Qũy Tiết kiệm dầu của Norway vừa đạt được 1 ngàn tỷ đô la. Alberta chỉ có 17 tỷ đô la. Tại sao thế?

James Wilt | Trà Mi

Quỹ tài sản của Norway vừa lên đến 1 ngàn tỷ đô la Mỹ. 1 ngàn tỷ đô-la viết như thế này 1.000.000.000.000 đô-la.

Albert vào buổi hoàng hôn. Nguồn: www.enbridge.com

Số tiền này gấp 2,5 lần GDP hàng năm của Norway và là quỹ tiết kiệm quốc gia lớn nhất thế giới. Dường như nó đã được dự đoán là sẽ làm những người  người dân Alberta kinh ngạc thêm một lần nữa vì quỹ tiết kiệm (Heritage Fund, từ nguồn tài nguyên đầu mỏ) của Alberta hiện chỉ trị giá 17,2 tỷ đô la.

Andrew Leach, phó giáo sư trường Kinh doanh của Đại học Alberta và chủ tịch Hội đồng tư vấn Biến đổi khí hậu của tỉnh, cho biết điều quan trọng là phải xem chi tiết khi so sánh Alberta với Norway. Trong một cuộc phỏng vấn, Leach nói

“Nếu tôi nói ‘sẽ rất tuyệt nếu Alberta có một quỹ tiết kiệm cả nghìn tỷ đô la?’ Bạn sẽ nói ‘vâng đúng thế’. Nhưng câu hỏi hay hơn sẽ là nó có đáng đánh đổi những gì phải thực hiện trong thời điểm đó để tích lũy cho ngân quỹ đó.”

Andrew Leach

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế là Norway – một nước có dân số gần như Alberta – nay có một quỹ tiết kiệm lớn gấp khoảng 60 lần Quỹ Di sản của Alberta.

Cái quái gì thế này?

Alberta sẽ có hơn 163 tỷ đô la nếu chọn đi theo con đường của Norway

Vào năm 2015, Phòng Thương mại Calgary đã tính rằng Quỹ Di sản của Alberta sẽ trị giá 40,9 tỷ đô la nếu đi theo mô hình thuế của Alaska và 163,7 tỷ đô la nếu chọn con đường của Norway.

Cùng năm đó, Mitchell Anderson của Tyee đã tính phần lớn sự khác biệt nêu trên là do sự khác biệt về cách thu tiền cho thuê mỏ (royalty). Anderson viết,

“Năm 2013, Norway đã thu được 87,69 đô la cho mổi thùng dầu. Alaska được 38,54 đô la. Còn Alberta? Chỉ có 4,38 đô la – một phần hai mươi số tiền Norway đã cố gắng kiếm được.”

Mitchell Anderson

Nhưng nó không chỉ là cách thu tiền cho thuê mỏ mà là cách tiết kiệm và và cách chi tiêu bằng ngân quỹ đó.

Mỗi đô la đầu tư vào một quỹ tiết kiệm là một đô la không thể chi cho các dự án y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội hoặc cơ sở hạ tầng – tất cả những thứ mà Alberta đã tài trợ bằng những khoản thu từ lợi tức dầu mỏ.

Nói một cách đơn giản, tiền tiết kiệm của Alberta rất thấp vì tỉnh bang cần chi tiền cho nhu cầu trước mắt, thay vì để dành cho tương lai.

Leach nói, “Không phải tiền đó Alberta chỉ có nếu họ quyết định để dành.”

Nhưng chắc chắn Norway cũng có chi phí xã hội và cơ sở hạ tầng? Vậy tại sao thiên đường Bắc Âu không lâm vào tình trạng tương tự như Alberta?

Có một vài cách để trả lời câu hỏi này.

 Norway chọn cách đầu tư được quản lý công khai. Alaska, chọn cổ tức

Đầu tiên, cách của Norway.

Quỹ Hưu trí Chính phủ Toàn diện thành lập vào năm 1990, một phần dựa trên ví dụ của Alberta.

Kể từ đó, Norway đã chuyển toàn bộ, 100% doanh thu nhờ tài nguyên thiên nhiên vào quỹ – một con số đặc biệt quan trọng kể từ khi giá dầu toàn cầu hồi phục vào cuối những năm 1990, và vì thuế suất đối với ngành sản xuất dầu ở Norway được coi là khá cao.

Norway đánh 51% thuế trên thu nhập liên quan đến xăng dầu, trên mức thuế thu nhập 27%. Tổng thuế suất này lên tới 78%.

So sánh với khung tiền cho thuê mỏ vô cùng phức tạp của Alberta, thay đổi dựa trên sản phẩm (dầu thông thường, dầu hoặc khí đặc biệt), dựa trên giá mỗi thùng và tùy theo giai đoạn sản xuất.

Trong ngành sản xuất dầu cát, Alberta thu khoảng 10% tổng doanh thu bằng tiền cho thuê mỏ và đánh 12% thuế tỉnh bang trên mức thu nhập của doanh nghiệp.

Norway rất nghiêm ngặt về luật lệ cho phép sử dụng tiền của chính phủ. Cho đến gần đây, chỉ một vài năm trước đây, Norway chỉ cho phép rút tối đa 4% từ quỹ tiết kiệm của quốc gia. Và nó nay đã giảm xuống còn 3%.

Thắt lưng buộc bụng như vậy giúp Norway bảo đảm được quỹ tiết kiệm còn bền vũng cho các thế hệ tương lai trong kỷ nguyên khử carbon cùng lúc cũng ngăn chặn sự quá nóng của nền kinh tế vì chính phủ tăng chi tiêu đột ngột.

Khoảng 65% các khoản đầu tư là vào cổ phiếu, phần còn lại nằm trong bất động sản và thu nhập cố định. Thực tế Norway vẫn đang lo ngại về tính bất ổn của thị trường cổ phiếu có thể dẫn đến thảm họa nếu có sự lặp lại của năm 2008 (đó là lý do chính tại sao quỹ tiết kiệm của Norway đầu tư đa dạng vào khoảng 9.000 công ty).

Ngoài ra, Norway còn có khung sườn đạo đức ngăn chặn đầu tư vào các ngành kỹ nghệ như than đá, vũ khí hạch tâm và thuốc lá. Các công ty Canada như Barrick Gold và Potash Corporation của Saskatchewan đã bị đưa vào danh sách đen không được Norway cho phép lấy tiền từ quỹ tiết kiệm để đầu tư.

Các phần đầu tư chính gồm Royal Dutch Shell, Apple, Nestle và Microsoft.

Sau đó còn ví dụ Alaska nữa chứ. Hàng năm, Quỹ Alaska Vĩnh cửu (Alaska Permanent Fund) – thành lập năm 1976 bằng một cuộc trưng cầu dân ý – phát ngân phiếu cho mỗi công dân không có tiền án gần đây. Cổ tức thường lên tới từ 1.000 đến 2.000 đô la cho mỗi người.

Norway: Làm mọi việc tốt hơn bạn kể từ … hồi khuya rồi. Ảnh: mariusz kluznia qua Flickr

Alberta sống với một ‘Hệ thống cổ tức thực tế’

Người ta có thể cho rằng Alberta đang có khuynh hướng theo mô hình Norway, mặc dù số tiền dự trữ thực tế của tỉnh bang thấp.

Theo Geoff Salomons, ứng viên tiến sĩ tại Đại học Alberta về việc quản trị tài nguyên thiên nhiên giữa các thế hệ thì hệ thống của Alberta thực sự giống như một “hệ thống cổ tức thực tế” bằng việc giảm thuế. Salomons nói,

“Nhưng mọi người không nhận ra điều đó.”

Nói cách khác, thay vì tiết kiệm tiền trong một quỹ được quản lý công khai giống như Norway, Alberta đã chọn cách đệm khoảng cách giữa mức thuế thấp và mức chi tiêu cao bằng doanh thu từ dầu khí.

Lấy thu nhập từ dầu mỏ bỏ vào quỹ của tỉnh bang là một trong những điểm cội rễ của cái gọi là “Lợi thế của Alberta” – vĩnh viễn có thuế thu nhập thấp, thuế doanh nghiệp thấp và thuế hàng hóa thấp (vì Alberta không thu thuế hàng hóa tỉnh bang).

Nhưng những lợi thế đó đi kèm với rủi ro cao: tỉnh bang này phải chịu ảnh hưởng của lịch sử giá dầu thô dễ biến động.

Giá dầu sụp đổ trong nhiều thập kỷ, gần đây nhất là vào năm 2014, kết quả là Aberta bị thâm thủng ngân sách.

Từ năm 2014 đến 2015, Alberta đã thu được 8,9 tỷ đô la tiền cho thuê mỏ. 2015-2016 số tiền đó đã giảm xuống còn 2,8 tỷ đô la. Trong năm ngoái, ngân sách tỉnh bang đã thâm hụt thêm 10,3 tỷ đô la, với khoản nợ của tỉnh bang hiện nay hơn 33 tỷ đô la.

Alberta có thể chọn đánh thuế hàng hóa tỉnh bang (provincial sales tax, PST) để bớt lệ thuộc vào lợi tức thu đượctừ tài nguyên thiên nhiên như Saskatchewan đã làm, nhưng khuynh hướng chính trị của đảng cầm quyền không cho phép họ làm như vậy.

[Một phần của “Alberta Advantage” là không đánh thuế hàng hóa tỉnh bang. Alberta đã có 44 năm liên tiếp dưới sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ từ 1971-2015. Bốn năm 2015-1018 do đảng Tân Dân chủ lãnh dạo và trở lại với dảng Bảo thủ từ tahsng Tư 2019. Năm 1936 chính phủ Social Credit đánh 2% thuế hang hóa tình bang (PST),. Hiện nay thu PST 4%, Alberta sẽ có thêm khoản 4 tỉ cho ngân sách hàng năm. – TM]

Salomons cho thấy hệ thống hiện tại đã thực sự dẫn đến một khoản trợ cấp “muôn đời”, phần lớn có lợi cho những người có thu nhập cao.

Đó là vì từ rất nhiều năm qua  người dân Alberta đã không phải đóng thuế thu nhập nhiều như những người khác không ở vùng có tài nguyên dầu mỏ. Vì cả hai hệ thống thuế suất cố định và thuế suất cận biên trước đây không có ảnh hưởng đến người có thu nhập rất thấp; số người nghèo nhất trong xã hội Alberta không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ nguồn tài trợ do tài nguyên dầu khí. Trong một cuộc phỏng vấn, Salomons nói,

“Càng trả nhiều thuế, càng được hưởng lợi nhiều hơn.

“Khi bắt đầu nghĩ về “Lợi thế Alberta” trong khung cảnh này thì thấy đó là một hệ thống thực sự làm sự bất bình đẳng trầm trọng thêm.”

Geoff Salomons
Công nhân tại một mỏ dầu không còn hoạt động. Alberta, ngày 18 tháng 5 năm 2017. Ảnh: Chris Schwarz, Chính phủ Alberta thông qua Flickr của Thủ tướng Alberta

Công nhân tại một mỏ dầu không còn hoạt động. Alberta, ngày 18 tháng 5 năm 2017. Ảnh: Chris Schwarz, Chính phủ Alberta thông qua Flickr của Thủ tướng Alberta

Việc giảm giá dầu đã định hình cách chi tiêu của Alberta

Một điểm khác biệt chính giữa Norway và Alberta là những giả thiết căn bản về việc khi nào thì thu nhập từ nguồn dầu khí bắt đầu suy giảm.

Theo Leach, tài nguyên dầu khí ngoài khơi ở Norway luôn được coi là tài nguyên và giá trị tương đối ngắn hạn; do đó người Norway đã chuẩn bị cho một Norway tương lai có ít tài nguyên hơn Norway hiện tại.

Điều đó trái ngược với tầm nhìn của Alberta về phát triển tài nguyên dầu khí, đặc biệt là các mỏ dầu cát, trong suốt nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, khi Heritage Fund của Alberta do thủ tướng Peter Lougheed thành lập vào đầu những năm 1970, lúc đó đã có một kỳ vọng tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ) sẽ cạn kiệt trong vòng một thập kỷ.

Suy nghĩ đó khiến Alberta có khuynh hướng hối hả chi tiêu ngay, thay vì để dành cho tương lai, như vậy sẽ giúp giảm thuế và thu hút doanh nghiệp mới. Hầu như tất cả các khoản đầu tư vào Quỹ Di sản của Alberta đã đóng góp từ trước những năm giữa thập niên 1980.

Leach nói,

“Tôi không nói với sinh viên của tôi ngày hôm nay là các anh chị nên thực sự tiết kiệm tiền ngay từ bây giờ cho tương lai, khi có việc làm.”

“Nó hoàn toàn vô nghĩa lý.”

Andrew Leach

Cách sống của Alberta bị ảnh hưởng của sự phát triển nhanh và phá sản

Cách quản trị của chính phủ Alberta không nói rõ doanh thu để làm gì: dân Alberta không nhận được một số tiền cụ thể dưới dạng ngân phiếu như dân ở Alaska hoặc quỹ tiết kiệm công dài hạn như ở Norway.

Thay vào đó, tiền được chuyển vào lợi tức chung của tỉnh bang, đối với quần chúng thì số tiền đó kể như vô hình cho đến khi giá dầu suy sụp và hệ quả là thâm thủng ngân sách xẩy ra. Salomons nói,

“Thách thức là việc chính phủ bị lệ thuộc rất nhiều vào sự biến động bất lường của đồng tiền có có được nhờ tài nguyên dầu mỏ.”

“Đó là vấn đề về chính sách tài khóa của Alberta trong 50 năm qua: sự bùng phát triển (giá dầu tăng) và sự phá sản (giá dầu giảm) và hậu quả gây ra cho vị trí tài chính của chúng ta.”
Geoff Salomon

Geoff Salomons

Ngoài ra còn có vấn đề bùng nổ và phá sản về dân số.

Nhiều gia đình người Norway là những gia đình đa thế hệ sinh sống ở đó, có những cam kết lâu dài với đất nước. Ngược lại, Alberta thường thu hút những người đến đó sống và làm việc trong một thời gian ngắn, khi có việc.

Tình trạng đó tạo ra một loại văn hóa sống vội, tiêu ngay.

Như Leach nói:

“Bạn đợi Peter Lougheed hoặc Klein ở nhiệm kỳ đầu nói rằng  người dân Alberta nên hy sinh ngay hôm nay để cứu mấy chú nhóc tóc đỏ ở Ontario, con trai của hai người New Brunswick mới di cư qua bển, và họ sẽ dọn qua đây vào năm 2006 hay sao?”

Andrew Leach

Ai muốn tiết kiệm trong hoàn cảnh thắt lưng buộc bụng

Trong khi Norway có thể tự do xét lại chính sách đầu tư của mình và Alaska có thể thay đổi số tiền mà họ phân phát cho dân chúng, thì Alberta không có chỗ để cựa quậy.

Joe Ceci, Bộ trưởng tài chính của Alberta (chính phủ NDP) trước đây đã tuyên bố,

“Vì giá dầu suy sụp, chính phủ cần một thời gian mới có thể đảo ngược tình trạng khó khăn của Quỹ Di sản của Alberta.

“Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư lợi tức tài nguyên thiên nhiên một các hợp lý cho thế hệ tương lai và đang thực hiện kế hoạch tài chính với cùng mục đích đó.”
Joe Ceci

Joe Ceci

Ngân quỹ dự phòng ngắn hạn của Alberta – trước đây gọi là Quỹ Bền vững – đã cạn kiệt một cách đáng kể vì thâm hụt ngân sách của tỉnh bang.

Nhưng đây là vấn đề: Ngay cả khi giá dầu tăng lên lại, Leach không chắc rằng tiếp tục đầu tư vào Quỹ Di sản nhất thiết là cách tốt nhất. Ông nói,

“Nếu giá dầu tăng lại mức 70 đô la hoặc 80 đô la một thùng và giả dụ chúng ta sẽ tiếp tục cắt tận xương mọi thứ như mọi người đang nói đến – giáo dục, y tế và mọi thứ khác – và bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm để đầu tư, chẳng hạn, vào cơ sở hạ tầng ở New Zealand … Tôi không chắc rằng mọi người sẽ vui mừng về quyết định đó.”

Andrew Leach

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Norway’s Oil Savings Just Hit $1 Trillion. Alberta Has $17 Billion. What Gives? | James Wilt | The Narwhal | Sep 26, 2017.