Ảo ảnh Trung Hoa

Mitch Moxley | Trà Mi

Lời thú tội của một doanh nhân giả ở Bắc Kinh

Thuê người da trắng

Cách đây không lâu tôi đã được mời làm chuyên gia kiểm soát phẩm chất cho một công ty Mỹ ở Trung Hoa mà tôi chưa bao giờ nghe nói tới. Không cần có kinh nghiệm — tốt, vì tôi không có. Tôi sẽ được trả 1.000 đô la mỗi tuần và đưa đến sống ở một khách sạn sang trọng, nuôi ăn, thết tiệc ở Dongying (Đông Doanh), một thành phố kỹ nghệ ở tỉnh Sơn Đông mà tôi chưa bao giờ nghe nói tới. Tôi chỉ cần có một bộ vét và bộ mặt của người da trắng.

“Tôi gọi chuyện này là ‘White Guy in a Tie’ events”. Trong buổi tuyển dụng ở Bắc Kinh, nơi tôi sống, một người bạn Canada tên Jake đã nói với tôi

“Căn bản, anh chỉ cần lên đồ, đi bắt tay và kiếm tiền. Chúng ta sẽ là những người ‘kiểm soát phẩm chất’, nhưng chẳng có ai sẽ phải làm bất kỳ việc ‘kiểm soát phẩm chất’ nào cả. Làm chứ?”

Jake

Tôi đã nhận “làm”.

Và vì vậy, tôi đã trở thành một doanh nhân ở Trung Hoa, một công việc thường sinh lợi cho những người nước ngoài chưa làm việc ở đây. Một người bạn, một người Mỹ làm việc trong ngành phim ảnh, được thuê để đại diện cho một công ty Canada và đã có một bài phát biểu nói về một tương lai ít carbon. Một người khác đã bay đến Thượng Hải để hoạt động như một người đi mua quà tặng theo mùa. Tuyển dụng doanh nhân giả là một cách để tạo ra một bộ mặt — đặc biệt là hình ảnh của sự kết nối — mà các công ty Trung Hoa khao khát. Gia sư dạy tiếng Trung của tôi, lúc đầu đã kinh ngạc khi biết số tiền chúng tôi được trả, đã nói,

“Có người nước ngoài với những bộ quần áo sang trọng cho công ty có một bộ mặt.”

Sáu người chúng tôi đến sân bay Bắc Kinh, nơi Jake sẽ thông báo cho chúng tôi về các chi tiết khác. Chúng tôi được cho là đại diện cho một công ty có trụ sở tại California đang xây dựng một cơ sở ở Dongying. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ gồm việc hàng ngày đến công trường xây dựng, tham dự buổi lễ cắt băng khánh thành và chén chú chén anh. Trong buổi lễ khánh thành, một trong chúng tôi sẽ phát biểu như một giám đốc của công ty. Nhiệm vụ đó thuộc về anh bạn Ernie của tôi, gần 40, người lớn tuổi nhất trong nhóm chúng tôi. Danh thiếp của anh đã in xong.

Dongying là quê hương của Tôn Tử, tác giả cuốn “Tôn tử binh pháp”, và đó là tất cả Đông Doanh có. Cảnh quan khô cằn và buồn nản, nhà máy mộc lên ở tất cả mọi hướng. Ken đã đón chúng tôi tại sân bay; anh là một người Canada trẻ gốc Đài Loan, tóc húi cao mặc áo da, công ty của anh , chúng tôi được cho biết, đã được ký hợp đồng phụ để quản lý dự án ở đây.

Đông Doanh ngày nay: Các công ty gây ô nhiễm là mối đe dọa lớn cho vùng đầm lầy. Nguồn: china.org.cn
 

Lối đi trong khách sạn chúng tôi ở, đèn thì mù mờ và lại có mùi đồ biển hạng tồi. “Ít nhất chúng ta được nhìn cảnh đẹp.” Nhưng Ernie đã chết lặng khi anh mở rèm phòng, nhìn thẳng ra một bãi phế liệu. Một chiếc xe vận tải đã bị tước bỏ các bộ phận và lốp xe cũ quăng một đống. Một con chó kêu khan.

Ken chở chúng tôi đến văn phòng tạm thời của công ty: những phòng nhỏ, sàn xi măng, tường bằng tôn. Chúng tôi đi thăm cơ xưởng, nơi chế tạo thiết bị sản xuất cho ngành kỹ thuật cao, sau đó quay trở lại văn phòng và ngồi hàng giờ. Bên kia sân, chúng tôi có thể nghe Ernie đang ôn lại bài phát biểu của mình.

Sáng hôm sau là lễ cắt băng chính thức khánh thành. Một sân khấu đã được dựng lên và thảm đỏ đã trải gần công trường. Những cô gái xinh đẹp trong bộ váy họa tiết rồng đỏ chào đón quan khách, và nhạc pop Trung Hoa phát ra từ loa phóng thanh. Ở phố dưới là những người cảnh sát mặc áo vàng. Thị trưởng đã ở đó với các chức sắc địa phương khác, cũng như các phóng viên và máy thu hình cho TV. Chúng tôi mặc com lê, áo bảo hộ và đội mũ cứng đứng ở hàng ghế đầu. Trong lúc chờ đợi buổi lễ bắt đầu, một quản đốc đứng bên cạnh tôi quát gọi đám công nhân vẫn còn loanh quanh ở công trường. Họ chạy ra phía sau giàn giáo.

“Ông có phải là ông chủ không?” Tôi hỏi anh ta.

Anh nhìn tôi hơi thách đố. “Ông mới là ông chủ.”

Thật ra, Ernie là ông chủ. Sau phần giới thiệu ngắn gọn, “Giám đốc” Ernie đã phát biểu trước hàng trăm khán giả. Ernie khoe danh sách dài các khách hàng quốc tế của hãng và nói chúng tôi rất vui khi được làm việc trong một dự án quan trọng như vậy. Khi bài phát biểu kết thúc, confetti tung bay trên sân khấu, pháo hoa bay trên cánh đồng bụi bặm bên cạnh chúng tôi, và Ernie tạo dáng chụp ảnh với thị trưởng.

Trong vài ngày tiếp theo, chúng tôi ngồi trong văn phòng đập ruồi và đọc tạp chí, tỉ như những nhân viên cao cấp của một công ty Hoa Kỳ mà sau đó tôi phát giác ra, là không thực sự hiện hữu. Chúng tôi rất quan trọng đến nỗi họ phải thuê hai đứa trong nhóm ở lại Đông Doanh tám tháng (công bằng mà nói, hai người đó thực sự được huấn luyện làm việc kiểm soát phẩm chất). Ken nói với tôi,

“Có nhiều chuyện lắm. Chúng tôi cần người một tuần mỗi tháng. Lần sau sẽ tốt hơn. Chúng ta sẽ có văn phòng mới. Nhớ mang theo máy tính. Anh có thể xem phim cả ngày.”

Ken

© 2019 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Rent a White Guy  | Mitch Moxley | The Atlantic | July/August 2010 Issue. Mitch Moxley là một người cầm bút ở New York và là tác giả của Apolog to my Censor.