Thực chất của chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam (2)

Nguyễn Văn Lục

Dinh thự thời thục dân Phhasp ở Saigon. Nguồn: https://www.myguidevietnam.com

Trong số những người pháp sang Việt Nam trong khoảng 1929-1932, phải kể đến phóng viên Andrée Viollis của một tờ báo cấp tiến, thiên tả, tờ Petit Parisien.

“Indochine S.O.S” – Một cảnh cáo cho chủ nghĩa cộng sản Việt Nam?

Vào thời đó, chuyện đi lại giữa Pháp-Việt Nam không phải dễ, lại là những năm đâu của cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1939). Vậy mà tờ báo đã sẵn sàng chi phí tốn kém gửi các phóng viên sang Việt Nam để đưa tin.  Đây là một công việc khá mới mẻ mà trước đây ngay những tờ báo lớn của người Pháp cũng không đủ phương tiện để thực hiện. Những bài phóng sự của phóng viên Andrée Viollis đã gây ra những nguồn dư luận trái chiều không nhỏ ngay tại París. Bao nhiêu những sách nghiên cứu có tính cách hàn lâm trở thành “nhàm chán” trước những bài phóng sự  nóng hổi ở đây.

Vài dòng về ‘Lời mở đầu’ của tác giả cuốn “Indochine S.O.S” (Đông Dương Cấp cứu)

Trong phần mở đầu cuốn sách, Viollis cho biết bà đã tháp tùng một phái đoàn chính phủ Pháp do Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa là ông Paul Reynaud sang Việt Nam, năm 1931 để xem xét tình hình Việt Nam. Bà đã thấy, đã nghe, đã gặp, đã phỏng vấn đủ mọi loại người từ nhiều phía.

Tác giả cho thấy làm thế nào bà có thể gặp những nhà lãnh đạo, những người cách mạng trẻ ở Việt Nam, hững viên chức chính phủ đương quyền, những thành phần chủ trương một sự hợp tác Pháp-Việt “đề huề”. Bà cũng đã tham khảo ý kiến của người những Pháp như luật sư, kỹ sư, bác sĩ, thực dân, công chức và cả những viên chức Sở Liêm phóng.

Ngoài những tiếp xúc tại chỗ vừa kể trên. Bà còn đọc các bản điều tra của Louis Roubaud với những bằng cớ vững chắc trước đó một năm. Bà thú nhận, tôi đã không khỏi súc động một cách sâu xa về hoàn cảnh người dân thuộc địa: Khủng hoảng kinh tế, rồi nạn đói, nạn sưu cao thuế nặng, nạn hà hiếp “ cường hào ác bá” trên những người dân khốn khổ và tuyệt vọng này.

“Tôi là nhân chứng cho những sự việc đó, ghi lại những xáo trộn, những hậu quả của nó với sự thật trần truồng. Phải làm sáng tỏ sự việc. Phải cố gắng đạt được sự chính xác  mà tôi có thể làm được dựa trên những nguồn dẫn chứng chắc chắn nhất.

Nhiều dư luận bên Pháp đã nghĩ rằng tôi chống Pháp vì tôi đã không quan tâm đến những công trình xây dựng và phát triển tốt cho xứ này của người Pháp mà chỉ thấy những khuyết điểm. Và đưa ra một hình ảnh xấu của xứ Đông Dương cũng như nước Pháp.” Andrée Viollis

 Nhưng tác giả phản biện cho rằng bà không có bổn phận trình bày đầy đủ về chính sách thuộc địa. Bà để cho độc giả tự mình suy xét về những điều bà trình bày và rút ra một kết luận cho chính họ.

Andrée Viollis cũng không quên nhắc lại một lần nữa về các công trình mà người Pháp đã làm tại Viêt Nam. Nhưng bà cũng không bắt buộc phải một lần nữa, khơi lại trí nhớ, viết lại đến những công trình như đường xe lửa, đường xá hay nhà máy.

 Giữa việc phơi bày và bảo vệ sự thật, Andrée Viollis chấp nhận những lời phê phán.

Và tác giả cho rằng càng cần in tập sách này vì một vụ án ở Hà Nội vào tháng 6 năm 1933. Chính quyền thuộc địa đã tha bổng cho 5 bị cáo lính Lê Dương, trong đó có hai viên Đội. Người ta được biết chắc chắn rằng họ đã tra tấn và sau đó đã ám sát 11 người dân Annam vô tội. Những bị cáo được tha bổng viện cớ rằng họ chỉ làm theo lệnh cấp trên của họ.

“Phẫn nộ về bản án tha bổng các bị can, tôi vẫn hy vọng một bản án thứ hai, tái thẩm, theo như lời hứa hẹn của cấp thẩm quyền cao. Nhưng thực sự vẫn chưa thấy một biện pháp nào về bản án bất công như vậy.” Andrée Viollis

DCVOnline | Andrée Viollis tên thật là Françoise Caroline Jacquet, sinh ngày 9 December, 1870 tại Les Mées, chết ngày 9 August 9, 1950 tại Paris.

Viollis là một nhà văn, nhà báo Pháp nổi tiếng và cũng là người hoạt động chống phát xít và cổ xúy nữ quyền.  Bà là đồng giám đốc tờ Thứ Sáu (1935-1938) – một tuần báo cánh tả của Pháp xuất hiện trong những năm Mặt trận Bình dân, một liên minh chính trị của các lực lượng cánh tả ở Pháp, gồm Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản, Chi hội Pháp của Công nhân Lao động Quốc tế (SFIO) và các chính đảng, tổ chức chính trị khác trong giai đoạn 1935-1938 – thành viên điều hành của Tổ chức Nhân quyền, thành viên của Ủy ban Phụ nữ Thế giới chống Chiến tranh và Phát xít năm 1936. Viollis được nhiều giải thưởng kể cả Huân chương Quân đoàn Vinh dự của nước Pháp.

Sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản có văn hóa, theo học đại học ở Pháp và Anh, tốt nghiệp Cử nhân Văn chương. Sự nghiệp làm báo của Viollis, sau khi tôt nghiệp đại học, bắt đầu với tạp chí nữ quyền La Fronde của Marguerite Durand. Lập gia đình hai lần và có 4 người con.

Đến năm 1914 Viollis mới cộng tác với tờ Le Petit Parisien, làm việc trong nhiều  lĩnh vực: thể thao, những vụ án lớn, phỏng vấn chính trị, phóng viên chiến trường. Mười năm sau Cách mạng Bolshevik, 1927, Viollis là phóng viên điều tra ở Liên Xô.

Là nhân chứng cuộc Nội chiến Afghanistan năm 1929, cuộc nổi dậy của Ấn Độ năm 1930, đi cùng với Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud qua Đông Dương năm 1931, và sau đó, năm 1932 viết về cuộc xung đột giữa  Trung Hoa với Nhật Bản.

Năm 1938, Viollis gia nhập ban biên tập của tờ nhật báo cộng sản Pháp “Ce Soir” do Louis Aragon và Jean-Richard Bloch điều hành. Thân cận với giới trí thức cộng sản, Viollis tham gia Kháng chiến ở khu vực phía Nam nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai, và và dùng ngòi bút của mình để phục vụ cuộc kháng chiến. Trong cuộc thế  chiến đó, bà ở Lyon và Dieulefit. Đến 1945 Viollis trở lại làm việc với tờ “Ce Soir” và đóng góp với một vài tờ báo khác của phong trào Cộng sản, và những bải phóng sự lớn đã đưa Viollis sang Nam châu Phi. Viollis an tang ở nghĩa trang Montparnasse.

Wikiwand và Le Maitron, “Andrée Viollis”

 Về tác phẩm

Đây là những bài phóng sự tại chỗ và tin tức cập nhập nhất, “tin nóng” như tin chiến sự từ vùng đất bất hạnh gửi về, đánh động lương tâm xã hội Paris và lật tẩy cái mặt trái của chế độ thực dân tại Việt Nam. Và sau đó các bài phóng sự được đăng trên tờ “Petit Parisien”, rồi sau cả tờ Esprit, một tờ báo có uy tín của giới trí thức Pháp.

 Những bài báo ấy gây được nhiều tiếng vang khiến tác giả nổi tiếng. Nó được sự cổ võ của giới trí thức trẻ như J.P. Sartre. Satre đã nhận viết lời đề tựa khi tác phẩm được in thành sách dưới nhan đề: “Indochine S.O.S”. N.R.F, 1935, 240p

Người đọc Việt Nam, như người viết bài này, khi đọc nhiều lúc không ngăn chặn được những xúc động vì thương cho đất nước mình. Đó là một nước đất nước trầm luân trong nghèo khổ; một đất nước được coi như “ Les damnés de la terre”, như nhan đề cuốn sách của tác giả Frantz Fanon.

 Bị chính sách của người Pháp bóc lột đã đành mà còn bị bon trung gian người Việt bóc lột, từ Tổng Đốc đến ông tỉnh, ông huyện, ông chánh tổng đến ông xã trưởng và bọn tuần đinh.

Ở đây cũng cần xác định Andrée Viollis là ai. Về phương diện chính trị, bà theo lập trường thiên tả và có chân trong đảng cộng sản Pháp. Nhưng đảng cộng sản Pháp không phải là cộng sản Nga cũng không phải cộng sản Tàu; nó chú trọng đến mặt lý thuyết nhiều hơn là mặt thực tiễn. Vì thế, nó chỉ là một đảng chính trị đối lập hơn là dùng các phương tiện bạo lực nhằm lật đổ chính quyền Pháp.

Tuy nhiên, những bài phóng sự của bà, nó phảng phất sự xuất hiện mở đầu cho cộng sản Việt Nam. Mặc dầu không chỗ nào cho thấy bà trực tiếp phỏng vấn hay gặp một cán bộ cộng sản Việt Nam nào.

Đọc Viollis, tôi liên tưởng đến một phóng viên chiến trường thời Đệ II, Việt Nam Cộng hòa, Oriana Fallaci; Fallaci là một phóng viên của một tờ báo nhỏ ở Florence, sau đó tên tuổi của bà đã vượt ra khỏi biên giới nước Ý, được xếp chung với những phóng viên chiến trường nổi tiếng thế giới. Fallaci cũng có mặt hầu như ở nơi nào chiến tranh trở thành “điểm nóng” của thế giới. Fallaci đã gặp và phỏng vấn những người như Kissinger, Khomeini, Kadhafi, Walesa, Đặng Tiểu Bình. Ở Việt Nam, bà đã gặp và phỏng vấn tướng Nguyễn Văn Thiệu, tướng Nguyễn Cao Kỳ và nhất là đại tá Nguyễn Ngọc Loan.

Cả hai nhà báo này dù cách xa nhau về thời đại và hoàn cảnh lịch sử. Họ đều có mẫu số chung là thẳng thừng, xông xáo, can đảm,  lý luận sắc bén, không ngại đụng chạm, có chút bất cần và nhất là có quan điểm cực tả, đứng về phía kẻ yếu.

Nhưng hơn hết, họ là những người thông minh, có khả năng nắm bắt và hướng dẫn dư luận, khả năng tạo bất ngờ, khả năng gây kích động não trạng của người đọc.  Ngay cả những người không đồng ý hoặc chống đối cũng dè dặt và nể họ.  Họ tự dấn thân vào những hoàn cảnh phức tạp và khó xử nhất biết lúc nào đứng vè phía nào, đúng lúc, đúng thời.

Viallis là một phóng viên chiến trường chuyên nghiêp. Một vai trò mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Trước sau bà để lại 18 tác phẩm thu tập những thiên phóng sự như “Indochine S.O.S” (Đông Dương Cấp cứu) được in năm 1935.

Viallis kể lại những dòng phóng sự đầy kinh hoàng về chế độ thực đân thời 1931, sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn Thái Học! Đọc và tóm lại không phải để kết án bởi vì nó chẳng ích lợi gì để kết án ai, và còn ai để kết án, ngoài cộng sản hiện nay!

Nhưng sự thất bại của Nguyễn Thái Học cho thấy sự chấm dứt các cuộc nổi dậy

trên toàn Đông Dương, đồng thời là sự đàn áp của thực dân Pháp, một cách gián tiếp mở đường cho Việt Minh cộng sản lợi dụng danh nghĩa “dân tộc” chống Pháp.

Nhưng cảnh cáo con người về sự độc ác dã man thì lúc nào cũng  là điều cần thiết. Mà có thể nó đang hiện diện đâu đây, trong một bối cảnh khác, người khác và nạn nhân khác trong thời điểm này. Nói lên sự tàn bạo, độc ác, sự tù đầy những người yêu nước năm 1930 thì cũng gián tiếp nói lên một thực trạng tương tự ở Việt Nam hiện nay chăng? Chỉ cần đổi tên những viên cai tù, những tử tù chúng ta sẽ thấy được một hoạt cảnh bi hài hiện nay.

Những gì người Pháp đã làm tại Việt Nam trước đây thì người cộng sản Việt Nam lập lại như một phó bản. Những phương tiện đàn áp thời nào cũng vậy; thời cua chúa thì voi giầy, tùng xẻo; thời thực dân Pháp thì lưu đày biệt xứ và máy chém, thời cộng sản, khéo léo hơn, khiến tù nhân chết dần mòn trong các trại tập trung, đánh gục ý chí của con người.

 Phải chăng con đường giải thực cuối cùng phải đi qua một chặng đường khó khăn hơn nữa là giải trừ cộng sản?

Trong những bài phỏng vấn của bà Viallis, tác giả  luôn luôn tìm cách gán cho các cuộc nổi loạn ấy là do “cộng sản” xúi dục gây ra. Mà một phần sự thật có thể chỉ là những người yêu nước với hành động tự phát.

Nhưng cũng nhìn nhận rằng, sự có mặt của bộ mặt cộng sản đã dần dần ló diện mà không ai ngờ được những nỗi kinh hoàng sau này. Từ thực dân dẫn đường đến cộng sản là những đoạn đường đầy nước mắt và mất mát..

Lược dịch một phần nhỏ “Indochine S.O.S”  

Tôi đã đến đây được 2 ngày. Tôi đến thăm nhà lao trung ương của Saigon cùng với một viên chức cao cấp của Sở Mật thám, ông M.X.,  mà tôi đã biết ông từ hồi ở bên Pháp. 30 năm ở xứ Đông Dương. ông nổi tiếng là người liêm khiết, khéo léo và ông được coi như người có cảm tình với người dân thuộc địa.

Nhà lao với những sân rộng mênh mông bao quanh là những tòa nhà thấp màu vàng và những dẫy hành lang chống giữ bằng những hàng cột… Ở trung tâm là một tòa nhà tráng lệ, có bãi cỏ và có đôi chim hồng đang chuyền từ những hàng cây có hoa nở.

 Có một nhóm người bị án tù dân sự ngồi xổm chung quanh những thố cơm: Đó là những tù dân sự được cho làm vườn. Những người lính canh y phục mầu trắng, đội mũ, đi lại, trên vai có cây dùi cui. Trời nóng 30 độ trong bóng râm.

Trong một góc của dãy cột hành lang, có khoảng 20 người tù, áo tù mầu xanh  nhạt, đầu trần và đi chân đất đang đứng xếp hàng đợi. Đó là những tù chính trị… Tại sao người ta không dẫn chúng tôi vào chỗ xà lim giam họ? Trông người nào cũng quá trẻ, gương mặt còn trẻ con, nhưng gày còm với vết nhăn, đôi mắt đen như nhung, ánh mắt nhìn thẳng và tự tin. Ông M.X. đã hỏi tuổi họ: tuổi từ 18-25, tên của họ: nhiều người tên Nguyễn. Họ trả lời với một giọng rất hiền từ, nhưng lại tỏ ra không mấy vui vẻ khi bị diễu đùa. Một người trong bọn họ trả lời một cách nhiệt tình:

– Chúng tôi thích người Nga, bởi vì họ không có người nô lệ.
– Đó là một ông thày giáo. Ông Giám đốc đáp lại.
– Anh bạn chắc còn nhớ mối tình đẹp của anh chứ, thằng nhỏ.
– Lúc mà chúng tôi phải xa nhau, đã lâu rồi; môt người trong bọn kêu to:
– Đã 8 tháng rồi chúng tôi bị giam cứu ở đây, vậy mà chúng tôi vẫn chưa được hỏi cung.
– Tai nạn nghề nghiệp.

Một giọng nói rất nhỏ nhẹ tiếp lời:
– Chúng tôi rất chán nản phải ở đây, không có sách đọc, không có bút, giấy.

Trang 8 | 9, octobre 1931

Viên Giám đốc đáp lại:
– Điều đó càng tốt cho tụi các anh..Đọc nhiều, viết nhiều để làm gì!

Tôi không hiểu gì hết về những cậu thanh niên còn quá trẻ này, với những câu đối đáp của ông giám đốc nửa như dọa nạt, nửa như đùa giỡn và tôi đã hỏi ông:
– Những người trẻ này có cái gì đáng ngại?
– Ồ, đáng lắm chứ, rất có thể họ bị chung thân khổ sai, có thể còn hơn thế nữa.
– Bà phải biết, tôi không thể nào ngăn chặn được một phong trào. Cách tốt nhất là giam giữ họ thôi.
– Thế là thế nào?
– Này bà, chúng ta phải lo phòng hờ.. nếu không thì những người Pháp chúng ta đây chẳng mấy chốc phải cuốn gói về Pháp!
– Nhưng họ sẽ làm gì?
– Ồ, nhiều thứ lắm. Họ có thể thuộc một đảng bí mật. Họ có thể tham gia biểu tình do cộng sản tổ chức, một trong những bọn họ đã giết viên Thanh tra mật thám Le Grand. Chúng tôi sẽ dẫn bà đến gặp kẻ sát nhân, Huy; anh ta bị kết án tử hình và sắp bị xử chém..Một tên học trò của trường Borodine ở Quảng Đông đấy. Anh ta mới 17 tuổi, thật đáng kinh tởm, một con khỉ độc, đúng là thứ quái vật!

Sau đó, chúng tôi được dẫn tới một hành lang tối om, những chiếc chìa khóa to bản xiết lên kẽo kẹt khi viên cai ngục mở cửa nhà giam. Những khoảng tối đen với các xà nhà và từ nơi này, trên sàn nhà một vũng lầy nước nhờn hôi thối xông lên. Hai hình dạng bóng người hầu như cuốn lấy nhau, tay người này ôm vai người kia, đầu người này dựa vào ngực người kia đầy tình anh em một cách thảm hại. Một người chỉ là tù thường phạm cũng bị kết án tử hình.

 Huy với khuôn mặt sưng vù của một đứa trẻ thảm bại, ném về phía chúng tôi môt cái nhìn hung dại rồi cúi mặt xuống. Cả hai người tù đều không nhúc nhích. Người cai tù rung chùm chìa khóa một cách vụng về.

 Viên chức cao cấp đặt ra những câu hỏi theo thông lệ một cách nghiêm trọng. Có một sự im lặng như thashc thức.Trái tim tôi đâp mạnh: Tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi nhìn cái cảnh này.Tôi cũng bị cuốn hút bởi cánh tay dơ ra, rồi những ngón tay nắm chặt,bóp lại như một nắm đấm. Viên giám đốc cúi xuống:
– Ồ thằng nhỏ dơ bẩn, một tay ông vỗ nhẹ lên đầu kẻ bị kết án.

Trang 9, Ibid.

Tôi sẽ không bao giờ quên được sự giật nảy mình như của một con vật bị rơi vào rọ, ánh mắt nó nhìn hận thù và đe dọa và tiếng kêu khàn khàn khủng khiếp.

Trnag 10, Ibid.

Tóm lược câu chuyện Huy bị án tử hình

Theo Viollis thì bà đã lấy tin tức từ phía Mật thám Pháp cũng như từ phia người Annam. Và đây là câu chuyện đã xảy ra ngày 8-2-1931, ngày Huy và các tù binh khác bị bắt.

Sau khi một trận đá banh vừa kết thúc thì có một đám đông thanh niên tụ họp lại. Có một thanh niên nào dó phất một lá cờ đỏ, có hình búa liềm. Những người khác thì phân phát các tờ truyền đơn cho dân chúng. Huy đứng trên một chiếc bục thấp để hô hào dân chúng. Mật thám Pháp bất ngờ đến dùng dùi cui quất túi bụi. Theo một số người cho hay thì Thanh tra Legrand đã lật úp cái bục Huy đang đứng và dùng chân đạp lên người Huy nhiều lần. Bỗng nhiên, có một phát súng lục nổ. Viên mật thám Legrand gục xuống! Bất ngờ quá. Sự việc xảy ra trong chớp nhoáng. Một tai nạn nghề nghiệp!

 Nhưng ai là người bắn? Không biết rõ là ai? Huy thì bị đạp ngã xuống đất bất tỉnh. Đám đông bỏ chạy tán loạn. Nhưng mật thám cũng bắt được khoảng 15 người.

Mật thám tra hỏi. Huy được coi như người chủ mưu. Huy từ chối không khai các bạn bè khác, anh cắn đứt lưỡi để khỏi phải nói.

Huy bị kết án tử hình mà theo nhiều nhân chứng có mặt thì Huy không phải là thủ phạm.

Phần tôi, Tôi đã ra Hà Nội vào ngày 21-11-1932 để chứng kiến ngày Huy bị tử hình. Khi được dẫn ra đứng trước máy chém, Huy định muốn nói điều gì, nhưng hai lính sen đầm đã bịt lấy miệng Huy. Người ta chỉ còn nghe tiếng hô bị tắc nghẹn “ Việt Nam”.

Nhưng Huy cũng như Phạm Hồng Thái cũng như nhiều người khác dầu vậy, nay anh có chỗ của anh giữa những người anh hùng đã tranh đấu giành độc lập cho Annam.

Chúng ta đã biến anh thành một người tử đạo!

Còn phần đám trẻ thì có 120 người bị án tù. Họ đã bị hai năm án tạm giam và sau đó nhiều người bị đầy ra đảo Côn Lôn. Và người ta không biết cái anh thày giáo trẻ với giọng nói nhỏ nhẹ than phiền vì không có sách để đọc, số phận anh ta ra sao?

Trang 11, Ibid.

Ils ne pouvaient pas payer leur impot. (Họ bị tù vì không trả được thuế.)

Bà đã theo chân người hướng dẫn với một bác sĩ và viên tổng đốc đến thăm những trại giam thường phạm. Mỗi khu trại giam chen chúc nhau dồn cục 200 người một trại. Chân họ bị cùm sắt. Trại giam tối om không có cửa sổ. Những người tù nhìn chúng tôi một cách sợ sệt và tuyệt vọng. Những khuôn mặt sạm đen với gò má lõm sâu, môi khô và nứt nẻ, chân tay ghẻ lở do những con rệp hút máu. Mỗi ngày họ chỉ thả cùm hai lần, mỗi lần chỉ 10 phút để cho tù nhân làm vệ sinh. Một tuần tắm một lần. Cứ theo những món đồ ăn mà họ phân phát trước mặt chúng tôi thì tương đối đủ ăn. Và sở dĩ họ gầy ốm phần lớn là do bệnh tiêu chảy.Và mỗi buổi sáng, người ta phải đi thu lượm xác chết. Số người chết trung bình là từ hai đến ba người trong mỗi trại.

Phần đông họ bị giam từ nhiều tháng nay. Trong khi y sĩ và viên Tổng đốc xét duyệt danh sách thì tôi có dịp phỏng vấn một vài tù nhân qua trung gian một người thông dịch. Những tù nhân trả lời tôi bằng một giọng nói nhỏ, họ đều cho biết là họ bị tù tội vì không có tiền trả thuế. Thế rồi nghe có người xúi dục, họ bèn kéo nhau đến chỗ quan lớn Pháp để xin giảm thuế. Thế rồi, họ bị bắt giam lại.

Trang 46. Ibid.

Có một đứa trẻ chừng12 tuổi mà trông như một người 60 tuổi, nó đi theo một đám biểu tình. Bị bắt và bị tù hai năm.. Chân nó nay bị què không đi được vị bị cùm. Nó biết rằng nó sẽ chết và không bao giờ có cơ hội về làng gặp lại cha mẹ. Một ông già giàu có, không trốn thuế, nhưng bị người láng giềng vu khống, tố cáo. Ông cũng có mặt ở đây.

Có một đứa trẻ khác 11 tuổi, đầu đầy chấy rận.. Đôi mắt nó khẩn khoản van nài tôi..cha mẹ nó bị kết án tử hình vì là cộng sản.Vậy là nó được dẫn về đây cùng với những đứa trẻ khác. Nó dơ đôi tay bé nhỏ van nài tôi, gót cá chân nó bị mủ vì bị xiềng xích bởi cái cùm quá rộng và quá dài.

Trái tim tôi se lại và tôi phải quay mặt đi chỗ khác một cách đau đớn và xấu hổ, bởi vì tôi đã không làm gì được cho nó.

Tất cả những kẻ bất hạnh này đều mù chữ.. Không một người nào trong bọn họ hiểu chữ cộng sản là gì.

Họ chỉ là những người nghèo. Họ chỉ là những kẻ chết đói. Chỉ có vậy!

Trang 110, Ibid.

Ở cuối trại, tôi trông thấy  một cái chuồng có khung bằng gỗ lớn. 8 đứa trẻ đầu bị cạo trọc, không đứa nào quá 12 tuổi bị nhốt ở trong đó. Trông chúng như một đàn chó con.

Người ta sẽ làm gì với những đứa trẻ ấy?

– Không, không phải là những đứa trẻ mà là những người đàn bà.
– Đàn bà! Họ bao nhiêu tuổi?
– Độ chừng 14, 15, 16..
– Tại sao bọn họ lại ở đây?

Bọn tù liếc nhìn nhau như hỏi ý kiến nhau. một ánh mắt vui thoáng qua trên những bộ mặt non choẹt xám xanh. Rồi tất cả họ lắc đầu: Họ không biết. Một người cai tù trả lời thay cho họ: “Họ làm tay sai cho cộng sản.”

Ở trại giam Hà Tĩnh, có khoảng 200 học sinh đi làm tuyên truyền. Theo người cai tù,  bọn này, chúng biết rõ tại sao chúng bị bắt, chúng xứng đáng với cái tội của chúng.
– Nhưng chúng còn bé quá?
– Người cai tù thay cho câu trả lời của tôi, nhún vai.

Tuy nhiên, ông bác sĩ duyệt danh sách cùng với viên Tong-đoc, chỉ định người này rồi đến người kia, rồi người kia nữa, cứ thế lần lượt.. người nào cũng quá yếu mệt.. Sau đó đếm khoảng dộ 100 người.

 Người ta tháo cùm cho bọn họ. Họ đứng dạy đi chập chững không vững. Rồi họ bước ra vùng ánh sáng của sân tù, người nào người nấy bị lóa mắt như mắt cú vọ.. Vài người đi đứng nghiêng ngửa, rồi không bước đi dược nữa và rồi té nhào xuống đất.

Và sau cùng thì họ cũng ngồi chụm lại bó gối thành một vòng tròn. Viên Tổng Đốc nói với giọng nghiêm khắc:

Trang 111. Ibid.


– Nghe đây, chính phủ Pháp và Annam xét rằng các người chỉ là theo bọn cầm đầu, vì sợ bị trả thù thay vì các người tự ý tình nguyện.. Chính phủ nhận thấy rằng trong số các người đều là dân dốt nát đáng được khoan hồng vì các người không phân biệt được điều nào xấu, điều nào tốt. Bởi vì ông bác sĩ đây bảo đảm là các người bị bệnh tật. Hai chính quyền đồng ý chấp thuận cho các người được về quê nhà. Các người phải biết ơn nước Pháp về lòng rộng lượng nhân từ và đừng tái phạm: lúc ấy các người sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Người ta nghe thấy hàng trăm những tiếng rên rỉ của những con người khốn khổ này.

 Người ta cũng thấy những khuôn mặt loáng lên một chút ánh sáng hy vọng trên những khuôn mặt sạm đen như chì..Nhưng viên Tong-Doc nói thêm:

Trang 111. Ibid.

Nhưng dĩ nhiên là phải được các chức việc của làng các người chấp nhận các người. Người nào bị các viên chức làng từ chối thì sẽ lại phải đi vào tù.

Những kẻ khốn nạn nhìn nhau ngơ ngác, do dự.. Niềm hy vọng của họ hầu như tắt ngấm tuyệt vọng.

Viên bác sĩ một lần nữa chỉ biết nhún vai.

– Đó thấy chưa, công việc của tôi trở thành vô ích: một thông cáo của viên Toàn Quyền ra lệnh từ nay mỗi làng phải trách nhiệm về những xáo trộn xảy ra.

Và tôi được biết, sau khi chúng tôi rời khỏi nơi đó, họ lại xích những kẻ đáng thương đó trở lại.

Nó cho thấy sự dối trá của họ. Giả dụ cứ cho là họ sống sót sau khi mãn hạn tù. Họ sẽ trở thành cái gì? Những kẻ mất gốc rễ, những kẻ nổi loạn đói ăn đó rồi cuối cùng cuộc đời của họ cũng chấm dứt bằng máy chém!

Ông bác sĩ nín thinh không nói một lời. Và khi tôi hỏi ông ta là ở Annam còn nhiều nhà tù như chúng ta vừa viếng thăm. Ông nhìn tôi như chấp nhân rồi quay mặt đi chỗ khác.

27 novembre 1931

Sau đó, theo lời khuyên của bác sĩ Z, tôi đã đi thăm Trung tâm công giáo Xã Đoài, nơi có bà sơ Ignace phát chẩn gạo cho dân nghèo… [Xin ngừng phần này lại ở đây. Một bà sơ đến 10 bà sơ thì cũng chẳng giải quyết được gì. NVL]

Hanoi, 17-12- 1931. Như lời kết

Mượn lời một nhân vật từng tháp tùng bà ký giả trong chuyến đi nà, ông ta cho hay: tất cả những rắc rối hiện nay ở Annam là do một nền hành chánh vô trách nhiệm với việc vô hiệu quả của các nhân viên hành chánh. Hiển nhiên là người Annam thường tỏ ra độc ác với nhau như một thói quen lâu đời do từ các vua chúa đến quan quyền. Họ quen đối xử tàn bạo và coi dân như đồ cỏ rác.Vì thế, nếu tỏ ra khoan hồng với dân thì điều đó bị coi là yếu đuối. Nhưng từ đó áp dụng mạnh tay một cách mù quáng thì thật là bất công.

Đáng nhẽ  khi có những nhân viên hành chánh có lỗi phạm nặng nề thì không thể tha thứ được. Đáng nhẽ phải trừng phạt nặng nề. Người ta lại bỏ qua. Vì thế tồn tại và nảy sinh ra tình trạng kéo bè, kéo đảng rồi lộng quyền rồi bao che cho nhau. Dân bé cổ, thấp miệng kêu cứu vào ai? Từ trên xuống dưới cho thấy sự bất tài như thế được bao che cho nhau.

Đáng nhẽ người ta phải gửi đến đây những người có khả năng và kinh nghiệm nhất-như chất men trong bột- đã có trải nghiệm nhiều năm với dân bản xứ. Họ là những người như công chức nhà Đoan, người khác có kinh nghiệm xây cầu-đường, rồi những bác sĩ, những kỹ sư.. vvv. Trong khi đó, họ lại đưa một số người trẻ, vừa mới ra trường. Bọn này huyênh hoang, tự thỏa mãn về những kiến thức học được hoàn toàn lý thuyết. Họ chỉ biết lo cho những tiện ích cho bản thân họ. Còn lại họ thản nhiên một cách vô tội vạ. Họ hiếm khi nào đi thăm dân tình. Có làng 15 năm, 20 năm chưa gặp một người Pháp nào qua làng. Vì thế, họ không cần biết nỗi khổ của người dân quê chịu sưu cao, thuế nặng, đói ă như thế nào?  Để rồi  họ nghe theo lời dẫn dụ của những kẻ chủ mưu dẫn đường? Những nhân viên hành chánh này không nói được một chữ tiếng Việt. Tất cả tùy thuộc vào viên thư ký bản xứ chỉ lo ăn hối lộ của  những kẻ có nhiều tiền nhất đưa cho họ. Ngay cả một số quan tòa cũng đồng lõa ăn hối lộ..

Trang 129, Ibid.

Nhưng cái lầm lẫn lớn nhất của chúng ta, không thể sửa chữa được  là nuôi dưỡng bọn quan lại Annam. Bọn công chức này ăn hối lộ với một lòng tham vô đáy, hành hạ dân đến nơi đến chốn miễn được lòng cấp trên và được sự bảo hộ của nước Pháp. Phần người dân bản xứ chỉ biết đổ hết sự hận thù và trách nhiệm của bộ máy hành chánh mục nát ấy lên đầu nước Pháp.

Một viên chức hành chánh Pháp thú nhận là đã làm việc tại Phi Châu.. Ông cho rằng bầu khí hoàn toàn khác. Có sự thuận hảo, có một liên hệ thân tình giữa các công chức người Pháp và dân bản địa- một sự hợp tác bền bỉ và tin tưởng lẫn nhau. Tại sao tôi lại rời bỏ Phi Châu? Và tại sao tôi lại có mặt ở đây?

Và ông đã thốt ra những lời đầy thất vọng và cay đắng không khỏi chua chát.

– Có thể trong vòng 15 nữa, những người Pháp của chúng ta đang ở Đông Dương sẽ không có mặt ở đây nữa..và đó là lỗi của chúng ta!

Trang 130, Ibid.

Đôi lời cuối

Sau khi đọc xong tập phóng sự này mà tôi chỉ giới thiệu và dịch lược một vài đoạn tiêu biểu; bạn đọc nên đọc toàn bộ tập phóng sự.

Vào tháng 5, năm 1932, Viollis đã rời Việt Nam đi Tokyo. Trong phần phóng sự trích dịch, tác giả cho thấy đã có bàn tay của cán bộ cộng sản Việt Nam đứng đằng sau các vụ ám sát, biểu tình.Và nhiều người dân quê vô tội cũng như giới trẻ thanh niên nam nữ đã nghe theo lời dẫn dụ của họ và chết oan trong lao tù hay đi đầy, cả việc chịu án tử hình.

 Người ta hình như không bắt được một cán bộ cộng sản chủ chốt nào cả? Rất tiếc người Pháp cách nào đó đàn áp những người dân vô tội là gián tiếp mở con đường cho cộng sản sau này! Không có thuộc địa. Có thể không có cộng sản. Đó là lỗi lầm của người Pháp.

Và quả đúng như lời tiên đoán của một viên chức người Pháp. 15 năm sau, tức năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp hay Đông Dương lần thứ I nổ ra vào ngày 20-12-1946.

Ở Phi Châu, tình trạng đã không xảy ra một cách tệ hại như vậy. Vì một lẽ đơn giản, ở đó chưa có cán bộ cộng sản cài đặt. Và nếu nó có sự tệ hại là do dân trí, hiểu biết chính trị của dân các nước Bắc Phi còn ở một trình độ quá thấp kém. Nói như thế, không có nghĩa là ở những nơi đó không có rối ren, không có bất công, không có đàn áp. Bởi vì chỗ nào có đàn áp, có bất công thì sẽ có rối ren và có thể đi đến nổi loạn.

Nhưng để hiểu rõ thực trạng đất nước mình hơn, tôi cố tìm đọc một tài liệu viết về Bắc Phi, nhất là Algérie. Trong đó có cuốn của Maurice T. Maschino: L’Algérie retrouvée, 2004, trong đó xin chỉ trích dẫn mở đầu đầy ý nghĩa: “ Như tôi đã biết mà không muốn nhìn nhận rằng: một Algérie theo chủ nghĩa xã hội mà đã có thời chúng tôi mơ tưởng chỉ là một ảo tưởng.”

(Maurice T. Maschino. L’Algérie retrouvée, trang 15)

May cho dân tộc Algérie!

Tại các nước này, chế độ thực dân vẫn là một thực thể không chối cãi được. Nhưng một phần không nhỏ là do những hoàn cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo tạo ra những rổi loạn  trong chính nội bội của họ hơn là chế độ thuộc dịa.

Chỉ riêng ở Việt Nam từ chế độ thực dân sang chế độ cộng sản là những giai đoạn đẫm máu nhất, kéo dài nhất và gây tổn hại sinh mạng nhiều nhất xét trên cục diện toàn thế giới trong phong trào giải thực. Hơn ba triệu sinh linh đã chết cho một ý thức hệ ngoại lai mà nếu may mắn họ đã được miễn trừ! Như Thái Lan. Như Singapore và nhiều nước khác.

 Nhiều khi, phải thú nhận sự kém cỏi hiểu biết của chính mình cũng như không đủ cái tâm cảnh khả năng diễn đạt sâu sắc nên ở đây, tôi mượn lời một lần cuốn sách của Maschino ở trên viết về xứ Algérie. Một xứ mà sự đóng góp cho đế quốc thuộc địa nhiều nhất về sinh mạng trong các cuộc thế chiến.

Đọc họ thì như thể đọc chính mình, dân mình, xã hội mình, con người Việt Nam cũng như đất nước Việt Nam. Phải chăng có một mẫu số chung giữa các nước bị trị mà tự bản thân mỗi nước đều có lãnh đạo tồi, đều có một cộng đồng chia rẽ, sâu xé, trên bảo dưới không nghe, óc làm trùm, óc lãnh tụ, v.v..

Xin trích dịch một cách sơ xiển, lấy ý thay lời vài đoạn hầu bạn dọc suy nghĩ về chính hoàn cảnh Việt Nam trước đây và nhất là cộng đồng Việt Nam trong nước, hải ngoại trước đây-bây giờ- lúc này- ở đây-trước mặt.

 “Đất nước Algérie cho thấy một cảnh tượng một xã hội đổ vỡ, tan rã ra từng mảnh, của một thân xác bị chặt ra từng khúc mà mọi thành phần trong thân thể ấy bị gẫy lìa và chỉ tồn tại được cho chính mình. Và thật vô ích nếu người ta muốn đi tìm một mẫu số chung, một sự nối kết thật, một kỷ niệm hay một chương trình chung thì chỉ cho thấy bề ngoài là một sự rối loạn, một thái độ ứng xử không đồng thuận. Người ta chỉ nhận ra sự rạn nứt, gẫy đổ, sự sụt lở, sự bùng phát như thể sau một trận động đất: cấu trúc xã hội sụp đổ, cái khác còn tồn tại, nhưng đã biến dạng, oặn khúc, bị cô lập, một cách vô lý, như thể như một đống gạch của một căn nhà bị cắt làm đôi, còn trơ ra đứng chênh vênh trên bờ vực, một cái bếp lò đã bọp méo hay một cái ghế bành nằm trổng trơ bốn chân trổng lên trời (…) Ở bình diện chung như: miền, dân chúng, quốc gia, dẩng phái, nghiệp đoàn, mỗi thực thể hình như chỉ tồn tại cho chính mình trong sự phủ nhận của người khác.

Chính quyền bản địa không cần biết đến dân chúng, dân chúng không nhìn nhận chính quyền, đảng phái nói dối trá dân chúng và về phần dân chúng những kẻ đua đòi miền này miền kia dòm ngó nhau ganh tỵ và nhục mạ nhau, những gia đình như những bãi bùn tan vỡ và còn có những người đàn ông đè nén người phụ nữ (…)

Nếu người ta muốn nói tới một chính quyền, một cơ chế điều hành xã hội, đặt ra một chính sách và áp đặt quyền hành trên họ, thì như thế không có một chính quyền ở Algérie.

 Chỉ có những phe phái, không có tầm nhìn rộng, không có chút lo lắng về quyền lợi đất nước, không chương trình…”

Maurice T. Maschino, Ibid., trang 163-165

Trích một đoạn văn như thế mà không tặng ai thì uổng. Người viết xin trân trọng gửi đến các ông lãnh đạo hiện nay trong nước và những cộng đồng hải ngoại khắp nơi trên thế giới để tự xét lại mình.

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.