Chủ nghĩa Cực đoan và chủ nghĩa Đơn giản hóa mang tính thời đại

Nguyễn văn Lục

Nhiệm kỳ bốn năm của cựu tổng thống Trump là một thất bại cho cá nhân ông, gia đình ông ấy và cho những ai dại khờ bị khuyến dụ. Nó cũng là một nhiệm kỳ tổng thống dựa trên dối trá sụp đổ và phá sản.

Cuộc nổi loạn ngày 6 tháng 1, 2021 ở Quốc họi Mỹ của những người theo Chủ nghĩa Cực đoan. VASILIS ASVESTAS / SHUTTERSTOCK

Lịch sử đôi khi cần được nhìn lại. Điều tưởng mới thật ra chỉ là quá khứ tái diễn, như bình cũ rượu mới.

Thuật ngữ Chủ nghĩa Cực đoan phần lớn được dùng trong ngữ cảnh chính trị hay tôn giáo, đề cập đến một hệ tư tưởng của một người hay một nhóm người có khác biệt rất lớn với ứng xử chính thống được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, Chủ nghĩa Cực đoan cũng có ý nghĩa trong kinh tế nhưng sẽ không nằm trong phạm vi bài này.

Sự cực đoan thời đại nào cũng có.

Thời Hitler với chủ nghĩa bài Do Thái (chỉ một thành phần của chủ nghĩa Quốc xã) đã có hàng triệu-triệu người Đức, trí thức có, thanh niên thiếu nữ có, sùng bái và tuân theo.  Đã đến lúc phải tự hỏi để thấy tại sao những lý thuyết về chủng tộc tuyên truyền bài Do Thái của Đức Quốc Xã đã kéo theo được hàng triệu người.

Phong trào völkisch, do những nhà tư tưởng như Houston Stewart Chamberlain và Paul de Lagarde phát triển, chấp nhận một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc giả khoa học coi người Do Thái là một chủng tộc đối thủ trong cuộc chiến sinh tử với chủng tộc Aryan (người Đức) để thống trị thế giới. Ý thực hệ này đã trở nên phổ biến trên khắp nước Đức; các tầng lớp chuyên nghiệp đã áp dụng một hệ tư tưởng không coi con người là bình đẳng về mặt chủng tộc với giá trị di truyền bình đẳng. Đảng Quốc xã (hoặc Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức) nguyên khởi là một nhánh của phong trào völkisch, và nó đã áp dụng chủ nghĩa bài Do Thái của phong trào đó.

[Xem Fischer, Conan (2002). The Rise of the Nazis. New Frontiers in History (Second ed.). Manchester, UK: Manchester University Press. ISBN 0-7190-6067-2. Trang47-49. Friedlander, Henry (1994). “Step by Step: The Expansion of Murder, 1939–1941”. German Studies Review. 17 (3): 495–507. doi:10.2307/1431896. JSTOR 1431896. Trang 495-496.]

Hậu quả khốc liệt như thảm kịch cho nhân loại đã đưa đến là 6 triệu người Do Thái bị săn lùng tại một số nước Âu Châu và họ đã chết trong các trại tập trung.

Điều đó cho thấy Chủ nghĩa cực đoan vẫn có khả năng hấp dẫn và lôi kéo được cả hàng triệu nghe theo Hitler ở tiền bán thế kỷ 20 hay như Donald Trump ở  đầu thế kỷ 21. Cho nên đùng lấy làm lạ, một TT thuộc loại tồi tệ nhất  trong lịch sử Hoa Kỳ cũng đã lôi kéo được hàng vài chục triệu người theo và tôn sùng, hay ít nhất là đã bỏ phiếu cho ông.

Và điều đó không xa lạ gì đối với những người da trắng cực đoan và một đám người Việt tị nạn, chống cộng cực đoan gặp đã gặp nhau. Bệnh tưởng thoát Trung trở thành cơn cuồng của người Việt trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Nó chỉ là một phiên bản như những kẻ độc tài để lại vết nhơ trong lịch sử nhân loại như Stalin, Mao Trạch Đông.   

Trong những ngày gần đây, chủ nghĩa cực đoan trở biến hình mang tính phe phái, mất quân bình, đen trắng lẫn lộn. Để bổ túc cho chủ nghĩa cực đoan độc tôn, còn kèm theo chủ nghĩa đơn giản hóa biện biệt giữa: kẻ thù và bạn. Ai theo ta, cùng ý kiến là bạn. Ai nghịch ta là kẻ thù đến độ mất khả năng mà trong triết học gọi là tri thức luận (hay nhận thức luận). Nghĩa là mất khả năng đi tới sự thật (chân lý hay lý lẽ biện minh).

Thật là nghịch lý khi những người chống cộng sản độc tài đảng trị kịch liệt nhất, hăng say nhất lại ăn phải bả cộng sản. Họ chống cộng sản nhưng làm theo y như cộng sản. Càng chống cộng cuồng nhiệt càng hành động như là con đẻ của cộng sản.

 Cộng sản chủ trương độc quyền của Đảng, độc quyền yêu nước. Người chống cộng cũng chủ trương độc quyền chống Cộng.  Trong các buổi tụ họp có tính cách riêng tư của một tổ chức nào đó, đoàn thể nào đó mà không treo cờ, không hát Quốc ca. Họ bị gán là thân cộng.

Cờ trở thành tiêu biểu của lập trường chính trị độc tôn và độc quyền. Cờ không của riêng ai. Xin đừng lạm dụng.

Chẳng lạ gì khi họ biểu tình bạo động tại tòa nhà Quốc Hội. Lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa: Cờ vàng ba sọc đỏ đã bị lạm dụng, gây tủi nhục cho những người lính VNCH đã nằm xuống vì lá cờ linh thiêng ấy của miền Nam những năm trước 1975.

Cộng sản chủ trương đơn giản hóa mối tương quan Ta-Bạn-Thù. Chiếm miền Nam phân biệt đối xử kẻ thua người thắng. Thắng là các đồng chí. Thua là ngụy: ngụy quân, ngụy quyền, có nợ máu với nhân dân phải đi cải tạo. Người nhẹ tùy theo cấp bậc và binh chủng bị giam từ hai đến ba năm. Người nặng tội đến hơn 15 năm. Cả gia đình, vợ con cái ngụy quân ngụy quyền đều mất quyền lợi công dân như mất nhà cửa, bị đẩy đi vùng kinh tế mới. Con cái không được theo học các trường chuyên môn vì có cha mẹ là ngụy.

Người Việt hải ngoại cuồng tín như bị tẩy não từ những năm tháng ấy, cũng bắt chước phân biệt ai là bạn, ai là thù. Nhiều người quốc gia bị chụp mũ cộng sản vì không đồng chính kiến với họ. Họ là  những người bạn trong bàn nhậu, chửi vung vít. Nếu là thù thì sẽ bị tẩy chay, bị chụp mũ.

https://medium.com/@pacificatrocities/

Nhiều người đã chạy trốn cộng sản, liều chết rời khỏi Việt Nam vì nạn độc tài, độc đảng, vì mất tự do phát biểu, nay có lẽ phải chạy lánh cộng đồng ở hải ngoại một lần nữa. Họ là thiểu số, im lặng, không lên tiếng.

Tinh thần của chủ thuyết đơn giản hóa còn đi xa hơn một bậc bằng thứ logic Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Một số nhân vật lãnh đạo truyền thông Thiên Chúa giáo đã hân hoan mở vòng tay đón nhận những thành phần bất đồng chính kiến với Đảng cộng sản (như nhưng người ra khỏi đảng) và sẵn sàng hợp tác in ấn các sách vở của họ. Nhưng cũng khó để vơ đũa cả nắm.

Có một thiểu số chính đáng trung thực, chống đảng cộng sản và từng đi tù. Ngoài một số ngoại lệ ấy ra, đa số các trường hợp bỏ đảng vì những lý do cá nhân khó biết được. Như sau khi đã về hưu, cho nghỉ việc, bị mất chức mất quyền, bất mãn cá nhân hoặc bị thất sủng. Tại sao những người này không chống đối chế dộ khi còn tại chức. Tại sao họ đã im lặng. Khi được đảng dùng, ban cho họ chức tước, bổng lộc thì họ có chống đối không?

Người ta đã từng thấy các tổ chức đoàn thể trên Ti-vi với cờ quạt chống Cộng đã tận tụy ra tận phi trường đón tiếp họ như những người anh em (chưa khi nào thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ) về đoàn tụ.

Hoàng Hải Thủy đã có lần than vãn với tôi là:

Hai lần đi tù cộng sản. Sang bên này chẳng được ai đón trong khi cộng đồng trải thảm đỏ đón tiếp bọn người bất đồng chính kiến (từ miền Bắc).

Hoàng Hải Thủy
Từ trái: Chu Tất Tiến, Nhã Lan, Trần Khải Thanh Thủy, Đinh Quang Anh Thái. Nguồn: VIỆT BÁO (10/08/2013)

Thật là bất công, vô lý và khôi hài.

Nhưng những thành phần mà cộng sản thả ra nước ngoài đối với cộng sản là sản phẩm dư thừa vô tích sự, một món hàng để trao đổi. Thử hỏi xem trong số có ít nhất vài chục người “bất đồng chính kiến” được cộng sản thả, ra nước ngoài sống, có bao nhiêu người đã làm được việc gì đáng kể. Vài lời tuyên bố huyênh hoang lúc mới sang, sau đó lo cho vợ con gia đình họ. Bất đồng chính kiến để chỉ được cái thế nạn nhân bị chà đạp nhân quyền được Mỹ rước sang Hoa Kỳ ăn trợ cấp.

Cái thế “nạn nhân” ấy đã không còn nữa, do tự họ đốt cháy, ngay từ lúc bước chân lên máy bay rời khỏi Việt Nam.

Chia xẻ với họ, nhưng không thể đồng hành với họ.

Phần những người Việt tị nạn cộng sản, hãy nhớ lại mình. Nhớ lại bài học ít nhất từ một đến hai lần phải rời bỏ quê cha đất tổ. Nghĩ lại cũng đau lắm chứ. Mất mát lắm chứ. Nhưng hãnh diện và tự hào cũng có.

Đó là bài học vô giá cho bản thân họ và cộng đồng. Đáng nhẽ, phải đồng một lòng chung vai đoàn kết và tương trợ nhau. Đáng lẽ là một khối đoàn kết, một sức mạnh. Đáng lẽ nhiều thứ lắm mà cộng đồng mong mỏi, chờ đợi ở họ.

Bài học kinh nghiệm đau thương ấy không giúp gì được họ, mà còn ngược lại.

Trước đây họ chống cộng thì nay họ lo chống nhau, chia rẽ, bè phái, nát như tương vò. Mỗi ông một vùng dương oai diễn võ với cờ quạt, quân phục nhiều binh chủng, lon chậu, v.v..  Cờ quốc gia, bộ quân phục vẫn có chỗ của nó nếu được xử dụng đúng lúc, đúng chỗ trong nghiêm chỉnh. Nhưng xử dụng quân phục, và lá cờ bừa bãi trở thành trò lố bịch, đáng xấu hổ. Quá khứ cần được tôn trọng, nhưng nó không thể trở thành liều thuốc ngủ qua đêm. Nói thế kể đã đủ. Thôi đã hết rồi. Hết thật rồi.

Nó làm nản lòng nhiều người.  Nó là một nỗi thất vọng cho thế hệ tiếp nối, nhận một gia tài mục nát. Những người trẻ hơn, thuộc thế hệ sau thường phàn nàn là thế hệ các anh đã hết thời và hết thuốc chữa.

Tôi đành cúi đầu im lặng nhìn nhận vì có tôi trong đó. Chia tay thế hệ 1955-1975 và xin lỗi thế hệ đàn em.

Cuộc di cư năm 1954-1955, ngồi nhớ lại, ít nhất cũng cho chúng tôi một niềm tự hào đã một thời như thế. Cuộc di cư lần thứ hai nay có thêm khối đông dân miền Nam nhập cuộc. Nó đã làm cả thế giới xúc động và mở rộng vòng tay đón nhận như hậu quả  bi kịch của những con người liều chết đi tìm tự do. Nhiều thảm kịch đủ loại về số phận thuyền nhân và nhất là số phận phụ nữ trẻ em, với cảnh bị hãm hiếp, bị quăng xuống biển và dẫn đi mất tích.

Thế giới xúc động về những câu chuyện thuyền nhân và mở rộng bàn tay đón nhận.

Rất nhiều cảnh vượt thoát nay xem lại vẫn bùi ngùi thương cảm cũng như những tổ chức như con tàu Ánh sáng, các cuộc cứu vớt người trên biển của Hải quân Hoa Kỳ, thương thuyền đủ loại của thế giới, v.v.

Vậy mà nay, nhiều người đã quên cội nguồn, quên mình vốn là người da vàng mũi tẹt. Họ vênh váo sẵn sàng miệt thị những sắc dân tỵ nạn khác vfa vội quên rằng chúng ta, đã từng là những người tị nạn không khác gì những người tỵ nạn ngày bay.

Thuyết âm mưu với tin giả củng cố thêm chủ nghĩa độc tôn và thuyết đơn giản hóa

 Thuyết âm mưu như cái bè nổi giữa biển khơi vớt những kẻ đang chết đuối — những kẻ tuyệt vọng, những kẻ lỗi thời, những kẻ thất bại ngoài đời, nhưng kẻ thua cuộc — đưa họ vào một cơn mê sảng như một lối thoát. Cả một thế hệ tuyệt vọng gửi niềm tin vào những cơn mê cuồng tín rằng Trump có thể giải thoát họ khỏi bàn tay Trung Cộng.

Tôi tự hỏi, họ có gì đổi thay lúc này. Khi mà nhóm Proud Boys cảm thấy bị lừa đã nhạo báng lại Trump.

Thuyết âm mưu tồn tại nhờ đánh đúng vào tâm lý những người kể trên. Nó nói về một nhà nước ngầm (Deep State) và cho rằng chủ trương âm mưu của đảng Dân chủ nhằm triệt hạ Donald Trump. Và chỉ có D. Trump mới cứu vãn được nước Mỹ. Không có Trump như một Đấng Cứu Thế, nước Mỹ sẽ rơi vào tay cộng sản. Đó là những lời dối trá, mỵ dân, khuấy động và xuyên tạc trong 4 năm sóng gió của vị tổng thống vừa thất cử. Nó không cho phép bất cứ người Mỹ, người gốc Việt cũng như thế giới yên ổn trong 4 năm đó. Nó gây kinh ngạc và sửng sốt cũng như gây chia rẽ như chưa tùng thấy bao giờ. Nhiều người ngày nay đã thở phào sau bốn năm xáo trộn ấy.

Nhiều người Mỹ thượng tôn da trắng (Proud Boys, nhóm tân quốc xã) đã tin như thế. Cộng với một số đông người Việt ở California – tiểu bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân Chủ — lại chỉ tin vào một TT. Trump.

QAnon người Việt còn tung tin chia buồn TT J. F. Kennedy mới chết ngày 30 tháng 1, 2021, thọ 103 tuổi.

Người dùng Facebook (ở Việt Nam) đăng tin của “Cơ quan Tình báo QAnon”: Tổng Thống thứ 35 của Hoa kỳ JOHN F.KENNEDY. Sinh ngày 29/5/1917 tại Brookline,Massachusetts, USA.
Sau 58 năm sống ẩn dật, kể từ ngày bị mưu sát tại Dallas, Texas. Năm 1963.
Đã được Chúa gọi về vào ngày Jan 30.2021.
Hưởng Đại Thọ 103 tuổi.
Nguồn Facebook

Nhiều người đã khóc lóc thảm thiết, đã buồn thảm trong im lặng, đã mất ăn mất ngủ khi được tin ông Trump chính thức chấp nhận thua cuộc và rút lui về Florida.

Thật gớm thay cho Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) và thuyết âm mưu.

Nhưng thuyết âm mưu với tin đồn giả, thất thiệt nó gợi nhớ tới trường hợp của thượng Nghị sĩ, đảng Cộng Hòa Joseph McCarthy.

Tác giả cuốn Demagogue: The Life and Long Shadow of Senator Joe McCarthy của Larry Tye để lại cho chúng ta một bài học: có một sự đồng điệu giữa McCarthy và Trump. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, McCarthy tạo một mối nghi ngờ rằng cộng sản xâm nhập khắp nơi mà không đưa ra được bằng cớ.  Ông chỉ tuyên bố có danh sách mạng lưới gián điệp, nhưng không tiết lộ ra. Điều đó càng cho thấy bài học của Mc Carthy để lại ứng nghiệm với bây giờ. Nó để lại cho thấy sự dối trả, sự dèm pha, vu khống kẻ đối lập. Nói thổi phồng sự dối trá. (Đài BBC 3-3- 2021 hay sách trên Amazon 7-July- 2020)

Video: 1950: McCarthy claims communist infiltration. Vào tháng 2 năm 1950, Thượng nghị sĩ Joe McCarthy tuyên bố rằng Liên Xô đã xâm nhập vào các tổ chức của Mỹ.

McCarthy đã lên như một ngôi sao sáng trong chính trường nước Mỹ sau khi ông đọc phát biểu ngày 9 tháng 2 năm 1950,  nhân Ngày Lincoln ở Tây Virginia. Lời phát biểu chính xác của McCarthy vẫn là một vấn đề tranh luận, vì không có bản ghi âm lưu trữ. Tuy nhiên, có  sự đồng thuận là ông ta trưng dẫn một tờ giấy mà ông tuyên bố có một danh sách những người Cộng sản hiện làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ. McCarthy thường được trích dẫn đã nói:

“Bộ Ngoại giao đầy cộng sản. Tôi có trong tay một danh sách 205 — một danh sách tên những  người mà Bộ trưởng Ngoại giao đã biết là đảng viên của Đảng Cộng sản và họ, tuy nhiên,  vẫn đang làm việc và định hình chính sách của Bộ Ngoại giao.”  

Joseph R. McCarthy

[Xem Griffith, Robert (1970). The Politics of Fear: Joseph R. McCarthy and the Senate. University of Massachusetts Press. p. 49. ISBN 0-87023-555-9 và Phillips, Steve (2001). “5”. In Martin Collier, Erica Lewis (ed.). The Cold War. Heinemann Advanced History. Oxford: Heinemann Educational Publishers. p. 65. ISBN 0-435-32736-4. Retrieved December 1, 2008.]

Theo McCarthy, sự xâm nhập của cộng sản xâm nhập vào các cơ quan chính quyền đến cả Quốc Hội. Trong đó TT Eisenhower cũng bị phê phán. Nó tạo ra một bầu khí nghi ngờ rằng ai cũng có thể bị cộng sản mua chuộc được.

Tương tự như Donald Trump, Joe McCarthy bị Thượng viện lên án và chỉ trích trong vụ xét xử ngày 2 tháng 12, 1954 vì hai tội, tróng đó có tội ‘cố ý lừa dối’ và ‘gian lận’. Sau đó, Joseph McCarthy tiếp tục vai trò thượng nghị sĩ thêm trong hai năm rưỡi nữa. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông đã cháy rụi.

Lúc cuối đời cho thấy, ông là một người nghiện rượu và morphine. McCarthy qua đời tại Bệnh viện Hải quân Bethesda vào thứ Năm, ngày 2 tháng 5 năm 1957, khi mới 48 tuổi. Giấy chứng tử của ông ghi nguyên nhân cái chết là “Viêm gan cấp tính, không rõ nguyên nhân”. Báo chí ám chỉ rằng ông chết vì nghiện rượu (xơ gan), một ước tính ngày nay được giới viết tiểu sử hiện đại chấp nhận.

[Xem Herman, Arthur (2000). Joseph McCarthy: Reexamining the Life and Legacy of America’s Most Hated Senator. New York: Free Press. pp. 302–303. ISBN 0-684-83625-4.]

Qua câu chuyện về Mc Carthy, cá nhân tôi đã rời Facebook vì không đủ khả năng phân biệt chính tà như truyện Kim Dung từng để lại.

Nhiệm kỳ bốn năm của cựu tổng thống Trump là một thất bại cho cá nhân ông, gia đình ông ấy và cho những ai dại khờ bị khuyến dụ. Nó cũng là một nhiệm kỳ tổng thống dựa trên dối trá sụp đổ và phá sản.

Với tổng thống vừa đắc cử, sau bóng tối của quá khứ là bốn năm để mở ra một vận hội mới. Nhưng thách thức lớn lao nhất của chính quyền mới là lập lại vị trí trên trường quốc tế đã có trong quá khứ và dựng lại niềm tin ở người dân Mỹ.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa.