“Nhà báo cộng đồng” và… “cộng đồng”

Lê Thường

Cuối cùng thì ông Mặc Lâm đã xin lỗi bà Như Quỳnh về chuyện ông dùng hình của bà bị photoshopped rồi qua đó chỉ trích bà. Mặc Lâm là bút danh của một người có tên trên Facebook là Than Ngoc Pham.

Anh là ai? Họ là ai?

Bài viết của ông Than Ngoc Pham chưa đến mắt của nhiều người, thì đã bị tác giả lấy xuống, vì “sự cố” nói trên.

Câu chuyện nếu chỉ có thế, làm sai rồi xin lỗi thì không có gì đáng nói, chuyện thú vị là ông Than Ngoc Pham lúc đầu không xin lỗi bà Quỳnh, không rõ vì lý do gì, mà lại xin lỗi “Cộng đồng”.

Ông Than Ngoc Pham, bút danh Mặc Lâm từng làm việc cho đài Á châu tự do (RFA), ông viết khá nhiều, có lúc có lập cả trang blog riêng.

Câu hỏi tôi thấy rất hiển nhiên, mà không ai đặt ra, mà ông Mặc Lâm cũng không giải thích rõ, “Cộng đồng” nào vậy?

Trong thời mạng xã hội này người ta có thể hiểu đó là… “cộng đồng mạng”, tức là những người có phát biểu, trao đổi qua lại nhiều trên Facebook, Twitter,… Mà cũng có thể đó là “cộng đồng người Việt trên đất Mỹ” chăng?

Facebook của ông Mặc Lâm khá tấp nập, với hơn 4000 bạn bè, rồi cả ngàn người theo dõi nữa,… thành ra có thể là “cộng đồng” của ông Mặc Lâm là “cộng đồng mạng”.

Nhưng tôi thiên về cái ám chỉ “Cộng đồng người Mỹ gốc Việt”, hay chính trị hóa chút xíu thì là “Cộng đồng người Việt hải ngoại”, còn chính trị hóa kinh khủng hơn nữa thì là … “Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản”.

Tại sao như vậy?

Tôi dựa vào nội dung bức ảnh photoshopped, về bà Quỳnh, và câu chuyện trước đó của bà liên quan đến… “Cộng đồng.”

Bức ảnh này được cắt ghép để thấy bà Quỳnh cầm bức hình Nữ thần tự do và mái tóc râu ngô của Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ. Trước đó bà Quỳnh đã từng phát biểu đại ý nói rằng nước Mỹ không vĩ đại như người ta tưởng vì có những điều sai quấy từ chính người đứng đầu của nó là Donald Trump.

Tại Hà Nội vào thứ Tư, 27 tháng Hai, 2019, tổng thống Trump phất cờ cộng sản Việt Nam bên cạnh thủ tướng CHXHCNVN, Nguyễn Xuân Phúc, Ảnh: Saul Loeb / AFP / Getty

Câu chuyện như thế làm tôi đoán cái chữ “cộng đồng” của ông Mặc Lâm là cái “cộng đồng”… đó, chứ không phải … “cộng đồng mạng”!

Nhưng ai là cái … “cộng đồng đó” của ông Mặc Lâm?

Có hơn 2 triệu người nói được tiếng Việt, sống trên đất Mỹ, nhưng họ khá khác nhau, về văn hóa, về chính trị, họ chung được ở tiếng nói và thức ăn. Hầu như bất cứ đâu cũng có những tổ chức “cộng đồng” với các vị chức sắc được bầu bán hẳn hoi. Xuất phát từ những người tị nạn chính trị sau cuộc chiến Việt Nam, từ những thuyền nhân, những tổ chức cộng đồng cho đến nay của người Việt đều mang màu sắc chính trị, lấy quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa khi xưa làm biểu tượng.

Nhưng theo dõi hoạt động của những tổ chức này trong hơn chục năm gần đây, ta sẽ dễ dàng thấy hoạt động của họ ngày càng phai nhạt, chỉ còn những người lớn tuổi, hoạt động nổi bật của họ là biểu tình trước các cơ quan ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ. Con cháu của họ không thấy có mặt trong… “cộng đồng”, những người Việt qua sau cũng không thấy.

Nhưng cái danh từ “cộng đồng” vẫn luôn gắn với những người lớn tuổi ấy, và mặc định là những hoạt động của “cộng đồng” là … chống cộng sản.

Ông Mặc Lâm từng làm cho đài RFA, một nơi nhận tiền của chính phủ để minh bạch thông tin về Việt Nam. RFA không phải là cơ quan truyền thông … “cộng đồng”, nhưng vì sự đối kháng với nhà nước cộng sản Việt Nam, mà “cộng đồng” xem RFA như là một phần tiếng nói của mình vậy. Đây cũng là lý do bổ sung làm tôi tin rằng đó chính là cái “cộng đồng” mà ông Mặc Lâm muốn xin lỗi.

Đây có lẽ là một chuyển biến, từ nhà báo Mặc Lâm của RFA, trở thành “nhà báo cộng đồng” chăng?

Tới đây chúng ta nên nói về “nhà báo cộng đồng”, của nền “báo chí cộng đồng”.

Theo tôi, nó không phải là báo chí, vì nó không bao giờ đưa ra những vấn đề có tính tranh luận để tìm cho ra lẽ. Các cuộc phỏng vấn đều mang tính rất thân thiện (friendly interview), không gắt gao tranh cãi như báo chí phương Tây phải có. Thêm vào đó, các nhà báo, người dẫn chương trình lại rất quan tâm tới ngôn từ chào hỏi dài dòng, rất quan tâm tới bộ mặt của họ hơn là nội dung vấn đề. Bạn hãy theo dõi các cuộc phỏng vấn, các cuộc thảo luận của “truyền thông cộng đồng”, các lời chào hỏi kính cẩn lịch sự chiếm hết phần lớn thời gian.

Mà phàm, theo tôi nghĩ, làm báo là làm sao để mọi người có được một thông điệp nào đấy, hiểu được sự phức tạp đằng sau những gì xảy ra, chứ không phải là để đưa khuôn mặt mình ra công chúng. Nếu muốn đưa khuôn mặt ra công chúng thì nên làm chủ lễ tiệc cưới, hay một buổi trình diễn âm nhạc thì hợp lẽ hơn.

Dù 2 triệu người nói tiếng Việt trên đất Mỹ hiện nay rất phức tạp và đa dạng, nhưng danh từ … “cộng đồng” được mặc nhiên có các yếu tố như sau: chống cộng, treo cờ Việt Nam Cộng hòa, đi biểu tình chống cộng sản.

Với sự đắt giá như vậy danh từ “cộng đồng” đôi khi có một quyền lực ma mị, một thứ taboo mà người ta không dám đụng tới.

Nhưng thời cuộc thay đổi nhiều lắm rồi, những người độc chiếm danh xưng “cộng đồng” nhiều khi không ý thức được là sự ma mị của danh từ đó, quyền lực tabou của nó giảm nhiều lắm rồi. Trong cuộc “vận động” đòi trục xuất bà Quỳnh, dường như chỉ có độ ngàn người ký tên, rồi cuộc vận động đó của “cộng đồng” dần chìm vào quên lãng. Nhưng sự phai nhạt đó không phải là mới, cách đây độ 10 năm, bà Madison Nguyễn, đã bị “cộng đồng” búa rìu dữ dội chỉ vì một cái tên cho khu Việt Nam ở San Jose, “cộng đồng” thì muốn nó là Little Sagon, bà Madison thì không. Sau cuộc tranh cãi đó, nhiều người Việt rỉ tai nhau: chết Madison rồi, dám đụng tới “cộng đồng”. Nhưng cuộc bầu cử sau đó Madison vẫn thắng, vì đâu chỉ người Việt bầu cho bà, mà còn có người các sắc tộc khác nữa chứ.

Trở lại với nhà báo Mặc Lâm ở đầu câu chuyện. Một người bạn có cho tôi xem một quyển sách của ông mang tựa đề Bàng bạc gấm hoa. Thoạt thấy tựa, tôi nghĩ có lẽ ông viết về non sông đất nước Việt Nam, văn hóa phong cảnh trữ tình như gấm hoa, như trong câu sơn hà gấm vóc vậy. Hóa ra đó lại là tập hợp những bài viết của ông khi còn làm cho RFA, những chuyện chính trị, chuyện đàn áp của cộng sản,… không thấy gấm hoa chỗ nào cả.

Hay là ông cho rằng văn chương chữ nghĩa của ông như gấm như hoa? Nếu đúng thế, ông làm “nhà báo cộng đồng” là đúng.

DCVOnline | Hôm August 17, 2020, ông Than Ngoc Pham (Mac Lam) viết trên trang Facebook của mình:

Lại xin lỗi.

Về status “Quỳnh ơi em sai rồi, sai thật rồi” tuy nhận ra tấm ảnh mà tôi viết về Quỳnh là Photoshop tôi đã xin lỗi cộng đồng nhưng không xin lỗi chính bản thân người được viết tới, tôi nghĩ rằng chỉ có hai người nhận ra và nhắc nhở tôi nên tôi xin lỗi cộng đồng và tưởng như vậy là thỏa đáng. Tuy nhiên sau khi vài người cho rằng tôi phải xin lỗi cả Quỳnh nữa tuy cô ấy không biết gì về status này vẫn phải xin lỗi như một nạn nhân.

Tôi công nhận là mình thiếu sót trong cách ứng xử và một lần nữa tôi xin lỗi Mẹ nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về sự chậm trễ này.

Mặc Lâm

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gửi. DCVOnline biên tập và minh họa