Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp (p3)
Trần Giao Thủy
Đến đầu năm 2000, vẫn còn ít nhất một cựu tù nhân trong đoàn người lên tầu La Martinière, rời Việt Nam sang Guiana và giữa tháng 5 năm 1931. Ông đã lập gia đình ở đây, và dù tuổi đã cao, ông vẫn là một nhân chứng cho trang sử ô nhục của thực dân Pháp.
Ba mươi năm “địa ngục trần gian” của người tù Việt Nam ở Guiana
(Tiếp theo p2)
Những nhà tù thuộc địa là một phần tử quan trọng trong chính sách chính trị-kinh tế của đế quốc Pháp. Nhưng việc thành lập “địa ngục trần gian” dành riêng cho phạm nhân người Việt Nam vào đầu thập niên 1930 đã nhấn mạnh sự tròng chéo, đan xen giữa chính sách tù đầy và và chính sách cai trị thuộc địa của người Pháp.
Với tài liệu ở Centre des Archives d’Outre-Mer (Aix-en-Provence), Série H và những nghiên cứu của những tác gỉa khác như Barbançon Louis-José, Danielle Donet-Vincent[1], một cách khoa khọc đã dựng lên một bức tranh sát với thực tế lịch sử của nhà tù thực dân Pháp dành cho phạm nhân Việt Nam từ 1931 đến khi họ bắt đầu được phóng thích và trả về Việt Nam trong giai đoạn 1954 đến 1963.
Từ cuối thế kỷ 19 (1885) sang hai thập niên đầu thế kỷ 20 (1922), có tất cả 995 phạm nhân người Đông Dương đã bị đầy sang Guiana ở Nam Mỹ. Những tù nhân này là thường phạm hay chính trị phạm? Chưa có một nghiên cứu nào về chủ đề này. Hiện nay ở Guiana chẳng ai còn nhớ nguồn gốc chính xác của những người tù đó; việc đặt tên cho một khu vực dân cư ở Saint-Laurent, giáp ranh Surinam hiện nay, là “Làng người Trung Hoa” (village chinois) chứng minh điều vừa nói. Dân cư ở đó là con cháu của những người tù bị quản thúc tại gia, sống sót và an cư tại vùng đất này sau khi ra khỏi những nhà tù nhỏ.
Sự nổi dậy chống thực dân ở Đông Dương khiến chính quyền Pháp phải có hành động đặc biệt nhằm giải quyết vấn đề. Hai quyết định hành chánh ban hành ngày 10/1/1913 và 11/1/1915 đã quyết định đầy tất cả những chính trị phạm ở Đông Dương ra nhà tù Côn Lôn. Chế độ lao tù khắc nghiệt ở đây từ 1916 đã dẫn đến nhiều cuộc bạo động, nổi loạn trong tù. Kết quả là 437 phạm nhân ở Côn Lôn đã bị đưa đi đầy ở Guiana vào năm 1922.
Năm 1925 kinh tế thế giới khủng hoảng, cao trào đòi độc lập ở Đông Dương nổi dậy khiến cho số thường phạm và chính trị phạm đều tăng nhanh. Chính quyền thuộc địa rất e ngại hậu quả của việc giam thường phạm chung với chính trị phạm và yêu cầu Paris tìm một phương án để “đưa những chính trị phạm có thể lãnh đạo những cuộc nổi dậy trong tù ra khỏi Đông Dương”.
Cùng lúc đó Guiana luôn luôn yêu cầu có thêm lực lượng để “khai khẩn” vùng đất thuộc địa hoang vu. Mục đích khai phá đất thuộc địa này đã được những người dựng lên “địa ngục trần gian” ở đây xác định; năm 1929, Toàn quyền Siadous[2] viết,
“Người Ả Rập và Châu Á có khả năng chống chịu được khí hậu (…) Để phát triển Guyana, người châu Á và người Madagascar thích hợp [với Guyane] hơn người Ả Rập, họ có khả năng chịu được khí hậu nhiệt đới, chăm chỉ hơn, điều độ hơn; đó là những đặc tính Guiana muốn nhập cảng.”
Toàn quyền Siadous
Ngay trước đó, Toàn quyền Varenne ở Đông Dương (1925-1928), người được cho là có chính sách nhân đạo với đường lối tương đối cấp tiến hơn những người tiền nhiệm, cũng ủng hộ việc đưa phạm nhân Đông Dương sang “khai khẩn” Guiana với điều kiện xứ này phải trang trải chi phí. Ngôn ngữ và chính sách của người Pháp lúc đó cho thấy phần nào cái nhìn của họ đối với người dân thuộc địa và những kẻ phạm tội.
Bị áp lực từ cả hai phía, Saigon và Cayenne, Paris đã phái một ủy ban thanh tra sang Đông Dương để xem những tù nhân nào có thể đưa sang Guiana. Cùng lúc đó nhiều “sự kiện” xẩy ra ở nhà tù Lao Bảo đã khiến ủy ban thanh ra đi đến kết luận, việc đưa phạm nhân sang những nhà tù ở Guiana hay ở châu Phi vùng xích đạo là một giải pháp “nhân đạo” làm giảm số phạm nhân quá đông trong nhà tù ở Côn Lôn; về mặt chính trị, giải pháp này giúp chính quyền thực dân ngăn chận được sự phát triển của phong trào đòi độc lập. Pasquier, Toàn quyền Đông Dương, yêu cầu chính phủ Pháp khẩn cấp đưa chính trị phạm sang đầy ở “Quần đảo Cứu rỗi” (Iles du Salut) ngoài khơi cách Kourou, Guiana khoảng 15 cây số.
Tất cả những quyết định này xẩy ra trong khi quần chúng và cánh tả ở Pháp, và ngay cả những nhân vật nổi tiếng trong ngành tư pháp – như thẩm phán Paul Matter, Chủ tịch đầu tiên của Tối cao Pháp viện, và Gaston Monnerville, một luật sư trẻ người Guiana – đồng lòng phản đối chế độ nhà tù ở Guiana. Những áp lực của công chúng và vấn đề tù nhân châu Á, với cuộc vận động chống chế độ lao tù có thêm sự tiếp sức của Liên minh Nhân Quyền. Họ và người Đông Dương tại Paris đã tổ chức biểu tình phản đối vào ngày 22 tháng 5, 1930.
“tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những công tác sẽ được thực hiện trong vùng đất hoang vu tại lãnh thổ tự trị Inini. Sức lao động của người Đông Dương sẽ là công cụ để xây dựng một trại tù đặc biệt dành cho người Đông Dương tại lãnh thổ Inini.”
Bộ trưởng Thuộc địa Pháp
Ngày 6 tháng 6, 1930, chính quyền Pháp khoanh vùng đất miền nam bờ biển Guiana tạo ra lãnh thổ Inini tự trị, tách ra khỏi quyền quản lý của ban giám đốc nhà tù và những dân biểu địa phương, và đặt dưới quyền kiểm soát của Paris qua trung gian viên Toàn quyền Guiana. Bộ trưởngThuộc địa lập tức công bố họ muốn lập những trại tù cho người Đông Dương để khai phá vùng đất này, và báo cho Cayenenne biết,
Trong cuộc họp phê chuẩn ngân sách cho thuộc địa, một tuần sau đó, một lần nữa cho thấy cánh tả ở quốc hội lại lên tiếng phản đối chính sách đàn áp của Pháp ở Đông Dương, chống lại việc đầy tù nhân Đông Dương sang Guiana, và đặc biệt là phản đối việc dùng chính trị phạm trong những công tác khai khẩn và phát triển thuộc địa.
Trước những phong trào phản kháng này, Bộ Thuộc địa đã rút lại quyết định, không cho phép Saigon đầy chính trị phạm sang Quần đảo Quỷ nữa[3]. Tuy nhiên chính quyền Paris viết, “Những thường phạm bị kết án tử hình, khổ sai chung thân, v.v. đều được coi là thường phạm” bất kể bị kết án vì lý do gì. Tuy vậy danh sách tù nhân gởi sang Guiana cho thấy đa số họ là những người “âm mưu chống lại nhà nước” tức là chính trị phạm. Để làm dịu tình hình chống đối, chính phủ Pháp đã rút lại văn thư cho phép đưa những phạm nhân Campuchia, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đi đầy.
Tuy nhiên Paris lại có một biện pháp ngoại lệ cần được nhấn mạnh, đó là tất cả những người đã tham gia trong cuộc nổi dậy của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái vào tháng Hai, 1930, đều sẽ bị đưa đi đầy ở Guiana.
Việc khai phá, mở đường đất làm đường xe lửa, xây dựng thị trấn ở Guiana luôn luôn được coi là mục đích chính kể từ khi có chính sách đầy thường phạm đi tù khổ sai biệt xứ bắt đầu từ 1852. Song song, “cải huấn” cũng là mục đích để phạm nhân có thể trở lại “đời sống bình thường” tại Guiana sau khi đã mãn hạn khổ sai. Diễn ngôn của chính quyền thực dân ở thập niên 1930 về vấn đền tù nhân và khai phá thuộc địa vẫn như thuở ban đầu, không có gì thay đổi. Ngày 27 tháng Mười, 1930, toàn quyền Pasquier tuyên bố, “Đầy phạm nhân sang khai khẩn vùng đât hoang vu ở Guiana là việc cần thiết” dù đó là phạm nhân bị toà của chính phủ Pháp hay ở thuộc địa kết án. Chính quyền Pháp đã củng cố chính sách này bằng văn bản ký ngày 22 tháng Giêng 1931 (đã đăng trên Công báo, Luật và Sắc lệnh ngày 31 tháng Giêng). Và để tránh sự tranh cãi ồn ào, cũng như đỡ bị phản đối ở quốc hội chính phủ Pháp đã nhấn mạnh với chính quyền thuộc địa ở Saigon là không được đưa chính trị phạm đi đầy khổ sai biệt xứ. Nhưng họ không thể đánh lừa được quần chúng vì, chính Thiếu tướng Billotte, chỉ huy trưởng quân đội Pháp ở Đông Dương đã viết về những nhân viên được chỉ định hộ tống chuyến tầu đưa phạm nhân đến Guiana,
“Những người có trách nhiệm sẽ bảo đảm an ninh trật tự trên tàu Martinière chở đoàn chính trị phạm ở Côn Lôn sang Guiana (…)”
Thiếu tướng Billotte
Hơn nữa cũng đang lưu ý đến là lý luận của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Paul Reynaud. Đối với Reynaud những phạm nhân bạo động, tấn công hay phá hoại dù vì lý do chính trị cũng có thể được xếp vào hạng thường phạm. Chỉ có những người bất đồng chính kiến và bất bạo động, không phá rối trị an mới được coi là chính trị phạm, và không bị đi đầy khổ sai biệt xứ[4].
Cả Saigon và Paris đều muốn đưa 1.400 phạm nhân Việt Nam sang đầy khổ sai ở Guiana. Nhưng dù cố gắng đến đâu đồng thời muốn tránh sức ép ở quốc hội, chính quyền thực dân ở Việt Nam cuối cùng cũng chỉ gom góp được 535 phạm nhân hội đủ những tiêu chuẩn do Paris áp đặt. Đồng lòng với chương trình khai phá và phát triển khu tự trị Inini ở Guyana, trong lá thư viết ngày 27 tháng 4, 1931, Toàn quyền Pasquier viết cho nhân viên ở thuộc địa,
“Bộ trưởng (…) nhất định phải có 700 phạm nhân đưa sang Inini trong chuyến đầu tiên. Để làm vui lòng Bộ [Thuộc địa], quý vị hãy cố gắng bằng mọi cách tìm ở mọi nhà tù những phạm nhân nào có thể đưa đi (…)”
Toàn quyền Pasquier
Tuy vậy, thực dân cũng không tìm được 700 người tù để đầy đi Guiana, làm vui lòng Bộ Thuộc địa. Dù chỉ có 535 phạm nhân bị đi đầy sang Guiana, nhưng chính quyền thuộc đia ở đây và ở Saigon đã tranh cãi dai dẳng về câu hỏi chính phủ nào phải chi trả phí tổn cho “công tác” này. Chung cuộc, chính quyền thực dân ở Saigon phải trả phí tổn.
Vì cao trào đòi độc lập và những cuộc biểu tình của dân chúng vẫn liên tục xảy ra, cả Saigon và Paris rất lo ngại, canh gác nghiêm ngặt việc ra vào ở bến cảng, cấm chụp hình, chuẩn bị để La Martinière rời Việt Nam. Ngày 17 tháng Năm, 1931, chuyến duy nhất chở 535 phạm nhân trên tầu La Martinière từ Côn Lôn — vượt Ấn Độ Dương, rồi Đại Tây Dương — đến Guiana đã khởi hành vô sự.
Tù nhân đều biết điều kiện khắc nghiệt ở nhà tù nổi La Martinière như thế nào, và điều không tránh được đã xẩy ra, 3 tù nhân chết trước khi tàu đến bờ biển Guiana.
Dù chỉ chở một chuyến 535 tù nhân, không phải 1.500 người như đã định, công ty Nantaise, chủ con tàu La Martinière đã dọa kiện Bộ Thuộc địa Pháp và cuối cùng cũng được trả đủ chi phí cho hai chuyến tàu chở 700 tù nhân. Toàn quyền Pasquier ngậm đắng nuốt cay vì đã “quá tốn kém cho ngân sách của thuộc địa và không còn hứng thú gì với Đông Dương” vì những chính trị phạm đã bị loại ra khỏi đoàn phạm nhân đưa đi đầy ở Guiana.
Như thế, trong 535 tù nhân việt Nam bị đầy sang Guiana năm 1931 có bao nhiêu người là chính trị phạm, có bao nhiêu nghĩa quân Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc nổi dậy ở Yên Bái và những nơi khác, cũng như có bao nhiêu người trong các chính đảng khác? Vì áp lực của quần chúng Paris, của Liên minh Nhân quyền, của cánh tả ở quốc hội Pháp, của giới tư pháp, v.v. Pasquier không thể làm trái lệnh của Bộ Thuộc địa. Do đó, nếu có chính trị phạm bị luồn lách để vào danh sách tù nhân đầy sang Guiana trên chuyến tàu khởi hành ngày 17 tháng Năm 1931, thì họ cũng chỉ là số ít.
Bị đầy đọa ở “địa ngục trần gian” hay đi khai phá đất thuộc địa hoang vu?
Sau 43 ngày trên biển, đoàn người tù đến Cayenne ngày 30 tháng Sáu năm 1931 và được xe vận tải đưa đến trung tâm tạm giam, cách biệt hẳn với những tù nhân từ Pháp và từ châu Phi. Tháng Bẩy, 1931, một phần trong số 535 phạm nhân Việt Nam được chuyển sang trại giam ở Saint Laurent du Maroni; tại đây, tù nhân Đông Dương vẫn bị giam riêng. Ngay khi vừa đến, ba mươi người bị bệnh quai bị; sau đó một số tù nhân khác bị đau ruột và bệnh phổi nặng, 137 người phải vào điều trị ở bệnh viện, 6 người chết ở đó.
Thực phẩm và quần áo cho tù nhân
Khẩu phần hàng ngày của người bị kết án được ấn định theo Điều 5 của Chương II (Sắc lệnh về hệ thống nhà tù đặc biệt EPS[5]) như sau:
– cơm khô, 700g.
– thịt tươi hoặc thịt muối, hoặc cá khô, 200g.
– rau xanh hoặc trái cây, 300g.
– rau khô,150g.
– muối, 20g.
– trà, 5g.
– mỡ, 20g.
– nước mắm, 15g.
Ngoài ra, việc cung cấp thuốc (pâtes azotées, 20 g đến 40 g mỗi ngày và mỗi người) phải theo đơn để phòng ngừa và điều trị bệnh suy dinh dưỡng do thiếu vitamin B1. Mặt khác, tù nhân không được uống rượu.
Y phục cho tù nhân gồm:
– mũ kiểu người bản xứ
– 2 bộ quần áo vải
– chăn len
– 2 khăn
– một đôi giày
– một đôi băng quấn bắp chân (sà cạp) theo kiểu Đông Dương
– một cái bát, một cái ca và một cái muỗng
– một bàn chải
– áo tơi rơm theo mẫu Đông Dương
– mùng
– áo len
Ngoài ra, mỗi người mỗi tuần được phát 200g xà phòng.
Ở nhà tù Cayenne, phạm nhân đòi tăng khẩu phần, thịt và cơm bằng với phần ăn dành cho tù nhân người Đông Dương. Toàn quyền Guiana không chấp thuận. Tù nhân tuyệt thực và có người yếu đến nỗi bị bắt buộc phải ăn. Loạn trong tù lan rộng đến nhóm tù nhân người Đông Dương, Toàn quyền Guiana dùng bạo lực để trấn áp phong trào độc lập do “những người lãnh đạo (…) ở ngay trong nhóm tù nhân rất đặc biệt này” chủ động.
Không lâu sau đó tất cả tù nhân từ Việt Nam được đưa sang một trại giam riêng, do lính thuộc địa người Senegal canh gác. Lập tức người tù Việt Nam tỏ thái độ. Toàn quyền Guiana thuật lại,
họ “ghê tởm, và xem thường những người lính Senegal là thua kém họ, và đối với tù nhân Việt Nam thì sự canh gác nghiêm ngặt của lính Senegal cũng là một tội nặng không kém màu da đen của họ.”
Toàn quyền Guiana
Tù nhân Việt Nam coi việc để lính Senegal canh giữ tù nhân là một hành động khinh miệt người Việt Nam và đòi toàn quyền Guiana phải thay lính gác tù là người da trắng[6]. Lính Senegal cũng “ghê tởm” tù nhân Việt Nam. Trước “phong trào đồng loạt xôn xao” trong trại tù đặc biệt cho người Việt Nam, toàn quyền Guiana đã khẩn cấp yêu cầu Paris “biệt phái sĩ quan da trắng sang (…) để bảo đảm cho sự cai quản hợp lý và an bình đối với lực lượng lao động đặc biệt này.”
Vấn đề kỳ thị chủng tộc và thực tế của chính trị thuộc địa đã bị phơi bầy với lý do vì công lý.
Đường từ Cayenne đến trại Vũng Lươn (Crique Anguille), nhà tù giam phạm nhân Việt Nam. Nguồn: Google Maps.
Những năm tháng tù đầy ở Guiana trong tình trạng khắc nghiệt gần như tất cả những tù nhân khác đã không làm giảm sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh của người tù Việt Nam. Vào tháng Mười một năm 1937, tại trại tù Vũng Lươn (Crique Angille), 152 phạm nhân Việt Nam nhất định không làm việc và tuyệt thực. 42 người đã phải vào bệnh viện bị bắt buộc phải ăn.
Nguyên nhân của cuộc đình công tuyệt thực này là một thông báo của chính quyền thuộc địa cho hồi hương một số phạm nhân Việt Nam vì lý do “chính trị hay những dữ kiện có liên hệ đến chính sách”. Đối với tù nhân Việt Nam, biện pháp trả tự do nửa vời là bất công vô lý.
Đến tháng Giêng 1938, Tòa Sơ thẩm Cayenne đã kết án 98 người Việt Nam trong vụ nổi loạn 6 tháng tù, 1 người bị 1 năm tù, 1 người bị một năm biệt giam, 24 người bị 18 tháng biệt giam. Không một ai trong đám tù nhân Việt Nam lên tiếng tố cáo “những người lãnh đạo” của cuộc nổi dậy này. Cuộc điều tra sau đó cho thấy những người này đã tập hợp trong một “nhóm” có tổ chức rõ ràng, và họ liên lạc với báo giới và những chính khách ở Paris. Tóm lại, mặc dù chính thức phủ nhận, họ là những người hoạt động và vận động chính trị, chống lại sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương. Một phúc trình của thanh tra cảnh sát viết hồi tháng Tám năm1938, mà nhà chức trách đã làm ngơ, về những sự kiện xẩy ra năm 1937, 1938 cho thấy những người tù đó phần lớn thuộc
“giới trí thức (cựu nhà giáo, cựu nhân viên ngân hàng, cựu sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội), tất cả thành viên của tổ đối kháng (la cellule des sicaires), một thuật ngữ dùng trong chính quyền thực dân, có tính miệt thị và không đúng là “hồng vệ binh” của đảng Cộng sản Đông Dương.”
Phúc trình của thanh tra cảnh sát
Bản báo cáo cũng cho biết họ là những người ăn nói lưu loát và có ảnh hưởng đối với bạn đồng tù. Sau cùng bản báo cáo còn cho biết họ đã phát giác ra có những trao đổi thư thừ thường xuyên giữa những tù nhân Việt Nam và tổ chức Cứu tế Đỏ Quốc tế (International Red Aid hay le Secours Rouge International, một tổ chức do Cộng sản Quốc tế thành lập từ năm 1922).
Tổ chức hành chính của hệ thống nhà tù đặc biệt ở Inini gồm một văn phòng ở Cayenne, hai trại tù, một là trại Vũng Lươn (Crique Angille, phía bắc sông Tonnégrande) thành lập từ tháng Tám 1931, hai là trại Hổ Nhảy (Saut-Tigre, bên sông Sinnamary) thay cho trại Rừng (La Forestière, bên sông Maroni) dựng lên từ tháng Chín, vì quá gần với khu trại tù thuộc vùng Maroni.
Theo quyết định hành chánh ngày 19 tháng 9, năm 1931, Vũng Lươn được xem là thị trấn chính của miền Trung Guiana (circonscription du centre). 60% số tù nhân Đông Dương bị giam giữ và làm công việc đặt đường sắt dẫn đến những mỏ khai thác vàng. Tuy vậy, đến tháng Chín 1926, năm năm sau khi tù nhân Việt Nam đến trại Vũng Lươn, vẫn chưa có con đường sắt nào hoàn tất
Một vấn đề liên hệ đến sức khỏe của tù nhân kiến bác sĩ trại tù phải đặc biệt chú ý đến. Bác sĩ thấy món rau khô và gạo lức qua kém trong khẩu phần của người tù là nguyên nhân gây ra bệnh “đau bụng” (colic). Người Việt Nam đã quen ăn cơm; phải mất nhiều tháng do dự, ban giám đốc trại tù đặc biệt mới cho phép tù nhân câu cá; cá là một trong những món chính trong bữa ăn thường nhật của người Việt Nam; và cá còn dùng để làm nước mắm; gạo lức của Đông Dương đã xuống cấp, ban quản lý trại tù phải mua gạo từ Surinam. Ngoài vấn đề suy dinh dưỡng, tù nhân còn vướng phải một số bệnh địa phương như sốt rét, lao phổi. Trong hai năm, 1934 đến 1936, hai mươi tù nhân đã chết vì “bệnh sốt rét tiểu ra máu” (sốt rét nước tiểu màu đen, Blackwater fever hay fièvre bilieuse hémoglobinurique). Một số người khác đã tự sát.
Mặc dù vậy, vào năm 1936, trong một bài tiểu luận, Toàn quyền Guiana đã đã kết luận rằng, theo ông, ông đã cho khai phá và phát triển vùng thuộc địa tự trị Inini và đã có kết quả khả quan. Ngoài ra, ông tuyên bố rằng mực sống của người tù tại đây cao hơn mức sống của những người trung nông ở Đông Dương. Người tù khổ sai biệt xứ, dưới sự lãnh đạo của ông, đã sống trong bầu không khí nhân từ.
Tháng Mười 1933, có 518 người tù Đông Dương đang bị tù khổ sai ở Inini, lúc đó Toàn quyền Guiana lại thúc dục Paris tiếp tục gởi tù nhân Việt Nam sang đây, ông ta tuyên bố, “với bất cứ giá nào, phải đưa dân vào khai khẩn thuộc địa đang chết dần mòn là điều cần thiết.” Nhượng bộ của Paris là tăng 50.000 quan Pháp cho ngân sách để trả chi phí chuyên chở thân nhân muốn đoàn tụ với người tù ở Guiana. Toàn quyền Guiana nhận đinh,
“Đây có thể bước đầu của cuộc di cư trực tiếp mà không còn nghi ngờ gì, trí thông minh và tính chuyên cần của người Đông Dương [Việt Nam] sẽ là những đóng góp đáng giá trong công cuộc phát triển vùng Inini này.”
Toàn quyền Guiana
Và chính vì những đánh giá như vậy, viên Toàn quyền Guiana đã đem 11 người tù Việt Nam về làm gia nhân trong dinh thự của ông mà không tốn một xu nào. Nhưng cuối cùng Paris cũng phát giác ra hành động tham những, lạm dụng quyền lực: sức lao động của người tù Việt Nam là để làm đường sắt dẫn đến mỏ vàng ở thuộc địa chứ không phải để lau nhà và hầu bàn cho quan lớn và gia đình của ông Toàn quyền trong dinh thự.
Đến năm 1937, có 7 tiệm tạp hóa của người Việt Nam tại trại Vũng Lươn, 4 tại trại Hổ Nhảy; 1 tù nhân Việt Nam trở thành nhân viên trong dự án khai thác vàng của hãng Société Nouvelle de Saint-Élie; 4 người khác làm công ở nông trại và đánh cá. Những người này, như tất cả tù nhân đã mãn hạn tù được tự do, đều bị giới hạn trong việc đi lại. cản trở việc sinh nhai và gây ảnh hưởng tiêu cực dến tinh thần của họ.
Đường về mờ mịt
Mặt trận Bình Dân (liên minh cánh tả gồm phe cộng sản, xã hội, và cộng hòa-xã hội) chiếm đa số trong kỳ bầu cử quốc hội Pháp năm 1936, và chính phủ do Thủ tướng Leon Blum, lãnh đạo khối Công nhân Quốc tế Pháp, đưa ra một số cải tổ xã hội, và những đối xử tương đối khoan nhượng hơn đối với tù nhân bị giam giữ ở Đông Dương. Vì những loạt ấn xá đối với tù nhân ở Việt Nam, Toàn quyền Đông Dương cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng nhắc nhở Paris rằng những người tù đó, khi vừa ra ngoài ngưỡng của nhà giam, sẽ trở lại hoạt động phá hoại để lật đổ chính quyền thuộc địa.
Trong khi đó, những tù nhân Việt Nam ở Guiana hy vọng họ sẽ sớm được trả tự do, và đã hoàn toàn thất vọng khi Paris ký sắc lệnh ngày 29 tháng 9, 1936, tuyên bố 19 người trong số họ là “chính trị phạm” được tha bổng và cho phép hồi hương. Cuối cùng 15 “chính trị phạm (bốn người khác đã biến mất, chết hay đã vượt ngục, không ai biết) đi qua Saint Nazaire, rồi Marseille trước khi trở lại Việt Nam dưới sự canh gác nghiêm ngặt. Vừa đặt chân đến Paris mười lăm cựu tù nhân đã được Ủy ban Đoàn kết người Việt tại đây đón tiếp và họ lập tức đòi trả tự do cho tù nhân Việt Nam còn đang bị giam giữ ở Inini. Đồng thời cựu tù nhân Inini cũng đòi được hướng dẫn để họ có thể nói chuyện với chính quyền thuộc địa để không bị làm khó dễ khi về nước.
1938, đến lượt tù nhân người Campuchia được trả tự do và hồi hương. Bộ Thuộc địa, dù trễ, đã hiểu rằng không ai có thể chống đối họ trước pháp luật.
Mặc đầu có hàng loạt ân xá vì áp lực của công chúng và của Liên minh Nhân Quyền, chính quyền Pháp cũng không hoàn tòan từ bỏ dự án dùng tù nhân Đông Dương đưa đi khai khẩn những vùng đất thuộc địa hoang vu. Quyết định hành chánh ngày 18 tháng 9, 1936 giải quyết bề mặt của những nhượng bộ đối với tù nhân Việt Nam ở Inini. Ngày 11 tháng 4 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié khơi lại vấn đề, ông cho rằng việc cho hồi hương những tù nhân trở về thuộc địa ở châu Á của Pháp không có trong chương trình nghị sự và đi ngược lại sự mong đợi của một thành phần thuộc giai cấp chính trị Pháp và những người quan tâm ở đây.
Tại Guiana, thế chiến thứ hai đưa đến nạn vô cùng thiếu thốn thực phẩm khiến toàn thể tù nhân, đủ loại sắc tộc, là những người đầu tiên phải gánh chịu.
Cuộc biểu tình “Giải phóng Pháp” (Le ralliement à la France Libre) ngày 16-17 tháng Ba, năm 1943 đã đem lại cho Guiana một chính quyền thuộc đia mới, Toàn quyền Jean Rapenne thay René Veber và đã thực hiện nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nhà tù ở đây[7].
Trong khuôn khổ chung, để đơn giản hóa và tổ chức lại hệ thống nhà tù thuộc địa và chờ quyết định “giải thể” theo lệnh (của De Gaulle) từ Algeria ngày 4 tháng 5, 1944, tù nhân Việt Nam ở trại giam đặc biệt tại Inini đã được đưa về trại tù chính (theo quyết định ngày 6 tháng 12, 1944). Tuy nhiên vẫn như trước, những tù nhân Việt Nam vẫn bị giam riêng biệt, không chung đụng với tù nhân từ những quốc gia khác.
Những thường phạm ở nhà tù chính bắt đầu rời Guiana từ tháng 7 năm 1946. Tù nhân sau cùng trong những trại giam này đã về lại Pháp vào tháng 8, năm 1953. Nhà tù thuộc địa, hay “địa ngục trần gian” là chuyện có thật.
Đến đầu năm 2000, vẫn còn ít nhất một cựu tù nhân trong đoàn người lên tầu La Martinière, rời Việt Nam sang Guiana và giữa tháng 5 năm 1931. Ông đã lập gia đình ở đây, và dù tuổi đã cao, ông vẫn là một nhân chứng cho trang sử ô nhục của thực dân Pháp. Ông đã kể lại bạo lực thực dân đã dùng trong cuộc lùng bắt và kết án ông ở Việt Nam. Người tù Việt Nam tuyệt vọng khi bị đầy đi tù khổ sai biệt xứ. Ông nhấn mạnh đến việc có thường phạm trong nhóm chính trị phạm. Ông kể lại phải làm việc khó nhọc ở mỏ, rồi ông được trả tự do, và mối quan hệ của ông với Guiana mà đến nay đã trở thành đất nước của ông
Tại Guiana ngày nay, cách câu cá do người Việt Nam đem sang vẫn thịnh hành. Như vậy, chúng ta có thể kết luận, như một trong nhân vật lãnh đạo Guiana năm 1938, “kinh nghiệm” ở Inini với việc đem chính trị phạm tận Việt Nam sang khai phá mảnh đất thuộc địa này là một điểm “tích cực” hay không? Dầu sao đi nữa chúng có thể khẳng định rằng khoảng thời gian đó trong lịch sử “địa ngục trần gian” ở Guiana, là một khoảnh khắc không thể quên trong dòng lịch sử thuộc địa của Pháp.
(Xem tiếp phần Kết và Epilogue)
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.
Tài liệu tham khảo:
Donet-Vincent Danielle, “Les bagnes des Indochinois en Guyane (1931-1963)”. Outre-mers, tome 88, n°330-331, 1er semestre 2001. Outre-mers économiques : de l’Histoire à l’actualité du XXIe siècle. pp. 209-221. DOI : https://doi.org/10.3406/outre.2001.3849. URL: www.persee.fr/doc/outre_1631-0438_2001_num_88_330_3849.
Jean-Lucien Sanchez. “La relégation des récidivistes en Guyane française. Les relégués au bagnecolonial de Saint-Jean-du-Maroni, 1887-1953”. Histoire. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (EHESS), 2009. Français. <tel-00506778>.
[1] Danielle Donet-Vincent, tiến sĩ khoa sử, cựu giám tuyển hội nhà văn, chuyên nghiên cứu về nhà tù thuộc địa của Pháp. Donet-Vincent là thành viên của nhóm nghiên cứu về lịch sử các nhà tù thời Đệ tam Cộng hòa, và nhóm hội thảo do Robert Badinter và Michelle Perrot dẫn đầu tại trường cao đẳng Khoa học Xã hội ở Paris (EHESS). Tác phẩm của Donet-Vincent: “La fin du convale 1923-1953” (Rennes, Ouest-France, 1992) và “De soleil et de silences: histoire des bagnes de Guyane” (Paris, la Boutique de l’histoire, 2003).
[2] Jacques Bernard Victorin Siadous (Pamiers , 30 July 1879 – Toulouse , July 14 năm 1967 ) là Toàn quyền của Guyana (1929-1931) và New Caledonia (1933-1936).
[3] Tháng 2, 1931, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Paul Reynaud cam đoan với các dân biểu Khối Công nhân Quốc tế Pháp (SFIO) và đại diện của Liên minh Nhân quyền rằng không có chính trị phạm trong số tù nhân bị đầy khổ sai biệt xứ ở Guiana.
[4] Christèle Dedebant, “Saïgon-Cayenne, les derniers déportés politiques de la Guyane”, Une Saison en Guyane, N°13 – août 2014, p 82-89.
[5] Yvan MARCOU, “Dossiers. Les Ombres Du Bagne”. Un film documentaire diffusé courant 2006 sur les chaînes: ARTE – RFO et FRANCE 3 (Limousin-Poitou Charente).
[6] Gần một thế kỷ sau một số người Mỹ gốc Việt — cựu thuyền nhân Việt Nam di cư đến Mỹ sau 1975 đã nhập tịch — vẫn giữ chặt cái văn hóa kỳ thị chủng tộc khi nhận xét về “thằng da đen”, tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Barack Obama, hay đệ nhất phu nhân “mặt như con khỉ”, Michelle Obama.
[7] Jean-Lucien Sanchez. La relégation des récidivistes en Guyane française. Les relégués au bagnecolonial de Saint-Jean-du-Maroni, 1887-1953. P 744-5. Histoire. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (EHESS), 2009. Français. <tel-00506778>.