Tiếng hắt hơi của ông Nghị

Nguyễn Văn Lục

Trong làng tôi có ông Nghị Kỳ. Từ hồi ông còn sinh tiền, tôi đã nghe nói ông nổi tiếng về cái tài hắt hơi kỳ lạ. Phải nói trên đời có một không hai.

Tản mạn: tiếng hắt hơi của ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ

Trong làng tôi có ông Nghị Kỳ. Từ hồi ông còn sinh tiền, tôi đã nghe nói ông nổi tiếng về cái tài hắt hơi kỳ lạ. Phải nói trên đời có một không hai. Vì thế, ông đã để lại cho đời một câu truyện truyền kỳ, một kỳ tích trong dân gian cho đến ngày nay. Nhiều người kính nể ông lắm vì chức Nghị. Vì trong làng chỉ có mình ông được gọi là ông Nghị. Nhưng có người lại cho rằng, ông được đời nhắc đến chỉ vì cái tài hắt hơi dị thuờng của ông?

Nói ông nổi tiếng vì chức Nghị cũng đúng. Nhưng đúng mà lại không đúng. Có thể người ta nể ông vì cả hai thứ trên. Thật ra chức Nghị chỉ là chức mua. Ai có tiền thì cũng có thể mua được. Nhà nước bảo hộ Pháp vào những năm chiến tranh thứ nhứt 1914-1918 cần nhiều tiền để chi phí cho chiến tranh thế giới. Họ bắt các thuộc địa đóng góp tiền bạc để bỏ vào công khố. Các quan thuộc địa mới nghĩ ra việc bán quan tước để lấy tiền.

Vì thế, các chức tước như ông Nghị, ông Bá có từ thời Pháp thuộc từ min nớp săng cà cộ mà ra. Sau này, trong văn chương Vũ Trọng Phụng có nói đến ông Nghị Hách. Đã Nghị rồi mà còn Hách thì chết dân đen rồi. Đến thời Việt Nam đệ nhị Công Hòa thì không biết tại sao lại có thêm các ông Nghị gật, Nghị vỗ tay. Thật ở trong Nam thời Pháp thuộc đã xuất hiện các ông Hội đồng “quỳ”. Quỳ là chỉ biết “oui” khi tây nó nói. Các ông Hội Đồng ở trong Nam tiếng là được chỉ định, nhưng thật ra đều phải chạy tiền. Trên các ông Hội đồng có các Phủ hay Đốc phủ giữ chức chủ quận. Bên cạnh Phủ thì có phủ hàm, quận hàm do mua mà có được. Chẳng biết các chức nghị trên qua các thời kỳ có quan hệ gì với nhau không?

Cũng vậy, bên Thiên chúa giáo người ta cần tiền để xây cất nhà thờ thì giáo phận cũng bắt chước Tây thuộc địa bán tước Hậu.

Nếu Nghị là tước cho ngoài đời thì Hậu là tước dành cho nhà đạo. Mua bao nhiêu tiền để được các tước này thì nay cũng khó mà biết được. Bên Thiên chúa giáo thì rõ ràng không dùng chữ bán. Mà dùng chữ cúng giống như bên chùa. Chẳng hạn cúng cho nhà thờ hai mẫu ruộng chân nhất đẳng thì được chức Hậu. Chỉ biết chắc một điều là khi có tước Hậu thì trong nhà thờ, ông Hậu bà Hậu có ghế ngồi riêng, có khắc tên bằng bảng đồng. Và không ai có quyền được ngồi vào ghế đó, dù họ vắng mặt. Lúc nhỏ, tôi đã thử ngồi trộm trên các ghế đó. Thực tình tôi không thấy có cảm giác gì khác biệt cả. Nó không êm hơn mà cũng không cứng hơn ghế thường. Tôi có hơi thất vọng. Hóa cho nên cái danh vọng nó không nằm ở chỗ cái ghế ngồi mà nó nằm ở cái bảng đồng nhỏ xíu bằng hai đốt ngón tay gắn trên ghế. Hai đốt ngón tay đó trị giá bằng hai mẫu ruộng chân nhất đẳng, nếu không nói phải là thứ ruộng mật điền.

Tôi dần vỡ lẽ ra giá trị ở đời này nằm ở chỗ nào nào? Và người ta chết hay sống, tranh dành nhau, cấu xé dẫm đạp lên nhau cũng chỉ vì những loại bảng đồng như thế. Ngoài ra, lúc chết thì cha xứ có bổn phận làm lễ cầu hồn cho họ trong các dịp lễ giỗ. Phúc lạc đời sau ra sao qua các lễ giỗ cầu hồn có được hưởng nhan thánh Chúa hay không thì quả tình không ai biết được. Khi người ta còn sống thì không cách nào biết được, vì chưa chết. Còn khi người ta chết rồi có biết được thì oái ăm lại không cách gì thông báo cho người còn sống.

Và có lẽ đó là bi kịch lớn nhất trong đời một người.

Cũng chỉ vì con mắt của Chúa và của người thế gian có lẽ không cùng một tầm nhìn. Vì thế điều mà thế gian cho là phải, là danh giá vị tất đã được Chúa nhìn nhận. Cho nên, đừng tưởng rằng cứ có tước Hậu là mua được vé vào của Thiên đàng. Thật ra đường lên Thiên đàng là con đường có nhiều tiếng thất vọng và những tiếng thở dài. Tưởng được chọn mà bị loại bỏ. Tưởng được vinh danh hóa ra ở lại chốn lưu đầy. Vì thế, Tây Phương đã có câu: Hỏa ngục là nơi đầy những kẻ thiện chí. (Le chemin de l’enfer est pavé des hommes de bonne volonté).

Điều này cùng lắm chỉ có Chúa biết và người đó biết.

Nhưng trước mắt người dân làng thì với tước Hậu ít ra sẽ được mọi người kính nể. Một điều người ta thưa cụ Hậu, hai điều bẩm không dám cụ Hậu.

Đã thế, khi có dịp đình đám, giỗ chạp thì được mời ngồi chiếu trên cùng với các quan viên trong làng. Đi đâu thì vác ô, phe phẩy cái quạt. Ra điều phong lưu nhàn tản lắm. Tuổi chưa tới 50 đã được kính cẩn gọi bằng cụ Hàn, cụ Nghị, cụ Hậu.

Ấy là chưa kể được miễn truyện sai dịch, sưu thuế.

Việc mua bán quan tước như thế thật ra cũng chả có gì đáng trách cả. Kẻ xấu miệng không được thì chê bai, dè bỉu. Thử cho họ xem có hoan hỉ nhận không? Vồ lấy chứ lỵ. Cho nên, cần khuyến khích mua các chức tước ấy là đằng khác. Dân làng thì đa phần nghèo làm sao nộp tiền cho hàng xứ? Không lẽ để nhà thờ rếch rác coi sao được. Chỗ Chúa ở thì ít ra cũng phải khang trang đàng hoàng hơn một chút cho phải phép. Người ta bỏ tiền mua cho là mừng vì cả hai bên đều có lợi.

Riêng các chức Nghị ngoài đời thì kể từ khi có chính phủ bình dân Pháp vào năm 1936 đã có nhiều thay đổi? Bộ trưởng thuộc địa Pháp là Marius Boutet đã đánh điện cho toàn quyền Pasquier đòi hỏi ông này phải cải cách nhiều thứ(1). Và những cải cách đó chỉ thực sự có lợi cho bọn đệ tam quốc tế như cánh Trần Văn Giầu, Nguyễn Văn Tạo. Bọn này nhân dịp đó làm mưa làm gió trong Nam giết hại Tạ Thu Thâu và tiếp theo là những cái chết của Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Phan Văn Hùm. Và cuối cùng là cái chết của Huỳnh Phú Sổ, lãnh tu Việt Nam độc lập Vận động Hội và Phật giáo Hòa Hảo.

Nhưng biện pháp cải cách ấy chỉ thực sự có hiệu lực đối với trong Nam mà không có ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vì thế, người ta chỉ được nghe biết các chức tước ấy ở ngoài Bắc mà không có ở trong Nam.

Trở lại câu truyên ông Nghị Kỳ thì dù ông đã quá vãng từ mấy chục năm mà người trong trong làng hễ có dịp là thế nào cũng nhắc tới ông.

Như vậy chắc ông phải làm được việc gì hữu ích lắm cho làng?

Thật ra ông chẳng làm điều gì tốt mà cũng chẳng làm điều gì xấu. Tiếng tăm ông để lại cho đời chỉ vì cái tật hắt hơi quá đặc biệt của ông. Trên đời này dễ chỉ có mình ông là hắt hơi như thế. Không có đến người thứ hai.

Tiếng hắt hơi của ông để lại tiếng cho đời đến sau này con cháu dòng họ vẫn không ai cắt nghĩa được, tại sao ông lại hắt hơi như thế?

Cho mãi đến đời sau này đến đời tôi thì tôi đã hiểu lõm bõm tại sao ông lại hắt hơi như thế. Câu truyện muốn cho rõ nguồn cơn cần nhắc đến truyện bà dì của tôi. Sau này, tôi sẽ kể lại cuộc đời và thế giới của dì tôi cho mọi người tỏ tường.

Đó là tiếng than dài của kẻ hận đời, kẻ bất đắc chí. Nguồn: Wikimedia Commons

Người ta thường gọi dì tôi là bà Phó Đang. Nhớ là Phó Đang chứ không phải Phó Đoan đâu nhé. Bà Phó Đoan chỉ có trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng mà thôi. Dì tôi trời bắt tội, số phận hẩm hiu bị mù cả hai mắt. Theo tôi được nghe kể lại thì dì tôi không bị mù từ sơ sinh. Bằng chứng là cái tên bà Phó Đang là tên chồng của dì. Dì có chồng con đàng hoàng trước khi bị mù mắt. Tôi cũng không có dịp để hỏi mẹ tôi về tên tuổi và câu chuyện của dì tôi Cho nên, lúc tôi còn nhỏ, tôi không biết rõ mối liên hệ giữa dì tôi và ông Nghị Kỳ? Nhưng tôi có linh cảm thấy có một mối liên hệ gì đó giữa Dì và ông Nghị Kỳ. Bởi vì sau này mỗi lần dì kể về ông Nghị Kỳ thì mắt dì tôi như sáng lên, chớp chớp dù mù mắt. Mặt dì như tươi sáng rạng rỡ hẳn lên. Lúc đó, tôi còn bé quá nên không thể hiểu hết được thế giới người lớn.

Tôi chỉ có thể nói có một điều chi bí mật mà dì không tiện nói ra. Nhưng dì tôi thường kể không sót một chi tiết cho tôi nghe nhiều lần về cái tiếng hắt hơi này khiến tôi có thể viết lại ngày hôm nay như thể chính tôi nhìn cảnh tượng ông Nghị Kỳ đang hắt hơi vậy.

Dì tôi mỗi lần kể lại thì như bị hưng phấn, cuốn hút vào câu truyện không dứt ra được. Dì như bị thất thần. Lúc đó dì như không còn là dì. Chỉ khi nào kể xong, dì mới trở lại bình thường và rơi vào cái thăm thẳm của thế giới mù lòa.

Sau đó, dì trở về trạng thái bình thường. Mặt dì sau đó như tảng đá vô tri, vô cảm. Một cái buồn như mênh mông vô hạn. Cái buồn lạnh đó lây lan tức khắc sang tôi. Tôi cảm thông được nỗi buồn ấy và thương cảm dì. Và Tôi hứa với lòng mình là sau này, tôi sẽ ngồi nhớ lại cái khuôn mặt lạnh băng như khối băng của dì để viết về tuổi con gái của dì đã sống ra sao và có mối liên hệ với ông Nghị Kỳ ra sao?

Nhưng bây giờ thì tôi sẽ viết lại cái tiếng hắt hơi của ông Nghị Kỳ theo lời kể của dì tôi.

Theo dì tôi bất thần ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ ngồi im lặng. Đang nói, đang cười, ông tự nhiên im bặt. Như đã đến giờ rồi. Ông bỏ dở câu truyện. Đã đến lúc của ông rồi. Ông ngồi như bất động như sắp sửa toan tính làm một điều gì quan trọng. Hai mắt ông mở to nhìn ra phía trước một cách chăm chú như thất thần. Nhưng có vẻ như ông không nhìn thấy gì. Ông cứ ngồi như thế một lúc, như tập trung tinh thần. Rồi thình lình, như có một tiếng sấm vang rền trong ngồi nhà gạch. Nó làm như rung chuyển cả ngôi nhà.

Đàn gà đang kiếm ăn ngoài sân chạy te tác, xô dạt tung hai cánh lên kêu quang quác. Lũ chim sẻ đậu trên mái ngói nhà chíu cha chíu chít vội bay vụt lên không rồi sà xuống đậu ở một cây vối gần đó. Trong nhà, mọi người đang làm việc đều dừng tay. Khung dệt vải không kêu chạp chạp, lắc cắc đều đều nữa. Tiếng cối giã gạo ngoài đầu hiên không gõ nhịp thình thình nữa.

Tất cả rơi vào sự thinh lặng kỳ lạ.

Chừng độ một phần mười của thời khắc. Không chờ, không đợi thì tiếp theo có tiếng hắt hơi lần thứ hai .. Tiếng hắt hơi lần thứ hai này cường độ âm thanh có phần nhỏ hơn tiếng đầu rồi tiếp theo tiếng thứ ba. Nhỏ hơn nữa. Sau đó là hết.

Sau những tiếng hắt hơi long trời lở đất mọi việc như trở lại bình thường. Đàn chim sẻ như quên truyện vừa xảy ra lại sà xuống tiếp tục chí chóe. Tiếng giã gạo với tiếngcối chày lại rơi lại thình thịch, đều đều.

Cuộc sống trở lại cái bình thường như thể trước đó chưa có truyện gì xảy ra.

Tôi có hỏi dì tôi khi nào thì ông Nghị Kỳ hắt hơi và trong một ngày thì hắt hơi mấy lần? Dì tôi kể lại cho biết ông chỉ hắt hơi một lần mà thôi và thường xảy ra vào lúc chính ngọ. Ông có thể hắt hơi như thế đúng thời khắc. Đến độ người dân trong làng cứ nghe tiếng hắt hơi thì biết đã chính ngọ rồi.

Phần tôi, khi nghe dì tôi kể về tiếng hắt hơi này, tôi bị ám ảnh không ít. Tại sao lại hắt hơi có giờ giấc như vậy? Nhất là hắt hơi như thế để làm gì? Tôi tò mò hỏi đi hỏi lại dì tôi, kèo nèo dì tôi cắt nghĩa, dì tôi chỉ nhe răng cười. Cái cười có vẻ như thích thú vì biết được ý nghĩa của việc hắt hơi ấy. Phần tôi từ đó cứ nghĩ lan man sang những truyện khác theo luật liên tưởng mà không biết có đúng hay sai..

Tôi tự mình liên tưởng và khám phá ra nhiều điều lý thú từ tiếng hắt hơi này và giúp tôi lý giải được nhiều điều của đời sống muôn mặt, muôn hình vạn trạng xem ra không hiểu được mà thật ra có thể đơn giản và hiểu được.

Liên tưởng thứ nhất mà tôi có được là kinh nghiệm nghe tiếng Hừm, Hừm của cha già Tích trong làng tôi. Cha Tích là cha chính xứ của làng tôi. Xin thưa trước là tôi không mấy ưa thích cha, sợ cha cũng có mà ghét thì nhiều hơn. Mặt cha đen xì, thêm bộ râu quắm vuốt ngược lên trông đến là dữ. Nhất là luồng mắt sắc như dao, lóng lánh trong lúc tờ mờ sáng như mắt mèo đêm. Cũng cái đôi mắt ấy sau này tôi có dịp nhìn thấy nơi ông TT Trí Quang.

Trông dữ lắm, chẳng có vẻ gì tu hành cả.

Vậy mà một nữ đệ tử thuần thành của ông Trí Quang trong hồi ký thì lại cho là đôi mắt sáng như sao có sức thu phục và chế ngự người đối diện. Riêng Stanley Karnow trong cuốn Vietnam: A History, trang 160, Karnow nói tới một con người nhà tu, giọng nói nhát gừng, bao trùm một vẻ bí mật thần bí. Nhưng lại là một con người chính trị khôn ngoan và không biết mệt mỏi.

Đôi mắt của hai ông thày tu này thì tôi ái ngại quá. Có vẻ như nó thiếu lòng nhân hậu.

Tu sĩ Phật giáo Thích Trí Quang (Ảnh năm 1966, Sài Gòn). Nguồn: UPI


Phần tôi, tôi biết chắc rằng, khi còn nhỏ, tôi ghét ai thì Chúa đồng tình.

Tôi xin nhắc là sự phán đoán và cảm nghiệm của trẻ con về người lớn thường là không sai. Trẻ con ghét ai thì thực sự cái người lớn đó đáng ghét như vậy. Cha già Tích chưa hề nhìn tôi dù một lần và cũng chưa hề nói với tôi một câu nào dù mỗi ngày mỗi gặp cha.

Vậy là cha xứng đáng để đáng bị ghét. Và nếu trẻ con có gặp Chúa thưa truyện rằng: Chúa à, con ghét người này lắm. Chúa sẽ mỉm cười: cha cũng ghét hắn y như con vậy. Dưới mắt tôi, dù còn bé tẹo, tôi có cảm tưởng ông cha xứ này khinh người.

Cứ mỗi lần cha ra làm lễ, đi rất nhanh như chạy. Đi chậm một tý được không? Chiếc áo lễ cứng như hai cánh gà lắt lẻo từ bên này sang bên kia theo nhịp bước đi theo nhịp quay ngang quay dọc của cha Tích. Vừa ra đến chân bàn thờ, cha hừm hừm hai cái như báo hiệu. Tiếng hừm hừm không phải tiếng ho, cũnh chẳng phải tiếng hắt hơi kiểu ông Nghị Kỳ. Cũng chẳng phải hắng giọng.

Phải nói tiếng hừm hừm rất to, oang oang khắp nhà thờ. Ngồi dãy cuối nhà thờ cũng còn nghe rõ.

Nhưng nghe tiếng hừm hừm đó thì bổn đạo đang đọc kinh bỗng im bặt. Chẳng hạn đang đọc đến câu Sáng danh Đức Chúa Cha … và sắp sửa đọc tiếp và Đức Chúa con thì bổn đạo cắt ngang và im bặt như thể đó là lệnh của cha xứ. Thật là kỳ cái tiếng hừm hừm của cha xứ. Nhiều khi lúc tờ mờ sáng còn đang ngủ gà ngủ gật, tôi giật mình đến bắn người khi nghe tiếng Hừm Hừm đó. Bọn trẻ con đang chí chóe cấu véo nhau bỗng im thin thít, ngồi ngoan ngoãn khoanh tay.

Đã bao nhiêu chục năm rồi, tôi không còn được nghe tiếng Hừm hừm đó. Nhưng cứ nghĩ lại thì hình ảnh ông cha già Tích lại hiện rõ ra trước mắt tôi. Tôi tự hỏi có điều gì liên hệ giữa tiếng hắt hơi và tếng Hừm Hừm? Tiếng Hừm hừm thì rõ ràng muốn bảo mọi người im lặng, có ta đây, nhìn ta đây, xem ta cử hành lễ đây. Ta là number one đây.

Nhưng còn tiếng hắt hơi thì có ý nghĩa gì? Tôi vẫn không hiểu được. Phải. Tại sao lại hắt hơi to như thế đến chim chóc, đến người đều phải sợ?

Lại còn hình ảnh ông quản giáo, người của cha xứ. Cha nào con nấy. Suốt buổi lễ, ông chỉ lo rình rập, đi lên đi xuống, rình mò, mắt láo liên, đảo qua đảo lại, thừa dịp để quất đến đét vào lưng một chú bé đang ngủ gật. Xử sự như quân thù, quân hằn. Đi lễ hay đi làm cảnh sát? Ngủ gật thì có tội gì? Trẻ là ngủ gật đấy. Làm gì nào? Không gì sướng bằng ngủ gật. Thuở nhỏ, nghe người ta nói quỷ nó đạp cho mình nhíu mắt lại. Cạnh chỗ trẻ con ngồi, có thể có một ông già cũng đang ngủ gật thì cái roi mây quản giáo như có mắt biết tránh, biết làm lơ.

Ông quản giáo này sốt sắng với công việc. Vì Chúa, vì tôn nghiêm nơi nhà thờ hay vì muốn chứng tỏ một chút quyền hành mà thực sự ông không bao giờ có?

Sang đến bên này, đi lễ ở đâu cũng gặp cảnh những khuôn mặt quản giáo kiểu mới.

Đó là những người đại diện của Chúa.

Vừa bước vào cửa nhà thờ là bắt gặp hai ba ông quần áo chỉnh tề, nét mặt khẩn trương, đi lên đi xuống, đảo mắt ngó dọc, ngó ngang. Không thể gọi họ là ông Trùm. (Không phải trùm Mafia đâu) Phải tạm gọi họ là ông đại diện. Ông dừng lại, ghé tai người này, người nọ chỉ trỏ như ra lệnh. Tất bật, khẩn trương nhưng vẫn nghiêm chỉnh, trang nghiêm. Hình như ông cho thấy nếu sai sót một li ti trong buổi lễ thì mất hết nghiêm chỉnh, mất hết lòng đạo đức. Buổi lễ coi như hỏng bét. Ông không muốn bất cứ một sai sót nào. Chắc là trước đó, ông đã dặn dò nhiều lần những vị có trách nhiệm, nhưng vẫn thấy cần thiết phải dặn do thêm một lần nữa. Và có lúc như ông khám phá ra được điều gì có thể sai xót, ông tất bật, nét mặt hoảng hốt đến panique. Không xong rồi. Lạy Chúa, không xong rồi, cha sắp ra làm lễ rồi. Ông lẩm bẩm một mình, ông vén tay áo, xem đồng hồ. Còn có vài phút nữa. Sau khi ông tất bật giải quyết xong rồi, ông tự cười thỏa mãn, chắp hai tay, kính cẩn đi xuống một lần nữa như thể chứng tỏ tài tổ chức của ông không còn có thể có điều gì sơ xót được nữa. Ông đi tìm một ánh mắt khích lệ. Nhưng hình như cái bổn đạo vô tri, cái đám đông ngồi kia tỏ vẻ bàng quan và vô trách nhiệm quá.

Ông hơi buồn vì người ta bạc bẽo quá. Thật sự ông đáng được một ánh mắt khích lệ.

Ông làm việc “Chùa” vì Chúa.

Nào ông có được một đồng xu teng cắc bạc nào đâu. Hy sinh thì giờ, sức khỏe. Thật cũng tội cho ông. Cũng một cung cách ấy, lướt đi như gió cuốn, tà áo dài đỏ một phụ nữ tung bay đến là đẹp, chỉ chỏ, nhỏ to, đi lên đi xuống tất bật. Từ cuối nhà thờ, bà ra dấu hiệu khá khẩn trương cho ông cha đang làm lễ trên bàn thờ như đánh morse.

Chẳng hiểu ông cha có nhận ra những dấu hiệu bằng tay và cái miệng lắp bắp há to, nhưng không ra tiếng ở dưới này không?

Khổ thật khi làm việc cho Chúa. Sao mà nó nhiêu khê thế. Chúa hành người ta quá.

Đúng là tội cho những vị có trách nhiệm, họ bỏ công sức không nhỏ mà bị hiểu lầm. Họ vì Chúa mà làm. Tội cho cả người giáo dân đi lễ vì cái cảnh chạy lên chạy xuống như đèn cù của người đại diện …

Thương cho những người đại diện Chúa. Và thương cho chính mình thuộc loại vô tich sự.

Tôi có đi lễ nhà thờ Tây. Không hiểu tại sao Tây chúng thiếu cái lòng mẫn cán của người Việt mình. Hoàn toàn không có cái cảnh tất bật đó.

Phải chăng lòng say mê đạo đức là cớ sự của những cảnh đèn cù trên?

Và nếu người nào không quen với cái không khí trang nghiêm căng thẳng mà ông đại diện cố tình tạo ra thì có thể tưởng lầm rằng cái không khí khẩn trương, cái cảnh tất bật trên suy đóan bậy, có thể ông linh mục bị tai nạn gì chăng, bị nghẽn tim mạch đột quỵ bất tử? Hay biết đâu nói dại đó là cái cảnh đảo chính cha xứ?

Truyện cha xứ là truyện nhỏ. Nhưng càng lớn, tôi càng cảm nghiệm được rằng truyện ông Nghị Kỳ, truyện cha Tích, truyện ông quản giáo cũng là truyện con người, truyện đất nước thu hẹp lại.

Tất cả đều giống nhau như cùng chung một kịch bản.

Tất cả mọi người không trừ đều muốn nhoi lên, muốn vượt trội người khác, muốn dìm người khác. Không muốn ai hơn mình.

Một vị mệnh phụ không đi dự một bữa cơm chay trên chùa chỉ vì đã nhận được cú điện thoại chậm hơn một ngày so với một người bạn của bà. Một diễn giả nhất định không vào Hội trường, mặc dù đã trễ giờ chỉ vì không có tiếp đãi viên ra đón ông vào. Ông đã kiên nhẫn đi đi lại ở ngoài chờ cho bằng được một ai đó nhận ra ông để mời ông vào. Ông Thiệu cứ nhất định tin rằng chỉ mình ông mới cứu được nước nên mới phải bày ra trò độc diễn. Tổ chức nào, cộng đoàn nào cũng xé đôi, xé ba chỉ vì có những cái Ego lớn quá. Có nơi có đến hai hội thân hữu cùng một trường, phân biệt áo trắng, áo tím. Hội cựu quân nhân, hội không quân chia ra hai ba phe phái. Người chức tước lớn thời trước 1975 không là đại diện. Thế là có chuyện. Hội Văn bút hải ngoại trận chiến kéo dài cả năm không dứt chỉ vì những cái bảng đồng trên ghế nhà thờ của chức Hậu. Hội Văn bút hồi LM Thanh Lãng, trong nước, cũng chỉ trên dưới chừng 6,7 chục hội viên. Ông Thanh Lãng ngồi lâu chỉ vì ông không hám lợi. Năm nào có hội nghị Văn bút Quốc tế, ông cũng nhường cho hội viên đi thế mình. Lúc thì Vũ Hoàng Chương, lúc Nguyên Sa Trần Bích Lan, lúc Vũ Khắc Khoan. Nhường như thế nên ai cũng thấy ông không ham chức quyền nên được mọi người tín nhiệm bầu lại. Nay thì Pen Club kể như không còn ai muốn tham gia nữa.

Người ta còn đánh nhau dài dài chỉ vì tý danh, tý chức.

Thành viên hội không làm nữa thì đâm phá bĩnh. Kiện tụng nhau cũng có. Ai cũng thích nổ, thích làm người hùng, thích đè đầu cưỡi cổ người khác. Vì thế mới có nạn chụp mũ, nạn thư rơi, nạn bôi bẩn, nạn kèn cựa, nạn xôi thịt, nạn con buôn chính trị, nạn độc quyền chống Cộng, nạn phe đảng quân đội, nạn đầu cơ tôn giáo, nạn cai thầu văn nghệ.

Chỗ nào cũng có thể là mảnh đất lắm người nhiều âm binh, phù thủy. Thế cho nên kẻ làm chính trị lại muốn cùng lúc đóng vai ngự sử văn đàn. Nhà tu hành lại muốn cùng lúc trở thành nhà chính trị phe phái.

Tôi có thể đã nhận xét đúng tất cả về thế thái nhân tình. Về lẽ hơn thua, về miếng đỉnh chung.

Chỉ có một điều sai lầm căn bản ngay từ khởi đầu nay nghĩ lại còn thấy xấu hổ.

Hắt hơi là tình hận chứ không phải muốn hù doạ, khoe danh, cũng có thể là bị dị ứng. Nguồn: OntheNet

Đó là sau khi dì tôi mất, có dịp hỏi mẹ tôi về mối liên hệ giữa dì và ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ. Mẹ tôi buồn rầu kể lại số phận của dì như sau. Dì và ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ đã phải lòng và yêu nhau. Hai bên gia đình đã định ngày cưới hỏi. Ngày đám cưới, bên đàng trai mang sính lễ sang đàng gái. Nhưng vì chưa đến giờ như đã định, ông bà ngoại tôi nhất định không mở cửa bắt chờ. Nhà trai chờ lâu sốt ruột, tự ái nổi lên, quyết định hủy cuộc hôn nhân, kéo nhau ra về, quẩy gánh sính lễ về thẳng một lèo, để lại đau thương và tủi nhục cho dì tôi.

Dì buồn phiền, tủi nhục cứ héo dần đi đã đôi phen tính trầm mình, nhưng vì theo Thiên chúa giáo nên không dám quyên sinh, khóc đến mù hai đôi mắt. Sau đó dì được gán ghép vội vã cho ông Phó Tuẫn mang về làm vợ. Phần ông Nghị Nguyễn Bá kỳ sau dở điên, dở khùng cứ hắt hơi như thế để trút hết cái oán hận vào tiếng hắt hơi. Tiếng hắt hơi đó là tiếng than dài của kẻ hận đời, kẻ bất đắc chí.

Nó chẳng liên quan gì đến cái muốn ra oai của tiếng hừm hừm nơi ông cha xứ, cũng chẳng liên quan gì đến truyện hám danh, hám lợi của người đời.

Viết vài dòng này để tạ tội với dì tôi đã một thời mù đôi mắt vì tình lụy và nhất là tạ tội với ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ vì tôi đã hiểu lầm ông. Hắt hơi là tình hận chứ không phải muốn hù doạ, khoe danh.


© 2008-2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline biên tập minh họa và phụ chú. Bài đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 2/7/2008.

DCVOnline | (1) Trong thời gian Toàn quyền Pierre Pasquier tại chức ở Đông Dương từ 1928 đến khi qua đời ngày 15 janvier 1934, không có Bộ trưởng bộ thuộc địa Pháp nào tên là Marius Boutet.

Danh sách Bộ trưởng Hải ngoại và Thuộc địa (Liste des ministres français de l’Outre-mer et des Colonies):

Có một bộ trưởng Thuộc địa Pháp tên Maurius Moutet tại chức trong giai đoạn 1936-1938. Giai đoạn này, Toàn quyền Đông Dương là René Robin | juillet 1934 – septembre 1936 và Jules Brévié | septembre 1936 – 23 août 1939.

Nguồn: http://dictionnaire.sensagent.leparisien.frListe des gouverneurs de l’Indochine française