Ba điều về Kiệt Tấn

Nguyễn văn Lục

Tôi chỉ viết ba điều về Kiệt tấn và tôi nghĩ thế là đủ. Ba điều ấy là: Kiệt Tấn nhà văn miệt vườn, Kiết Tấn với những nỗi đam mê tình dục và cuối cùng Kiệt Tấn với nỗi cô đơn của chính mình. Đó là ba nét đặc trưng nhất trong thế giới văn chương Kiệt Tấn

Kiệt Tấn. Tranh Đinh Cường

Nhà văn miệt vườn

Trong suốt 20 năm văn học miền Nam, có thể tạm nói có ba dòng văn học. Hay chính xác hơn, có ba sắc thái văn chương. Ba sắc thái này viết ra không có dụng tâm đặt vấn đề cao thấp, vấn đề hơn kém. Mỗi sắc thái phục vụ cho một tầng lớp độc giả nào đó.

Có thứ văn chương dành cho giới tiểu tư sản thành thị, giới trí thức, tiêu biểu là các nhà văn trong các tạp chí Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Văn Hoá Ngày Nay, Gió Mới, Văn Học, Thế kỷ 20 v.v.

Một sắc thái văn chương khác dành cho giới bình dân, cả thành thị lẫn thôn quê của miền Nam. Phương tiện truyền thông thường là qua các nhật báo với những truyện dài của họ như các tác giả Tùng Long, Văn Quang, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Thụy Long, Chu Tử.

Và cuối cùng sắc thái văn chương của các nhà văn tạm gọi là “nhà văn miệt vườn”. Một đặc sản miền Nam không đâu có. Huế có cả một truyền thống văn học cũng không có được một sắc thái văn hóa bản địa như thế. Số nhà văn này có thể đếm được trên đầu ngón tay và nếu họ không có những sắc thái đặc biệt trong sách vở của họ thì đương nhiên xếp họ vào nhóm thứ nhất hoặc nhóm thứ hai. Nhưng một điều khẳng định là họ có cõi riêng của họ, không thể phủ nhận được. Họ xác lập được một chỗ đứng vững chắc không đến nỗi như lớp đàn anh của họ đã bị bỏ quên, bỏ qua. Nay thì người ta muốn khôi phục lại một mảng văn học bị bỏ quên mà Nguyễn Văn Trung gọi là Văn học Lục Châu học. Ba sắc thái đó làm nên cái văn chương miền Nam. Và bất cứ ai sau này muốn tìm hiểu văn học miền Nam trong những năm từ 1954-1975 đều phải nhìn nhận 3 sắc thái này. Nói ở đây như một niềm hãnh diện cũng không phải là quá đáng. Hãnh diện vì tính đa dạng phong phú của sắc thái văn chương ấy.

Kiệt Tấn là một nhà văn miệt vườn.

Nhà văn miệt vườn để chỉ thị một lối văn đặc sản miền Nam, lối ngôn ngữ nói trở thành ngôn ngữ viết trong cách sử dụng từ, lối đối thoại. Cạnh đó là đào sâu những câu chuyện thuộc lịch sử miền đất khai hoang với sắc thái văn hóa, phong tục, tập tục, địa lý, lối suy nghĩ, lối làm ăn.

Kiệt Tấn là một trong những con số hiếm hoi những nhà văn miệt vườn. Nhưng ở Kiệt Tấn, có hai nửa. Nửa miệt vườn và nửa kia nằm trong số nhà văn thành thị. Một số không nhỏ truyện ngắn ông sáng tác khi sinh sống ở trong nước hay nhất là ở hải ngoại thuộc loại này. Nó không có cái thứ ngôn ngữ miệt vườn nữa. Mặc dầu vậy, nó vẫn bàng bạc cái tâm tình, lối sống, lối suy nghĩ của một nhà văn miền Nam chính hiệu. Quê hương, đất nước, con người đi đâu thì vẫn là những hoài niệm khó quên, lãng đãng chỗ này chỗ kia được gửi gắm vào trong các truyện ngắn, truyện dài.

Văn chương miệt vườn nơi Kiệt Tấn hiện rõ nhất là trong cuốn truyện dài Lớp lớp phù sa.

Kiệt Tấn và tác phẩm “Lớp lớp phù sa”

Thường Kiệt Tấn có thói quen viết truyện ngắn. Và người ta nói đó là sở trường của anh, viết truyện dài là không ổn. Tôi không thấy như vậy. Tôi đã đọc một hơi truyện dài Lớp Lớp Phù Sa để nghe hơi thở miền Nam sống dậy trong tôi. Cảm nhận nhiều điều và sung sướng khôn nguôi. Mỗi con chữ tác giả viết dẫn dắt tôi vào một thế giới mà tôi đã không có trong tuổi thơ. Vậy mà tôi đã cảm nhận được thế giới miền Nam thân yêu ấy. Tôi sinh ra ở miền Bắc, nhưng tôi yêu miền Nam. Đối với tôi, cuốn truyện dài Lớp lớp phù sa, ông viết là đạt lắm. Tôi đọc nhiều chương, nhiều đọan, nhiều chi tiết đến cảm động và tôi bị cuốn hút vào trong câu chuyện.

Ông mang vào đó tất tần tật. Ngôn từ rặt Nam Kỳ. Nhiều quá đỗi, vọng cổ, ca dao, hò miền Nam. Con người miền Nam với những mảnh đời với tên tuổi rất miền Nam như thím Ba, chú Tư, Ba Song Phi, những tay anh chị, thầy pháp, v.v. Chất miệt vườn bàng bạc trong từng trang giấy, từng nhân vật, từng cảnh đời. Ngậm ngùi có, diễu cợt có, xót xa có, thương tâm có, tình nghĩa có, rộng lượng, hào phóng có. Rộng lượng, hào phóng, tay chơi, những thứ đó đi khắp nơi tìm mỏi cổ cũng không có đâu. Không có là không có. Mỗi trang mở ra một thế giới con người chen lẫn dơ dáy, ty tiện, trả thù, chèn ép với những cái sống, cái chết bi thương và phẫn lụy, với những hẹn hò trai gái, với bản năng và lý tính. Đây là một trong những nét đặc sắc nhất của cuốn truyện. Nó đụng chạm đến cá tính miền Nam, đến phần sâu kín của tâm hồn người dân miệt vườn. So sánh như thế thì Sơn Nam vẫn chỉ đi vòng ngoài chú trọng tới những sắc thái địa lý, lịch sử hay tập tục của dân miệt vườn. Nhưng đào sâu tận gốc rễ những tâm tình, những khát vọng, những cõi sâu của dân miệt vườn thì có lẽ chỉ có mình Kiệt Tấn đã làm được điều ấy… Trong cái lối trả thù của Ba Song Phi trong truyện bắt tôi chợt nghĩ và so sánh với lối trả thù trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường ngoài Bắc. Một đằng chơn chất, dùng sức mà so đo hơn thiệt với kẻ thù. Một đằng thâm hiểm, bày mưu kế đọc đến rởn tóc gáy về mức độ tàn độc.

Đọc một hai trích đọan trong Lớp lớp phù sa của Kiệt Tấn.

“Ra tới bờ kinh, bóng tôí đã nhá nhem, chạng vạng rớt xuống thiệt lẹ. Ngó cầu ván, ngó lục bình trôi liệu sức nước chảy, người đàn bà chạy theo dòng nước ước đoán cấp tốc. Rồi linh tính của người mẹ khiến cho thím Ba định ngay được con mình đang trôi đúng chỗ này đây, thím Ba nhảy ùm xuống dòng phù sa đục ngầu sẫm tím. Vừa chúi đầu xuống nước, người đàn bà quơ hai tay ra phía trước đụng ngay vật gì trơn nhớt, vật đó dội ra khỏi tầm tay, người đàn bà nín hơi nhào người theo, với tay níu được cườm chân của con mình. Người đàn bà kéo đứa nhỏ về phía mình rồi tay kia bợ cổ đứa nhỏ trồi lên đúng lúc vừa mãn hơi nín, sặc sụa, ho rũ…”

Kiệt Tấn, Lớp lớp phù sa

Và một đọan khác, trước khi tả một cuộc hẹn hò:

“Trăng đã lên tới đỉnh ngọn cau, tròn sáng nửa mảnh. Đêm bước từng bước thơm mùi rơm rạ rón rén quay về khu làng nhỏ đang thiếp ngủ mơ màng. Gió thổi lắc lay mấy tầu lá chuối. Đêm phẳng lặng như tờ. Dế dưới đất nẻ động tình buông tiếng gọi mái… Giọng run trong thanh cao vút. Chắc là con dế lửa trống mới lớn, chớ không phải dế than…”

Kiệt Tấn, Lớp lớp phù sa

Tôi cho rằng cái văn chương miệt vườn là cái gì còn sót lại mà những kẻ kế thừa phải gìn giữ lấy. Tôi chợt nghĩ rằng sau họ sẽ là ai?

Kiệt Tấn với văn chương tình dục

Khi viết bài Nhận diện một số nhà văn đầu thế kỷ 21 đăng trên Hợp Lưu, số 81, tôi đã hỏi ai trong số các nhà văn có tên sau đây là người đánh trống, cầm cờ mở đường cho văn chương tình dục? Trần Vũ, Trân Sa, Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An hay Lê Ihị Thấm Vân? Hỏi là trả lời. Kiệt Tấn nằm trong số những nhà văn đó. Truyện văn chương tình dục hầu như là sở trường của anh, như lẽ sống còn, như cái không thể thiếu được. Cái tôi trong truyện cũng là cái tôi tác giả. Truyện như thể là thực với người thực, tên thực, câu chuyện thực, không thèm hư cấu. Ít ai có lối viết như thế và can đảm nói ra như thế, đẩy ngòi bút vào những vùng cấm không chút ngượng ngùng. Thế thì gọi nó là tự truyện hay là truyện ngắn? Ở lãnh vực tình dục, có lẽ là chỗ Kiệt Tấn xông xáo nhất như chỗ phát huy và giải toả cái sống hết mình của tác giả? Nhờ những mối liên hệ tình dục với những người phụ nữ này như chiếc cầu nối đem anh về đoàn tụ với thế giớì người, hòa giải anh với đời sống. Vì thế, tất cả những người phụ nữ, đối với Kiệt Tấn như những chiếc bánh ngọt và mỗi lần chung cuộc, anh đều thầm tạ ơn những người phụ nữ ấy, bất kể họ sang giầu, ít học hay nhiều học. Đối với anh, họ đều bình đẳng và chỉ còn cái thân xác con người họ là đáng kể. Nhưng, tôi đã nhận ra một điều là trong những tuyển tập truyện của Kiệt Tấn như Nghe mưa, Thương Nàng bấy nhiêu hay Nụ cười tre trúc, các truyện tình dục đó đã bị “loãng” ra nhiều. Truyện không “mặn” nữa. Lý do là vì nhà văn đã pha chế thêm tính chất “hài” vào trong truyện. Hài vì tác giả thóat ra ngoài truyện như người đứng ngoài, rồi chêm vào những câu ca dao, những câu vọng cổ, những câu hát lấy từ đủ thứ nguồn. Câu truyện thay vì đạt tới cường độ gay cấn, căng cứng, ứ nghẹn trở thành truyện vui, truyện đùa. Những hẹn hò trai gái với những câu giáo đầu như thế làm người đọc có cảm tưởng tác giả chỉ coi truyện hẹn hò, yêu đương dù có rờ mó, hôn hít, dù có ấn sâu, có đủ thứ cũng như là truyện của đàn ông, truyện một phía. Đó là những truyện ngắn như Nụ cười tre trúc, Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi, Bến Đò trao thơ, Chú tiểu Bìm bip. Dĩ nhiên, nó có cái hay của nó. Đọc mà vui, thích thú hoà với tâm tình của tác giả.

Nhưng cạnh đó có những truyện “chất hài giảm”, nhất là khi Kiệt Tấn trưởng thành và tâm bệnh cũng gia tăng, truyện không loãng nữa mà mặn, rất mặn. Nó táo bạo mà rất người, nó biểu lộ sức sống cuồng nhiệt, thứ ham muôn không còn ranh giới, nó bứt phá với nhục cảm bạo liêt kéo ngòi bút đi vào những vùng cấm địa mà nhiều nhà văn lén lút dừng lại. Kiệt Tấn là như thế, không có chỗ nào là ranh giới, bóc trần ra hết. Đó là những truyện tôi cho là đặc sắc nhất của tác giả như Em điên xõa tóc, Người em xóm học. Đặc sắc bởi vì nó chính là con người tác giả. Truyện là tác giả, là cuộc đời, là hiện sinh hữu thực. Em điên xõa tóc cho thấy bản chất con người Kiệt Tấn với những xao xuyến nột tâm, với những dằn vặt bệnh tật, những nỗi cô đơn thân phận, những buồn chán đam mê hụt hững.

Trong những truyện này, nhiều người có thể nghĩ rằng giữa anh em Kiệt Tấn và Lộc có chia sẻ tình dục đến bệnh hoạn loạn luân? Hiểu như thế là hạn hẹp vì không hiểu những hoàn cảnh cuộc sống của anh em họ. Tôi đã nói chuyện này với Lộc và bởi vì cùng chung một đào tạo, cùng một trường. Không ít thì nhiều, chúng tôi nắm dược yếu tính của một số vấn đề triết học, tâm lý học. Riêng Lộc có đôi ba năm học ở Sorbonne về tâm lý học. Lộc hiểu em mình hơn ai hết và cũng là người độc nhất chia sẻ với em mà dưới con mắt thế gian đã không hiểu được. Truyện người yêu của Lộc là Diane và sau đó truyền sang cho Kiệt Tấn. Phải hiểu rằng Kiệt Tấn đã không có một cuộc sống tâm lý bình thường. Càng lớn tuổi về sau, Kiệt Tấn càng tìm thấy trong tình dục như lối giải thoát anh ra khỏi cơn điên tuyệt vọng. Không có nó, không có thân xác những người đàn bà đã đi qua đời anh thì không hiểu sự tồn tại của Kiệt Tấn trên cõi đời này còn có hay không? Và hình như thiên hướng, hay việc viết văn không thể nào có được nếu không có sự hiện diện của một người đàn bà? Hình như mỗi truyện của Kiệt Tấn là bắt đầu bằng kinh nghiệm sống với một người đàn bà. Bao nhiêu phụ nữ đi qua đời anh thì có bấy nhiêu truyện. Mới đây nhất, qua điện thoại, Kiệt Tấn có kể cho tôi nghe một chuyện tình ở Đà Lạt, qua đó anh đã chủ tâm viết một truyện ngắn khác.

Lộc hiểu em, hiểu tâm bệnh của em, hiểu những “lối thoát” cần thiết sống còn như lối thoát khẩn cấp của Kiệt Tấn. Lộc đã nhường em một bước trong âm thầm và chịu đựng, và không khỏi có chút cay đắng. Điều đó rất “con ngườì” trong những tình trạng khó xử như thế. Phải cùng một lúc là người anh và một người hiểu biết tâm bệnh, hiểu biết những “lối thoát triết học” trong những xao xuyến Siêu hình học như sẽ được trình bày sau này. Tất cả những công đoạn đó nhiều khi chỉ có người trong cuộc mới tỏ tường. Sự phán đoán nào từ bên ngoài đôi khi đã không thể thấy hết được những góc kín phiền muộn của cuộc sống vốn đa tạp và phiền đa khó mà giải lý hết được.

Và cuối cùng truyện tình dục của Kiệt Tấn có dâm không? Đó là câu hỏi nhiều người muốn biết? Tôi trả lời dứt khoát là không, vì đối với tôi dâm nằm trong đầu. Tất cả đều có thể. Cái gì cũng có thể và có thể hiểu được, có thể chấp nhận được. Nó chỉ là thế này như lời giải thích của Kiệt Tấn:

“Nếu em biết yêu người khác như Ánh (vợ Kiệt Tấn) biết yêu chồng con thì chắc chắn em sẽ không bao giờ có ý định quyên sinh hắc ám như vậy. Khốn nạn thay, em có trái tim tật nguyền. Đối với đàn bà, em chỉ biết si tình và đam mê thôi chớ em không biết yêu. Em muốn nói yêu theo cái nghĩa yêu bằng một tấm chân tình đằm thắm và thiết tha như các nàng yêu em vậy. Tuy có lúc em muốn quyên sinh vì các nàng, nhưng nghĩ cho cùng, em cũng vẫn cảm thấy mình đã gian lận trong tình yêu”.

Kiệt Tấn, thư gửi cho anh (Lê Tấn Lộc)

Và theo Kiệt Tấn, viết về tình dục cũng có trăm ngàn cách viết – tài hoa mỗi người là ở chỗ đó? Nhưng mọi quá trớn cũng đều hỏng hết.

Đọc truyện của Kiệt Tấn, những cuộc làm tình nhất là với Diane, tôi chỉ thấy ở đó như một giải thoát cho chính anh, như tìm kiếm lại những kỷ niệm tàn phai về cuộc đời, về con người. Tình dục là lý lẽ của đời anh, là lý lẽ để anh tiếp tục sống làm người, để sống hết mình và để viết hết mình. Lúc nào không sống hết mình được nữa là lúc anh không viết được nữa. Cứ ngồi chờ mà xem. Và thực sự, đối với riêng bản thân tôi, tôi cũng chỉ có một mong muốn như vậy.

Kiệt Tấn với nỗi cô đơn

Trước khi viết bài này, tôi có dịp nói chuyện với Lê Tấn Lộc, người anh mà cũng có thể gọi là bạn thân của Kiệt Tấn. Lộc có cho tôi biết, Kiệt Tấn ngay từ lúc trẻ, 17, 18 đã có vấn đề. Có cái gì đó không ổn. Những lúc một mình ngồi nhìn bâng quơ, buồn thiu, không định hướng. Những lúc có dấu hiệu của chán nản. Trước khi là nhà văn, Kiệt Tấn đã mang cái căn bệnh của nhà văn tiền kiếp rồi. Thật cũng dễ hiểu. Trong trăm, ngàn vạn, hằng ức triệu những dây nhợ chằng chịt trong con người, chỉ cần hai ba sợi ấy lắt lẻo, sai nhịp, giăng mắc không đúng chổ đủ làm khó con người rồi. Sẽ có những sợi dây oan nghiệt, sợi trói buộc, sợi làm phiền và nhất là sợi làm cho Kiệt Tấn cô đơn. Tôi không phải bác sĩ, nhà khoa học. Nhưng tôi biết chắc rằng có cái sợi đó. Sợi oan nghiệt. Kiệt Tấn từ chỗ đó mà khởi đầu nghiệp văn. Văn chương chỉ để chuyên chở hay giải thoát anh ra khỏi những trống vắng vô nghĩa, những cô đơn đủ loại và rồi, thân xác người phụ nữ đủ loại cũng chỉ là cách thế cân bằng đời sống thể xác cũng như tinh thần.

Ở một chỗ khác, Kiệt Tấn viết:

“Trong những ngày rộn vui như vậy mà tôi lo sợ mình nổi điên, cảm thấy cơn điên đang rình rập mình đâu đó… Tôi viết đời sống thành phương trình mà hằng trăm ẩn số chưa tìm ra được đáp số. Tôi muốn thanh toán trong một lần tất cả những vấn đề phức tạp của đời sống để sau đó trí óc mình được thảnh thơi. Tôi quên rằng đời sống vốn nó là một vấn đề miên viễn. Còn sống là còn vấn đề.”

Kiệt Tấn, Em ơi biết đâu tìm, truyện Trang Kinh trên đồi, trang 190

Đó là những nhận xét rất tỉnh, rất triết lý, đôi chỗ phảng phất Thiền. Có lúc như thế mà có thể có lúc không như thế. Và cũng có: “Đã biết bao nhiêu lần tôi thèm chết vô cớ”. Người ta có thể thèm chết được không? Chết mà thèm như thèm ăn, thèm uống.

Sông Seine, Paris., Pháp. Nguồn: OntheNet

Kiệt Tấn viết tiếp:

“Có những trang kinh tôi đọc rất thú vị. Ngược lại có những trang tôi đọc tới đọc lui mà vẫn không lãnh hội được ý nghĩa. Kinh mở ra những cõi trời, những cảnh giới kỳ lạ hoàn toàn bí mật đối với tôi, tôi chưa hề đặt chân tới đó. Lòng trần của tôi còn quá nặng nề. Quanh tôi mọi côn trùng đều bừng nở để sống vội vã ba tháng hè ngắn ngủi… Chắc chẳng có con nào muốn trở thành người. Còn tôi, tôi không hề ham muốn trở lại làm người .”

Kiệt Tấn, Ibid., trang 190

Kinh trong trường hợp này dễ đưa đến những mê lộ, quẳng con người vào những xao xuyến siêu hình tra hỏi về ý ngĩa cuộc đời, về cái hữu hạn so với cái vô hạn, một chân đứng bên này chênh vênh với một chân đứng bên kia. Đó là những nguồn nước ẩn trong cảm thức tạo ra sự trống vắng, sự mù khơi của thân phận người. Từ sự bất lực trước cõi vô minh, con người cảm thức được sự yếu đuối, sự bất lực, nỗi cô đơn, sự trống vắng và rơi vào tình trạng chân không, vô vọng.

Nỗi ám ảnh cô đơn nơi Kiệt Tấn như thế bắt đầu từ tình trạng tinh thần, thể lý của chính anh? Nó không phải thứ cô đơn trong triết học vốn bắt nguồn từ suy tư?

Nỗi cô đơn như thứ “bệnh bạn”, chữ dùng của Mai Thảo, ám ảnh, theo đuổi cuộc sống của Kiệt Tấn như trong lá thư tỏ bày với anh mình:

“Quả nhiên, em đã nhiều lần trải qua dự tính tự hủy diệt. Và lần cuối cùng kéo dài liên tiếp trong bốn tháng. Trong bốn tháng ròng rã không có một ngày nào mà em không nghĩ tới chuyện quyên sinh.” Chỗ khác ông viết: “Hủy thiêu mình thường xuyên để sống. Mau hết pile, mau hết hơi bình như anh nói”. Hay: “Em sợ một ngày nào đó, em nổi điên bất khả phục hồi.”

Kiệt Tấn,  Nghe mưa, nxb Xuân Thu, 1989, trang 248

Nỗi ám ảnh cô đơn, muốn quyên sinh bàng bạc trong các truyện ngắn của ông:

“Tôi ra sau đuôi tầu ngó xuống, biển sủi ùn ụt ở chân vịt, bọt nước trắng xóa kéo  thành vệt dài khuất chìm ngoài xa tối. Tôi hết muốn sống. Tôi sẽ nhảy xuống đại dương.” […]

“Và trong bóng tối con quái vật cô đơn đã lù lù ngồi đó đợi tôi từ bao giờ, như một kẻ thù thân mật. Người con gái ngôi bên cạnh bước ra sàn nhảy. Tôi ôm mặt khóc.”

Kiệt Tấn,  Tuyển Tập, Văn Mới. Người em xóm học, trang 175

Tôi nghĩ rằng, nếu người nào không hiểu dược nỗi cô đơn với những trạng thái thể lý và tinh thần của Kiệt Tấn thì không hiểu được con người cũng như không hiểu được những truyện ngắn Kiệt Tấn viết, và dĩ nhiên cũng không hiểu được tại sao Kiệt Tấn đã viết như thế? Tìm hiểu những nỗi cô đơn này trong ánh sáng chiếu rọi của những suy tư triết học, siêu hình học mà bất cứ ai đã đi vào con đường ấy rồi sẽ khai mở ra tại sao Kiệt Tấn lại viết như thế và viết như thế để làm gì? Phải đặt mình vào thế giới của Kiệt Tấn mời hiểu được Kiệt Tấn.

Nếu ai đó chưa bao giờ thèm chết, chưa bao giờ có những xao xuyến phận người, làm sao hiểu được Kiệt Tấn tại sao đã sống như thế, và nhất là tại sao đã viết như thế?

Người cô đơn. Nguồn: francescoch

Montreal 2006

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: “Ba điều về Kiệt Tấn” đã đăng trên báo Văn của Nguyễn Xuân Hoàng. DCVOnline biên tập và minh họa.