục Tổng Đại diện do mình cắt cử và treo chén một linh mục khác vì cả hai đã tham gia các tổ chức do chính quyền dựng nên.

Nhiều giáo dân nghi ngờ và không yên tâm về các bí tích do linh mục “quốc doanh”cử hành.

Cuối cùng kẻ hưởng lợi nhiều nhất cả chì lẫn chài là nhà nước hay chính quyền cộng sản. Họ đã có thể phá nát cơ cấu tổ chức lâu đời cũng như nếp sống đạo của giáo hội Việt Nam.

Cuộc đời thật oái ăm và tròng chéo.

Ở ngoài Bắc, anh cả tôi bị tù đầy cộng sản trong suốt 23 năm. Trong Nam, anh thứ tôi lại ngả nghiêng về phía bên kia, quên gốc gác cội nguồn như một thứ con hoang của đám trí thức thành thị. Ôi còn có bi kịch nào hơn! Đó là nỗi đau, đau đáu của riêng tôi, canh cánh bên lòng, trong những chập chùng suy nghĩ khi cầm bút.

Cứ mỗi lần nghĩ tới số phận dành cho anh cả của mình, nghĩ tới cơm tù, nghĩ tới đói lạnh, nghĩ tới cô đơn, nghĩ tới sự khinh miệt và trù dập, nghĩ tới sự đánh đập của quản giáo, nghĩ tới “đồng nghiệp an nhiên tự tại” nghĩ đến sự chùng lòng mà như có cảm tưởng Chúa bỏ rơi. Ai có qua cầu mới hay.

Nỗi đau của anh tôi trở thành nỗi đau của tôi, vốn kém lòng tin cậy, vốn kém sức mạnh siêu nhiên, vốn kém lý tưởng hay không muốn có lý tưởng, vốn có những diễn biến tư tưởng từ cực hữu sang cực tả, ghét cộng sản một phần thì ghét kẻ về hùa hai phần, vốn lấy hận thù làm vốn. Cộng lại tất cả mà không biết làm tính trừ thì nay nó trở thành cục bướu ung thư. Tôi đã viết đến mỏi tay, đã ăn mòn bát mòn đĩa để viết về họ rồi. Ở đây, xin đừng ai dùng vài nhận xét riêng tư này để buôn chuyện. Amen!

Anh cả tôi, mặc dù khi ra tù đã lẫn, tôi không khỏi nghĩ rằng anh không chỉ là nạn nhân của chế độ mà còn là nạn nhân của chính những người anh em mình kém hiểu biết, thiếu chia xẻ. Cơ ngơi này thì thể xác anh đã kiệt quệ sói mòn vào từng tế bào cơ thể chỉ còn lại sự thất vọng ê chề khi ra tù thì sống sao được?

Đáng lẽ, anh phải chết rũ tù trên trại Cổng Trời như linh mục chính Nguyễn Văn Vinh. Đó là cái chết khốn nạn, nhưng là chết đẹp, chết như một giải thoát và một vinh hiển của thế giới đời sau.

Khổ đau và chết như thế đúng là con đường tử đạo.

Nhưng anh tôi đã sống sót trở về. Thì đó chính là cuộc khổ nạn thứ hai của anh, ngoài sự mong muốn.

Trong cái còn lại của sự trở về còn rơi rớt lại trong cõi tâm tư trống lạnh của anh là sự mong manh gặp lại gia đình, trong đó gặp lại thày mẹ thì mẹ tôi đã bỏ đi không chờ đợi được nữa trước những phong ba bão táp cuộc đời. Mẹ không gặp con, con không gặp mẹ.

Gặp bố thì cả bố lẫn con đều lẫn. Một người lẫn vì tuổi già, một người lẫn vì bị bầm dập trong tù tội chỉ vì một cái tội là làm nghề linh mục của Chúa.

Kết luận

Nếu ai hỏi tôi, vậy thì tương lai nào cho giáo hội Việt Nam?

Câu trả lời có phần không mấy lạc quan. Không lạc quan vì nhận thấy cộng sản còn thì mọi chuyện vẫn còn. Tôi xin dùng một tài liệu viết cách đây 18 năm để kết thúc bài viết này. Nhan đề bài viết: “La persécution des chrétiens Protestants au Viet Nam” (Bulletin EDA no 309).

Xin tóm tắt vài dòng.

Bài báo tiết lộ cho biết sau 25 năm ngày độc lập thống nhất. Người Thiên Chúa giáo thuộc đạo Tin lành vẫn là những thành phần thiểu số bên lề và không được hưởng bất cứ thứ tự do tôn giáo nào. Từ năm 1975, chỉ có một tổ chức Tin lành duy nhất được coi là chính thức và được nhìn nhận. Trong khi đó, các người Tin Lành thuộc các sắc dân thiểu số chiếm hai ba tổng số 800.000 giáo dân theo đạo Tin Lành thì bị hành hạ đủ kiểu. Bị đe dọa, bị bắt, bị khinh bỉ, bị tịch thu tài sản, bị xua đuổi ra khỏi mảnh đất họ ở và trở thành những người tỵ nạn, bị tù đầy và trong vài trường hợp bị giết chết chỉ vì cứ vẫn giữ vào niềm tin của họ.

Sự bắt bớ hành hạ những người Thiên Chúa giáo theo Tin Lành giữa lòng các sắc dân thiểu số mỗi ngày mỗi phổ biến và lan rộng. Và không ai còn tin vào những lời giải thích và xin lỗi bởi chính quyền cho rằng đấy là những trường hợp cá nhân và lẻ loi do một số cán bộ thiếu ý thức và trách nhiệm.

Âm mưu của họ là muốn lợi dụng một hai thành phần thiểu số và đòi hỏi họ gia nhập vào Mặt trận tổ quốc cùng với các tổ chức quần chúng khác. Cách duy nhất mà họ có thẻ làm là tụ họp lại một hai thành phần bất mãn hoặc thiếu hiểu biết trong các nhóm thiểu số để tạo thành một tổ chức yêu nước và từ đó tự nhận là đại diện chung cho toàn thể các nhóm khác.

Nhưng những tổ chức yêu nước này đã không bao giờ được sự tín nhiệm của các tín hữu. Và riêng giáo hội Tin Lành thì thực sự chưa bao giờ chính quyền có thể tạo ra được một tổ chức yêu nước nơi tín hữu Tin Lành.

Điều mà họ muốn gán ghép là cho rằng các tín đồ Tin Lành này phụ thuộc và tổ chức Tin Lành của Mỹ.

Để đáp trả lại điều này, các nhà lãnh đạo các tín hữu Tin Lành cho rằng họ chỉ là một giáo hội của Chúa, từ trên Trời và chỉ từ trên Tròi xuống mà thôi.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


DCVOnline hiệu đính và minh họa.