Đọc “Trong bóng tối lịch sử” (Kết)
Nguyễn Văn Lục
“Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước tòa, vì đó là một điều xỉ nhục, mất thể diện trọng đại…” – Lê Nguyên Phu
Vụ chính biến 1960 và cái chết của Nhất Linh 07/07/1963
Vụ chính biến nhằm lật đổ ông Diệm bất thành và người ta quen gọi là cuộc “đảo chánh hụt”. Những người đầu não như Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thuỵ, thêm Nguyễn Chánh Thi chạy thoát được sang Cam Bốt nhờ một nhân viên mật vụ tòa đại sứ Mỹ tên Carver.
Lại có Mỹ can thiệp và dính vào?
Vương Văn Đông đã tiết lộ điều ấy trong bài viết “Binh biến 11/11/1960” rằng trước khi biến cố này xảy ra, George Alexander Carver Jr. đã liên lạc với Hoàng Cơ Thụy và khuyến khích phe đối lập đứng lên chống đối chính quyền.
Cho nên việc người Mỹ dính dáng vào các biến động chính trị tôn giáo ở Việt Nam sau này là một điều không còn gì để nghi ngờ được nữa. Tướng lãnh, sư sãi, nhân sĩ, nhà chính trị đều chỉ là cò mồi của Mỹ.
Dinh Độc Lập cũng biết chắc rằng người Mỹ đã dính dáng vào mưu toan nhằm giết ông Diệm như sau này ông Ngô Đình Luyện đã tiết lộ:
“Chính phủ Việt Nam có đủ bằng chứng để chứng minh rằng các nhân viên CIA như George Carver, làm việc cho văn phòng USOM tại Sàigòn và Howard C. Elting ở sứ quán Mỹ đã liên lạc với những người chủ mưu cuộc đảo chánh như Hoàng Cơ Thụy, Vương Văn Đông. Và khi cuộc đảo chánh thất bại, G. Carver đích thân sắp xếp để đưa ông Thụy về miền quê và sau đó đưa sang Pháp.”
(Phạm Văn Lưu, “Biến cố chính trị Việt Nam hiện đại”, Ngô Đình Luyện phỏng vấn với tác giả, trang 158).
Trong “The Indochinese Experience of the French and the Americans”, trang 522, Arthur J. Dommen có đưa ra chứng cớ là trong vụ xử án, các luật sư biện hộ đã nêu ra tính cách pháp lý của tòa án quân sự đặc biệt trong việc xử các bị can, tòa án đã đưa ra bằng cớ có sự dính dáng của người Mỹ như sau:
“The trial, with its hints of foreign involvement, was undoubtley meant as a warning to present plotters. In rebutal of the challengers of defense lawyers to the constitutionality of the special military tribunal, prosecutors revealed in closed session evidence to that effect, naming the CIA’s Carver in particular and citing an intelligence report from the French Embassy implicating the American in the coup”
Chuyện người Mỹ dính dáng vào “vụ đảo chánh hụt” là có thật. Không có Mỹ thì không ai dám đảo chánh các Tướng Tá, chính khách gì thì cũng dựa vào Mỹ. Lịch sử nào sẽ xét xử và xét xử như thế nào nếu do Mỹ xúi dục, cầm đầu?
Nhưng một số lớn chính khách chỉ theo nhóm đảo chính sau khi chính biến đã xảy và đều hy vọng có cơ thành công, nhưng rồi thất bại. Đám đầu não trong khi đảo chính, đã chuẩn bị nếu thất bại thì có đường rút nhờ có sự bảo đảm của Mỹ. Đám chính khách còn ở lại thì đều bị bắt như các ông: Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Chữ, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương, Trương Bảo Sơn, luật sư Lê Ngọc Chấn và người cuối cùng là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Trường hợp Nhất Linh
Trong số những nhân vật bị bắt, có nhân vật quan trong như một thứ biểu tượng thống lãnh và uy tín hàng đầu. Đó là ông Nhất Linh.Trước đây không lâu, tôi có viết một bài nhan đề “Trường hợp Nhất Linh, một cái chết định trước”. Trong đó tôi cho rằng Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, bị ám ảnh thường trực ý muốn tự tử. Và cơ hội đã đến trong dịp bị gọi ra tòa về vụ đảo chánh hụt 11/11/1960. Có rất nhiều ý kiến phản bác.
Nay là cơ hội cho tôi có dịp khẳng định lại một lần nữa để nhận ra suy diễn của tôi không phải là vô bằng cớ mà có căn cơ đứng đắn, có cơ sở lý luận và có chứng liệu thực tiễn.
Theo như ông Trần Văn Bang trong bài viết Bệnh tật và cái chết của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đăng trên Tân Văn, số 13, trang 67 (Trích lại trong tập san Văn, số 156, 15/06/1970) như sau:
“Ngày 06/07/1963, ông nhận được giấy đòi phải trình diện tại Tiểu đội Hiến Binh, 635 Nguyễn Trãi và được bỉết sáng 08/07/1963 phải ra tòa.
Ông đã có ý định tự tử để có tiếng vang trong quần chúng hầu thúc đẩy cuộc cách mạng chống Ngô Đình Diệm. Ông đã chuẩn bị cái chết và đã viết di ngôn từ sáng chủ nhật 07/07/1963, theo ý ông, tự tử ngày “song thất” là đem cái nhục cho họ Ngô.”
Ý nghĩa về cái chết của Nhất Linh dù nhân danh một lý tưởng cao đẹp thế nào đi nữa thì cũng không thể bỏ qua tình trạng suy sụp tinh thần của Nhất Linh lúc cuối đời đến độ chỉ muốn chết.
Bệnh tật gắn liền với cái chết đó dù có chúc thư hay không có chúc thư.
Những người thân cận, gần gũi nhất của ông như bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, hay con cháu như Thế Uyên (mẹ Thế Uyên là em gái Nhất Linh) viết về tình trạng tâm bệnh của ông có nói khác gì tôi đâu? Thế Uyên viết về người bác của mình:
“Thỉnh thoảng ông lên cơn loạn trí, đứng trước nhà đường Lý Thái Tổ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người, miệng nói lảm nhẳm: ‘Lấy hết đi, xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi.’ Tội nghiệp các người thân hết sức lo lắng. Chỉ riêng mẹ tôi sau một lần chứng kiến cơn loạn thần kinh về nói riêng với tôi, ‘Bác điên khôn ghê, chỉ thấy bác đưa vứt giấy tờ lẩm cẩm, chẳng thấy bác vứt tiền cho mẹ con mình tiêu.”
Còn theo bác sỹ Nguyễn Hữu Phiếm thì Nhất Linh có bệnh thần kinh suy nhược (neurasthénie). Ông đã bị ám ảnh tự sát (obsession par le suicide). Cũng theo bác sỹ Phiếm, Nhất Linh cũng đã uống thuốc ngủ tự tử khi ông trốn ở đường Lê Thánh Tôn. Chính bác sỹ Phiếm chữa chạy, rửa dạ dày, chích thuốc Strycnhine. Số lượng thuốc ngủ hồi ấy vì ít, nên ông bình phục ngay và vài hôm sau ông lại đi họp Hội Văn Bút.
Nói tóm lại, trước khi tụ tử Nhất Linh đã bị tinh thần suy nhược, chúng tôi không dám phê bình tính cách tranh đấu tiêu cực của ông.
Nhưng đứng về phương diện y học, thì tự tử với tính cách tiêu cực chứng tỏ là Nhất Linh đã bị khủng hoảng tinh thần.
(Trích dẫn như trên).
Chúng ta phải cắt nghĩa thế nào về ý nghĩa hai lần tự tử của Nhất Linh? Giả dụ lần thứ nhất, khi ông tự tử ở đường Lê ThánhTôn mà chẳng may không cứu kịp thì phải gán cho cái chết đó ý nghĩa gì? Và tại sao lần sau, nó lại mang ý nghhĩa tầm vóc lịch sử? Và nếu ngày nay, người ta biết rằng mọi chính biến chính trị, tôn giáo ở Việt Nam có bàn tay CIA nhúng vào, những ý nghĩa cao đẹp đó có còn thuần chất nữa hay không? Lịch sử sẻ phải xử như thế nào cho công bằng? Chính biến ấy do CIA cài đặt, xúi dục thì chính nghĩa còn hay không? Nay biết rõ CIA nhúng tay vào thì “Đời tôi để lịch sử xử” sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Ghi lại tóm tắt bài viết của ông Lê Nguyên Phu về Nhất Linh
Theo ông Lê Nguyên Phu, khi Phan Quang Đán lên đài phát thanh, chửi rủa nhục mạ chính quyền môt cách thô lỗ, nhưng lúc bị bắt ra tòa thì mềm như con bún, thái độ ươn hèn khiếp nhược. Còn trường hợp Nguyễn Tường Tam lại khác hẳn. Nguyễn Tường Tam có tư cách hơn. Sở dĩ tôi nhắc đến Nguyễn Tường Tam là muốn nói rõ cho hậu thế biết về cái chết của ông và nguyên nhân đã đưa ông đến cái chết ấy.
Nguyễn Tường Tam bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh Sát, nha an ninh quân đội và thẩm vấn sau cùng tại tòa án quân sự đặc biệt. Sau đó đại tá Lê Văn Khoa, ủy viên chính phủ phóng thích ngay.Trong biên bản do chính đại tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì nội vụ, không căng biểu ngữ, không rải truyền đơn chống chính phủ trước Dinh Độc Lập. Những sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương, v.v… tự động làm ra, ông ngăn không nổi…
Nhưng trong bài viết: “Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh” (Talawas.org), Trương Bảo Sơn lại viết:
“Ở đây, tôi xin mở dấu ngoặc để nói về việc làm truyền đơn trong vụ biến cố này. Khi thảo truyền đơn, trong danh sách những người ký tên, chúng tôi đã để tên Nguyễn Tường Tam lên đầu, rồi mới tới tên các cụ Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trần Văn Văn, Nguyễn Xuân Chữ… Ông Tam đã sửa lại để tên sau tên ông Chữ. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông giải thích: “Anh đừng quên người ta vẫn nói người Nam của người Nam. Mình là người Bắc di cư, phải lưu tâm và tôn trọng điều đó.”
Ông còn thỉnh cầu đại tá Lê Văn Khoa đừng đem y (chữ dùng trong tòa án) đối chất với đám thuộc hạ của ông. Thỉnh cầu này được ghi rõ ở đoạn cuối biên bản thẩm vấn. Đại tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông Nguyễn Tường Tam khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị đại tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do đó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và bất mãn với ông, nhất là Trương Bảo Sơn vừa cay đắng vừa oán hận, cho rằng chính ông đã đổ hết tội lên đầu của họ. Từ trong khám Chí Hòa, Trương Bảo Sơn viết thư chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh đạo.
Nhưng Trương Bảo Sơn trong bài viết của ông lại viết khác như sau:
“Cuộc đảo chánh thất bại, các đồng chí của ông Tam bị bắt gần hết. Ngoài ra ông Diệm còn cho bắt giam hết các nhân sĩ và lãnh tụ đảng phái và giáo phái khác, không trừ một ai. Nhưng… trừ Nguyễn Tường Tam!”
Sao có sự lạ lùng như vậy?
- Phải chăng vì Ngô Đình Diệm kính nể Nguyễn Tường Tam?
- Phải chăng Ngô Đình Diệm cho rằng đã chặt hết tay chân của ông Tam đi rồi thì ông Tam không làm gì đưọc nữa?
Lá thư của ông Trương Bảo Sơn tố cáo Nhất Linh được Giám Đốc khám đường Chí Hòa đệ trình tòa Đặc biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ.
Tác giả Lê Nguyên Phu viết,
“Tôi đến thay đại tá Lê Văn Khoa, tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển đi chỉ vì thiện ý.
Tôi quyết định đăng đường xét xử vào phiên tòa ngày 05/07/1963. Theo thủ tục pháp lý, một can phạm bị truy tố về một tội đại hình, nếu được tự do tạm như trường hợp của Nguyễn Tường Tam, phải bị câu lưu 3 ngày trước phiên xử. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, tôi không cho thi hành thủ tục này. Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không phải ra trát đòi) đến gặp tôi tại tòa án quân sự đặc biệt… Tôi cho biết vụ binh biến 11/11/1963 sắp được đăng đường xét xử và yêu cầu ông ngày đó nhớ đi hầu tòa. Đối với ông, tôi không cho tống đạt trát đòi hầu tòa cũng như không câu lưu thân thể (Prise de corps) trước ngày xử án.
[có thể tác giả quên là nhân viên tòa án vẫn gửi trát tòa như thường lệ — NVL]
Ông Phu viết tiếp,
Thật là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý. Sau cùng ông hỏi tôi:
“Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi”.
Tôi trả lời:
“Điều ông yêu cầu thực sự ngoài quyền hạn của tôi, bởi vì hồ sơ đăng đường, trước tòa chỉ có ông chánh thẩm là người duy nhất điều khiển phiên xử và có quyền quyết tối hậu mọi thủ tục pháp lý. Tôi vì ông sẽ không xin đối chất, nhưng nếu luật sư biện hộ cho thuộc hạ của ông yêu cầu đối chất, tôi sợ ông chánh thẩm khó lòng từ chối. Vì vậy mà tôi không thể hứa chắc về điều này. Tôi phải tôn trọng ông chánh thẩm trước tòa.”
Nghe xong, Nguyễn Tường Tam trở nên ray rứt, băn khoăn vô hạn. Ông cúi đầu suy nghĩ… Ông luôn trở lại vấn đề đối chất và nhiều lần nhắc nhở tôi cố gắng giúp đỡ ông.
Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất này mà ông phải tự tử sau đó.
Lúc được tin ông qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mới nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước tòa, vì đó là một điều xỉ nhục, mất thể diện trọng đại…
Cho nên chỉ còn một lối thoát duy nhất để tránh đối chất là tự tử. Lối thoát này đã giúp ông bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử.
Sau đó, các phiên tòa tiếp diễn xử 19 quân nhân hiện diện, 34 dân sự và 7 quân nhân vắng mặt.
Riêng ông Nhất Linh đã không còn nữa, công tố quyền đương nhiên bị tiêu diệt, nhưng bản án vẫn còn đó.
Hết phần tóm tắt bài viết của ông Lê Nguyên Phu về Nhất Linh.
Tôi chấm dứt bài viết ở đây và để bạn đọc tự mình chọn lựa một quyết định thích hợp theo đúng như nguyện vọng của Nhất Linh, “Đời tôi để lịch sử xử.”
Lịch sử là lúc này đây hay một lúc nào khác?
© 2010-2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Bài do DCVOnline biên tập và minh họa đã đăng năm 2010