Lãnh đạo đảng CSVN trước ĐH XII
“Nhiều người hy vọng Nguyễn Tấn Dũng ngồi lại để “làm sụp cái thể chế này”.” – Huy Đức.
“Huy Đức đã tự phá hỏng hình ảnh, giá trị bởi lập luận thiếu logic, không có căn cứ, chủ quan.”- Hoang Nguyen Van
Bộ Tứ
Huy Đức
“Bộ Tứ” sẽ chính thức được quyết định vào đầu tuần tới. Xin chưa đề cập đến các vị trí khác. Chỉ mong các bạn đừng quá thất vọng nếu ông Nguyễn Phú Trọng thì ở lại mà ông Nguyễn Tấn Dũng lại ra đi.
Ông Trọng đã làm mỏi mệt chúng ta bởi những tuyên bố rất lỗi thời. Nhưng, cũng như các tổng bí thư khác, người đứng đầu đảng cộng sản làm sao có thể tuyên bố từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho dù trong số các tổng bí thư gần đây ông là người thuộc lòng cái “lý luận” ấy nhất, lẽ ra, ông chỉ nên nói điều đấy trước các đồng chí của ông trong Đảng.
Ông Trọng, rất tiếc đã “buông lá cờ cải cách”. Ở Đại hội XI, khi đa số biểu quyết bỏ “Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu” (đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội viết trong Cương lĩnh 1991), ông ở phái thiểu số, hứa sẽ “phục tùng đa số”. Nhưng ông vẫn đưa “quốc doanh chủ đạo” vào Hiến pháp và không đa sở hữu hóa đất đai.
Nhưng khác với những gì dân mạng mắng mỏ, ông Trọng đã rất khôn ngoan trong đối ngoại (trừ phát biểu ở Cuba mà có lẽ ông tưởng là ở nhà – và, ông sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu sau những thành tựu rất đáng ghi nhận, bao gồm cả việc loại bỏ [nếu thành công] một nhà độc tài, tham nhũng, ông nên vui thú điền viên, tiếp tục sống cuộc đời thanh bạch).
Khi tôi hỏi về các chuyến thăm Hà Nội – Bắc Kinh và ngược lại, Đại sứ của một nước EU nói: “Việt Nam hiểu Trung Quốc”. Còn các nhà ngoại giao phương Tây mà tôi tiếp xúc đều cho rằng, không có phe thân Mỹ hay thân Tàu trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, họ tin là chính sách ngoại giao sẽ vẫn như thế bất luận ai lên, ai xuống.
Tôi phải nói với các bạn “thích Mỹ” rằng, nếu giờ đây Hà Nội đối đầu với Bắc Kinh, “nhất biên đảo” với Washington, Obama sẽ cuống lên ngay vì… khó xử.
Khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào biển Đông. Ông Trọng cho nhóm họp BCT ngay và đưa ra những kết luận và nguyên tắc ứng xử rất rõ ràng. Sinh thời, ông Võ Văn Kiệt vài lần gặp tổng bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu BCT đưa ra bộ nguyên tắc này nhưng ông Mạnh đã không làm.
Giàn khoan 981 đã xuất hiện ở biển Đông như một đường banh chạy qua khung thành đối phương khi “cầu thủ” Nguyễn Tấn Dũng đang đứng ở vị trí dễ dàng nhất để “sút”. Chính trị là một vai diễn. Trong sân khấu đơn điệu này, Nguyễn Tấn Dũng không có đối thủ.
Ba tuần sau đó, Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Philippine và ông đã rất xuất sắc khi đưa ra khái niệm “không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy tình hữu nghị viển vông”.
Tuy thoát hiểm sau vụ Vinashin, Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với uy tín xuống chưa từng có. Kể từ sau kiểm điểm Hội nghị Trung ương 4 và đặc biệt là sau khi thoát án kỷ luật, ông đã bám rất chặt vào “lá bài chủ quyền”.
Nhưng, những người quan sát trực tiếp biết rõ, khi rời những tờ giấy viết sẵn, Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức trở lại với trình độ của mình.
Tại diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La 31-5-2013), trong bài phát biểu nói về “niềm tin chiến lược”, Nguyễn Tấn Dũng có đề cập mơ hồ tới những hành động áp đặt trên biển Đông mang tính cường quyền. Trong phần đặt câu hỏi, một nữ quân nhân Trung Quốc đề nghị ông chỉ ra những hành động “cường quyền” đó đến từ đâu, Thủ tướng Dũng đã đực ra không tìm được một từ đáp trả.
Cũng tại Shangri-La, khi được một học giả Philippine đặt câu hỏi, Việt Nam có cùng Philippine kiện Trung Quốc ra tòa không, ông Dũng cũng chỉ trả lời ấp úng. Một nhà báo Việt Nam hoạt động nhiều năm trong khối ASEAN nói: “Trong các cuộc tiếp xúc thượng đỉnh, là người Việt Nam, tôi rất xấu hổ khi trong giờ giải lao trong khi thủ tướng Lào, Thái, CPC… tả xung hữu đột, Thủ tướng Việt Nam chẳng biết bắt chuyện với ai dù có phiên dịch ngay bên cạnh”.
Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu có thể xây dựng lực lượng, thâu tóm quyền lực từ khi làm thứ trưởng Bộ Nội Vụ (1994 – Công An hiện nay) và đặc biệt, đã từng làm ủy viên thường vụ BCT trước cả Nông Đức Mạnh và Phan Văn Khải (7-1996).
Trong tất cả các đời thủ tướng của chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều quyền lực nhất. Nhưng rất tiếc là ông đã không tận tâm sử dụng quyền lực đó cho quyền lợi quốc gia.
Khi ngành Dầu khí bổ nhiệm con trai làm Phó tổng giám đốc OSC, ông Võ Văn Kiệt đã cho thu hồi ngay quyết định. Khi chuẩn bị làm thủ tướng ông Phan Văn Khải cũng yêu cầu con trai rời khỏi các công ty tư nhân. Tôi không dám khẳng định có ai trong sạch trong thể chế này. Nhưng “người quân tử đi qua ruộng dưa không buộc dây giày”. Khi đương chức, những người tiền nhiệm của ông Dũng đã đều có ý thức giữ gìn rất rõ.
Thời gian vẫn còn để ông Dũng lật ngược thế cờ. Nhiều người lấy tỉ lệ phiếu Trung ương ở lần xét kỷ luật ông hay ở lần gạch tên ông Nguyễn Bá Thanh để phán đoán. Điều này hoàn toàn vẫn có thể xảy ra trong tuần sau. Nhưng phiếu của Trung ương hiện nay rất khác với hai lần trước.
Việc các ủy viên TƯ không bầu cho ông Nguyễn Bá Thanh – như tôi đã viết – là do ông khi chưa ấm chỗ ở Ba Đình đã dọa bắt với hốt. Các ủy viên TƯ cũng không kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng vì mức kỷ luật mà BCT đưa ra chỉ là “khiển trách”, có nghĩa, dù bị kỷ luật, theo Điều lệ, ông Dũng vẫn tại vị và tái cử. Không ai dám làm nhục một kẻ vẫn ngồi trên đầu họ, đang nắm kho thóc và đại đao.
Ông Dũng có rất nhiều người bỏ phiếu cho ông trước đây vì đơn giản, trong số các nhân vật trong bộ Tứ, ông có quá nhiều gót chân A-sin. Người ta bỏ phiếu bầu cho ông như giữ một con tin. Số phận của ông ở Trung ương 14 sẽ được quyết định ở chỗ họ còn tiếp tục nắm quyền lực thông qua con tin hay tự tay làm lấy.
Nhiều người hy vọng Nguyễn Tấn Dũng ngồi lại để “làm sụp cái thể chế này”. Tôi nhìn thấy một khả năng đen tối hơn đó là sự chiếm đoạt thể chế cho một kế hoạch lâu dài mang tính cha truyền con nối.
Tôi mong những dự đoán bi quan này của tôi là sai.
Tất nhiên, cho dù chúng ta “dồn phiếu ảo” cho ai. Chúng ta không có bất cứ một vai trò nào cả. Và, tất nhiên, cho dù, chúng ta bị đặt ra ngoài cuộc chơi, số phận của đất nước này vẫn nằm trong tay người thắng cuộc trong cuộc chơi của họ.
“Hào kiệt thời nào cũng có” nhưng hào kiệt làm sao có thể xuất hiện trong một môi trường chính trị không minh bạch. Cho nên, nếu chúng ta muốn tìm hào kiệt, chúng ta phải góp tay xây dựng dân chủ. Trên con đường đi tới dân chủ đó, thay vì sợ hãi, thỏa hiệp với những tên bạo chúa, độc tài, chúng ta phải góp phần để loại bỏ độc tài, bạo chúa.
Đừng vì quá mỏi mệt với giáo điều, trì trệ mà tung hô một nhà độc tài vì nghĩ ông ta dám phá bỏ những gì đang làm chúng ta mỏi mệt.
Không nên rủi ro một quốc gia bằng cách đặt cược sinh mệnh của quốc gia đó vào tay một cá nhân vì nghĩ ông ta là một nhà độc tài anh minh. Bởi, nếu ông ta không anh minh chúng ta sẽ tốn nhiều máu xương hơn để đòi lại.
“Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Dân chủ chỉ là cách phân chia quyền lực để hạn chế sự tha hóa của những kẻ cầm quyền. Dân chủ không phải là sản phẩm độc quyền của phương Tây dù nó bắt đầu ở phương Tây.
Cũng như internet – không phải được phát minh ở phương Đông nhưng vẫn rất được chúng ta hoan nghênh và đang làm thay đổi xã hội phương Đông.
Mưu cầu dân chủ không chỉ là công việc của những nhà đấu tranh, những người anh hùng, mà còn là của chúng ta, bằng chính những nỗ lực hàng ngày: tẩy chay cái ác, cái xấu; đồng cảm, lên tiếng khi có thể để bảo vệ những người lương thiện.
Dân chủ không phải là thứ được ban phát bởi những tên bạo chúa đã vơ vét cho đến khi thừa mứa. Dân chủ đòi hỏi chúng ta, trước hết, phải bước ra khỏi sự sợ hãi; dũng cảm nhưng không nên liều lĩnh, vội vàng.
6 Tháng Một, 2016.
Nguồn:Bộ Tứ. Blog Osin | Cái cây tìm sự cô đơn ở trên cao // Ngọn cỏ tìm sự đông đảo ở dưới đất. Tháng Một 6, 2016.
Vài lời phản biện “Bộ Tứ” của Huy Đức.
Hoang Nguyen Van
Bài hơi dài vì phải trích dẫn. Ai không muốn đổ vỡ thần tượng thì đừng vào. Ai muốn bảo vệ thần tượng thì… mời vào.
Hầu hết người đọc choáng khi ngay vào đầu, Huy Đức đã
“chỉ mong các bạn đừng quá thất vọng nếu ông Nguyễn Phú Trọng thì ở lại mà ông Nguyễn Tấn Dũng lại ra đi.”
Nhiều người sẽ nghĩ đó là kết quả đã được sắp xếp, Huy Đức biết và đang an ủi. Nếu đúng như Huy Đức nói thì xin chia buồn với nhân dân Việt Nam vì tiếp tục được… lầm than, thế nhưng, tính định hướng của câu nói đã tòi ra ngay sau, “cũng như các tổng bí thư khác, người đứng đầu đảng cộng sản làm sao có thể tuyên bố từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ô, thế ra xưa nay các vị ấy buộc phải theo thôi ư, ai cưỡng ép? Nhưng nói thế để nhân dân tưởng thật, thông cảm, bỏ qua cho ông Trọng.
Có điều mới lạ khi Huy Đức không ngại ngần cho mọi người thiếu hiểu biết (nên mới mắng mỏ ông Trọng) và khen “ông Trọng đã rất khôn ngoan trong đối ngoại”. Từ khi ông Trọng nắm quyền tới nay, thấy… nhõn Huy Đức khen.
Rồi Huy Đức tẩy bỏ quan điểm tồn tại phe nhóm:
“các nhà ngoại giao phương Tây mà tôi tiếp xúc đều cho rằng, không có phe thân Mỹ hay thân Tàu trong các nhà lãnh đạo Việt Nam.”
Theo nguyên tắc nếu không là suy đoán, lẽ ra Huy Đức nên đưa 1 cái tên (nhà ngoại giao) làm căn cứ, nhưng cứ tạm cho đó là thật, thì cũng chỉ để tham khảo chứ không là khẳng định chắc chắn (cũng như nhiều đài báo uy tín lâu nay BBC, VOA… đề cập đến phe thân Mỹ, thân Tàu trong bình luận cũng chỉ mang tính tương đối). Không hiểu Huy Đức bật ý này vì muốn dư luận không thấy phe thân Mỹ hay muốn bào chữa, thay đổi cái nhìn của mọi người với phe thân Tàu?
Không rõ Huy Đức dựa vào đâu để nói,
“nếu giờ đây Hà Nội đối đầu với Bắc Kinh, “nhất biên đảo” với Washington, Obama sẽ cuống lên ngay vì… khó xử.”
mà cũng không thấy giải thích vì sao? Nếu vì sợ mếch lòng Trung Quốc thì khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào biển Đông, Mỹ sang Việt Nam nhiều thế, như đi chợ, như con thoi, sao Mỹ quyết liệt can thiệp, ngăn chặn, lên án Trung Quốc, sao Mỹ ra nghị quyết về biển Đông, sao Mỹ giúp Việt Nam tăng cường an ninh biển, sao Mỹ dỡ bỏ 1 phần lệnh cấm vũ khí và nay là toàn bộ? Đâu có thấy Mỹ “khó xử”? Nếu nghĩ vì Obama do dự, hèn nhát thì sai rồi vì người Mỹ xưa nay không có chịu đứng nhìn. Thế nên về vụ này, Huy Đức đã đo nhầm lòng người quân tử Mỹ. Tiện đây hỏi luôn thành tựu đó nhờ ai nếu không từ ông Dũng? Nhờ ông Trọng chắc? Thế mà câu nói của Huy Đức rất rõ ẩn ý đe dọa Việt Nam có bỏ Tàu đi với Mỹ cũng không xong.
Huy Đức nói như đinh đóng cột,
“khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào biển Đông. Ông Trọng cho nhóm họp BCT ngay và đưa ra những kết luận và nguyên tắc ứng xử rất rõ ràng…”
Ô, cái này thuộc bí mật quốc gia đó nghe, bô bô thế mà không có kẻ vào tù thì quả tài. Nhưng chắc có vậy không hay Huy Đức… phịa để nâng vực hình ảnh ông Trọng bị dư luận chửi te tua qua việc xử lý sự kiện giàn khoan? Là vậy thì Huy Đức sẽ thất bại bởi trình độ, bản chất ông Trọng thế nào, nhân dân đã quá hiểu rồi, nhân dân không phải trẻ con để tôn trọng kẻ khinh miệt vùng miền, coi tham nhũng như “ngứa ghẻ”, “đánh chuột đừng để vỡ bình”, “tình hình biển Đông không có gì mới” qua vài khua môi múa mép vô căn cứ.
Tiếp theo, Huy Đức quay ra đả phá những việc làm nức lòng dư luận của ông Dũng, cho đó là ăn may,
“giàn khoan 981 đã xuất hiện ở biển Đông như một đường banh chạy qua khung thành đối phương khi “cầu thủ” Nguyễn Tấn Dũng đang đứng ở vị trí dễ dàng nhất để “sút”… “Nguyễn Tấn Dũng không có đối thủ”.
Ô, thế những người khác đâu, TBT, chủ tịch nước, chủ tịch QH đâu mà Huy Đức nói ông Dũng “không có đối thủ” hay nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc đã được giao cho riêng thủ tướng? Huy Đức không nhìn thấy hay chỉ thấy được như thế? Một nhận định ngớ ngẩn và buồn cười.
Huy Đức tận dụng cả những tiểu tiết:
“những người quan sát trực tiếp biết rõ, khi rời những tờ giấy viết sẵn, Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức trở lại với trình độ của mình.”
Lẽ ra trước khi nói như thế (để hạ hình ảnh?), Huy Đức phải chỉ ra vài lãnh đạo Việt Nam không đọc giấy khi phát biểu người ta mới coi thường ông Dũng. Huy Đức lôi cả chuyện
“Tại diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương, trong phần đặt câu hỏi, một nữ quân nhân Trung Quốc đề nghị ông chỉ ra những hành động “cường quyền” đó đến từ đâu, Thủ tướng Dũng đã đực ra không tìm được một từ đáp trả.”
Vâng, ông Dũng không “đáp trả” là kém nhưng nhưng nếu đem so với những “nhận thức chung”, “thỏa thuận cấp cao”, “làm sâu sắc” quan hệ với Trung Quốc của ông Trọng, ông Thanh cái nào hơn? Vả lại, ông Dũng chưa phải to nhất, mình ông Dũng đâu có quyền quyết. Thế nên ông Dũng ấp úng khi được hỏi “Việt Nam có cùng Philippine kiện Trung Quốc ra tòa không” là cũng đúng thôi. Còn việc ông Dũng “chẳng bắt chuyện với ai dù có phiên dịch ngay bên cạnh” có thể do bản tính hoặc do thấy chẳng cần thiết thì sao? Cái đó mà cũng bám vào thì thật là…
Khi lôi đến con cái, Huy Đức trưng tiền nhiệm Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và bóng gió người quân tử không cúi buộc giày khi đi qua ruộng dưa. Nghe thoảng mùi cay. Nói thế tránh sao người đời bảo ghen ăn tức ở với con ông Dũng? Điều nên và cần nói phải là phê phán ông Dũng chưa công khai, minh bạch trong việc bổ nhiệm con. Vấn đề đây là công khai, minh bạch chứ không thể lên án khi ông Dũng để con làm chính trị nếu đó là sở thích, sở trường của con ông ấy, như gia đình tổng thống Bush chẳng hạn. Mà đâu cần nói đến con thì mọi người mới biết là ông Dũng không quân tử, trong sạch?
Huy Đức sốt ruột lo lắng ông Dũng
“chiếm đoạt thể chế cho một kế hoạch lâu dài mang tính cha truyền con nối”.
Nếu nhân dân hèn đến mức để yên cho ông Dũng làm điều ấy thì xứng đáng thôi, nhưng hỏi thật nhé, cha truyền con nối và tập thể trị, đảng trị cái nào tệ hơn, cái nào đáng sợ hơn? Không có bạo chúa làm sao có động lực lật đổ, thay đổi, Huy Đức nắm rõ lịch sử mà? Một bạo chúa đã lo tốn xương máu thì tập thể bảo chúa lật sao nổi? Hi vọng ông Dũng thay đổi chế độ ở đây thực ra là thỏa thuận ngầm: đánh đổi của nhân dân với ông ta. Ông đã ăn tàn phá hại thì phải thay đổi đất nước, thế thôi, chứ chả ai cho ông ta là “anh minh” hay “hào kiệt” gì cả. Đấy là trong trường hợp nhân dân còn là nỗi sợ.
Huy Đức lập luận, “Trên con đường đi tới dân chủ đó, thay vì sợ hãi, thỏa hiệp với những tên bạo chúa, độc tài, chúng ta phải góp phần để loại bỏ độc tài, bạo chúa”. Nếu thỏa hiệp để nhanh chóng có dân chủ, yên bình, sao lại không? Mọi cuộc chiến đẫm máu còn có chỗ cho thỏa hiệp kia mà, miễn là mang tới tương lai tươi sáng. Không thỏa hiệp với cá nhân để tập thể trị, đảng trị dễ chịu hơn Huy Đức nhỉ? Và Huy Đức khuyên, “Đừng vì quá mỏi mệt với giáo điều, trì trệ mà tung hô một nhà độc tài vì nghĩ ông ta dám phá bỏ những gì đang làm chúng ta mỏi mệt”. Ai vì mỏi mệt mà tung hô ông Dũng nhỉ, có ai không, chả lẽ lại có người… ngu đến thế? Tôi lựa chọn ông Dũng vì thấy có các yếu tố thuận lợi hướng đến sự thay đổi (không có chúng, tôi chả lựa chọn). Có ai ngu nghĩ ông Dũng “anh minh” không? Nếu có thì nên chết đi vì thiếu hiểu biết.
Huy Đức khuyến cáo
“Không nên rủi ro một quốc gia bằng cách đặt cược sinh mệnh của quốc gia đó vào tay một cá nhân vì nghĩ ông ta là một nhà độc tài anh minh. Bởi, nếu ông ta không anh minh chúng ta sẽ tốn nhiều máu xương hơn để đòi lại.”
Tức là nên để tập thể trị, đảng trị thì hơn. Và để tập thể trị, đảng trị chúng ta dễ đòi lại hơn là vào tay 1 người. Có ai đồng ý không? Nếu tôi kêu gọi mọi người không thỏa hiệp với bạo chúa dù dân chủ đến nhanh, kêu gọi mọi người hãy tự đi tìm dân chủ có thể trong 1000 năm nữa, mọi người có ném đá tôi không, mọi người có bảo tôi đi chết không? Tầm cỡ như Huy Đức đáng ra phải nhìn xa hơn, lẽ ra phải biết nhân dân cần ông Dũng thay đổi chứ không cần ông Dũng lãnh đạo, tức khi thay đổi xong, ông Dũng về vui thú điền viên chứ không phải tại vị, trả chính quyền cho nhân dân.
Có thể khẳng định xuyên suốt từ đầu đến cuối bài viết là tinh thần hạ ông Dũng nâng ông Trọng mà điểm nhấn là kêu gọi thông cảm cho ông Trọng, không thỏa hiệp với ông Dũng. Tuy được dàn dựng, thể hiện một cách bài bản, có tính toán nhưng lập luận thiếu logic, thiếu chiều sâu, không có căn cứ, chủ quan, bám cả vào những tiểu tiết nhỏ nhặt – điều mà một nhà báo từng trải, học cao không bao giờ bị mắc vào. Đọc xong bài viết này, người có hiểu biết không thể không nhìn nhận, đánh giá lại về Huy Đức. Với tôi thì như đã viết, “chưa biết có quyết định được gì nhưng việc ủng hộ ai trong lúc này thể hiện cái tâm, cái tầm của con người”, và dù rất thất vọng nhưng vẫn phải thốt ra, Huy Đức đã tự phá hỏng hình ảnh và giá trị bằng bài viết này.
N.V.H
Huy Đức đã tự phá hỏng hình ảnh, giá trị bởi lập luận thiếu logic, không có căn cứ, chủ quan.
Nguồn:Vài lời phản biện “Bộ Tứ” của Huy Đức. Facebook Hoang Nguyen Van, 8/1/2016.
DCVOnline minh họa