Tàu Trung Hoa ra khỏi vùng biển Việt Nam sau hơn ba tháng khảo sát
Khanh Vu (Reuters) | DCVOnline
HÀ NỘI (Reuters) — Sau hơn ba tháng đối đầu với các tàu Việt Nam một tàu khảo sát địa chấn tìm dầu mỏ của Trung Hoa mới rời biển Việt Nam hôm thứ Năm.
Trang web theo dõi giao thông trên biển Marine Traffic cho biết tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Lý 8) của Trung Hoa đã rời khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trở về vùng biển Trung Hoa vào thứ Năm với sự hộ tống của ít nhất hai tàu khác.
Trung Hoa tuyên bố chủ quyền gần như hết cả vùng biển nhiều tài nguyên ở phía nam Trung Hoa nhưng các nước xung quanh như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng đều tuyên bố có chủ quyền.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh leo thang khi Trung Hoa đưa tàu khảo sát địa chấn ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam vào đầu tháng 7.
Bộ Ngoại giao tại Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc tàu khảo sát và những tàu hộ tống của Trung Hoa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời ngay yêu cầu cho nhận định qua email của Reuters hôm thứ Năm.
Cảnh sát đã giải tán một cuộc biểu tình phản đối nhỏ trước tòa Đại sứ Trung Hoa tại Hà Nội về vụ tàu Hải Dương Địa Lý 8 xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về con tàu khảo sát trong một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Hoa Hua Chunying nói,
“bắt đầu cuộc khảo sát khoa học tại vùng biển của Trung Hoa từ đầu tháng 7. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, công việc hiện đã hoàn tất.”
Hua Chunying
Việt Nam Thông tấn xã đưa tin hôm thứ Tư, cho hay Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Hoa, Xu Qiliang, đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang nói chuyện ở Bắc Kinh để giải quyết tình hình phức tạp trên toàn cầu và ở khu vực.
VNTTX dẫn lới ông Lịch, nói rằng những nỗ lực chung của tất cả các quốc gia có thể giúp đối phó với các thách thức an ninh chung.
‘KHÔNG BAO GIỜ THỎA HIỆP’
Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế nói Trung Hoa chỉ rút tàù Hải Dương Địa Lý 8 về khi dàn khoan Hakuryu-5 đã hoàn thành công việc tại Khối 06.1 của Việt Nam, do công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft (ROSN.MM). điều hành. Ông Hợp, cũng là thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết,
“Trung Hoa không muốn bất kỳ công ty nào ngoài các nước trong khối ASEAN khai thác dầu mỏ ở Biển Đông. Trung Hoa quyết tâm gây áp lực để Việt Nam chấm dứt hoạt động thăm dò và khai thác dầu với các đối tác nước ngoài trong khu vực.”
Hà Hoàng Hợp
Dữ liệu Giao thông Hàng hải cho thấy tàu tuần duyên của Trung Hoa đã hoạt động trong khu vực ở khối dầu 06.1 từ khi có cuộc đối đầu.
Công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft cũng không trả lời ngay lập tức một email yêu cầu bình luận.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol năm ngoái đã tạm dừng một dự án dầu khí ngoài khơi vì áp lực của Trung Hoa, trong khi một công ty con của Rosneft đã bày tỏ sự lo ngại việc khai thác gần đây của nó có thể làm phật lòng Trung Hoa.
Tuần trước Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông, nói rằng Việt Nam “không bao giờ thỏa hiệp” về mặt chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Hôm thứ Hai Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa Thượng tướng Wei Fenghe (Ngụy Phượng Hòa) cho biết Biển Đông là một phần không thể nhượng lại của lãnh thổ Trung Hoa, ông nói,
“Chúng tôi sẽ không để mất ngay cả một tấc lãnh thổ mà tổ tiên đã để lại.”
Wei Fenghe
Một think-tank của Hoa Kỳ cho biết tàu Trung Hoa đã rời vùng biển của Việt Nam vào đầu tháng 8 để đến Fiery Cross Reef, nhưng nó đã quay trở lại ngay sau đó. Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập) là một hòn đảo nhân tạo do Trung Hoakiểm soát và xây đắp ở rạn san hô trong vùng Biển Đông. Việt Nam và Philippines cũng có chủ quyền trùng lắp ở rạn san hô này. Ông Hợp nói,
“Rất có thể Trung Hoa sẽ gửi một giàn khoan dầu đến khu vực mà tàu Haiyang Dizhi đã thực hiện các cuộc điều tra địa chấn tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”
Hà Hoàng Hợp
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Chinese ship leaves Vietnam’s waters after disputed South China Sea surveys | Khanh Vu | Reuters | October 24, 2019. Khanh Vu viết tin; Wu Huizhong tại Bắc Kinh bổ túc; Paul Tait và David Clarke biên tập.