Xét tật mình

Nguyễn Văn Vĩnh

Lời tựa trong loạt bài “Xét tật mình” của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên tờ Đông dương Tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút xuất bản năm 1913 tại Hà nội.

Đông Dương Tạp Chí, số nagfy Thứ Năm. 15 tháng 3, 1913. Nguồn:OntheNet

LỜI TỰA

Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu diếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện. Nếu cứ nói, cứ bắt buộc phải thế này, không được thế kia thì khó nghe, uổng công nói, mà phải biết cho rõ làm việc thiện lợi thế nào, làm điều xấu hại ra sao thì người ta dễ theo. Người có bệnh phải biết rõ bệnh, căn nguyên bệnh thì mới uống đúng thuốc mà khỏi. Trong xã hội có nhiều hủ tục, đã thành thói quen của cộng đồng, một người hay một thiểu số không đủ sức đấu tranh để sửa mà nên phô bày ra, rõ ràng cái xấu, căn nguyên cái hại để nhà nước biết, để đa số nhân dân biết, khi đó lệnh của nhà nước hợp với ý dân thì mới sửa được.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936). Nguồn: https://alchetron.com/

Vì vậy mỗi số sau sẽ trình bày cụ thể một tệ hủ bại, phân tích rõ gốc rễ và điều hại cho dân cho nước để cùng nhau sửa.

Đông dương tạp chí số 6 – 1913.

TÍNH Ỷ LẠI

Dân ta có một nết xấu mà hầu như mọi người đều cho là hay đó là tính ỷ lại trong cuộc sống, sung sướng mà ỷ lại vào người, vui vẻ và hãnh diện mà cho người khác ỷ lại vào mình. Các nước văn minh người ta khinh ghét nhất sự ỷ lại. Trong cuộc sống, tự hào nhất là bằng lao động của đôi tay, khối óc mà tự mưu sinh, không nhờ vả vào ai. Đến mức, cha mẹ có nghề của cha mẹ, dù có vất vả cũng sống giản dị với nghề đó, thấy con ăn nên làm ra, giàu có thì mừng cho con mà chẳng nhờ cậy. Chỉ khi thật sự già yếu quá mới yêu cầu con cái giúp đỡ. Còn dân ta thì hoàn toàn ngược lại, coi việc được sống dựa vào sự giàu có của người khác là một vinh dự, đến độ thấy người sang bắt quàng làm họ, một người làm quan cả họ được nhờ, đến mức bỏ cả việc đang làm để bám vào người mà ăn không ngồi rồi. Cách nhờ vả này người nghèo càng nghèo mà chính người giàu cũng chẳng hay, phải tìm cách bất lương để có thêm tiền, làm quan thì phải ra sức ức hiếp dân mà ăn của đút… Quanh quẩn đất nước thêm nghèo, dân ta lún sâu trong lạc hậu.

Đông dương tạp chí số 8 – 1913.

TÍNH NÓI DỐI

Các quan Tây thường chê dân ta là hay ăn gian nói dối. Điều đó quả thật, nhưng chỉ với các quan Tây cũng như ta. Còn ở dưới nông thôn thì không thế. Đại đa số nông dân phân biệt rõ thiện, ác và tin rằng ăn ở thật lòng với nhau là quý, mới được bạn bè hàng xóm láng giềng yêu mến, giúp đỡ. Với nhau, họ rất chân thật. Vậy vì sao các quan Tây chê vậy?

Thưa rằng quả thực đối với các quan nói dối là cách tự vệ của dân đen. Các quan tự nêu hư danh là phụ mẫu của dân, vì dân mà cầm cán cân công lý. Sự thật đâu có thế! Quan chỉ vì tiền, ai đưa cho quan nhiều bổng lộc thì quan ra sức bênh, đè nén áp bức là việc hàng ngày của quan. Vì vậy đã tới cửa quan thì người đi kiện cố nhiên cũng phải nói dối để quan xử cho có lợi , người bị kiện tất nhiên cũng phải nói dối để mong đỡ bị hại, gặp quan: sợ quan nên nói dối mà nịnh quan cũng nói dối. Thế là với quan ta, ai cũng nói dối cả thì tránh sao khỏi nói dối với quan Tây, là quan của quan, nói thật sao được!

Đông dương tạp chí số 9 – 1913.

THÓI TRẢ NỢ MIỆNG

Trả nợ miệng. Nguồn: OntheNet

Ở chốn dân thôn, các thói xấu nên hổ thẹn nhất, nên lên án và bài trừ, là thói coi ăn uống là việc quan trọng hàng đầu trong quan hệ xã hội. Việc hiếu nghĩa mà không có mâm to bình lớn, ăn uống thỏa thuê thì bất thành hiếu nghĩa. Gia đình nếu không may có ông bà, cha mẹ nằm xuống, nỗi lo lắng nhất là làm sao đủ lợn, gà, rượu, gạo, để thết đãi các chức sắc và dân làng. Hàng mấy chục người quần quật, tíu tít vào việc này, đến nỗi lòng thương nhớ người chết cũng bị chìm đi trước nỗi lo đãi người sống. Mà không lo sao được? Nghe hơi có người chết đám Tổng Lý kỳ cựu đã chuẩn bị mồm chờ ăn, chờ uống gân cổ cười nói, bẹp tai hút sách. Thiếu một chút là dài mồm dè bửu, coi là bất hiếu. Tốn phí vô cùng, chỉ mấy ngày mấy chục vị chức sắc ưa thích và bảo vệ, nhân dân trong lòng đâu có muốn đến mức ấy, nhưng không ăn ai dám tự ý làm khác. Cũng chỉ vì, khi còn sống, ai cũng đã từng ăn uống như thế ở nhà khác, nay chết đi, con cháu phải tổ chức ăn uống  để trả nợ miệng cho người chết. Hàng nghìn đời trả nợ miệng như thế, nước ta vẫn đắm mình trong nghèo khó, lạc hậu. Nếu cả nước đồng lòng, đem công sức của cải góp phần lo trả nợ nước thì văn minh, khoa học sẽ đến với chúng ta. Thói ăn uống hủ bại như trên đúng là miếng ăn là miếng nhục.

Đông dương tạp chí số 10 – 1913.

THÓI TỰ TY

Dân ta rất cần mẫn chăm chỉ , biểu hiện rõ ở nông thôn tấc đất tấc vàng, không một mảnh đất nhỏ nào để hoang chỉ hiềm một nỗi, không biết tự hào về sự cần mẫn này, không thấy sản phẩm do lao động mình làm ra quyết định sự tồn tại của xã hội. Có ai, dù là vua quan, những kẻ làm sĩ, những người buôn bán, những người làm thợ thuyền… Không ai có thể sống nổi nếu không có lương thực, thực phẩm do nhà nông sản xuất. Tất cả các nghề khác đều như vậy, mỗi nghề đều góp phần tạo điều kiện cho xã hội tồn tại và phát triển, đều vinh quang nếu họ biết vì lợi ích của xã hội trong đó có lợi ích của chính mình mà lao động.

Dù anh làm nghề gì, nếu anh không phục vụ tốt cho xã hội thì anh không được tôn trọng. Làm quan, một nghề nói chung được trọng vọng, nhưng nếu ông quan lại buôn quyền, bán chức, đàn áp nhân dân để kiếm lợi riêng thì có lợi gì cho ai, làm sao khỏi bị khinh ghét. Làm thợ mà biết tính toán khéo léo, làm ra những sản phẩm hoặc công cụ, có ích cho đời, vừa bền vừa đẹp thì làm sao mà không được yêu quý. Những người làm nghề buôn bán, làm nghề vận chuyển, hàng trăm nghìn nghề mà xã hội cần, không có nghề nào hèn. Mà chỉ cần ai làm nghề gì biết tự hào và lo học tập rút kinh nghiệm để phục vụ xã hội tốt mãi lên. Đó là con đường tiến bộ của cá nhân gắn liền với sự tiến bộ của xã hội, nghề nào cũng dẫn đến giàu có, vinh quang. Chớ có giầu rồi lại phụ nghề, đem tiền của do nghề làm ra mà đi mua chức vị nọ kia; ông hàn, ông bát, và coi thường nghề cũ.

Tóm lại cần mẫn phải gắn liền với lòng yêu nghề, với tinh thần vì cộng đồng xã hội trong đó có bản thân mà hành nghề, không ngừng rèn luyện để thạo nghề. Phục vụ xã hội và làm giàu song song phát triển, thúc đẩy lẫn nhau tiến lên mãi.

Đông dương tạp chí số 11 – 1913.

THÓI TIÊU TIỀN

Thói tiêu tiền. Nguồn: https://www.businessoffashion.com

Người nông dân cần mẫn có thừa, hàng ngày hai sương một nắng, quanh năm vất vả mà vẫn nghèo khó. Tại sao? Chung quy, họ là nạn nhân của điều kiện kinh tế xã hội kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Sức người cộng với công cụ thủ công, cùng nhất là con trâu kéo cái cày cái bừa. Nhất nước nhì phân nhưng cả hai đều khó khăn mà con người không chủ động được. Cho nên làm ra nông sản, kiếm được tiền đã vô cùng khó khăn, làm sao giữ được tiền, làm sao chi ra hợp lý, phục vụ cuộc sống cũng khó khăn không kém.

Giữ được cũng cực kỳ khó. Người nông dân đủ bát ăn là đối tượng bị kỳ hào lớn nhỏ trong xã nhòm ngó, tìm cớ đục khoét; khá hơn thì được sự chú ý xét nét của cấp tổng, mà tương đối giàu có thì các quan trên huyện, phủ, tỉnh, dựa vào cấp tổng, xã thành một hệ thống đèn trời, soi vào túi dân vơ vét. Số tiền còn giữ được người dân cũng không làm chủ hẳn. Hủ tục ma chay, giỗ chạp đã buộc phải chi ra một phần lớn như bài trước đã nói, vì thế mang tiếng hoang phí, không biết tích lũy dự phòng. Số chi cho cuộc sống đã ít lại gặp nhiều khó khăn. Chỉ sửa chữa nhà cũng sợ các kỳ hào trông vào, kẻ gian dòm ngó, lòng tham nổi lên thì chết. Chi cho cái ăn mặc sang trọng một chút, ở nông thôn đâu có dễ, không biết mà mua, không có mà mua, nên số còn dư chút ít chỉ có cách nơm nớp lo cất dấu, khi có thời cơ thì mua ruộng, chuẩn bị chia cho con cháu. Đó là cách dự phòng mà người nông dân cho là chắc chắn nhất, thích hợp nhất với hoàn cảnh xã hội ở nông thôn, thích hợp với tâm lý; nhiều tiền chẳng những không biết tiêu gì, lại còn sinh nhiễu sự ra, kém vế thì nhiều khi tiền mất tật mang, bị kẻ khác ăn hiếp, mà có khi còn làm lụy tới thân.

Đông dương tạp chí cố 12 – 1913.

THÓI NGHI NGỜ

Dân ta lại có cái tật cái gì cũng bán tín bán nghi nên làm hay không làm; theo hay không theo, chẳng dứt khoát mặt nào. Lấy thí dụ điều này bộc lộ rõ trong vấn đề được các cha cố dạy kỹ về giáo lý; vẫn còn không ít người thường xuyên đi nhà thờ lễ, nhưng khi đến các điện phủ, chùa chiền có tiếng là linh thiêng thì vẫn lễ bái không kém ai, với quan điểm “bên cha cũng lễ, bên mẹ cũng vái”. Những người theo Phật giáo hoặc tin vào sự linh thiêng của các thánh thần thì khỏi nói, họ tụng kinh Phật, miệng không ngớt Nam mô A di đà Phật, nhưng có chút hiểu biết gì về phật lý đâu. Vì thế đền chùa họ thắp nhang lễ lia lịa ở khắp nơi, trừ chính diện ra nếu hai bên, ra góc cột đến gốc cây với ý thức đâu cũng linh thiêng, càng lễ nhiều càng được phúc, vừa lễ vừa xin đủ thứ. Sự lễ bái cầu lợi này tạo cơ hội cho các chùa chiền, đền đài biến thành nơi buôn thần bán phật.

Đông dương tạp chí số 13 – 1913.

THÓI BẮT CHƯỚC

Sự huyền hồ về nhận thức tư tưởng của dân ta không ngừng lại ở lĩnh vực tôn giáo mà nó chi phối rộng rãi mọi hoạt động tư duy, vay mượn của Trung Quốc nhiều, ít chất thực tiễn Việt Nam. Ví như làm thơ, viết văn đều xính xuất phát tự thiên nhiên Trung Quốc, từ phong cảnh đẹp đặc trưng, khí hậu băng tuyết, đến con người với tinh thần, tâm lý rất xa lạ… trong khi bầy ra trước mắt biết bao cảnh sông, núi, rừng đẹp tuyệt vời của chính quê hương, con người và điển tích Việt Nam diễn ra trong suốt mấy ngàn năm lịch sử thì bị quên lãng. Như vậy làm sao có được cảm xúc thực phù hợp với tâm hồn Việt Nam? Đều như vậy, trong hội họa, trạm khắc đúc tượng cũng lấy đề tài và rập khuôn Trung Quốc mà người nghệ sĩ chưa hề được chiêm ngưỡng tận mắt. Cho đến Pháp luật, một lĩnh vực phải quán triệt 100% Việt Nam, con người kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam thì cũng vẫn bị vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức  ban hành luật mới bằng cách sao chép của Tàu, luật mà như thế, làm sao mà cải tạo được thực tiễn Việt Nam. Phong tục Việt Nam phải là của người Việt Nam xây dựng trong mấy nghìn năm tồn tại thì cũng tìm trong “Thọ Mai Gia Lễ” hoặc “Văn Công Gia Lễ” xem ở bên Tàu con khóc cha như thế nào mà bắt chước. Thật buồn cười! Thật huyền hồ đã làm cho tư duy và bản sắc dân tộc Việt Nam không phát triển được. Chúng ta phải triệt bỏ.

Đông dương tạp chí số 15 – 1913.

THÓI LÃNG PHÍ TRÍ TUỆ

Lối học cổ hủ, lại thông qua tiếng Trung Quốc, kéo dài hàng nghìn năm, đã khoét sâu ảnh hưởng tai hại đến hoạt động trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Tiếng Trung Quốc rất khó, gây ra nạn mù chữ trong tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, cũng có nghĩa là đại đa số này không được học hành, hoạt động tư duy bị trì trệ, hạn chế trong những lo nghĩ cho mình, cho gia đình, nhưng là lo nghĩ vẩn vơ, không dẫn đến hoạt động tích cực mà thường là ngồi ngẩn hàng giờ đầu óc trống rỗng, không đem lại một chút lợi ích cho bất cứ ai. Đó là thì giờ mất không, sống cũng khác chi chết. Ở đời, thì giờ phải phân làm 3 việc: làm lụng, nghỉ ngơi, giải trí, cả ba việc đều phải hết sức tích cực. Làm việc phải tập trung hết công sức, trí tuệ đạt hiệu xuất cần thiết, làm rồi tất nhiên phải giải trí, giải trí ra giải trí, hoạt động thể thao, văn nghệ, cầm kỳ thi họa đều là giải trí tích cực. Thứ ba là nghỉ ngơi thoải mái khôi phục lại sức khỏe để tiếp tục lao động. Làm như vậy cuộc sống từng giờ từng phút đều tích cực.

Đông dương tạp chí số 16 – 1913.

TÍNH VÔ CẢM

Khi trong nước có thiên tai, hoạn nạn thì dân tình đói khổ, nhà tan cửa nát, là dịp bộc lộ người tốt, kẻ xấu. Người tốt biết nhường cơm sẻ áo, góp sức cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn, Đông dương tạp chí đã đưa tên và khen ngợi. Nhưng thật buồn, số người lợi dụng đau khổ của đồng bào để trục lợi riêng vẫn rất đông. ĐDTC thấy cần phải vạch rõ và lên án.

Biết bao người từ đủ bát ăn, đến phong lưu, giàu có mà vẫn nhẫn tâm thực hiện triết lý ích kỷ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, vẫn ăn ngon ngủ yên, không hề động lòng. Thế thì làm sao gây được quỹ cứu tế lớn đủ sức cấp cứu dân. Nhưng giã man và vô liêm sỉ nhất, không những công luận vẫn lên án mà nhà nước cần nghiêm trị là những kẻ lợi dụng đục nước béo cò. Đó là những chức trách Nhà nước, từ quan lại đến Tổng Lý, được giao nhiệm vụ cứu tế, lại nhân cơ hội ấy mà xà xẻo làm hại dân, lại còn trị con buôn bất lương, nhất là tụi buôn gạo và lương thực đã đầu cơ tăng giá lúa cho nhân dân vô cùng khổ cực.

Nước ta nghèo, kinh tế còn lạc hậu, tai nạn xẩy ra nhiều, phải ra sức thực thi nhiễu điều phủ lấy giá gương, lá lành đùm lá rách, thì mới có điều kiện để dân nghèo đỡ khổ, trở thành nước tiến bộ văn minh.

Đông dương tạp chí số 17 – 1913.

TÍNH THỤ ĐỘNG

Hãy xét đến các khuyết tật trong hoạt động tri thức của dân ta.

Trước tiên là vấn đề học tập. Từ ngàn đời xưa chỉ tập trung vào nho học, các sách thánh hiền được coi là chân lý tuyệt đối, lại viết bằng tiếng Trung Quốc rất khó, nên số người hiểu được thấu đáo, và vận dụng, sáng tạo trong cuộc sống rất hiếm. Cách học thì không theo một chương trình hợp lý, không có trình tự đi từ dễ đến khó, từ gốc đến ngọn, mà phổ biến là gặp đâu học đấy, thiên về học thuộc lòng, lấy ngâm nga, trích cú làm giỏi. Chính vì vậy, hàng mấy ngàn năm trôi qua, cũng chỉ ngần ấy sách, không thêm bớt, cũng không có ông bà Thánh mới nào ra đời. Tưởng như nhân loại ngàn đời không biến động. Thực tế đâu có thế. Tri thức của nhân loại thời nay đã tiến bộ và cao hơn gấp bội tri thức thánh hiền xưa. Các môn khoa học mới ra đời phân nhánh rất phong phú. Muốn trở nên một dân tộc văn minh như ở các nước Âu Tây, chúng ta phải theo Tân học, phải cách tân cách học. Các môn khoa học đều phát triển từ các vấn đề cơ bản giản dị mà tiến dần lên cao hơn, phong phú hơn, các môn khoa học có liên quan mật thiết với nhau. Vì thế học tân học, đối với mỗi môn, phải học từ thấp, thật hiểu thấp mới chuyển lên cao, phải học các môn có liên quan với nhau, học phải gắn với hành.

Tổng hợp các mục lại bằng các bài bình luận về mọi mặt kinh tế, xã hội các bài phiên dịch các tác phẩm văn học, khoa học, kinh tế học, đạo đức học ở Âu Tây, ĐDTC sẽ kiên trì giúp bạn đọc đi dần vào tân học.

Đông dương tạp chí số 18 – 1913.

THÓI MÊ TÍN

Thầy bói hành nghề với bộ bài ở Nha Trang năm 1969. Nguồn: OntheNet

Hãy đơn cử Hội Đền Kiếp bạc, vốn là ngày hội để tưởng nhớ đến công ơn cứu nước yêu dân của Hưng Đạo Đại Vương. Những công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc đó đã bị người ta không biết đến, lại còn lợi dụng lập ra Đạo Thánh Cả, biến Hưng Đạo Đại Vương thành ông Thánh nhận lễ của dân ngu, cho thầy đồng nhảy múa để kiếm con cầu tự, để người ốm không uống thuốc mà khỏi bệnh… thật là tin bậy làm càn, sự dị đoan đồng bóng phát triển ở khắp nơi, phỉ báng mọi tín ngưỡng, làm cho nhục thần tủi thánh. Chúng ta hãy bảo nhau chữa đi.

Đông dương tạp chí số 19 – 1913

TÍNH YẾU KÉM TRONG GIAO TIẾP

Vụng nói chuyện cũng là một hiện tượng phổ biến ở rất nhiều người Việt Nam mà nguyên nhân cũng là do hoạt động tư duy kém. Không theo dõi được diễn biến tình hình về mọi mặt, không có nhận thức cụ thể về hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học đương thời, ở trong nước và trên thế giới thì làm sao có đề tài nói chuyện hay? Vì vậy khi gặp nhau, trong mọi hoàn cảnh, dù nói nhiều hay nói ít, thường câu chuyện chỉ trao đổi vụn vặt về các vấn đề tầm thường trong cuộc sống. Chuyện lý thú nhất, được mọi người nói một cách hể hả là chuyện khoe khoang hơn người, chuyện ăn chơi, chuyện cờ bạc… những câu chuyện không rút ra được điều gì hay. Ở các nước Âu Tây văn minh thì khác xa, qua học tập tìm hiểu và tích lũy trong đầu những tình hình mới, có những nhận xét đặc biệt, câu chuyện trở nên sự trao đổi tri thức lý thú, có ích cho mọi người và thường gợi ra nhiều cách giải quyết thỏa đáng công việc.

Đông dương tạp chí số 21 – 1913.

GÌ CŨNG CƯỜI

Dân ta rất nhiều người có thói lạ thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười, hay dở, phải, quấy đều cười. Cười vốn là biểu hiện vui tươi hữu nghị trong xã giao, nhưng ở đây nó trở thành vô duyên, vô nghĩa, nhiều khi nó như là biểu hiện khinh người, không thèm đối đáp, trao đổi. Trong giao dịch mà gặp cái kiểu gì cũng cười này thì thật tức như bị bò đá. Dân ta với nhau đã tức, nếu quan hệ với người nước ngoài thì người ta không thể chịu nổi, cuộc nói chuyện không thể tránh khỏi thất bại. Ta cần rút kinh nghiệm; trong xã giao tươi cười hữu nghị là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là thái độ đối đáp, ngôn ngữ rõ ràng, lịch sự và tạo điều kiện cho đối phương nói rõ ý họ, hiểu rõ ý mình. Kể cả mức độ nông sâu chưa nên vượt qua. Điều gì chưa muốn tiết lộ thì tránh nói tới chứ không nên nói dối, nói sai sự thật.

Đông dương tạp chí số 22 – 1913.

TÍNH CỜ BẠC

Tác giả Donald Trump ký và tặng sách cho Ha Ton Vinh. Chuyên viên phân tích cờ bạc Augustine Ha Ton Vinh nhiều kinh nghiệm trong ngành và coi chuyên gia mở sòng bạc Donald Trump là bạn. Vinh hiện đang tư vấn cho chính phủ Việt Nam về luật đánh bạc. Ảnh chụp tại New York. Ảnh: Augustine Ha Ton Vinh/https://www.casino.org

Trong muôn vàn cái tật của dân ta, tật ham mê cờ bạc là phổ biến nhất, từ thành thị đến thôn quê, miền xuôi, miền ngược, từ các quan cấp tỉnh huyện đến Tổng Lý, các thầy tham phán, kỷ lục, thừa phái, từ các phú gia đến các bậc trung lưu, đến cả người còn túng thiếu. Động cơ chính là tham tiền, muốn qua con bài sóc đĩa nhờ thần rủi may mà móc tiền trong túi người bỏ vào túi mình. Lòng tham thì như thế thật đáng hổ thẹn, nhưng có ai đánh bạc mà nên giàu có? Được thua do may rủi, được thì tiêu hoang phí, thua thì mất của, càng thua càng khát nước lao vào đánh to, gỡ được thì ít mà phá sản thì nhiều. Trên bàn bạc, cay cú với nước bạc, kẻ được người thua ghen ghét nhau, chẳng còn gì là tình cảm bạn bè, anh em, lời lẽ bốp chát thô tục. Từ bậc thượng lưu, trung lưu đến người hạ đẳng, giàu nghèo đều giống nhau, có khác chăng là ở bề ngoài ăn nói, ở cách che dấu lòng tham.

Cái hại của cờ bạc là vô cùng to lớn, hại nhất là lãng phí không biết bao nhiêu thì giờ đáng ra dùng để làm lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Đã mê cờ bạc thì mất lương tâm đạo đức, quên mọi nhiệm vụ, buông trôi công việc, học hành. Quan phụ mẫu trị dân thì quên mất dân đang mong chờ quan dạy dỗ bảo vệ mà chỉ nhớ đến việc đục khoét dân để có tiền đánh bạc. Người có tài cao học rộng mà đã ham mê cờ bạc thì tài cao cũng bằng thừa, vùi đầu vào đánh bạc rồi thì còn đâu thì giờ mà nghĩ đến việc, mà thi thố tài năng. Cái hại thứ hai là sinh ra một nghề chỉ làm hại xã hội, đó là nghề gá bạc lấy hồ, sống bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho tệ cờ bạc ngày càng mở rộng khắp nơi, khắp chốn. Cho nên xã hội muốn phát triển cần bảo nhau, giúp nhau chừa thói đánh bạc, cần tố cáo để Nhà nước nghiêm trị cả người đánh bạc lẫn tụi gá bạc đổ hồ.

Đông dương tạp chí số 29 – 1913

Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Đông Dương Tạp chí/Onthenet. DCVOnline minh họa.