Bước đầu nhận thức về tập hợp quan điểm cộng sản
Huỳnh Việt Lang
Tóm lại, một thứ chế độ thoái hóa Việt Nam cần kết thúc. Xa hơn, việc tân trang một chủ nghĩa phản động như Marx Lenin là bất khả thi, cần thay hẳn vào đó là một thái độï đoạn tuyệt dứt khoát.
Nếu thiếu kiềm chế, việc xoáy sâu vào những phân tích khi đề cập đến vai trò của các ông tổ cộng sản cùng đảng cộng sản Việt Nam, có khả năng dễ phát sinh những hậu quả không tích cực, không có ích cho phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay. Người Việt mình không thương nhau thì làm sao mà có thể trông mong vào ai khác. Được viết từ Sài gòn, những vất vả phải chịu từ việc lẩn tránh các móng vuốt công an, mật vụ đã làm thui chột không ít độ nhạy cảm của người viết về một chế độ cực quyền toàn trị. Tuy nhiên, những tìm hiểu này hòng mong có thể đóng góp một phần bé nhỏ trong việc tìm ra phương cách giải quyết những hậu quả do nhóm cầm quyền đảng cộng sản gây ra trong suốt quá trình thao túng chính trường Việt Nam. Hiện nay, chủ nghĩa cộng sản trở thành một đầm lầy không đáy, đã kéo tuột hàng loạt chính quyền Đông Âu và Liên bang Xô viết chết đuối trong nó. Ở nước ta, sự tồn tại đầy ngoan cố kia có khả năng gây ra một nguy cơ lớn hơn: bước sa chân của đảng cộng sản còn kéo theo cả tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, những nghiên cứu về đảng cộng sản còn là một công tác không thể thiếu được trong quá trình kiện toàn chiến lược đấu tranh của phong trào dân chủ cả nước hiện nay.
Chủ nghĩa cộng sản như một chất diêm sinh, sẽ mãi nằm yên đâu đó nếu không có K. Marx – F. Engels tìm tòi và hệ thống chúng lại. Với chủ trương cách mạng tiến hành bằng bạo lực, V.I. Lenin đã biến chủ nghĩa cộng sản thành que diêm, không che dấu ý định từng bước đốt cháy cả thế giới bị mệnh danh là tư bản.
Ngày nay, có nhiều nhà phân tích cất công tìm hiểu nguyên nhân tại sao Hitler lại có một mối thù bất cộng đái thiên cùng người Do Thái. Ý tưởng diệt Do Thái đã xuất hiện trong Mein Kamp từ năm 1925, quyết định đưa ra từ cuộc họp tại lâu đài Heinrich Himmler vào mùa xuân năm 1941 chỉ là những bước hiện thực hóa. Bởi đứng trên bình diện nhân bản, khó ai có thể chấp nhận được lý luận: để phát triển được chủ nghĩa quốc xã, Hitler cần phải có một kẻ thù bằng xương bằng thịt. Trong cuộc cách mạng xử dụng bạo lực loại trừ một cộng đồng để bảo vệ lợi ích một cộng đồng, phải có ai đó bị gắn nhãn “kẻ thù của nhân dân” để đưa đến các trại tập trung… Với một người Đức khác, đó là hình thức đấu tranh giai cấp thì cuộc đấu tranh của Hitler là thanh lọc sắc tộc, cộng đồng bị gắn nhãn kẻ thù của quốc xã Đức người gốc Do Thái. Chẳng có chi hàm hồ khi cho rằng cũng có thể đó là di dân Việt Nam – nếu Hitler sinh vào cuối thế kỷ XX. Hàng loạt vụ hành hung người Việt đến chết ở Nga là bằng chứng hùng hồn cho lập luận này. Tương tự, chủ nghĩa cộng sản cũng cần một kẻ thù để tiêu diệt để tổ chức cách mạng được phát triển. Lần này nạn nhân không rơi vào một cộng đồng ngoại kiều, mà là một thành phần dân cư đồng chủng tộc bị gán danh là giai cấp tư sản. Những tiêu chí xác định giai cấp và kẻ thù giai cấp quá mơ hồ, các quy chuẩn thành phần không căn cứ trên các chỉ số khách quan mà là những nhận xét về ngoại diện đầy cảm tính. Có lẽ những người bị liệt vào giai cấp tư sản trong thời kỳ đầu sẽ đỏ mặt vì bối rối khi thấy những kẻ tự nhận là giai cấp vô sản vẫn rất dứt khoát về lập trường, chẳng chịu đem cái quần và người phối ngẫu (vợ/chồng) của mình ra xử dụng chung trong tập thể. Đồng thời cực kỳ thắc mắc, một khi xóa bỏ quyền tư hữu tức triệt tiêu một động lực của lao động, thì con người có còn cần làm việc nữa hay không.
Những thắc mắc này trở thành nỗi kinh hoàng, một khi “bọn tư bản” đã bị quét sạch khỏi Liên xô và Đông Âu, giai cấp thống trị mới tỏ ra khéo tay hơn trong việc bóc lột nhân dân. Xã hội khốn cùng trong nghèo đói, chẳng ai dám kêu la trước mạng lưới công an mật vụ theo dõi ngày đêm nghiêm nhặt. May thay, cuối cùng ngọn lửa cộng sản hoành hành ở Nga và Đông Âu đã bị dập tắt, chỉ còn sót lại dăm đốm than hồng tại Cu Ba và vài nước châu Á khác. Một may mắn với đa số và kém may mắn với những quốc gia như Việt Nam chúng ta.
I. Marx đã mad khi thôi nghiên cứu xã hội dưới bình diện triết học
Một mặt nào đó là cực kỳ vô lý, khi dùng những kiến thức hiện đại để chỉ trích một quan niệm về đảng có từ năm 1848 (năm ra đời Bản Tuyên ngôn cộng sản). Song điều vô lý này chẳng thấm vào đâu nếu so với mức độ bất công đã lên đến cùng cực khi: một tập thể chính trị đi áp đặt lên một quốc gia những tri thức xã hội đã có trước đó già 150 năm, đã vậy lại còn ghi vào Hiến pháp.
I.1. Ai thắng ai
Ngày nay, chẳng hiểu vì sao khi nhắc đến những người có công xây dựng khối Liên hiệp châu Âu, người ta lại quên béng đi Lenin. Từ những năm 1924, hiến pháp Liên xô đã ghi những lời mở đầu là: “Nhà nước mới xô-viết là … một bước quyết định mới trên con đường thống nhất những người lao động tất cả các nước vào Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Thế giới”, với bước đầu cần thực hiện chính là thành lập Liên bang xô viết châu Âu. Nguyên nhân không nhắc đến lãnh tụ cộng sản trứ danh này có lẽ do cơ cấu Liên hiệp châu Âu có đủ nghị viện, tòa án, hiến pháp và đồng tiền chung; song lại thiếu mất một nền “chuyên chính của giai cấp vô sản”…
Marx đưa ra nhận định: “chủ nghĩa tư bản phải sụp đổ cùng với sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa cộng sản” như một tiên đề tư tưởng; sau khi qua tay những tham vọng chính trị như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, nhận định này trở thành một kết luận chính trị. Bước suy luận liều mạng này đã đẩy những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản trở thành những độc giả xem truyện kiếm hiệp chương hồi bất đắc dĩ, bởi chẳng ai trả lời được câu hỏi: “chừng nào chủ nghĩa tư bản chết ?”. Nên cũng có quan điểm cho rằng, những tai họa do chủ nghĩa Marx gây ra cho nhân loại hôm nay là do khả năng tiếp thu yếu kém của những người học trò cộng sản, chớ không xuất phát từ chính những bất ổn vốn có trong tư tưởng Marx.
Thực ra thì Marx chẳng phải là kẻ vô can ở đây. Marx đã để những tham vọng của mình đi hoang khỏi lãnh địa nghiên cứu triết học, ông ta đã bước sang những hoạt động chính trị bằng những suy tưởng triết học. Trong chương 11 của tác phẩm “Luận đề về Feuerbach”, Marx viết: “Các triết gia chỉ cắt nghĩa thế giới, bằng cách này cách nọ, nhưng vấn đề từ nay là phải thay đổi nó đi”. Không dừng lại ở những phân tích về xã hội kỹ nghệ, Marx bơm vào đó những lý luận bạo lực xoay quanh mâu thuẫn giai cấp, cần phải giải quyết để ai thắng ai. Mặc dù đến cuối đời, Marx sớm nhận ra bước phiêu lưu trong quan điểm cộng sản chủ nghĩa của mình bằng cách truyền y bát cho Karl Johann Kautsky – một người chủ trương dân chủ xã hội. Song mọi chuyện đã thành quá đà, V.I. Lenine đã quật ngã K. Kautsky bằng đòn tập trung dân chủ, biến sư phụ hờ Marx – Engels thành ông tổ cộng sản chủ nghĩa – một phiên bản Marx không có Marx.
Theo đúng tinh thần lý luận của Marx-Engels, đảng cộng sản là đảng của giai cấp vô sản. Thử hỏi trong hoàn cảnh ở Nga, Đông Âu trước đây và Việt Nam hiện nay, các cán bộ nhà nước với 100% là đảng viên cộng sản với các cơ ngơi hiện có của mình, đảng cộng sản có phải là đảng đại diện cho giai cấp vô sản hay không ? Nội dung chính trong “Tư bản luận”, Marx trình bày về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và vai trò của giai cấp vô sản. Với một trình độ lao động thủ công đương thời, nhu cầu xử dụng lao động chân tay là chủ yếu, dẫn đến việc giai cấp lao động bình dân nghèo giữ một vai trò quan trọng. Với trình độ lao động hiện nay, từng bước tiến đến xử dụng toàn bộ là lao động trí óc, vai trò của lao động chân tay vô hình trung bị triệt tiêu trong xã hội hiện đại.
I.2. Tổ chức đảng trên cơ sở duy ý chí
Quan niệm về đảng của Marx và Engels vẫn còn là một tổ chức xã hội. Lenin thực dụng hơn, đảng xây dựng trên tham vọng độc quyền lãnh đạo xã hội. Những gì diễn ra hồi tháng 10/1917 ở Nga là một cuộc đảo chính chính quyền dân chủ. Chính Lenin đã xử dụng từ “perevorot” – đảo chính – để diễn đạt hành động lật đổ của mình; chẳng có cách mạng gì ráo. Ngay cả khái niệm “cách mạng” cũng vậy, trở thành một nghề nghiệp của những người hoạt động cách mạng. Trong quan điểm hành động của Lenin, đảng cộng sản trở thành một hội kín của những kẻ âm mưu. Vai trò một chính đảng với tính cách là tổ chức xã hội của giai cấp vô sản, theo quan niệm Marx và Engels, trở thành câu chuyện ngây thơ với những người cộng sản Nga. Mâu thuẫn giai cấp từ cấp độ đấu tranh ở Marx sang Lenin trở thành chiến tranh giai cấp.
Quan hệ giữa người với người vốn có sẵn trên nền tảng nhân bản, chỉ có những bộ óc hoang tưởng mới đi hoạch định mối quan hệ này thành một trại tập trung lớn, trong đó có các nhà tù nhỏ chứa những người khác chính kiến. Marx đã bóp cổ triết học của mình bằng một cuộc đấu tranh giai cấp siêu hình, mọi cái trong tập hợp quan điểm cộng sản đều tắc tị sau nhiều năm va chạm với những biến chuyển thời đại khôn lường. Chủ nghĩa duy ý chí xuất phát từ Marx, trở nên cực đoan hơn với Lenin và trở thành tai họa với những phát kiến của Joseph Stalin và Mao Trạch Đông. Yếu tố duy ý chí đã giúp chủ nghĩa cộng sản thành công trong việc cướp chính quyền, song lại trở nên bất lực trong việc bảo vệ vai trò thống trị của mình. Thoát ly khỏi những quy luật vận động xã hội khách quan chỉ dẫn đến những bế tắc vô phương cứu vãn, mặc cho những khả năng bạo lực có tận dụng đến tột cùng.
II. Chủ nghĩa Marx bị tuyệt tự sau khi sang tay Lenin
Giả sử có một kiếp lai sinh, Marx và Engels sẽ giận đến phát điên lên được nếu bắt hai ông này phải nhận Lenin là đệ tử chân truyền; bởi về mặt pháp lý, Karl Johann Kautsky được di chúc chính là người thừa kế chính thức các di cảo của Marx và Engels. Karl Kautsky là người biên tập từ các bản thảo của Marx thành tác phẩm “Lý thuyết của Giá trị thặng dư”, là tập 4 trong bộ “Tư bản luận”, xuất bản tại Đức (1905 – 1910). Những đóng góp của Kautsky và người triển khai thêm: Bernstein – về yếu tố dân tộc trong triết học Marx, hiện tại đang được nhìn nhận trở lại một cách đúng đắn hơn. Hiện nay chủ nghĩa cộng sản bị phân rã và triệt tiêu trên bình diện quốc tế, tính dân tộc được đưa ra như một giải pháp cứu vãn cho một số chế độ cộng sản. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cực kỳ tế nhị, bởi công nhận Kautsky cũng có nghĩa là công nhận tư tưởng phi Marxist của Lenin và những người theo Lenin. Thật là họa vô đơn chí cho những người cộng sản.
Cùng với Rosa Luxembourg, Bernstein, Georgi Plekhanov… Karl Kausky được nhìn nhận là một nhà lý luận của phong trào dân chủ xã hội đầu thế kỷ XX; họ được xếp vào Quốc tế cộng sản II. Khác V.I. Lenin, K. Kautsky nhận thức được những thay đổi sâu sắc trong xã hội tư bản Tây Âu. Kautsky muốn tiến hành một chiến lược cách mạng tiệm tiến, không bạo hành khốc liệt như kiểu Lenin. Tuy nhiên do những biến động thời cuộc, quan điểm Quốc tế cộng sản II bị đẩy vào quên lãng kể từ sau cách mạng tháng 10/1917 của Lenin. Với thắng lợi ở Nga, phương thức tiến hành cách mạng của Lenin trở thành quan điểm chính thống của chủ nghĩa cộng sản. Quan điểm của Quốc tế cộng sản II được nhắc lại một lần nữa vào năm 1989, sau khi đảng Xã hội Dân chủ Đức họp và thông qua cương lĩnh Berlin. M. Gorbatchev đã cho dịch bản cương lĩnh này sang tiếng Nga và cho rằng cương lĩnh Berlin 89 là đường lối mà các đảng cộng sản nên theo. Gần đây hơn, với nhu cầu củng cố việc nắm quyền của đảng, thứ chủ nghĩa dân tộc cải lương của Kautsky đang được hâm nóng lại.
Về cuộc sống cá nhân, Karl Johann Kautsky có vẻ may mắn hơn Trosky. Một phần do đối thủ của ông ta là Lenine chớ chẳng phải Stalin. Mặc dù Lenin viết tới hai tác phẩm để chửi Kautsky, đó là “Cách mạng vô sản và kẻ phản bội Kautsky” và “Bệnh ấu trĩ của Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa khuynh tả”. Đáp lại, Kautsky đã nhận định về chủ nghĩa cộng sản ở Nga với một hình ảnh rất ấn tượng: ”một phụ nữ mang thai nhảy nhót điên cuồng, nhằm rút ngắn thời gian mang thai mà nó không thể nào chịu đựng nổi rồi dẫn đến đẻ non…”. Thậm chí ông còn bồi thêm: ”Đứa trẻ sinh ra như thế thông thường không thể sống nổi!”.
Dữ kiện này cho thấy rằng, sự liên hệ giữa Marx, Lenin, chủ nghĩa cộng sản và chế độ XHCN trong thực tế là một liên kết rời rạc. Chúng là những phần tử trong một băng nhóm hơn là những đồng minh cùng chiến tuyến. Tập hợp quan điểm cộng sản cần được xem xét như một tập hợp gồm nhiều trường phái có liên hệ, dị biệt và có đối lập triệt tiêu nhau.
III. Đảng cộngsản Việt Nam
III.1. Cú lại quả đền ơn đỡ đẻ
Xác minh lý lịch là một công đoạn thường trực xảy ra với người dân mỗi khi có việc đụng đến hệ thống công quyền XHCN. Vậy có ngớ ngẩn không khi đặt ra câu hỏi: đảng cộng sản Việt Nam là ai ? Sau khi được thành lập tại Moskva từ năm 1919, các chủ tịch Quốc tế cộng sản III là các Ủy viên Bộ chính trị Nga. Lần lượt hai chủ tịch Zinoviev (1919 – 1926) và Bukharin (1926 – 1929) đã bị Stalin truất phế và hành quyết trong giai đoạn sau đại hội đảng cộng sản Liên xô thứ 17 (1934).
Năm 1930, giai đoạn quan điểm Stalin đang thống trị toàn Nga và quốc tế cộng sản, cũng là thời gian đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Một cách tất yếu về thời cuộc, con đường tiếp cận chủ nghĩa cộng sản của Việt Nam không phải trực tiếp từ Marx hay Lenin; mọi câu chuyện cộng sản đều được kể lại từ lăng kính J. Stalin. Sau đó được sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản III, ngay từ đầu, đảng cộng sản Việt Nam còn nhận sự bảo trợ của đảng cộng sản Trung quốc. Việc tán dương cá nhân Mao Trạch Đông xuất hiện thường xuyên trong hàng ngũ cộng sản Việt Nam, kể cả bản thân ông Hồ Chí Minh cũng vậy. Những hành động đề cao quá đáng tư tưởng Mao càng lộ liễu hơn kể từ sau 1950, năm Stalin thỏa thuận với Mao Trạch Đông giao Việt Nam cho Trung quốc phụ trách. Nguyên nhân sự việc cắt đất và lãnh hải hôm nay cho Trung quốc không hề tự phát mà đã có căn gốc sâu xa từ giai đoạn khai sinh đảng cộng sản Việt Nam, như một cú “lại quả” đền ơn bà mụ đã có công đỡ đẻ cho một giai cấp mới ra đời ở Việt Nam: giai cấp những người cộng sản. Chính ông Hồ Chí Minh là người đem chủ nghĩa Stalin và Mao Trạch Đông về Việt Nam trong quá trình chống thực dân và giành quyền lực cho đảng cộng sản.
III.2. Đảng cộng sản là ai ?
Căn cứ vào kinh điển Marx Lenin để định nghĩa đảng cộng sản Việt Nam là một nan đề cực kỳ phức tạp. Trong thực tế những năm 1930, xã hội Việt Nam chưa hề trãi qua cuộc cách mạng công nghiệp. Vấn đề càng nhiêu khê hơn trong việc xác minh nguồn gốc ra đời và sự tồn tại của giai cấp vô sản Việt Nam trong giai đoạn này. Quả là nguy hiểm khi phát hiện ra rằng, Việt Nam chưa có giai cấp vô sản nhưng vẫn có đảng cộng sản ra đời. Vậy đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị đại diện cho ai. Ngược lại, việc chứng minh sự tồn tại của giai cấp vô sản trong những năm 1930 phải bằng những số liệu cụ thể và khách quan, hoàn toàn không thể căn cứ vào các lý luận thuần tuý tư biện.
Từ cặp khái niệm đối lập chủ – nô của Hegel, Marx triển khai thành quan điểm giai cấp tư sản – vô sản. Tìm hiểu sâu hơn để biết như thế nào về khái niệm giai cấp vô sản, người ta lại gặp một vấn đề nan giải khác. Nếu tra cứu trong các tác phẩm kinh điển Marx Lenin, người ta sẽ thấy khái niệm “giai cấp vô sản” không hề được đề cập như một định nghĩa; còn trong tác phẩm của các lãnh tụ cộng sản hậu sinh, khái niệm “giai cấp vô sản” chỉ nói lướt qua, đa phần bằng lối diễn dịch nôm na. Khi sách động đấu tranh, tuỳ tình hình mỗi quốc gia, người cộng sản kêu gọi giai cấp công nhân/nông dân/liên minh công nông. Có lúc để chỉ lớp người cùng khổ, thấp hèn trong xã hội, người cộng sản lại gọi đó là “vô sản lưu manh”. Đến hồi thực sự cầm quyền, căn cứ trên những tài sản mà đảng sở hữu chẳng ai có thể nghĩ rằng đây lại là đảng đại diện cho giai cấp vô sản được. Hoang mang hơn, trong suốt lịch sử chính trị thế giới chẳng hề có một đảng nào có danh xưng là đảng vô sản, trong thực tế chỉ có đảng cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam hình thành qua lăng kính diễn dịch của Stalin và Mao về một số khái niệm cơ bản của Marx sau khi được Lenin sàng lọc lại. Chủ nghĩa cộng sản nhập cảng vào Việt Nam như một sự rập khuôn từ Nga và Trung quốc; nơi có những cuộc cách mạng đặc thù, đã thành công với những nguyên nhân thời cuộc.
IV. Người đảng viên cộng sản Việt Nam và tổ chức đảng
Với xuất phát điểm cách mạng luôn gắn liền với bạo lực, không những triệt tiêu hoàn toàn yếu tố dân chủ trong xã hội mà còn ngay trong nội bộ đảng. Để biện minh cho chuyên chính vô sản, quan niệm về cơ cấu quyền lực đảng được dựng lên ngay từ thời Lenin để bảo vệ cho chuyên chính lãnh đạo của thiểu số. Cách hành xử tập trung dân chủ nhưng không đa nguyên trong nội bộ đảng cộng sản làm nảy sinh một nghịch lý khủng khiếp: ánh hào quang danh tiếng và quyền lợi thực tế chỉ gói gọn trong vòng vài ngàn cán bộ cao cấp; phần được phân phối là một mớ tiếng tăm hảo cộng mồ hôi, xương máu đóng góp của non 3 triệu đảng viên bình thường. Cực quyền toàn trị/độc quyền lãnh đạo nhân dân trở thành một tư duy quán tính của đảng cộng sản, đôi khi được xử dụng với một cụm từ mỹ miều hơn: “chuyên chính của giai cấp vô sản”. Chính cách thức xây dựng đảng này đã làm nảy sinh liên tục các lãnh tụ cộng sản độc tài, đầu tiên là Stalin ở Nga rồi đến Mao Trạch Đông của Trung quốc; rất đáng tiếc, đây không phải là những gương mặt duy nhất trong lịch sử đảng cộng sản.
Những nguyên tắc hoạt động thời chiến vẫn cố tình không được thay đổi trong thời bình, khiến hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam biến thành một cơ chế thư lại trong đó quyền lực bị thao túng bởi một nhóm chóp bu xuẩn động và phản bội. Mối tương quan đồng đội đồng chí bị biến thái thành quan hệ chủ tớ ngay trong nội bộ đảng. Lâu ngày, hành động gia nhập đảng biến thành một phương tiện tiến thân vụ lợi. Hơn ai hết, các đảng viên bình thường đã thấy rằng, chính chế độ đảng trị đã dung dưỡng cho một bộ phận nhỏ ăn trên ngồi trốc trên 80 triệu dân Việt Nam. Trong khi đó, sự xỉ nhục của toàn dân Việt Nam đối với đảng thì lại chia đều cho hơn 3 triệu đảng viên. Chẳng đảng viên cộng sản có lương tâm nào muốn hình ảnh bội phản này là khuôn mặt đại diện chung của toàn thể đảng viên cộng sản hiện nay.
Bản thân quân đội cộng sản Việt Nam cũng là một đối tượng kiểm soát của an ninh, việc lần lượt tước bỏ quyền lực ở lực lượng này đang diễn ra trót lọt trong suốt thời gian qua. Tập đoàn cầm quyền thông qua bộ máy công an, đã kiểm soát được nhân dân. Đến lúc này lực lượng quân đội trở thành bánh xe thứ 5 của cỗ xe chế độ.
Dưới mắt đa số quần chúng, người đảng viên cộng sản không thể vô can về trách nhiệm trước những gì mà đảng cộng sản gây ra ở Việt Nam suốt 75 năm qua (1930 – 2005). Tham nhũng trở thành một quốc nạn của đất nước. Không thể có một biện pháp triệt để chận đứng được thảm họa này; kể cả tăng lương cho công chức hay sử dụng cơ chế giám sát, thanh tra – một khi tất cả những nhân vật tham nhũng đều có chung một đặc điểm: đảng viên đảng cộng sản. Nhưng sẽ là mị dân nếu cho rằng “tòa án nhân dân” có toàn quyền định công hay tội của mọi công dân Việt Nam; pháp luật và tòa án dân chủ trong tương lai sẽ làm công việc này.
Cần phải nhìn nhận rằng, đằng sau những bất đồng về chính kiến, về những chênh lệch về lợi ích cá nhân, về mức độ thụ hưởng ưu đãi xã hội… các đảng viên cộng sản cũng đều là người Việt Nam. Đằng sau những suy nghĩ bị bôi đỏ nhuộm đen kia, những nhân tố góp phần tạo thành một cơ cấu chính trị tệ hại là đảng cộng sản kia – là những con người cũng có cha mẹ, anh em, con cháu như muôn triệu đồng bào Việt Nam khác. Hình ảnh bị cô lập lập đến cùng cực trên chính trường quốc tế hiện nay, đã khiến cho không ít đảng viên cộng sản Việt Nam phải thức tỉnh trong cái nhìn của bản thân về vị thế của đảng cầm quyền cộng sản và Việt Nam trong cục diện chính trị quốc tế. Vì nguyện vọng của nhân dân, chính những người cộng sản lý tưởng sẽ đứng về phía nhân dân. Những người ly khai chế độ độc tài luôn là một thực thể quan trọng của cuộc cách mạng toàn dân. Việc giúp họ vượt qua chính bản thân để hòa mình vào guồng máy vận hành chung của dân tộc Việt Nam cũng là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng dân chủ.
Cuối cùng thì những người Việt Nam hoạt động cách mạng dân chủ chân chính không hề có kẻ thù riêng.
V. Vai trò của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay
Đói nghèo và bất công gắn liền với cơ chế độc tài, các vấn đề xã hội chỉ có thể giải quyết được từ những con người trong xã hội cử ra chớ không phải từ một tập đoàn tham quyền đứng bên trên xã hội. Giai cấp tư bản đỏ không thể tồn tại lâu dài trong cộng đồng Việt Nam. Một cơ chế nhà nước bất lương không thể sản sinh những công chức lương thiện. Đằng sau những khẩu hiệu mị dân về phục vụ, người dân Việt đang oằn oại dưới một hệ thống hành chính cai trị và lạc hậu. Cơ quan công quyền rất xa lạ với nhân dân, bởi chẳng nhân dân nào bầu ra người của các cơ quan đó, cũng chẳng có công chức nào thực sống bằng đồng tiền thuế. Cơ chế độc đảng phục vụ lợi ích thiểu số hiện nay biện minh cho hành động chà đạp lên phẩm giá con người thông qua cơ sở phân biệt quan điểm chính trị và tín ngưỡng. Quần chúng bị biến thành một tập hợp người vô danh, chủ quyền dân tộc Việt bị rẻ rúng trước những đặc lợi của đảng. Đảng cộng sản Việt Nam đã gian lận khi biến dân chủ thành cái đích mà xã hội phấn đấu phát triển, trong khi thực ra dân chủ là nền tảng ban đầu để xây dựng một xã hội phát triển. Liên minh công nông mà đảng cộng sản tự nhận là đại diện suốt 75 năm qua đã bộc lộ nguyên hình bản chất của nó: liên minh quyền tiền. Trong cơ cấu thượng tầng kiến trúc xã hội nước ta hiện nay, sự thiếu vắng gần như tuyệt đối những định chế đối trọng như hệ thống toà án, truyền thông độc lập. Nhân dân không trông chờ vào những biện pháp chữa cháy vụng về, mọi người cần những định chế rạch ròi về pháp luật.
Trong quá khứ, chủ trương đấu tranh giai cấp đã phá vỡ cộng đồng quốc gia. Với chủ trương chiếm lĩnh nhà nước bằng bạo lực của Lenin, đảng cộng sản đã thất bại trong việc kiểm soát xã hội dân sự. Ngày nay đảng tự đặt mình lên vị trí lãnh đạo độc tôn đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò của xã hội dân sự. Đây là nhược điểm không thể cứu vãn của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay. Những gì đã xảy ra Liên xô, Đông Âu và nước ta cho thấy rằng: chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ bắt rễ được trong xã hội dân sự. Bằng chứng là:
- Trong suốt 30 năm thống nhất đất nước, chưa hề có bất kỳ một văn kiện nào, một cương lĩnh đảng nào định nghĩa được thế nào là “xã hội XHCN”. Trong thể chế quốc gia, một đảng quyền đứng trên pháp quyền nhà nước là mầm mống của họa diệt vong.
- Đảng chỉ kiểm soát được xã hội chính trị, công chức với một nhà nước chuyên chế độc tài. Đảng không thể quản lý được suy nghĩ và hành động của 80 triệu người Việt Nam – đó là một xã hội dân sự phi xã hội chủ nghĩa. Nhà nước là công cụ đảng xử dụng để thống trị xã hội, nhà nước chưa bao giờ đóng vai trò lãnh đạo vì luôn thiếu sự hậu thuẫn của xã hội. Cuộc sống con người đâu phải chỉ có quyết định bằng thế giới vật chất – như tập hợp tư tưởng cộng sản chủ trương, để tối ngày chăm bẳm vào việc hưởng thụ và đua đòi, xã hội vẫn biết và sống với những giá trị cao thượng hơn.
- Sự vận động được kích ứng kịp thời và hợp lý của chính xã hội dân sự sẽ làm sụp đổ chính quyền cộng sản, chớ không phải một thế lực ngoại nhập hay một đảng đối lập đơn độc nào.
VI. Kết luận
Tập hợp quan điểm cộng sản hoàn toàn không phải là một hệ tư tưởng thống nhất, phát triển có tính kế thừa. Chẳng hạn như tổng thống Venezuela là Hugo Chavez ngày 28/02/2005 đưa ra quan điểm ca ngợi và chọn lựa XHCN, song không thấy ông ta hé răng nửa lời về tư tưởng Marx hay Lenin; hoặc Miến Điện là một nước độc tài đến nổi ngay trong nội bộ ASEAN còn muốn trục xuất, tên nước của Miến Điện cũng từng gắn với cụm từ XHCN, mặc dù Trung quốc và Việt Nam cộng sản chưa bao giờ nhận họ là anh em; hoặc như ở Ấn Độ có đến hai đảng cộng sản: dừng lại ở tư tưởng Marx và vượt qua Marx…
Việc phân tích đến cùng kỳ lý tập hợp quan điểm cộng sản góp phần xóa bỏ ngộ nhận của những xu hướng khuynh tả nào đó về các vấn đề xã hội, trong việc xem tư tưởng Marx là một chủ thuyết xây dựng xã hội hơn là một quan điểm triết học về xã hội. Đồng thời việc phân tích tập hợp quan điểm cộng sản cũng làm minh bạch các cố gắng bất khả thi về xây dựng một chủ nghĩa Tân cộng sản hiện đại, chớ không phải chủ nghĩa Marx xét lại, đang rộ lên hiện nay. Thậm chí quan điểm muốn đổi mới chế độ XHCN bằng chế độ dân chủ thông qua phương thức ôn hòa, được chủ xướng bằng một đảng dân chủ xã hội – hậu thân của đảng cộng sản cũng là một kế hoạch không tưởng. Bởi:
- Trong một xã hội dân chủ thực sự, chính người dân bằng lá phiếu của mình, sẽ quyết định những cá nhân đại diện cho họ lãnh đạo đất nước – chớ không phải nhân dân một lần nữa lại chỉ là bộ phận thừa hành những chỉ thị từ kế hoạch do một đảng chính trị đề ra.
- Liệu có gì chứng minh rằng, với một tập thể cũ gồm nhân sự cũ, trong một nếp tư duy cũ có thể phát kiến được những cái gì mới. Hơn nữa, việc đổi mới kia hoàn toàn chẳng phải là một quá trình tự thân vận động, mà là một bước cải lương lột xác bất đắc dĩ hòng cấp cứu những đặc quyền đặc lợi của một bộ phận xã hội sắp tiêu vong.
Tóm lại, một thứ chế độ thoái hóa Việt Nam cần kết thúc. Xa hơn, việc tân trang một chủ nghĩa phản động như Marx Lenin là bất khả thi, cần thay hẳn vào đó là một thái độï đoạn tuyệt dứt khoát.
Người Việt ta cần thương nhau.
Sài gòn, ngày 15/05/2005.
© 2005-2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài đã đăng lần đầu trên DCVOnline ngày 16/5/2005, DCVOnline minh họa.