Đối thoại với Phùng Mai – Quỹ Tù Nhân Lương Tâm ở Úc

Tiến Cường Nguyễn

Ông Phùng Mai, người điều hành Quỹ Giúp Đỡ Cựu Tù Nhân Lương Tâm ở Úc ngày 18.07.2020 có viết trên Facebook một status, phê bình ông Lê Hoàng Nguyên, một doanh nhân ở Houston, Texas — người làm dậy sóng cộng đồng người Việt ở Mỹ vì treo tấm bảng #Black Lives Matter ở một trung tâm thương mại đông người Việt –  chưa đủ kiến thức về người da đen ở Mỹ và trên thế giới.

Nguồn: Facebook – Farmers Insurance Le Hoang Nguyen

Xin được có đôi lời với ông Phùng Mai, từng điểm trong status này.

“-Ủng hộ hoặc đòi nhân quyền cho người da đen ở Mỹ vào thời điểm 2020 đã lỗi thời, kiến thức của ông ấy là kiến thức thời 1960. Nếu ông ấy làm điều này vào thời điểm 50 năm về trước thì ông ấy làm đúng và tôi cũng sẵn sàng kính phục. Tiếc rằng phong trào BLM đã khai hỏa cho biết bao đổ nát, chết người khắp nơi trên thế giới không ngoại trừ gây lây nhiễm Covid-19 Tại Melbourne Australia vì họ vi phạm lệnh cách ly.”

Phùng Mai

Ông Phùng Mai chỉ trích kiến thức của ông Lê Hoàng Nguyên đã lỗi thời, không phù hợp với xã hội hiện tại, chứng tỏ sự ngây thơ, thiếu hiểu biết, lộng ngôn của ông Mai về người da đen ở Mỹ. Ổng đã sống ở Mỹ chưa, đã tiếp xúc, giao thiệp, làm việc với người da đen, cộng đồng của họ bao giờ, ở đâu, bao lâu? Nếu chưa, ông khoan vội kết luận và hàm hồ chụp mũ, vu khống người da đen và phong trào BLM đã khai hỏa, gây đổ nát, chết người khắp nơi trên thế giới và là nguyên nhân lây gây nhiễm Covid-19 tại Melbourne, Australia vì họ vi phạm lệnh cách ly. Ông Phùng Mai đã bất lương khi đem chuyện lây nhiễm xẩy ra ở Úc phê bình việc làm ông Lê Hoàng Nguyên ở Mỹ.

Khi phong trào #BLM bộc phát trở lại khắp thế giới với những cuộc biểu tình vì cái chết của người da đen tên George Floyd do nhân viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin gây ra, một thiểu số kể cả da trắng, da vàng đã lợi dụng phong trào để phá phách, hôi của ở Mỹ, đó là điều khó tránh. Tuy nhiên xin ông Phùng Mai hãy làm thống kê, cho biết ở Mỹ bao nhiêu người chết, bao nhiêu cửa tiệm đổ nát vì cướp bóc, hỏa hoạn, ở đâu, ngày nào do những cuộc biểu tình gây ra? Chuyện ở Úc, tôi không biết vì không thấy báo chí, truyền thông nói tới.

Ông Phùng Mai đem chuyện lây nhiễm CoVid-19 vì không đeo khẩu trang ở Úc ra chỉ trích người da đen ở Mỹ, phong trào #BLM nhưng ông lại quên, không hế nhắc tới chuyện chính thần tượng của ông là Donald Trump đã tuyên bố ai đeo khẩu trang là căm ghét, chống đối ông ta. Đó cũng là nguyên nhân mà nước Mỹ hiện có trên 3 triệu bệnh nhân và 140 ngàn người chết. Nếu nói đến chuyện không đeo khẩu trang để gây ra thảm họa cho nước Mỹ hiện nay thì kẻ cần đem ra luận tội là Donald Trump.

Chê bai kiến thức về nhân quyền của người da đen của ông Lê Hoàng Nguyên lỗi thời, xin ông Phùng Mai cho biết kiến thức về nhân quyền không lỗi thời, được cập nhật hóa của ông như thế nào?

Không sống ở Mỹ, không giao tiếp, sinh hoạt, làm việc với cộng đồng da đen, không thấy được những đối xử bất công trên bình diện xã hội của người da trắng với người da đen nhưng ông phán như thánh.

“Phong trào đòi nhân quyền cho người Việt Nam hiện nay là chính đáng vì Việt Nam không có nhân quyền. Nếu muốn so sánh nhân quyền cho người Việt Nam và người da đen ở Mỹ, mình cần thiết phải nói rõ thời điểm lịch sử. Cụ thể, Martin Luther King là người Mỹ gốc Phi và là lãnh phong trào dân quyền từ năm 1955 cho đến 1968. Được giải Nobel năm 1964. (nên nhớ dân quyền civil rights chứ không phải BLM) Thời gian này nước Mỹ có phân biệt chủng tộc, ông ấy tranh đấu cho người da đen vào thời điểm ấy là chính đáng. Nhưng thời nay, nhân quyền và dân quyền da đen đã khác xưa. Trong khi đó người dân Việt Nam hiện nay bị bóc lột, bị đàn áp còn tệ hơn người da đen ở Mỹ thời điểm 1960. Phô trương tấm bảng BLM vào thời điểm 2020 mà nói rằng đòi nhân quyền cho người da đen vào thời điểm này thì chỉ làm các ca sĩ, tài tử điện ảnh da đen giàu có cười, họ bảo người Việt Nam cũng bắt chước người da trắng làm hypocrite. (hành động của những kẻ bề trên, tỏ ra là người biết thương hại kẻ bần hàn).”

Phùng Mai
Các thành viên cộng đồng người gốc châu Á đã tập hợp với một biểu ngữ # Asians4BlackLives trong các cuộc biểu tình vào Thứ Sáu Tháng Mười Một vừa qua. Ảnh của Jama Abdirahman/https://www.seattleglobalist.com/

Ông Lê Hoàng Nguyên ở Mỹ, nói, đọc tiếng Việt không rành; quê hương, đất nước hiện nay của ông Nguyên là Mỹ, không phải Việt Nam; đừng vô duyên đem chuyện nhân quyền ở Việt Nam ra nói với Lê Hoàng Nguyên, chắc chắn ông Nguyên không biết và cũng không có hứng thú gì với vấn đề đó. Chuyện nhân quyền, tự do, dân chủ ở Việt Nam phải do người ở Việt Nam quyết định, đừng đòi hỏi, trông mong bất cứ ai tranh đấu, hi sinh mồ hôi, xương máu, tiền bạc, thời gian cho mình.

Một biểu ngữ tại cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Toronto, ON, Canada vào ngày 26 tháng 3. Ảnh: Pacinthe Mattar/Twitter.

Cái slogan ông Lê Hoàng Nguyên dựng ở Houston không đòi hỏi nhân quyền, ông đòi hỏi sự đối xử bình đẳng, chống lại bất công, không kỳ thị chủng tộc, trong xã hội cho tất cả mọi người, mọi màu da, chủng tộc. Việc ủng hộ phong trào #BLM là một việc làm đáng khen, đáng ca ngợi, đáng yểm trợ. Xin ông Phùng Mai cho biết ca sĩ, tài tử, điện ảnh da đen giàu có nào chê cười người Việt Nam bắt chước người da trắng làm hypocrite? Hơn nữa, chuyện này nếu có, cũng chỉ là những nhận định cá nhân, không phải là tiếng nói chính thức của một tổ chức, hội đoàn… người da đen nào.

Ông Phùng Mai nên đọc lại lịch sử Mỹ để hiểu rằng sự kỳ thị chủng tộc, mầu da ở Mỹ, trên lý thuyết đã chấm dứt từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Nam-Bắc 1861-1865 nhưng thực tế vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay. Kỳ thị là bản chất của những người thiếu hiểu biết, kém văn hóa, không được giáo dục đứng đắn.

Cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng, chống kỳ thị màu da của ông Martin Luther King Jr. thập niên 60 thế kỷ trước đã đạt được thành quả to lớn, một bước tiến dài nhưng chuyện kỳ thị, bất công vì sắc tộc, ngôn ngữ, màu da trong xã hội Mỹ không hoàn toàn chấm dứt. Sự tồn tại của các tổ chức cực hữu như KKK, Hells Angels…là những bằng chứng rõ rệt nhất. Phùng Mai và đa số người Việt không thấy chỉ vì người Việt ở Mỹ, Úc phần lớn chỉ sống quây quần, chùm đụp, co cụm với nhau trong các ghetto riêng biệt, ít va chạm với người da trắng.

Một phát biểu hồ đồ nặng nề khác trong status của ông Phùng Mai là chụp mũ, cho rằng #BLM là một tổ chức của cộng sản. #BLM là phong trào (movement) không phải là tổ chức (Organisation) của cộng sản như Phùng Mai khẳng định. Chưa phân biệt được phong trào và tổ chức nhưng ông Phùng Mai vẫn phát biểu chắc nịch đó là của cộng sản. Việc một thành viên trong những người sáng lập phong trào được đào tạo theo học thuyết của Karl Marx chẳng nói lên điều gì. Phùng Mai nghĩ sao khi Quốc hội châu Âu trong phiên họp online ngày 19.06.2020 đã ra tuyên cáo ủng hộ phong trào #BLM, cũng như những người biểu tình đồng hành với #BLM khắp nơi trên thế giới?[1] Họ ủng hộ một tổ chức của cộng sản ư? Ấu trĩ, ngây ngô đén thế là cùng.

“Black Lives Matter” đến Nghị viện châu Âu. Nguồn: YouTube

“Người da đen ở Úc và người thổ dân Úc rất nhiều người thành công giàu có. Còn người Việt Nam có ai trong cộng đồng Việt Nam xứng đáng được gọi là triệu phú chưa mà đã vội vàng thương xót mấy người da đen?”

Phùng Mai

Đọc những giòng chữ trên của ông Phùng Mai, rất dễ dàng nhận ra bản chất bất nhân của ông cho dù ông đang là người điều hành Quỹ Tù Nhân Lương Tâm ở Úc. Tại sao phải giầu có, phải là triệu phú mới nên thương xót người da đen? Không cần phải giầu có, phải là triệu phú, một người nhân bản, có lòng bác ái, cảm thông với những người nghèo khó, khốn khổ sẽ sẵn sàng chia cơm, xẻ áo với bất cứ ai bất hạnh hơn mình. Tại sao lại đi ganh tị, so sánh giầu nghèo, thành công của người Việt Nam với người da den bản xứ, thổ dân Úc để nguyền rủa lòng bác ái, nhân từ của người khác?

“-Đừng vội vàng chê bai mấy ông già Việt Nam sang Mỹ không biết tiếng Anh, hãy để bọn trẻ nó làm. Nếu chê thế hệ người già Việt Nam ở Mỹ không biết tiếng Anh, có nghĩa là bạn biết tiếng Anh vậy hãy nghe cô bé gốc Việt nói về BLM nhé.”

Phùng Mai

Đây chỉ là nhận định của Cheyrea Hà Nguyễn, người làm một kênh Youtube giống như Trần Nhật Phong, Trần Mai Cô (Micheal Tran) có những phát biểu để thỏa mãn tâm lý, ẩn ức của những người ủng hộ ông Donald Trump, thù hận, căm ghét người da đen không có nguyên nhân. Chẳng lẽ videoclip của Cheyrea Hà Nguyễn có giá trị hơn sự biểu quyết của 705 dân biểu của 28 nước trong Liên Âu bầu ra?

Chuyện kỳ thị người da đen, da mầu hiện nay không rõ ràng, phổ biến như thập niên 60 thế kỷ trước như lên xe buýt phải ngồi những hàng ghế sau cùng, không được phép vào những nhà hàng, công viên… những nơi có bảng cấm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người da mầu đã hết bị kỳ thị. Trường hợp Dianna Ploss[2] mới xẩy ra đây là bằng chứng rõ ràng nhất về kỳ thị chủng tộc, màu da, tiếng nói. Hành động này trước đây khá hiếm, tuy nhiên chính những lời nói, phát biểu của Donald Trump 3 năm qua tạo cảm hứng cho những biểu lộ kỳ thị này phát triển mạnh mẽ.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Tiến Cường Nguyễn, “Đối thoại với Phùng Mai – Quỹ Tù Nhân Lương Tâm ở Úc”, Facebook, Jul 18, 2020. DCVOnline biên tập và minh họa.

[1] https://bit.ly/2ZF7GOc
[2] https://cnn.it/3ePuFux